Một cái bệnh dịch trong làng văn nên cùng nhau sớm tìm thuốc chữa

Một cái bệnh dịch trong làng văn nên cùng nhau sớm tìm thuốc chữa  (1939) 
của Huỳnh Thúc Kháng

Bài đăng trên Tiếng dân, Huế, số 1334 (30 Mars 1939), trang 1; số 1335 (1er Avril 1939), trang 1; số 1336 (4 Avril 1939), trang 1.

Vài điều kiến giải hùn với bài “Khái luận về văn học chữ Hán ở nước ta” của ông Phan Khôi

Tao đàn tạp chí số 1 và số 2 ra ngày 1er và 16 Mars 1939, ông Phan Khôi có bài “Khái luận về Hán học ở nước ta”, một bài đại luận, trưng dẫn xác lạc, lời lẽ rành rẽ, bản ý muốn chữa cái thông bệnh lưu truyền trong văn học giới nước ta.

Hán học ở nước ta ngày nay đã thành vật cổ bỏ xó, lớp thiếu niên tân học phần đông không rõ lai nguyên là thế nào, mà lớp cựu học sống sót không còn mấy người. Tôi là một người trong đám sống sót – trước ông Phan Khôi không bao năm – đối với bài khái luận của ông, đại thể vẫn tán đồng, song có một vài điều kiến giải gọi là bổ chỗ thiếu trong bài ấy.

Một cái thông bệnh trong làng văn từ xưa đến nay, văn nhân Đông phương – không nói Tây phương – ít ai tránh khỏi, gần như bệnh dịch truyền nhiễm và di truyền cứ thấy lan rộng, in sâu và kéo dài. Chính cái bệnh ấy làm cho văn học giới hiện ra cái cảnh tượng “vàng thau lẫn lộn, lúa cỏ xô bồ”, che lấp cái chân giá trị cùng chân tướng của văn người xưa đã là một cái tội, mà cái lối “thả trái mù, đánh trống lấp” làm cho người đồng thời cùng lớp sau mang cái nạn choáng tai lòa mắt, không biết đường nào chân chính mà theo, không biết điều gì mậu ngộ mà tránh, di hại trong học giới, cái tội ấy thật không đáng dung thứ chút nào!

Cái bệnh dịch ấy là gì? Tôi xin cả tiếng hô lớn là cái bệnh KHEN CHÊ QUÁ ĐÁNG.

Văn giới Hán học phương Đông có cái tập quán đã thành di truyền tánh là cùng khinh rẻ nhau 文 人 相 輕 (văn nhân tương khinh) và cùng tâng bốc nhau 互 相 標 榜 (hỗ tương tiêu bảng). Nói riêng về đời Hán học ở nước ta, cái bệnh ấy cũng kèm với Hán học mà truyền nhiễm rất chóng và in vào rất sâu. Bởi vậy, làng Hán học ta trải mấy trăm đời, trừ ra một số rất ít, –  ít đến muôn một, – nhờ tư chất thông minh dĩnh ngộ, cùng đặc tánh ham học, ra công nghiên cứu, tự tìm lấy đường lối, phăng đến nguồn gốc mà tự chữa lấy mình, may ra tránh được cái bệnh đó, đã khó lắm rồi. Ngoài ra, biết bao kẻ tuấn tú học nhiều – không kể hạng ít học – mang cái xác văn nhân mà cái hồn bị con ma dịch kia hớp từ lúc nào mà không tự biết!

Bệnh dịch ấy truyền nhiễm đến cả Tây học và Quốc văn học!

Từ có Tây học truyền sang, may phúc lại có thứ chữ quốc văn thay cho học chữ Hán trước kia, riêng tôi là một người sống vào giữa khoảng quá độ ấy, được thấy cái phong khí “văn học phê bình công khai” phương Tây truyền sang, có lòng mừng thầm, ngày đêm cầu khấn cho con ma dịch nói trên cùng đi đời với số kiếp Hán học, không còn khuấy rối trong làng Tây học và Quốc văn học, nhứt là cái nền quốc văn mới gầy dựng như đứa trẻ con trong lúc ngày tháng còn non.  

