Chánh phủ Pháp muốn cho Việt kiều ở Lào thành ra dân Lào cả sao?
Thư của quan Toàn quyền và quan Khâm sứ đáp cho hai ông Nghị trưởng Trung và Bắc Kỳ khiến chúng tôi phải ngờ như thế
Cái nghị định 31 Mai của chánh phủ là khốc hại cho người An-nam lắm, chúng tôi nói đến điều này là lần thứ sáu thứ bảy gì rồi. Dai dẳng như thế mà chúng tôi không chịu chán là vì một việc quan hệ rất lớn đến cả một dân tộc chúng ta, không thể bỏ qua.
Coi cái “tin bên Lào” đăng ở Tràng an số vừa rồi ra ngày 31-12-1935 thì biết lòng bất bình của Việt kiều ở Lào đã tỏ ra thực sự: Họ cho sự phục tùng dưới quyền quan Châu mường của Lào là nhục nên ở Luang Prabang không ai chịu ra làm tổng trưởng dù quan Công sứ ở đó khuyên lơn mấy cũng mặc.
Theo tin trước, ở Savannakhet đã đặt tổng trưởng xong, Chính phủ thấy thế hẳn cho là êm chuyện. Nhưng việc này phạm đến cái lòng tự ái của cả một dân tộc, không ai là không phẫn khích: những người An-nam ở Savannakhet dù có vâng phục bề ngoài chăng nữa là trong lòng họ cũng vẫn cứ bất bình như những người An-nam ở Luang Prabang.
Lòng dân như vậy mà Chánh phủ hình như không ngó đến, cứ làm theo ý mình, thật chúng tôi rất lấy làm đáng tiếc.
Thấy dân yếu, đè được thì cứ việc mà đè miết đi chăng? Chúng tôi tưởng các quan thủ hiến người Pháp có đủ từ tâm và công đạo, không đến nỗi thế đâu. Chỉ vì sự lợi bệnh riêng phần chúng ta, không thiết đến địa vị các ngài nên các ngài có thể lửng đi được. Nếu có phải vậy thì chúng tôi kêu ca lâu ngày cũng sẽ động lòng các ngài, khiến các ngài hồi tâm.
Hôm nay có dịp cho chúng tôi nhắc đến sự hai ông nghị trưởng hai Viện Dân biểu Trung và Bắc Kỳ can thiệp đến cái việc chúng tôi đương nói một cách dai dẳng này, để tỏ ra các ông ấy có lòng sốt sắng đối với đồng bào ta ở nơi đất khách.
Ngày 27-9-1935 ông Phạm Huy Lục, nghị trưởng Dân viện Bắc Kỳ có đệ lên quan Toàn quyền một bức thư, nhờ ngài châm chước cái nghị định 31 Mai của chánh phủ Lào, hầu cho Việt kiều ở đó khỏi phải nạp thuế hai nơi: đã nạp ở nước nhà một năm 2$50 rồi còn nạp ở Lào 7$50 nữa. Tuy ông ấy không phản đối ngay cái chánh sách bắt người Nam thần phục dưới trị quyền người Lào, nhưng chỉ đả động nội một sự nạp thuế cũng đủ biểu thị ra rằng cái chánh sách ấy là không ổn thỏa.
Không hẹn nhau mà rập, ngày 28-9-1935 ông Hà Đằng viện trưởng Trung Kỳ cũng có trình bộ Lại một bức thư nhờ thương với quan Khâm sứ châm chước cùng một việc với trên: xin cho dân An-nam sang làm ăn bên Lào mà đã nạp thuế thân ở chánh quán rồi thì đừng nạp thuế thân 7$50 ở ngụ quán nữa.
Ông Hà Đằng còn công kích đến chỗ dân Lào sang xứ ta có việc gì thì thuộc dưới quyền toà án Pháp, còn dân ta sang Lào lại thuộc dưới quyền tòa án Lào: đồng một dân bị bảo hộ mà hình như có kỳ thị bên này, bênh vực bên kia.
