Một nhân vật trên lịch sử trước đây 40 năm: Đoàn Chí Tuân, Bạch Xỉ
I
Trước đây 40 năm, dân gian đồn rằng ở miền Bắc Trung Kỳ có một nhân vật lạ lùng lắm, kêu là "Bạch Xỉ" mà chẳng ai được biết tên chi họ chi và người ra thế nào. Đại khái lúc bấy giờ người ta cho Bạch Xỉ là một ông tướng trời sai xuống để dẹp loạn cứu đời, không cũng là một người đắc đạo thành tiên, có đủ phép thuật thần thông, thăng thiên độn địa, chứ không phải người thường như chúng ta.
Đồn như thế độ dăm ba năm, rồi sau không nghe ai nói đến Bạch Xỉ nữa, cũng không ai biết kết cuộc ra sao của người ấy.
Đến cách đây non 20 năm, ông Nguyễn Thái Bạt (tức Nguyễn Phong Di) được tha về ở Huế, rồi sau đó, đâu vào khoảng năm 1918, ông lấy một người vợ Đàng ngoài đem vào, mà người ta đều nói rằng là con gái của ông Bạch Xỉ. Từ đó cái tên Bạch Xỉ lại sống lại trong trí người Đàng trong, nhất là người Huế.
Nhờ việc Nguyễn Thái Bạt lấy vợ nhắc cho người ta nhớ đến cái tên Bạch Xỉ trong một dạo mà thôi. Chứ Bạch Xỉ là ai, người ấy có tung tích ra sao, sự nghiệp thế nào, đối với mọi người cũng vẫn còn là bí mật.
Từ trước mỗi khi tôi có dịp đi qua mấy tỉnh miền ngoài, gặp người nào nhắm là đáng hỏi thì tôi cũng hỏi về Bạch Xỉ. Kết quả mấy cuộc phỏng vấn của tôi chẳng có gì là tốt. Vì không có ai biết người ấy cho tường tất để kể cho mình nghe. Sau nhờ có cụ Sào Nam ở ngoại quốc về, tôi được hầu chuyện cụ mấy lần trên sông Hương, Cụ kể chuyện Bạch Xỉ cho nghe, tôi bèn chép mà để lại.
Đương lúc cụ Sào còn mạnh giỏi, tôi nên đem chuyện này đăng báo để có gì sai với lời cụ, nhờ cụ chữa cho.
Kể ra thì cụ Sào biết về Bạch Xỉ cũng không được rõ ràng và đủ cho lắm. Nhưng được cái đại thể không sót; theo lời cụ, ta sẽ biết được Bạch Xỉ có tư cách thế nào và kết cuộc ra sao.
CÁI HIỆU BẠCH XỈ TỪ ĐÂU ĐẾN?
sửaBạch Xỉ tên thật là Chí Tuân 志 遵 họ là Đoàn, con của một nông gia, ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Điều này người ta phải lấy làm lạ hơn hết: làm sao sinh trưởng trong một nhà nông mà lại có con người lỗi lạc như thế! Không gì chứ hai chữ "lỗi lạc" đem hình dung con người ấy thì cũng xứng đáng thừa ra.
Cái tên Chí Tuân đến chừng chủ nó ngoài hai mươi tuổi rồi thì bỗng dưng mất hẳn, không ai dùng để gọi nữa, và cái tên Bạch Xỉ thế vào. Đó là bởi một sự sắp đặt ngấm ngầm mà hữu ý, chứ không phải tự nhiên.
Chí Tuân quyết không phải là một người thường. Đại để là một hạng người với Trần Cao Vân đã nói trong báo này: Bình sinh có ôm một cái tư tưởng: làm vua.
Theo lối xã hội cũ của Tàu và của ta, con người như thế lâu lâu lại có một vài kẻ. Sự ấy không đủ lạ. Mà con người ấy thì thứ nhất hay dùng quyền thuật.