Nhưng khốn thay! Chữ Hán đi đời mà cái bệnh dịch di truyền in sâu trong mạch máu người mình làm sao! Không những không thấy giảm bớt chút nào, lại càng thạnh hành hơn trước. Một cái cớ dễ hiểu là chữ quốc ngữ ngày nay dễ học hơn chữ Hán ngày xưa xấp mười xấp trăm, gia dĩ máy in hoạt bản tiện lợi cho đường trứ thuật và ấn hành, thành ra văn sĩ và tác giả ngày nay xuất hiện càng nhiều, con ma dịch “khen chê quá đáng” kia đã làm hại cho Hán học ngày xưa, nay lại được cái nhịp tốt và hoàn cảnh thuận tiện mà hoành hành trong học giới quốc văn hiện thời, làm cho đứa con quý báu ta đương còn thời kỳ ấu trĩ đã mang phải bệnh di truyền ấy, nguy hại cho văn học giới ta biết bao!

Thái độ tôi đối với bệnh di truyền ấy

Vì cái cớ nguy hại nói trên, đối với môn học quốc ngữ truyền bá mau chóng, tôi mừng bao nhiêu, thì đối với bệnh dịch truyền nhiễm lan rộng, tôi lo bấy nhiêu. Trên 10 năm nay, tôi chủ trương tờ báo Tiếng Dân, đối với các sách quốc văn xuất bản, lời khen tiếng chê rất là dè dặt, dè dặt cho đến nhiều người gia cho cái tiếng “nguội lạnh”, “hà khắc”, tôi vẫn vui lòng nhận, mà không khi nào dám buông ngòi bút vượt ra ngoài cái giới hạn mà tự lương tâm tôi cho là “quá đáng”. Xin nói thực tình, tôi tuyệt nhiên không có ý lập dị, mà cốt là tự vệ, sợ con ma dịch kia ám ảnh đấy thôi.

Cái mãnh lực con ma dịch đương hoành hành trong học giới quốc văn ta – cả Pháp văn – tôi tự xét tôi có sức tự vệ là may, chưa biết chắc đã tránh khỏi chưa. Đến muốn đánh đổ nó không phải sức riêng một người cùng công phu một mai một chiều mà mong có thực hiện, rất trông anh em thức giả trong nước có lòng lo cho văn học giới sau nầy mong cùng nhau hùn sức tìm phương cứu chữa. Đó là việc hiện tại và tương lai, tôi nói thế đã nhiều. Đây xin quay lại đời dĩ vãng nói vài điều kiến giải về đời Hán học, hùn vào bài “Khái luận…” của ông Phan Khôi.

Một vài văn phẩm của tiền nhân trong đời Hán học

Trong đám Hán học còn sót lại hiện thời mà lưu tâm cứu chữa cái bệnh dịch truyền nhiễm nói trên, trước hết phải kể ông Phan Khôi. Ông đã từng vài lần khuyên tôi hùn một phần trong công việc ấy, mà tôi vì bận việc, ứng phó nhiều phương diện, không chuyên tâm làm việc được. Huống công việc phê bình văn học, cần phải sưu tầm tài liệu và có con mắt quan sát khắp cả thời đại, hoàn cảnh và lịch trình, mới rõ cái chân tướng của nó, không phải thấy đâu nói đó, cử một ngón tay mà đoán cả toàn thân, nên lâu nay tôi không bàn.

Nay nhân bạn đồng nghiệp Tao đàn tạp chí đứng ra chủ trương công việc quan hệ đó, mà trong 2 số đầu có bài đại luận của ông Phan Khôi. Trong bài ấy chỉ rõ những chỗ thi văn của người Nam ta kém xa người Tàu như văn của cụ Phan Bội Châu mà Lương Khải Siêu gọi là “bất nhã thuần”, thi của Lê Thánh Tôn cùng Thân Nhân Trung rất tầm thường mà dám so với thi Lý Thương Ẩn cùng các nhà viết sử sai văn pháp… Ông cho thi văn ta chỉ độc chiếc có thi văn Cao Bá Quát là đáng sánh với người Tàu mà không thẹn, v.v.

Về chỗ khen

Những tác phẩm ông đã trích ra mà có lời khen chê trên, tôi vẫn đồng tình. Trước nói về phần khen, ngoài thi văn Cao Bá Quát ra, tôi muốn thêm 2 tác phẩm của tiền nhân ta mà tôi cho là dám địch với văn người Tàu (chỉ nói văn chớ không nói học thuyết):

1/ Chinh phụ ngâm 征 婦 吟 của ông Đặng Trần Côn;

2/ Ngũ ngôn cổ 五 言 古 詩  của cụ Phan Thanh Giản.

