Đời cách mạng Phan Bội Châu/Ý kiến cứu quốc của ông Cường Để

Ý KIẾN CỨU QUỐC CỦA ÔNG
CƯỜNG-ĐỂ

Bức thư ở Nhật gửi về
dâng vua Khải-Định

Dưới tập « NGỤC TRUNG THƯ », có in phụ lục bức thư của ông Kỳ ngoại-hầu Cường-Để là Hội-chủ Việt-nam Quang-phục-hội gởi về nước dâng vua Khải-định vào khoảng sau hồi Âu-chiến. Trong thư, ông Cường-Để ân cần bày tỏ chánh-kiến cứu quốc. Chẳng rõ bức thư này hồi đó có dâng tới đức Tiên-đế ngự lãm không.? Theo như chúng tôi tưởng, những chính kiến trong thư bày tỏ tuy có nhiều ý đã cũ nhưng thật cũng có nhiều tình tệ nên sữa thì đến ngày nay cũng vẫn còn mới. Muốn lưu lại những tài liệu cần dùng cho bộ lịch sử cách mạng mai sau nên chúng tôi nghĩ nên đăng luôn cả bản dịch này.

MỞ đầu mấy câu, ông Cường-Để nói về mình bỏ nước nhà có đấng trưởng-quân (chỉ vào vua Khải-Định) lên ngôi, rất mừng nghiệp cả được rực rỡ trung hưng; tuy ông ở trong cảnh vất vả ba-đào, nhưng tấc lòng lúc nào cũng thương nhà nhớ chúa, bởi vậy ông xin đem ý-kiến cứu-quốc bày tỏ.

Sau mấy câu chiếu lệ đó rồi, ông Cường-Để tỏ bày chánh kiến của ông như dưới đây.

LẼ THỊNH SUY

THIẾT nghĩ: có thịnh mà chẳng thế nào khỏi có lúc, suy ấy là vận-mạng. Có được mà chẳng thế nào khỏi có lúc mất, ấy là lộc-vị. Một cái mất mà không thể thâu lại được nữa là lòng người. Một cái đi mà không thể đuổi kịp được nữa là cơ hội.

Ngôi vua nhà ta từ lúc gây dựng lên ở phương nam, thần truyền thánh nối hơn 300 năm; tới lúc thống nhất đến giờ, trải 130 năm. Kể về vận-mệnh và lộc-vị, so sánh xưa nay chưa có trào vua nào được thanh như trào ta vậy. Trời làm táng loạn, cuộc bảo hộ thành, chúa ôm hư-danh, tôi đều nô-lệ, mồ hôi của trăm họ, chuyên nuôi người ngoài, bản-đồ trải bao đời, bỗng thành cõi lạ. Chắc hẳn Hoàng-thượng cũng ngày đêm đốt nhang vái trời, mong được quang-phục cơ-nghiệp của tổ-tiên.

Nhờ di-trạch của liệt thánh, anh minh của Ngô-hoàng, cho nên lòng người chưa chết, vẫn còn nhớ xưa, và lại cơ-hội mai sau, thật có dịp tốt, đó chính là thời kỳ có thể chuyển họa làm phúc, mà cũng chính là cơ-hội tốt, hơi buột tay một chút thì nó đi mất vậy.

Nhiều nạn là gốc hưng-bang, biết lo tất nhiên nảy sáng. Nếu ta biết tự-cường, thì trời cũng giúp đỡ.

Cường-Để tôi trộm nghĩ đại-cuộc của thế-giới cùng là xem phong trào nổi lên gần đây, nước Pháp bảo-hộ thịnh quá sắp đến lúc suy, kẻ xâm lược ta, đầy quá gần tới hồi đổ, tôi xin lấy lý-thuyết tỏ bày để làm chứng cho điều đó.

Sau lúc Âu-chiến kết thúc rồi, số dân nước Pháp, chỉ còn ngoài 30 triệu mà số dân Đức còn những 60 triệu dư. Người Đức soi lại gương trước họ đã thất bại vì thiếu ngoại-giao, nên chỉ gần đây họ đem toàn-lực lo về việc ấy. Đức với Nga đã ký mật ước đồng-minh từ năm tháng trước, Đức với Nhật lại hòa-hảo thân thiết, đã mấy năm nay. Một mai, nếu chiến cuộc lại gây ra — mà ngày đó không còn xa mấy — ba nước Nga, Đức Nhật chỉ trong nháy mắt là họ thành cuộc liên binh. Lúc bấy giờ Anh-quốc tất bị ràng buộc về phong trào cách mạnh ở Ấn-độ và vận động độc-lập của dân Ai-nhĩ-lan (Irlande), không còn bụng dạ nào lo giúp nước Pháp được. Địa vị Pháp quốc ở Đông-dương lúc đó tất phải rung rinh. Chừng ấy 60 triệu người Đức có thể đánh 30 triệu người Pháp mà thắng ngay.

