Một cái sử liệu rất quý: Thơ Nguyễn Văn Tường gởi cho Nguyên súy nước Pháp ở Tây-ty

Một cái sử liệu rất quý: Thơ Nguyễn Văn Tường gởi cho Nguyên súy nước Pháp ở Tây-ty  (1935) 
của Nguyễn Văn Tường, do Phan Khôi dịch

Bản dịch đăng trên Tràng An, Huế, số 39 (12 Juillet 1935), trang 2; số 40 (16 Juillet 1935), trang 2; số 41 (19 Juillet 1935), trang 2; số 42 (23 Juillet 1935), trang 2; không ghi tên dịch giả, nhưng Lại Nguyên Ân cho rằng do Phan Khôi dịch.

Nguyễn … lãnh Thượng thơ bộ Lại nước Đại Nam, kính thơ cùng quan Nguyên súy nước Pháp trú tiết tại Tây-ty:[1]

Ngày rằm tháng năm năm ngoái, cứ theo quan Khâm sứ đại thần của quý quốc, ông Sâm-bô có cho hay tin rằng quan Toàn quyền đại thần Công-xy sẽ định ngày từ Bắc vào Kinh để kính dâng lời sắc thơ. Tôi đem việc ấy tâu lên, được chỉ chuẩn phái quan quân và tàu binh ra cửa Thuận An đón tiếp. Ngày 20, theo lời phái viên của chúng tôi báo, quan Toàn quyền đã tới cửa Thuận, có đem theo năm chiếc tàu, hơn một ngàn lính; quan Toàn quyền bảo tàu thì chia ra đậu ở trong và ngoài cửa, lính thì cho vào trú trong Kinh thành, và lần này ngài đến đây có dâng sắc thơ, các quan Thượng thơ lục bộ thảy đều phải tề tựu tại Tòa Khâm chầu chực, không được thiếu một ai. Tôi liền sức dọn trại lính và báo tin cho các quan Thượng thơ lục bộ đều biết.

Cứ lời Tôn Thất Thuyết, Thượng thơ bộ Binh trình tự: ông ấy hiện mắc bệnh, đau ở chân, có rước thầy thuốc tây điều trị mà chưa lành, vì vậy ông ấy xin triển hai ba ngày rồi sẽ sang sau.

Chiều hôm ấy, quan Toàn quyền đến, trú tại Tòa Khâm. Ngày 21, tôi sai người sang Tòa Khâm trình rằng Tôn Thất Thuyết hiện đương mắc bệnh, xin để tôi cùng bốn quan bộ Hộ, Hình, Công, Lễ sang yết kiến trước. Quan Toàn quyền trả lời rằng nếu không có Tôn Thất Thuyết thì các bộ cũng không được sang và ngài cũng không chịu ra tiếp kiến đâu.

Được tin, tôi liền tới ngay dinh bộ Binh, thuật lời quan Toàn quyền mà thiết trách Tôn Thất Thuyết. Ông ấy nói cùng tôi rằng: “Quan Toàn quyền đến Kinh lần này, chỉ có việc dâng sắc thơ, mà trước khi đến lại troàn cho các quan Thượng thơ không được một ai thiếu mặt, phải hết thảy đều sang Tòa Khâm cho bằng được mới nghe; ngài còn đem theo nhiều tàu và lính. Xem ra khác với các quan Toàn quyền trước, tình hình cũng đã đáng nghi ngờ. Gần đây có nghe Nguyễn Hữu Độ, Tổng đốc Hà Nội, nói với quan Toàn quyền rằng tôi không chịu hòa. Vả tôi chức chủ việc binh, có trách nhiệm phải phòng thủ. Dạo trước, ông quan năm ở Mang Cá đem binh lên trên thành, lăn những khẩu súng lớn bỏ ra, và đóng lấp miệng súng lại, hết thảy đến hai trăm khẩu, lại kéo quân đi phá xã dân, cướp bóc tài vật, làm cho tiếng khóc vang dầy. Bên quan Tây làm như thế mà tôi đã bóp lòng nhịn chịu, không dám kháng cự chút nào. Thế mà Nguyễn Hữu Độ còn nói tôi không chịu hòa, rồi quan Toàn quyền cũng nghe được đi. Nếu như hôm nay tôi cũng qua Tòa Khâm hội kiến, rồi quan Toàn quyền bắt tôi đày đi Côn Lôn, như quan Toàn quyền trước cùng Nguyễn Hữu Độ đã phỉnh bắt Hà Văn Quán, tổng đốc Hải Dương, thì tôi ăn năn sao kịp!”

