Hy sinh
của Lỗ Tấn, do Phan Khôi dịch

Bản dịch đăng trên Đông Dương tạp chí, Hà Nội, số 26 (6 Novembre 1937), trang 14 - 15.

Nguyên văn của LUSIN (Lỗ Tấn), một văn hào Trung Hoa mới vừa qua đời năm ngoái

"A hà! A hà! Xin lỗi! Xin lỗi! À ra chúng ta vốn là bạn đồng chí! Lúc đầu tôi ngỡ anh là một kẻ ăn mày, tôi nghĩ: một người con trai xinh xắn như anh, không phải già yếu, cũng không phải tàn tật, thì sao lại không kiếm việc mà làm, cũng không đi học? Bấy giờ tôi không thể nào không lộ ra cái vẻ khinh miệt anh. Xin anh đừng giận! Lòng dạ chúng ta bao giờ cũng xốc nổi, không giấu giếm được cái gì. Hả hả! Nhưng mà bạn ơi! Anh ơi! Tôi trông anh như là...

"Úy chà! Anh, cái gì anh cũng hy sinh cả rồi sao? Đáng kính là dường nào! Tôi rất phục anh ở chỗ vì quốc gia, vì đồng bào mà bất kỳ cái gì của anh, anh cũng hy sinh cả. Tôi từ hồi nào tới giờ vẫn quyết một lòng làm như anh vậy. Anh đừng thấy tôi ăn mặc bảnh bao thế này mà tưởng tôi là hạng công tử. Vả tôi lãnh cái trách nhiệm đi tuyên truyền, có thế thì vào đâu mới lọt đó. Cái xã hội nầy họ còn chuộng bề ngoài quá. Nếu tôi cũng như anh, trong mình chỉ có một cái quần rách, thì còn mong ai nghe tôi? Cho nên tôi phải làm bóng dáng một chút, mặc dầu cho ai nói chi thì nói, miễn mình không hổ với lương tâm là được. Cái nghề mình muốn sửa chữa lại xã hội thì phải vào sâu trong đó mới được, anh được. Cái chỗ khổ tâm đó, nếu không có ai biết cho mình cũng thôi! Nhưng mà anh, làm sao tôi trông anh ra dáng mệt nhọc và hơi thở pheo phen đến thế?

"Úy chà! Đã chín ngày nay mà anh không có cơm ăn?! Thật anh là người thanh cao quá đi mất! Tôi phục anh sát đất! Coi bộ anh lả người đi, như muốn mang mình không nổi, tuy vậy, ở trên lịch sử, sau này thế nào anh cũng sẽ có tên, đó là điều đáng mừng cho anh. Hiện nay cái thuyết Âu hóa tràn ngập cả xã hội, trong mắt mọi người chỉ nhìn thấy vật chất; con người có cái nhân cách đáng mô phạm như anh, đời không có nữa. Anh xem, bọn thầy giáo các trường đại học mà cũng còn một mặt giảng dạy, một mặt ngửa tay ra lấy tiền, té ra họ chỉ biết có vật chất, họ đã trúng cái độc của vật chất rồi! Ước gì có nhiều người như anh, đem thân ra làm gương cho họ, cha chả! Sự ấy đối với nhân tâm thế đạo, sẽ có bổ ích là dường nào! Anh nghĩ: có phải hiện giờ người ta đương kêu gào cho giáo dục được phổ cập chứ gì? Hễ giáo dục mà phổ cập thì cần dùng nhiều thầy giáo; mà nếu ai ai cũng như họ cứ ngửa tay ra đòi tiền, thì thời buổi khủng hoảng này, hỏi tiền ở đâu có cho nhiều? Người thanh cao như anh, thật là có một không ai ở đời này, đáng kính lắm! đáng kính lắm! Anh có đi học rồi chớ? Như anh là người có học thì rồi đây tôi sẽ mở một trường đại học nhờ anh coi sóc giùm cho. Con người có phẩm cách như anh, thật đã xứng đáng làm mô phạm cho thanh niên lắm vậy.

