Lịch sử ký sự: Địa vị của Thái Phiên và Trần Cao Vân trong cuộc biến ở Huế năm 1916

Lịch sử ký sự: Địa vị của Thái Phiên và Trần Cao Vân trong cuộc biến ở Huế năm 1916  (1936) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Sông Hương, Huế, số 7 (12 Septembre 1936), trang 6; số 8 (19 Septembre 1936), trang 8; số 9 (26 Septembre 1936), trang 8.

I

Năm ngoái báo Tiến hóa ra ở Hà Nội ngay số đầu, có bài của ông Trần Huy Liệu viết về việc biến động ở Huế năm 1916 mà trong đó nhìn Trần Cao Vân là tay chủ động. Vừa rồi báo Mai số 20 cũng có một bài từa tựa như thế, người viết ký tên Việt An.

Tôi đọc cả hai đều thấy có chỗ lầm. Muốn viết mà đính chánh ngay, nhưng bị những công việc khác cướp mất thời giờ.

Hôm nay thấy trên báo Mai đã có bài đính chánh chỗ lầm của hai bài ấy; mà cuối cùng có nói đến tôi, thật là dịp tốt cho tôi động bút.

Tôi còn nhớ sau cuộc biến ấy vài năm, có mấy người Pháp viết báo hoặc sách nhắc chuyện lại, đều bảo rằng chủ động là Trần Cao Vân. Vả chăng, Trần Cao Vân, con người ấy, nửa là nhà nho gàn, nửa là thầy bói kiêm thầy pháp. Người như thế mà đứng đầu một việc lớn thì tự nhiên cái việc ấy phải thành ra vô giá trị hay là đến vô ý thức.

Không, không phải thế. Bây giờ vẫn còn có mấy người nhúng tay trong việc ấy hãy đương sống, họ có thể làm chứng chắc rằng chủ động là Thái Phiên chứ không phải Trần Cao Vân.

Thế thì trước hết ta nên biết Thái Phiên là người thế nào.

*

* *

Vào khoảng 1907-1908, giữa cuộc vận động chánh trị ở Trung Kỳ chia ra hai phái: Một phái theo chủ nghĩa Phan Châu Trinh, lo việc khai trí, trị sinh, cải cách tệ tục, nương theo nước Pháp mà tiến bộ. Một phái theo chủ nghĩa Phan Bội Châu, xuất dương du học, mong có ngày đuổi người Pháp mà lấy lại chủ quyền.

Bấy giờ, người trong hai phái tuy không đến nỗi cừu địch nhau chứ cũng kỵ nhau lắm. Phái Phan Châu Trinh xưng mình là “minh xã” mà xưng phái bên kia là “ám xã”. Người trong ám xã lúc đó có một bức thư gởi cho nhau mà bên minh xã tò mò biết được, và họ rất chú ý ở câu nầy: “Tây Hồ chi quy đa bất lợi ư thương hữu”. Nghĩa là: Sự về của Tây Hồ có nhiều đều chẳng lợi cho bạn buôn.

“Bạn buôn” là cái hiệu kín mà ám xã dùng để xưng nhau. Câu ấy có ý nói từ Phan Châu Trinh ở Nhật về, xướng lên cái thuyết “bất bạo động”, làm cho nhiều người trong hội kín đến xiu lòng: thế là bất lợi.

Cái hiện tượng chia rẽ ấy rõ ràng lắm. Bao nhiêu những sự lập trường học, mở hiệu buôn, hớt tóc, mặc âu phục đều là việc làm của minh xã. Còn bên ám xã họ hành động vẫn bí mật, nhưng kẻ có tình rình người có ý, rồi cũng biết được nhau.

Tiếng là Trung Kỳ chứ thực ra thì đàng ngoài chỉ hai tỉnh Nghệ Tĩnh, đàng trong chỉ hai tỉnh Nam, Nghĩa là có thể nói được rằng có cuộc vận động hẳn hoi. Ở Nghệ, ông Đặng Thế Thân, tục kêu Đầu Xứ Thân, hiệu Ngư Hải, là lãnh tụ của ám xã. Còn ở Hà Tĩnh, ông Ngô Đức Kế chủ hiệu buôn Triêu Dương, tuy có chân từ trước trong ám xã nhưng cũng đã hơi khuynh hướng về chủ nghĩa Phan Châu Trinh.

