Cung chúc tân niên: Chúng ta bước qua năm Bính Tý hay là năm 1936

Cung chúc tân niên: Chúng ta bước qua năm Bính Tý hay là năm 1936  (1936) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Tràng an, Huế, số 93 (21 Janvier 1936), trang 1.

Năm nay, năm mới của dương lịch với năm mới của âm lịch trước sau cách nhau chỉ hơn hai mươi ngày. Đương còn trong tháng giêng tây thì cũng đã gặp ngày nêu cao pháo nổ. Hai cái năm mới kề sát nhau như vậy là sự hằng năm ít có. Bởi đó, trước đây gặp ngày nguyên đán dương lịch, bản báo không để lời cung chúc, mà đợi đến hôm nay gần ngày nguyên đán âm lịch mới để lời chúc luôn thể một lần.

Ở xã hội ta, đương lúc cũ mới giao nhau, lắm việc, chính người làm ra cũng tự biết là mâu thuẫn mà vẫn cứ làm. Đại để như nhà báo chúng tôi, đề ngày trên tờ báo thì theo ngày tây mà chúc Tết lại theo Tết An-nam.

Nhiều bạn đồng nghiệp đến Tết này có ra số đặc biệt, hình như coi cái Tết nguyên đán của ta là sự trọng thể lắm, nhưng các bạn ấy, trên tờ báo của mình, cũng đề ngày theo dương lịch, và các ông chủ bút, trợ bút cũng lãnh lương tháng theo dương lịch. Thế ra mọi sự thực hành thì đều theo dương lịch; còn âm lịch vẫn không bỏ nhưng chỉ để cho nó một cái địa vị “thanh nhàn”.

Nói đến đây, chúng tôi thấy ra những cái gì gọi là quốc hồn quốc túy ở nước ta đều ở vào cái địa vị mong manh như cái địa vị của âm lịch cả. Nghĩa là để cho còn đó mà chơi, chớ bỏ đi cũng không ai tiếc, vì chính mình những cái ấy đều đã trở nên vô dụng.

Nói dông dài mãi, suýt lại quên bẵng việc mình định làm là việc cung chúc tân niên.

Hôm nay chúng ta sửa soạn bước qua năm Bính Tý. Và năm Bính Tý ấy cũng có thể gọi là năm 1936, vì hai cái năm ấy cách nhau sau trước chẳng mấy ngày.

Trước khi bước qua năm mới, chúng ta há có lẽ vô tình mà không nhắc lại năm cũ.

Năm cũ là năm Ất Hợi, nó đã làm cho chúng ta hồi hộp sợ hãi biết bao lần, nhất là vào khoảng ba tháng cuối năm.

Trong dạo ấy, vì việc xung đột giữa Ý – Á[1] mà Anh với Ý gây nên cuộc bất hòa với nhau, suýt nữa chém giết nhau ở miền Địa Trung Hải. Còn ở phương Đông này, Nhật với Tàu vì vấn đề Hoa Bắc cũng sắp sửa gấu ó cùng nhau; và Nga với Nhật cũng đương mài nanh dũa vút toan ăn thịt nhau nữa. May làm sao những trận binh đao ấy đều không xảy ra trong năm Ất Hợi. Bắt đầu từ tháng mười tây giở đi, chỉ có hai nước Ý – Á đâm chém nhau bên xứ Đông Phi mù tịt, là xứ mà về lịch sử và về địa lý đều không có quan hệ gì với chúng ta cả, cho nên cũng không có ảnh hưởng đến chúng ta.

Những trận binh đao ở Địa Trung Hải và Á Đông đã không xảy ra trong năm Ất Hợi thì chúng ta nên mừng cho năm ấy. Nhưng còn sang năm nay, liệu nó có khỏi xảy ra chăng?

Nếu chúc cái gì được cái ấy cũng như câu chuyện đời xưa nói lão kia có cuốn sách ước, ước cái gì được cái ấy, thì chúng tôi cũng muốn chúc cho những trận chiến tranh lớn hoặc ở Âu hoặc ở Á sẽ không xảy ra trong năm nay.

Đối với thời cuộc, xã hội An Nam ta có hai hạng người mà kiến giải của họ cũng tùy địa vị mà khác. Hạng người có địa vị vững bền, giàu sang sung sướng, thì mong cho thế giới hòa bình để họ được hưởng sự yên vui. Còn hạng người không có địa vị, trên không chằng dưới không cột, ăn bữa mai lo bữa chiều, thì họ lại trông cho có loạn, có sự xáo trộn ngửa nghiêng để họ thừa dịp họa may “thằng hóa ra ông” cho tiện. Cái tâm lý ấy, bên nào chúng tôi cũng nhận cho là chánh đáng, nhưng chúng tôi thì lại chẳng thuộc về bên nào cả.

Ưa hòa bình, không thích chiến tranh, cái ý kiến chúng tôi phát biểu ra trên kia chỉ là chiều theo cái khuynh hướng tự nhiên của nhân loại. Mọi sanh vật nào cũng muốn sống thì chúng tôi cũng muốn cho loài người đừng giết hại lẫn nhau để mà sống. Muốn như thế mà còn chưa biết có được không, sự ấy còn phải đợi trả lời ở tương lai.

Riêng về trong nước ta hay là trong cõi Đông Pháp của nước Pháp thì năm vừa rồi được bình an vô sự, cũng là một điều đáng mừng. Kinh tế khủng hoảng tuy chưa dứt nhưng ở Nam Kỳ đã có cơ bắt đầu hồi phục cái quang cảnh cũ. Ai nấy đều mong sang năm 1936 này là năm bĩ cực thái lai.

Ở Trung Kỳ, vào khoảng cuối năm mới này duy có hai người có sự mừng hơn hết là đức Kim thượng và Nam Phương hoàng hậu, vì hai ngài mới sinh được hoàng nam.[2] Thần dân nước Nam cũng nhân việc ấy mà có một sự mừng đã lâu nay chưa hề có. Cuối tháng giêng năm Bính Tý ở Kinh đô đây sẽ cử hành lễ khánh hạ ấy cách trọng thể. Bấy giờ người ta sẽ thấy sự cổ võ hoan hân của dân chúng.

Kỳ dư muôn việc đều như thường cả.

Có lẽ đến tháng năm tây tới đây ở triều đình Huế sẽ có cuộc cải cách khác. Nhưng cải cách nhiều lần lắm rồi sự cải cách cũng bị coi như thường. Vậy sự đó dù cho có chăng nữa, cũng lại như thường, như thường.  

TRÀNG AN

   




Chú thích

  1. Ở chỗ này: Ý là trỏ nước Italia; Á là trỏ nước Abyssinia, tức Ethiopie, quốc gia ở miền đông châu Phi.
  2. Ở đây nhắc tới sự việc Hoàng hậu Nam Phương sinh hoàng tử Nguyễn Phúc Bảo Long vào ngày 04/01/1936.