Gia đình ở xứ ta, nay cũng đã thành ra vấn đề rồi

Gia đình ở xứ ta, nay cũng đã thành ra vấn đề rồi  (1931) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 83 (21.5.1931)

Những người thanh niên tự tử gợi ra vấn đề ấy

Cái chế độ gia đình ở xứ ta lâu nay chưa hề thành ra vấn đề. Nghĩa là cái chế độ ấy từ trước thế nào thì cũng còn giữ nguyên như thế, chưa có động, nên cũng chưa có đoán. Tuy vậy, người thức giả biết trước rằng thế nào đây rồi cũng có động. Vì gia đình với xã hội liên can với nhau, hễ xã hội đã rục rịch, thì gia đình đâu có lẽ đứng yên? Trong xã hội, cá nhân đã có ý đối với quyền chuyên chế mà cầu giải phóng, thì trong gia đình, phần tử cũng sẽ phải đối với quyền chuyên chế mà cầu giải phóng. Ta thử xét qua lịch sử loài người, xưa nay chưa hề có dân tộc nào còn bị áp bách nơi gia đình mà lại được tự do giữa xã hội bao giờ. Do lẽ ấy, có kẻ đã đoán trước rằng cái vấn đề gia đình chẳng sớm thì muộn, thế nào rồi cũng phát sanh ra trong xứ ta.

Giữa chúng ta, ngày nay mới phát sanh ra vấn đề gia đình, thế là chậm lắm. Nước Tàu cũng là đi sụt trên con đường tấn hóa, song trước đây 20 năm, họ đã trải qua vấn đề ấy rồi; và cái vấn đề ấy ở xứ họ ngày nay đã được giải quyết, không còn cần phải bàn bạc đến nữa. Tuy vậy, không vội được, sự tấn hóa đi có từng độ đường, theo thứ tự, bởi vậy nên cái vấn đề gia đình ở nước Tàu cũng không sanh ra được trong khi triều Mãn Thanh còn vững, xã hội Tàu chưa có biến động gì.

Trong một bài đăng ở Phụ nữ tân văn lúc mới ra đời, tôi có nói rằng : Trong một xã hội, bất kỳ cái chế độ gì, hễ khi nó còn thích hiệp với xã hội ấy thì nó không thành ra vấn đề, đến khi không còn thích hiệp nữa thì nó phải thành ra vấn đề. Thật thế, cái chế độ gia đình ở xứ ta ngày nay chính lâm vào cảnh ấy.

Thường tình người ta, khi mắc phải cái bịnh kín, hay hổ thẹn mà giấu giếm[1], không chịu khai thiệt với thầy thuốc để tìm phương điều trị; như vậy, sự nguy hiểm về tánh mạng sẽ đến cho người ấy tất nhiên. Xã hội nên lấy đó làm gương, khi đó cái gì không thích hiệp mà sanh ra vấn đề, tức là khi xã hội có bịnh kín, cũng phải khai thiệt ra rồi cùng nhau kiếm phương giải quyết, điều trị cho xã hội được làm mạnh.

Tôi chẳng phải là thầy thuốc thơm tay quen trị bịnh xã hội đâu. Tôi chẳng qua là một người khai thiệt ra cái xã hội nầy đau gì trong khi có nhiều kẻ vì cớ gì đó mà giấu giếm. Tôi viết bài nầy, chỉ có ý báo cáo cho người ta biết rằng xã hội Việt Nam đương có bịnh, cái chế độ gia đình không thích hiệp với nó nữa; hiện nay gia đình xứ nầy đã thành ra vấn đề, ai nấy phải gia tâm, tìm phương mà giải quyết.

Tôi thấy điều đó bởi trong cái chết của những người thanh niên trai hoặc gái, cái chết tự tử, cái chết gần đây không lâu mà đều là do ở sự áp bách trong gia đình bắt phải chết.

Người ta ai chẳng quý sự sống mình. Bọn thanh niên, đầu còn xanh, tuổi còn trẻ, hy vọng còn dài, lại quý sự sống mình hơn kẻ khác nữa. Vậy mà họ quyết chết, họ chết rồi, ấy là họ còn quý cái gì đó hơn sự sống mà đòi không được nên thà họ không sống.