Nhân trong sấm Trạng Trình có câu: "Bây giờ Bạch Xỉ mới ra đời", Chí Tuân cố lợi dụng câu ấy nên từ nhỏ đã để răng trắng, không nhuộm, làm ra phù hợp với lời sấm. Mà có thể lắm: thuở ấy hết thảy con trai đều nhuộm răng đen cả, nếu có một người có răng trắng, người ấy phải được người ta giắt mắt vào.[1]
Ngoài 20 tuổi, Chí Tuân đã có rủ được ít nhiều đồ đệ rồi. Do cái miệng của bọn họ, Chí Tuân bắt gọi mình là Bạch Xỉ mà dấu biệt cái tên thật đi. Từ đó thiên hạ đều kêu Bạch Xỉ hay Bạch Xỉ chân nhân.
HỌC VÀ TÀI
sửaChí Tuân có chí lớn, muốn làm đế vương, cho nên dự bị cái học cái tài cho mình từ bao giờ mà không ai biết. Lạ một điều là chưa ai hề thấy Chí Tuân cắp sách đi học với thầy nào, mà học giỏi lắm. Một cái lạ nữa là học giỏi như thế mà không hề đi thi.
Văn tài của Chí Tuân thì quả là xuất khẩu thành chương, chẳng ai bì kịp. Lúc bấy giờ Chí Tuân hay ở Nghệ An. Cả tỉnh Nghệ thuở đó, ông thám Nguyễn Đức Đạt hay chữ nhất, rồi đến bọn ông Phan Đình Phùng, Phan Trọng Mưu, Đinh Văn Chất đều là bậc đình nguyên, tiến sĩ, nhưng ai nấy đều phải phục Chí Tuân, tôn là đàn anh.
Chẳng những văn, võ cũng giỏi. Đề Ngà, Đề Đạt bấy giờ là thầy võ ở đất Nghệ, nhưng không ai địch nổi Chí Tuân, nhất là về món song kiếm.
Chúng ta biết thuở ấy, người ta còn trọng khoa giáp và quan chức bằng mấy bây giờ. Chí Tuân chỉ là một tên học trò, mới ngoài ba mươi tuổi, mà vì còn cái tài học ấy nên mới được trọng. Không nói quá, lúc bấy giờ Chí Tuân coi hết thảy các ông Thám, ông Nghè, ông Đề, ông Lãnh gì cũng là vai đàn em. Người không kiêu ngạo, nhưng cái khí phách lớn lao lắm, thành ra vốn một tên chân trắng mà nghiễm nhiên ở cái địa vị lãnh tụ một thời.
Người ta nói Chí Tuân đại khái có cái khoé thế nầy: đối với vai dưới thì cực kỳ tử tế, trung hậu, nên ai cũng phục cũng mến. Còn đối với những người có phẩm vọng, có danh tiếng thì lấy tài học mà áp đảo, kỳ cho phục mới nghe. Mỗi khi dùng cái thủ đoạn ấy ra, đều kiến hiệu cả, là nhờ Chí Tuân có tài học hơn người thật tình.
MỘT VÀI DẬT SỰ
sửaNăm ấy chừng là năm gần cuối triều Tự Đức, ông Thám Đạt mở một trường dạy học thật lớn tại nhà. Bấy giờ ông Đinh Văn Chất, ông Phan Trọng Mưu đỗ cử nhân rồi mà cũng còn đến học với ông Đạt.
Trường cứ sáu ngày là có một kỳ "nhật lực" ra đủ đề mục như ở trường thi. Một hôm, gặp ngày nhật lực trường nhất ra bảy đề kinh nghĩa vừa kinh vừa truyện. Trong có đề Kinh Thư là "Tự triêu chí vu nhật trung trắc, bất hoàng hạ thực, dụng hàm hòa vạn dân"; đề Luận Ngữ là: "Tử hành tam quân tắc thùy dữ".
Thình lình một vị khách lạ đến cách nghiêm trang với dăm bảy kẻ theo hầu. Họ giới thiệu là Bạch Xỉ. Khi ấy ông thầy còn ở nhà trong, để đám môn đệ là mấy ông Cử tiếp khách. Nghe tài danh Bạch Xỉ, họ thử thách chơi, bảo làm hai bài kinh nghĩa nói trên đây.
Không cần cấu tứ, Bạch Xỉ cất bút viết xong bài Kinh Thư, trong có những câu này:
"Tể phu tiến thiện, vương viết vị! vị! Nhất dân ky, viết ngã ky chi!
Tỳ tướng truyền xan, vương viết phủ! phủ! Ngô mạo tuy sấu, thiên hạ tất phì!"
