Lược truyện Cô Hồng Minh, một nhân vật cổ quái của Trung Hoa
Trong Đông Dương tạp chí số 15 có bài nói về Cô Hồng Minh. Hẳn nhiều bạn đọc nhân đó muốn biết rõ thêm về con người ấy. Vì nghĩ thế nên tôi nhặt trong các sách, nhất là các tạp chí Tàu, chép ra cái lược truyện này, coi như một bài giới thiệu.
Đối với Cô tiên sinh, có người xưng là học giả, có người xưng là văn hào, nhưng ở đây tôi tặng cho cái huy hiệu “một nhân vật cổ quái” vì theo sự bình phẩm của phần đông người Tàu, tiên sinh là người cổ quái.
Cô Hồng Minh người tỉnh Phúc Kiến, năm 1874 sinh ra ở Tân Lang Dữ bên Nam Dương,[1] vì cha mẹ kiều cư ở đó. Từ nhỏ cho đến năm 13 tuổi, Cô vẫn chịu giáo dục trong gia đình; nhưng sức học đã khá lắm, bằng trình độ của những học sinh dự bị vào đại học. Trong năm ấy thì Cô đi theo một người Tây sang nước Anh. Ở đó, vào học một trường đại học cho đến năm 21 tuổi thì tốt nghiệp. Kế sang Đức vào trường đại học công trình. Khi tốt nghiệp ra bèn đi du lịch nước Pháp và mấy nước bên Âu châu. Trong thời gian đó, Cô nghiên cứu hai thứ tử văn La-tinh và Hy Lạp; lại, ngoài tiếng Anh, còn học thêm các thứ tiếng Pháp, Đức và Ý-đại-lợi nữa. Người ta nói Cô thông hiểu tất cả được chín thứ tiếng, ấy là kể cả tiếng Mã-lai, tiếng Nhật Bản cùng mấy thứ nữa mà đã học từ trước và về sau.
Năm 24 tuổi, Cô trở về tổ quốc. Bấy giờ Trương Chi Động làm tổng đốc Lưỡng Quảng, mời Cô làm mạc tân, chuyên coi việc giao thiệp với ngoại quốc. Sau họ Trương đổi đi tổng đốc Hồ Quảng, Cô đi theo về Hồ Nam. Khi Trương Chi Động về Kinh làm quân cơ đại thần, Cô cũng về làm thị lang, giúp việc với Trương. Kể cả những ngày Cô cộng sự cùng Trương có đến gần 20 năm vậy.
Sau khi Dân Quốc thành lập, Cô từng làm giáo viên trường đại học Bắc Kinh, chuyên dạy tiếng La-tinh. Được hai năm rưỡi, nhân một việc gì đó không hợp với nhà cầm quyền, bèn xin từ chức. Lúc đó Cô cũng đã già rồi, ở Bắc Kinh hoặc viết báo, hoặc dạy học tư, kiếm tiền độ nhật, mà sinh hoạt chừng như cũng khó khăn lắm. Năm 1924 có sang Nhật Bản giảng học một lần. Đến năm 1928, Dân Quốc 17 thì lâm bệnh mà mất ở Bắc Kinh, hưởng thọ 72 tuổi.
Cô Hồng Minh tuy là người từ nhỏ theo Tây học, biết nhiều thứ văn tự Âu châu, lãnh nhiều bằng cấp, nhưng rất lạ ở chỗ không nhiễm thói Tây mà lại say mê văn hóa nước Tàu, hết sức tôn sùng Khổng giáo. Chúng ta nên biết qua tư tưởng của nhà học giả ấy vì nó cũng có cái giá trị riêng của nó.
