Một việc hay hay, ngồ ngộ: Nội các với Ngự tiền văn phòng
Trong các vua triều Nguyễn, duy có vua Minh Mạng là ông vua chế tác nhiều hơn hết cả. Ta có thể nói hết thảy chế độ văn vật của bản triều đều do một tay vua gây dựng, rồi các vua sau chỉ có tuân tuần theo mà thôi.
Trừ bộ hình luật làm xong thuở Gia Long, còn thì từ quan chế cho đến phép khoa cử, phép điền phú, lại đến các đồn ải quan tân, văn sự, võ bị gì cũng phần nhiều sáng lập từ đức Minh Mạng. Sự ấy coi trong một bộ sách Minh Mạng chính yếu thì thấy rõ.
Vua Thánh Tổ thật là ông vua có hùng tài đại lược. Cũng vì thế mà ngài hay có ý tự đắc, nhiều khi lập ra một chế độ gì, ngài dặn rõ trong tờ dụ bắt hậu thế phải giữ y như vậy không được thay đổi mảy may, vì cho rằng việc mình bày ra đó đã là tận thiện tận mỹ lắm rồi.
Có lẽ cũng bởi cách lập pháp nghiêm quá như thế mà các vua về sau không dám cải cách các điển chương của tiền triều. Sự đó làm một cớ dễ thủ cựu cho triều đình trong việc chính trị.
Cái kiến giải tầm thường “đời cua cua máy, đời cáy cáy đào” của con nhà bách tính hình như không thích hợp được với trong đám cành vàng lá ngọc. Ở đây thường là thế hệ trước bao thầu hết thảy mọi việc cho cả các thế hệ sau.
Nhưng một ngày kia…
Nhưng một ngày kia thời thế thay đổi, sự quyền nắm ở tay kẻ khác, hoàn cảnh buộc phải xáo trộn cả mọi việc, rồi mọi việc đều bị xáo trộn cả cũng nên. Phải chi vua Minh Mạng biết có ngày ấy, biết có ngày người ta để trái những lời dặn dò nghiêm nghị của mình ra sau lưng, họ cứ việc họ họ làm, thì ngài cũng đã chẳng lo xa ngó ngoái làm chi cho mệt. Tôi nói thế không phải có ý buộc tội sự cải cách, nhưng có ý cười thầm người nào câu chấp, gieo cái giống thủ cựu, bắt con cháu sống ngược trở lại những ngày của mình.
Đây tôi kể cho bạn đọc nghe chuyện vua Minh Mạng lập ra chế độ Nội các và tờ dụ của ngài về việc ấy. Theo lời dặn đi dặn lại và ngăm đe trong tờ dụ thì người nào sửa đổi chế độ Nội các – đại khái như cải làm Ngự tiền văn phòng chẳng hạn – đã bị lăng trì xử tử hay ít nữa cũng chết chém rồi; nhưng may làm sao, chúng ta khỏi thấy tý máu nào đổ ra hết mà chế độ Nội các đã được sửa đổi hoàn toàn trong sự yên lặng!
Số là hồi đức Gia Long nhất thống Nam Bắc xong, lên ngôi thiên tử, có lập ra một quan nha gọi là “Thị thư viện”, gồm dăm mười tay văn thần hầu cận để phòng khi hỏi han việc chính trị và sai nghị thảo những dụ chỉ. Đến vua Minh Mạng tức vị, đổi Thị thư viện làm “Văn thư phòng”, cũng chỉ đổi cái tên thôi, chứ chức vụ vẫn y như trước.
Đến năm Minh Mạng thứ mười, vua cho cái tên “Văn thư phòng” nghe không thỏa, lại đổi lần nữa gọi là “Nội các”. Trong quan chế Đại Nam có cái tên Nội các là từ đó; nhưng chúng ta cũng nên biết cái tên ấy đã có trong quan chế của nhà Minh và nhà Thanh rồi, vua Minh Mạng chỉ chép theo.
Lần đổi tên này trở nên một sự thể to tát hơn. Liền đó vua dạy đình thần nghị định đặt ra những chức quan ở đó và nhiệm vụ của họ. Nghị quyết: Nội các có bốn viên đường quan quản lãnh, đều lấy các quan tam tứ phẩm ở các bộ viện sung vào, chứ không đặt chuyên viên. Lại đặt hai mươi tám thuộc viên, cũng lấy những người có viện hàm sung vào đó, trên đầu chức quan không cần trùm bằng hai chữ “Nội các”. Đến như nhiệm vụ thì trong đó chia ra bốn tòa: Thượng bửu, Thừa vụ, Bí thư và Biểu bộ, đại khái không khác mấy “Văn thư phòng” trước kia. Còn ban thứ thì Nội các đứng kề sau Lục bộ cả trên giấy má việc quan và giữa sân chầu.
