Diễn văn của Tổng thống Barack Obama tại Hội trường Suntory Hall, Tokyo, Nhật Bản

Diễn văn của Tổng thống Barack Obama tại Hội trường Suntory Hall, Tokyo, Nhật Bản  (2009) 
của Barack Obama, do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam dịch

Tổng thống Barack Obama diễn thuyết tại Hội trường Suntory Hall, Tokyo, Nhật Bản vào ngày 14 tháng 11 năm 2009.

14/11/2009, 10:12 sáng giờ Nhật Bản

Hội trường Suntory Hall, Tokyo, Nhật Bản

TỔNG THỐNG OBAMA: Xin cảm ơn. Arigatou. Xin cảm ơn. Xin chào quý vị. Tôi rất vinh dự được có mặt tại Tokyo - điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du đầu tiên của tôi đến châu Á với tư cách Tổng thống Hoa Kỳ. Xin cảm ơn. Tôi rất vui vì được gặp gỡ đông đảo quý vị tại đây - các bạn Nhật Bản và một số người Mỹ tôi thấy ở đây - những người đang phấn đấu từng ngày để thắt chặt quan hệ giữa hai nước chúng ta, trong đó có người bạn lâu năm của tôi, và là Đại sứ mới của Hoa Kỳ tại Nhật Bản, ông John Roos.

Được trở lại Nhật Bản thật tuyệt. Chắc một số quí vị cũng biết rằng khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi đã đưa tôi đến Kamakura, nơi tôi ngắm nhìn biểu tượng của hòa bình và sự thanh cao - bức tượng Đại Phật bằng đồng hàng trăm năm tuổi ở Kamakura. Vì còn bé, nên lúc đó tôi thích món kem trà xanh hơn. Vì vậy, tôi muốn cảm ơn Thủ tướng Hatoyama vì đã chia sẻ những kỷ niệm này với tôi bằng món kem đãi tôi tối hôm qua. Xin cảm ơn. Nhưng tôi không bao giờ quên được tình cảm ấm áp và hiếu khách người Nhật Bản đã dành cho một vị khách Mỹ trẻ xa nhà.

Tôi vẫn giữ nguyên cảm giác ấy trong chuyến công du lần này đến Nhật Bản: Trong sự tiếp đón nồng hậu của Thủ tướng Hatoyama, trong vinh dự được tiếp kiến Nhật Hoàng và Hoàng hậu tôn kính, vào đúng dịp kỷ niệm hai mươi năm ngày Nhật Hoàng đăng quang; trong sự hiếu khách của người dân Nhật Bản. Và đương nhiên, tôi cũng không thể có mặt tại đây mà không gửi lời chào và lời cảm ơn của tôi đến những công dân Obama, Nhật Bản.

Tôi bắt đầu cuộc hành trình của mình tới đây vì một lý do đơn giản. Kể từ khi nhậm chức, tôi đã phấn đấu để khôi phục sự lãnh đạo của Mỹ và hướng tới một kỷ nguyên mới can dự với thế giới dựa trên lợi ích chung và tôn trọng lẫn nhau. Và những nỗ lực của chúng tôi tại châu Á Thái Bình Dương sẽ bắt rễ, một phần không nhỏ là nhờ vào quan hệ liên minh bền vững và đầy sức sống giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Ngay từ những ngày đầu nhậm chức, chúng tôi đã cố gắng củng cố mối quan hệ giữa hai nước chúng ta. Nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà tôi hoan nghênh tới thăm Nhà Trắng là Thủ tướng Nhật Bản, và lần đầu tiên trong gần năm mươi năm qua, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của một Ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton, là tới châu Á và bắt đầu từ Nhật Bản.

Hai tháng nữa, chúng ta sẽ kỷ niệm 50 năm thành lập liên minh - thời điểm Tổng thống Dwight Eisenhower đứng bên Thủ tướng Nhật Bản và phát biểu rằng hai quốc gia của chúng ta đang xây dựng "một quan hệ đối tác không thể phá vỡ" dựa trên "sự bình đẳng và hiểu biết lẫn nhau".

Trong nửa thế kỷ qua, liên minh đó đã trở nên bền vững và là nền tảng của an ninh và thịnh vượng của hai nước. Nó đã giúp chúng ta trở thành hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, và Nhật Bản nổi lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ bên ngoài khu vực Bắc Mỹ. Liên minh đã phát triển với việc Nhật Bản giữ vai trò quan trọng hơn trên trường quốc tế, và có những đóng góp quan trọng đảm bảo sự ổn định trên toàn thế giới - từ việc tái thiết Iraq, chống cướp biển vượt vùng Sừng châu Phi (the Horn of Africa), và gần đây nhất là hỗ trợ cho người dân của Afghanistan và Pakistan - khi đi tiên phong trong việc gia tăng cam kết tài trợ cho các nỗ lực phát triển quốc tế ở những nước này.

