Giữa chính phủ và nhân dân đương giờ nghiêm trọng này, không nên có sự nghi kỵ nữa
Hầu hết các chính phủ của các nước văn minh ngày nay đều từ trong dân lập lên cả. Thế mà khi lập lên rồi, chính phủ đối với nhân dân cũng còn không khỏi có sự nghị kỵ thay. Huống chi chính phủ Đông Pháp ta với dân bản xứ lại là “mẹ gà con vịt”, thì, theo tình thế, sự nghị kỵ hẳn càng không khỏi được lắm.
Tuy vậy, ngờ nhau ở hồi nào kia, chẳng nói làm chi. Chứ ở hồi này, đương giờ nghiêm trọng này, mà còn có sự ngờ nhau, thật là một điều bất lợi cho cả hai đàng, chẳng còn có điều bất lợi nào lớn hơn nữa vậy.
Giữa lúc người Nhật toan chiếm đảo Hải Nam, ngấp nghé đảo Tây Sa, lại hay đặt điều vu cáo nước Pháp ám trợ Trung Hoa, giữa lúc ấy, chúng ta không có thể nói họ chỉ làm thế mà thôi, chứ không có ý gì gây sự bất hòa với giải đất chữ S này. Lại giữa lúc chính phủ ta mộ hai vạn lính, mở cuộc quốc trái 44 triệu đồng, chúng ta cũng không có thể nói được rằng chính phủ làm những việc ấy bởi một nỗi quá lo, chứ trong thiên hạ vốn bình yên vô sự.
Cái phướn chỉ ra rõ ràng lắm: Cõi Đông Pháp đương phòng bị một cuộc ngoại xâm, mà địch nhân là Nhật Bản. Trên quan dưới dân, không một người nào là không nhận thấy cái điều đáng lo ấy đang đột ngột trước mắt mình.
Đã thế thì nên “thượng hạ nhất tâm” mới hòng đối phó với ngoại hoạn. Trái lại, nếu có sự ngờ vực nhau, chưa nói đến cái hại gì khác, chỉ một sự giữ miếng nhau cũng đã mất công và mất thì giờ, làm cho cuộc đối phó với ngoại hoạn, trở nên trễ nải và giảm sức.
Kìa, một toán kẻ cướp đã đến tận ngõ kia kìa, mà trong nhà, chủ nhà còn cứ lo coi chừng lũ người nhà, sợ chúng ăn cắp vặt, − ôi thế mới là bất trí! Giữa phong trào chống nạn thất học nhóm lên khắp ba kỳ, bộ Quốc dân giáo dục ở Huế muốn gánh lấy một phần trách nhiệm của mình, bèn đề xướng lên một công cuộc rất có ích, là mở những lớp học bổ túc. Bộ sức ra cho các quan đốc học các tỉnh, phàm các trường tiểu học thuộc quyền bộ, ngoài những lớp học chính thức, mở thêm lớp dạy đêm để truyền bá chữ quốc ngữ cho khắp cả nhân dân.
Một công cuộc rất có ích như thế mà nghe chừng như khó nỗi thực hành.
Thật thế, cứ như báo “Dân” ở Huế, trong số 3 vừa ra, theo lời một vài ông Công sứ, thì lớp học ban đêm ấy hầu như không thể mở được, vì không tiện cho sự kiểm soát của nhà nước.
Người ta còn lấy mấy cớ khác nữa, như là không có thầy dạy, không có sổ dự toán để cung cấp kinh phí; nhưng mấy vấn đề dù giải quyết được nữa, là chỗ khó cũng cứ đọng về một điều: kiểm soát không tiện. Đại ý là cả mười bốn tỉnh Trung Kỳ, trường học nhiều lắm, nhà nước không có đâu cho đủ những viên thanh tra hay cảnh sát người Pháp để ngồi thị thành ở mỗi lớp học tối của mỗi trường.
Không tiện cho sự kiểm soát là thế, chứ còn gì nữa? Nếu thế thì ra cho đến các ông đốc học, các ông tư học, người do nhà nước đào tạo ra, bây giờ ăn lương của nhà nước mà làm việc, mà nhà nước cũng không tin. Nhà nước còn tin ai?