Kế đến xong bài Luận Ngữ, trong có những câu nầy:
"Binh bất yểm trá nhi Sài dã ngu!
Binh quý thần tốc nhi Sâm dã lỗ!
Ngôn thi giả Tứ dã, kỳ năng phú nhất thi dĩ thối lỗ hồ?
Tri lễ giả Thương dã, kỳ năng dĩ lễ nghĩa vi can lỗ hồ?"
Mấy ông Cử thấy đã khiếp rồi, đem trình cho thầy mình xem. Ông Thám Đạt xem văn cũng chịu là tay giỏi, bèn thân hành ra nhà ngoài mời Bạch Xỉ vào trong tiếp đãi. Khi ấy mấy ông Cử đứng xó ró, nhìn một anh thư sinh địch thể với thầy mình!...
Lần khác, ở giữa đám đông, toàn là các tay văn học cả, có kẻ muốn thử tài Bạch Xỉ, ra một câu đối rất khó:
"Cung trường cung dã, thỉ trương văn võ toàn tài" 弓 長 弓 也, 弛 張 文 武 全 才
(Chữ cung với chữ trường là chữ trương; chữ cung với chữ dã là chữ thỉ. Thế rồi nối lấy câu: thỉ trương văn võ toàn tài cũng có nghĩa hợp theo, cho nên khó)
Tức thì Bạch Xỉ đối rằng:
"Mục chiêm mục hề, chiêm miến hải hà thanh án", 目 詹 目 兮, 瞻 盻 海 河 清 案
(Chữ mục với chữ chiêm là chữ chiêm; chữ mục với chữ hề là chữ miến. Rồi nối lấy câu: chiêm miến hải hà thanh án, cũng có ý nghĩa, cho nên hay)
Ấy, đại để Chí Tuân lấy văn tài làm phục được nhiều người là nhờ lối văn ứng khẩu thần tình như thế. [HẾT KỲ 1]
PHỤC SANH
II
MỘT VÀI DẬT SỰ (tiếp theo)
sửaHai dật sự kể trong số báo trước, là chuyện Bạch Xỉ trổ tài ra giữa đám nhà nho, giữa bọn ông Nghè ông Cử có tiếng hay chữ để lăng giá[2] họ, làm cho họ phục. Người ta còn kể mấy chuyện Bạch Xỉ trổ tài trước mặt bọn nhà giàu mà dốt để cho họ tin.
Trong mấy năm cuối triều Tự Đức, ở Bắc Kỳ bốn tỉnh bị thất thủ và sau đó quân Pháp vào đánh cửa Thuận An, chính là lúc Bạch Xỉ đi vận động các miền nhà quê phía bắc Trung Kỳ và ra đến Bắc Kỳ nữa, để kiếm đồ đảng cho nhiều hầu có thừa thời cử sự.
Đến đâu nghe có nhà giàu là Bạch Xỉ tìm tới du thuyết. Và sau khi nghe những lời hùng biện và nhất là những câu ứng khẩu thần tình của ông ta, nhiều người hào phú phải bái phục xin nhập đảng.
Cho được tin sự đó là thật, chúng ta phải biết cái tâm lý của người đời bấy giờ. Hồi đó người ta sùng thượng văn chương thơ phú lắm. Hầu như ai nấy đều tin rằng hễ là người học giỏi, văn hay thì làm việc gì cũng được cả, dù là việc "vá trời lấp biển". Mà sở dĩ tin phục và chịu phù trợ một người như thế họ chẳng có mục đích gì khác hơn là sẽ nhờ người mà được phú quý về sau.
Đoàn Chí Tuân đã vào sâu trong cái tâm lý ấy của người đời bấy giờ, nên ông ta, ra việc gì thì thất bại, chứ về việc thu phục nhân tâm thì đã thành công và đắc thắng.
Lúc đó có nhiều nhà giàu hưởng ứng theo Bạch Xỉ và đem lòng thần phục. Ông ta đến một tỉnh nào, thường trú ngụ quanh khắp các nhà ấy; họ đối với ông giữ lễ phép như đối với một vị vua. Còn sự cung cấp về tiền bạc là sự cố nhiên.