Tôi nói cùng ông ấy rằng quan Toàn quyền là một vị đại thần, mọi việc ngài phải làm cho minh chánh, huống chi lần này đến đây với sắc thơ quốc mạng, có lẽ nào làm bậy được đâu? Bằng có xảy ra việc gì, tôi sẽ chịu. Nghe lời tôi nói như thế, Tôn Thất Thuyết bảo để nghĩ lại kỹ xem sao.

Ngày 22, Tôn Thất Thuyết có viết một bức thơ và đưa cho tôi coi, trong thơ nói rằng ông ấy đương mắc bệnh, nếu quan Toàn quyền không chịu cho triển, e để dây dưa ra nhiều ngày làm lầm việc nước. Thôi thì ông ấy xin từ chức, về nhà chữa bệnh, để bổ thay người khác cho đủ số Thượng thơ. Tôi khiến người mang bức thơ sang trình, quan Toàn quyền không chịu nhận, lại tư cho tôi mà nói rằng nếu Tôn Thất Thuyết không sang thì ngài cũng quyết không chịu dâng sắc thơ, v.v…

Ngày 23, tôi liền đem các việc ấy tâu lên. Có chỉ truyền cho Tôn Thất Thuyết nội ngày hôm sau (24) dù bệnh cũng phải gắng đi với các Thượng thơ các bộ qua Tòa hội kiến, không thì có lỗi.

Bấy giờ tôi cùng đình thần thiết trách Tôn Thất Thuyết buộc phải đi, không đi thì sẽ bắt lính khiêng đi, không được trì hoãn. Tôn Thất Thuyết nói thôi thì để đến mai cùng đi luôn thể.

Không ngờ đêm ấy ước chừng 2 giờ, trong thành thình lình nghe tiếng súng. Tôi lập tức cho người sang thăm bên bộ Binh thì ra Tôn Thất Thuyết với gia quyến đã đi đâu rồi!

Tôi tức thì cùng đình thần vào chầu và tâu gởi. Được [….] sắc ban ra nói rằng chẳng hề thấy người nào tấu báo gì cả, chẳng biết làm sao lại có tiếng súng dường kia.

Lúc đó hai bên bắn nhau, cung đền sụp đổ, tình thế rất nguy ngập.

Tôi liền cùng đình thần tâu xin Hoàng thượng cùng với đức Từ Dũ Thái hoàng thái hậu, Hoàng thái hậu, Hoàng thái phi đều ra khỏi thành, ủy cho bọn thị thần hộ giá lên chùa Thiên Mụ tạm trú lại đó.

Còn tôi, tôi đi thẳng lên nhà chung Kim Luông, tại nhà của Giám mục Lộc, nhờ ông ấy viết thơ, kể lể việc này là bởi Tôn Thất Thuyết làm càn, chớ đình thần của bản quốc và tôi vốn không có ý gì khác, xin quan Toàn quyền và quan Khâm sứ chước nghĩ bề nào cho được giữ còn cái tình hòa hảo như trước.

Khi ấy ước chừng bảy giờ sáng, tôi thuê người đem thơ qua Tòa Khâm. Còn tôi ở đợi tại nhà chung. Ngặt lúc đó hai bên đang bắn nhau, người đưa thơ phải đi quanh đường khác, cho nên mười hai giờ trưa thơ mới đến Tòa Khâm được. Hồi ba giờ chiều thì tôi tiếp được thơ trả lời của quan Khâm sứ, ngài nói phải rước Hoàng đế về an vị thì việc cũng sẽ êm, không ngại gì.

Được lời, tôi hối hả sang chùa Thiên Mụ, thì ngự giá cùng Tam cung đã bị Tôn Thất Thuyết ép rước ra tỉnh thành Quảng Trị rồi. Khi bấy giờ trời gần tối, đi hay ở, hai đường đều khó cho tôi. Tôi phải trở lại nhà chung, bàn với Giám mục cùng đi sang Tòa Khâm trình lại quan Toàn quyền. Ngài bảo trời đã tối, tôi cùng Giám mục vào thành mà nghỉ.

Ngày 25 quan Toàn quyền vào thành, tới chỗ tôi ở, nói rằng bây giờ phải đem cái ý hai bên lại hòa hảo như xưa mà yết thị cho nhân dân đều biết. Lại phải tâu Hoàng thượng cùng Tam cung, xin các ngài hồi loan. Tôi liền làm yết thị theo như lời quan Toàn quyền và phái người đi gấp ra Quảng Trị tâu gởi. Người đi chưa về thì ngày mồng ba tháng sáu có tiếp được tờ lục yết của quan Toàn quyền.