Vậy thì ngay từ bây giờ người nước mình rán đem chí nằm gai nếm mật mà tính cách rèn sức đợi thời. Ví như con trùng khi nó co mình lại là để cầu duỗi ra, công việc hễ sắp đặt hẳn hoi thì tất là nên. Vì đó mà Cường-Để tôi xin phơi gan trải mật, đem những ý kiến khu-khu tâu bày Hoàng-thượng xem xét như dưới đây.

MỘT LÀ THÂU LÒNG NGƯỜI

MUỐN thâu lòng người, thì vua với dân nên nhất thể thân yêu nhau. Nước ta từ xưa tới giờ, vua dân trên dưới phân-cách nhau quá nghiêm, thành ra mọi sự tật khổ của dân gian, vua chúa đâu có hay biết. Trái lại, chánh trị chốn trào đình ra thế nào, người dân ở chỗ quê mùa thảo-giã cũng không được hỏi tới. Đến đỗi sự họa phúc lợi hại, không quan hệ dính dấp với nhau chút nào.

Mối tệ đó, các nước quân chủ như Anh với Nhật, thật là không có. Họ được duy-tân là phải lắm.

Vậy xin Hoàng-thượng từ nay, nên bỏ những nghi-lễ quá phiền, mở rộng con đường dễ dàng giản tiện cho dân. Lại bỏ cả thói tục kiêng cữ tên tuổi nhà vua một cách vô-vị, để tỏ lòng chí thành đối với dân; rồi thường thường thăm nom xem xét những điều tật khổ của họ, và ban bố đức hóa trào-đình. Như vậy để cho vua với dân có mối tình thân như cha con trong một nhà, ấy là căn bản rất lớn của cuộc Trung-hưng vậy.

HAI LÀ NUÔI DÂN-KHÍ.

NUÔI dân-khí thì phải làm cách nào cổ-võ cái tinh-thần mạnh bạo phấn-chấn của dân.

Dân nước mình ở dưới cái độc-oai chuyên chế đã lâu đời lắm rồi. Tham-quan ô-lại, áp-bức người ta nhiều bề. Dân thấy bọn đó coi như cọp dữ, xưa nay đã quen sợ sệt, thành ra tinh-thần họ bị đồi phế nhút nhát, trơ trơ gần giống tử-thi. Tới lúc có thời-cơ và công việc đưa lại, không thế nào mình sai khiến thúc-giục họ được.

Như thế thì dân-khí không bồi dưỡng không được.

Mà bồi-dưỡng cách nào?

Xin phải nghiêm cấm bọn quan lại không cho làm những việc tình tệ đè nén hiếp-bức bình-dân. Tới chừng dân-khí mạnh lên, thì oai quan phải lụt. Mà oai quan đã lụt, thì đức nhà vua lại càng được dân tôn sùng kính mến thêm.

Một mặt về pháp luật, những ai là người phạm tội chánh-trị chân chính, thì nên lấy ơn rộng rãi mà đối đãi với họ. Hiện thời Nam-kỳ đã theo luật tây, Bắc-kỳ cũng định luật mới, duy có Trung-kỳ vẫn để luật cũ, có nhiều điều phiền hà, mất cả công-đạo. Nếu mình không lo châm chước sửa đổi lại, thì tất nhiên là dân họ phải khuynh-hướng về luật tây công bằng rộng rãi hơn và phải chán ghét luật cũ rối ren hà khắc. Vậy có khác nào mình xua đuổi nhân dân Trung kỳ muốn làm bá-tính ở hai xứ Nam, Bắc-kỳ cho yên thân hơn.

Một mặt khác, về việc dạy học, như các sách lịch-sử giáo khoa nên đem những sự-tích và việc thật của các nghĩa-nhân liệt-sĩ ra khuyến-khích người ta học và bắt chước. Cái cơ-sở nuôi cao dân-khí quan-nệ ở đó. Dân-khí đã giầu lòng trung dũng, đến lúc có việc, tự nhiên có thể dùng họ làm đội quân tiên-phong trung vua yêu nước.

