Cùng ông Thông Reo và ông Phan Khôi trong Dân Báo về chuyện thơ mới

Cùng ông Thông Reo và ông Phan Khôi trong Dân Báo về chuyện thơ mới  (1941) 
của Huỳnh Thúc Kháng

Bài đăng trên Tiếng dân, Huế, số 1602 (6 Août 1941), trang 1, 3.

Nếu cho là sai thì điều “sai” đó không phải tự “Tiếng dân”

Dân Báo trong Nam ra ngày 25-6-41, ở mục “Chuyện hàng ngày” có bài “Một tai nạn trong văn học”, tác giả trích dẫn tập thơ Tinh huyết của Bích Khê (thơ mới) chỉ vạch những câu vô nghĩa…, dưới ký tên Thông Reo.

Nhân đó Tiếng Dân (ra ngày 9-7-41), dưới mục “Việt ngâm thi thoại”, trong đoạn “Lời nói đầu”, tôi có dẫn trích “Chuyện hàng ngày” của Dân Báo nói trên, mà nói Thông Reo (hiệu ông Phan Khôi) đã cho thơ mới là một tai nạn trong văn học. Tiếp đó ở mục “Chuyện đời” của Tiếng Dân, bạn Chuông Mai cũng dẫn chuyện trên, mà nói trong bài ấy ông Phan Khôi chỉ vạch những câu vô nghĩa trong tập thơ mới Tinh huyết rất rành rẽ…

Gần 10 năm nay, trong những phong triều “không gốc” tự đâu tràn vào mà người mình hoan nghinh theo mù, thì phong triều “thơ mới” là một. Một phần thanh niên óc non thấy cạn, mới tấp tểnh viết văn quốc ngữ, chưa rõ nguồn gốc thi học là thế nào, thể thi với các văn thể khác là thế nào, chợt thấy có thứ thơ không cần phải học, không cần có quy luật, đua nhau soạn và ấn hành những thơ “vô nghĩa” như loại thơ Tinh huyết mà Thông Reo đã chỉ trích đó. Vì thế trong hai bài trên, Tiếng dân có trích dẫn lời của Thông Reo và nói Thông Reo (tức Phan Khôi) đã công kích thơ mới.

Nay thấy ông Phan Khôi viết luôn hai bài đăng trong Dân Báo. Bài trước ra ngày 23-7-41, đầu đề “Tôi không hề công kích thơ mới”, bài sau (ra ngày 24-7-41): “Ý kiến tôi đối với thơ mới”. Theo ông, vì Tiếng Dân dẫn sai nên ông đính chính…

Tiếng Dân nói sai ở chỗ nào? Đọc suốt hai bài của ông thì thấy ba chỗ cốt yếu mà ông cho là sai:

1/ Nói Thông Reo là hiệu Phan Khôi là vô lý.

2/ Không thể lấy cớ Thông Reo chỉ trích tập thơ Tinh huyết mà được phép nói trùm cả thơ mới.

3/ Điều thứ ba nầy có quan hệ về phần ông mà ông ôm mối lo xa hơn cả, vì ông là người đề xướng thơ mới mà nay nói ông công khích thơ mới, e có người tin theo lời của Tiếng Dân mà cho ông là người “bỏ làng”.

Ba điều sai của Tiếng Dân kể trên, Tiếng dân vẫn nhận mà không chối, song nay chính bài đính chính của ông trở lại thành lời trạng sư làm chứng đích xác rằng Tiếng Dân nói không sai:

Về điều thứ nhất: “nói Thông Reo tức Phan Khôi là vô lý”, dầu vô lý thật, nên ông không nhận, nhưng nhà luận lý học không nhận một cách miễn cưỡng, theo ý trong câu “Cho đi rằng Thông Reo tức là Phan Khôi đi nữa…”, rồi ông biện chính, không chỉ phần riêng mà còn biện hộ cho Thông Reo một cách rất sốt sắng, thế là Thông Reo với Phan Khôi như người xưa đã nói: “thiên với đế, một mà hai, hai mà một”.

Điều thứ hai, cái đề đã nêu rằng “tai nạn của văn học” mà chỉ rõ tai nạn ấy, không dẫn một câu nào khác hơn là “bài đề là Hoàng hoa” trong tập Tinh huyết. Nào “Lam nhung ô ! Xanh nhung ô ! màu phơi nơi nơi, vàng phai nằm im ôm non gầy, chim yên eo mình nương xương cây… Chẳng có nghĩa lý gì cả…”

Dẫn lại đoạn trên rồi ông Phan Khôi – chính ông – nói:

“Coi như trên đó, Thông Reo có hề công kích thơ mới không? Nếu Thông Reo có công kích thơ mới thì tôi cũng xin nhận là tôi – Phan Khôi – có công kích thơ mới”, rồi ông hô một tiếng to: “Không hề! thật không hề!”  

