Con hàu với những kẻ kiện cáo

     Ngày kia hai lão thầy chùa,
Gặp hàu trên cát, sóng đùa đem vô.
     Tay đều chỉ, miệng đều hô;
Ấy nên sanh sự tăng đồ tranh ăn.
     Người cúi lượm, kẻ cản ngăn,
Rằng: “Ăn cho biết phải chăng rạch ròi[1].
     Thấy trước ăn, thấy sau coi.
Đáp rằng: Xử thế mắt tôi tỏ tường.
     Rằng: đây mắt cũng rõ bường[2].
Lại thêm thấy trước tợ dường ai xui.
     Đấy thấy trước, đây đánh mùi.”
Đang khi cãi lẫy thầy giùi[3] đến coi.
     Bèn xin chú nghĩ[4] xét soi,
Chú bèn móc ruột ăn rồi mới phân:
     “Một người một vỏ đồng cân,
Tha tiền câu lễ[5] yên thân đi về.”
     Vắn dài tiếng tục lời quê,
Kẻ khen cũng chướng, người chê mới kì!

   




Chú thích

  1. Rạch ròi: Cặn kẻ. Huình Tịnh Của giải thích là rẽ ròi, rõ ràng, tường tất, phân minh. Rạch ròi kẻ tóc chân tơ.
  2. Bường: bằng, từ chữ Hán bình mà ra. Sách báo Miền Nam còn viết "…ngợi cảnh thái bường."
  3. Thầy giùi: tiếng gọi kẻ mưu sự quấy, xui giục làm cho người ta kiện cáo nhau.
  4. Chú nghĩ: anh chàng.
  5. Tiền câu lễ: người coi về chuyện kiện cáo nho nhỏ trong làng trước khi chuyện được chuyển đến cấp cao hơn. Tiền câu lễ là tiền phải nộp cho câu lễ mỗi khi có chuyện phân xử. Để ý bài nầy về sau các ông Đỗ Thận, Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim trong quyển Quốc Văn Giáo Khoa Thư đã tế nhị hơn viết truyện Quả Bứa đổi nhân vật thành hai người học trò tranh nhau quả bứa.