Tờ lục yết nói: Tiếp được điện tín bên quý quốc sang, có sắc lệnh quyết định cho ba khoản:

Khoản thứ nhất: Hoàng đế nước Đại Nam vẫn làm vua như trước;

Khoản thứ nhì: Nhà nước Đại Nam vẫn lập y như trước;

Khoản thứ ba: Các vị hoàng thân, công chúa phải về Kinh. Tôn Thất Thuyết thì phải bắt nạp cho Hoàng đế nước Nam.

Tôi liền y theo ba khoản đó phi tấu cùng Hoàng thượng và Tam cung, biến báo cho tôn nhân đình thần và tư ra cho các tỉnh biết mà làm việc.

Ngày mồng năm, Tam cung trở về; quan Toàn quyền xin các ngài tạm trú tại Khiêm cung, chờ Hoàng thượng về sẽ nhập thành một thể. Đình thần, tôn nhân đến ra mắt quan Toàn quyền, ngài dạy hẵng về ở chỗ trước, và tùy tiện tạm ở đâu đó làm việc, chờ ngày sẽ vào thành.

Nhưng lúc bấy giờ Tôn Thất Thuyết đã hiếp ngự giá đi lên đất Mọi. Tôi liền bàn xin quan Toàn quyền phái lính quý quốc, tôi cũng phái lính bổn quốc, chia đường đi đón ngự giá và đuổi bắt Tôn Thất Thuyết cho kỳ được. Ngặt gặp mùa lụt, đi theo không kịp; lính của quý quốc đến Quảng Trị trở về; còn lính bổn quốc thì từ Quảng Trị đi thẳng ra Hà Tĩnh. Trong lúc đó lại có lời Dụ của Tam cung truyền cách chức Tôn Thất Thuyết, rao cho quan quân dân thứ các tỉnh, ai bắt được sẽ hậu thưởng tiền bạc quan hàm. Lời Dụ đó cũng có trình cho quan Toàn quyền biết nữa.

Kế đó quan Toàn quyền đi Bắc, ông quan Sáu sức đòi lính tập, dân hạt Thừa Thiên nổi lên bắt giam viên bang tá, toan việc kháng cự lại quan binh. Dân Quảng Nghĩa thì đánh lấy tỉnh thành, tìm giết giáo dân, tính kéo ra Kinh đánh nhau với triều đình. 

Tôi được các tin ấy liền một mặt báo cho quý quan biết, một mặt phái lính về đánh dẹp, đã bắt được 24 tên, cừ phạm[2] hoặc chém bêu đầu, hoặc chọn chỗ phát lưu. Đã lấy lại được tỉnh thành Quảng Nghĩa, dân hạt Thừa Thiên cũng được ninh thiếp[3] như xưa.

Dân hạt Bình Định họp đảng ước hơn năm vạn, bắt quan tỉnh giam lại, cướp lấy đồ binh khí, chia nhau đi đốt giết giáo dân, tính kéo ra thâu phục Kinh thành. Bấy giờ đường bộ thảy bị ngăn trở, tôi phải sai người đi lẻn vào mà xem xét và hiểu thị cho các nơi; lại sai quan đi tàu thủy theo ông quan Sáu và quan Khâm sứ vào mà do thám. Sau đó quý quan và quan bản quốc về thuật lại, thì ra đảng chúng rất nhiều, phải đợi báo tin quan Toàn quyền biết đặng ngài phái thêm binh hội tiễu. Kế đó tiếp được tờ tư của Tổng đốc Bình Định Lê Thận tư ra, nói đảng chúng đã nghe tin chắc chắn rằng hai bên hòa hảo rồi thì đều giải tán, lục tục tới tỉnh đầu thú. Vừa lúc đó quan Toàn quyền ở Bắc về, cho tôi biết rằng chính ngài sẽ kéo binh vào. Tôi bèn ủy cho Châu Đình Kế, Thượng thơ bộ Công, đi theo quan Toàn quyền do đường biển. Lại phái hai quan Đề đốc và Bố chánh đem binh đi đường bộ. Tôi cũng tư cho tỉnh Bình Định biết, hễ quan binh vào tới thì tiếp rước cho long trọng, và sức đảng ấy xuất thú cho nhiều. Đến sau quan Toàn quyền về tới Kinh, tiếp tờ tư của tỉnh ấy nói quan binh đi vào lần này, đảng nọ đã giải tán rồi và sự quan tỉnh tiếp rước quan quân cũng rất tươm tất.

