Cổ xúy nguyên âm/Cuốn thứ nhứt/I-4

THƠ CỦA CÁC NHÀ DANH-SĨ (Hiệp thái)

1. — Than đạo học

Đạo học làng ta đã chán rồi,
Mười thầy đi học chín thầy thôi.
Cô hàng bán sách lim-rim ngủ,
Thầy khóa tư lương trập-trỗm ngồi.
Sĩ-khí rụt-rè gà thấy cáo,
Văn-chương liều-lĩnh đấm ăn xôi.
Tôi đâu dám trách làng tôi nhỉ,
Thưa lạy ông Tiên, Thứ chỉ tôi!

2. — Học trò than mình

Kể đã ba mươi mấy tuổi rồi,
Tôi ngồi, tôi nghĩ cái thằng tôi.
Hai khoa hương-thí không đâu cả,
Mấy thước vườn-hoang bán sạch rồi[1]
Gạo cứ lệ thường, mỗi bữa một,
Vợ quen thói cũ, ba năm đôi.
Bắc thang lên hỏi ông trời nhé,
Trêu ghẹo người ta thế nữa thôi?

3. — Gửi cho cô sư

Nhân bước nhàn-du tới cửa triền,
Hỏi người qui-phật độ bao niên?
Tóc tơ sao nỡ hoài đưa kéo?
Má phấn can gì để phụ duyên?
Chín kiếp những toan ngồi bệ ngọc,
Mười đời dễ được ngự tòa sen.
Thôi thì nghĩ lại Châu, Trần đó,
Giả quách cà-sa, nối bút nghiên.

4. — Tặng cô đào Hà-tĩnh

Gặp gỡ nhau đây buổi lạ lùng,
Tì-bà một khúc, một tình trung.
Tiếng vàng thoảng lúc dường ngao-ngán,
Gót ngọc khơi rầy những nhớ-nhung.
Con tạo quấy trêu chi lắm tá!
Chữ tình ran ríu có gì không?
Này lời tơ tóc ghi son sắt,
Nọ dải sông Lam, nọ đỉnh Hồng.

5. — Tuyên-quang quân-thứ tức sự

(Năm Nhâm-tuất Tự-đức, quan Bố-chính Sơn-tây Nguyễn-hữu-Tạo đem quân lên dẹp giặc ở Tuyên-quang ngẫu vịnh)

Mở địa đồ xem suốt tối mai.
Bàn tay như vẽ khúc sông dài.
Miệng ngòi thét ngược đôi cầu Ngựa.
Lưng núi càn ngang nửa dốc Nai.
Mái cọ tuyết dầm trơ lẫn khói,
Bới chông bùn ngậm rễ trồi gai.
Ta đi, nó lại, đi rồi lại.
Lẩn quất ma rừng ấy bởi ai?

6. — Núi Non-nước (Thúy-sơn Ninh-bình)

Trom trỏm bên sông đá một hòn,
Nước trôi, sóng vỗ biết bao mòn.
Phơ dầu đã tự đời Bàn-cổ,
Bia miệng còn đeo tiếng trẻ-con.
Rừng cúc Tiền-triều trơ mốc thếch,
Hòn câu Thái-phó[2] tản rêu tròn.
Trải bao trăng gió xuân già giặn,
Trời dẫu trời già, núi vẫn non.

7. — Tết Trung-thu

Tết này, tục gọi tết chơi trăng.
Có phải hay không, hỡ chị Hằng!
Trên cỗ, ngư-ông ngồi bảnh trọe,
Ngoài đường, sư-tử chạy lung quăng.
Ờ! vui vẻ nhỉ, đàn con nít,
Khéo lẳng lơ chi, lũ gái măng?
Có lẽ người vui, mình chịu tẻ,
Cũng chè chén huếnh, cũng thơ nhăng!

8. — Tết Táo-quân

Cuối tuần tháng chạp, sớm hăm ba,
Ông Táo đầy năm trở lại nhà.
Bới truyện nhơn-gian từ só bếp,
Tâng công thiên-đế vẽ con ma.
Nhật-trình nhờ bước vài con chép,
Tuế-bổng đưa chơn một chách gà.
Năm bảy ngày đường đi lại lại,
Lên trời chưng cũng chẳng bao xa.