Tư tưởng của họ Cô biểu lộ rõ rệt nhất trong cuốn sách Tinh thần dân tộc Trung Hoa viết bằng tiếng Anh, xuất bản trong cơn Âu chiến, có dịch ra nhiều tiếng, và khi dịch ra chữ Tàu lại cải đề nhan là Xuân Thu đại nghĩa. Trong sách ấy cốt để biểu dương cái văn minh tinh thần của Trung Hoa; còn khi phê bình đến Âu châu thì chẳng nể nang chút nào hết, cứ việc mắng nhiếc rủa sả thực tình. Ta chẳng nên lấy thế làm lạ, vì tác giả cho Âu châu là dã man, sẽ đắm đuối mà chết, muốn sống thì phải học theo Trung Hoa, như thế còn biết nể nang ai?
Một chỗ trọng yếu trong sách ấy, họ Cô bảo rằng các nước Âu châu hiện xưng tự do mà kỳ thực chẳng tự do tí nào hết, người Tàu thuở xưa mới thật là tự do. Ở Âu châu nước nào cũng có cố đạo để kìm chế tư tưởng, cũng có cảnh sát để kìm chế sự hành động thì người dân còn tự do sao được? Trung Hoa ngày xưa không có những thứ ấy, vì trong nước người nào cũng biết cách làm lương dân, người nào cũng biết tự trọng, nên không đợi ai kìm chế.
Chỉ ra cái nguyên nhân Âu chiến, sách ấy nói rằng tại nước Anh sùng bái quần chúng và nước Đức sùng bái võ lực mà ra, hai nước đó phải chịu lấy trách nhiệm. Ngày nay văn minh Âu châu đã phá sản rồi, muốn cứu vớt thì duy có học đòi theo văn minh cổ đại của Trung Quốc. Thế mà gần nay, người Tàu, người Nhật lại bắt chước Âu châu, theo họ Cô là sự dại dột và nguy hiểm.
Bấy giờ cả Âu châu đương quằn quại trong vũng máu, thấy cuốn sách này ra, có cái luận điệu xẵng xớm thì ít nữa là người nào cũng phải để ý đến. Trong đám độc giả các nước có nhiều người phản đối, nhưng cũng có nhiều người tán thành và khâm phục. Nhân đó danh tiếng Cô Hồng Minh lừng lẫy khắp Âu châu.
Một sự trái ngược: đồng một người mà được sùng bái ở ngoại quốc lại bị thúy mạ ở bản quốc! Cô Hồng Minh nhờ cái luận điệu ấy làm cho người Tây kính phục mình thì cũng làm cho người Tàu chán bỏ, hay rủa sả mình. Nhất là bọn thanh niên Trung Quốc, phần nhiều không thèm nhắc đến cái tên Cô Hồng Minh, mặc dầu con người ấy là một bậc tiền bối xuất dương du học, có cái học rất uyên bác và thâm trầm. Có nhắc đến thì chẳng bằng cái giọng chửi mắng, ắt bằng giọng chế nhạo, ai nấy đều coi như một đồ cổ hay là một quái vật. Sự đó cũng không lạ nữa: nước Tàu đương hăm hở đi tới mà có kẻ bảo đi giật lùi thì kẻ ấy không bị khép vào tử tội cũng là may!
Cái tư tưởng của Cô tiên sinh đã như thế cho nên đến thái độ, hành vi, bao nhiêu dật sử còn truyền lại đều là nhất quán với cái tư tưởng ấy. Trong chỗ nhất quán ấy ta lại thấy tiên sinh là người thành thực đáng yêu.
Lúc 24 tuổi, ở ngoại quốc về, Cô đã cắt bín mặc Âu phục; thế mà sau khi vua Tuyên Thống thoái vị, ông ta lập tức gióc cái bín giả và mặc trường xám. Rồi từ đó cạo đầu để bín cho đến chết.
Họ Cô chưa khi nào nói hay viết ra mà phản đối hai chữ dân quốc, nhưng quả là người theo phái bảo hoàng. Lúc Trương Huân lập vua Tuyên Thống lại trong mấy tuần lễ, gọi là “phục tích”, thì Cô có nhận chức thị lang bộ ngoại giao. Để bín là để biểu lộ ra cái tâm thuật của mình như khi tiếp một phóng viên ngoại quốc, Cô cầm cái bín trong tay mà nói rằng: “Đây là một vật đại biểu cuối cùng của một đế quốc đã diệt vong!”