Làm vua là một cái nghề, càng là vua đời sau thì có kinh nghiệm nhiều, càng lành nghề hơn vua đời trước. Các vua nhà Nguyễn không đặt thủ tướng, không đặt hoàng hậu, không dùng hoạn quan vào việc chính, là để tránh những cái họa mất nước của các triều đại trước bởi bọn họ gây ra. Lúc đặt ra Nội các đây, hẳn vua cũng để ý ngừa sự lộng quyền của mấy ông cận thần đó nên qua năm sau thì vua xuống một tờ dụ chẳng những ban bố khắp nơi mà còn giao cho sử quán, bảo ghi vào trong sử, lưu truyền đời nọ sang đời kia. Dụ rằng:
“Nội các từ nhà Tống về trước chưa có. Vua Thái Tổ nhà Minh tởn vì tên gian tướng Hồ Duy Dung trộm quyền cho nên không đặt tể tướng mà giao quyền cho các quan lục bộ. Đến vua Thành Tổ đặt ra Nội các, chọn các quan hàn lâm hàm ngũ phẩm sung vào, để cho có người cố vấn mà thôi. Về sau ngôi càng cao, quyền càng lớn, Nội các tuy không có cái danh tể tướng mà có cái thực tể tướng. Nghiêm Trung hồi nhà Minh, Hòa Thân hồi nhà Thanh đều là quan đứng đầu Nội các mà dám làm nghiêng trời đổ nước. Thật là một cái gương cho hậu thế. Tuy vậy, việc gì cũng có thể châm chước mà thi hành được cả, có lẽ nào nhân nghẹn mà bỏ ăn?
Nội các nước ta chỉ dùng quan tam phẩm, ban thứ lại ở sau lục bộ, không như của Minh và Thanh trùm trên các nha môn, chỗm chuệ ngôi thủ tướng. Biết vậy rồi mà bây giờ còn phải đặt thêm những điều hạn chế nghiêm minh này nữa để càng vững hơn:
Nội các nghĩ chỉ không hợp, cho phép Lục bộ trích tham; Lục bộ nghĩ chỉ hoặc nghĩ tấu không hợp, cho phép Nội các trích tham. Khi hợp rồi mà còn bảo không hợp, cho phép hai đằng đều cứ thực tình phúc tấu chờ Trẫm định đoạt. Đáng trích tham mà không trích tham, sẽ có tội. Nếu Lục bộ và Nội các âm thầm kết đảng với nhau để làm việc gian dối thì tội lại càng lớn, sẽ giết không tha.
Những điều chương này đã nhất định rồi, con cháu của Trẫm phải tuân theo, không được sửa đổi hoặc thêm thắt, để đến nỗi sinh ra mối tệ. Đời sau nếu có kẻ trái lời nói của Trẫm, lẽ nào lại không có một vài vị trung thần cứ theo tờ dụ này mà can ngăn đi để nhà vua bấy giờ nghĩ lại? Đến như hết thảy thần dân nếu có kẻ dám bàn hơn bàn thiệt, đứng ra chủ trương sửa đổi cái chế độ này, sẽ khép vào tội cực hình không tha”[1]
Sự đề phòng thật là khôn khéo lại gắt gao. Nhưng không khỏi! Năm 1934, Nam triều đã bãi Nội các mà lập ra Ngự tiền văn phòng, hiện đứng đầu cơ quan này một ông quan văn nhất phẩm. Tuy không nói rõ đổi cái nọ ra cái kia nhưng ai nấy thấy rõ rằng cái kia là để thay cho cái nọ.
“Khép vào tội cực hình” thì chỉ có lăng trì xử tử, không nữa cũng chết chém. Nhưng vừa rồi chưa hề có ai bị như thế cả!
Tôi cũng không nhận cho sự cải cách đó là cần thiết, hay quan trọng, hay thế nào; chỉ thấy một sự có vẻ hay hay ngồ ngộ thì viết ra đây mà thôi.
PHAN KHÔI
Chú thích
- ▲ Thấy trong sách Minh Mạng chính yếu, quyển 4 (nguyên chú của Phan Khôi)