9. — Vịnh mai

(Ngụ ý giễu người con gái kén chồng, người làng Hoàng-mai ngụ tỉnh Sơn)

Lên núi mà lay mấy cỗi mai,
Lay cho lối-lả mới khen tài.
Mảnh tình chua-chỏng ghê lòng khách!
Chiếc bóng tròn-xoe lọt rỏ ai?
Trắng rữa mặc dầu tàn-tán-tạn,
Thơm nồng để đến khải-khài-khai.
Vô phúc nhà hoa, hoa chả biết,
May ra đàn hạc đã nên vài.[3]

10. — Cảm hứng

Tạo-hóa xây chi cuộc hí-trường?
Đến nay thấm thoắt mấy thu-sương?
Lối xưa xe ngựa hồn thu-thảo,
Ngõ cũ lâu đài bóng tịch-dương.
Đá vẫn lè gan cùng tuế-nguyệt,
Nước còn xấu mặt với tang-thương.
Giang hà gương đó soi kim-cổ.
Cảnh đấy, người đây luống đoạn-trường.

11. — Ông Nghè tháng tám

Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai,
Cũng gọi ông Nghè, có kém ai?
Mảnh giấy làm nên thân giáp-bảng,
Nét son điểm rõ mặt văn-khôi.
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ?
Cái giá khoa danh ấy mới hời!
Ghế tréo, lọng xanh ngồi bảnh chọe,
Nghĩ rằng đồ thực, hóa đồ chơi!

12. — Đèn chạy quân

Tiến thầm chẳng biết hắn vây ai,
Bốn mặt vây quanh kéo đại dài.
Nút nhạc, ngựa Ô phi nước lớn,
Ngậm tăm, quân mọi kéo hàng hai.
Hẳn rằng chúng nó cùng quên chết.
Nên chả thằng mô chịu tháo lui.
Động địa chừng còn chờ tướng-lịnh,
Cờ chưa dám phất, trống chưa hồi.

13. — Ngũ-thập-ngũ tự thọ

(Thượng-thư Dương Vân-đình)

Năm mươi lăm tuổi hãy mừng ta,
Còn bốn mươi lăm nữa đó mà.
Đội đức hải sơn ngày tháng rộng,
Gẫm mình râu tóc tuyết sương pha.
Cung đàn chị nguyệt dù yêu trẻ,
Chén rượu làng quê vẫn kính già.
Xiêm áo cùng chung nhờ lộc nước.
Được riêng mạnh khỏe, phúc riêng nhà.

14. — Kiếm-hồ

Bóng tháp lô-nhô lớp sóng cồn,
Dịp cầu nho-nhỏ ghếch sườn non.
Nước trong, chưa vẩn tăm thần-kiếm,
Đường rộng, còn trơ dấu pháp-môn.
Kim-cổ treo chung tranh thủy-mặc,
Tang-thương chớp nhoáng bóng hoàng-hôn.
Nghìn thu suy, thịnh gương còn đó,
Coi thử vừng trăng khuyết lại tròn.

15. — Đề nam-âm thi-tập

Ngà ngà chén cúc dựa tây-hiên.
Chợt giở nam-âm đọc mấy thiên.
Vơ vẩn tơ vương hồn Đại-Việt,
Thanh tao thép lột giọng Hàn-Thuyên.[4]
Ngỡ rằng đã chán phường phong-nhã,
Ai biết còn đeo nợ bút nghiên.
Chẳng chữ thì nôm, thôi cũng được.
Ấy hay con tự hãy còn duyên.

16. — Vịnh ba tượng đất trên núi non-bộ

Đất nặn nên người há cỏn-con,
Trí, nhơn[5] vui cả nước cùng non.
Bát-tiên quá-hải năm còn vắng,
Ngũ-lão đăng-sơn cặp nữa tròn.
Mưa gió chẳng lay gan sắt đá,
Tuyết sương thêm tỏ vẻ vàng son.
Còn trời, còn đất, còn non nước,
Còn tượng ông đây, mãi chẳng mòn.

17. — Cô hầu gửi thăm quan lớn

(Cô hầu vị quan nghi có ngoại tình bị đuổi, sau quan bị bắt cóc lại được về, cô hầu gửi thơ thăm)

Chỉ trách người, sao chẳng trách mình,
Mình trung đâu đó? trách người trinh.
Áo dầy, cơm nặng bao nhiêu đức?
Chiếu cạnh, màn bên mấy hột tình?
Tơ tóc nỗi riêng thì xét nét,
Giang sơn nghĩa cả nỡ mần thinh.
Cổ cong mặt lệnh người đâu thế?
Cái cóc bôi vôi khéo dại hình!

