Dư luận các báo Bắc Kỳ đối với việc thay đổi tại triều đình Huế

Dư luận các báo Bắc Kỳ đối với việc thay đổi tại triều đình Huế  (1933) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Thực nghiệp dân báo, Hà Nội, số 43 (11. 5. 1933), trang 1

Về việc thay đổi tại triều đình Huế, các báo Tây, Nam ở Bắc Kỳ đều có ngỏ ý kiến, hầu hết tán thành. Nhưng ý kiến của mỗi báo có khác nhau. Dân báo xin dịch hoặc trích ra đây mấy đoạn chính để các bạn đọc tiện suy xét ‒ DÂN BÁO

Trích dịch báo France-Indochina ra ngày 7 Mai 1933:

Cuộc phản động phát ra ở sự thay đổi này sẽ như thế nào? Ngay bây giờ khó có thể đoán trước.

Vẫn biết, sự quyết định của nhà vua tất nhiên sẽ đụng đến phái Việt Nam già, phái nhà nho bám chặt lấy các cổ tục, nhưng trái lại, sẽ làm cho vừa lòng phái thanh niên mà bao nhiêu hy vọng đều quay về đức Bảo Đại, trẻ và mới, hiểu việc và có mực thước. Ngài muốn cho dân nước Ngài vẫn giữ những điều hay của cổ nhân mà không đến nỗi phải bo bo ôm lấy những cái quan niệm không thích hợp với sự cần thiết hiện thời, ở giữa một thế giới mới.

Trích Ngọ báo ra ngày 7 Mai:

Tất cả dân trong nước, xin đứng xa mà vái đức Kim Thượng.

Thực là ngài đã trông rõ mọi cái hủ lậu, cái tham tàng nó tản mác, lẩn lút khắp trong nước.

Đức Kim Thượng là một vị tân thức, năm cột trụ của triều đình Ngài lại cũng là ở phái quan trường tân tiến, thì ta lo gì Triều đình chẳng vững vàng.

Năm cột trụ mới thay vào năm cột trụ cũ, con mắt người ngoài vẫn nhìn thấy cái Lâu đài An Nam nó có cái vẻ “mới” ra.[1]

THA SƠN

   




Chú thích

  1. Bài này đăng cùng số với bài Phan Khôi thanh minh với công chúng về việc “Văn học tạp chí” đăng lại một bài cũ của ông mà không hỏi ý kiến ông. Bút danh Tha Sơn đã từng được Phan Khôi dùng vào năm 1930 trên tờ Trung lập ở Sài Gòn; vì vậy Lại Nguyên Ân cho rằng Phan Khôi dùng bút danh này cho bài lược dịch dư luận kể trên. "Năm cột trụ mới thay vào năm cột trụ cũ" nói ở đây chỉ việc triều đình Huế bãi chức 5 Thượng thư cũ, thay vào đó 5 Thượng thư mới, sự kiện được coi là dấu hiệu cải cách.