"Không được à? Anh yếu không đủ sức à? Thế có đáng tiếc không! Thế đủ biết người ta một mặt hy sinh cho xã hội mà một mặt cũng phải giữ vệ sinh cho mình. Anh yếu là tại anh không giữ vệ sinh. Anh chớ tưởng tôi béo tốt thế này là nhờ tôi ăn uống sung sướng; thật ra thì tôi chỉ cậy có vệ sinh và nhất là cậy có sự tu dưỡng về tinh thần... Nhưng mà, bạn đồng chí của tôi ơi! Cái gì của anh, anh cũng đã hy sinh cả, ấy thật là điều đáng kính phục; tiếc cho một cái quần trong mình anh còn sót lại, chỗ đó, về sau trên lịch sử, có lẽ là cái vết của hòn ngọc nghĩa là cái đời thanh cao của anh!...

"Úy chà! Phải rồi. Tôi biết. Không đợi anh nói tôi cũng đã rõ: Anh nghĩ và làm bao giờ cũng triệt để, tự nhiên cái quần này anh cũng không cần nốt, chỉ vì chưa có cơ hội hy sinh đó thôi. Tôi đây vẫn phụng thờ cái chủ nghĩa "hy sinh cả thẩy" và rất sẵn lòng giúp người làm điều thiện. Huống chi chúng ta là đồng chí, lý ưng tôi phải giúp anh ăn ở cho hữu thủy hữu chung; vì nếu một người ăn ở hữu thủy vô chung, đã hy sinh mà không hy sinh cho triệt để, thì là hỏng bét!

Cái cơ hội vừa đưa đến cho anh tốt lắm: Nhà tôi có một con sen đương thiếu một cái quần... Hỡi bạn, anh đừng nhìn tôi trân trân như thế. Tôi bình sinh rất phản đối sự mua bán người, vì là một việc bất nhân đạo. Có điều, đứa gái ấy là con của một nạn nhân trong đám mắc nạn lụt vừa rồi, bấy giờ tôi mà không dung nó thì cha mẹ nó đã đem bán vào nhà thổ! Anh nghĩ cái tình cảnh đáng thương hại là ngần nào! Tôi để nó ở trong nhà, chẳng qua vì lòng nhân đạo. Vả lại, như thế cũng không kể là mua bán người được: tôi đưa cho cha mẹ nó một ít tiền, rồi cha mẹ nó để nó ở lại trong nhà tôi, thế thôi. Lúc đầu tôi định coi nó như con gái mình, không, nói coi nó như em út mình thì phải hơn, nhưng giận thay đàn bà nhà tôi hủ quá, nói không nghe. Anh vẫn biết hạng đàn bà hủ lậu mà đến chừng họ đổ bướng rụ, thật là không phương trị; đây rồi tôi phải kiếm cách nào mà xử trí mới được...

"Rút lại, con sen ấy đã lâu nay nó thiếu một cái quần, mà nó là con gái của một nạn dân. Tôi tưởng anh thế nào cũng vui lòng giúp nó. Chúng ta đều là bạn của dân nghèo kia mà! Huống chi sau khi anh đã làm trọn cái việc này rồi, anh sẽ là người có thủy có chung; tôi chắc bề nào khi anh trăm tuổi rồi, người ta cũng sẽ dựng cho anh pho tượng đồng cao vòi vọi mà hết thảy dân nghèo đi qua đi lại đều cúi đầu vái kính!...

"Được rồi, tôi biết anh nhất định vui lòng mà nhận lời tôi, dầu anh không nói ra tôi cũng đã rõ. Nhưng anh đừng cởi cái quần ra ngay bây giờ. Tôi không có thể cầm nó mà đi về được. Tôi ăn mặc thế này, mà trên tay lại cầm cái quần rách, người ta trông thấy sẽ lấy làm lạ, sự ấy sẽ có hại cho cuộc đi tuyên truyền cái chủ nghĩa hy sinh của chúng ta. Hiện thời, cái xã hội ta ở đây còn ngu tối quá ‒ anh nghĩ, thầy giáo mà còn ngửa tay ra lấy tiền ‒ họ không thể nào hiểu được cái tinh thần trong sạch của chúng ta thì thế nào họ cũng sẽ hiểu lầm. Mà họ đã hiểu lầm thì giữa họ lại càng nảy nở thêm cái lòng tự tư tự lợi, khi ấy, hỡi bạn, cái việc bạn làm đây chẳng những không ích cho họ mà còn có hại thêm.

