Cho được xứng cái tên nó: Bộ xã dân kinh tế sẽ làm gì?

Cho được xứng cái tên nó: Bộ xã dân kinh tế sẽ làm gì?  (1935) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Tràng An, Huế, số 6 (19 Mars 1935), trang 1.

Đương vào hồi kinh tế khủng hoảng này mà lại lập thêm ra một bộ,[1] ta có thể cho là một việc bất kinh tế.

Tuy vậy, đương vào hồi kinh tế khủng hoảng này mà lại lập thêm ra một bộ, bộ ấy lại chính là bộ Kinh tế, lo về việc kinh tế, thì ta cũng có thể cho là một việc thích thời.

Một việc, nếu là bất kinh tế, là tại việc ấy làm ra mà chẳng có được sự lợi ích thiết thực gì về sau. Cùng một việc ấy, nếu là thích thời, là tại nó sẽ làm ra một cách đúng đắn, xứng đáng và có kết quả tốt.

Phê bình sự sáng lập này, có kẻ bảo: Triều đình chả cần có bộ Kinh tế cho lắm, có điều tại bề trên muốn trọng thưởng cho một người có công lớn là ông Nguyễn Khoa Kỳ, muốn cất ông ấy lên ngôi cao mà mới lập ra bộ kinh tế đó thôi.

Dân tộc Việt Nam là dân tộc lấy sách Xuân Thu làm cơm bữa, phụng thờ cái chủ nghĩa “tru ý” của đức Thánh nhân: Ngày trước bề trên bắt tội kẻ dưới, đã dùng chữ “muốn”; ngày nay kẻ dưới phê bình việc làm của người trên, cũng dùng chữ “muốn”.

Kìa ông, người ta muốn thì ông làm sao biết được?

Chúng tôi là nhà ngôn luận. Cái thiên chức của chúng tôi buộc chúng tôi không được nói những lời vu vơ, không có chứng cứ; mà cũng không được tự nghĩ rằng “biết để bụng” nữa. Thấy việc thì chúng tôi chỉ nên bàn việc.

Sổ dự toán thiếu hụt, nhân dân đảm phụ đã nặng rồi còn đặt thêm quan lại nữa, thật là một sự đáng lo. Một bộ, nào có phải một quan Thượng mà thôi, còn những quan Tham, qua Tri, rồi đến Lang, Viên, Thừa phái nữa, cũng phải mươi, mười lăm người là ít. Thế thì phải nghĩ bộ Kinh tế sẽ làm cái gì cho có lợi đủ cấp phần niên bổng của mình.

Một người có chức vụ cho chúng tôi biết rằng mới ban đầu, Triều đình cũng tiện tặn lắm, từ Tham tri trở xuống phần nhiều lấy quan bộ khác kiêm sang chứ không đặt chuyên viên. Ông ấy nói thế rồi nói như có ý khen mà rằng: “Bộ Kinh tế mới bắt tay làm việc thứ nhất đã thấy có cái ý nghĩa kinh tế!”

Nếu đáng khen thật chăng nữa, đó chỉ mới là cái hay của bộ Kinh tế về mặt tiêu cực; chúng tôi trông mong cho bộ ấy là về mặt tích cực kia. 

Theo Dụ số 15 ngày 11 Mars, Dụ lập ra bộ Kinh tế có nói: “Trẫm thấy thôn dân chăm chỉ làm ăn, thật là đáng thương, nên cứ trù nghĩ thế nào mà mở mang sanh kế cho dân, giúp cho dân trong lúc cần thiết, cứu tế cho dân khi bị tai biến; nói tóm lại là làm thế nào cho sanh kế của dân càng ngày càng dư đủ, cho được thêm bề lạc nghiệp an cư”.

Đọc đoạn ấy đủ thấy vì lẽ gì mà Triều đình lập ra bộ Kinh tế. Thật, cứ như lời Dụ, chẳng còn có lẽ gì khác hơn là lẽ vì dân.

