Một ít khảo cứu: Chiến tranh ngày xưa không phải tướng đánh với tướng
Trong bài mang cái đầu đề “Người phương Đông ngày xưa đánh nhau thế nào?” đăng ở báo Trung Bắc chủ nhật[1] số 63, tác giả ký là Quán Chi. Quán Chi, tôi biết là ông Đào Trinh Nhất. Vì thấy trong bài ấy có chỗ sai lầm nên tôi lấy tư cách là một người bạn, viết mà đính chánh lại, đồng thời cũng mong đưa độc giả đến sự hiểu đúng, e rằng họ có đọc bài ông Đào mà hiểu sai theo ông ấy chăng.
Ông Đào, trong bài của ông, nói người đời xưa đánh trận bằng xe, đến thuở Tần Hán bỏ xe, bắt chước người Hung Nô đánh trận bằng ngựa. Những chỗ ấy rất đúng, không ai cãi được.
Nhưng ông đã có điều lầm lạc ở những chỗ nầy: Ông nhận cho đời xưa đánh trận là tướng đánh nhau chớ quân không đánh; hay quân dầu có đánh cũng chẳng quan hệ với sự thành bại là mấy. Cho nên ông nói:
“Ông tướng đi trước ba quân và múa long đao nhảy ra giao chiến với viên tướng bên địch. Hễ tướng thắng tức thị quân thắng, tướng thua tức thị quân thua”.
Tiếp đó ông còn nói:
“Một khi nước có chinh chiến, dường như người ta không cần biết quân số ít nhiều mạnh yếu, miễn có một vị quân sư có mưu mô xuất quỷ nhập thần như hạng Trương Lương, Gia Cát, năm ba chiến tướng hùng hổ như kiểu Lữ Bỗ, Trương Phi, thế là quốc nhân yên lòng và nhiều hy vọng”.
Hết thảy những điều ông nói đó đều sai cả, không đúng một chút nào với thực trạng chiến tranh cổ thời.
Đến đây phải để cho tôi than thở vài lời. Tôi than thở rằng trong học giới nước ta, lịch sử không cất đầu lên nổi, để cho tiểu thuyết làm gió làm mưa, dầu đến người hữu học như ông Đào cũng còn đặt quan niệm mình theo tiểu thuyết, mà hễ theo tiểu thuyết thì sai cả!
Phải theo lịch sử mà đính chánh lại rằng đời xưa đánh trận không phải chỉ tướng đánh với tướng đâu; từ có các nhà làm tiểu thuyết, cho được tiện sự mô tả, họ phải nói tướng đánh với tướng.
Không những tiểu thuyết, nghề vẽ và nghề hát tuồng cũng bị buộc phải làm như nhà tiểu thuyết.
Bao nhiêu bức vẽ về chiến trận đời xưa, họa sĩ đều trình bày bằng hai viên tướng cỡi ngựa cầm khí giới giao phong với nhau, đằng sau mỗi viên tướng điểm chuyết thêm ít nhiều quân lính.
Hát tuồng cũng vậy. Muốn diễn cuộc chiến tranh trên sân khấu, cũng dùng hai viên tướng, cầm gươm hoặc giáo, ngón tay út đeo con roi giả làm cỡi ngựa mà đối địch cùng nhau; quân lính thì chỉ có vài tên hiệu vác cờ đứng chung quanh “hượi hượi”. Ấy là bởi trên một tờ giấy và trên một sân khấu không có thể dung được số quân hàng vạn, người ta phải vẽ và phải giải bằng cái lối tượng trưng như thế, nó đã tiện mà nó cũng làm nổi bật sự thật lên hơn. Cứ lấy con roi đeo ngón tay đủ là con ngựa mà suy ra, khắc thấy rằng trong cõi tượng trưng, về nghề hát tuồng hay về nghề vẽ cũng thế, có sự bao hàm rất rộng, hình như thế nào cũng được cả.
Người cầm bút viết tiểu thuyết, khi muốn tả một cuộc chiến tranh, cũng không thể không dùng lối tượng trưng ấy. Nếu tả theo sự thực thì nó tán mạn và buồn tẻ nữa. Nhà tiểu thuyết, bởi sự cực chẳng đã và cũng bởi sự khôn ngoan, chỉ tả nội hai viên tướng, làm cho một giả cuộc trở nên có thinh có sắc và rốt lại, sự thắng bại của đôi bên cũng rạch ròi dễ thấy hơn. Không phải là nhà tiểu thuyết không tả được cuộc chiến tranh theo sự thực, nghĩa là chỉ quân đánh thôi, tướng theo sau đốc suất; nhưng làm thế thì mất cái hay của tiểu thuyết đi, đó là cái phần mà người ta để dành cho nhà làm lịch sử vậy.