Thế lực minh xã ở đàng ngoài không có gì. Vì cái tư tưởng Phan Bội Châu át hẳn Phan Châu Trinh trong hai tỉnh đó. Nhưng ở Nam, Nghĩa thì chịu ảnh hưởng Phan Châu Trinh nhiều hơn.

Các ông Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện đều là bạn của Tây Hồ tiên sinh mà sau lại đã trở nên như tín đồ của người. Lãnh tụ của ám xã ở Nam, Nghĩa từ tháng hai năm 1908 về trước là ông Nguyễn Hàm, người Quảng Nam, tục kêu Ấm Hàm, hiệu Tiểu La. Ông này là đồng chí của Sào Nam tiên sinh từ ba năm trước. Sau lưng Tiểu La còn có nhiều người nữa nhưng không có thể biết cho tường được.

Hai phái ấy, giá bấy giờ cứ để cho họ tiến, có ngày đến họ giết nhau cũng nên. Nực cười có cuộc bắt bớ năm 1908, làm cho hai phái chẳng hề có tiếp hiệp với nhau mà bỗng dưng hợp một; và từ đó trở đi hầu hết những người từng ở bên minh đều phải “khí minh đầu ám”.

Bạn đọc hãy để ý. Câu chuyện thuật qua từ nãy đến giờ chẳng phải câu chuyện nghe vô ích. Vì có thế mà mới có Thái Phiên ra đời, và cũng vì có thế mà mới có cuộc biến Duy Tân.

*

* *

Do việc “dân biến” năm 1908 mà hết thảy những người có chân trong cuộc vận động bất luận minh hay ám đều bị mắc vào một lưới. Ở trong tù, họ ngó nhau mà cười. Vì không ai ngờ có một thứ pháp luật lạ lùng đến nỗi ghép được hai cái tội gần đến trái nhau vào một án như nhau!

Sau khi ông Nguyễn Hàm vừa đi vừa cười tủm tỉm vì được đày ở Côn Lôn chung với bọn ông Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện một lần, thì ở nhà cái ngôi lãnh tụ huyền khuyết. Phải biết, đến lúc này người ta chỉ nói lãnh tụ là đủ rồi, vì không còn có minh xã nữa nên cũng chẳng cần phân biệt chữ ám với ai.

Bọn minh xã bấy giờ còn sót lại người nào, bị bên kia bêu diếu dữ lắm. Như chửi vào mặt, họ bảo: “Hãy cứ tin cậy ở nước Pháp đi, rồi có đi Côn Lôn một thể với chúng tôi!”. Bởi vậy mà, buồn tình, những người nầy đều vào với họ. Cho đến sau đó một vài năm, nhiều kẻ bên minh hồi trước ở tù ra, cũng lục tục vào sau. Nhân đó, mà thế lực hội kín được duy trì và mạnh thêm.

Ông Đỗ Tuyển cũng người Quảng Nam hiệu Sơn Tẩu, được cử lên thay chân ông Nguyễn Hàm. Đâu chừng hơn một năm, Sơn Tẩu bị bắt, đày đi Lao Bảo và chết ở đó, cái ngôi lãnh tụ phải về tay Nam Xương nhất hiệu Hoàng Anh, nhất hiệu Cô Đà tức là Thái Phiên vậy.

Việc thay đổi ấy xảy ra trong năm 1909 hay 1910 gì đó, tôi không nhớ chắc.