Cũng trong lời Dụ, về chức chưởng của bộ Kinh tế đợi Hội đồng Thượng thư thương với quan Khâm rồi sẽ định sau, nhưng đại khái thì cái chức chưởng ấy cũng đã định qua trong đó, tức là: “Bộ mới ấy chuyên coi về việc kinh tế của xã dân, việc cứu tế trong xã hội và công nghệ của dân gian”.

Vậy nếu bộ Kinh tế mà làm hết được cái bổn phận cho xứng với sự kỳ vọng như trong lời Dụ đây, thì thật là có ích cho dân sự lắm, lúc bấy giờ còn ai dám bảo một cái ngôi cao chỉ vì một người mà đặt?

Cái hàm nghĩa của chữ kinh tế rộng lắm. Lấy cái hàm nghĩa của nó đem chiếu với cái quyền hạn của một vị đại thần Nam triều, đành rằng không có thể phù hợp được: ấy là như những việc thuộc về kim dung,[2] về khoáng sản, về quốc tế mậu dịch… mà quan Thượng thư bộ Kinh tế sẽ không biết đến. Tuy vậy, cũng không phải để ngoại những việc ấy ra thì bộ Kinh tế không có việc làm.

Kinh-tế-bộ mà còn thêm hai chữ “xã dân” nữa, đó chẳng khác chỉ định cái quyền hạn và cái chức trách của bộ ấy.

Đừng chi lắm, bộ Kinh tế nếu chỉ làm được một điều trong lời Dụ, chăm chỉ về “công nghệ của dân gian” mà khiến cho phát đạt thì cũng đã khá rồi.

Như bài Tiểu công nghệ Trung Kỳ đăng ở Tràng An số 2 vừa rồi, chúng tôi đã vạch ra cái tình hình công nghệ xứ này là đáng chấn loát[3] lắm, nhưng sự chấn loát ấy chúng tôi chỉ biết trông mong vào mấy nhà tư bản mà thôi.

Ngày nay có một bộ mới mà ý chỉ bề trên đã đem sự ấy ủy thác cho và kỳ vọng cho, tức nhiên nhân dân hết thảy đều chú mục vào, chứ chẳng những một mình chúng tôi dời lòng trông mong ở bên này qua bên nọ.

Phàm việc gì cũng phải có cái thực đi trước rồi cái danh mới theo sau. Cho được xứng với cái danh “Kinh tế”, tóm lại một lời, bộ Kinh tế phải có làm gì mới được, phải có những việc sẽ làm ra cho người ta thấy mới được.

Chúng tôi chẳng có khi nào tin rằng hễ một người đã có tài về phương diện này thì cũng có tài về phương diện khác, như quan nguyên Tổng đốc Nghệ đã có tài dẹp giặc thì cũng có tài làm giàu cho nước cho dân. Tuy vậy, một người mà đã được bề trên quyến chú thì trong người ấy chúng tôi cũng để rất nhiều hy vọng.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Tràng An báo số 5 (thứ sáu 15 Mars 1935) đưa tin: Dụ số 15 ngày 11 Mars 1935 đặt ra một bộ mới, tiếng Pháp gọi là Ministère de l’ Économie Rurale, tiếng ta gọi là Xã dân Kinh tế bộ. [ngày nay là bộ kinh tế nông thôn]. Dụ số 16, ngày 11 Mars 1935, ông Nguyễn Khoa Kỳ, hàm chánh nhì, hiện làm tổng đốc An Tịnh, được thăng về làm Thượng thư bộ Xã dân Kinh tế, và sung vào chức đại thần viện Cơ mật.
  2. Kim dung  金 融 : Trạng thái của kim tiền lưu thông trên thị trường nhiều hay ít (situation financière) – Đào Duy Anh (sđd.)
  3. Chấn loát  振 刷 : cổ động cái mới, chải chuốt cái mới (développer, activer) – Đào Duy Anh (sđd.)