Giới thiệu ít nhiều nhân vật mới của Trung Hoa: Một nữ tác gia: Hoàng Lư Ẩn

Giới thiệu ít nhiều nhân vật mới của Trung Hoa: Một nữ tác gia: Hoàng Lư Ẩn  (1937) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Đông Dương tạp chí, Hà Nội, số 27 (13 Novembre 1937), trang 21 - 22.

Nước Trung Hoa vài mươi năm nay không còn phải là một nước Trung Hoa hồi trước nữa. Chẳng những chính thể đã đổi, quân chủ thành ra dân chủ, mà cho đến học thuật tư tưởng, trong cái gì cũng không còn tìm ra được cái dấu vết cổ thời. Bởi vậy, ở đó, những nhân vật hữu danh có thể đại biểu cho một phương diện nào của tổ quốc, đều có vẻ mới mẻ phi thường, không giống như những nhân vật thuở xưa cứ ăn ở theo sách là được tôn làm thánh, hiền, đại nho, cao sĩ. Cả đến bên nữ giới, những người được xã hội sùng bái cũng có cái tư cách khác với những người trong truyện liệt nữ trước kia.

Ta với Tàu gần gụi quen thuộc nhau, đáng lẽ ta nhận biết họ có phần dễ dàng nhanh chóng lắm. Nhưng từ khi người mình bỏ học chữ Hán, bao nhiêu sách vở báo chí của họ không còn mấy ai xem. Thành thử đối với nhân vật cận đại của Trung Hoa, người Việt Nam chúng ta trở lại lạ hơn là đối với Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Gia-cát Khổng Minh hay là Lý Bạch, Đỗ Phủ, là người Tàu sống về khoảng mấy ngàn năm trước. Điều ấy sẽ thiệt hại cho tri thức của ta lắm, không thể nào cứ để yên như thế được.

Vì nghĩ vậy tôi mở ra mục giới thiệu này. Hôm nay mời bạn đọc làm quen với một nữ tác gia:[1] Hoàng Lư Ẩn.

*

* *

Hoàng Lư Ẩn người huyện Mân Hầu, tỉnh Phúc Kiến. Sinh năm 1897, vào cuối triều Mãn Thanh, lúc bên Tàu đã bắt đầu bỏ khoa cử, lập học đường. Nhờ được nhà dư ăn nên cha mẹ cho nàng theo học từ thuở nhỏ; đến năm ngoài 20 tuổi thì tốt nghiệp ở trường Nữ tử Cao đẳng sư phạm Bắc Kinh, về ban quốc văn.

Tốt nghiệp ra, Lư Ẩn được bổ làm giáo sư tiểu học; và đồng thời nàng khuynh hướng về văn nghệ, tập viết tiểu thuyết, đã tỏ ra là một nữ sĩ có biệt tài về môn ấy.

Vào khoảng Dân Quốc năm thứ 9 (1919-20), Lư Ẩn đương còn học tại trường, bấy giờ toàn học tập theo lối văn học cũ, đọc những sách xưa như là Ly tao, Văn tuyển, Đường thi cùng là văn tứ lục. Vừa ưa có cuộc vận động tân văn học, nàng sốt sắng bỏ cũ theo mới, dùng thể văn bạch thoại, viết ra những pho tiểu thuyết theo mẫu kim thời và rất có giá trị. Làm cho Lư Ẩn nổi tiếng lừng lẫy đứng vào hạng nhất nhì trên văn đàn Trung Quốc, là bộ trường thiên tiểu thuyết lấy tên Hải tân cố nhân. Từ đó cho đến khi Lư Ẩn chết chỉ hơn mười năm; ở trong cuộc sinh hoạt khó khăn vất vả, thế mà nàng viết được gần mười bộ tiểu thuyết đều được độc giả hoan nghênh. Bởi vậy trong văn học sử của Trung Hoa sau này, thế nào Lư Ẩn cũng sẽ có một địa xứng đáng.