Ông Nguyễn Hàm và ông Đỗ Tuyển một là chân ấm sanh có làm tán tương Nghĩa hội hồi trước, một là chân chủ sự về hưu, vả cả hai bây giờ đều trên dưới 50 tuổi, bậc lão thành danh vọng, được người ta suy phục, sự ấy đã cố nhiên. Đến Thái Phiên, một anh thông ngôn nhà buôn Tây, hơn nữa, một anh thầu khoán mới ngoài ba mươi tuổi, vậy mà dám gánh lấy một trách nhiệm lớn trong sáu bảy năm trời, bao nhiêu đồng chí trong ngoài đều khâm phục, con người ấy tưởng không ai có thể quên được trên lịch sử.

II

Theo lời cụ Sào Nam nói với tôi, cụ biết Thái Phiên từ năm Bính Ngọ (1906) khi cụ ở Nhật Bản lẻn về trong nước. Gặp mặt Thái Phiên tại Tourane mới lần đầu mà cụ đã đem lòng tin trọng ngay. Cái tên hiệu Nam Xương của Thái, chính cụ đặt cho.

Cụ kể chuyện ấy rồi nức nở khen cái nhãn lực và cái can đảm của ông Ấm Hàm. Vì chính ông này đã tìm ra được Thái Phiên và dẫn vào đảng. Thái Phiên thuở ấy mới ngoài hai mươi tuổi, làm thông ngôn cho một hãng buôn tây, ở đất Nhượng địa,[1] từ ăn mặc cho đến nói năng đi đứng, theo một cái điệu bộ mà bấy giờ người ta cho là lấc cấc, cái điệu bộ của phường thông ký, hạng người mà nhà nho không muốn cũng không dám đến gần. Thế mà Tiểu La nói chuyện với một bận rồi tâm đầu ý hiệp, kéo vào làm đồng chí với mình; như thế, cụ phải phục là tinh và gan lắm.

Từ năm 1906, sau khi cụ Sào Nam trở qua Nhật cho đến đầu năm 1908, Tiểu La làm lãnh tụ ám xã mà vẫn trọng dụng Thái Phiên, kể là một người đồng chí rất đắc lực. Vì Thái trú ngụ tại cửa Hàn, chỗ thường có tàu ngoại quốc đi lại, mọi việc thông tin tức, gởi tiền bạc, đều phó thác cho một tay y. Đôi khi có du học sinh gởi sang Nhật cũng nhờ Thái sắp đặt cách thế cho được đi tới nơi tới chốn.

Sau đến Sơn Tẩu lên thay cho Tiểu La như có nói trong bài trước, càng ỷ trọng Thái Phiên hơn nữa.

Tôi còn nhớ khi Tiểu La bị bắt hay Sơn Tẩu bị bắt gì đó cũng có liên can tới Thái Phiên. Thái có bị quan Công sứ Quảng Nam đòi hỏi mấy lần mà đều được vô sự cả. Người ta nói nhờ Thái Phiên khôn khéo lắm, nhất là làm cho chủ mình, ông Guinin, tin yêu rất mực, đến nỗi ông chịu đứng đảm bảo trước mặt quan Công sứ rằng nếu Thái có làm việc gì phi pháp là cả đến ông cũng cam chịu tội.

Nhưng, thực ra thì Thái Phiên có một lần thoát tội được là nhờ người bạn đồng sự và đồng chí của mình. Người ấy gọi là Thông Hiên, làm việc cùng một sở với Thái và cũng có chân trong ám xã. Lần đó cái tên Nam Xương bị phát giác ra là một người làm trong hãng Guinin, giữ việc thông tin cho loạn đảng ở ngoại quốc, bằng cứ chắc chắn lắm, chỉ không biết là người nào. Liệu bề không thể chối được, Thông Hiên đứng ra nhận Nam Xương tức là mình, rồi bị án đày. Hiên bấy giờ còn trẻ hơn Phiên nữa, sau được tha về, nhưng kết cuộc thế nào không rõ.

Sau khi Sơn Tẩu sa vào lưới phép rồi, Thái Phiên được cử lên giữ chức lãnh tụ của ám xã đàng trong. Cụ Sào Nam nói rằng đến lúc này công việc của cụ ở ngoài toàn nhờ hai người ở trong cáng đáng cho, là Nam Xương và Ngư Hải.