Trên tất cả, quan hệ liên minh của chúng ta bền vững vì nó phản ánh giá trị chung của chúng ta, đó là một niềm tin vào các quyền dân chủ của con người tự do lựa chọn những người lãnh đạo và thực hiện ước mơ của riêng mình. Niềm tin đó đã giúp tôi và Thủ tướng Hatoyama thắng cử với cam kết tạo ra sự thay đổi. Chúng ta cùng cam kết xây dựng một thế hệ lãnh đạo mới cho người dân của chúng ta và cho liên minh của chúng ta.

Đó là lý do tại sao, tại thời điểm lịch sử quan trọng này, hai nước chúng ta không chỉ tái khẳng định liên minh này mà còn nhất trí củng cố liên minh. Chúng ta đã nhất trí thông qua nhóm làm việc chung nhanh chóng thực hiện các thỏa thuận đạt được giữa hai chính phủ về việc tái cơ cấu các lực lượng quân đội Mỹ ở Okinawa. Khi liên minh của chúng ta phát triển và thích ứng với tương lai, chúng ta sẽ luôn luôn phấn đấu để nêu cao tinh thần của Tổng thống Eisenhower trước đây, đó là xây dựng một mối quan hệ đối tác bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

Mặc dù cam kết của chúng tôi đối với khu vực này bắt đầu ở Nhật Bản, nhưng không có nghĩa là nó chỉ dừng lại ở đây. Có thể nước Mỹ khởi đầu chỉ là các bến cảng và thành thị dọc bờ Đại Tây Dương, nhưng qua nhiều thế hệ chúng tôi đã trở thành một quốc gia Thái Bình Dương. Châu Á và Mỹ không hề bị ngăn cách bởi đại dương rộng lớn này, mà chính nó đã kết nối chúng ta với nhau. Chúng ta được gắn kết bởi quá khứ - những người nhập cư châu Á đã góp phần xây dựng nước Mỹ, và các thế hệ các chiến binh Mỹ đã cống hiến và hy sinh để giữ cho khu vực này an toàn và tự do. Chúng ta gắn kết bởi sự thịnh vượng chung - bởi quan hệ buôn bán, thương mại -mà phụ thuộc vào đó là hàng triệu công ăn việc làm và các hộ gia đình. Và chúng ta gắn kết bởi người dân của mình - bởi những người Mỹ gốc Á làm phong phú thêm mọi mặt của đời sống Mỹ, và bởi tất cả những người mà cuộc sống của họ gắn bó với nhau, giống với sự gắn bó giữa hai dân tộc chúng ta.

Cuộc đời tôi là một phần của câu chuyện đó. Tôi là một Tổng thống Mỹ, được sinh ra ở Hawaii và lớn lên ở Indonesia. Em gái tôi Maya được sinh ra tại Jakarta, và sau đó kết hôn với một người Canada gốc Trung Quốc. Mẹ tôi đã dành gần một thập niên làm việc tại các ngôi làng ở Đông Nam Á, giúp phụ nữ mua máy khâu hoặc học hành - điều có thể đem lại cho họ một chỗ đứng trong nền kinh tế thế giới. Chính vì vậy, Vành đai Thái Bình Dương đã giúp tôi hình thành thế giới quan của mình.

Kể từ đó, có lẽ không có khu vực nào lại thay đổi nhanh chóng và sâu sắc như thế. Các nền kinh tế bị kiểm soát đã nhường chỗ cho các thị trường mở. Các chế độ độc tài đã trở thành các nền dân chủ. Chất lượng cuộc sống tăng lên trong khi đói nghèo đã giảm đi đáng kể. Và qua tất cả những thay đổi này, vận mệnh của Mỹ và châu Á Thái Bình Dương đã trở nên gắn bó chặt chẽ hơn bao giờ hết.

Vì vậy, tôi muốn tất cả mọi người, tôi muốn người dân Mỹ biết rằng chúng ta có lợi ích trong tương lai ở khu vực này, bởi vì những gì xảy ra ở đây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của chúng ta ở trong nước. Đây là nơi chúng ta có nhiều quan hệ thương mại và mua nhiều hàng hóa. Và đây là nơi mà chúng ta có thể xuất khẩu thêm các sản phẩm của mình, từ đó tạo thêm công ăn việc làm trong nước. Đây là nơi nguy cơ chạy đua vũ khí hạt nhân đe dọa an ninh của thế giới trên phạm vi rộng lớn hơn, và là nơi những kẻ cực đoan âm mưu tổ chức các cuộc tấn công tôn giáo lớn trên cả hai lục địa của chúng ta. Và không thể tìm ra giải pháp cho an ninh năng lượng và thách thức khí hậu của chúng ta mà không có sự tham gia của các cường quốc mới nổi và các quốc gia đang phát triển ở châu Á Thái Bình Dương.