18. — Cô đào gửi cho nhơn-tình

(Cô đào ở với người nhơn-tình. chửa cưới mà đã đẻ con giai, sau bị bỏ, mới gửi thơ lại nói mát)

Trăm năm đã chắc cái duyên trời,
Chửa cưới, nhưng mà hãy đẻ chơi.
Gối điệp dầu chưa đành phận thiếp,
Mộng hùng[6] nay đã đẹp lòng ai.
Ông tơ đương gỡ mành dây rối,
Bà mụ liền trao nắm bột rơi.
Cái sự chi thường thời đã vậy,
Chiều chồng nên trước, chị em ơi!

19. — Không vay mà trả (Vần đồng)

Nợ mướn, van thay cũng chẳng xong,
Không tiêu mà trả một trăm đồng.
Kìa người ăn ốc đà khôn chửa?
Để tớ đền gà có hại không?
Nào cứ bao nhiêu liền khúc ruột.
Thôi đừng theo đuổi phất chơn lông
Kìa câu đói ngủ gương còn đó,
Xin chớ như nay chết cả ông!

20. — Tặng bạn làm ti rượu ở phủ Hoài

Rầy xem bác đã thỏa lòng chưa?
Chớp mắt làm nên biển với cờ.
Mùi thế thử chơi không chuếnh choáng,
Giọng tình mới nhắp chửa say sưa.
Chen vòng tranh cạnh xoay đương tít,
Rỏng cuộc ăn-chơi thể cũng vừa.
Qua đất Hoài châu tôi mới biết,
Mừng ông, đọc bỡn mấy câu thơ.

21. — Sư ông chầu văn cho hai cô ả lên đồng

Chẳng bực gì hơn cái nợ chồng!
Thà rằng bạn quách với sư xong.
Một thằng trọc tuếch ngồi khua mõ,
Hai ả tròn xoe đứng múa bông.
Thấp thoáng dưới đèn len bóng cậu,
Thướt tha trước án nguít sư ông.
Chị em thỏ thẻ đêm khuya vắng:
Chẳng sướng gì hơn lúc thượng đồng!

22. — Hội tây

Kìa hội thăng-bình tiếng pháo reo,
Bao nhiêu cờ kéo mấy đèn treo.
Bà quan tênh nghếch xem bơi chải,
Thằng bé lom khom nghé hát trèo.
Cậy sức, cây đu nhiều chị rún,
Tham tiền, cột mỡ lắm anh leo.
Khen ai khéo vẽ trò vui thế?
Vui thế bao nhiêu, sướng bấy nhiêu.

23. — Kiếp làm lẽ

Cha kiếp sinh ra phận má hồng!
Khéo thay một nỗi lấy chung chồng.
Mười đêm chị giữ mười đêm cả,
Suốt tháng em nằm suốt tháng không.
Hầu hạ đã cam phần Cát-lũy,[7]
Nhặt khoan còn ỏi tiếng Hà-đông.[8]
Ai về nhắn bảo đàn em nhỏ:
Có ế thời tu, chớ chớ chung!

24. — Gặp giai-nhơn

Chẳng hẹn hò nhau, chẳng ước ao,
Duyên đâu bỗng chốc rẩy run vào.
Văn chương đó nọ người cung quế,
Yểu điệu kìa ai khách động đào,
Giáp mặt đường hoa hương ngát sực.
Gian tay lầu nguyệt bóng soi cao.
Chỉ hồng, lá thắm khen ai khéo!
Lưu, Nguyễn xưa kia truyện thế nào?

25. — Nhớ cô đào

Thân thế trăm năm một cuộc cờ,
Tao phùng dễ mấy hội mây mưa?
Mặt đường quan đái[9] người đi lại,
Đầu ngựa tang bồng kẻ đón đưa.
Ngán phận bình bồng như chểnh mảng,
Quen mùi trung đỉnh những say sưa.
Trách thay con tạo ghen chi nữa,
Nỡ để duyên kia trót đợi chờ.

