Lần nhựt thực sẽ tới không phải 29 Juillet mà là 21 Septembre, nhằm mồng 1 tháng 8 ta

Lần nhựt thực sẽ tới không phải 29 Juillet mà là 21 Septembre, nhằm mồng 1 tháng 8 ta  (1941) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Dân báo, Sài Gòn, số 601 (19 Juin 1941), trang 1, 2.

Nhựt thực bao giờ cũng ở ngày đầu tháng Âm lịch

Đây là một sự cải chánh, mà sự cải chánh trong đó có điều lẩn thẩn của một tờ báo đáng buồn cười, ấy là tờ Viễn Đông nhựt báo của các ông Huê kiều xuất bản ở Chợ Lớn.

Số là, ra ngày 10 Juin vừa rồi, tờ Viễn Đông nhựt báo có đăng tin về nhựt thực sẽ xảy ra ngày 20 Juillet tới đây, mà tin ấy nói do Côn Minh truyền qua tối hôm 9 Juin.

Trong tin đó có nói về sự chánh phủ Tàu sẽ quan trắc lần nhựt thực nầy khá đầy đủ, do đó tôi lấy mà viết thành bài xã thuyết đăng ở Dân báo trong số ra ngày 13 Juin.

Vả lần nhựt thực nầy Dân báo đã thông tin sớm hơn hết, có đăng trong số Tết ra từ đầu năm ta, mà tin đó nói nhựt thực vào ngày 21 Septembre 1941. Nhưng trong khi viết bài xã thuyết nói trên, tôi không mở xem lại số Tết, tôi cứ theo tờ Viễn Đông mà viết là ngày 29 Juillet.

Rồi chính trong ngày 13 Juin ấy, tờ Viễn Đông nhựt báo cũng lại có đăng một cái tin nhỏ nữa, nói lời của Thiên văn đài công bố sẽ nhựt thực, và cũng nói ở vào ngày 29 Juillet như trước.

Trong ngày 13 ấy, Dân báo cũng có tiếp được tin Thiên văn đài, nhưng không kịp đăng, qua ngày 14 mới đăng, tin nầy nói nhựt thực ở ngày 21 Septembre.

Khi tôi thấy tin nầy trên tờ Dân báo ra ngày 14 Juin thì tôi biết hôm trước mình nói nhựt thực vào ngày 29 Juillet theo tờ báo Tàu ấy là sai. Tôi định phải viết và đính chánh lại, nhưng chưa kịp viết.

Đáng lẽ Dân báo phải có bài đính chánh nhưng chưa có, thì ngày 14 Juin ấy, Viền Đông nhựt báo lại có bài nói về nhựt thực.

Bài ấy tiêu đề là: “Theo như Thiên văn đài Việt Nam công bố, thì ở Việt Nam người ta chỉ định cái ngày nhựt thực có khác với ở nước ta” (tức là nước Tàu).

Rồi xuống dưới viết rằng: “Lần nhựt thực vào ngày 29 Juillet mà ở nước ta (là nước Tàu) có 8 tỉnh đều thấy toàn thực, thì trước đây bổn báo đã theo tin của Dân báo là tờ báo tiếng Việt Nam mà đăng lên rồi. Nay theo Thiên văn đài thông cáo thì nhựt thực lại ở vào ngày 21 Septembre, v.v…”

Rõ thật ông nào ở báo Viễn Đông viết những tin nhựt thực nầy lẩn thẩn quá! Bài của Dân báo ra ngày 13 Juin chính là cứ theo tin của Viễn Đông ra ngày 10 Juin mà viết, thì sao Viễn Đông lại nói là theo tin của Dân báo?

Vả chăng Viễn Đông đã nói: “Cái ngày chỉ định về nhựt thực ở Việt Nam có khác với nước ta”. Thế về việc ấy, “nước ta” của các ông phải có tin tức thế nào, các ông mới biết khác chớ, sao không thấy nói?

Rốt cuộc Viễn Đông chỉ nói rằng khác chớ không nói tin nào đúng hơn, nghĩa là không nói dứt khoát thử coi nhựt thực sẽ ở vào ngày 29 Juillet hay 21 Septembre?

Viết bài nầy tôi xin để đính chánh sự lầm hôm trước, tôi nói nhựt thực sẽ ở vào ngày 21 Septembre, tức là ngày mồng 1 tháng tám An Nam, chớ không phải ngày 29 Juillet đâu.

Sao mà biết chắc như thế?

Vì lấy lẽ rằng nhựt thực bao giờ cũng ở vào ngày sóc là ngày mồng một đầu tháng âm lịch. Vậy 21 Septembre tức là ngày mồng 1 tháng tám, đúng lắm. Nếu 29 Juillet thì vào ngày mồng 6 tháng 6 nhuận, ngày ấy không thể có nhựt thực bao giờ.

Nói một cách sơ lược về thiên văn. Mỗi năm mặt trời và mặt trăng có 12 lần hội, đều ở vào ngày đầu tháng âm lịch, kêu là ngày sóc. Cho nên bất cứ ngày mồng 1 tháng nào cũng có thể có nhựt thực được cả, nhưng chỉ khi nào đông tây đồng độ, nam bắc đồng đạo mà không sai nhau một mảy nào thì mới thực, còn nếu có sai một mảy thì không thực. Nha Thiên văn suy trắc mà biết có nhựt thực là nhờ suy trắc đúng được cái “một mảy” ấy.

Nói mặt trời mặt trăng có 12 lần hội, ấy là nói theo thiên văn học cũ của Tàu. Theo thiên văn Tây thì kêu bằng “hội” đó tức là cái trường hợp mà mặt trời và trái đất ở hai đầu, mặt trăng lọt vào giữa, và ba cái ấy đứng ngay một hàng. Cái trường hợp ấy một năm có 12 lần và mỗi tháng đều có, nhưng theo dương lịch thì không có ngày nhứt định, còn theo âm lịch thì nhứt định phải ở vào ngày sóc, ngày mồng 1 mỗi đầu tháng. Đôi lúc, nhựt thực một đôi khi cũng có ở vào ngày hối là ngày 30 hay 29 cuối tháng, nhưng từ khi thiên văn học phương Đông đã tiến bộ thì nó phải nhứt định ở vào ngày sóc luôn luôn.

Không biết nói cách nào khác hơn, ở trên đây tôi phải dùng chữ thiên văn học. Chứ kỳ thực những việc thế này chỉ là thường thức, người có học thì phải biết, chưa gọi là thiên văn học, là khoa học được đâu.

Tuy vậy, nhân một sự đính chánh mà tôi có thể cống hiến cho bạn đọc một cái thường thức cũng đã là đủ vậy.

PHAN KHÔI