Để đối phó với những thách thức chung này, nước Mỹ đang tìm cách củng cố các liên minh cũ và xây dựng quan hệ đối tác mới với các quốc gia trong khu vực. Để làm điều đó, chúng tôi trông đợi ở các liên minh được xây dựng dựa trên các hiệp ước giữa Hoa Kỳ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Thái Lan và Philipin - không phải là các văn kiện lịch sử kế thừa từ kỷ nguyên đã qua, mà là những cam kết ràng buộc các bên với nhau vốn là nền tảng cho an ninh chung của chúng ta.

Những liên minh đó vẫn tiếp tục là nền tảng của an ninh và ổn định, nhờ đó các quốc gia và người dân khu vực này có điều kiện theo đuổi những cơ hội và sự thịnh vượng mà không thể có được trong lần đầu tiên tôi đến Nhật Bản khi còn nhỏ. Ngay cả khi quân đội Mỹ tham gia vào hai cuộc chiến tranh trên thế giới, cam kết của chúng tôi đối với an ninh của Nhật Bản và đối với an ninh châu Á là không gì lay chuyển được. Cam kết đó thể hiện ở việc triển khai quân sự trong khu vực, và trên tất cả, thể hiện ở những quân nhân Mỹ, và tôi rất tự hào về họ.

Chúng tôi mong đợi các quốc gia đang trỗi dậy sẵn sàng đóng một vai trò lớn hơn ở cả khu vực châu Á Thái Bình Dương và những khu vực khác trên thế giới; Indonesia và Malaysia là những nước đã thực thi dân chủ, phát triển nền kinh tế, và khai thác được các tiềm năng to lớn của người dân.

Chúng tôi nhìn nhận các cường quốc mới nổi với quan điểm cho rằng, trong thế kỷ 21, an ninh quốc gia và tăng trưởng kinh tế của một quốc gia có được không nhất thiết bằng cách gây phương hại tới quốc gia khác. Tôi biết có rất nhiều người hỏi là Hoa Kỳ nhìn nhận sự nổi lên của Trung Quốc như thế nào. Nhưng như tôi đã nói - trong một thế giới được kết nối với nhau, quyền lực không cần phải là một trò chơi được ăn cả ngã về không, và các quốc gia không nên lo sợ sự thành công của quốc gia khác. Khai thác các phạm vi hợp tác - mà không cạnh tranh phạm vi ảnh hưởng - sẽ đưa tới sự tiến bộ ở châu Á Thái Bình Dương.

Như với bất kỳ quốc gia nào khác, Mỹ sẽ tiếp cận với Trung Quốc với trọng tâm phục vụ lợi ích của Mỹ. Và chính vì lý do này việc đạt được sự hợp tác thực sự với Trung Quốc về các vấn đề hai bên cùng quan tâm là rất quan trọng - vì không có một quốc gia nào có thể đơn độc đối mặt với những thách thức của thế kỷ 21, và Mỹ và Trung Quốc đều sẽ thịnh vượng hơn nếu có thể cùng nhau đối phó. Đó là lý do tại sao chúng tôi hoan nghênh những nỗ lực của Trung Quốc nhằm đóng vai trò quan trọng hơn trên trường quốc tế - một vai trò trong đó tăng trưởng kinh tế của họ gắn chặt với những trách nhiệm ngày càng lớn. Quan hệ đối tác với Trung Quốc đã chứng tỏ là rất quan trọng trong nỗ lực phục hồi kinh tế của chúng tôi. Trung Quốc đã thúc đẩy an ninh và ổn định ở Afghanistan và Pakistan. Và Trung Quốc giờ đây cam kết theo đuổi cơ chế không phổ biến hạt nhân toàn cầu, đồng thời hỗ trợ mục tiêu phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên.

Vì vậy, Mỹ không tìm cách kìm hãm Trung Quốc, và việc phát triển mối quan hệ sâu rộng hơn với Trung Quốc cũng không làm suy yếu các liên minh song phương của chúng ta. Trái lại, sự nổi lên của một Trung Quốc hùng mạnh và thịnh vượng có thể trở thành một nguồn sức mạnh cho cộng đồng các quốc gia.

Và như vậy tại Bắc Kinh và các chặng dừng chân tiếp theo, chúng tôi sẽ tìm cách tăng cường đối thoại về chiến lược và kinh tế, và cải thiện quan hệ giữa quân đội của các bên. Chắc chắn, chúng ta sẽ không nhất trí với nhau về tất cả mọi vấn đề, và Mỹ sẽ không bao giờ chần chừ trong việc cổ vũ cho những giá trị căn bản mà chúng tôi trân trọng - trong đó bao gồm sự tôn trọng đối với tôn giáo và văn hóa của tất cả mọi người - bởi vì ủng hộ các quyền con người và nhân phẩm đã ăn sâu vào nước Mỹ. Nhưng chúng ta có thể tiếp tục các cuộc thảo luận trong tinh thần hợp tác thay vì thù địch.