Kể các nữ tác gia của thời đại tân văn học Trung Hoa có ba người xuất sắc hơn hết là Đinh Linh, Băng Tâm và Lư Ẩn. Nhưng Lư Ẩn và Băng Tâm còn có tư cách già giặn hơn. Theo lời một nhà bình phẩm, thì cả người lẫn văn của Băng Tâm là ôn hòa nhã nhặn, còn của Lư Ẩn thì hào sảng thống khoái. Những tài liệu trong tác phẩm của Băng Tâm là mẹ, em, núi cao, biển rộng, ca ngợi sự đầm ấm của gia đình và cảnh đồ sộ của tự nhiên. Còn những tài liệu trong tác phẩm của Lư Ẩn thì là học trò trai, học trò gái, chị em bạn yêu nhau hay là trai gái yêu nhau, toàn là những sự đeo đuổi theo ái tình, những sự chống trả cùng hoàn cảnh eo hẹp. Nhưng cả hai người này đều chưa từng xen lộn với đám cặn bã của xã hội, thiếu kinh nghiệm về sự sinh hoạt của quần chúng, cho nên về phương diện ấy trong văn chương của cả hai đều không được dồi dào lắm, đều kém Đinh Linh.

Biết qua văn chương của Lư Ẩn như thế rồi, ta nên biết tới con người của Lư Ẩn. Trong truyện Hải tân cố nhân có tả diện mạo và tính tình của vai chủ nhân trong truyện là nàng Lộ Sa một đoạn thế này: “Lộ Sa người gầy và cả cái mặt cũng gầy, nhưng tính tình lại mười phần cứng cỏi. Bạn bè tặng cho nàng cái huy hiệu bé hạt tiêu. Nàng có lòng dạ sỗ sàng nhưng sự nghĩ ngợi lại sâu sắc, hình như đã hiểu đời lắm, nói chuyện với ai cũng thường pha giọng bông đùa”. Có người nói: “Hải tân cố nhân tức là Lư Ẩn kể chuyện mình trong nửa đời người. Lộ Sa tức là chính nàng vậy”. Mấy câu trên đó vẽ rõ ra chính mình Lư Ẩn.

Cái tính tình cứng cỏi của nàng thấy ra trong sự hôn nhân. Sự ấy làm ta thấy Lư Ẩn bao giờ cũng là người tự chủ. Lúc nàng nhớn lên vừa gặp trong nước Tàu có cuộc “Ngũ tứ vận động” là lúc giữa đám thanh niên gây nên cái tinh thần lãng mạn và đòi lấy nhân quyền. Họ rủ nhau phản kháng lại đạo đức cũ và thoát ra ngoài sự ràng buộc của lễ giáo. Bấy giờ Lư Ẩn là một tên lính tiên phong đứng ra chống với cái thế lực cựu truyền còn đè nắn cả một xã hội.

Khi Lư Ẩn còn ở trong trường học, bà mẹ ở nhà tự quyền hứa gả nàng cho một người kia mà không cần lấy được đồng ý của nàng. Về sau Lư Ẩn nhất định không chịu, đòi bà mẹ xóa bỏ cái hôn ước ấy cho được mới nghe. Vì vậy mẹ nàng đâm giận đến nỗi tuyệt tình với nàng, thế mà nàng cũng chẳng hề sinh lòng thương cảm hay hối hận. Nàng cho rằng có quyết tuyệt như thế thì mới cướp quyền tự chủ cho mình được.

Dẫy bỏ người vị hôn phu ấy, tưởng là Lư Ẩn đi lấy ai, té ra đi lấy một chàng thanh niên tên Quách Mộng Lương đã có vợ rồi. Nàng nói với chàng rằng: “Miễn là chúng ta có ái tình với nhau thì thôi, còn sự anh có vợ rồi cũng không hại!” Cái hành vi ấy có lẽ là không chính đáng, nhưng kể cái tinh thần cương quyết thì đáng cho là một cái lực lượng rất cần cho một thời đại mới. Bởi vậy phê bình Lư Ẩn, có người đã tôn nàng là một nhân vật mô phạm của một thời đại.

