Mấy lời kết luận về Cô Hồng Minh và cái thuyết châu Âu sắp tan nát

Mấy lời kết luận về Cô Hồng Minh và cái thuyết châu Âu sắp tan nát  (1928) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, số 769 (15.9.1928)

Đông Pháp thời báo từ số 765 cho đến số vừa rồi, chúng tôi có dịch đăng cả một thiên trong sách Fièvre Jaune của cô Simone Téry, nói về Cô Hồng Minh[1] là một nhà lão nho Tàu và về cái ý kiến của ông ấy khinh miệt cái văn minh Âu châu là thế nào.

Độc giả xem cả bài Âu châu sắp tan nát trong bốn số báo đó thì thấy cô Simone Téry không phải vì tán thành cái ý kiến của họ Cô mà chép thiên nầy đâu, chẳng qua là vì cái tánh háo kỳ đó thôi. Chúng tôi cũng vậy, chúng tôi cũng vì tánh háo kỳ của mình và chiều theo cái tánh ấy của độc giả mà dịch ra và đăng báo, để cho biết rằng trong thời đại tối tân nầy cũng vẫn còn có người thủ cựu đến bực ấy, thì thật là lạ lắm. Lạ hơn nữa, là người thủ cựu ấy lại là người uyên thâm về Tây học như họ Cô.

Nói về học thuật bên Tàu từ hồi Dân quốc mới thành lập, đại để chia ra hai phái: một phái lo hấp thâu Âu hóa; một phái lo duy trì Khổng giáo. Phái trước chiếm phần đông trong học giới nước Tàu, chẳng cần nói làm chi; còn phái sau, những người đại biểu tức như Khương Hữu Vi và Trần Hoàng Chương. Bọn nầy rủ nhau lập Khổng giáo hội, làm theo kiểu tôn giáo, định dùng cách ấy để mà truyền đạo Khổng ra khắp thế gian. Không ngờ chưa được bao lâu, bị nhiều người công kích, kế có cuộc vận động về "Tân văn hóa", thì Khổng giáo hội tan ráo, tạp chí Thánh giáo lý quật[2] đình bản, công nghiệp của Khương với Trần gầy dựng trong bấy nhiêu năm tiêu diệt hết, đến cái bóng cũng không còn. Thế là phái sau là phái duy trì Khổng giáo bị thất bại. Bấy giờ Cô Hồng Minh ngoài sáu mươi tuổi, tuy đã đậu văn khoa tấn sĩ bên Tây, song va chìm lỉm trong biển học Trung Hoa, chẳng có tiếng tăm gì cả, trong phái trước va mai một đã đành, trong phái sau cũng chẳng ai nói đến.

Thật vậy, hỏi bao nhiêu người đã đọc sách Tàu mới làm ra trong ba mươi năm nay, coi thử có trứ giả nào tên là Cô Hồng Minh không? Và lại, trong các sách ấy có chỗ nào nói đến tên Cô Hồng Minh không? Theo tôi, thật không có. Có chăng, mới vài năm nay thấy trong sách của Lương Thốc Minh một lần mà thôi.

Họ Cô đẩy mình lên được là từ cuộc đại chiến năm 1914-1918. Bấy giờ va làm một cuốn sách chữ Hán gọi là Xuân thu đại nghĩa, dịch ra tiếng Anh, kêu là The Spirit of Chinese; tiếng Pháp, kêu là L'Espirit de Chine, mà theo cô Simone Téry thì kêu là L'Espirit du peuple Chinois. Sách ấy đại ý nói rằng hiện nay văn minh Âu châu đã phá sản rồi, nếu muốn sống thì phải ăn ở theo người Tàu, học theo Khổng Tử. Cuốn sách đó bán ra hàng vạn ở Luân Đôn và Bá Lâm, làm cho dư luận Âu châu xôn xao lên một độ. Đối với cái thuyết của Cô, họ có nhiều người phản đối mà cũng có nhiều người hoan nghinh.

Người phản đối thì nói rằng: Xưa nay trong cuộc đời người, về cách ăn mặc, đổi được; về chế độ trị nước, đổi được; song đến cái quan niệm về nhân sanh thì không thể đổi. Ai biểu đổi đi là người đó nói dại. Còn kẻ hoan nghinh thì chẳng qua vì ngao ngán cái cảnh tiêu điều sau cơn đại chiến ở Âu châu, như nhà giàu ăn thịt chán, thấy rau mà thèm; và cũng vì cái tánh háo kỳ của họ một ít nữa. Bấy giờ người Âu châu họ hoan nghinh cái thuyết của Cô Hồng Minh cũng chẳng khác nào họ hoan nghinh những tập thơ Trăng non của Tagore, chớ chẳng có ý nghĩa gì cho lắm vậy.