Thái Phiên đã làm những việc gì trong lúc đó, bây giờ không ai biết được. Đại để cũng duy có việc trù khoản là quan trọng, nghĩa là việc kiếm tiền gởi ra cho đảng ở ngoại quốc. Cụ Sào Nam bây giờ vẫn còn nhắc, hồi đó lâu lâu cụ lại nhận được món tiền lớn, mà không của ai lạ, chẳng Ngư Hải thì Nam Xương.

Hai người làm tiền bằng cách khác nhau. Bấy giờ ở miền Nghệ Tĩnh, ít lúc lại nghe đám có cướp lớn, người ta bảo trong đó có bàn tay của Ngư Hải nhúng vào. Nhưng ở trong này Nam Xương chỉ đi quyên các nhà hào phú, nhất là lấy của mình tự làm ra.

Năm 1911 về sau, Phiên đứng ra làm thầu khoán. Thầu con đường Quảng Ngãi, lời đến mười mấy vạn, nhưng mấy người làm công cho Phiên nói: y đem dùng vào việc đảng cả, không để dính tay một đồng.

Tôi, người viết đây, từ trước chưa hề biết Thái Phiên. Tôi biết y cũng từ năm 1911, tôi đương ở Huế, chính mình y ở Tourane ra tìm tôi.

Thái thấy tôi thì coi như người trong đảng, bảo tôi về ngay Tourane để giáp mặt một người bạn ở ngoại quốc về; rồi, như có muốn, thì y bầu cho tôi đi ngoại quốc với người ấy.

Bấy giờ tôi đã quyết định cái đời tôi là để cung cho sự học của Tổ quốc, nên tôi nói thực tình ra với y mà từ chối, y cũng không ép tôi.

Nhân lúc đó, tình cờ tôi biết được hai người trong quan trường ở Huế có ở trong đảng và có giao thông với Thái: một người học tại trường Hậu Bổ, một người làm bát phẩm Bộ Công. Sự phát kiến ấy thật ra ngoài ý liệu tôi. Tôi lấy làm lạ rằng sao Thái Phiên lại cám dỗ được những người này vào đảng!

Tôi ngờ rằng Thái Phiên thông với vua Duy Tân đâu từ những năm ấy kia. Vì có lần khác, tôi nghe nói Thái Phiên hay tới lui nhà người làm bát phẩm đó, họp chuyện cùng mấy viên thị vệ trong nội ra đó chơi.

Sau lại, cũng có kẻ nói rằng Thái Phiên định đem vua Duy Tân xuất dương từ những năm ấy, nhưng trong đảng có người không chịu, nên cái kế hoạch ấy phải bãi. Tôi nắm những chỗ đó mà nghi cho Thái Phiên thông với vua Duy Tân sớm lắm.

Bây giờ còn có một người đàn bà ở Nghệ, hồi đó là nữ đảng viên trọng yếu làm thông tin giữa Ngư Hải với Hoàng Anh. Người ấy biết Thái Phiên lắm và tin phục y một cách chân thành, có lần tôi thấy nói đến y mà khóc như khóc cha chết. Còn bên Thái Phiên cũng đãi ngộ người đàn bà này hơn bạn đồng đảng. Người ta thuật lại, có một lần người đàn bà đi từ Vinh vào Hàn, buộc theo hai bên đùi hai khẩu súng lục, vào tới nơi mới mở ra. Chắc không phải vì là vật của Ngư Hải tặng cho, mà vì kính cái lao khổ và cái can đảm của người đàn bà, Thái Phiên quỳ xuống nhận.

Lê Đình Dương, một vị thanh niên tân học bấy giờ, làm thầy thuốc ở Faifoo, cũng can vào việc Duy Tân, về sau chết ở Ban Mê Thuột, là người chịu Thái Phiên đáo để. Tôi làm chứng rằng Lê Đình Dương khi biết việc hỏng rồi mà không tìm cách thoát nạn là chỉ vì trọng lời hứa với Thái Phiên.