Một lần, Bạch Xỉ đến ở một nhà giàu tỉnh Hà Tĩnh. Nhà nầy mới vừa xây xong hòn núi giả, giữa cái bể cạn có nuôi cá vàng, bèn nhờ ông làm cho một câu đối đề vào đó.
Ông làm:
Hải bất dương ba Chu vũ trụ |
海 不 揚 波 周 宇 宙 |
Đó, đại để văn chương của Bạch Xỉ là thế. Cái đề là bể cạn, cá vàng mà nói lung tung ra đến những vũ trụ nhà Chu, vua tôi nhà Hán, toàn là chuyện lớn lối cả, toàn là "khí tượng đế vương" cả, dễ làm cho kẻ nghe phải khiếp.
Bạch Xỉ cũng sở trường văn Nôm nữa. Gặp đám nhà nho thì ông ta xổ chữ Hán ra để đè lên họ; còn gặp hạng dốt, muốn cho họ hiểu, ông phải dùng văn Nôm.
Một lần Bạch Xỉ đến nhà giàu khác. Vừa bước vào cửa thì thấy chủ nhà đốc suất trai bạn đi đào khoai ngoài đồng vừa về đổ đầy nhà, mà khoai ấy người ta gọi bằng "khoai tây". Chủ nhà xin một bài thơ tức cảnh. Bạch Xỉ liền miệng đọc một bài tám câu, hai câu đầu rằng:
Đất nầy nào phải đất chi mầy?
Kéo cổ ra mà phứt cổ đi!
Một thứ văn chương đã nhanh mà lại có ý nghĩa sát với thời sự như thế, bảo sao người nghe chẳng phục lăn ra?
Từ bài trước đến đây, kể chuyện Bạch Xỉ cũng khá dài rồi mà tôi quên chưa nói ông ta là người đẹp trai và không lấy vợ, dù rằng ông ta lại là con một nữa. Đẹp trai, con một mà không lấy vợ, học giỏi mà không đi thi, ở giữa xã hội An Nam 40 năm trước, người như thế kể cũng là kỳ!
Lần khác nữa, cũng ở một nhà giàu, chủ nhà hỏi Bạch Xỉ sao không cưới vợ để mưu sự nối dõi kẻo nhà độc đinh. Đáp lại câu hỏi ấy, Bạch Xỉ dùng một câu thơ Nôm ứng khẩu:
Nghĩ lại một mình nên lấy vợ;
Nhưng mà bốn bể thảy là con!
HÀNH ĐỘNG CỦA BẠCH XỈ
sửaĐoàn Chí Tuân tuy là người Quảng Bình, nhưng sau khi lớn lên, ngoài 20 tuổi, ông ta ít khi ở quê nhà mà thường đi chu du miệt Nghệ Tĩnh và ra đến Bắc Kỳ. Trong Bắc Kỳ, Hải Dương là chỗ gót chân ông ta đặt lên nhiều nhất.
Ở Hải Dương có một người họ Trần, tên gì không biết, chỉ biết hiệu kêu ngoài là Hắc Long. Người nầy có đỗ đầu xứ tỉnh Hải Dương, cho nên lại có cái hiệu "Đầu xứ tỉnh Đông" hoặc kêu tắt đi là "Đầu Đông" nữa. Trần Hắc Long tức Đầu Đông, người ấy chính là đồng chí của Bạch Xỉ, làm một cánh tay của Bạch Xỉ ở miền Bắc.
Hắc Long cũng là một nhân vật kỳ và bí mật như Bạch Xỉ. Con "rồng đen" ấy giỏi thuật số, có đồ đảng nhiều. Đảng của Hắc Long sau rồi sáp nhập với đảng Kỳ Đồng.
Hắc Long với Bạch Xỉ, hai cái tên đối cân nhau ấy, việc làm của họ cũng giống nhau. Nhưng chỉ biết thế thôi, còn họ đã làm với nhau những việc gì, không rõ.
Hình như Bạch Xỉ đi vận động cách bí mật đã lâu mà không thành ra câu gì, cho nên về sau chỉ thúc kết bằng một cái trò trẻ con, làm cho hàng thức giả mỉm cười, mà ở bài sau tôi sẽ nói đến.
