Nghị định thư về quét mìn

Nghị định thư của Hiệp định Paris về tháo gỡ, làm mất hiệu lực vĩnh viễn, phá hủy mìn ở vùng biển, các cảng, sông ngòi Việt Nam dân chủ cộng hòa  (1973) 

Hiệp định Paris 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam có kèm theo bốn Nghị định thư về các vấn đề:

  • Về việc trao trả nhân viên quân sự bị bắt, thường dân nước ngoài bị bắt và nhân viên dân sự Việt Nam bị bắt và giam giữ;
  • Về ngừng bắn ở miền Nam Việt Nam và về các Ban liên hợp quân sự;
  • Về Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát;
  • Về tháo gỡ, làm mất hiệu lực vĩnh viễn, phá hủy mìn ở vùng biển, các cảng, sông ngòi Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Do chỉ đề cập đến những vấn đề liên quan đến Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và Việt Nam dân chủ cộng hòa, bản Nghị định thư thứ tư sau đây chỉ có hai bên Hoa Kỳ và Việt Nam dân chủ cộng hòa tham gia ký kết và thực hiện:

[Vietnamese text — Texte vietnamien]



NGHỊ ĐỊNH THƯ CỦA HIỆP ĐỊNH VỀ CHẤM DỨT CHIẾN TRANH, LẬP LẠI HÒA BÌNH Ở VIỆT NAM VỀ THÁO GỠ, LÀM MẤT HIỆU LỰC VĨNH VIỄN, PHÁ HỦY MÌN Ở VÙNG BIỂN, CÁC CẢNG, SÔNG NGÒI VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA


Chính phủ Hoa Kỳ,

Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa,

Thực hiện đoạn 2 của Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ký vào ngày này,

Đã thỏa thuận như sau:

Điều 1

Hoa Kỳ sẽ quét sạch tất cả mìn mà Hoa Kỳ đã đặt tại vùng biển, các cảng, sông ngòi Việt Nam dân chủ cộng hòa. Việc quét sạch mìn này sẽ thực hiện bằng cách làm mất tác dụng thông qua việc tháo vớt, làm mất hiệu lực vĩnh viễn, phá hủy.

Điều 2

Nhằm bảo đảm an toàn lâu dài cho người và tầu thuyền qua lại, bảo vệ các công trình quan trọng, sẽ tiến hành tháo vớt hoặc phá hủy mìn trên những khu vực theo yêu cầu của Việt Nam dân chủ cộng hòa và những nơi nào không tháo vớt được hoặc phá hủy thì làm mất hiệu lực vĩnh viễn, cần đánh dấu những nơi có mìn đã làm mất hiệu lực.

Điều 3

Công việc quét sạch mìn sẽ bắt đầu vào hai mươi bốn giờ (giờ GMT) ngày hai mươi bảy tháng giêng năm một nghìn chín trăm bảy mươi ba. Đại diện của hai bên sẽ gặp nhau ngay trao đổi những yếu tố có liên quan để thỏa thuận về thời gian phấn đấu hoàn thành sớm nhất việc quét sạch mìn.

Điều 4

Công việc quét sạch mìn sẽ tiến hành theo ưu tiên và thời gian được hai bên thỏa thuận. Nhằm mục đích đó, đại biểu của hai bên sẽ sớm gặp nhau để thỏa thuận về chương trình và kế hoạch thực hiện. Nhằm mục đích này:

a) Hoa Kỳ sẽ cung cấp kế hoạch của mình cho công việc quét sạch mìn, kể cả những bản đồ những bãi mìn và tài liệu về chủng loại, số lượng và tính năng mìn;

b) Việt Nam dân chủ cộng hòa sẽ cung cấp bản đồ, tài liệu thủy văn mình có và nêu rõ những chỗ có những mìn, vật có thể gây nguy hiểm cho công việc quét sạch mìn mà Việt Nam dân chủ cộng hòa biết;

c) Hai bên sẽ thỏa thuận về thời gian thực hiện mỗi bộ phận trong kế hoạch và kịp thời thông báo cho công chúng ít ra bốn mươi tám tiếng đồng hồ trước khi bắt đầu công việc quét sạch mìn cho bộ phận đó.

