Một xã hội cũng như một tờ báo phải có cái thái độ phê bình và tiến bộ

Một xã hội cũng như một tờ báo phải có cái thái độ phê bình và tiến bộ  (1937) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Đông Dương tạp chí, Hà Nội, số 29 (27 Novembre 1937), trang 21 - 22.

Một tờ báo ở Hà Nội nêu lên góc trên mỗi số một câu ngăn ngắn như hô cái khẩu hiệu của mình, câu như thế này: “Thái độ của chúng tôi là phê bình và tiến bộ”. Một vị độc giả ở làng tôi thấy thế lấy làm lạ, đem hỏi tôi, tóm tắt đại ý của câu hỏi:

1/ Thế nào là cái thái độ phê bình?

2/ Sự phê bình có ăn nhập gì với sự tiến bộ không?

3/ Đọc hết thảy bao nhiêu số của tờ báo ấy tịnh không hề có một bài phê bình nào, thì sao lại nói mình giữ cái thái độ phê bình?

Ngoài sự vui mừng vì nghe được một câu hỏi tỏ ra cái trình độ tiến hóa của những người đọc báo ở thôn quê, tôi chỉ còn lo một nỗi trả lời làm sao cho đúng lẽ và đầy đủ, để khỏi phụ lòng người chất vấn.

Khi đã đáp lại câu hỏi bằng cách vắn tắt mà rõ ràng cho người kia xong, thấy là một câu chuyện có nghĩa lý, rất cần cho ai chưa hiểu mà muốn hiểu như người ấy, tôi bèn thêm vào đó một vài ý mà viết nên bài này.

*

* *

Hai chữ “phê bình”, ta không nên hiểu hẹp nghĩa nó. Nói về sự viết báo, không cứ phê bình một bài thi, một cuốn tiểu thuyết, một tác phẩm gì về mỹ thuật mới gọi là phê bình; mà cho đến khen hay chê một vị quan lại, biểu đồng tình hay phản đối một cuộc bãi công, cả đến nhân một cái thời sự rất tầm thường mà phát ra nghị luận, cũng đều gọi là phê bình được hết.

Chẳng những viết ra trên giấy, mà ngày thường, giữa xã hội, ai nấy được lấy tư tưởng ý kiến mình mà bình luận mọi sự mọi vật, cũng gọi là phê bình. Bởi vậy, ở xã hội nào mà người ta ngôn luận được tự do, thì xã hội ấy, ta muốn kêu nó bằng “cái xã hội phê bình” cũng có nghĩa vậy.

Cái thái độ phê bình của một tờ báo tức là mỗi khi gặp một việc gì xảy ra đều không chịu coi nó bằng cặp mắt lãnh đạm. Thấy hay thì khen, thấy dở thì chê, mà hoặc khen hoặc chê cũng đều phải có cái lý do của mình. Vả lại nếu bảo là dở mà chê thì sự cần nhất là phải tìm cách sửa chữa thế nào cho cái dở ấy trở nên hay. Một tờ báo nếu đã nêu lên rằng mình giữ cái thái độ phê bình thì chỉ làm như thế đã là đủ phận sự, đúng với cái thái độ phê bình rồi, chứ không cần mỗi số phải có những bài phê bình hoặc về nhân vật, hoặc về văn nghệ, mỹ thuật.

Đến như phê bình và tiến bộ, hai cái quan hệ với nhau rất mật thiết, có cái trước mới sinh ra được cái sau, cho đi đôi với nhau là phải lắm. Nói thâm hơn một từng nữa: Một tờ báo có cái thái độ phê bình thì đồng thời ắt có cái thái độ tiến bộ, vì phê bình tức là tiến bộ.

Đó nhẫn lên đã đủ trả lời cho cả ba câu hỏi rồi.

Nhưng tôi còn muốn đem chuyện xã hội Tây và Ta ra thuyết minh bằng cách cụ thể, hầu cho càng rõ nghĩa câu hỏi thứ hai, vì trong ba câu hỏi, câu thứ hai trọng yếu hơn.

*

* *

Xã hội phương Tây hơn trăm năm nay là cái xã hội tiến bộ; còn xã hội phương Đông ta mấy ngàn năm nay là cái xã hội cầm chừng hay thoái bộ. Điều đó, ai đã biết qua lịch sử văn hóa của thế giới đều phải nhìn nhận  như thế.

Hỏi đến cái nguyên nhân tại làm sao mà một đằng tiến bộ, một đằng thoái bộ hay cầm chừng, thì cho nhà xã hội học viết ra hàng cuốn sách mà trả lời cũng chưa xong. Nhưng muốn nói cho gọn thì chúng ta có thể nói: tại xã hội phương Tây là xã hội phê bình, còn xã hội chúng ta là xã hội không phê bình, nội một sự khác nhau ấy cũng đủ cho mỗi đằng nhận lấy cái kết quả không giống nhau, tiến bộ và thoái bộ.