Không bao lâu, nàng sinh được một mụn con gái chưa đầy mười tháng thì chàng thanh niên ấy lầm bệnh mà chết. Bấy giờ nàng cảm thấy đời người ngắn ngủi, và không biết xử trí cái đời mình cách nào. Mọi sự tin tưởng trong lòng nàng nhân đó lung lay, nàng trở nên một người đàn bà mà phần lý trí với phần tình cảm chẳng được điều hòa. Nàng đâm ra uống rượu, hút thuốc lá, say lại khóc, khóc rồi lại cười. Người ta không phải sắt đá thì sống lâu làm sao được với sự trác táng dường ấy? Thế nhưng, trong thời kỳ đó, Lư Ẩn đã sản sinh ra một vài thứ tác phẩm trỗi hơn hết các tác phẩm của nàng vè trước và về sau.

Trận Nhật Bản đánh Tàu trước đây, Lư Ẩn đương ở Thượng Hải và chính mình gặp cơn binh hỏa. Nàng có viết một cuốn tiểu thuyết tả về việc chiến tranh, nhan là Hỏa diệm, tức là lấy sự đốt phá ở Áp Bắc làm đề tài. Bộ tiểu thuyết nầy có một cái phong cách khác hẳn với các tiểu thuyết của Lư Ẩn.

Năm 1930, Lư Ẩn lại kết hôn với một người tên là Duy Kiến. Lúc này sự sinh hoạt của nàng cả tinh thần và vật chất hơi được yên tĩnh. Nàng chỉ lo có hai việc là viết tiểu thuyết và sắp đặt cho con đi học. Chưa được bao lâu, đến năm 1934 thì nàng đau bệnh sản hậu chết trong một nhà thương ở Thượng Hải, ngày 13 tháng 5, để lại hai đứa con gái: một đứa 10 tuổi, một đứa 3 tuổi. Năm ấy nàng 37 tuổi.

Lư Ẩn có tài nói chuyện. Trong một đám hội tập có đến mười lăm, hai mươi người đàn ông, một mình nàng có thể ứng đối với hết thẩy mà không hề chịu lép. Nếu trong đám có một người buông lời chế nhạo đàn bà thì khắc thấy nàng đỏ mặt tía tai lên mà biện bác cho đến người kia chịu nhịn mới thôi. Bởi vậy các văn sĩ kém tuổi nàng thường gọi nàng bằng “chị cả”, và nàng cũng cười hì hì trả lời, nghiễm nhiên đương lấy mà chẳng hề có ý từ tốn gì. Một người trong bọn, giáo sư Lưu Đại Kiệt, nói rằng: “Thật đấy, nói theo tuổi ngày sinh hay là nói theo tuổi văn học, Lư Ẩn đều xứng đáng làm chị cả chúng tôi”.

Mấy năm nàng gần chết đã chừa bớt rượu và thuốc lá, nhưng lại ưa đánh ma-tước. Về nghề chơi này, nàng cao lắm, tay và mắt đều nhanh, nên đánh sòng nào cũng thường hay được.

Con người thế ấy nên có cái văn thế ấy. Một người biết nàng lắm viết như vầy: “Coi bề ngoài, Lư Ẩn là một người theo chủ nghĩa lạc thiên, nhưng trong lòng nàng lại là hay bi quan chán đời. Có khi uống rượu say, có khi tình cờ nhắc đến những chuyện thương tâm của đời nàng thì nàng liền khóc òa lên. Nhưng khỏi lúc đó rồi nàng lại cười ha hả. Nàng thường nói mình là người giả đò làm sung sướng”.

Tôi muốn bạn đọc bất kỳ trai hay gái, đọc bài này xong, hãy ngồi nghĩ xem và nhớ ra thử trong xứ sở nhà mình đã có được người đàn bà nào như thế chưa. Trên đầu bài, tôi nói nước Tàu nay khác với xưa, nghĩa là nước ấy tiến hóa. Mà nước Tàu tiến hóa ắt là đàn bà nước ấy cũng tiến hóa. Thế thì Lư Ẩn là một người đàn bà Tàu tiến hóa.[2]

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Nữ tác gia: Nhà trứ thuật, viết sách mà là đàn bà (nguyên chú của Phan Khôi).
  2. Nữ tác gia này nguyên họ tên là 黃 淑 儀 (Huang Shuyi/Hoàng Thục Nghi), bút danh Hoàng Lư Ẩn 黃 廬 隠 (Huang Luyin).