26. — Mừng quan huyện phải cách, sau thi lại đỗ cử-nhơn

Con tự nay nghe bác đã coi,
Rằng duyên hay phận uẩy ai ôi?
Đường quang bỗng chốc sang đường rậm,
Bước tới vì chưng tự bước lui.
Vũ trụ có mình thêm có truyện,
Phong trần còn hội vẫn còn vui.
Suy ra mới biết rằng cơ tạo,
Xin tấm căng-hoàng[10] chớ chút nguôi.

27. — Gửi về quê thăm vợ

Con tạo ghen ai những quấy rầy?
Quan-hà[11] muôn dặm kẻ riêng tây.
Gương thiềm ngắm bóng năm hầu nửa.
Thư nhạn trông tin tháng đã đầy.
Xuân vắng vườn đào mầu phấn nhạt.
Thu qua bờ liễu vóc sương gầy.
Trung tình hai chữ khen ai đặt?
Một giấc phần du[12] tỉnh lại say.

28. — Qua chơi Ninh-bình

Vó ký le te róng nhạc bầu.
Ngàn hoa xấp xỉ bóng trăng thâu.
Giai nhơn ngảnh lại đường nghìn dặm.
Đất nước vui cùng bạn chín châu.
Rượu thết quan-hà năm bảy chén,
Thơ ghen phong-nguyệt một vài câu.
Giận lòng tỏ có vừng trăng bạc,
Trăng bạc trơ trơ đứng giữa đầu.

29. — Vịnh thần thiêng tỉnh Nghệ

Xưa nay cổ-ngạn tiếng đồn vang.[13]
Tới hỏi giang sơn truyện biết tường.
Khói ngất non Kiền hơi Thủy-chúa,
Mây vần đỉnh Dạ miếu Dương-vương.
Biển bia hai trạng còn son đá.
Án kỷ tam tòa vẫn khói hương.
Trung, Thượng một vài lâu điện nữa.
Còn ra đâu đấy cũng tầm thường.

30. — Thuật hoài

Đường mây qua lại, và câu rong.
Chán mặt non sông những thẹn thùng.
Mùi thế thử chơi chừng ấy đủ,
Cuộc đời đã hẳn lúc nào xong?
Thôi thôi xin vái cùng trung đỉnh.
Kẻo kẻo còn rầy với kiếm cung.
Lếu láo điền viên cam một tí,
Đào hoa năm cũ gió cơn đông.

31. — Tặng giai-nhơn

Rắp hỏi chơi đây những thẹn thùng,
Chữ tình ai nỡ rứt cho xong.
Những người trong cuộc nhiều người lạ,
Mà của trên đời vốn của chung.
Duyên phận ngán xem thân thiếu-nữ,
Tài hoa gầy cả mặt anh-hùng.
Này thơ ai tặng ai ai đó,
Gặp gỡ rồi ra họa có không?

32. — Tặng cô đào Nguyệt Thanh-hóa

bài thứ nhứt

Tưởng lại tri-âm dễ mấy người.
Lời xưa ai có nhớ cùng ai.
Một niềm son đá từ năm trước
Đôi tiếng cầm ca mới buổi mai.
Nguyệt nọ năm qua con bóng xế,
Hoa kia xuân vắng cái mầu phai.
Vì duyên, vì phận xui nên thế.
Chớ nghĩ rằng ta đã sắc tài.

33. — bài thứ hai

Chớ nghĩ rằng ta đã sắc tài,
Sắc tài thiên-hạ thiếu chi ai.
Chẳng qua thú ấy từng hơi hám,
Vậy để tình kia chửa đứt đai.
Ngắm bóng những mong cơn nguyệt tỏ.
Vin cành chi đợi lúc hoa phai.
Chút gì gắn bó cho đành đó.
Sau sẽ liệu bài ngỏ một hai.

34. — bài thứ ba

Nguyệt hỡi! Ta về mấy buổi nay,
Nhớ mình, ta những ngẩn ngơ thay.
Chè pha long tỉnh khan không giọng,
Rượu chuốc bồ-đào nhắp chẳng say.
Giấc điệp bâng khuâng hơi trống điểm,
Hồn mai ngao ngán tiếng đàn bay.
Xa xôi tình có hay chẳng tá,
Con tạo trêu ai những quấy rầy.

35. — bài thứ tư

Thở ngắn thôi thôi lại thở dài,
Nỗi này ta biết nói cùng ai.
Thương người vả lại yêu vì tiếng
Thấy nết cho nên trọng đến tài.
Tri-kỷ bấy lâu đành có một,
Trung-tình đâu lẽ xẻ làm hai.
Còn trăng, còn gió, còn đây đấy.
Non nước nguyền xưa trót dám sai.