Việc này tôi xin triều đình nên lưu tâm chú ý cho lắm mới được.

BỒI BỔ DÂN-SINH, MỞ MANG TÀI-LỢI

ВА là « hậu dân-sinh », làm cách nào cho dân trong nước đều được no đủ giầu có.

Nước Nam nhà mình, nhân dân nghèo khổ, sinh kế lôi thôi, sánh với các nước trong hoàn cầu, nước mình thật là một ổ dân nghèo số 1.

Cổ nhân đã nói: « Cơm áo no đủ rồi mới biết sự vinh nhục, kho vựa có đầy rồi mới nói chuyện lễ-nghĩa ». Dân mình nghèo khổ thế kia, đói rét thiết thân, lo sống chưa rảnh thay, trông gì họ có tư-tưởng trung vua yêu nước cho được?

Ngày nay muốn cho mạch nước được bền, ngôi vua được vững, không còn việc nào cần kíp hơn là việc cứu sự sống của dân.

1. — Mở hết các nguồn lợi ra, nội là các sản-vật trong rừng dưới mỏ, mình phải khai phá, ai là những người chăm lo thực-nghiệp, mình phải khuyến khích. Trong dân có ai có tài có sức đi ra nước ngoài buôn bán, thì mình nên xin bảo hộ chính-phủ để cho họ được doanh nghiệp tự do.

Vả lại bao nhiêu mối lợi sông biển núi rừng, nhà quan nên thực hành xướng-xuất, chỉ vẽ cho dân bắt chước làm theo, và cùng làm với dân. Bất cứ ai có thể hùn-hiệp để mở xưởng công-nghệ, hay là tạo lập các cuộc canh-nông, súc-mục, xe lửa, tàu thủy, đèn điện, máy nước v.v.., chính phủ nên giúp đỡ họ, bao bọc họ, để cho trăm công ngàn việc, càng ngày mở mang, dưới đất không còn có mối lợi gì bỏ phí mà không khai khẩn lợi dụng. Như thế thì của dân ngày thêm dồi dào tức là thuế má nhà nước thâu vô ngày thêm đầy dẫy, quốc gia tích chứa sự giàu có ở dân, không còn cách gì hay hơn thế nữa.

2. — Cần phải khơi nguồn tài lợi, lại nên tính tiết tiêu dùng; bao nhiêu vật dụng tổn hao, thói tục xa-xỉ, phải nên cấm trừ cho hết. Mọi việc quan hôn tang tế, xưa nay dân mình hay đua nhau bày đặt hao phí, lại vướng thêm những thói xấu cờ bạc, rượu trà, nghiện hút, chính là đem tiền bạc quăng vào con đường hại thân phá sản, mình phải vì dân mà cải cách hay cấm trừ mới được.

Tiền bạc đó, nên đem tiêu dùng vào những việc hữu ích cho xã hội, thế thì đã bít được chỗ lậu-chi, còn thêm mở nguồn tài lợi, lo gì dân không trở nên giầu. Dân đã giầu rồi, bấy giờ ta giáo hoá họ, tự nhiên cái tư tưởng trung quân ái quốc có thời và có đất để đâm chồi nẩy nhánh trong tâm não người ta.

Mấy việc bày tỏ trên đây, nếu như được một người ở trên xướng xuất làm gương, quan dân ở dưới sốt sắng bắt chước, đối với lợi quyền kẻ bảo-hộ ta đã không tổn hại gì, mà về sinh mạnh nước mình thì nhiều phần lợi ích; há chẳng phải là một việc làm lưỡng lợi đó sao?

SỬA SANG QUAN CHẾ, TRỪ BỌN ĂN KHÔNG

VIỆC trọng yếu hơn hết, là sửa lại quan-chế, cải lương giáo dục.

Quan chế nước ta xưa nay, bắt chước của Tàu từ li từ chút, phần nhiều kẻ làm quan chỉ là ngồi trên danh vị hư không, chứ công việc làm chẳng ra gì. Có việc quốc-gia cần-dùng, thì lại không có quan chức nào làm được. Nhưng cái tệ chính đó, nói ra không cùng.

Hiện nay nước Pháp văn minh tiên tấn, đang làm hướng đạo của ta, thì ta nên lấy những cái sở trường của họ mà chữa những cái sở đoản của mình đi.

