Chánh phủ Pháp vẫn trông nom đến cái bao lơn trên Thái Bình Dương

Chánh phủ Pháp vẫn trông nom đến cái bao lơn trên Thái Bình Dương  (1932) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Tập văn mùa xuân, báo Đông tây, Tết Nhâm Thân, Hà Nội, tháng 1.1932, trang 8-9.

Trong mấy năm vừa qua, những việc tỏ ra rằng Chánh phủ Pháp để ý đến xứ ta cứ theo ngày tháng mà thêm lên mãi. Những cuộc tranh luận hùng hồn ở Hạ Nghị viện, ở hội quán các chánh trị phái, cuộc đấu xảo thuộc địa năm 1931, cuộc quan sát của quan Tổng trưởng Reynaud, những quảng cáo cho dân Pháp biết dùng thổ sản Đông Dương. Nhưng công cuộc ấy chưa được hoàn toàn nếu xứ này cứ ở cách biệt chánh phủ trung ương hàng tháng tàu bể.

Thời giờ là vàng bạc. Chánh phủ cũng trọng cái luật kinh tế ấy nên mới phái phi công Codos bay thử từ Pháp sang đây. Cái ý ấy, cũng nên công nhận rằng do ở trí sáng kiến của quan toàn quyền P. Pasquier, khi ngài vụt chốc quả quyết giao mình cho hai phi công Lalouette và Goulette tiện đường đưa về Pháp.

Được lệnh của bộ hàng không, phi công Codos cùng với Robida cất cánh từ nơi thủ phủ Paris xuống trường bay Marignane (Marseille). Rồi 5 giờ sáng ngày 5 Janvier, hai phi công bắt đầu cuộc hành trình "mở đường" ấy. Sáu ngày sau, ngày 11 Janvier, hồi 15 giờ, hai phi công đã hạ máy xuống trường bay Bạch Mai.

Gọi cuộc này là hành trình "mở đường", vì không phải là cuộc bay để giật giải vô địch nào mà chỉ là cuộc bay để thí nghiệm xem dùng máy bay từ Pháp sang đây, từ đây sang Pháp, thế nào là tiện hơn cả. Tiện cho người: không phải gắng hết sức mình, tiện cho động cơ: không phải dùng hết tốc lực, tiện cho máy: không phải chở hết năng lực, tiện cho cả cách đi: không phải gò gẫm theo từng mạch của máy mà hết dầu ở đâu mới đỗ đấy, nhưng được chọn các tỉnh thành lớn mà nghỉ. Vì thế nên trong sáu độ đường của hai phi công: Athènes, Allep, Bassorah, Karachi, Calcutta và Bangkok, có độ chỉ cách nhau có vài giờ bay thôi. Mà đi như thế mất có bảy ngày sáu đêm.

Đường đi trước kia một tháng mà nay rút lại có tuần lễ, cái thời giờ rôi ra được đúng ba phần tư ấy, thật quý, quý vô cùng cho những vị đã nhận một vài phần trọng trách trong việc nhân sinh quốc kế.

Vẫn biết đã có đường hàng không của hãng Air-Orient, song đó là công cuộc kinh doanh tư của một hội buôn, đi về có kỳ hạn, vả lại nửa đoạn sau (từ Bagdad tới Saigon) chính hãng cũng đã công bố rằng các độ đường có thể thay đổi bất thường được. Mà trong cuộc bay của Codos và Robida này, cũng như những cuộc bay giống thế sẽ tổ chức về sau, hãng Air-Orient sẽ là cái cột trụ, mà những nơi đỗ nghỉ của hãng ấy đã trù liệu và xếp đặt sẵn vẫn giúp cho một phần lớn.

Nói rõ hơn thì như khi ta đi ô-tô riêng vào Nam, ở dọc đường, chỗ nào không có hãng ô-tô tư thì cơ sở của hãng ô-tô chở khách Trung Kỳ sẽ là những nơi mà ta có thể trông cậy vào được. Vì vào cuộc bay này thì các cơ sở ấy lại còn tự nhiên giúp đỡ mọi cách, không cần đợi phi công hỏi đến.

Ngoài ra, cuộc này thành công được cũng là nhờ một phần lớn về chiếc máy bay Bréguet 330, mắc động cơ Hispano-Suiza 650 mã lực mà hai phi công đã dùng. Ròng rã bảy ngày giời, ngày đi đêm nghỉ, khi qua luồng cát trên bãi sa mạc, lúc vượt đám mây mù cao ngoài nghìn thước, có khi gặp rét đến quá mười độ (‒ 10 ͦ), lại có lúc mưa như tát vào mặt; trải qua bấy nhiêu nỗi khó khăn mà bộ máy vẫn không hề suy suyển, động cơ vẫn quay đều suốt từ khi cất cánh cho đến lúc tới nơi; duy chỉ khó nhọc cho hai phi công lúc mở máy khi trời rét quá.

Công việc của bộ hàng không đã mười phần hoàn hảo; hồi 6 giờ 40 ngày 21, hai phi công đã cất cánh bay về. Vừa đúng tuần giăng, nhờ ánh sáng chị Hằng, hai phi công bất phân nhật dạ, bay luôn từng mạch, chỉ đỗ ở Calcutta, Karachi, Bassorah và Athènes thôi. Nên mất có 70 giờ 30 phút từ Hà Nội đến Marseille.

Cứ lấy tư cách người dân xứ này, thấy cuộc bay được hoàn hảo, phi công và máy bay đều được bình yên đến nơi đến chốn, ta có thể mong rằng từ nay về sau, cứ hàng năm, hàng vài năm, Chính phủ sẽ phái người sang vừa quan sát tình hình trong xứ, vừa trực tiếp mà nhận lấy bộ mặt thực của dân tình. Mà sau này, nếu trên trường chính trị, kinh tế, còn có cơn sóng gió nào bất kỳ làm nao lòng dân chúng, thì những vị có trách nhiệm sẽ có thể, trong vòng tuần lễ, tới ngay chân việc, tìm phương chấn chỉnh lại. Cái thời gian người bệnh đợi thuốc sẽ rút lại rất ngắn mà kẻ quen quấy rối không còn đâu thời giờ mà giở những thủ đoạn đục nước béo cò nữa. Các nhà thực dân doanh nghiệp sẽ vì đó mà phóng tâm mở mang công việc, không còn nơm nớp sợ những việc bất kỳ xảy ra làm đình trệ cuộc tiến hành của mình trong suốt cái thời kỳ dài ghê, đợi cho được phương thuốc bổ cứu từ bên kia thế giới lại.[1]

K.

   




Chú thích

  1. Trong 2 trang đăng bài này: ở trang 8 có in sơ đồ hành trình chuyến bay này, từ Marseille qua Allep (Thổ Nhĩ Kỳ), Karachi (Ba Tư), Calcutta (Ấn Độ), Bangkok (Xiêm) đến Hà Nội. Ở trang 9 có in ảnh chân dung phi công Codos.
    Cũng xin lưu ý: bài này in ở Hà Nội nên có thể thợ sắp chữ đã đổi một số chữ mà tác giả viết theo giọng trong Nam, ví dụ từ “chánh phủ” có chỗ giữ nguyên, có chỗ sắp là “chính phủ” như giọng Bắc; bản in ở sưu tập này giữ nguyên những chỗ đó.