Theo như tôi biết thì cuộc biến Duy Tân chính tự tay Thái Phiên gây ra với mấy người ở Quảng Ngãi, như Cử Suý. Mà trong công việc làm đó, Thái Phiên tin là bại nhiều hơn tin là thành.

Có lẽ là trong mấy năm đói, y đi quyên tiền người ta, phải nói với họ sẽ làm việc kia việc nọ, đều là việc cận lợi thì người ta mới chịu bỏ tiền ra. Lâu lắm mà không làm được việc gì, có mặt mũi nào đối với họ, nên y phải kiếm một việc mà làm rồi có chết. Nghĩa là Thái Phiên làm để kiếm một cái chết cho có nghĩa.

Phiên muốn làm cái việc lớn như thế mà mình là một anh thông ngôn, sợ không đủ phục lòng thiên hạ. Bấy giờ trong đám nhà Nho cũng không còn có ai. Sẵn Trần Cao Vân, tuy người thế nào mặc, được một hạng người tôn trọng và trong tay lại có đồ đảng nhiều, Phiên bèn lợi dụng Trần để cộng sự với mình.

III

Đây đã đến lúc nói về Trần Cao Vân. Trước kia tôi đã nói Trần Cao Vân nửa là nhà Nho gàn, nửa là thầy bói kiêm thầy pháp, lời khảo ngữ ấy, nếu ai đã biết Trần, đều phải cho là đúng.

Cao Vân ở làng Tư Phú, giáp giới với làng tôi, vả lại vào lớp trước tôi chẳng bao xa, cho nên tôi biết y khá rõ.

Con một vị hào phú trong làng, Cao Vân từ nhỏ đi học chữ nho và vào hạng học trò thông sớm. Trong lúc y trên dưới hai mươi tuổi, vì một cớ trong gia đình làm sao đó không biết, y bỏ nhà ra đi. Khi tôi vừa lớn lên, chừng 15 - 17 tuổi thì thấy đồn rùm lên rằng Trần Cao Vân đã trở về và đã "đắc đạo".

Hồi đó người ta mới bắt đầu truyền tụng một vài bài văn của Cao Vân như bài Nhũ phú (bài phú nói về cái vú). Tôi bấy giờ xem văn đã thông lắm; theo tôi thấy thì văn chữ Hán của Trần cũng hoạt, học lực của y so với của mấy ông cử ông tú có lẽ trổi hơn.

Bắt đầu từ khi trở về, Trần làm mình ra như một trang đạo sĩ. Thường bịt khăn đen, mặc áo rộng đen và ngồi im lặng đến hàng giờ. Y nói với người ta rằng trong lúc y đi lưu lạc, có ở tại Ngũ Hành Sơn, nửa đêm thần nhân hiện đến cho y một quyển sách. Trong sách nói về "cái đạo Trung thiên Dịch", cái đạo mà sau đó Trần lấy làm căn cứ xướng lên một cái thuyết để dụ người ta theo mình.

Nguyên Kinh Dịch từ xưa truyền lại có hai lối: một là "Tiên thiên" của Phục Hy; một là "Hậu thiên" của Văn Vương, sự khác nhau dễ thấy nhất là về cách bố quẻ. Cái thuyết "Trung thiên" của Cao Vân, tôi không biết cho rõ, chỉ biết là ở giữa Tiên thiên và Hậu thiên.

Năm 1908, gặp nhau trong ngục tỉnh Quảng Nam, tôi có ý tò mò hỏi Trần cho biết Trung thiên Dịch là gì. Nhưng y lên giọng thầy mà bảo tôi muốn biết thì phải thụ giáo, y mới dạy cho. Bấy giờ cái óc tôi đã thoát ly với tư tưởng cũ, cho Trần chỉ nói khoác, nên tôi bĩu môi không thèm nói lại.

Về sau tôi có tìm ra nhiều đồ đệ của Trần để gạn hỏi cho biết, thì ra những người ấy đều là ngu dốt, họ tôn thầy họ như ông thánh mà chẳng biết thầy họ muốn nói gì. Cũng duy có những người như thế mới chịu làm đồ đệ Trần Cao Vân được vậy.