Nói về đời xưa, Đông hay Tây cũng vậy, nền tư tưởng của xã hội đều bị mấy ông Thánh ông Hiền bá chiếm: bên Tây thì như ông Socrates ông Platon, bên Đông thì như ông Khổng Tử ông Lão Tử ông Thích-ca. Bấy giờ cả thiên hạ ai ai cũng phục dưới uy quyền của các ông ấy, mọi việc trong xã hội phải hay trái là gióng theo đạo lý của các ngài mà định đoạt chứ không theo ý kiến của từng người. Sự phê bình trong thời đại bấy giờ tuyệt nhiên không có.

Nhưng bên phương Tây bốn trăm năm nay thì đã thoát khỏi cái hiện trạng tối tăm ấy rồi. Từ có cuộc văn nghệ phục hưng, các thánh hiền đời xưa không có uy quyền nữa, mỗi người được suy nghĩ và nói phô theo ý mình. Vầng thái dương đương là đi chung quanh trái đất, ông Copernicus đem nó đặt chính giữa bầu trời, từ đó nó soi rọi nhiều cái chân lý được sáng ra. Các xã hội Âu châu nhờ đó trở nên xã hội phê bình, thì đồng thời, cũng trở nên xã hội tiến bộ, mỗi ngày một tới.

Những học thuật, chế độ, phong tục của người Tây đến bây giờ cũng chưa phải đã đến bậc toàn mỹ. Song trong thời gian bốn trăm năm ấy, nhờ sự phê bình mà họ có nhiều cơ hội cải cách, đến nay thì cái gì cũng có phần hợp lý hơn xưa. Chính trị do chuyên chế tiến lên lập hiến, kinh tế do tiểu công nghệ tiến lên đại công nghệ, cho đến y phục do bất tiện đổi ra tiện, đám cưới đám ma do hư văn phiền phức đổi ra đơn giản, cận tình. Thật thế, trong xã hội Âu châu, mọi sự đều được cải cách luôn luôn cho được hợp lý và tiện lợi, bốn thế kỷ nay đã vậy, mà rày về sau vẫn còn vậy nữa, ấy là nhờ họ có cái thái độ phê bình của cả xã hội để thay cho sự tín ngưỡng mù lòa, tức là khiếp phục dưới uy quyền của thánh nhân và kinh điển đời xưa.

Phương Đông ta thì mấy ngàn năm nay chưa từng có một cuộc cách mạng về tư tưởng lớn lao tràn khắp như bên họ. Mấy vị thánh hiền cũ rích đời nào mà đến bây giờ vẫn còn được sùng bái. Nói riêng về dân Việt Nam ta, từ luân lý đạo đức cho đến cái nhà ở, cái áo mặc, cái cày, cái búa, cái rìu để làm nghề, từ xưa đến nay, vẫn không hề thay đổi. Bất hợp lý là như đám ma đáng thương xót mà lại ăn uống say sưa, đám cưới đáng cho người tân hôn sung sướng mà lại bắt họ lạy lục vất vả, cũng vẫn cứ theo lệ để nguyên như vậy, “xưa bày nay làm”. Có lạ gì đâu, chỉ tại xã hội ta không phải một xã hội phê bình cho nên từ trước đến giờ không có cơ hội cải cách, chúng ta cứ ỳ ra thủ cựu! Nếu có cơ hội thì cải cách mọi sự cho được hợp lý và tiện, lợi là việc thuận nhân tình lắm, ai lại chẳng muốn?

Một xã hội không có thái độ phê bình thì những tư tưởng cũ, tập quán cũ, không hợp lý, không thích thời nữa, mà không bị chỉ trích, nên không được đổi mới, rồi xã hội ấy chẳng bước tới được bước nào, hay bước dật lùi là lẽ tất nhiên. Các nước phương Đông ta – trừ Nhật Bản ra – sở dĩ còn hèn yếu đến ngày nay là chỉ vì thế.

Từ ngày tiếp xúc với văn hóa phương Tây, sự sút kém thua thiệt đã làm cho chúng ta tỉnh ngộ mà mở mắt. So với Âu châu, chúng ta mở mắt chậm kém họ bốn trăm năm. Dù vậy mặc lòng, cố gấp sức vươn theo họ, thì may ra cũng còn kịp.

Cốt nhất là người ta phải làm như tờ báo nọ: từ rầy về sau, cái thái độ của xã hội ta cũng là phê bình và tiến bộ.

PHAN KHÔI