Ngoài các quan hệ song phương, chúng tôi cũng tin rằng sự tăng trưởng của các tổ chức đa phương có thể tăng cường an ninh và thịnh vượng của khu vực này. Tôi biết rằng Mỹ đã từng không mặn mà với nhiều tổ chức đa phương này vào những năm gần đây. Vì vậy, tôi xin nói rõ: đó đã là quá khứ. Là một quốc gia châu Á Thái Bình Dương, Mỹ hy vọng sẽ được tham gia vào các cuộc thảo luận liên quan tới tương lai của khu vực này, và tham gia đầy đủ trong các tổ chức phù hợp khi chúng được thành lập và phát triển.

Đó là việc mà tôi sẽ bắt đầu trong chuyến đi này. Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương sẽ tiếp tục thúc đẩy thương mại và thịnh vượng của khu vực, và tôi mong được tham gia vào diễn đàn này vào tối nay. ASEAN sẽ vẫn là một chất xúc tác cho cuộc đối thoại Đông Nam Á về hợp tác và an ninh, và tôi mong được trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên gặp mặt tất cả mười nhà lãnh đạo ASEAN. Và Mỹ mong muốn tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á một cách chính thức hơn vì hội nghị này có vai trò trong việc giải quyết những thách thức của thời đại chúng ta.

Chúng tôi mong muốn tham gia sâu hơn và rộng hơn bởi vì chúng tôi biết tương lai chung của chúng ta phụ thuộc vào nó. Và tôi muốn nói một chút về tương lai đó - nó như thế nào, và những gì chúng ta phải làm để nâng cao sự thịnh vượng, an ninh, và các giá trị phổ biến và nguyện vọng của chúng ta.

Trước tiên, chúng ta phải củng cố sự phục hồi kinh tế và theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cân bằng và bền vững.

Hành động nhanh chóng, chưa từng có và phối hợp của quốc gia châu Á Thái Bình Dương và các quốc gia khác đã ngăn chặn thảm họa kinh tế, và giúp thế giới dần bước ra khỏi cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thế hệ qua. Đồng thời, chúng ta đã có bước đi mang tính lịch sử trong việc cải cách cấu trúc kinh tế quốc tế, vì vậy mà nhóm G20 giờ đây là diễn đàn dẫn đầu cho sự hợp tác kinh tế quốc tế.

Bước chuyển dịch sang nhóm G20, cùng với việc các quốc gia châu Á có tiếng nói nhiều hơn trong các tổ chức tài chính quốc tế thể hiện rõ sự gắn kết sâu và rộng hơn mà Mỹ mong muốn có được trong thế kỷ 21. Và với vai trò một thành viên chủ chốt của nhóm G8, Nhật Bản đã và sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng và chủ đạo trong việc định hình tương lai cấu trúc tài chính quốc tế.

Giờ đây, khi đã bước vào thời kỳ phục hồi kinh tế, chúng ta còn cần đảm bảo sự phục hồi ấy bền vững. Chúng ta không thể trở lại các chu kỳ tăng trưởng quá nóng và quá lạnh, dẫn đến một cuộc suy thoái toàn cầu. Chúng ta không thể làm theo các chính sách tương tự đã dẫn đến sự tăng trưởng mất cân bằng như vậy. Một trong những bài học quan trọng mà cuộc suy thoái này đã dạy chúng ta là những hạn chế do lệ thuộc vào người tiêu dùng Mỹ và sự xuất khẩu của châu Á để phát triển kinh tế - bởi vì khi người Mỹ thấy gánh nặng nợ của họ lớn hoặc thấy mất việc làm, nhu cầu tiêu dùng hàng châu Á sẽ giảm đi nhanh chóng. Khi nhu cầu giảm mạnh, xuất khẩu từ khu vực này sa sút nghiêm trọng. Vì nền kinh tế của khu vực này phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu nên chúng sẽ không tăng trưởng. Và suy thoái kinh tế toàn cầu lại thêm trầm trọng.

Hiện nay chúng ta đang ở một trong những cột mốc hiếm có trong lịch sử, tại đây chúng ta có cơ hội để chọn một lối đi khác. Và điều đó hẳn được bắt đầu bằng cam kết của nhóm G20 đưa ra tại Pittsburgh trong nỗ lực theo đuổi chiến lược mới cho tăng trưởng kinh tế cân bằng.