Tôi lạy dài mà xin mấy ông đại nho, mấy ông lão thành, hãy nghĩ đến chỗ tôi vừa nói đó, đừng có vội la rầy họ : Đồ cướp công cha mẹ là bất hiếu, đồ trốn nợ xã hội là bất trung, chết thì kệ xác, ai ngứa gì ! - Phải, họ chết thì thiệt thân họ, mấy ông có khen hay trách, cũng chẳng ích tổn chi. Có điều, sự họ chết đã sanh ra vấn đề, còn mấy ông đương sống đây, có nghĩa vụ phải giải quyết vấn đề, mà mấy ông chỉ ngồi mắng tràn như vậy, đâu phải là giải quyết?

*

* *

Những cái chết quan hệ nầy thấy nhiều lần lắm, song bỏ hết, hãy kể lấy hai việc mới xảy ra trong bốn năm tháng nay tại Hà Nội. Đào Hữu Nghĩa, 24 tuổi, con quan án sát Đào Hữu Khôi, đã có vợ có con rồi, mà còn đồng cư với cha mẹ. Đâu chừng tháng bảy tháng tám năm ngoái, Hữu Nghĩa đã toan tự tử một lần bằng thuốc phiện với dấm thanh, nhưng người nhà cứu được khỏi chết. Sau đó, vào tháng chạp tây, cậu ta lấy súng lục bắn vào đầu mình, lần nầy chết luôn.

Thấy các báo ngoài Bắc đăng rằng khi Hữu Nghĩa chết rồi, người ta có lục trong áo y, thấy một bức thơ tuyệt mạng. Đại ý trong đó như vầy : …Ai có đời làm trai đã 24 tuổi đầu, có vợ có con, còn phải nương nhờ cha mẹ, mà tiêu một đồng xu cũng phải xin, đi ra một bước cũng phải bẩm, làm một việc gì cũng không dám tự ý mình, thì còn sống làm chi !

Bên nữ thanh niên thì sự tự tử thường thấy xảy ra luôn luôn. Năm kia, ở tập báo nầy số 22, tôi có bài Luận về phụ nữ tự sát đã cử ra năm sáu vụ án mạng trong vòng hai tháng. Nay kể ngay việc hiện thời đây là việc cô Đinh Thị Tuyết Hồng trầm mình tại hồ Trúc Bạch trong tháng tư tây vừa rồi, đã làm cho dư luận ngoài Bắc trong Nam ầm cả lên.

Việc cô Tuyết Hồng chưa được bày tỏ ra cái cớ tại sao mà chết, vì người ta đương đứng dật dờ giữa hai lẽ : một là tại cô không bằng lòng bởi cha mẹ gả ép, nhân duyên không xứng đáng; hai là tại cô tức mình bởi mang tiếng thất trinh mà muốn rửa đi cho sạch.

Về việc Tuyết Hồng, nay chưa có định luận; song do điều người ta điều tra ra được ở Hà Thành hình như mới có một thứ hội bí mật của xử nữ[2], mà cô Tuyết Hồng chừng cũng là một hội viên. Thứ hội bí mật ấy gồm có mười cô con gái chưa chồng, đoàn kết với nhau, như kiểu Thập tỉ muội của con gái Quảng Đông bên Tàu, mà mục đích thì có khác. Mục đích của họ là cố đòi cho được quyền hôn nhơn tự do, nếu ai bị cha mẹ ép thì phải lấy cái chết mà kháng cự. Hội viên nào đã bị ép mà không tự tử cũng không được, vì mạng lịnh của hội nghiêm lắm, chín hội viên kia theo một bên mà giám đốc, bắt phải chết cho kỳ được mới nghe. Sự nầy chưa biết có quả thật chăng; song, cái nghề, hễ tức nước thì lở bờ, ở dưới cái chế độ đặt đâu ngồi đấy kia, dầu có thứ hội ấy cũng chẳng nên lấy làm lạ.

Nếu chúng ta coi nhân mạng như con trùn con dế, coi cái chết của Hữu Nghĩa và Tuyết Hồng cũng như cái chết bị xe hơi cán, thì chẳng nói làm chi. Nếu chúng ta cũng độc miệng, mắng kẻ chết đó là đồ bất trung bất hiếu như mấy ông đại nho lão thành kia, thì cũng chẳng nói làm chi. Nhưng nếu chúng ta đối với kẻ chịu thống khổ, bị áp bách, mà còn biết biểu đôi chút đồng tình, thì trong những việc đáng thảm như vầy, không có thể nào bỏ qua đi mà không suy nghĩ cho tới nơi tới chốn.