Sớm mai ngày 28, thấy ông quan Ba tới chỗ tôi ở, bảo rằng quan Toàn quyền sức đòi Phạm Thận Duật, Lê Quang Đính[4] cùng tôi đều xuống chiếc xà-lúc của ông. Tôi gạn hỏi việc gì và đi đâu. Ông quan Ba đáp rằng đó là mạng lệnh của bề trên, ngài còn chưa nói rõ. Bọn chúng tôi bèn theo xuống xà-lúc, cũng chỉ tưởng mời qua Tòa Khâm hội thương việc gì đó mà thôi. Có ngờ đâu ông quan Ba mở máy tàu, chạy thẳng xuống cửa Thuận rồi ra khơi. Kế đổi đem chúng tôi sang tàu lớn rồi chạy vào Côn Lôn, giam chúng tôi ở đó.

Sự đi này thật là thình lình quá, trên Tam cung, dưới đình thần cùng gia quyến tôi, đều không hề biết tôi đi đâu và bởi việc gì. Tôi không kịp mang theo áo quần và tiền bạc, đã chịu đói khó luôn mấy tuần, tưởng chừng như không sống được!  

Vả quan Toàn quyền là bậc đại thần của một nước lớn, phàm làm việc gì tưởng nên làm cho minh chánh mới phải. Ngài cũng từng tâu xin cho tôi làm nhất hạng đại thần, lẽ nào ngài lại có cái phản tâm đến thế? Hay là vì tôi bình sinh có tánh nói thẳng, trong đồng liêu có kẻ không vừa lòng: hoặc họ làm nhiều điều phi pháp, sợ tôi không dung, cho nên muốn đày tôi đi xa để che khuất tội của họ? Hoặc toan làm sự tiếm việt, sợ tôi chỉ trích cho nên muốn đuổi tôi đi xa để được toại nguyện mưu gian của họ? Rất đỗi có người niết tạo thơ rơi, nói tôi rước binh Tàu qua rồi sai người lượm lấy đem nạp cho quân Toàn quyền. Họ dèm pha tôi một trăm cách, ý họ muốn đạp đổ tôi cho được mới thôi. Quan Toàn quyền mới tới, chưa quen nhân tình phong tục xứ này, có lẽ ngài đã bị bọn họ đánh lừa chăng? Bởi thế nên Tôn Thất Thuyết đem lòng hoài nghi cũng chẳng lấy gì làm lạ!

Vả chăng bản quốc cùng quý quốc nghị hòa ba lần đều có tôi đứng dự. Lần nào việc cũng được ổn thỏa hết, nên đã từng được quý quốc thưởng cho bội tinh hạng lớn. Có điều thiên hạ chẳng phải một nhà, trong nước chẳng phải một người, kiến thức không giống nhau, việc làm khó mà vừa ý. Bởi vậy giảng hòa gần ba mươi năm nay mà bản quốc chưa từng học được một nghề, tập được một tên lính, cứ năm nay mất một tỉnh, sang năm mất một thành, tình ý hai bên lại chưa được thỏa thiếp với nhau. Cái việc ngày nay, tôi cũng đã liệu trước rồi, chỉ không biết làm sao được.