Quan-chế nước ta bây giờ nên bắt chước ngay quan-chế Pháp-quốc mà thi hành. Có quan nào tất phải là người làm trọn được chức vụ của quan ấy; có việc gi tất có quan chuyên-trách làm xong được việc ấy. Nhất thiết các việc công-nông, thương vụ, thiết-lộ, sơn-lâm, đều nên có quan chuyên trách mà quan ấy cần có chuyên trường, để triều-đình không có bọn ăn không ngồi rồi, quốc-gia mới có cơ cạnh tranh tấn bộ. Việc tối trọng yếu đó là một vậy.

Đến như việc giáo-dục càng là việc căn bản lớn của quốc-gia và nhân dân. Các trường sơ-học tiểu-học, làm khuyên mẫu rèn đúc quốc dân, ta càng nên gia sức chỉnh đốn. Tới đạo đức siêng năng liêm-sỉ, không thế nào không dùi mài, tinh thần mạnh dạn hùng dũng, không thế nào không vun đắp. Sách giáo khoa cho nhà trường nên chú trọng ở công-đức, cách thức dạy trẻ, lại cần kíp việc thể thao. Nhất là tư-cách các giáo-viên, phải xem xét lựa chọn cho nghiêm, thầy nào phẩm-hạnh kém, đạo đức hèn, thì phải đào thải ngay.

Cái kế lâu dài trăm năm, không có gì hơn là « trồng người », nhưng cái sức chống đỡ tòa nhà, chẳng phải chỉ một cây trụ mà đủ. Bởi vậy mỗi khoa-học nông, công, lâm, khoáng v. v. đều phải có trường riêng để rèn đúc nhân tài. Tại kinh-đô lập ra các trường chuyên-môn, kén chọn những học sinh tốt-nghiệp trung-học ở các tỉnh cho vào học, rèn đúc cho họ trở lên bậc nhân tài kiến thiết quốc-gia mai sau. Vả lại khuôn mẫu quốc dân đều nhờ nhà giáo, cho nên ở kinh đô lại nên lập một trường sự-phạm tối-cao, kén một người nào có đạo đức tốt đẹp có giáo-dục chuyên tài lên làm giám-đốc.

Xin Hoàng-thượng đem của tịch-súc trong kho ra, bồi bổ vào việc quốc-dân giáo-dục, rồi chọn lựa trong đám thanh-niên, ai là người thông-minh đứng đắn nhất thì cấp học-bổng cho họ đi ra ngoại-quốc học. Đó là điều vẻ vang cho Hoàng-thượng và cũng là cách bồi đắp cơ-sở quốc-dân giáo-dục vậy.

DỰ BỊ TỚI NGÀY NƯỚC NAM DỘC-LẬP

NHỮNG điều cốt yếu đã thuật trên đây nếu có thể mỗi mỗi thực hành, thì tự nhiên lòng người bền, dân-khí mạnh, dân sinh đầy đủ, việc dự bị độc-lập có thể lần lần thành công, rồi một ngày kia cơ-hội đưa tới, bấy giờ đài múa Ba-lan Ai-cập sẽ dựng lên ở nước nhà vậy. (Ba-lan trong hồi Âu-chiến, lìa Nga Đức và Áo ra mà độc-lập, nay thành ra một nước hùng cường tân lập ở phía Nam-Âu. Còn Ai-cập xưa bị Anh bảo-hộ, sau lúc Âu-chiến, dân Ai-cập phấn đấu cách mạng đến đỗi Anh phải buông quyền bảo-hộ, để cho Ai-cập độc-lập).

Đến như việc ngoại giao ở Á-châu thì ta thân Nhật thân Hoa, ở Âu-châu thì ta kết Nga kết Đức. Thân-bao-Tư phục Sở, phải nhờ có sức Tần-binh. Gia-cát-Lượng đánh Tào, trước phải hòa với Ngô-quốc. Bọn Cường-Để chúng tôi đem ngu kiến tỏ bày như thế, gọi là báo đền ơn nợ quốc-gia trong muôn một vậy.

Cơn giông cản trở, những toan đạp sóng chưa được toại lòng, đá núi gồ-ghề, chí muốn lấp biển vẫn còn như cũ. Thân nương đất lạ, hồn gửi nước nhà, những điều muốn nói còn nhiều, cúi xin Hoàng thượng soi xét.

Hoàng-triều năm Ất-mão
ngày 15 tháng 8
VONG-THẦN CƯỜNG-ĐỂ
cúi đầu dâng thơ