Vậy trừ ra tập thơ Tinh huyết không phải là lối thơ mới và những câu vô nghĩa đó dẫn trong các thứ văn khác có giọng quái gở đáng gớm ấy, thì Tiếng dân mới nói sai. Bằng không thì Tiếng dân nói Thông Reo công kích thơ mới không sai chút nào. Mà chính ông Phan Khôi cũng nói: “Tôi có chỉ trích những câu vô nghĩa trong tập Tinh huyết, dầu Tinh huyết có thơ mới đi nữa…”

Ông Phan Khôi vốn nổi tiếng là một nhà ưa luận lý học. Vậy xin đem một cái tam đoạn luận (syllogisme) như sau nầy để chứng bài Thông Reo trên:

Tiền đề: Văn vô nghĩa là một tai nạn của văn học

Hậu đề: Tinh huyết là một tập thơ mới đầy những câu vô nghĩa

Đoán án: Vậy công kích Tinh huyết tức là công kích thơ mới để bài trừ tai nạn cho văn học.  

Nói tóm lại, về hai điều 1 và 2 thì hai câu trong bài đính chính “Cho đi rằng Thông Reo tức Phan Khôi”, cùng “Tinh huyết dầu có là thơ mới đi nữa” tức đủ chứng nhận rằng Tiếng Dân nói không sai và chính ông đã chỉ rõ tai nạn trong văn học, chính ông đã bảo thơ mới như tập thơ Tinh huyết là tiêu biểu cho thứ văn vô nghĩa, chớ còn gì nữa.

Đến điều thứ 3, là diều ông Phan Khôi cho là quan hệ buộc phải đính chính, vì ông đã đề xướng thơ mới, ít nữa là một người dân trong làng thơ mới, nay Tiếng Dân nói ông công kích thơ mới, e người ta tin lầm mà cho ông là phản phúc, là “bỏ làng”…, điều nay tôi xin lấy lòng trung thiệt mà nói ngay:

Yêu mà biết chỗ xấu, ghét mà biết chỗ tốt, 愛 而 知 其 惡 憎 而 知 其 善 鮮 矣   [ái nhi tri kỳ ố, tăng nhi tri kỳ thiện tiển hĩ.- Lễ ký. Khúc lễ] đó là lòng chí công mà người xưa cho là ít có. Bằng theo nghĩa đó, ông trước kia đề xướng thơ mới, hẳn tự ông nhận thấy điều đáng yêu; nay thấy trong làng thơ mới có thứ văn vô nghĩa mà đến “không kể xiết” thì ông ghét mà công kích cho là một tai nạn…, cái đó tỏ lòng công tâm đối với văn học giới nước nhà, không có tư vị về thành kiến, những người có học chân chính không ai dám cho là phản phúc và bỏ làng như ông đã lo xa. Ông vẫn tự nói là không công kích thơ mới, nhưng dầu có công kích nữa, “như Thông Reo công kích thơ Tinh huyết”, tức là hợp với câu nói trên, “yêu mà biết chỗ xấu”, có hại gì đâu.

Hơn nữa, trong bài “Một tai nạn trong văn học” mà ông biện hộ đó, ông đã tỏ ra bất mãn đối với thơ mới, nên có nói gọi thơ mới là “lạm”.

Tới một bước nữa, văn học cũng theo thời thế hoàn cảnh mà tiến lên. Nhà nho chúng ta – ông cũng người trong số ấy không thể chối cãi được – trước kia học  “bát cổ” mà sau lại công kích “bát cổ”, như các cụ Sào Nam, Tây Hồ, v.v., có ai gia cho cái tiếng phản phúc và bỏ làng đâu? Suy rộng ra thì “tự do, bình đẳng” ngày trước, người mình theo phong triều Âu hóa, sùng bái đến cực điểm, mà ngày nay về công cuộc cải tạo nước Pháp mới, lại nhận chế độ “tự do, bình đẳng” đó là cái án đã làm cho nước Pháp rước lấy sự thất bại.

Xem đó, đối với bất kỳ việc gì, khi thấy tốt thì tán dương, khi thấy xấu thì công kích, chính là tấm lòng lỗi lạc của bậc đại trượng phu, dầu có gặp những trường hợp cả nước dị nghị cũng không cần, huống là những lời bài báng của bọn văn sĩ nửa mùa.

Thế là điều thứ 3 buộc cho ông đính chính vẫn là một điều không đáng lo.

Kết luận bài này tôi muốn đem điều “dẫn chứng” của Tiếng Dân mà ông Phan Khôi cho là sai, so với thầy Mạnh Tử:

Chỉ mấy “câu nãi tích nãi thương” 乃 惜 乃 倉 mà dẫn làm chứng rằng “Công lưu háo hóa” 公 劉 好 貨 chỉ một câu “viên cập Khương nữ” 爰 及 姜 女 mà dẫn làm chứng rằng “Thái công háo sắc”, 太 公 好 色 cái lối “dứt bài lấy nghĩa” của Mạnh Tử đó thật là võ đoán, vì cái chứng cứ đó quá mỏng manh.

Đến như Tiếng Dân dẫn bài “tai nạn văn học” mà nói Thông Reo (tức Phan Khôi) “công kích thơ mới”, vẫn không chối cái cớ “mượn chén rượu kẻ khác, rưới cái khối lỗi trong bụng mình”, […] song ai đã đọc bài “Một tai nạn” đó cùng hai bài đính chính của ông Phan Khôi, hẳn thấy rõ chỗ dẫn chứng của Tiếng Dân có sai chăng là mười phần chỉ sai một (nói Thông Reo tức Phan Khôi), chớ không đến võ đoán như thầy Mạnh Tử.

MÍNH VIÊN