Tôi sẽ nói thêm về điều này ở Singapore, nhưng tại Mỹ, chiến lược mới đồng nghĩa với việc tăng tiết kiệm và giảm chi tiêu, cải cách hệ thống tài chính của chúng tôi và giảm thâm hụt và nợ vay kéo dài. Chiến lược mới đồng nghĩa với việc chú trọng hơn vào xuất khẩu mà nhờ đó chúng tôi có thể gây dựng, sản xuất, và bán hàng trên khắp thế giới. Đối với Mỹ, đây là một chiến lược tạo công ăn việc làm. Vào thời điểm hiện tại, xuất khẩu hỗ trợ tạo hàng triệu công ăn việc làm có thu nhập khá cho người Mỹ. Chỉ một lượng tăng nhỏ trong sản lượng xuất khẩu sẽ có tiềm năng tạo ra hàng triệu việc làm nữa. Đó là những công việc làm ra của cải từ các tua bin gió và tấm pin mặt trời đến những công nghệ quý vị sử dụng hàng ngày.

Đối với châu Á, thiết lập sự cân bằng tốt hơn này sẽ đem đến cơ hội cho người lao động và người tiêu dùng tận hưởng tiêu chuẩn sống cao hơn từ sự tăng năng suất đáng kể của họ. Điều này sẽ cho phép tăng đầu tư vào khu vực nhà ở, cơ sở hạ tầng, và dịch vụ. Và một nền kinh tế toàn cầu cân đối hơn sẽ dẫn đến sự thịnh vượng ở tầm cao hơn và sâu hơn.

Trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã là trong những thị trường mở nhất trên thế giới, và sự cởi mở đã giúp thúc đẩy sự thành công của rất nhiều nước trong khu vực này và những nước khác trong thế kỷ qua. Trong thời đại mới, mở cửa các thị trường khác trên toàn thế giới có tầm quan trọng không chỉ đối với sự thịnh vượng của Mỹ, mà còn của cả thế giới.

Một phần của chiến lược mới này là việc hướng tới thỏa thuận Doha mang tính tham vọng và cân bằng - không gì ngoài một thỏa thuận sẽ mở cửa các thị trường và tăng xuất khẩu trên quy mô toàn cầu. Chúng tôi đã sẵn sàng để làm việc với các đối tác châu Á để xem liệu chúng ta có thể đạt được mục tiêu đúng hạn - và chúng tôi mời các đối tác thương mại khu vực cùng tham gia thảo luận.

Chúng tôi cũng tin rằng việc tiếp tục hội nhập của các nền kinh tế trong khu vực này sẽ mang đến lợi ích cho người lao động, người tiêu dùng, và các doanh nghiệp trong tất cả các quốc gia chúng ta. Cùng với những người bạn Hàn Quốc, chúng ta sẽ giải quyết các vấn đề cần thiết để tiến đến hiệp định thương mại với họ. Mỹ cũng sẽ cùng tham gia với các quốc gia thành viên Hiệp định Đối tác Liên Thái Bình Dương với mục tiêu gây dựng một hiệp định khu vực cho phép nhiều nước trở thành thành viên và có tầm cao xứng đáng là một hiệp định thương mại của thế kỷ 21.

Làm việc trong quan hệ đối tác là cách chúng ta có thể duy trì sự phục hồi này và tăng cường sự thịnh vượng chung của chúng ta. Nhưng theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cân bằng thôi là chưa đủ. Chúng ta cũng cần sự tăng trưởng bền vững - cho hành tinh của chúng ta và các thế hệ tương lai sinh sống ở hành tinh này.

Trong mười tháng qua, Mỹ đã tiến thêm nhiều bước trong cuộc chiến biến đổi khí hậu hơn so với các động thái trước đây trong lịch sử - bằng việc áp dụng các thành tựu khoa học tiến bộ nhất, đầu tư vào nguồn năng lượng mới, nâng cao các tiêu chuẩn hiệu suất, xây dựng các quan hệ đối tác mới, và tham gia vào các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu quốc tế. Nhìn chung, nước Mỹ biết những việc cần làm còn nhiều nữa, nhưng chúng tôi đang làm đúng trách nhiệm của mình, và sẽ tiếp tục đi theo con đường đó.

Điều đó bao gồm cả việc phấn đấu đạt được thành công tại Copenhagen. Tôi không nuôi ảo tưởng rằng điều này sẽ dễ dàng, nhưng hình dung con đường phía trước đã rõ ràng. Tất cả các quốc gia phải nhìn nhận trách nhiệm của họ. Những quốc gia - như nước tôi - từng là những nước có lượng khí thải nhiều nhất phải có mục tiêu cắt giảm rõ ràng. Các nước đang phát triển sẽ cần phải có những hành động đáng kể để kiềm chế lượng khí thải của họ, với sự hỗ trợ tài chính và công nghệ. Và việc triển khai hành động ở mỗi quốc gia phải minh bạch và có trách nhiệm.

