Con én kia trong mấy chuyến đi đàng, thấy biết được nhiều chuyện, đa văn quảng kiến. Ai thấy đặng nhiều nhớ cũng đặng nhiều. Con én nầy hễ có dông gió một chút thì nó đà biết trước; cho kẻ đi biển hay trước khi có vọi dông tố. Tới mùa gieo hột gai, nó thấy người rẫy bái vãi giống xuống mấy chỗ đàng cày thì nói cùng các con chim con rằng: “Qua không đành lòng, bắt thương xót bây; vì chỗ qua, trong lúc bấn bíu, qua lánh mình đi xa hay là ở trong xó hóc nào đó cũng xong. Bây thấy cái tay nó đi vãi hột đó chăng? Có ngày, cũng chẳng lâu chi đây, cái nó vãi sẽ hại bây. Khi ấy có lưới rập lùa đuổi bao bắt bây: coi kẻo mà mắc vô lồng vô nồi! Én lại rằng: ấy nên hãy ăn lấy hột đấy, và hãy tin lời qua.” Chim con nhạo cười con én: vì nó thấy đồ ăn vật uống đầy dãy nơi đồng ruộng. Khi ruộng gai trổ đều, én nói cùng chim con rằng: “Hãy lượm lặt giống đã mọc lên đó, bằng không ắt phải vong thân. — Chim con đáp rằng: làm đâu mình là thành tiên tri biết việc tai họa! Khéo gõ mỏ! Khéo làm tài khôn! Ngàn người lượm biết hết sở nầy không.” Khi ruộng gai mọc đều, chim én lại nói: “Cái nầy không khá, hột xấu thường ra sớm. Mà không ai tin tôi, chừng bây thấy cây cối mọc đều rồi, tay làm ruộng rẫy rảnh rang, hết lo lúa mạ, chừng ấy họ mới lùa đuổi chim chóc; khi bẫy lưới giăng bắt chim con, khi ấy chớ bay bậy bạ, phải ở riết trong ổ hay là phải đổi chỗ phong khí khác; bắt chước con vịt, con cò, con mỏ nhát, mà đều bây có đi qua được như ta, những nơi đồng khô cỏ cháy, chỗ nước nôi ướt át vậy đâu, cũng không đi kiếm xứ khác mà ở như ta vậy đặng: ấy nên bây có một phương nầy là chắc mà thôi, là cứ ở miết trong mấy lỗ vách nào đó.” Chim con hết muốn nghe, kêu ré rầy rà om sòm như dân Troyens nó la thuở công chúa Cassandre, mới có mở miệng ra mà nói việc tai họa sẽ đến hại dân ấy. Khi làm tai, con nào cũng bị như con nấy: biết là bao nhiêu chim con phải bị chúng bắt.

Ta cứ chìu theo lòng tư dục mà thôi, khi phải tai rồi thì mới tin mới nghe lời kẻ từng trải dặn dò.