Theo người ta nói thì từ ban đầu, Bạch Xỉ có ý tự làm lấy cho mình. Nghĩa là cử binh đuổi người Pháp, đánh đổ luôn cả triều đình, nhất thống giang sơn mà xưng đế. Nhưng không biết vì sao, vào chặng giữa, hình như ông ta có thay đổi cái ý ấy đi thì phải.
Đây là một cái chứng.
Lúc đức Hàm Nghi chạy ra ở Sơn phòng Hà Tĩnh, ông Tôn Thất Thuyết còn ở đó với vua, chưa trốn sang Tàu, thì Bạch Xỉ có đến yết kiến vua nơi hành tại. Bấy giờ vua Hàm Nghi còn nhỏ, chưa biết gì, mọi việc đều do Tôn Thất Thuyết chủ trương. Chính ông Thuyết đã tiếp kiến Bạch Xỉ mấy lần.
Bạch Xỉ có điều trần các cơ ngơi chiến thủ cùng ông Thuyết. Ông khen là người có tài thật nhưng không tỏ ý trọng dụng. Ở đó mấy hôm, Bạch Xỉ nhận được một tờ lục chỉ của tướng phủ vâng mạng nhà vua, bổ ông ta làm Hàn lâm viện Điển tịch, tùng quân sai phái. Tức thì Bạch Xỉ bỏ ra đi không cáo từ nữa.
Khi thuật chuyện cùng tôi, cụ Sào Nam nhân việc nầy có phê bình ông Tôn Thất Thuyết vắn tắt mấy lời: "Người ta bảo ông "ngu" là đáng lắm. Hạng người như Đoàn Chí Tuân, không dụng thì thôi, dụng thì phải đại dụng, chứ làm gì lại bổ cho cái Hàn lâm Điển tịch? Đã đến bước lưu ly, triều đình lập trong góc núi, sự thế muôn phần nguy cấp rồi mà trong con mắt ông Thuyết còn coi cái Hàn lâm Điển tịch là to lắm!...".
Sau khi vua Hàm Nghi bị bắt, Bạch Xỉ có định hiệp tác với ông Phan Đình Phùng cùng các văn thân, tức là đảng Cần Vương. Nhưng vì hai bên không đồng ý kiến với nhau, nên lại chia rẽ.
Rốt lại, sự hành động của Bạch Xỉ tuy không ra gì chứ vẫn theo ý định từ trước. Ông ấy lập riêng một đảng, hành động cho mình, chứ không liên hiệp với đảng Cần Vương. [HẾT KỲ 2]
PHỤC SINH
III
BÀI HỊCH ĐÁNH TÂY
sửaSau khi vua Hàm Nghi bị người Pháp bắt được và đem đi, vua Đồng Khánh lên ngôi, triều đình Huế lại chỉnh đốn, nền bảo hộ lại xây đắp lần thứ hai. Ở Nghệ Tĩnh, đảng Cần Vương nổi lên chống lại Bảo hộ và Triều đình, thì Đoàn Chí Tuân, Bạch Xỉ, cũng khởi binh ở miền núi Vụ Quang, thuộc sơn phần tỉnh Hà Tĩnh.
Ở đó, Bạch Xỉ chiêu tập đồ đảng mình, lập ra triều đình, đặt ra quan chức, nghiễm nhiên xưng Hoàng đế, kỷ nguyên là Long Đức nguyên niên. Bấy giờ chừng vào khoảng triều Đồng Khánh hoặc Thành Thái sơ niên, nhưng đích xác vào năm nào thì không được rõ.
Một cuộc khởi binh xưng đế, lẽ ra dù có thất bại chăng nữa là người đời sau cũng còn có thể nhắc lại những cái cơ ngơi phương lược lấy một vài. Nhưng tệ lắm, công việc của họ Đoàn đã làm đó, bây giờ không còn làm sao biết được mà chép lấy một vài dòng. Vì việc tuy lớn mà chỉ có danh, không có thực, thành thử người đời sau dẫu muốn chép để lưu truyền cũng không lấy gì mà chép được!
Thực ra thì Bạch Xỉ chỉ là một con người kỳ quái, bình sinh chỉ ôm cái tư tưởng làm vua. Vậy nên không luận cách cử sự ra sao, miễn nhận được cái hiệu hoàng đế lấy một ngày, ông ta cho là đạt mục đích.