36. — bài thứ năm (thủ vĩ ngâm)

Thiếp có thương ta nhớ lấy lời.
Những lời vàng đá phải lời chơi.
Đường tuy nửa bước như nghìn dặm,
Duyên chửa trăm năm cũng một đời.
Tần, Tấn đã đành trong gặp gỡ,
Ngô, Lào chi ngại truyện xa khơi.
Chầy chăng phỏng độ đôi ba tháng.
Thiếp có thương ta nhớ lấy lời.

37. — Từ biệt cô đào Thanh-hóa

Giã mình thong thả, để ta ra,
Thong thả ta ra, sẽ lại qua.
Vàng đá trăm năm đành đã quyết,
Nước non vài buổi có bao xa.
Dù duyên lá thắm làm chi đó,
Ắt truyện trăng già cũng chẳng tha.
Lẩn thẩn xin đừng đo đắn nữa,
Trăm năm hãy cứ một mình ta.

38. — Thả thuyền chơi trăng

Hà-đông một dải nước trong veo,
Lững đững thuyền ai chở nặng chèo.
Cạn sóng, nhấp nhô tăm cá lội,
In dòng thấp thoáng mảnh trăng treo.
Muốn trôi thơ lá mà than thở,
Phải mượn tin băng để giập gìu.
Cây cỏ thêm buồn lòng nhạo-thủy,[14]
Ái ân lạnh lẽo biết bao nhiêu.

39. — Chế ông lão ve gái

Hỏi lão đâu ta? Lão ở Chèm,
Trông ra bóng dáng đã hom hem.
Lắng tai non nước nghe chừng nặng,
Chớp mắt trăng hoa giả cách nhèm.
Cũng đã sư mô cùng lũ trẻ,
Lại còn tấp tểnh với đàn em.
Xuân thu ướm hỏi đà bao tá,
Cái miếng phong tình vẫn chửa khem.

40. — Đánh vật

Một lũ ngồi ngong một giải treo,
Được thua, thua được những eo xèo.
Trụi khoe sức khỏe rình lừa miếng,
Đô cậy tài nhanh giật giải lèo.
Rộn rịp nghe vang hồi trống giục,
Ganh đua ai chịu tiếng hèn đeo.
Ngứa nghề ta cũng chơi keo vật,
Cho kẻ bàng-quan mặc sức reo!

41. — Cảnh buồn

Trời không chớp bể chẳng mưa nguồn,
Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn!
Ngao ngán tình trung cơn gió thổng,
Ngọt ngào quang cảnh bóng trăng suông.
Khăn khăn, áo áo thêm rầy truyện,
Bút bút, nghiên nghiên khéo dở tuồng.
Ngủ quách, sự đời thây kẻ thức,
Chùa đâu thằng trọc đã hồi chuông.

42. — Bực mình

Mình bảo ta điên, ta chẳng điên,
Ta thương, ta nhớ, hóa ta phiền.
Kẻ yêu, kẻ ghét hay gì chữ,
Người trọng, người khinh chỉ vị tiền.
Ở biển ngậm-ngùi cơn tới lạch,
Được voi tấp tểnh lại đòi tiên.
Khi cười, khi khóc, khi than thở,
Muốn bỏ văn chương học võ-biền.

43. — Trời chửa sáng

Chợt thấy bên đông nghĩ sáng mà,
Đêm sao đêm mãi mãi ru à?
Lạnh lùng bốn bể ba phần tuyết,
Xào xạc năm canh một tiếng gà.
Chim chóc hãy còn nương cửa tổ,
Bướm ong chưa thấy liệng vườn hoa.
Ai đi đâu đấy hay tìm tớ?
Đốt đuốc mà soi kẻo lẫn nhà.

44. — Mừng ông nhà nho

Một sớm ơn vua có bảng vàng,
Làm kiêu lối cũ lại làm sang.
Câu văn Hán, Tống hay ghê gớm!
Thép truyện Phan, Trần thuộc cháo chan!
Gỗ tốt ai đem giồng cột giậu,
Chim khôn có lúc đậu nhà quan.
Nhà nho dễ được mình ông nhỉ?
Có dễ ông nay sướng nhứt làng.