Theo lịch sử, cuộc chiến tranh đời xưa, về cách đánh cũng chẳng khác đời nay là mấy. Bao giờ cũng toàn thể một đội quân cùng nhau hoạt động trong sự tấn công hay ứng chiến; còn tướng chỉ là kẻ ở cái địa vị chỉ huy và đốc suất.
Ông Đào không nói rõ rằng quân không đánh, nhưng theo hai đoạn dẫn trên đó thì muốn như là quân không đánh; và dầu có đánh cũng chẳng lấy làm quan hệ, mà chỉ quan hệ ở ông tướng.
Quân sao lại không đánh? Không đánh thì dùng quân làm gì? Sự nhiều ít của số quân và sức mạnh hay yếu, người đời xưa cũng kể lắm, sao lại nói được rằng không kể, dầu ông đã biết dè dặt bằng hai chữ hình như?
Đây là những chứng cứ của những điều ấy. Ông Đào đã biết đời xưa người Tàu đánh trận bằng xe, kêu bằng “xa chiến”, thì ông phải biết trong khi xa chiến đó toàn dùng quân lính để công kích bên địch.
Theo phép, mỗi một cỗ nhung xa có bao nhiêu giáp sĩ, chia ngồi hai bên tả và hữu để giao chiến với địch binh. Cho nên ở thiên Cam thệ, thuộc về Thương thơ, lịch sử nhà Thương, khi vua tuyên thệ cùng quân sĩ sắp đi đánh giặc ở đất Cam, có nói rằng: “Ở bên tả mà không đánh bên tả, thế là chúng bay chẳng vâng mạng; ở bên hữu mà không đánh bên hữu, thế là chúng bay chẳng vâng mạng”. Nói “chúng bay” đó là chỉ những người giáp sĩ, rõ ràng quân lính có dự phần tác chiến.
Đời xưa tuy dùng xa chiến mà cũng có bộ binh nữa. Trong thiên Thái thệ, thuộc về Châu thơ, lịch sử nhà Châu, khi Võ Vương đi đánh Trụ cũng có thệ sư mà bảo quân sĩ phải giơ cái giáo lên, dựng cái xà mâu lên, ai nấy không được lỗi và phải rập trong các kỷ luật “bộ” và “phạt”. Bộ tức là từng bước đi, phạt tức là sự đâm chém. Đó là phép tắc đại khái của bộ binh, người lính cũng vẫn dự phần tác chiến như lúc đánh bằng xe vậy.
Cũng trong thiên Thái thệ, Võ Vương nói: “Trụ có bầy tôi ức triệu mà đến ức triệu lòng, còn ta có bầy tôi ba ngàn mà duy một lòng”. Thế thì cũng vẫn kể số quân nhiều hay ít đó chớ; có điều nhiều mà ô hợp thì đành là không kể.
Đánh trận thường cậy ở số quân đông để làm khiếp vía quân địch, cho nên trong Sử ký, khi Hạng Võ đóng ở Hồng Môn, quân chỉ có 50 vạn mà hô lên 100 vạn; Bái Công đóng ở Bái Thượng, quân chỉ có 10 vạn mà cũng hô lên 50 vạn. Đó là cái chứng cứ lấy quân số nhiều ít làm quan hệ.
Sức quân mạnh hay yếu cũng quan hệ như thế. Đời xưa, trong khi lâm trận, người ta thường giấu những lính tráng mạnh mẽ đi mà phơi ra những kẻ già yếu để cho bên địch thấy mà dể ngươi.[2] Cái trận đánh nhau ở Bình Thành, Hán Cao tổ thua liểng xiểng bởi quân Hung Nô, cũng vì bị gạt bằng cách ấy. Người đời xưa vẫn kể sức quân mạnh hay yếu, đó là một chứng cứ.
*
* *
Bài trước đã lấy nhiều chứng cứ để tỏ ra rằng trong một trận chiến tranh đời xưa, cái phần tác chiến là ở quân lính; đến bài nầy lại lấy nhiều chứng cứ khác để thấy rằng tướng không đánh là lệ thường, mà tướng có đánh chỉ là lệ ngoại.