Chẳng những để bín, mà cái ông già trái đời ấy lại còn cho đàn bà bó chân là đẹp, tán thành sự lấy vợ nhỏ, chủ trương cái chế độ đa thê. Ông ta nói: “Theo thống kê của cả thế giới, sinh 100 đứa con giai thì tới 105 đứa con gái, thế mà bảo một chồng một thì chắc nhiều con gái không chồng”. Một lần Cô đem cái chủ trương ấy nói với một thiếu nữ Âu châu. Cô này bẻ rằng nếu thế thì đàn bà chúng tôi cũng có thể lấy nhiều chồng được? Nhưng Cô chỉ bộ đồ trà mà lấy ví dụ rằng: “Này cô thấy, một cái đĩa chứa bốn cái chén chứ không đời nào có một cái chén chứa nhiều cái đĩa!”
Vì cái chủ trương ấy nên Cô có lấy một người con gái Nhật ở Đại Bản tên là Cát-điền Trinh-tử làm vợ nhỏ, ở với nhau được 18 năm, khi nàng qua đời, chôn cất ở Thượng Hải rất tử tế. Lại cũng vì đó mà tiên sinh sợ vợ nữa. Có người kể chuyện khi ở Bắc Kinh là nơi nhiều ăn mày lắm, mà ăn mày nào đến tiên sinh cũng lấy tiền cho. Một hôm Cô đang làm việc bố thí thì bị bà vợ lớn cầm bát ăn cơm đánh vào đầu, vì bà đã nhiều lần phản đối sự từ thiện quá đáng ấy mà ông cứ không chừa.
Đã có cái tính cách khác người thế ấy cho nên đối với nhân vật hữu danh đồng thời, họ Cô phê bình cũng không giống với người thường. Bình sinh suy phục Trương Chi Động đến cùng, cho rằng Trương với Tăng Quốc Phiên đều là nhà đại chính trị. Lại chê Lý Hồng Chương là một hạng quan liêu chỉ biết làm lợi cho mình. Còn đối với Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, thì bảo là bọn nhà nghề. Vì theo ý Cô, người nào đem cái nghề của mình ra mà bán thì gọi là “nhà nghề”. Khang Lương đã bán văn tức là nhà nghề vậy. Vả hai người nầy đều không đáng kể là nhân vật xuất sắc, vì cái tài chính trị của Trương Chi Động, Tăng Quốc Phiên họ đã không có, mà cái ngón làm việc quan của Lý Hồng Chương họ cũng không bằng, họ chỉ biết dua nịnh bọn thiếu niên tân tiến mà thôi. Lời phê bình ấy có đúng không, không kể, chỉ thấy là khác với dư luận bên Trung Quốc lâu nay lắm vậy.
Đối với việc chính trị của Dân Quốc trong mười mấy năm đầu, họ Cô rất lấy làm bất mãn. Lúc làm giáo viên đại học, từng than vãn rằng: “Đợi đến ngày nào Trung Quốc cho có hiến pháp chân chính, cộng hòa chân chính, tống thống chân chính, thật không biết ngày nào mà đợi! Tức như tôi làm giáo viên đại học ba tháng chưa được lãnh một đồng tiền lương, mà muốn đợi cho đến ngày cộng hòa chân chính, e tôi đã chết đói lâu rồi”. Trong lúc về già bị người bản quốc chán bỏ, nên Cô quay ra có cảm tình với Nhật Bản, có lần đã nói: “Cái văn minh của Trung Quốc thuở Hán Đường thật là đồ sộ lắm. Tiếc sau bị mọi rợ vào chà đạp nên tuyệt diệt không còn. Nay chỉ ở bên Nhật Bản còn nối dõi được cái văn minh ấy. Bởi vậy trách nhiệm phát dương văn minh Đông Á sau này, ta rất mong người Nhật gánh vác cho”.