45. — Gái nuôi chồng

Quanh năm buôn bán ở ven sông,
Nuôi đủ đàn con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Ỳ ào mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng ba sương dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hẫng cũng như không.

46. — Bàn đèn thuốc phiện

Cuộc thế ăn chơi phải nghĩ nghiền,
Chơi sao cho trải thú hà-yên.
Tam sơn cao ngất lưng Tam-đảo,
Bán nguyệt xanh mờ ảnh bán thiên.
Xe ngựa đã đành khi sẵn bạc,
Tẩu bàn chỉ ngại lúc không tiền.
Giang hồ ví biết đường tiêm tất,
Soi móc ăn chơi lối cửa quyền.

47. — Trách nhơn tình

Ai ối! Ai ôi! Chớ hợm mình,
Giàu thì ai chuộng, khó ai khinh.
Thằng ngô gẫy gánh về câu truyện,
Chú lái nghiêng thoi bởi chữ tình.
Lắm khéo, lắm khôn thì lắm của,
Càng già, càng trẻ lại càng xinh.
Xuống chơn, lên mặt rồi ông bảo.
Không biết rằng dơ dáng dạng hình.

48. — Trách anh cờ bạc ăn chơi

Thua bạc, nhà đi với mẹ nhà,
Bệnh gì chẳng bệnh, bệnh tim la.
Ngủ nơi thổ đĩ, cơm đào hát,
Khi ở sông Xương, lúc tỉnh Hà.
Mang tiếng khoa danh cho thế mỉa,
Cực lòng cha mẹ đẻ con ra.
Nam vô cứu-khổ tiêu tai nạn,
Nhờ lượng Quan-âm đức phật-bà.

49. — Buôn bán sành sỏi

Nước buôn như chị, chỉ ăn người.
Chị thấy ai đâu, chị cũng cười.
Lắm khách đông hơn phường thổ đĩ,
Đắt hàng như thể mớ tôm tươi.
Bạc tiền người thiếu, ta thường đủ,
Giá gạo ai năm, tớ hẳn mười.
Vỏ quít để dành ăn mắm ngấu,
Vào rừng mà hỏi giống đười ươi.

50. — Chửa hoang

Ai về nhắn bảo việc này cho,
Nhắn bảo cho rằng việc nhỡ to.
Chép miệng bà nuôi to cái dại,
Phờ râu ông rể ẵm con so.
Cắm sâu sào quá nên thêm khó,
Néo riết dây vào hóa phải lo.
Vẫn biết sống lâu nhiều sự lạ,
Tử qui thắt lại một con cò.

51. — Nhắn chị lấy lẽ thứ tư

Những trách cô mình tính lẳng lơ,
Làm hai chẳng muốn, muốn làm tư.
Say đường buôn bán nên không lãi,
Tỉnh truyện trăng hoa phải mắc lừa.
Ắt hẳn nhầm về anh bợm gốc,
Thôi đừng trách lẩn tại ông tơ.
Lời này nhắn bảo người son phấn,
Nghĩ nỗi sau này đã biết chưa?

  1. Vần này trùng, nên đổi.
  2. Trương-hán-Siêu đời nhà Trần về ẩn ở đấy, có giồng kim-cúc, thường ngồi hòn đá để câu cá.
  3. Người ẩn-sĩ lấy mai làm vợ hạc làm con.
  4. Người nước Nam ta làm văn thơ nôm, bắt đầu từ Hàn-Thuyên đời nhà Trần.
  5. Chữ Luận-ngữ: Người trí hay vui nước, người nhơn hay vui núi.
  6. Mộng thấy con gấu (hùng) thì sinh con giai; kinh Thi có chữ « Duy hùng duy bi, nam tử chi tường ».
  7. Cát-lũy là dây sắn, kinh Thi có thơ Cát-lũy ví phận làm lẽ như dây sắn leo nhờ bóng cây cao.
  8. Có chữ Hà-đông sư-tử hống; nghĩa là con sư-tử gầm hét ở Hà-đông, ví như là tiếng vợ cả ghen.
  9. Quan đái là cân đai, là đường công danh.
  10. Là bụng kính cẩn sợ hãi.
  11. Là xa cách non sông.
  12. Phần du là hai cây cổ-thụ ở đầu làng, đó là nói nhớ quê nhà.
  13. Ngạn ngữ: « Thanh cậy thế, Nghệ cậy thần ».
  14. Nhạo thủy là vui nước.