Một áng văn như bài Chinh phụ ngâm – các bạn trẻ chỉ đọc bản dịch quốc văn mà ít hiểu Hán văn – tôi dám cho là sáng cách, hợp cả lối văn “Tao, Tuyển, Đường, Tống” chung vào một lò mà đúc ra, trong gồm đủ mỗi cách, từ câu 3 chữ 4 chữ cho đến đoạn văn dài đối chiếu nhau, không thiếu một cách điệu gì, mà nhập lại thành một tác phẩm trường giang đại hải, khiến cho các tay văn hào trông mà ngợp, không kể hạng thông thường. Áng văn ấy dầu đem liệt vào tác phẩm văn Tàu mấy ngàn năm, cũng dành được một vị trí xứng đáng. (Bản này phần đông đã biết, không đợi nói nhiều).

Người mình học thi văn Tàu, ngoài văn cử nghiệp ra, chỉ học văn thù ứng đã được tiếng nổi rầm, chớ không mấy ai học thi văn cổ. Duy cụ Phan Thanh Giản, có khổ công học văn đó. Cụ không có thi thù ứng, thi luật cụ vẫn sàn sàn như các thi nhân ta khác, đến thi ngũ cổ thì dám liệt vào thi Tấn Ngụy 晉 魏 mà không kém; xin dẫn 2 bài trong tập Bắc sứ thi loại 北 使 詩 類:

A.

今 年 行 盡 山 /kim niên hành tận sơn/
去 年 行 盡 海 /khứ niên hành tận hải/
平 生 在 行 役 /bình sinh tại hành dịch/
聞 見 多 未 載 /văn kiến đa vị tái/
不 敢 榜 人 說 /bất cảm bàng nhân thuyết/
自 家 所 不 解 /tự gia sở bất giải/

B.

朝 發 青 山 曲 /triêu pháp thanh sơn khúc/
暮 到 青 山 宿 /mộ đáo thanh sơn túc/
人 生 不 出 門 /nhân sinh bất xuất môn/
焉 知 多 谿 谷 /yên tri đa khê cốc/
所 得 非 所 思 /sở đắc phi sở tư/
清 嘯 振 江 隩 /thanh khiếu chấn giang úc/

(nhiều bài như thế, xin dẫn 2 bài)

Bài thứ nhứt câu 不 敢 … 不 解 (Bất cảm... bất giải) làm cái chân lý của nhà triết học cùng hoài nghi của nhà khoa học.

Bài thứ hai 5 chữ 所 得 非 所 思 /sở đắc phi sở tư/ tả rõ cái cảnh huống của nhà du lịch hay khách phiêu lưu, những hoàn cảnh tiếp xúc ở ngoài dầu vui đẹp thế nào cũng không giải được cái mối hoài bão riêng của mình, 5 chữ hàm súc vô hạn, mà toàn bài có cái nhân sanh quan và vũ trụ quan.

Về chỗ chê

Về những điều ông chê như văn không nhã thuần, thi sáo lại tầm thường mà tự phụ, cùng ký sự không đúng văn pháp, tôi vẫn tán đồng mà như cần kể thêm lối văn “Pas-chinois” đó nữa, tôi có thể trích ra vô số.[1]

Đáng lẽ bài tôi đến đây là chấm dấu hết. Nhưng tiếc một điều là ông đã có công viết một bài đại luận khái luận văn học đời Hán học ta mà bỏ sót một điều rất quan trọng, cái điều quan trọng mà nhà phê bình văn học sử không thể thiếu được, ấy là nguồn gốc, chế độ và hoàn cảnh thời đại làm nền cho môn văn học ấy, mà toàn bài trước sau không thấy ông nói đến, rõ là một điều khuyết điểm lớn.

Điều khuyết điểm đó mà phải như trong bài kia, ông chỉ luận độc chiếc cái học “Pas-chinois” ở về đời Hán học của nước ta, thì tôi không phiền phải dài dòng. Song vì đoạn sau, ông có nói đến chuyện người mình học văn Tây mà ôm mối lo “Pas-franҫaise” sau nầy, tức là ông đã động chạm đến cái phần thời đại. Tôi dám nói quyết rằng trong khi dưới ngòi bút ông chỉ trích cái “Pas-chinois” về thời Hán học mà liên tưởng bắc cầu sang cái “Pas-franҫaise” về thời Tây học, trong cái não ông vẫn vạch ra cái giới hạn hai thời đại và hai hoàn cảnh khác nhau rất rõ ràng. Mà không rõ ông vô tình hay hữu ý, tuyệt nhiên không nói đến chỗ khác nhau đó, nên bài luận ông, người ta có thể cho là thiếu phần con mắt “đọc sách xem đời” 讀 書 論 世 /độc thư luận thế/, “so bề ngọn mà không so bề gốc”  不 揣 其 本 而 齊 其 末 /bất sủy kỳ bản nhi tề kỳ mạt/

