Một cái án mạng mà người thủ phạm được tiêu diêu ngoài pháp luật
Nguyễn Thị Thanh Vân, người thiếu phụ nhảy từ trên lầu phòng ngủ Đào Nguyên nhảy xuống, đem vào điều trị ở nhà thương Chợ Rẫy, tưởng là được sống mà mang tàn tật, chớ không ngờ cũng đã chết rồi.
Cái mạng con người dầu đàn bà cũng là trọng, chết đi một mạng là uổng một mạng, xã hội chịu thiệt hại chẳng vừa. Dầu vậy cái chết của cô Thanh Vân là tự ý cô ta muốn làm cho chết. Cứu cho cô sống, ấy là nghĩa vụ của xã hội, nhưng sống thì cô lại phải chịu thống khổ trong tâm thần, chẳng những chịu tàn tật ngoài thân mà thôi; vậy thì chết đi là thỏa nguyện cô, mát thân cô, được phần cô rồi vậy.
Thế nhưng sự thiệt hại cho xã hội thì không có bồi thường. Mà chẳng những lần nầy không ai bồi thường sự thiệt hại ấy, còn sợ xã hội lại bị thiệt hại trong lần khác nữa. Hôm nay cái vấn đề trong vụ án mạng nầy day qua về chỗ đó, vì đó là chỗ trọng.
Muốn phòng ngừa sự thiệt hại ngày mai cho xã hội, ấy chỉ có nhờ ở pháp luật. Pháp luật đặt ra là để binh vực cho kẻ yếu và cũng để mà trừ sự thiệt hại cho xã hội nữa.
Ai giết cô Thanh Vân? Chẳng có lẽ pháp luật không hỏi tới. Không được nói su sơ rằng chính cô Thanh Vân đã khinh sanh mà tự tử. Phải hỏi tại làm sao mà cô Thanh Vân khinh sanh. Người nào làm cho cô Thanh Vân phải khinh sanh, ấy là người đã giết cô Thanh Vân đó. Xã hội phải đi kiếm cho ra người ấy. Pháp luật không được bỏ qua người ấy. Khi kiếm được tay thủ phạm ấy rồi, pháp luật phải trừng trị để mà răn kẻ sát nhân sau nầy, hầu cho xã hội khỏi bị thiệt hại mất những người cái xuân đương xô xố lên.
Cứ như lời cô Thanh Vân cung khai ra và có đăng lên các báo, cứ như bức thơ tuyệt mạng của cô để lại, thì sự cô tự sát là gốc bởi một người đàn ông kia đã lừa cô, đã nhốt cô vào trong cái rọ chồng một vợ đôi, bởi vậy mà cô sanh lòng phẫn uất, nhiều lần toan tự tử. Thế thì thủ phạm trong vụ án mạng nầy, không khó gì tìm thấy, chính là cái người đàn ông kia. Người đàn ông ấy, tức là một thầy điều dưỡng ở nhà thương Cai Lậy.
Người đàn ông ấy đã có vợ rồi, thừa khi cô Thanh Vân bịnh hoạn vào nhà thương Cai Lậy lúc trước, lại làm ra mặt nhơn từ, lo chăm nom săn sóc để cứu mạng cô, rồi kể lấy cái công ơn ấy mà làm cho cô lọt vào tay mình. Tuy nói rằng hai bên thương nhau, và cứ như bức thơ tuyệt mạng thì hồi cô Thanh Vân chết cũng vẫn còn thương người ấy, nhưng theo luật, – bất kỳ luật nào – có vợ rồi mà nói dối rằng chưa để cưới thêm một vợ nữa, thì cái thầy điều dưỡng đó chạy đi đâu cho khỏi tội hòa dụ con gái và phỉnh gạt đàn bà? Đến nay vì sự phỉnh gạt của thầy ấy phát giác ra mà cô ta phải chết, như thế thì cái tội thầy lại còn nặng thêm một lớp nữa vậy.
Thấy nói trong khi cô Thanh Vân vào nằm nhà thương Chợ Rẫy, đau đớn khổ sở mấy ngày cho đến khi cô chết, quan trên đã có theo lời cô mà đánh giây thép cho chồng (?) cô tức là thầy điều dưỡng kia hay. Vậy mà thầy ấy chẳng hề trả lời, cũng không hề thấp thoáng lên đến Chợ Rẫy. Như vậy càng tỏ ra con người ấy quả là con người hòa dụ và phỉnh gạt cô Thanh Vân, cô ấy bị lầm, bị lầm mà thương, chớ thầy nọ chẳng có tình thương chi đối với cô ta hết. Người không có tình với cô đó hôm nay ra mặt là người thù của cô rồi!
Thế là thầy điều dưỡng ở nhà thương Cai Lậy kia đã giết cô Thanh Vân rồi nằm yên với vợ mình ở nhà, tiêu diêu ngoài vòng pháp luật, thật sung sướng quá! Thật dễ dãi quá. Trong đời có kẻ sát nhơn nào mà lại được thong thả dường kia?
Pháp luật ở đâu? Người thay mặt cho pháp luật là ai?
Sát nhơn phải có tội. Ai gây ra sự thiệt hại cho xã hội, người ấy phải bồi thường.
T. R.