Điều 5

Hoa Kỳ sẽ chịu trách nhiệm về việc quét sạch mìn tại các sông ngòi thuộc nội địa Việt Nam dân chủ cộng hòa. Việt Nam dân chủ cộng hòa sẽ tham gia tích cực với hết khả năng của mình vào việc quét sạch mìn cùng với sự cung cấp của Hoa Kỳ về phương tiện để xác định vị trí mìn, phương tiện tháo vớt, phá hủy mìn, và sự hướng dẫn kỹ thuật.

Điều 6

Nhằm bảo đảm an toàn cho người và tầu thuyền đi lại trên sông, trên biển, trong quá trình tiến hành việc quét sạch mìn, Hoa Kỳ sẽ kịp thời thông báo tin tức về sự tiến triển của công việc quét sạch mìn tại mỗi khu vực và những mìn còn lại sẽ phải phá hủy. Hoa Kỳ sẽ ra một thông cáo khi công việc đã hoàn thành.

Điều 7

Trong khi tiến hành công việc quét sạch mìn, các nhân viên Hoa Kỳ tham gia việc quét sạch mìn sẽ tôn trọng chủ quyền của Việt Nam dân chủ cộng hòa và sẽ không có hoạt động gì không phù hợp với Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Nghị định thư này. Các nhân viên Hoa Kỳ tham gia việc quét sạch mìn sẽ được miễn trừ về mặt pháp lý đối với Việt Nam dân chủ cộng hòa trong thời gian làm nhiệm vụ quét mìn.

Việt Nam dân chủ cộng hòa sẽ bảo đảm an toàn cho các nhân viên Hoa Kỳ trong thời gian họ ở trên lãnh thổ Việt Nam dân chủ cộng hòa để làm công tác quét sạch mìn, và sẽ cung cấp cho các nhân viên đó mọi sự giúp đỡ có thể được và những phương tiện tại Việt Nam dân chủ cộng hòa mà hai bên thỏa thuận.

Điều 8

Nghị định thư này của Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam sẽ có hiệu lực khi được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Hoa Kỳ và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ký.

Hai bên sẽ thi hành triệt để Nghị định thư này.

Làm tại Pa-ri ngày hai mươi bảy tháng giêng năm một nghìn chín trăm bảy mươi ba bằng tiếng Anh và tiếng Việt Nam. Bản tiếng Anh và tiếng Việt Nam đều là những bản chính thức và có giá trị như nhau.



Thay mặt
Chính phủ Hoa Kỳ:
Thay mặt
Chính phủ Việt Nam
dân chủ cộng hòa:

[Signed – Signé]
WILLIAM P. ROGERS
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

[Signed – Signé]
NGUYỄN DUY TRINH
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".

Tác phẩm này được lấy từ một tài liệu chính thức của Liên Hiệp Quốc. Chính sách của tổ chức này quy định hầu hết các văn bản đều thuộc phạm vi công cộng nhằm mục đích phổ biến "ngày càng rộng rãi các ý tưởng (nếu có) trong các ấn phẩm của Liên Hiệp Quốc".

Căn cứ vào văn bản Administrative Instruction ST/AI/189/Add.9/Rev.2 của Liên Hiệp Quốc bằng tiếng Anh, các tác phẩm sau đây thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới:

  1. Các biên bản chính thức (biên bản hội nghị, biên bản theo đúng nguyên văn và bản tóm tắt, ...)
  2. Các tài liệu của Liên Hiệp Quốc có kèm theo biểu tượng Liên Hiệp Quốc
  3. Các tư liệu thông tin công cộng được thiết kế chủ yếu nhằm thông tin cho công chúng về hoạt động của Liên Hiệp Quốc (không bao gồm các tư liệu thông tin công cộng được dùng để bán).