Giúp độc giả khi đọc cuốn Nước Nhật Bổn 30 năm duy tân của ông Đào Trinh Nhất

Giúp độc giả khi đọc cuốn Nước Nhật Bổn 30 năm duy tân của ông Đào Trinh Nhất  (1937) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Sông Hương, Huế, số 32 (27 Mars 1937), trang 2, 8.

Ông Đào Trinh Nhất, bạn tôi, mới rồi, trong một lúc xuất bản hai cuốn sách có giá trị ngang nhau. Cuốn Phan Đình Phùng đã được đem phê bình ở báo nầy số trước. Đến cuốn Nước Nhật Bổn 30 năm duy tân, tôi nghĩ viết một bài phê bình như thế nữa không có ích, chi bằng đứng về một phương diện khác hầu có thể giúp độc giả trong khi đọc cuốn sách ấy.

Nghĩ như thế rồi tôi viết bài nầy, coi cũng như bài tựa hay bài bạt cho cuốn sách về thế sự của Đào quân, chỉ khác là không được hân hạnh in vào trong sách của người.

Cuốn Nước Nhật Bổn 30 năm duy tân dày gần 300 trang giấy khổ lớn, lấy tài liệu ở hai chục pho sách hoặc chữ Hán, hoặc chữ Nhật, hoặc chữ Tây, để thuật lại công việc của một nước trong 30 năm cải cách mà thành hiệu. Trong chúng ta người nào có lòng sốt sắng, bỏ cả mọi việc mà đọc nó, cũng phải mất vài ba ngày mới hết. Khi đọc xong, ai nấy đem lòng hâm mộ sự thành công của người Nhật, là lẽ cố nhiên; nhưng nếu ai nấy thường tự hỏi: nước Nhật tại làm sao mà có được sự thành công ấy, thì chưa chắc lý hội lấy mà trả lời ngay cho mình được.

Một cuốn sách dài như thế, khi xem đến khúc sau có lẽ đã quên khúc trước, huống chi trong đó sự tình bề bộn lắm, thì lý hội cho được cũng là khó.

Vả còn điều nầy nữa, mình là người Việt Nam, khi đọc cuốn sử duy tân của Nhật Bổn, phải thấy có sự cảm khái riêng trong lòng. Vì sao nước mình thuở xưa cũng ở trong một hoàn cảnh như họ mà mình lại không làm như họ được? Tôi tưởng người đọc sách ấy chẳng những muốn trả lời câu hỏi trên mà thôi, cũng muốn đáp luôn câu hỏi dưới.

Tôi đã đọc qua cả cuốn sách của Đào quân một bận. Về những điều ấy tôi đã lý hội kỹ. Tôi xin viết ra đây để trả lời hai câu hỏi kia. Ấy là một việc mà khi làm, tôi tưởng là có ích cho những người đọc sách của ông Đào.

*

* *

Nhiều người An Nam hay nói: Nhật Bổn là nước đồng văn với nước ta, họ cũng theo đạo Khổng Mạnh, họ cũng là một nước phụ dung văn hóa của nước Tàu như nước mình, thế mà họ duy tân, tự cường được đến như thế, còn nước mình ra thế nầy, đáng lấy làm tức.

Người nào nói như thế là chưa biết rõ nước Nhật Bổn. Phải, họ thuở xưa cũng theo đạo Khổng Mạnh, cũng làm một nước phụ dung văn hóa của nước Tàu như nước ta thật, nhưng mà có khác nhau nhiều lắm trong sự giống nhau ấy.

Đọc sách của ông Đào, chúng ta thấy người Nhật có những cái tinh thần riêng của họ để làm nền móng cho sự lập quốc, như Đại hòa hồn, Võ sĩ đạo, những cái ấy đã đành là không có ở nước ta rồi. Kể đến sự theo văn hóa Trung Hoa, nước họ cũng khác với nước mình nữa.

Người Nhật theo đạo Khổng - Mạnh nhưng không theo cái học khoa cử, không bắt chước làm những kinh nghĩa, thi, phú, là thứ văn chương vô dụng. Sĩ phu họ không bị những cái bả vinh hoa của cử nhân tiến sĩ làm mê muội đi. Đầu óc của họ thuở nào đến giờ vẫn trong sạch, cho nên khi thấy có Tây học thì họ nhận biết là đáng theo mà theo ngay.

Lại thêm, người Nhật theo văn hóa Tàu mà những cái dở, những sự mê tín của người Tàu họ không chịu theo. Tức như người Nhật không tin địa lý, cũng không tin quỷ thần, đốt vàng mã. Nhờ đó, trong tư tưởng họ không vướng víu những cái tối tăm dơ bẩn cần phải mất thời giờ để gột sạch đi rồi mới hấp thụ cái hay cái tốt được.

Người Việt Nam ta từ triều Trần triều Lê về sau chỉ biết tôn chuộng cái học khoa cử, là cái học phù hoa vô dụng, làm cho sĩ phu trở nên đui điếc. Đã vậy lại còn mắc nhiều sự mê tín của người Tàu đưa qua cho, như là tin phong thủy, bói, số cùng vô số thứ dị đoan. Hồi triều Tự Đức, người Nhật đã hăm hở theo Âu hóa rồi, nhưng người mình thì trong óc còn chất chứa không biết bao nhiêu sự tối tăm dơ bẩn, vậy nên cứ thủ cựu hoài mà không làm như họ được.

Cái trình độ văn minh của một nước thế nào, là coi ở học thuật tư tưởng của người nước ấy. Một nước mà muốn cải cách, cũng bắt từ học thuật tư tưởng mà cải cách đi.