Chỗ thiếu đó có thể di hại trong làng Tây học – và cả Quốc văn học – sau nầy. Khiến cho bọn mới đọc vần ABC cùng một quyển mẹo văn Tây và ít bài tiểu thuyết, ngụ ngôn trên các báo, đã sanh lòng tự túc và tự thủ, cùng nhau phô rằng: Ông bà ta trước học Hán văn trên mấy trăm đời mà còn là “Pas-chinois” thì chúng ta mới học Tây mới học Quốc văn trên vài ba mươi năm nay, có “Pas-franҫaise” hay “Pas-annamite” đâu phải là điều đáng trách.

Nếu như văn học giới ta hiện thời và sau nầy mà có cái lối “tự kiến tự thư”, phòng hại trên đường phát triển, đều khuyết điểm của bài luận ông Phan Khôi, phải chịu một phần trách nhiệm, không nhiều thì ít.

Vì thế nên buộc tôi kéo dài đoạn sau nầy. Tôi xin thú thực là không có ý gì binh cho cái lối “Pas-chinois” về đời Hán học trước, song chỉ rõ cái nguồn gốc, chế độ và hoàn cảnh thời đại Hán học trước với thời Tây học và Quốc văn học ở nước ta, hai đường khác nhau thế nào, gọi là bổ chỗ thiếu trong bài ông Phan Khôi cho người sau khỏi lầm.

1/ Văn pháp – Ngày nay được văn pháp chữ Tây truyền sang, có sách dạy luật phép làm văn, về cách dùng chữ đặt câu thay lên đổi xuống gì gì đều có quy tắc chỉ vạch rõ ràng, vỡ lòng đã học sách đó. Còn Hán văn ngày xưa, tuyệt nhiên không có sách dạy làm văn, chỉ tự tìm mò suy xét mà biết, cũng không bằng đâu làm chuẩn. Chính nhà nho Tàu danh tiếng như Châu Hy mà có chỗ dùng không đúng văn pháp, nói chi nhà nho ta.[2]

2/ Sách vở – Ngày nay học chữ Tây, chữ Quốc ngữ, trẻ con ôm vở vào trường, đã có quyển sách chữ in rõ ràng, kẻ lớn muốn học sách gì mua được sách ấy. Đời Hán học xưa, quyển sách không phải vật dễ kiếm, chính sách Tứ truyện Ngũ kinh mà không mấy nhà nho đủ, nhà nghèo lại không trơn; người học chỉ mượn những quyển sách bìa rách chữ mòn mà sao tay (nực cười, tôi học đậu hương nguyên hội nguyên mà trong nhà, ngoài bộ Kinh Thi thể chú ra, không có một quyển sách gì! 21 tuổi vào học sanh mới mua được bộ Đường thi hợp tuyển và bộ Cổ văn thích nghĩa, còn thì chỉ học lóm!)

3/ Thày dạy – Ngày nay học Tây thì có ông thầy Tây ở bên cạnh, lại sang học tận bên Pháp, nhà trường thì bao nhiêu sách vở nghi khí, đồ bản, không thiếu cái gì. Đời Hán học, cái trường học trống trơn, không có một người thày Tàu nào sang dạy, mình cũng không có ai sang học tận bên Tàu.

4/ Trứ tác và soạn thuật – Ngày nay nhờ máy in hoạt bản, ấn hành đã dễ dàng, gia dĩ xe, tàu, bưu điện, đường giao thông tiện lợi, lại có báo chí nầy nọ, một cậu mới học viết văn, câu được câu mất, hụt đầu thiếu đuôi, cũng ấn hành phát bố truyền khắp nơi…; về sự trao đổi ý kiến, mở mang tri thức được xa rộng. Đời Hán học đâu có sự tiện lợi đó! Một danh sĩ tỉnh trong với một danh sĩ tỉnh ngoài, có khi trọn đời không gặp nhau. Cái hoàn cảnh “độc học cô lậu” đó, dầu kẻ thông minh háo học cũng không khỏi mậu ngộ. Đến làm sách như ông Lê Quý Đôn mà không có một bản sách nào ấn hành, còn ai có hứng thú soạn thuật mà mong ai đính chỗ mậu ngộ?