Mỗi chúng ta phải làm những gì có thể để phát triển nền kinh tế mà không đe dọa đến hành tinh của chính mình - và chúng ta phải làm điều đó cùng nhau. Tin tốt là nếu chúng ta đặt các quy tắc và động cơ phù hợp đúng chỗ, quyền năng sáng tạo của các nhà khoa học, kỹ sư, và doanh nhân tốt nhất của chúng ta sẽ được giải phóng. Điều này sẽ tạo ra các việc làm mới, các doanh nghiệp mới, và cả những ngành công nghiệp mới. Nhật Bản đã là đầu tầu cho vấn đề này. Chúng tôi đang mong muốn trở thành một đối tác quan trọng với các bạn để chúng ta đạt được mục tiêu toàn cầu trọng yếu này.

Tuy vậy, ngay cả khi chúng ta đối đầu với thách thức này của thế kỷ 21, chúng ta cũng phải nhân lên những nỗ lực của mình để đối phó một mối đe dọa đối với an ninh của chúng ta - di chứng của thế kỷ 20 - nguy cơ của vũ khí hạt nhân.

Tại Praha, tôi tái khẳng định cam kết của Mỹ đưa thế giới thoát khỏi sự đe dọa của vũ khí hạt nhân, và đặt ra một chương trình nghị sự toàn diện để theo đuổi mục tiêu này. Tôi rất hài lòng vì Nhật Bản đã chung tay với chúng tôi trong nỗ lực này, vì không có hai quốc gia nào trên Trái đất này biết rõ hơn chúng ta về những gì các vũ khí này có thể gây ra, và cùng nhau, chúng ta phải hướng tới tương lai không vũ khí hạt nhân. Đây là điều cần thiết đối với an ninh chung của chúng ta, và là một thử thách lớn với nhân loại chúng ta. Tương lai của chính chúng ta treo trên cán cân này.

Vì vậy, tôi xin nói rõ: Chừng nào vũ khí hạt nhân còn tồn tại, nước Mỹ sẽ tiếp tục răn đe vũ khí hạt nhân cứng rắn và hiệu quả nhằm đảm bảo phòng vệ cho các đồng minh của chúng tôi - bao gồm cả Hàn Quốc và Nhật Bản.

Nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân leo thang tại khu vực này sẽ làm suy yếu về an ninh và thịnh vượng đang tăng trưởng trong nhiều thập niên. Vì vậy, chúng ta được kêu gọi giữ gìn các điều kiện cơ bản của Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân, với cam kết rằng tất cả các quốc gia có quyền phát triển năng lượng hạt nhân hòa bình; rằng các quốc gia có vũ khí hạt nhân có trách nhiệm đi theo hướng giải trừ vũ khí hạt nhân và những nước chưa có vũ khí hạt nhân có trách nhiệm từ bỏ việc phát triển loại vũ khí này.

Thực chất, Nhật Bản là một ví dụ để thế giới thấy rằng có thể đạt đến sự hòa bình và quyền lực bằng con đường này. Trong nhiều thập kỷ, Nhật Bản đã được hưởng những lợi ích của năng lượng hạt nhân hòa bình, trong khi từ chối phát triển vũ khí hạt nhân - từ đó, gia tăng an ninh của Nhật Bản, và nâng cao vị thế của nước này.

Để thực hiện những trách nhiệm của chúng tôi và triển khai chương trình nghị sự mà tôi đã đặt ra ở Prague, chúng tôi đã thông qua được một nghị quyết đồng thuận của Hội đồng Bảo an LHQ, với sự giúp đỡ của Nhật Bản, liên quan tới vấn đề này. Chúng tôi đang theo đuổi một thỏa thuận mới với Nga nhằm giảm các kho dự trữ hạt nhân của hai nước. Chúng ta sẽ tiến tới phê chuẩn và thi hành Hiệp ước Cấm Thử Vũ khí hạt nhân. Và vào năm tới tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh Hạt nhân, chúng ta thúc đẩy tới mục tiêu đảm bảo an toàn các vật liệu hạt nhân trong vòng bốn năm.

Như tôi từng nói, củng cố cơ chế phi hạt nhân hóa toàn cầu không phải chỉ nhằm tập trung vào bất kỳ quốc gia riêng lẻ nào. Đó là trách nhiệm của tất cả các quốc gia. Trong đó có nước Cộng hòa Hồi giáo Iran. Trong đó bao gồm cả Bắc Triều Tiên.

Trong nhiều thập kỷ, Bắc Triều Tiên đã chọn một con đường đối đầu và khiêu khích, bao gồm cả việc theo đuổi vũ khí hạt nhân. Nên thấy rõ con đường đó dẫn tới đâu. Chúng tôi đã thắt chặt cấm vận Bình Nhưỡng. Tới nay, chúng tôi đã thông qua nghị quyết sâu rộng nhất của Hội đồng Bảo an Liên Hợp nhằm hạn chế những hoạt động sản xuất thử nghiệm vũ khí hủy diệt hàng loạt của họ. Chúng tôi sẽ không bị những lời đe dọa làm cho sợ hãi, và chúng ta sẽ tiếp tục gửi một thông điệp rõ ràng thông qua các hành động của chúng tôi, và không chỉ bằng lời: Việc Bắc Triều Tiên từ chối thực hiện nghĩa vụ quốc tế của mình chỉ làm giảm chứ không làm tăng an ninh của quốc gia này.