Kêu bằng tướng, ta phải chia ra hai hạng: một hạng đại tướng như Hàn Tín, Nhạc Phi, ở một chỗ mà cầm binh chớ không ra trận, và dầu có ra trận cũng không đánh; và một hạng chiến tướng như Phàn Khoái, Trương Phi, ra trận để đốc thúc quân lính, một đôi khi có đánh.
Ông Đào nói tướng đời xưa bao giờ cũng “đi trước ba quân”; không phải, tướng bao giờ cũng đi sau quân. Vì có đi sau mới đốc thúc được chứ. Có đạo quân kêu bằng “tiền phong”; “tiền” nghĩa là đi trước. Nhưng đó là nói đạo quân ấy đi trước các đạo khác; chứ cứ kể trong đạo ấy thì cũng quân ở trước mà tướng ở sau.
Tôi kể ra đây cái trận “bối thủy” của Hàn Tín là trận có tiếng trong lịch sử.
Bấy giờ Hàn Tín vâng mạng Hán vương đi đánh nước Triệu. Nước Triệu có một thành đóng ở nơi một phía gần sông, một phía gần núi, trong thành có tướng sĩ giữ vững lắm. Hàn Tín muốn chiếm lấy thành ấy, bèn lập kế tấn công.
Sáng sớm hôm ấy, Tín sai một vạn người đi ra giàn trận ở bờ sông, quay lưng với nước (vì vậy gọi là “bối thủy”). Lại sai vài ngàn người đi phục ở một nơi và dặn: “Khi nào thấy quân Triệu ra khỏi thành thì ào vào thành, nhổ bỏ cờ xí của Triệu mà cắm cờ xí của Hán lên”. Còn chính Hàn Tín là đại tướng lúc đó làm gì, ở đâu, trong sách không nói đến.
Tướng sĩ Triệu đóng trong thành, thấy quân Hán giàn trận ở bờ sông để công kích mình thì cho là bên địch tự chiếm lấy thế tử, còn mình được thế sanh, bèn kéo cả thành ra và khởi thế công trước. Trong ý họ nghĩ rằng đánh rắp như vậy, một vạn người kia sẽ không có đường chạy mà đâm đầu xuống nước cả. Không ngờ bọn này liều chết cố cự lại, quân Triệu làm gì không xuể, rủ nhau chạy trở về trong thành thì thấy đầy cả cờ xí của Hán rồi, đều cả kinh. Trong khi ấy thì Hàn Tín dóng trống mở cờ đại tướng mà đi tới từ phía núi, kéo thẳng vào thành. Quân Triệu phải bó tay xin hàng cả.
Coi đó thì biết trong trận ấy Hàn Tín làm đại tướng, chỉ có lập mưu thủ thắng mà thôi, chứ không hề ra trận và tác chiến.
Kể một trận nữa là trận Phí Thủy, quân Tấn đánh với quân Bồ Tần. Bên Bồ Tần, Tần vương Kiên kéo đến một trăm vạn quân; còn bên Tấn chỉ có 8 vạn, Tạ Huyền làm đại tướng, đóng hành dinh ở một nơi, nhưng còn phải chịu tiết chế của Tạ An là chú, làm thủ tướng ở triều.
Khi quân hai bên giàn ra trên hai bờ sông gọi là Phí Thủy, bên nầy trông thấy bên kia mà không giao chiến được, vì sông rộng quá làn tên. Trong quân của Bồ Tần có người nội công của Tấn tên là Châu Tự thông tin cùng Tạ Huyền rằng: “Tần quân có đến trăm vạn mà mới tới hơn mười vạn, nên kiếm cách đánh gấp đi, may sẽ thắng được; còn nếu để lâu nó sẽ tới đủ trăm vạn thì không thể nào địch nổi”. Tạ Huyền nhận lời.
Sáng hôm sau có sứ giả bên Tấn qua sông xin cùng Tần vương như vầy: Quân Tần đóng sát sông, quân Tấn ở bên kia, không làm sao giao phong được, cứ ngồi mà ngó nhau, vô vị lắm. Vậy bên Tấn có lời xin bên Tần lùi quân một vài dặm để cho bên Tấn có chỗ đem quân sang đánh nhau hầu quyết thơ hùng.