Tôi làm bậc đại thần, mà không biết lo trước, để đến nỗi có việc ngày nay, thì tôi còn mặt mũi nào lại trông thấy quan Toàn quyền nữa! Nhưng vì nước chúng tôi hèn yếu đã lâu, nếu không có quý quốc bảo hộ cho thì làm thế nào giữ mình cho còn được? Ngày nay Tôn Thất Thuyết đã làm bậy như thế, nếu tôi cùng đi với ông ấy thì ra tôi đã cùng ông ấy đồng mưu, rồi tôi chia mà chịu bớt tội với ông; như thế thì chẳng những cái lỗi của Tôn Thất Thuyết không tỏ bày và cái lòng tôi đối với quý quốc cũng không được bộc bạch, mà lại, có những kẻ nói nhảm những chuyện cần vương khởi nghĩa như mấy tỉnh Quảng Nghĩa, Bình Định đó, mới lấy ai mà hiểu trấp, lính tráng dân sự lại càng chịu hại nhiều hơn. Bởi vậy đương lúc gươm súng tưng bừng, ai nấy đều sợ trốn, mà một mình tôi liều thân ở lại, cùng quan Toàn quyền bày tỏ mọi điều. Nếu ngài tin tôi, không vì cớ một người làm xằng mà bỏ tình hòa hảo của hai nước, thì tôi xin giúp ngài làm cho Nam Bắc đều sớm được ninh thiếp, ấy là cái ơn của quý quốc và của quan Toàn quyền mà cũng là cái phúc của bình dân cả nước chúng tôi. Bằng quan Toàn quyền vì cớ ấy giận lây, ngài có làm ra điều chi nữa, thì tôi cũng nguyện cùng còn cùng mất với xã tắc cho rồi, cái thân này đâu có tiếc làm chi, và đến lúc bấy giờ cái trách nhiệm của tôi cũng được tròn rồi vậy! Lúc được quan Toàn quyền tin cậy, lại được quý quốc chuẩn cho ba khoản, thần dân bản quốc ai nấy nghe đều lấy làm mừng. Tôi làm việc chung với quan Toàn quyền đã được hai tháng, hai tình cũng gọi là hòa hiệp cùng nhau, hiện đương hẹn ngày trả thành, ngõ hầu đặt an ngôi lớn, thế mà lại thình lình chở tôi qua Côn Lôn, giam tôi như tù phạm, ấy thật kẻ bội nghịch được thong dong ngoài lưới phép, còn người quy thuận trở chuốc lấy tai ương! Quan Toàn quyền đã chẳng phân biệt ai là phải ai là trái, lại còn hay nghe lời kẻ dèm, tôi tưởng cái độ lượng của một vị đại thần đâu có như vậy!

Nay mai nhờ Triều đình thấy rõ ngoài muôn dặm, dò được ẩn tình, đòi tôi đến giao cho quý Nguyên súy hỏi lại; vả lại hậu cấp cho tôi những tiền bạc, thuốc men và đồ ăn, không món gì là không đủ, so với lúc ở Côn Lôn, sao mà một đằng công, một đằng tư, một đằng khoan, một đằng nghiêm, xa nhau làm vậy? Điều đó thật trong chiêm bao tôi cũng không hề tưởng đến!

Trộm nghĩ tôi từ khi đi ra làm quan, lìa nhà đã 34 năm, toàn lo cho nước, không thành một việc gì cả. Năm nay tôi đã 64 tuổi, còn sống bao nhiêu nữa mà tôi còn tham danh lợi làm chi? Có điều bởi tôi một lòng yêu nước, không có thể xao nhãng được, mới muốn đeo đuổi theo quý quốc, hiệp sức toan lo, may ra mà đại cuộc có thành thì cũng có bổ ích mảy may cho bản quốc, ấy là chỗ khổ tâm của tôi đó. Thế mà bây giờ tôi vô cớ gặp lấy cái tai họa không đáng gặp, muôn một có sự bất hạnh, hài cốt của tôi chẳng ai vùi giập cho, thì ra tôi đã bất trung với nước lại còn bất hiếu với nhà, ấy lại là chỗ đau thầm xót trộm của tôi nữa vậy!

Vậy xin quý Nguyên súy cứ tình tôi mà đề đạt cho![5] (HẾT)

   




Chú thích

  1. Xem lai lịch của bức thơ nàyTràng an số 38. Chữ Tây-ty đây nguyên viết bằng 西卑, chúng tôi cứ theo đó dịch âm mà đoán là “Tahiti” (nguyên chú của tòa soạn Tràng an).
  2. cừ phạm: chưa rõ nghĩa.
  3. ninh thiếp: bình an, yên ổn (Huình Tịnh Paulus Của: sđd.)
  4. Lê Quang Đính đây là cha ông Tôn Thất Thuyết. Bấy giờ triều đình nghị tội, hai cha con đều bị “cải tùng mẫu tánh” nên ông Đính không được xưng là Tôn Thất nữa mà đổi theo họ Lê. – Dịch giả chú (nguyên chú của tòa soạn Tràng an).
  5. Bức thơ này không đề tháng ngày. Chúng tôi tưởng chắc có đề tháng ngày mà người sao lục bỏ đi không chép. Trong khi sao lục cái gì, người mình luôn luôn có sự bất cẩn ấy, thật là một sự làm khó cho nhà sử học về sau! (nguyên chú của tòa soạn Tràng an).

   Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:
 

Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.

 
Bản dịch:
 

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)


Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)