Tuy nhiên vẫn có một con đường khác để đi. Thông qua phối hợp cùng với các đối tác của chúng tôi - với sự hỗ trợ từ hoạt động ngoại giao trực tiếp - Hoa Kỳ sẵn sàng giúp Bắc Triều Tiên có được một tương lai khác. Thay vì tình trạng bị cô lập tạo nên áp lực đe dọa khủng khiếp lên người dân của mình, Bắc Triều Tiên có thể có một tương lai của hội nhập quốc tế. Thay vì nghèo đói, Bắc Triều Tiên có thể có một tương lai của cơ hội kinh tế - nơi thương mại, đầu tư và du lịch có thể đem lại cho người dân Bắc Triều Tiên cơ hội có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Và thay vì ngày càng bị mất an ninh, Bắc Triều Tiên có thể có một tương lai mà họ được tôn trọng hơn và an ninh được củng cố hơn. Sự tôn trọng này không thể thu được thông qua giao chiến. Nó chỉ có thể đạt được bởi một quốc gia thực hiện vai trò trong cộng đồng quốc tế bằng cách thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quốc tế của mình.

Con đường để Bắc Triều Tiên hiện thực hóa tương lai này thật rõ ràng: trở lại với các cuộc đàm phán Sáu bên; giữ đúng các cam kết trước đây, bao gồm việc quay trở lại Hiệp ước không phổ biến Vũ Khí hạt nhân; và phi hạt nhân hoá một cách đầy đủ và được kiểm chứng trên bán đảo Triều Tiên. Việc bình thường hóa mối quan hệ với nước láng giềng cũng chỉ có thể đạt được khi các gia đình Nhật Bản thống kê đầy đủ về những người đã bị bắt cóc. Đây là tất cả các bước mà Chính phủ Bắc Triều Tiên có thể thực hiện, nếu họ mong muốn cải thiện cuộc sống của người dân và gia nhập vào cộng đồng các quốc gia.

Và khi chúng tôi thận trọng đối mặt với thách thức này, chúng tôi sẽ sát cánh với tất cả các đối tác châu Á trong cuộc chiến chống lại các nguy cơ xuyên quốc gia của thế kỷ 21: bằng cách trừ tận gốc các phần tử cực đoan lạm sát những người vô tội, và ngăn chặn nạn cướp biển đe dọa tuyến đường biển của chúng ta; bằng cách tăng cường các nỗ lực để ngăn chặn các căn bệnh truyền nhiễm, và làm việc để chấm dứt tình trạng đói nghèo cùng cực trong thời đại của chúng ta và hạn chế việc buôn bán phụ nữ, trẻ em và những người di cư, vĩnh viễn đặt dấu chấm hết đối với nạn nô lệ thời hiện đại. Thật vậy, lĩnh vực cuối cùng mà chúng ta phải hợp tác cùng nhau là giữ vững các quyền cơ bản và nhân phẩm của mọi con người.

Khu vực châu Á Thái Bình Dương giàu đẹp với nhiều nền văn hóa. Nó được đặc trưng bởi các truyền thống độc đáo và lịch sử dân tộc hùng mạnh. Và chúng ta đã liên tục chứng kiến tài năng và nghị lực đáng nể của các dân tộc trong khu vực này trong việc thúc đẩy sự tiến bộ của con người. Tuy nhiên, có một điều rõ ràng là: sự tôn trọng nhân quyền không làm mai một mà còn củng cố các nền văn hoá bản địa và tăng trưởng kinh tế. Ủng hộ nhân quyền mang lại sự an ninh bền vững mà không thể mua bằng bất kỳ cách nào khác - đó là câu chuyện có thể nhìn thấy trong nền dân chủ của Nhật Bản, cũng như trong nền dân chủ của Hoa Kỳ.

Khao khát tự do và nhân phẩm là một phần lịch sử của tất cả các dân tộc. Bởi vì loài người cùng có chung những nguyện vọng nhất định: tự do ngôn luận và chọn các nhà lãnh đạo; quyền tiếp cận thông tin, và tự do tín ngưỡng; tin tưởng vào nền pháp trị, và xét xử công bằng. Những nguyện vọng này không phải là trở ngại mà chính là nền tảng cho sự ổn định. Và chúng tôi sẽ luôn luôn đứng về phía những người theo đuổi những quyền này.