*

* *

Hồi đời ông đời cha chúng ta, hay là chỉ hai ba chục năm về trước đây mà thôi, trong xã hội ta chắc không có cái chết nào như cái chết của cô Đinh Tuyết Hồng và cậu Đào Hữu Nghĩa. Nếu có chăng nữa thì cũng là số rất ít. Và theo bấy giờ, cái chết như vậy dầu bị mấy ông đại nho lão thành kia mắng cho tàn nhẫn cũng cam tâm. Bởi vì ở thời đợi ấy, có thứ luân lý và pháp luật làm xương sống cho mấy ổng dựa mà mắng rất mạnh miệng.

Nói đến đây mà không nhắc đến cái thuyết tam cang thì không được. Nhà nho đời xưa có bày ra cái thuyết tam cang, cái thuyết đã làm nền móng cho xã hội ta hơn ngàn năm nay, ý cốt của nó là chỉ để tôn quyền quân chủ, lợi cho sự cai trị mà thôi. Do nó mà thành ra cái chế độ gia đình của xứ ta, do nó mà trong gia đình mới có sự áp bách quá thảm hại.

Quân vi thần cang; phụ vi tử cang; phu vi thê cang. Cang[3] thứ nhứt là nói về quốc gia xã hội; trong một nước, phải coi ông vua là có quyền vô thượng rồi, nhưng chưa đủ, phải thêm cang thứ nhì và thứ ba. Hai cang sau thì nói về gia đình; trong một nhà, lại phải coi cha và chồng cũng có quyền vô thượng nữa. Như vậy để làm gì? Tôi phải phục bọn Hán nho đã vắt bao nhiêu não tủy mà lập ra cái thuyết nầy rất khéo ! Làm như vậy là có ý bắt kẻ làm cha làm chồng phải đè đầu con cái và vợ của mình, hầu để giữ giùm cuộc trị an cho nhà vua, chớ chẳng còn có ý nghĩa gì cao thâm hơn nữa hết. ấy luân lý của ta là vậy đó ! Cái thứ quốc túy mà có nhiều kẻ đương lo bảo tồn là vậy đó !

Pháp luật nước nào cũng dựa theo luân lý mà lập ra. Nước ta cũng vậy. Pháp luật nước ta cũng dựa theo cái ý rất khéo của luân lý đó mà lập ra những điều rất khéo. Một người mắc tội phản nghịch, chống lại nhà vua, thì bị giết cả ba họ : luật kêu bằng liên tọa. Con em phạm tội thì khoa nghĩ đến cha anh, vì cha anh không kìm chế chúng nó : luật kêu bằng phụ huynh bất năng cấm trấp tử đệ. Vợ phạm tội thì nhè trừng trị người chồng : luật kêu bằng phu nhân hữu tội, tội tọa bổn phu. Coi đó thì về cái chế độ gia đình xứ ta, luân lý và pháp luật cũng đều cho người gia trưởng có quyền lớn trên người nhà mình, hễ có việc gì thì gia trưởng phải đối với nhà vua mà chịu trách nhiệm; bởi đó, khi còn ở dưới luân lý pháp luật cũ, người ta coi sự áp chế trong gia đình là sự thường, và cũng là lẽ đương nhiên.

Bấy giờ kẻ làm cha, bất luận phải trái, có thể nói cùng con mình rằng : "Hễ tao dung túng chúng mầy thì vua sẽ bắt tội tao". Chồng cũng nói được với vợ như vậy nữa. Cho nên, cứ việc dùi đánh đục, đục đánh săng, áp chế đến đâu thì áp chế, kẻ bị áp chế cũng chẳng kêu ca gì, mà kêu ca với ai? Ai nấy cắn răng bấm bụng mà ở yên với nhau, gia đình không thành ra vấn đề.

Ngày nay đây, là ngày mà sự áp bách đó người ta không thể chịu được nữa, là ngày mà cái chế độ gia đình đã thành ra vấn đề giữa chúng ta. Sở dĩ có ngày nay là vì nhiều cớ : bởi sự kinh tế khó khăn; bởi học thuyết mới, tư tưởng mới tràn vào; bởi kẻ bị áp chế lâu ngày quá thì sanh ra phản động… Hoặc còn bởi lẽ gì khác nữa mà tôi không biết hết, nhưng tôi muốn kể sơ mấy cái đó rồi mới trịnh trọng mà kể tới cái ơn nước Pháp đã ban cho.