Trần tuy trở về mà không ở nhà, thường hay ở trong tỉnh Phú Yên. Ở đó y có nhiều người tin theo. Mỗi khi Trần về làng ở ít lúc, thì họ kéo nhau ra thăm, mang cả tiền bạc ra tư cấp cho nữa.

Tôi không nhớ năm nào, một cái án như án hội kín phát ra ở Phú Yên. Trần bị khai ra là thủ lãnh nên nhân đó bị đày đi Côn Đảo.

Ở Côn Lôn về đâu vào năm 1906, Trần có nhà ở ngoài thành tỉnh Quảng Nam. Bấy giờ y hay bói và cho bùa, làm như một thầy pháp; nhiều người ở kẻ chợ nhà quê đến cầu thỉnh. Cho đến các quan tỉnh cũng trọng đãi, thường mời y vào dinh xem quẻ hay cúng cấp. Họ tôn y gần như một ông thánh tiên tri. Và y đến đâu cũng thường bịt khăn đen, mặc áo rộng, mang giày, làm ra bậc sư nho mô phạm.

Cao Vân người nhỏ thó mà có phong thể. Mặt hơi rỗ, da trắng, râu xanh mà dài, cặp mắt thật sáng, nói tiếng trong mà chuông. Một điều này tôi phải khai thực, là con người y, mình gặp qua một bận, ngồi nói chuyện một hồi, mình không thể nào ghét và khinh y được.

Năm 1908, nhân có khoản "dân biến", Trần phải vào ngục lại. Không biết án tiết làm sao mà tháng tám năm ấy y lại phải đi Côn Lôn, đi sau các ông Nguyễn Hàm, Huỳnh Thúc Kháng vài tháng.

Hồi ở trong ngục chỉ có tôi với Trần là hay biện bạc về nhau, với triết lý hoặc về việc gì khác. Tôi tuy không ưa cái cách bịp đời của y, nhưng nói cho đáng thì y có đôi chỗ tôi phải trọng thị thực tình.

Năm ấy, khi nghe tin bị đi đày, trong đám chí sĩ nhiều ông khóc rưng rức. Nhưng đến phiên Trần, y mặc áo rộng đen, bịt khăn đen đường hoàng, đến chào từng người, tự tình đi ở với một nụ cười, ra dáng thung dung tự đắc.

Một lần nói chuyện, tôi hỏi Trần bình sinh học vấn sở đắc ở chỗ nào. Y nghe hỏi thì cười ha hả, ra ý khen tôi biết hỏi rồi đáp rằng: Tôi đắc lực ở hai chữ "chủ tịnh".

Tôi nghe nói thì không ưa, vì thấy y cũng giở giọng của Tống Nho. Nhưng về sau, thấy cái thái độ y lúc đi Côn Lôn, tôi cứ nhơn nhơn bắt sợ, sợ thằng cha này có lẽ mà thánh hiền thật đi mất!

Tôi nếu phác họa con người Trần Cao Vân đến chỗ đó, rồi tôi cũng không biết phán đoán y ra làm sao. Nói chuyện với y thì tôi thấy còn có nhiều cái tư tưởng hủ lậu, vả lại, hay dùng thuật để lừa dối người ta nữa − cái này tôi biết chắc − nhưng nói đến cái chỗ trì thủ trong người thì y quả thật là con người có trì thủ. Ý chừng tôi muốn nói Trần Cao Vân là một nhà nho có tâm học.

Nhưng nói đến cái tài lược, có thủ đoạn đủ đương một việc lớn thì Trần không có. Không phải y không có tư tưởng về chánh trị; có, nhưng mà là thứ tư tưởng rất cũ. Có lẽ Cao Vân cũng tự coi mình như Gia Cát Khổng Minh chứ chẳng chơi. Xem một điều y đặt tên mình là "Cao Vân" mà tự "Ứng Long" thì đủ biết. Cái tư tưởng "rồng mây" ở thế kỷ XX này còn chẳng phải tư tưởng hủ lậu là gì!

