Người Nhựt đặt tên Mãn Châu là Đại Trung Quốc, có ý gì?

Người Nhựt đặt tên Mãn Châu là Đại Trung Quốc, có ý gì?  (1932) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6667 (27. 2. 1932)

Như Trung lập đã thuật lại theo điện tín của báo Tàu ở Hương Cảng trong một số trước, Nhựt Bổn tính lập Mãn Châu thành một Dân quốc (République) mà đặt tên là Đại Trung Quốc, do Trương Cảnh Huệ làm Tổng thống.

Tin đó chưa lấy gì làm chắc. Có điều thấy vậy thì cũng dịch mà đăng lên để bữa sau nghiệm thử coi trúng không đó thôi.

Chưa chắc, vì có những tin khác không trúng. Như bữa trước có tin rằng người Nhựt sẽ đặt Mãn Châu làm một nước Dân quốc, mà cử Phổ Nghi (tức phế đế Tuyên Thống) làm tổng thống trọn đời. Lại cho đến bữa nay mà cũng có báo khác nói người Nhựt sẽ tôn Tuyên Thống làm Hoàng đế ở Mãn Châu, đặt Mãn Châu làm nước quân chủ chớ không phải dân chủ.

Như vậy thì ra người nầy nói vầy, kẻ kia nói khác, hôm nay nói vầy, ngày mai nói khác, mình ở xa, biết đâu mà nghe, biết đâu mà tin? Chi bằng nghe thì nghe mà tin thì đừng tin vội. Hư thiệt thế nào, về sau sẽ rõ.

Có điều thấy cái tin nói người Nhựt đặt tên Mãn Châu là Đại Trung Quốc, khiến cho ai hay để ý về họ một chút cũng đều phải lấy làm lạ. Nếu như cái tin nầy mà thật, thì ba chữ Đại Trung Quốc có ý nghĩa lắm đó.

Người Nhựt từ xưa họ kêu người Tàu là "Đường", bởi họ thông với Trung Quốc bắt đầu từ đời Đường vậy. Thế nhưng gần đây, từ hồi có giao thiệp với các nước trong thế giới thì họ kêu Tàu bằng "Chi-na". Tiếng nầy là họ kêu theo Ăng Lê và có nhiều nước trong hoàn cầu cũng kêu Tàu như vậy.

Từ khi nước Tàu lập nên Dân quốc, đặt tên là "Trung Hoa Dân quốc", vậy mà người Nhựt cũng không chịu kêu Trung Hoa, cứ nhè Chi-na mà kêu mãi. Bởi theo như ý nghĩa chữ nho, thì hai chữ "Trung Hoa" có ý tự tôn tự trọng lắm. "Trung" là có ý nói mình ở chính giữa thiên hạ; "Hoa" có ý nói mình là dòng giống cao sang, ngoài ra là đồ mọi rợ không kể cho vào đâu hết thảy. Người Nhựt họ thông hiểu chữ Hán, nên họ thấy xưng quốc hiệu như vậy họ tức và ghét lắm, không chịu kêu theo.

Hồi Dân quốc mới thành lập, nhớ như hai chánh phủ, Trung và Nhựt, có gởi tờ biện bác nhau về vấn đề quốc hiệu nầy một độ, sau rút cuộc lại, người Nhựt cũng cứ kêu Chi-na.

Đã vậy thì sao phen nầy lập nước cho Mãn Châu, người Nhựt không đặt tên gì, lại đặt cho nó cái tên Đại Trung Quốc, cũng như Đại Trung Hoa, là cái tên xưa nay họ vẫn ghét? Nếu việc không thật thì thôi, bằng như thật thì trong sự đặt tên đó, thấy họ có giã tâm.

Mãn Châu mà kêu là Đại Trung Quốc, có ý lấy ba tỉnh ấy mà chọi với Trung Hoa. Lập cái danh hiệu ấy lên chẳng khác nào họ kêu hết thảy người Tàu và thế giới mà bảo rằng: đây mới thiệt là Trung Quốc; cái thế lực của Trung Quốc nầy sẽ ở trên cái nước Trung Hoa kia vậy.

Người Nhựt xâm lược nước Tàu, không bắt đầu từ đâu, mà lại đè Mãn Châu mà phát khởi, đó cũng có một phần họ theo sự kinh nghiệm của lịch sử. Theo như lịch sử Tàu từ xưa, mỗi khi có cuộc hưng vương, đều là tự phía bắc dấy lên chinh phục phía nam. Tức như Liêu, Kim, Nguyên, Thanh cũng đều vậy cả. Mà trong đời nhà Minh, ông Thành Tổ cũng từ phía bắc cử binh về đánh ông Kiến Văn. Bởi vậy cái khí phách của miền Bắc lâu nay đã làm cho miền Nam xếp rập.

Người Nhựt bữa nay chiếm cứ được Mãn Châu, há chẳng có cái giã tâm muốn làm như Liêu, Kim, Nguyên và Thanh hay sao? Nếu họ đã có cái ý đó thì tự nhiên họ phải lòi ra trong ba chữ Đại Trung Quốc vậy. Suy cái giã tâm ấy ra thì cũng có thể họ làm cho cái Đại Trung Quốc ấy mỗi ngày một mở rộng ra và mạnh lên,

(Bị kiểm duyệt bỏ)

Duy có cái giả tâm ấy thì mới đặt Mãn Châu là Đại Trung Quốc mà thôi.

Tuy vậy, cái giã tâm ấy có thỏa mãn được chăng thì rất là không chắc. Muốn căn cứ ở sự kinh nghiệm của lịch sử thì ngày nay coi mòi cũng đã thay đổi rồi, khó mà căn cứ cho vững được.

Người ta thấy cái kinh nghiệm Bắc cường Nam nhược ấy chừng hơn nửa thế kỷ nay nó đã khác đi rồi. Tức là từ hồi Thái Bình Thiên Quốc (Hồng Tú Toàn) dấy lên từ phương Nam mà hầu chiếm cả phương Bắc; sau rốt cũng nhờ lấy phương Nam (Tương quân) mà đánh lại phương Nam, chớ phương Bắc không làm gì nổi. Lại 20 năm trước đây quân cách mạng cũng dấy từ Nam mà đánh đổ Mãn Thanh.

Rất gần đây nữa là Quốc Dân Quân khởi từ Lưỡng Quảng mà đánh đổ được bọn quân phiệt miền Bắc. Vậy thì theo sự kinh nghiệm của lịch sử cận đại đã rõ ràng Bắc nhược mà Nam cường rồi. Sự thạnh suy về địa lý ấy trải qua bao lâu năm, nó phải thay đổi, không nhứt định được. Vậy nếu dựa vào sự kinh nghiệm như trên đây mà nói, thì có thể đoán được rằng cuộc chiến tranh nầy người Tàu chẳng những thắng Nhựt mà rồi cũng thâu phục được Mãn Châu nữa.

PHAN KHÔI