Trong quân Tần có nhiều người không muốn chấp thuận sự thỉnh cầu ấy; nhưng Bồ Kiên vua Tần, ỷ quân mình đông, phán rằng: “Được, cứ cho đi!” Và hạ lịnh lui quân, nhưng dặn rằng: kịp khi quân Tấn qua sông chưa hết thì quay lại đánh, vì nghĩ rằng đánh cách ấy thế nào cũng chắc thắng.
Nhưng lịnh vừa ra, quân Tần vừa lùi, Châu Tự ở sau quân cũng vừa hô lớn lên rằng: “Tần quân đại bại!” Rồi thì quân Tần đổ, ai nấy đâm đầu chạy, dầu các tướng có chém nhiều người để thị uy cũng không cầm lại được. Giữa mười mấy vạn quân, cái lịnh “lùi một dặm hay hai dặm” trở thành ra lùi hẳn, quân Tần nhơn đó đại bại thật, trong khi quân Tấn vừa sang sông được, đuổi theo chém giết.
Coi đó nữa, thấy Tạ Huyền là đại tướng chỉ ngồi tại hành dinh chỉ huy chứ cũng không ra trận; không nói đến Tạ An, bấy giờ đương ở nhà đánh cờ với khách, lúc mã thượng chạy về báo tiệp mà cũng vẫn cứ đánh cờ.
Còn chiến tướng, bổn phận là phải ở đằng sau đốc thúc quân lính ác chiến. Tuy vậy, họ cũng có khi xông vào bên địch, như người ta nói, “xung phong hãm trận”. Sách Tam quốc chí, truyện Quan Võ có chép rằng: “Viên Thiệu sai đại tướng Nhan Lương tấn công Bạch Mã. Tào công khiến Trương Liêu cùng Quan Võ làm tiên phong ra địch. Ở giữa trận, Võ thấy hiệu cờ và lọng của Lương, bèn quất ngựa lướt tới đâm chết Lương ở giữa muôn người”. Họa chăng chỉ có trường hợp ấy mới nói được rằng tướng đánh với tướng, nhưng ít lắm.
Làm đại tướng cũng có khi hạ mình đóng vai chiến tướng mà xung phong hãm trận. Một là khi muốn giục lòng quân sĩ để lấy được cuộc tất thắng, như khi vua Quang Trung đánh đồn Ngọc Hồi cho đến lúc vào thành Thăng Long mà áo chiến bào của ngài sém đen cả bởi khói thuốc súng. Một là khi quân thế đã núng lắm, vượt vòng vây mà ra, như khi Hạng Võ tháo trùng vi ở Cai Hạ, chính mình Võ cũng đã đánh giết hàng trăm người của bên địch. Tuy vậy, những lúc đó, ông đại tướng cũng cứ đụng đâu đánh đó, gặp ai giết nấy, chứ không phải đợi cho được ông tướng bên địch mới đánh mới giết, nghĩa là không cứ gì tướng đánh với tướng.
Cái đó thì sau khi đã có súng nạp hậu rồi, trong chiến trường cũng có lắm lúc xảy ra. Như tướng Francis Garnier, trận Cầu Giấy, trước lúc bị hạ, theo nhiều sách chép, cũng đã có bắn chết nhiều người bên Cờ Đen giữa lúc ông đã xuống khỏi ngựa, đi chưn, tay gươm tay súng lục mà đánh giáp lá cà với họ.
Lấy lịch sử làm chứng cứ, tôi đính chánh lại lời ông Đào và nói cho bạn đọc biết rằng cách đánh trận đời xưa chỉ khác đời nay về phần chiến cụ, chứ còn chiến thuật và trạng huống tác chiến cũng giống nhau. Nói tướng đánh với tướng, chỉ là nói theo tiểu thuyết.
PHAN KHÔI
Chú thích
- ▲ Trung Bắc chủ nhật: ban đầu là ấn phẩm ra ngày chủ nhật của nhật báo Trung Bắc tân văn (1913-1941), sau khi nhật báo kia đóng cửa, Trung Bắc chủ nhật trở thành tuần báo độc lập. Số 1 (3/3/1940), số cuối: số 262 (16/9/1945); tòa soạn: 36 Henri D’ Orléan, Hà Nội; Đào Trinh Nhất viết và làm biên tập cho tuần báo này sau khi bị trục xuất từ Sài Gòn ra Bắc (từ tháng 7/1939).
- ▲ Dể ngươi: không cảnh giác, xem thường (Từ điển phương ngữ Nam Bộ)