Tên thợ rèn, rèn một miếng sắt ra được hai cái lưỡi cày người làm rẫy đặt biểu nó làm. Cũng do một sắt một thợ mà ra, nên giống nhau đến đỗi, khi người làm rẫy đến lấy đem đi đà khó phân biệt cho được. Qua rạng ngày mai, tra một cái lưỡi vào cái cày nó đem ra mà làm rẫy, còn cái kia ném nơi xó góc nhà để dành sau có dùng. Lưỡi cày nầy thương em, lấy làm thảm cho nó, song trong lòng cũng mầng thầm hầu được an ổn; mới rằng: “Kỳ! Em tôi mới vừa tới nơi, mệt đà ngất ngư, chưa nghỉ chút nào, lại sai ra đi làm việc! Lại việc hơi hay sao! Đi vỡ đất đai nắng hạn cứng lại đầy đá sỏi phải xa tránh, mỗi cục đụng trầy thân xể mình! Ôi người ta bất nhơn quá.” Song le lưỡi cày nầy lâu ngày ở không rảnh rơi, bèn quên sự em cực khổ; nếu ở chỗ ướt át mà khỏi sanh sét, là bịnh gớm ghiếc làm hư sự sáng của nó thì nó mới có phước được trọn. Vậy nên nó bắt buồn bực, vì lòng muốn lịch sự xinh tốt, cả ngày không công việc làm, những tài xem hình nhắm đạn mà thôi.

Lúc ấy người làm rẫy hết việc cày, chiều về có đem cái cày về theo, để nó một chặp ở giữa sân, rồi mới đem vố cất trong nhà. Lưỡi cày kia khi ấy mới thấy em lại, có ý ganh ngầm, vì thấy nó chiếu nhàng sáng ra như thể mặt kiếng, và xinh tốt hơn thuở mà cả hai còn ở nơi tay thợ; mới hỏi em rằng: “Có lý nào em đi làm việc về mà được sáng láng thể ấy, còn anh không có làm việc chi hết, lại xấu xa bội phần hơn em? — Lưỡi cày siêng năng đáp rằng: thiệt chúc, tại anh ở không nên mới hư thân như vậy: việc làm một đôi khi có mệt nhọc thiệt chẳng không; song le nó tập tành, mở mang, trau giồi trí hóa ta. Còn như không việc làm, thì tài năng ta một ngày một mòn, lâu lâu lụn hết.”