Đi Côn Lôn chuyến ấy rồi Trần được về vào đầu năm 1913 thì phải. Về lần này y cũng vẫn ở yên ngoài thành tỉnh Quảng Nam và sinh hoạt một lối như trước. Các quan tỉnh cũng vẫn mời y vào cúng hạn, nhương sao cho các bà, các cậu. Người nhà quê cũng vẫn rùng rùng kéo nhau đến bói những quẻ gia sự ở ông thầy Vân, ông thầy Vân cũng giữ bộ khăn đen áo rộng như thường.

Người ta nói Thái Phiên sắp đặt công việc khởi loạn đâu vào đó rồi cả mới đi thỉnh Trần Cao Vân. Trần Cao Vân ra mặt, chỉ có việc làm "quân sư", chớ khỏi lo gì nữa.

Có người làm chứng chắc rằng việc biến ấy phát ra tháng hai ta mà tháng giêng Thái Phiên mới bắt đầu rủ Trần Cao Vân vào đảng.

Người ta truyền cho nhau những chuyện Cao Vân giả làm chàng câu ếch để gặp vua Duy Tân, chuyện ấy dù thật có chăng nữa, cũng chẳng phải đó là cái màn đầu nhà vua với loạn đảng thông nhau lần thứ nhất. Ngắm suốt cả một công việc khó khăn và to tát như thế, ai cũng phải tin rằng Thái Phiên dàn xếp mọi sự từ trước, rồi Cao Vân chỉ làm một vai sứ giả mà thôi.

Một người nói trong cuộc biến ấy, Thái Phiên lợi dụng Trần Cao Vân vì y có nhiều đồ đảng, mà đồ đảng của y lợi dụng được là tại có nhiều tiền. Hồi bình nhật, Cao Vân mỗi lúc cần đến tiền, cho người vào mạn Phú Yên, Bình Định, là đem ra bạc ngàn lập tức. Cái thuyết đó cũng có lẽ, vì Thái Phiên lúc bấy giờ còn cần gì cho bằng tiền nữa?

Cụ Sào Nam thuật lại: ở Huế có một người nói với cụ rằng trước khi Thái Phiên bị bắt làm một với vua Duy Tân, có đến người ấy để thấy nhau lần cuối cùng. Thái Phiên nói với người ấy rằng hiện mình có trong tay ba vạn đồng bạc. Người ấy bàn với Phiên nên đi trốn. Phiên kêu rằng mình với vua Duy Tân tình sâu nghĩa nặng lắm, không nỡ bỏ vua mà thoát nạn một mình.

Cứ theo những mảnh việc đó và tìm lên đến cái nguồn của hai người nữa thì đủ biết trong cuộc biến ấy cái địa vị Thái Phiên là ở chánh mà Trần Cao Vân là ở phụ. Trần quả không phải là tay chủ động trong cuộc ấy.

Cứ như tôi biết thì Trần Cao Vân vào với Thái Phiên còn ở sau Lê Đình Dương nữa. Vì Lê gặp Thái Phiên từ tháng chín năm trước mà tháng giêng năm sau Trần mới gặp.

Theo lẽ, về việc một người nào đã làm, người đồng thời nói dù đáng tin cũng không bằng người đồng sự. Bài ký sự này, giá được một người nào đồng sự với Thái Phiên viết ra lại còn đáng tin hơn tôi viết. Nhưng người ấy ở đâu?...

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. nhượng địa: theo luật quốc tế, “nhượng địa” là phần lãnh thổ bên trong một quốc gia nhưng được quản lý bởi một chính thể khác chứ không bởi quốc gia có chủ quyền trên lãnh thổ đó. Ở Việt Nam thời thuộc Pháp, ngoài Nam Kỳ là phần lãnh thổ mà triều Nguyễn đã trao cho Pháp; nói riêng ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ, “nhượng địa” là những vùng đất mà triều đình nhà Nguyễn giao cho người Pháp quản lý hoàn toàn, theo hiệp ước Patenôtre ngày 6/6/1884, gồm 3 thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng (Tourane).