Cái gì là ơn của nước Pháp thì chúng ta không nên quên. Ai nấy hãy co tay mà tính, nầy là một cái !

Đối với luân lý của chúng ta, nhiều người Pháp đã thanh minh rằng không đụng chạm đến, cứ một mực tôn kính mà thôi. Nhưng đối với pháp luật của chúng ta, thì nước Pháp đã bỏ bớt đi được nhiều điều nặng nề khó chịu. Nhứt là điều luật liên tọa và mấy điều khác nói trên đó.

Nam kỳ theo luật Tây, Bắc kỳ theo luật mới sửa lại, bỏ bớt sự hà khắc ấy đã đành. Còn như ở Trung kỳ, tuy vẫn thông hành luật Gia Long mà cũng nhiều điều được châm chước. Tức như cái án mưu bạn năm 1908 ở Quảng Nam Quảng Nghĩa, cùng cái án phiến loạn năm 1916 cũng ở hai tỉnh ấy, những người bị án đều khỏi buộc vào điều liên tọa, đều khỏi bị khoa nghĩ đến phụ huynh. Lại mới rồi, biết bao nhiêu án hoặc về cách mạng, hoặc về cộng sản khắp cả ba kỳ trong hai năm nay, đều là ai làm nấy chịu, không có dây dưa đến ai hết. Hết thảy những điều đó, tỏ ra cho chúng ta thấy rằng lá cờ ba sắc vẫn có xủ bóng mát trên dân nầy ít nhiều, và bình đẳng, bác ái, tự do, ba lời ấy chẳng phải toàn là lời trợt lớt.

Không đụng chạm đến luân lý, mà sự châm chước trong pháp luật ấy phải có ảnh hưởng đến luân lý, đến chế độ gia đình. Thấy vậy, Đào Hữu Nghĩa có thể nói cùng ông thân mình rằng : Đời nay không phải như đời xưa đâu, tôi có làm bậy cũng không liên lụy đến cha đâu mà sợ. Tôi đã 24 tuổi rồi, theo luật, tôi là thành nhân, tôi phải lập riêng gia đình của tôi mà làm chủ lấy. Tôi phải hành động tự do, để tỏ ra là một người công dân, có quyền ứng cử và bầu cử, dầu cha cũng không xâm phạm được. Đào Hữu Nghĩa đòi như vậy mà cha va không nghe, cho nên va tức mình mà chết để kháng cự lại. Bởi vậy chúng ta phải biết những cái chết nầy là có ý tích cực chớ không phải có ý tiêu cực. Cô Tuyết Hồng cũng thế.

Do cái lẽ tấn hóa của nước ta nó đi từng bước, mà cái chế độ gia đình đến ngày nay mới thành ra vấn đề, cầu giải quyết trước mặt chúng ta. Cái vấn đề ấy rút lại trong mấy câu nầy : Bởi những sự thay đổi của kinh tế, tư tưởng, pháp luật, tóm lại là sự biến động của xã hội, mà cái chế độ gia đình xứ ta không thích hiệp nữa, thì bây giờ nên làm thế nào? Nói rõ ra, ấy là kẻ bề dưới trong một gia đình ngày nay, khi đã đến tuổi trưởng thành rồi, thì mong được độc lập, không chịu quyền bó buộc của bề trên nữa, như vậy có được chăng? Nếu bảo là được, thì cái chế độ ấy nên sửa đổi cách nào cho thích hiệp?

Ấy cái vấn đề gia đình xứ ta ngày nay như vậy đó. Chúng ta lo mà giải quyết sớm đi. Không giải quyết thì cứ còn có người chết oan hoài, chết cho đến bao giờ vấn đề ấy được giải quyết.

Phan Khôi

   




Chú thích

  1. Bản gốc là "giấu gím", ở đây sửa lại
  2. Xử nữ nghĩa là con gái chưa có chồng (nguyên chú của Phan Khôi)
  3. Cang (cũng đọc là cương) : cái giây lớn của cái lưới, gọi là giềng lưới; cương (cang) được chuyển nghĩa thành một trong những phạm trù về cấu trúc và trật tự của xã hội quân chủ gia trưởng phụ quyền ở Đông á cổ và trung đại