Công hàm ngày 20 tháng 10 năm 1972 của Hoa Kỳ gửi Việt Nam Dân chủ Cộng hoà  (1972) 

Trước khi đạt được thoả thuận về dự thảo Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam tháng 10 năm 1972, trong các ngày 18, 19 và 20 tháng 10 năm 1972, Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã trao đổi với nhau ba bức công hàm quan trọng để thoả thuận về một số điểm trong dự thảo Hiệp định. Sau đây là Công hàm ngày 20 tháng 10 năm 1972 của Chính phủ Hoa Kỳ gửi Việt Nam Dân chủ Cộng hoà:

CÔNG HÀM CỦA HOA KỲ GỬI VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Ngày 20 tháng 10 năm 1972

Sau đây là thông điệp nhân danh Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ gửi cho Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

1- Phía Hoa Kỳ hoan nghênh thiện chí và và thái độ nghiêm chỉnh của của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thể hiện trong thông báo ngày 19 tháng 10 năm 1972. Với hai điều khoản trong điều 7 và 8 mà phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thỏa thuận trong thông báo của mình, văn bản của Hiệp định bây giờ có thể xem là đã hoàn thành. Nhằm mục đích làm cho rõ ràng và tránh những chỗ khó hiểu, phía Hoa Kỳ đã xóa bỏ khoản đầu của đoạn 2 trong điều 7, và nay toàn bộ Điều 7 như phía Hoa Kỳ chấp nhận là như sau:

"Điều 7 - Kể từ khi thực hiện ngừng bắn cho tới khi thành lập Chính phủ như quy định trong các điều 9(b) và 9(i) của Hiệp định này, hai bên Việt Nam sẽ không nhận việc dưa quân đội, cố vấn quân sự và nhân viên quân sự kể cả nhân viên quân sự kỹ thuật, vũ khí, đạn dược và dụng cụ chiến tranh vào miền Nam Việt Nam. Hai bên Nam Việt Nam sẽ được phép thay thế trong từng thời kỳ, đạn dược và dụng cụ chiến tranh đã bị hao mòn hoặc hư hỏng sau khi ngừng bắn, trên cơ sở một đổi một, cùng đặc điểm và tính năng, dưới sự kiểm soát của Ban Liên hợp quân sự hai bên miền Nam Việt Nam và Ủy ban Quốc tế kiểm soát và giám sát."

2- Tuy nhiên vẫn còn phải giải quyết vấn đề những tuyên bố đơn phương của hai bên. Để tránh mở đầu quan hệ mới trên cơ sở những sự hiểu lầm, nhất thiết phải nói rõ về những tuyên bố này.

a) Đối với vấn đề tù binh, phía Hoa Kỳ đã tuyên bố rất nhiều lần là dù trong bất cứ trường hợp nào Hoa Kỳ cũng không thể ký một hiệp định mà không bảo đảm một cách vô điều kiện việc trao trả lại tất cả những tù nhân quân sự và dân sự trên khắp Đông Dương. Do đó, lời lẽ trong bản tuyên bố đơn phương của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trao ngày 17 tháng 10 trong đó có nói là việc trao trả tù nhân ở Lào là phụ thuộc vào một giải pháp ở Lào và không nói tới tù nhân ở Cam Pu Chia là không thể chấp nhận được. Phía Hoa Kỳ đã làm việc đó trên giả định của những lời bảo đảm của Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ chịu trách nhiệm về việc trao trả mọi tù nhân quân sự và dân sự Hoa Kỳ bị giam giữ trên khắp Đông Dương. Do đó, Hoa Kỳ yêu cầu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra một bản tuyên bố đơn phương theo tinh thần bản đã trao ngày 8, 9 và 12 tháng 10 năm 1972 như sau:

"Đối với những quân nhân và thường dân Hoa Kỳ bị bắt giữ ở những nước Đông Dương ngoài Việt Nam, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cam kết sẽ thu xếp để xác minh và trao trả (idenitification and return) cho các nhà chức trách Hoa Kỳ theo cùng thời gian với việc thả những quân nhân và thuờng dân Hoa Kỳ bị bắt giữ ở Việt Nam. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng bảo đảm rằng điều khoản trong Hiệp định toàn bộ về việc xác định (verification) những quân nhân và thường dân Hoa Kỳ được coi là mất tích trong chiến đấu cũng sẽ áp dụng ở Lào và Cam Pu Chia."

b) Đối với Lào, phía Hoa Kỳ chấp nhận văn bản của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trao ngày 13 tháng 10 năm 1972, giống như bản của Hoa Kỳ trao ngày 12 tháng 10 năm 1972, như sau:

"Trên cơ sở tôn trọng những nguyên tắc của Hiệp định Genève năm 1962 về Lào, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ hoan nghênh những cuộc thương lượng hiện nay giữa hai bên hữu quan Lào, và sẽ tích cực góp phần để mau chóng đưa những cuộc thương lượng đó tới thành công, để có thể có một cuộc ngừng bắn ở Lào trong vòng 1 tháng sau khi Hiệp định về ngừng bắn và lập lại hòa bình ở Việt Nam có hiệu lực."

"Sau khi ngừng bắn ở Lào, những người nước ngoài ở Lào sẽ thu xếp những thể thức thực hiện điều 15(b) của Hiệp định về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam."

c) Đối với Cam Pu Chia, phía Hoa Kỳ hành động trên có sở những tuyên bố của Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ tại những cuộc gặp riêng với Tiến sĩ Kissinger ngày 26 và 27 tháng 9 và ngày 8 và 11 tháng 10 năm 1972.

- Những vấn đề chiến tranh ở Việt Nam và Cam Pu Chia liên quan chặt chẽ với nhau; khi chiến tranh đã giải quyết ở Việt Nam thì không có lý do gì tiếp tục ở Cam Pu Chia (27 tháng 9).

- Một khi vấn đề Việt Nam đã giải quyết, thì vấn đề Cam Pu Chia chắc chắn sẽ được giải quyết; và việc chấm dứt chiến tranh Việt Nam sẽ gây ra một ảnh hưởng rất lớn đến chấm dứt chiến tranh ở Cam Pu Chia có lẽ ngay tức khắc (8 tháng 10).

- Hai bên chúng ta hiểu với nhau là Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ tôn trọng nguyên tắc là mọi lực lượng nước ngoài, kể cả lực lượng của chính Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải chấm dứt hoạt động quân sự ở Cam Pu Chia và rút khỏi Cam Pu Chia và không được đưa trở lại (26 tháng 9)

- Ở Cam Pu Chia, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng sẽ theo những nguyên tắc như ở Việt Nam và Lào, nghĩa là sẽ không đưa vào trở lại Cam Pu Chia quân đội, vũ khí và dụng cụ chiến tranh (11 tháng 10); và

- Như đã nói trong điều 18, những nghĩa vụ do Hiệp định này sẽ có hiệu lực vào ngày ký kết Hiệp định (11 tháng 10).

Hoa Kỳ nhắc lại quan điểm của mình như Tiến sĩ Kissinger đã trình bày vào ngày 11 tháng 10 năm 1972, là nếu như trong khi chờ đợi một giải pháp ở Cam Pu Chia, lại có những hành động tấn công ở đó làm nguy hại đến tình hình hiện tại, thì những hành động như vậy sẽ trái với tinh thần điều 15(b) và những giả định (assumption) làm cơ sở cho Hiệp định này.

3- Đối với những tuyên bố đơn phương của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trao ngày 17 tháng 10 năm 1972, lập trường của Hoa Kỳ là như sau:

A- Đối với những quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thời gian sau chiến tranh, vấn đề này sẽ được thỏa thuận trong cuộc đi thăm Hà Nội của Tiến sĩ Kissinger và có thể được giải quyết một cách thỏa đáng.

B- Đối với những hoạt động trinh sát, phía Hoa Kỳ xác nhận là khi Hiệp định này có hiệu lực thì những hoạt động trinh sát chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ chấm dứt.

C- Đối với những tàu chở máy bay của Hoa Kỳ, phía Hoa Kỳ không thể cháp nhận một sự hạn chế về việc quá cảnh của những tàu chở máy bay, như Tiến sĩ Kissinger đã vạch rõ với Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ ngày 11 tháng 10 năm 1972. Như vậy sự hiểu biết (understanding) về vấn đề này chỉ là nói về nơi đậu (stationing) của những tàu chở máy bay Hoa Kỳ.