Chân lý đó định hướng cách tiếp cận mới của chúng tôi đối với Miến Điện. Mặc dù với ý định tốt, các biện pháp trừng phạt của Mỹ cũng như sự tham gia của các quốc gia khác trong nhiều năm qua đã không thành công trong việc cải thiện đời sống của người dân Miến Điện. Vì vậy, chúng ta đang trực tiếp làm việc với lãnh đạo của nước này để nói rõ rằng các biện pháp trừng phạt hiện tại sẽ vẫn tiếp tục cho đến khi có những bước cụ thể theo hướng cải cách dân chủ. Chúng tôi ủng hộ một Miến Điện được thống nhất, hòa bình, thịnh vượng và dân chủ. Và nếu Miến Điện chuyển biến theo hướng đó, quốc gia này sẽ có khả năng cải thiện hơn mối quan hệ với Hoa Kỳ.

Có những bước rõ ràng cần được thực hiện - việc trả tự do vô điều kiện tất cả các tù nhân chính trị, bao gồm cả bà Aung San Suu Kyi; chấm dứt cuộc xung đột với các nhóm thiểu số; và một cuộc đối thoại thực sự giữa chính phủ, phe đối lập dân chủ và các nhóm thiểu số với tầm nhìn chung hướng về tương lai. Đó là cách chính phủ Miến Điện có thể đáp ứng những nhu cầu của người dân. Đó là con đường sẽ mang lại cho Miến Điện an ninh và thịnh vượng thật sự.

Đây là các bước mà Hoa Kỳ sẽ tiến hành để tăng cường sự thịnh vượng, an ninh, và nhân phẩm con người tại châu Á Thái Bình Dương. Chúng tôi sẽ làm như vậy thông qua tình bạn gần gũi của chúng tôi với Nhật Bản - đó sẽ luôn là trung tâm của những nỗ lực của Mỹ trong khu vực. Chúng tôi cũng sẽ làm điều đó với vai trò một đối tác - thông qua sự tham gia rộng hơn mà tôi đã trao đổi hôm nay. Chúng tôi sẽ làm như vậy với vai trò một quốc gia Thái Bình Dương - với một vị Tổng thống đã trưởng thành một phần từ chính khu vực này. Và chúng ta sẽ làm như vậy với cùng một mục đích đã dẫn dắt các mối quan hệ của chúng tôi với người dân Nhật Bản trong gần năm mươi năm qua.

Câu chuyện về những mối quan hệ này được thiết lập như thế nào nhắc người ta nhớ về khoảng giữa của thế kỷ trước, sau khi Thái Bình Dương đã im tiếng súng của chiến tranh. Đó là lúc cam kết của Hoa Kỳ đối với an ninh và ổn định của Nhật Bản, cùng với sự kiên cường và tinh thần lao động cần cù của nhân dân Nhật Bản, đã đưa đến cái gọi là “sự thần kỳ Nhật Bản” - một thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn và mạnh mẽ hơn bất cứ điều gì thế giới đã từng chứng kiến.

Trong một vài năm và thập kỷ sau đó, sự thần kỳ này đã lan tỏa khắp khu vực, và chỉ trong một thế hệ, cuộc sống và tài sản của hàng triệu người đã vĩnh viễn khấm khá hơn. Đó là sự tiến bộ được hỗ trợ bởi hòa bình không dễ dàng có được, và được củng cố bởi những chiếc cầu mới của sự hiểu biết lẫn nhau đã ràng buộc các quốc gia với nhau trên khu vực trải dài và rộng lớn này.

Nhưng chúng ta biết rằng còn việc cần phải làm - để các đột phá mới trong khoa học và công nghệ giúp có thể tạo ra việc làm ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương, và gìn giữ an ninh cho một hành tinh đang ấm dần lên; để chúng ta có thể chống lại sự phổ biến những vũ khí giết người, và - trên một bán đảo bị chia cắt - những người của miền Nam có thể được giải thoát khỏi nỗi sợ hãi, trong khi những người ở miền Bắc có thể sống tự do theo ý muốn của mình; để một cô gái trẻ được đánh giá không phải bởi cơ thể mà ở trí tuệ của mình; và để thanh niên trên khắp mọi nơi có thể đi đến tận nơi nào mà tài năng, nghị lực và những lựa chọn của họ dẫn dắt.

Không điều nào trong số những mục tiêu trên có thể đạt được dễ dàng, mà không gặp phải trở ngại hoặc tranh đấu. Nhưng tại thời điểm đổi mới này - trong mảnh đất của những sự thần kỳ này - lịch sử nói với chúng ta rằng điều đó là có thể. Đó chính là chương trình hành động của nước Mỹ. Đó chính là mục đích quan hệ đối tác của chúng tôi - với Nhật Bản, cũng như với các quốc gia và dân tộc khác trong khu vực này. Và không có gì phải nghi ngờ: với cương vị là Tổng thống Mỹ gốc Thái Bình Dương đầu tiên, tôi hứa với quý vị rằng quốc gia Thái Bình Dương này sẽ tăng cường và duy trì vai trò lãnh đạo của mình ở khu vực hết sức quan trọng này của thế giới.

Trân trọng cảm ơn.

 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:
Bản dịch: