Nam Phong tạp chí/Quyển I/Số 2/Khoa-học bình-luận/Cây cũng có cảm-giác như người

Cây cũng có cảm-giác như người  (1917)  của Phạm Quỳnh
Khoa-học bình-luận

   

CÂY CŨNG CÓ CẢM-GIÁC NHƯ NGƯỜI

Cái cây rất đơn-sơ cũng không có khác hẳn con vật. Hai loài động-vật thực-vật thực là giống nhau, không những giống nhau ở cái phần thô-liệt, mà giống nhau đến cả cái phần tinh-cao nữa. Phàm động-vật có cái giác-quan gì thì thực-vật cũng có cái gần giống như thế. Như động-vật có mắt để trông, thực-vật tuy không có mắt, nhưng có cái lá cảm được ánh sáng ; động-vật có cái da để tiếp-xúc, thực-vật tuy không có da, nhưng có cái mạng cây cũng giống như cái da mà xúc-cảm được.

Một nhà bác-vật người Ấn-độ, Jagadis Chunder Bose tiện-sinh đã thí-nghiệm cái đó, phát-minh ra được nhiều điều rất mới lạ.

Trước hết, tiên-sinh dụng-công chế ra những máy mới rất tinh-nhuệ. Vì muốn biết cái bí-tàng của cây cỏ, tất phải cho nó cái cách để phát-hiện ra cho mình xem. Vậy tiên-sinh cố nghĩ lấy một thứ « bút » cực nhẹ, cực tinh-tế, khiến cho cây-cỏ có thể dùng mà « bút-đàm » được với ta, cho ta được biết cái tâm-sự cành mẫu-đơn hay bông bách-hợp.

Cây đã có cách nói truyện được với ta, thì hễ ta hỏi thấy nó giả nhờ, chẳng khác gì như kích-thích một con vật thì cái cân-cốt nó rung-động lên. Thử lấy cái kim với cái « đồng-hồ điện có gương » (galvanomètre à miroir), mà cầm một cây cải hoa lên ; lấy máy truyền điện (tức là thay vì cái óc cây) phóng một cái tia sáng vào bảng, nhìn vào đấy thì thấy cái thân cây lúc truyền điện vào nó rụt lại, rồi nó lại rãn ra.

Những máy dùng để thí-nhiệm thì thuộc về hạng hoặc máy « truyền-động », hoặc máy « truyền quang » hoặc máy « truyền điện ». Nhưng thứ thường dùng nhất là cái máy « thu-âm » (enregistreur résonant). Lấy sợi tơ buộc một lá cây vào cái cán-cân nhỏ, cán-cân ấy đặt vào máy rất cẩn-thận như lắp cái đồng-hồ vậy. Giữa cán-cân ấy buông thẳng một sợi đồng nhỏ, ở gần đầu gập thước-thợ lại để cho cái đầu nhọn nó giáp với một mảnh pha-lê bôi nhọ khói, mảnh pha-lê ấy có thể hạ thấp xuống được. Cái đầu nhọn sợi đồng thì vạch nét được ; cũng tức như một cái bút chì vậy. Lấy một cái từ-điện [1] để gần vào, thì cái đầu nhọn ấy rung động lên, mỗi giây đồng-hồ là mấy lượt đó, vạch thành vết chấm ở trên mảnh pha-lê. mỗi một nét chấm ấy là chỉ một phần thời-giờ.

Tiên-sinh thí-nghiệm thì làm như thế này : Lấy điện mà kích-thích một lá cây trinh-nữ, rồi cho máy chạy. Mảnh pha-lê hạ xuống dần dần ; bấy giờ thấy cái đầu nhọn sợi tơ chạm vào cái pha-lê, vạch thành một giòng những nét chấm. Tức là câu giả-nhời của cây trinh-nữ. Cái lá bị kích-thích, bèn phản-động lại, kéo sợi tơ mà làm nghiêng cái cán-cân đi. Thí-nghiệm cả thẩy không đầy năm giây đồng-hồ. Xét những nét chấm trong cái giòng viết ấy thì biết rằng trong mười phần một phần giây đồng-hồ cái cây bị kích-thích bằng điện đã bắt đầu phản-động lại rồi. Thử đếm số những nét chấm thì biết cái lá rung-động rồi lả xuống cả thẩy có trong ba giây đồng-hồ. Lại thử xét đại-thế cái đường chấm cong thì biết cái kích-thích đã mạnh mà nhanh là chừng nào.

Tiên-sinh đã chế được những máy tinh-nhuệ mà thí-nghiệm như thế thì minh-chng rằng người ta thường chia các giống thực-vật ra giống có cảm-giác với giống không cảm-giác là vô-nghĩa. Giống nào cũng có cảm-giác cả, từ củ su-hào, bắp cải tây, cho đến bông hoa-hồng, cành thược-dược.

Thực-vậtthần-kinh không ? — Người ta nhấc cái gì nặng, hay dơ cánh tay lên, không phải là muốn dơ hay muốn nhấc bao nhiêu lần cũng được đâu. Làm mãi thì mỏi, không sao làm được nữa. Nhưng nếu nghỉ ít lâu rồi lại làm thì lại thấy khỏe tay như lúc trước. Cái cây cũng vậy, nó vận-động thì nó cũng nhọc ; cũng cần phải nghỉ-ngơi. Càng dễ kích-động thì lại càng cần phải nghỉ lắm. Tiên-sinh thí-nghiệm cây trinh-nữ chẳng khác gì như con ngựa non bị hãi mà không chịu tiến lên. Cái cây bị kích-thích thì là nó rung-động lên mà vạch vào mảnh pha-lê thành một đường chấm cong ; nhưng nó đã bị kích-thích rồi thì cũng như con ngựa bị hãi, phải một khắc đồng-hồ mới yên hồn.

Cây phản-động với các thứ thuốc-độc cũng vậy. Tiên-sinh lấy một cây trinh-nữ đem trị rượu mạnh, không đổ ngay rượu vào, nhưng cho ngửi cái hơi rượu bốc lên. Để cây vào trong một cái hộp kín, cho hút lấy khói rượu. Trông thấy kiến-hiệu ngay : chắc là cây say rượu. Không thể nghiêng - ngửa chệch-choạng như người say rượu được, nhưng xét cái chấm nó vạch vào máy thu-âm thì biết là cái hiệu say mê. Như thế thì một cây trinh-nữ say rượu hay một người say rượu tưởng cũng không khác gì nhau. Xét cái đường chấm thì thấy chỗ cao vọt lên, chỗ thấp sụt xuống, như lúc đương say lắm không biết gì, với lúc đã hơi tỉnh mà hình như hối-hận vậy. Đem nó ra ngoài không khí mát, một chốc thì lại thấy nó tỉnh táo như thường.

Những cách thí-nghiệm như thế mà đem ứng-dụng ra để thử các vị-thuốc cùng các chất hơi thì thật là có ích-lợi lắm. Vì nếu thí-nghiệm ngay ở cây được thì đến lúc nghiên-cứu dược-tính tất được giản-tiện nhiều. Nếu thí-nghiệm cùng nghiên-cứu đã kỹ-lưỡng thì tất biết rõ các vị thuốc phải nên dùng thế nào mà dùng lúc nào, không sợ sai nhầm.

Bose tiên-sinh muốn, thí-nghiệm xem cây có thần-kinh hay không, bèn lấy cây trinh-nữ, mà trị nó đủ cách, lúc thì đánh đạp, lúc thì để yên-lặng một chỗ. Lấy một cây để vào trong cái nắp pha-lê, ở một nơi tĩnh-mịch yên lặng. Tức cũng như người ta, buộc một cánh tay lại, không cử động đến, tất không mấy nỗi mà tay mềm yếu đi. Cây trinh-nữ cũng vậy, không bị cái gì kích-động đến thì nó cũng mềm-yếu đi. Tiên-sinh cho nó tiếp-xúc với cái máy thu-âm, để bút cho viết, thì không thấy viết tí gì cả, mới biết rằng đã tên mất tay rồi. Sau tiên-sinh đem ra mà vầy mó, đánh đập. Cái kiến-hiệu cũng tựa-hồ như cái cánh tay đã lâu không cử-động đến mà nay đem ra tập-luyện. Tiên-sinh đánh mạnh vào cái cây. Mỗi một roi tựa hồ như hỏi : « Roi này mày có biết đau không ? Roi này nữa có đau không ? » Dần dần cây lại hồi-phục được cái sức cũ, đến sau viết giả nhời được, tuy chưa được phân minh lắm nhưng đã thành nét.

Muốn cho khỏi nhầm, tiên-sinh lại thí-nghiệm bằng nhiệt-độ nữa. Tiên-sinh sưởi nóng cây lên thì thấy lúc nóng nó rung-động nhanh hơn là lúc nhiệt-độ bình-thường. Tiên-sinh lại đem nó xuống cái nhiệt-độ thật thấp, thì thấy nó cóng lại không viết được nữa. Tiên-sinh lại rỏ vào cây một ít cyanure de potassium là thứ thuốc-độc rất dữ, thì trong năm phút đồng-hồ cây cứng thẳng, không rung động gì được nữa.

Xem thế thì biết cây có thần-kinh.

Không những cây có thần-kinh, mà cái thần-kinh-lực của cây lại mỗi giống một khác nữa. Túng-sử tiên-sinh chỉ phát-minh được một điều ấy cũng đã đủ lưu-danh trong sử-sách khoa-học. Xưa nay ta không biết căn-nguyên cái bệnh tê trong thân-thể người ta ra làm sao. Vì cái thần-kinh-bộ của người ta cùng những giống cao-đẳng-động-vật nó phiền-phức lắm, khó lòng mà biết được cái cách nó biến-động thế nào. Đến như cái thần-kinh của cây thì rất là đơn-sơ. Nếu nghiên-cứu được rõ cái thần-kinh của cây, thì có thể mong giải được sở-dĩ làm sao mà cái chân hay cái tay mình nó thành ra tê mà không cử-động được.

Nghe thấy cây đánh trống ngực. — Xét cái thần-kinh-bộ cử-động thế nào đã là khó, xét đến cái quả tim đương động-mạch cũng lại khó nữa. Phải tìm cái gì giống quả tim mà đơn-sơ hơn để nghiên-cứu thì mới hiểu được quả tim vận-động thế nào.

Trong loài thực-vật không phải là không có lối động-mạch như quả tim. Xưa nay vẫn biết có thứ cây gọi là « cây điện-báo », ở đông-bộ đất Ấn-độ nhiều lắm. Lá cây ấy có cái tính cứ dương lên lại cụp xuống, có tiết-điệu lắm, như quả tim đập vậy. Các nhà bác-vật không thể giải được sự vận-động ấy, vì không có máy riêng mà thi-nghiệm được. Bose tiên-sinh đã có tài nghĩ được những máy cực khéo, bèn chế ra một cái « tự-thức-biểu » [2] tuyệt-diệu. Đem « cây điện-báo » ra, lấy một sợi tơ buộc vào cái « tự-thức biểu » ấy, thì phát minh được nhiều điều thực lạ. Xét cái thịt cây nó vận-động ấy chẳng khác gì cái thịt quả tim của các giống động-vật. Sự phát-minh ấy rất là quan-trọng, tưởng nên giải qua cái ý-nghĩa thế nào. Xưa nay các nhà bác-vật vẫn dậy rằng phàm sự vận-động trong da thịt người ta là bởi một cái nguyên-lực ở trong người, cái nguyên-lực ấy gọi là « sinh-lực ». Nhưng một cái lá cây nó đương rung-động, chỉ ảnh-hưởng ở ngoài mà bắt nó dừng lại rồi lại bắt nó rung lên được, như thế mà giải sự rung-động của nó là bởi một cái nguyên-lực ở trong, thì thực là vô-lý quá.

Tiên-sinh bèn xướng lên một cái lý-thuyết khác nói rằng phàm sự vận-động tự-nhiên của các giống sinh-vật là chỉ bởi cái sức ở ngoài mà thôi. Như một cái cây là nó phải chịu ảnh-hưởng nhiều sức mạnh ở ngoài, sức gió, sức mưa, sức nóng, sức lạnh. Những sức mạnh thiên-nhiên ấy kích-thích vào nó, thì cái hiệu-lực cũng chẳng khác gì như cái hiệu-lực của điện-khí, của vị thuốc hoặc của những chất hơi các nhà bác-vật dùng để thí-nghiệm. Những « tế-bào » tổ-chức ra cái cây đã đành rằng nó chứa-đựng được sức mạnh ấy, nhưng nó cũng phải tiếp-nhận sức mạnh ấy ở ngoài. Cái sức mạnh cũng như là nước vậy, hễ đầy quá thì chàn ra ; bởi thế mới sinh ra cài « mạch-động » (pulsation) mà xưa nay chưa ai giải được ra làm sao. Thế là từ nay trong sinh-vật học, không có cái tiếng « sinh-lực » nữa.

Sự sinh-trưởng của các giống sinh-vật cũng lại là một cái tượng-chứng của cái sức vận-động tự-nhiên ấy nữa. Xưa nay chưa từng bao giờ nghiên-cứu được tinh-tường, vì các giống sinh-vật nhớn lên chậm lắm, mắt không trông thấy được.

Tục ngữ nói : chậm như sên. Con sên nó đi còn mấy nghìn lần nhanh hơn là một cái cây mọc lên. Thế mà tiên-sinh cũng lại chế ra được một cái máy kỳ-sảo, gọi là « sinh-trưởng biểu » (crescographe) có thể đo sức nhớn của cái cây trong mấy giây đồng-hồ được.

Một cái cây mới bón phân hay là mới vung chất bổ chất mạnh gì vào, không đầy một khắc đồng-hồ nghiệm biết nó nhớn thêm lên được bao nhiêu.

Nghiệm được cây đương hấp-hối. — Khi nào cái sức sinh-trưởng hết thì cây bắt đầu thối-nát, rồi chết. Nhưng biết được lúc nào là lúc cái cây chết ? Bose tiên-sinh là người đã nghiệm được trước nhất lúc nào là chính lúc cái tia sáng sinh-hoạt trong cây bắt đầu tắt.

Tiên-sinh buộc một cái lá vào cán-cân máy, nhưng lần này dùng cái « tự-thức-biểu » lúc-lắc như quả lắc đồng-hồ, mảnh pha-lê bôi nhọ đưa đi đưa lại ngang với cái đầu nhọn bút chì. Tiên-sinh đặt cây vào một cái bình đựng đầy nước,-để trong một cái bình nữa cũng đầy nước, cho nó cực yên-lặng, không động-đậy tí gì. Rồi tiên-sinh hâm nóng cái bình ngoài lên rất là cẩn-thận. Mảnh pha-lê cứ lúc-lắc chạy ngang với cán cân có buộc lá cây, hễ đụng vào cái đầu nhọn thì nó chấm một nét. Nhiệt-độ càng tăng lên bao nhiêu thì nó càng chấm bấy nhiêu, khiến cho cứ đếm nét chấm thì biết cái nhiệt-độ vậy.

Nhiệt-độ càng cao thì cái lá — vẫn dùng lá cây trinh-nữ càng thẳng, rồi đứng dựng hẳn lên, kéo cán cân ra, đường chấm trên mảnh pha-lê chạy xô xuống, vì lá cao lên bao nhiêu thì nó kéo đầu nhọn thấp xuống bấy nhiêu. Nước ở bình trong càng thấy nóng già, cái đường chấm càng thấy thấp xuống. Rồi sẩy ra một sự rất lạ. Hốt-nhiên cái đường chấm cao bổng lên. Thế là cây tắt nghỉ, tức là câu giả nhời cuối cùng vậy. Nước bấy giờ nóng 60 độ. Đã nghiệm bao giờ cũng cứ đến 60 độ là cây chết. Tiên-sinh có thí-nghiệm mươi thứ cây khác nữa, đều thấy như thế cả. Thế mới biết rằng khắp các giống trong cảnh-vật, dù cao dù thấp, cũng trình-bầy ra bấy nhiêu cái hiện-tượng như trong người ta, ta có thể nhân đấy mà biết rõ được cái nhẽ sinh-hoạt của ta.

Ph. Q. dịch theo báo tây




Chú thích

  1. Tức ta gọi là điện nam-trâm.
  2. Tự-thức-biểu là cái thứ máy nó có thể tự nó ghi được mọi sự biến động ở ngoài.