"Anh còn có thể gắng đi lấy ít bước nữa được chăng? Không thể à? Cái mới khó lòng cho người ta chớ! ‒ Vậy thì anh còn có thể bò được nhỉ? À, tốt lắm rồi! Thôi, anh cứ bò đi. Lúc còn có thể bò được thì anh ráng mà bò đi, kẻo rồi lại hỏng. Nhưng anh phải nhón chân lên một chút, đừng cà đầu gối và mông xuống đất như thế, e rồi cái quần nó bị cọ xát mà phải rách thêm. Như thế, đứa con gái của người nạn dân sẽ không hưởng được cái ân huệ của anh, và cả đến cái tinh thần hy sinh của anh cũng uổng phí đi mất nữa. Cởi quần ra không tiện: một là bất lịch sự, hai là sợ cảnh sát can thiệp vào, thôi, chi bằng cứ mặc thế mà bò là hơn. Hỡi bạn, chúng ta là đồng chí, có lẽ nào tôi đi phỉnh anh sao? Nhà tôi cách đây không xa mấy, anh cứ theo con đường này đi về hướng đông, đến cháng ba, rẽ qua hướng bắc, rồi lại quay về hướng nam, tới chỗ có hai cây hòe lớn bên đường, cánh cửa ngõ sơn đỏ, ấy là nhà tôi đó. Anh bò đến đó, cởi quần ra, đưa cho người nhà và bảo: "Của ông gởi về đó, bảo bà cất đi". Khi tới nơi, anh khá nói ngay cho người ta biết, kẻo họ lại tưởng anh là người đi xin mà đánh anh chăng. Ôi! Lúc này sao mà có nhiều người đi xin quá. Họ không đi làm việc, cũng không đi học, chỉ biết đòi ăn! Bởi vậy, nhà tôi mới phải dùng cái phương pháp "đánh" để cho họ một bài học, để họ biết rằng hễ đi xin thì bị đánh, tốt hơn là đi học, không thì đi làm việc...

"Thế là anh đi đó phải không? Tốt lắm! Tốt lắm! Nhưng anh hãy nhớ kỹ: hễ giao nhận xong là bò đi ngay, đừng ở lâu trong nhà tôi làm gì. Đã chín ngày rồi anh không ăn, muôn một có xảy ra điều chi, chẳng kẻo làm rầy rà cho tôi, khiến tôi mất thời giờ quý báu để mà làm việc cho xã hội. Tôi tưởng, chúng ta là đồng chí, không khi nào anh lại nỡ làm phiền lụy cho một đồng chí của anh, có điều tôi nói thì nói vậy đó thôi.

"Thôi, anh bò đi thôi. Tốt lắm. Vả tôi có thể kêu một chiếc xe kéo cho anh đi, nhưng tôi biết không đời nào anh chịu đi như thế: một người làm thân trâu ngựa cho một người, là sự vô nhân đạo quá thể, khi nào anh chịu? Thôi tôi đi đây này, anh cũng lên đường thôi. Anh đừng làm ra dáng ẻo lả thế ấy, hãy hăm hở mà bò đi! Hỡi bạn, hỡi đồng chí, bò nhanh lên nhá! Về hướng đông nhá!..."

PHAN KHÔI dịch

 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng ở Hoa Kỳ vì nó được phát hành lần đầu tiên ở bên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ (và không được phát hành ở Hoa Kỳ trong vòng 30 ngày) nó được phát hành lần đầu tiên trước 1989 mà không tuân thủ các thủ tục bản quyền của Hoa Kỳ (gia hạn và/hoặc thông báo bản quyền) nó thuộc phạm vi công cộng ở quốc gia gốc vào ngày URAA (1 tháng 1 năm 1996 đối với đa số quốc gia, đối với Việt Nam là ngày 23 tháng 12 năm 1998).


Tác giả mất năm 1936, do đó tác phẩm này cũng thuộc phạm vi công cộng tại các quốc gia và vùng lãnh thổ có thời hạn bảo hộ bản quyềncuộc đời tác giả và 80 năm sau khi tác giả mất hoặc ngắn hơn. Tác phẩm này có thể cũng thuộc phạm vi công cộng ở các quốc gia và vùng lãnh thổ có thời hạn bảo hộ bản quyền dài hơn nhưng áp dụng luật thời hạn ngắn hơn đối với các tác phẩm nước ngoài.

 
Bản dịch:

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)


Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)