Một sự quan hệ cho cả đức tánh và văn thể: Lối viết thư của thanh niên ta

Một sự quan hệ cho cả đức tánh và văn thể: Lối viết thư của thanh niên ta  (1936) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Sông Hương, Huế, số 8 (19 Septembre 1936), trang 1, 10.

Có một câu cách ngôn chữ Hán, nhớ chừng như ở một sách Ngữ lục nào đó của Tống Nho, dịch nôm na là: "Phàm việc, chớ nói nó là không hại; hễ nói nó là không hại tức là có hại".

Câu ấy, mới nghe qua, phải làm cho những người có óc mới đời bây giờ đâm ghét. Nó có thể giữ người ta trong cái khuôn khổ hẹp hòi, khư khư theo mực thước; thừa đào tạo ra hạng người cả đời không có lỗi ít ‒ có dám làm gì đâu mà có lỗi! ‒ mà không đủ nặn nên nửa con người hoạt bát hữu vi.

Cứ như câu ấy thì mọi việc trong đời việc gì cũng có hại cả, thôi còn có việc gì làm được!

Tuy vậy, theo ý người đã nói ra câu ấy thì nó không phải là không có lẽ thật ở trong. Ta chớ nên câu nệ ở hai chữ "tức là" hơi chướng tai ta một chút mà mạt sát một lời có ý nghĩa.

Một việc, làm một lần thì không hại, nhưng làm nhiều lần thì có hại. Hay cùng một việc ấy, làm hôm nay thì không hại, nhưng hôm sau làm thì có hại. Nếu hiểu ra như thế thì cũng có thể nói được "tức là".

Tôi nhớ mà nhắc đến câu sách ấy là vì tôi có thường thấy một việc của bạn trẻ ta hay làm, cái việc đáng nói đến để cảnh tỉnh họ, mà có kẻ lại bảo là không hại chi. Ấy là lối viết thư của các bạn thanh niên ta thường viết cho nhau.

Tình cờ tôi được thấy nhiều lần lắm rồi. Tôi đã nói là tình cờ, thì sự xem thư của người khác ấy quả không phải là sự bất chính đáng.

Anh em bạn họ viết cho nhau, hễ là càng thân yêu chừng nào thì lời lẽ trong thư lại càng khó nghe chừng nấy. Họ dùng những chữ đám hạ lưu hay dùng, đại để như chữ "mầy tao". Quen đi thì giống gì cũng được tất cả, nhưng ai không quen thì phải thấy mà tức mình, không chịu được.

Họ hiểu sai. Trong ý họ cho xưng mầy tao với nhau như thế là tỏ tình thân yêu với nhau, cũng như người Pháp "tutoyer". Nhưng không phải. Người Pháp trong khi “tutoyer”, không có ý như ta mầy tao đâu. Nếu vậy, thì con đối với cha mẹ, cũng "tutoyer", sao người mình không đổi ra mầy tao đi xem thử?

Giữa bạn hữu, mà thật là thân yêu nhau lắm, ta thường gọi nhau bằng "anh". Chữ "anh" ấy mới là đúng với chữ "tu" của người Pháp trong khi gọi bạn. Thế thì sao không dùng chữ "anh" mà lại dùng chữ "mầy tao" để làm mình ra đểu?

Ấy là về sự xưng hô. Còn những lời trong thư, thì tôi đã được thấy nhiều điều làm cho tôi phát chán, không thể kể ra cho hết.

Đại để họ dùng lối văn mà họ cho là lối lãng mạn. Nói những chuyện gì đâu, toàn là chuyện bất thiết. Có một bức thư hai người gởi cho nhau mới giữa mùa hè vừa rồi đây mà, trong khi đọc tới, tôi tưởng là hai người ấy cùng sống với nhau đâu mấy thế kỷ trước, không đồng thời với tôi. Nhưng, thực ra họ kém tôi những gần ba mươi tuổi!

Kể ra cho hết, trong những bức thư ấy còn chứa bao nhiêu là trò khinh bạc. Tôi thấy một lần họ phát ra vô số lời nghị luận. Họ ngang nhiên phê bình nhân vật hiện thời. Trong xã hội ta hiện cũng có những người bị dư luận mạt sát. Nhưng, những người ấy bị ai mạt còn được, chứ bị đến hai người viết thư đây mạt sát thì nghĩ cũng quá ư oan!

Việc ấy, tôi tưởng là rất không nên. Vì nó là một việc khinh bạc. Mình đã bao lăm tuổi, dù có tài có đức nữa mà chưa có duyệt lịch, kinh nghiệm bằng người ta thì cũng chẳng nên phê bình người ta làm chi.

Tôi có quyền được xem thư hai cô nữ học sinh gởi cho nhau một lần. Trong thư, họ gọi nhau bằng "mợ". Nhưng có người khác nói với tôi, thế chửa là mấy, còn là những kẻ gọi nhau bằng "mình" kia.

Tôi không biết từ ở đâu mà gây ra cái phong thượng như thế. Cái giáo dục nào làm cho bạn bè trẻ ta đổ đốn dường kia?

Làm một con người thế nào cũng phải giữ cho có cái nền trang nghiêm, trọng hậu, trung tín. Mà cái nền ấy phải xây lên từ thuở nhỏ. Thuở nhỏ mà đã tập quen cái thói đểu giả khinh bạc thì đến lớn làm sao cho thành một con người?

Cho nên cái lối viết thư của thanh niên ta như thế thật có hại cho đức tánh lắm, không phải bỡn. Người ta mà đã phát ra ở lời nói những điều không có thể nghe được, thì tất nhiên là trong lòng đã có ôm những tư tưởng không thể tưởng được. Thế rồi nó một ngày một làm hỏng cả tâm thuật và đức hạnh. Con trai thế mà con gái cũng thế.

Đến cái hại cho văn thể thì càng rõ rệt dễ thấy. Bất luận nước nào, văn thể cũng quý do trang nhã. Dù đến một bài hài văn, người ta cũng còn gắng giữ cho khỏi mất sự trang nhã thì được hay hơn. Huống chi bức thư anh em gởi cho nhau, đáng trang nhã lại làm cho ra khinh khiêu bạc ác.

Những người viết thư cho nhau bây giờ đây sẽ là người cầm bút viết cho thiên hạ đọc trong dăm ba năm nữa hoặc mươi năm nữa. Nếu họ cứ giữ cái lối văn của họ bây giờ cho đến ngày đó, thì cái văn thể của ta phải có một cơn đại biến mà biến đến chỗ nào, tôi không dám nói!...

Đó, ai dám bảo việc như thế là không hại? Mà muốn trừ cái hại ấy đi, ta sẽ nhờ ai?

Chẳng nhờ ai được cả. Cho đến các cơ quan giáo dục cũng hầu như vô hiệu. Duy có một nước là các bạn thanh niên ta tự biết mà chữa lấy mình thôi.

PHAN KHÔI