Bởi vậy cả cơ đồ của Long Đức hoàng đế bây giờ chỉ còn lại có một bài hịch mà chúng ta sẽ đọc câu còn câu mất dưới nầy.
Bài hịch bằng chữ Hán, làm như bài phú mà từ đầu đến cuối bỏ độc một vần "ốc". Mở đầu bằng mấy câu nầy:
"Nam quốc sơn hà,
Bắc triều chánh sóc.
Đinh Tiên Hoàng nhất thống nhi hậu, văn vận tiệm hanh;
Đại Ngã triều tam bách dư niên, đạo hóa nồng úc.
Triệu Tống đê phong chi cựu, thốn thổ thốn kim;
Thành Châu kinh lý chi dư, nhất thảo nhất mộc.
Tuy hữu cuồng đồ tiểu xú, vạn thặng nộ đường;
Khẳng dung tật túc cao tài, quần qua trục lộc".
Vào đến chỗ Bạch Xỉ tự thuật chí nguyện mình và rao ra cái danh nghĩa khởi binh có câu nầy:
"Vương tá nhi vận năng khôi Hán, Gia Cát danh cao:
Đế sư nhi cừu khả báo Hàn, Tử Phòng nguyện túc."
Coi đoạn trên có dùng chữ "ngã triều" và hai câu nầy thì thấy lúc mới khởi binh, Chí Tuân vẫn còn có ý ủng hộ Nguyễn triều chứ chưa dám phản đối. Nhưng cái ý ấy về sau không còn nữa.
Trong bài hịch có một cái đặc sắc tỏ ra Chí Tuân có ý kiến khác với sĩ phu lúc bấy giờ, là cái ý kiến đối với người bên Giáo. Lúc đó chính là lúc người mình coi bên Giáo như thù, đâu đâu cũng có sự phá nhà chung, giết người có đạo. Nhưng Bạch Xỉ lại khác, ông ta cho rằng bên Giáo cũng là người An Nam, nước mất thì họ cũng đồng chịu sự khổ nhục chứ nào có lợi lộc gì. Cho nên ông ta cũng hô hào bên Giáo theo mình khởi nghĩa phục thù. Trong bài hịch có câu nầy:
"Khan nhật hạ nhung tần đắc chí, tại giáo dân tằng vô bổ ư tư hào;
Nhi niên lai nhân mỗi truyền ngoa, vị dương lộ mỗi thi thử vi ỷ dốc".
Câu ấy nghĩa là: "Coi như gần đây binh Pháp đánh thắng luôn mà Giáo dân có được bổ ích chút nào đâu. Thế thì bấy lâu người ta đồn kẻ có đạo thông lưng với quân Pháp là đồn bậy".
Vì vậy nên cuộc khởi nghĩa này, Bạch Xỉ cũng có rủ người bên Giáo nữa. Đây là câu kết của bài hịch:
"Lương tắc thân trình phủ quan huyện quan;
Giáo tắc thân trình linh mục giám mục.
Miễn chiên! Miễn chiên!
Hỏa tốc! Hỏa tốc!"
BƯỚC DƯỜNG CÙNG CỦA HOÀNG ĐẾ LONG ĐỨC
sửaTôi chép chuyện một vị anh hùng (!) bình sinh có chí lớn, tài cao, đến nỗi đã cử binh, xưng hoàng đế, mà câu chuyện ngắn ngủi và buồn tẻ đến thế nầy, thật tôi cũng lấy làm không may cho ngòi bút của tôi. Nhưng cái thực sự đã như thế thì ta còn biết làm sao được!
Theo người ta nói thì trong mấy năm lẩn lút ở miền núi, Bạch Xỉ chẳng hề có kéo quân ra đánh một trận nào với binh Pháp cả. Ông ta chỉ dùng những chước móc tầm thường mà phỉnh phờ những người dân ngu ở dưới quyền mình để họ coi mình là thần thánh.
Triều đình Long Đức đóng trong các miền núi mà không phải ở yên một nơi. Vua tôi họ hôm nay ở chỗ nầy, đến mai lại dời đi chỗ khác để tránh sự tru diệt của Pháp binh. Tuy vậy chứ giữa họ với nhau cũng vẫn ca tụng cái hội rồng mây, cái duyên cá nước mà chẳng ngượng chút nào.