D- Đối với những phát triển tình hình nội bộ ở Nam Việt Nam, vấn đề được đề cập tới trong tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thảo luận trong khuôn khổ những đề nghị của Hoa Kỳ ngày 26 và 27 tháng 9 năm 1972. Những đề nghị này bị Hiệp định đang hoàn thành này vượt qua rồi (superseded). Phía Hoa Kỳ cho rằng vấn đề những phát triển tình hình nội bộ ở Nam Việt Nam đã được nói đầy đủ trong điều 9 của bản dự thảo Hiệp định và không có sự hiểu biết thêm nào.

4- Một khi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xác nhận (confirm) những hiểu biết này như nói trong đoạn (2) và (3) ở trên, thì Hiệp định coi như đã hoàn thành.

5- Với giả định là vấn đề những tuyên bố đơn phương sẽ được giải quyết thỏa đáng, phía Hoa Kỳ đề nghị thời gian biểu sau, thời gian biểu này sẽ chỉ mang lại một sự thay đổi 24 giờ đồng hồ về thời gian ký Hiệp định.

A- Vì những sự chậm trễ gây ra do sự cần thiết nhận được những trả lời về những vấn đề còn lại, phía Hoa Kỳ đề nghị rằng Tiến sĩ Kissinger sẽ tới Hà Nội vào ngày 24 tháng 10, vào thời giờ đã thỏa thuận và sẽ rời Hà Nội vào ngày 26 tháng 10.

B- Sẽ có sự đưa tin đồng thời về Hiệp định tại Washington và Hà Nội vào ngày 27 tháng 10 năm 1972 vào hồi 21 giờ 00 (giờ Washington).

C- Việc ký Hiệp định sẽ tiến hành ngày 31 tháng 10 tại Paris.

D- Tuy Hiệp định đến khi ký kết mới có hiệu lực, nhưng phía Hoa Kỳ, để tỏ thiện chí, sẵn sàng thực hiện ngừng bắn từ ngày 28 tháng 10, vào hồi 12 giờ trưa, giờ Washington, và sẽ thu xếp để những lực lượng của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng sẽ có hành động tương tự.

E- Giả định rằng phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đồng ý về thời gian biểu sửa đổi này, Hoa Kỳ sẽ chấm dứt ném bom ở Bắc vĩ tuyến 20 vào sáng ngày 23 tháng 10 năm 1972 và mọi cuộc ném bom bắn phá và thả mìn ở Bắc Việt Nam vào chiều tối ngày 23 tháng 10 năm 1972.

F- Phía Hoa Kỳ yêu cầu xác nhận gấp (urgent) về những sự hiểu biết nói trong thông điệp này. Phía Hoa Kỳ cũng yêu cầu phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xác nhận về những điều thu xếp về việc loan báo (publicity) cuộc đi thăm Hà Nội của Tiến sĩ Kissinger như đã nói trong tài liệu do Tiến sĩ Kissinger trao cho Bộ trưởng Xuân Thủy ngày 17 tháng 10 năm 1972. Ngay sau khi nhận được những lời xác nhận (confirmation) thì phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có thể tin là phía Hoa Kỳ sẽ tiến hành theo thời gian biểu đề nghị ở trên.

G- Phía Hoa Kỳ tiếc là có sự trì hoãn 48 tiếng đồng hồ trong việc thực hiện thời gian biểu này, nhưng cho rằng đó là những điều không thể tránh khỏi bởi vì vấn đề phức tạp và cần phải hiểu nhau một cách rõ ràng (presice). Hoa Kỳ không tin rằng nay là lúc hai bên đã tới rất gần sự kết thúc của một cuộc xung đột rất lâu dài, mà phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại tiến hành trên có sở những sự đe doạ.

H- Phía Hoa Kỳ nhắc lại sự tin tưởng là việc kết thúc chiến tranh, nay đã rất gần, sẽ đưa lại một thời kỳ mới trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.[1]

   




Chú thích

  1. Lưu Văn Lợi-Nguyễn Anh Vũ. Các cuộc đàm phán Lê Đức Thọ-Kissinger tại Paris (Phụ lục số III ). NXB Công an nhân dân. Hà Nội. 2002. trang 630-634.