5/ Quy chế. – Ngày nay người nào viết một bài tiểu thuyết hay một bài luận, đăng trên các báo, được công chúng phê bình, dầu khen hay chê, cũng dẫn khởi văn hứng của tác giả. Đời Hán học, trừ văn cử nghiệp và thi thù ứng ra, gần như khắp cả trong nước không ai nói đến triết học, luận lý; đến văn ký sự, truyện, thuật, cũng không ai màng đến, nên học giới không ai học. Không cày, không gieo giống mà trách sao không gặt lúa, có oan cho người xưa không?

Chỉ cử mấy điều, chứng rõ cái nguồn gốc, chế độ và hoàn cảnh về thời đại Hán học, khác với thời đại Tây học và Quốc văn học ngày nay là thế nào! Cái học Hán văn ở thời tiền nhân ta, kể công phu khó nhọc và hoàn cảnh bất tiện lợi xấp trăm xấp mười thời Tây học và học Quốc văn ngày nay, mà trong làng học ấy còn xuất hiện được những cái áng văn như thứ văn Cao Bá Quát, Phan Thanh Giản, Đặng Trần Côn, đáng quý biết bao![3]

Như làng thi văn Hán học mà người sau tuyển trạch có con mắt tinh một chút, chọn để một ít bài có giá trị thì không đến đỗi lòi cái dở dốt ra nhiều. Khổ vì nhiều tập thi văn, giống gì cũng dồn lại mà in ra cả tập, thành thấy những cỏ mà không thấy lúa. (Tôi thấy chỉ có tập thi văn ông Kỳ Xuyên Nguyễn Thông là khá hơn hết, không có bài nhảm. Cái không biết chọn cũng là bệnh to trong làng văn).

Vậy cái bệnh “Pas-chinois” ở đời Hán học còn có chỗ đáng thứ. Đến học Pháp văn và học Quốc văn ngày náy, hoàn cảnh dễ dàng, trăm điều đầy đủ, mà còn mang cái bệnh “Pas-franҫais”, “Pas-annamite”, đáng hổ thẹn biết chừng nào!

Cái bệnh “Pas-chinois”, như truy nguyên gốc bệnh, chỉ vì cái dịch “khen chê quá đáng” truyền nhiễm mà lan rộng ra; nay Hán học đã thành vật cổ rồi, mà hiện ngày nay trong văn học mới ta, con ma dịch di truyền và truyền nhiễm đó còn hoành hành, tôi cũng ôm mối lo như ông Phan Khôi về cái bệnh “Pas-franҫais”, − cả “Pas-annamite”, − sau nầy, mà buộc phải so sánh như trên, để bổ chỗ thiếu trong bài khái luận của ông. Xin mượn câu ông Viên Liễu Phàm làm kết luận: “Bao nhiêu cái ngày trước là cái đã chết hôm qua; bao nhiêu cái sau nầy là cái sống ngày mai”.

Rất trông văn học giới ta sau nầy không diễn lại cái tuồng như người đời Hán học trước; mà muốn được thế, trước nhứt là trừ tiệt con ma dịch “khen chê quá đáng”.

HUỲNH THÚC KHÁNG

   




Chú thích

  1. Tôi có thấy bản sách nọ, của ông khoa giáp nào đó chép một câu: 有 西 洋 船 泊 于 沱 曩 汛 看 五 行 山 /hữu Tây Dương thuyền bạc vu Đà Nẵng tấn khán Ngũ Hành sơn/ tôi bắt cười mất một giờ đồng hồ rồi không xem nữa nên quên tên sách.
  2. “Luận ngữ” bài 其 為 人 也 孝 弟  /kỳ vi nhân dã hiếu đễ/ sau rút lại 孝 弟 也 者 其 為 人 之 本 與 /hiếu đễ dã giả, kì vi nhân chi bản dư?/ theo văn pháp thì câu tiền đề với câu đoán án chiếu ứng nhau. Chữ 人 sau không thể đem chữ  仁  giữa không rơi cái độp vào đấy được, mà Châu chu cứ giải nghĩa chữ  仁.
    Câu 君 子 不 可 不 小 知 而 可 大 受  /quân tử bất khả tiểu tri nhi khả đại thụ/ Chữ « 君 子 quân tử » làm chủ động, cái « 可, 不 可 khả, bất khả » đó còn thuộc vào ai nữa, mà Châu chu giải:  知 我 知 之, 受 彼 所 受 / tri ngã tri chi, thụ bỉ sở thụ/
  3. Văn Cao Bá Quát trầm hùng, lăng lệ và hào phóng. Văn Đặng Trần Côn triền miên diệm lệ, dầu ở trong nó chỗ hoa mỹ thừa ra. Văn cụ Phan Thanh Giản bình đạm và hàm súc. Tôi cử ra cho đủ ba thể văn.