Người ta sợ các ông đốc học, tư học sẽ diễn thuyết, cổ động bài Pháp hay tuyên truyền cọng sản trong các lớp học đêm ấy chăng? Ấy mới thật là một nỗi quá lo; những sự ấy không thể có được!
Người Phi-luật-tân, theo lời ước của nước Mỹ, đã được độc lập rồi, mà mấy năm nay vì sợ Nhật Bản, họ còn từ chối chưa chịu độc lập. Sao họ lại khôn đến thế! Có luật nào buộc người Việt Nam phải dại hơn người Phi-luật-tân sao mà bảo họ lại đi cổ động cho nhau bài Pháp trong cơ hội này?
Ba bốn tháng nay thời cuộc ở đây một ngày nghiêm trọng thêm một ngày. Vì sự lợi hại của tổ quốc, chính những người hoạt động lắm trong đảng cộng sản Đông Dương cũng còn biết ngồi yên để chính phủ đỡ phải đối phó với họ, hầu lo đối phó kẻ khác. Thế thì có lẽ nào mấy ông đốc học, tư học, những người ăn lương làm việc cho chính phủ lại đi tuyên truyền cộng sản?
Tục ngữ nói “Một mất mười ngờ”. Rồi có khi không mất gì cả cũng ngờ. Ấy, cái sự thực nó là như thế. Cái sự thực đến lẩm cẩm, đến buồn cười!
Ở bên Tàu, trước Trung - Nhật chiến tranh, chính phủ Nam Kinh đối với nhân dân cũng hay nghi kỵ lắm, họ đề phòng nhân dân có lẽ còn gắt gao hơn ở đây nữa. Thế mà từ ngày có việc đến giờ, họ đổi hẳn chính sách, trả hết thảy các cái tự do lại cho nhân dân. Báo không bị kiểm duyệt nữa. Hội hè không bị cấm đoán nữa. Trước kia chỉ một đảng Quốc dân chuyên chính, ngày nay thêm hai đảng công khai nữa: đảng cộng sản ai cũng biết, và còn đảng Quốc xã mới lập do Trương Quân Mại đứng đầu. Không thế, không được.
Cũng nhờ nhân dân có đủ quyền tự do và trên dưới một lòng, không nghi kỵ nhau, nên người Tàu mới có thể kháng chiến với Nhật Bản cho đến ngày nay. Ở bên ấy, khắp mọi nơi, nhân dân tự động tổ chức lấy quân đội rồi giao cho chính phủ quản lĩnh để đưa ra mặt trận. Có nhiều đoàn thể lập lên, chuyên một việc đi khuyến quyên, hoặc tiền bạc, hoặc áo quần, để cung cấp cho quân sĩ. Làm những việc như thế, giá mà bị chính phủ ngờ vực, một hai đòi kiểm soát cho kỳ được, thì làm sao nên?
Chính phủ ta thử làm như chính phủ Nam Kinh, coi thử có việc gì không nào?
Nếu người ta còn muốn, chúng tôi, trong bài này, có mấy lời nói với đồng bào, nói với người Việt Nam, bảo họ mỗi khi làm việc gì thì phải thận trọng, phải dè dặt, đừng để đến nỗi chính phủ đâm nghi việc không thành, thì chúng tôi há lại không nói được? Nhưng nhắm lại có ích gì đâu?
Thận trọng đến hết mực thì thôi, dè dặt cũng đến hết mực thì thôi, bảo còn thận trọng dè dặt đến đâu? Cho được cực kỳ sung túc cái lượng của sự thận trọng và dè dặt, thì duy chỉ có đừng làm việc gì cả là xong! Vả thận trọng dè dặt cho mấy cũng không làm cho tiêu sự nghi kỵ đi được, vì nghi kỵ chẳng những là một cái tật, mà còn là một cái quyền.
Chúng tôi van với chính phủ.
Chính phủ làm thế nào, chứ một mai có giặc đến bất kỳ trong nhân dân có cử động gì để chống lại giặc, chính phủ cũng đeo theo mà kiểm soát, không thể kiểm soát được thì không cho cử động, thế thì nguy lắm! Không nguy, chỉ khi nào chính phủ hứa rằng không cần đến nhân dân giúp sức, một mình chính phủ với giặc, giặc cũng không làm gì nổi mà thôi!
PHAN KHÔI