Cuốn sách của Cô, trong đám học giả Tàu cũng có người nói đến, song họ cho là điên. Bởi vậy, đối với học giới Tàu, Cô cũng vẫn mai một như xưa; song nhờ cuốn sách ấy, ở Âu châu va lại được rạng bày tên tuổi.

Anh già nầy chẳng qua là một anh buôn danh bán lợi bằng cách đầu cơ. Ảnh lừa khi người ta đau ngặt rồi đem thuốc đến vừa dọa vừa đổ, tài chi người ta không để ý mà nghe ảnh? Ừ, nếu quả thuốc ảnh là hay thật, thì sao không đem mà cứu người nhà trong cơn vạn tử nhứt sanh? Cũng như anh già Ấn Độ một thứ: đi đâu thì đi tàu hỏa xe hơi; trọ đâu thì trọ khách sạn kiểu kim thời; đứng trong xa-lon dưới chơn lót mã nhục, trên đầu kết hoa, quạt điện mát rượi, đèn điện sáng choang mà diễn thuyết; mà mở mồm ra ấy là phản đối văn minh vật chất! Ai chơi với các ảnh thì chơi; chớ còn bọn dân hèn yếu như mình không chơi với các ảnh được đâu!

Ấy đó là cái bổn tướng của Cô Hồng Minh đó. Đừng có thấy va đỗ tấn sĩ, đỗ kỹ sư bên Tây mà hâm mộ, đừng có thấy va học biết nhiều thứ tiếng, thiếu chút nữa được phần thưởng văn học Nobel mà khủng khiếp. À! Chính anh già Ấn Độ đã được phần thưởng Nobel đó, cũng chỉ làm trò chơi cho bọn da trắng mà thôi; nói thiệt, có ích lợi gì cho lũ dân hèn bị áp chế ở Á châu nầy?

Đến như cái thuyết "Âu châu sắp tan nát" của Cô thì thiệt là tầm bậy.

Gần nay các học giả trong thế giới đã suy tìm được cái nguyên nhơn cuộc chiến tranh năm 1914-1918. Ai nấy đều công nhận rằng ấy là tại gần đây khoa học tấn bộ, các nước phú cường chế tạo ra vật sản quá nhiều, thành thử không có chỗ bán, mà phải đánh nhau để giành lấy thị trường. Quả vậy thì cái tội gây ra chiến tranh lại tại các nước yếu hèn, tức là các nước mà khoa học chưa tấn bộ, công nghệ chưa phát đạt. Vì nếu các nước ấy cũng chế tạo được thì có ai hòng bán cho ai, chi đến nỗi giết nhau để cướp mối hàng? Thế thì cái họa tan nát ấy không phải tại trong ruột Âu châu gây ra, dầu có thọ hại trong một thời rồi cũng thôi, sao lại nói là Âu châu sắp tan nát được?

Huống chi, theo lẽ tấn hóa thì mỗi một khi xã hội tấn hóa phải có biến động. Như nước Pháp có cái nền dân chủ vững chãi ngày nay, ấy là đã phải trải qua một thời khủng bố ngày xưa. Giả sử Cô Hồng Minh ở vào thời Cách mạng ấy thì chắc va cũng nói rằng "nước Pháp sắp tan nát"; song không biết đó là cái cơ tấn hóa vậy. Cuộc tan nát của Âu châu mà Cô nói đây, chưa biết chừng, có lẽ là cái cơ tấn hóa của cả thế giới.

Không phải Âu châu là trăm sự trăm tốt hết thảy, song cái đại thể các dân tộc yếu ở Á châu ngày nay là phải học theo Âu châu thì mới có thể sanh tồn. Tôi không hiểu người ta ai nấy đều muốn ăn sung mặc sướng, đi mau, thì sao lại cứ nhè vật chất văn minh mà phản đối? Láo quá, không tin được!

Dân Á châu mà khôn ra thì nên gác những lời của Cô Hồng Minh để ngoài tai, bỏ những thi tập của Tagore vào giỏ rác, cho đến Khổng Tử, Thích Ca cũng mời các ngài ngồi đó đã, để chúng tôi lo tập rèn khoa học, đúc súng, đóng tàu, làm máy xay gạo đặng có sống.

C.D.

   




Chú thích

  1. Bài trích sách của Simone Tery đăng Đông Pháp thời báo là do Bùi Thế Mỹ dịch; Cô Hồng Minh (1856-1928), quan chức ngoại giao, giáo sư Đại học Bắc Kinh, tôn sùng tư tưởng Khổng giáo, phản đối tân văn hóa
  2. Thánh giáo lý quật là tạp chí cơ quan của Khổng giáo hội (nguyên chú của Phan Khôi)