Người như thế mà lại hay nói bông đùa có lý thú, theo tiếng lưu hành bên Tàu ngày nay gọi là “u mặc”. Có người chế ông ta sao có sợ vợ thì bĩu môi đáp rằng: “Vợ mà không sợ, chẳng là không còn sợ phép vua nữa sao?” Vì Cô đã nhận chức thị lang trong thời kỳ phục tích nên sau lại, lúc Thái Nguyên Bồi từ chức hiệu trưởng đại học Bắc Kinh, Cô nhất định chủ trương cầm Thái ở lại, có người hỏi vì cớ gì, Cô đáp: “Vì tôi cũng ưng cho Thái tiên sinh phục tích!” Khi thôi làm giáo viên, sang Nhật giảng học, nói rằng: “Người Trung Quốc đã không chuộng đồ xưa, thôi thì ta đem bán cho nước ngoài!” Nhưng câu nói lý thú của Cô như thế thì còn nhiều lắm, đây chỉ dẫn ra một vài cho biết.
Nói về sự phê bình Cô Hồng Minh ở ngoại quốc có nhiều người kính phục mà nhất là ở nước Đức. Có mấy vị giáo sư đại học ở Bá-lâm như ông G. Misch và ông H. Nohe sùng bái họ Cô một cách đặc biệt, đến nỗi đem các sách của ông ra mà nghiên cứu như nghiên cứu các vị cổ học giả của Âu châu. Mỗi khi hai ông ấy tiếp một lưu học sinh Trung Hoa, hỏi có biết Cô Hồng Minh không, hễ không biết thì không thèm nói chuyện với.
Cô tiên sinh mất đã mười năm nay rồi, đến bây giờ người Tàu mới có kẻ nhắc đến. Họ không thích cái cổ quái của tiên sinh nhưng họ phục cái thành thực: bụng nghĩ thế nào thì nói và làm thế ấy, không có nịnh đời để cầu lấy giàu sang.
Có người phê bình Cô tiên sinh, nói như thế này có lẽ là gần với sự thực: “Ông ấy người cứng mà gàn, cả đời chỉ chống lại với mọi người. Hễ cái người ta nhận thì ông chối, cái người ta ưa thì ông không ưa, cái người ta trọng thì ông khinh. Vì ai nấy đều cắt bín nên ông để bín. Giá ai nấy đều để bín thì người cắt bín thứ nhất lại là Cô Hồng Minh…” Theo đó thì Cô Hồng Minh chỉ là con người lập dị. Dù chỗ xét đoán tuy có cạn nhưng mà không đến nỗi sai.
Nhà phê bình ấy lại nói rằng: “Cô Hồng Minh mà thành ra tín đồ của Khổng giáo cũng chỉ vì muốn làm khác với chúng. Chứ thực ra thì Cô gần với Trang Tử và Đạo giáo hơn là gần với Khổng giáo”.
Người có học vấn rộng rãi như thế mà lại bo bo giữ cái chủ nghĩa tôn quân, ai cũng cho là lạ; có một câu chính tiên sinh nói ra để tự giải thích cho mình, xin đem vào đây làm kết luận:
“Nhiều người cười tôi đã khờ dại trung với nhà Thanh. Nhưng trung với nhà Thanh không phải là tôi trung với cái nhà vua mà nhà tôi chịu ơn đã mấy đời, tôi chỉ trung với chính giáo của Trung Quốc, tức là văn minh của Trung Quốc vậy”.
PHAN KHÔI
Chú thích
- ▲ Tên nhân vật bằng chữ Hán là 辜 鴻 銘, phiên âm latin: Gu Hongming; về năm sinh, có tài liệu ghi là Gu Hongming, sinh 1856 (Từ điển Nho Phật Đạo. Hà Nội, 2001) hoặc 1857 (Wikipedia) tại Penang, Malaysia. Tác phẩm được nhắc đến trong bài là cuốn The spirit of the Chinese People (1915).