Xem điều cốt yếu của hai bức thư đó đủ thấy hai nghị viện Trung và Bắc cũng chung một ý kiến với chúng tôi, với tất cả kiều dân Việt Nam ở đất Lào, với tất cả người Việt Nam ở bản quốc, ai ai cũng đồng một lòng không phục cái nghị định ngày 31 Mai 1935 của chánh phủ Lào bắt người An Nam ở bên ấy phải chịu dưới quyền cai trị của họ.
Bạn đọc có đoán ra được hai vị thượng quan sẽ trả lời cho hai ông nghị trưởng thế nào không?
Bức thư của quan Toàn quyền trả lời cho ông nghị trưởng Phạm Huy Lục ngày 7-10-1935 hơi dài, nhưng không phải là lời lời đều quan hệ cả. Câu quan hệ nhất là câu này: “Về phần người Việt Nam ngụ cư bên Ai Lao phải tự xin xóa tên ở sổ đinh nơi bản quán họ nếu họ cho rằng nộp một lúc cả hai thứ thuế là quá sức đóng góp của họ”.
Lạ thay ý quan Toàn quyền cũng giống với ý quan Khâm sứ Trung Kỳ trong bức thư số 359 ngày 25-11-1935 ngài trả lời cho ông viện trưởng Phạm Văn Quảng: “Những người ở lâu bên Lào muốn khỏi phải trả tiền thuế thân hai lần thì phải xin bỏ thuế ở nguyên quán đi”.
Trong thư hai ông Viện trưởng cốt xin giải quyết thế nào cho những Việt kiều ở Lào khỏi phải nhất đầu lưỡng dịch, sự ấy đã cố nhiên. Nhưng trong khi giải quyết điều ấy, hai ông cũng còn mong sao cho người An-nam ở ngoại quốc khỏi phải mất quốc tịch của mình kia nữa. Thế mà quan Toàn quyền và quan Khâm sứ hình như không nghĩ đến chỗ đó. Các ngài bảo cứ xóa tên ở sổ đinh chánh quán đi là được!
Cái quốc tịch của người Âu châu có dính dấp với nhiều điều kiện, mỗi một lần người nào muốn xóa bỏ quốc tịch phải phí nhiều thủ tục mới xong. Không thể đem sự ấy so sánh với người An-nam chúng tôi. Người An-nam chúng tôi hễ xóa tên trong sổ đinh tức là xóa bỏ quốc tịch.
Một người An-nam ở đất Lào mà không còn có tên tuổi trong sổ đinh chánh quán, không còn nạp thuế ở làng mình nữa, tức nhiên không phải là người An-nam rồi nữa. Trong khi ấy, nếu người ấy lại nạp thuế cho làng Lào, có tên tuổi trong sổ đinh Lào, há chẳng hóa ra người Lào hay sao?
Quan Toàn quyền và quan Khâm sứ trả lời cho hai ông Viện trưởng như thế, có phải là có ý muốn cho dân An-nam ở Lào thành ra dân Lào cả không? Điều ấy chúng tôi không dám nói chắc nhưng vẫn lấy làm ngờ. Một người An-nam đã nạp thuế ở chánh quán 2$50 rồi tất nhiên là không kham nạp ở ngụ quán 7$50 nữa. Mà hễ đã không kham, lại không thể trở về chánh quán mà sống được, thì chỉ có một nước là vứt tổ quốc đi mà làm người ngoại quốc. Như thế, các thượng quan yên tâm được, ngặt chỉ có chúng tôi không thể yên tâm.
Đã đành người An-nam làm dân An-nam hay làm dân Lào, chánh phủ Pháp đều không thiệt hại chi cho mình cả, vì đằng nào chánh phủ cũng không mất số thuế. Nhưng mà các ngài cũng nên nghĩ đến sự thiệt hại của chúng tôi. Vì một sự đi làm ăn kiếm cái sống mà đành bỏ tổ quốc đi, mất quốc tịch đi, người ta còn có lương tâm không ai nỡ như thế.
P. K.