Học thuật tư tưởng của người Nhật lúc chưa tiếp thọ Âu hóa cũng đã không đến hủ bại như nước ta, nhờ đó mà họ tiếp thọ Âu hóa một cách dễ dàng. Đến khi biết Âu hóa là đáng theo, và quyết kế theo rồi, thì họ lại còn biết phá hoại học thuật tư tưởng của họ mà không hề dùng dằng đoái tiếc.

Trong nước ta hiện có một hạng người thủ cựu cứ phao ngôn rằng người Nhật Bổn lúc duy tân, theo Tây là chỉ theo về phương diện khoa học cơ khí mà thôi, còn về phương diện tinh thần thì họ vẫn giữ các điều họ sẵn có.

Đọc qua cuốn sách của ông Đào Trinh Nhất, sẽ thấy lời nói đó là không thật. Vả, trong thiên hạ chẳng có lẽ nào lấy cái tinh thần cũ ra mà làm được sự nghiệp mới bao giờ. Cải cách thì phải cải cách từ tinh thần, tức là học thuật tư tưởng.

  1. Du nhập cái tư tưởng công lợi của người Anh và người Mỹ. ‒ Việc nầy do ông Phúc Trạch Dụ Cát đề xướng ra. Ông cả gan kêu gào phá hoại văn hóa cũ mà ông cho là cái dư độc của chế độ phong kiến. Họ Phúc Trạch sáng lập ra Khánh ứng nghĩa thục, chuyên ban bố cái tinh thần giáo dục của phương Tây. Cái tinh thần ấy cốt ở những sự: hoài nghi, phá hoại và cải tạo, làm cho sĩ phu hướng chiều về đường thực học và bồi dưỡng cái óc tự do độc lập của quốc dân.
  2. Du nhập cái tư tưởng tự do của người nước Pháp. ‒ Việc nầy do ông Bản Viên Thối Trợ đề xướng. Sách Dân ước luận của J. J. Rousseau dịch ra trong buổi ấy. Từ đây có dấy lên nhiều cuộc vận động mới về chánh trị.
  3. Du nhập cái tinh thần của đạo Cơ-đốc. ‒ Cơ-đốc giáo vào nước Nhật đã lâu, nhưng cái tinh thần của đạo ấy được thấm khắp giữa người Nhật là từ hồi đầu triều Minh Trị. Bấy giờ có người tên là Tân Đảo Tương, một tín đồ của Chúa Cứu thế, lập ra cơ quan gọi là “Đồng chí xã”, hết sức tuyên truyền giáo nghĩa của Chúa Gia-tô. Ông làm việc ấy bởi một đức tin chắc chắn, như có nói rằng: “Nếu không dùng đạo Cơ-đốc để cảm hóa quốc dân thì không bởi đâu truyền bá cái chân tinh thần của văn minh Âu châu được”.
  4. Du nhập cái tư tưởng quốc gia của người nước Đức. ‒ Việc nầy do ông Gia Đằng Hoằng Chi đề xướng. Ông có làm ra sách Nhân quyền tân thuyết, phản đối các thuyết bình đẳng tự do mà cổ xúy cái chủ nghĩa quốc gia theo thuyết tiến hóa của Đạt Nhĩ Văn.

Theo một cuốn sách văn học sử Nhật Bổn, người ta đã công nhận bốn điều ấy là trụ cột trong cuộc duy tân thành công của người Nhật, đáng đem để trên hết những sự chấn chỉnh ở bề ngoài, như là mở quốc hội, ban hiến pháp cùng là tập rèn cơ khí, khoách trương công nghệ, vân vân...

Sự nhớ cũ bao giờ cũng choán một phần trong tâm lý loài người. Do cái tâm lý ấy, lại thêm cái lòng tự trọng nữa, người Nhật đến ngày nay đã cường thạnh rồi, bèn cất cao giọng lên mà xướng cái thuyết bảo tồn quốc túy. Chứ kể theo sự thực trên lịch sử, nếu đương hồi Minh Trị mà người Nhật cứ khư khư giữ lấy cái cũ của mình, không phá hoại và cải tạo, thì làm sao có ngày nay được? Cái lẽ ấy dễ hiểu lắm: tức như nước ta vào thời Tự Đức đã bo bo giữ lấy học thuật tư tưởng cũ, chuộng khoa cử và không chừa bỏ được mọi sự tin tưởng nhảm nhí, đi đón rước lấy văn hóa Âu châu thì ta đã phải mất nước rồi.

Cứ như những lẽ nói đây đã đủ trả lời cho hai câu hỏi trên kia, câu hỏi phát ra trong óc mọi người sau khi đọc cuốn Nước Nhật Bổn 30 năm duy tân của ông Đào Trinh Nhất. Tôi còn xin nói thêm mấy lời nữa làm kết luận.

Nước ta vì thâm nhiễm các cái di độc của văn hóa Trung Hoa, khoa cử và dị đoan mê tín, nên sự nhận biết về văn minh thế giới đã phải chậm hơn người Nhật 50 năm. Từ ngày khoa cử bỏ, người mình có khai thông ra một chút, nhưng bao nhiêu sự hủ bại vẫn còn choán trong tư tưởng, thành thử không tiến bộ cho nhanh chóng được. Bây giờ, đọc sách ông Đào, lấy việc nước Nhật làm gương, ta còn nên gia công trong sự cải cách về tinh thần, trên cõi đất ấy còn có lắm phen phá hoại và kiến thiết rồi mới toan làm được việc gì...

PHAN KHÔI