Niên hiệu Long Đức chép đến năm thứ hai thì hoàng đế bị người ta bắt giải về tỉnh Nghệ An. Bấy giờ ông Hồ Lệ, người Quảng Nam, làm Tổng đốc tỉnh ấy, đâu chừng vào năm Ất Vị, Thành Thái thất niên thì phải.
Bạch Xỉ bị giam vào lao tỉnh Nghệ. Bấy giờ ông ta ngoài 40 tuổi. Bị giam ít lâu rồi chết tại đó.
Cái bước đường cùng của một vị hoàng đế nhà nho cũng lại chẳng có gì đáng cho ta nhắc nhở, ngoài một vài câu thơ câu đối của ngài.
Quan Tổng đốc Hồ Lệ vốn là một người nho nhã, thấy Bạch Xỉ học giỏi thì có lòng lân tài và ưu đãi, tuy bấy giờ ông ấy đã trở nên một tên tù dưới thềm rồi. Trêu hai chữ "Bạch Xỉ” ông Hồ có ra câu đối rằng:
Thương người răng trắng gặp hồi đen.
Bạch Xỉ đối rằng:
Đau kẻ lòng son ôm máu đỏ.
CHUYỆN VẶT VÀ THUYẾT KHÁC
sửaBạch Xỉ từ trước không cưới vợ. Lúc lên ngôi hoàng đế rồi, có lập một người con gái Lào làm chánh cung, và người ấy có đẻ cho ông ta một mụn con trai. Sau khi bị bắt, cơ nghiệp tan tành, người vợ và đứa con đó không biết lưu lạc nơi nào.
Còn người vợ có đẻ một đứa con gái về sau làm vợ ông Nguyễn Phong Di đó, lấy ông Bạch Xỉ sau khi ông đã bị bắt và ở giam trong lao tỉnh Nghệ. Có kẻ nói người con gái đó chưa chắc là con của Bạch Xỉ.
Cái án Bạch Xỉ hình như mãi đến lúc ông ta chết mà làm cũng chưa thành. Vì ông ta tuy có tiếng làm giặc, tiếm hiệu vua, mà thực ra không có gì là tang trạng cho đích xác cả. Người ta có bắt được những sổ sách của ông thì thấy trong ấy biên những tên bồ tát, hòa thượng, như sổ nhà chùa, chẳng ai biết mối mớ đâu mà tra khảo. Còn hỏi ra thì ông cũng không có những sự giết người hoặc đốt phá nơi nào, cho nên đã lâu mà không định được tội danh. Một người làm giặc như thế thì cũng đáng buồn cười thật.
Bạch Xỉ bị bắt làm một với mấy chục người đồ đảng. Bọn nầy về sau cũng được tha. Trong đó có hai người Lào, quan tỉnh tha chúng, chúng không chịu đi, nói rằng "Cha chúng tôi ở đây, thì chúng tôi ở đây, không đi đâu cả".
Cảm phục được đến người Lào, khiến chúng gọi bằng cha, gặp lúc nguy mà không chịu bỏ đi, đó cũng là chỗ khác người của Bạch Xỉ vậy.
Trong bọn đồ đảng còn có hai người tên là Biện Kỳ và Kiểm Cọng, về sau theo cụ Sào Nam, cụ nói hai người ấy rất trung thành với việc nước và đắc lực lắm.
Có thuyết khác nói rằng Bạch Xỉ tên thật là Đoàn Đức Mậu, lúc lên ngôi, kỷ nguyên là Văn Lượng, khác với cụ Sào Nam nói tên là Chí Tuân và kỷ nguyên là Long Đức.
PHỤC SINH[3]
Chú thích
- ▲ giắt : cắm vào, làm cho mắc vào (H.T. Paulus Của: sđd.) vậy “giắt mắt vào” cũng như ngày nay nói “dán mắt nhìn”.
- ▲ lăng giá: chưa rõ nghĩa; theo H.T. Paulus Của (sđd.) thì “lăng” 淩 nghĩa là lấn lướt; phải chăng “lăng giá” cũng trong nghĩa ấy?
- ▲ Bài này kỳ đầu ký Phục Sanh, hai kỳ sau ký Phục Sinh; văn phong cho thấy đây là bài của chính Phan Khôi.