Câu hỏi đặt ra dưới quyền tư pháp Nam triều: Vụ kiện của vợ chồng Tham Ân đáng hay không đáng xử tại tòa án Tourane?

Câu hỏi đặt ra dưới quyền tư pháp Nam triều: Vụ kiện của vợ chồng Tham Ân đáng hay không đáng xử tại tòa án Tourane?  (1935) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Tràng An, Huế, số 26 (28 Mai 1935), trang 1  

Hiện có một vụ kiện vợ chồng kiện nhau của người An Nam đương xử tại tòa án người Pháp ở Tourane.

Nguyên cáo là người đàn bà, vợ của bị cáo, bà Tham Ân, tên tộc Phan Thị Viện, người làng La Vân Thượng, huyện Quảng Điền, phủ Thừa Thiên; bị cáo, ông Phan Văn Ân, người cùng làng với vợ, làm Tham tá sở Công chánh Tourane; cả hai vợ chồng có chung một ngụ quán trong thành phố ấy.

Nói đến chỗ sinh đẻ thì cả hai đều sinh ở nguyên quán mình là đất An Nam, không có dính líu gì với nhượng địa cả.

Hai vợ chồng lấy nhau đã có bốn mặt con vừa trai vừa gái. Gần đây, ông Tham Ân dan díu với một cô nữ giáo viên, tên Xuân Lan, toan bỏ vợ lấy cô này làm vợ, vì vậy mà sinh ra vụ kiện.

Sẵn hai vợ chồng cùng ngụ tại Tourane nên kiện nhau trước Tòa án người Pháp ở Tourane, là tòa án chỉ có hai bên nguyên, bị đều là người Pháp, hoặc một bên là người Pháp hay có danh nghĩa như người Pháp thì mới được kiện tại đó.

Sau khi đầu đơn, đã được Tòa án Tourane thọ lý, đương xử mấy tuần lễ nay, chưa liễu kết.

Theo hồi trước, vụ này kiện ở đâu cũng mặc, chẳng ai hỏi đến làm chi. Nhưng ngày nay, ngày ở Trung Kỳ đã ban hành Tân luật, có hoạch định quyền hạn quan Thượng thơ bộ Tư pháp, vậy ở dưới quyền tư pháp ấy tưởng chúng tôi muốn hỏi câu này cũng không lạm:

Vụ kiện của vợ chồng Tham Ân đáng hay không đáng xử tại Tòa án Tourane?

Trước kia, hễ là người tòng sự chánh phủ Bảo hộ thì mọi việc tố tụng đều được do Tòa án Lang Sa.[1] Ở về thời kỳ ấy, việc này cố nhiên không thành ra vấn đề rồi.

Nhưng mới đây, trong khi Tân luật đã ban hành, có đạo Dụ số 55 nói rằng những người tòng sự chánh phủ Bảo hộ về việc tố tụng sẽ phải do Tòa án An-nam, trừ ra những người nào sinh ở Tourane là đất nhượng địa thì do Tòa án Pháp. Theo đạo Dụ ấy thì việc này phải thành ra vấn đề, vì vợ chồng ông Tham Ân vốn không phải sinh ở nhượng địa.[2]

Tuy vậy, chúng tôi đem việc này làm thành vấn đề, không toàn căn cứ vào đạo Dụ số 55. Ai nấy đều biết rằng pháp luật Lang Sa là rộng rãi hơn pháp luật ta, cho nên người đi kiện lấy làm có lợi mà kiện ở Tòa án Pháp. Muốn hưởng cái lợi đó họ hay kiếm cách làm mình ra người sinh ở nhượng địa và làm được sự ấy cũng chẳng khó chi. Hoặc giả trong vụ này vợ chồng ông Tham Ân cũng làm cách ấy thì đạo Dụ 55 đối với họ đã mất hiệu lực chặng trên mà có hiệu lực chặng dưới vậy.

Chúng tôi đặt ra câu hỏi trên đây là dựa vào những cái lý do khác. Mà những cái lý do ấy tưởng còn mạnh bằng mấy sự khai sinh ở nhượng địa, một mình nó chẳng đủ địch lại những cái lý do kia.

Những người tòng sự với chánh phủ Bảo hộ trước kia với bây giờ có tư cách khác nhau. Trước kia họ chỉ là thầy Thông thầy Phán, đeo cái tiếng thần dân An-nam nhưng kỳ thực chỉ làm tôi Bảo hộ, họ không có tý gì dính dáng với Nam triều. Đến thời kỳ họ được “đối hàm”, đã hơi khác một chút. Đến nay không còn “đối” nữa, những người ấy người nào cũng có phẩm hàm của triều đình An-nam, họ đã rõ ra là người bầy tôi của Hoàng đế An-nam rồi vậy. Vậy thì, một người bầy tôi của vua lấy lẽ gì lại không chịu trị dưới pháp luật của vua?

Huống nữa, đâu đã sáu bảy năm nay, có lệnh bề trên bắt các thuộc viên tòng sự ngạch Bảo hộ đều phải chịu sự kiểm sát của các quan thủ hiến An-nam. Sự kiểm sát ấy tiếng thường quen gọi là “cho nốt”.[3] Như quan tỉnh “cho nốt” các viên chức làm việc ở Tòa sứ; quan phủ quan huyện “cho nốt” các giáo viên dạy các trường công trong hạt mình. Thế thì một viên chức lúc bình thường chịu kiểm sát ở một nơi, có lẽ nào đến khi có việc kiện cáo, lại chịu thẩm phán ở một nơi khác?

Lạ hơn nữa là, theo hiện trạng, những viên chức ấy tùy việc tố tụng mà chịu thẩm phán dưới hai thứ pháp luật khác nhau. Điều này chưa hề có minh văn của nghị định hay dụ chỉ nào bảo làm như thế, chỉ thấy người ta làm như thế!

Như ông Tham Ân đây bị vợ kiện, việc ấy kể cho là việc tố tụng thường hay việc tố tụng về dân luật, thì Tòa án Tourane xử. Nhưng nói giả sử mà nghe, giá khi ông Tham Ân bị cáo làm cách mạng hay cọng sản thì nhất định phải giao cho Tòa án An Nam. Như thế, người ta dựa vào nguyên tắc nào mà chia quyền thẩm phán về việc tố tụng chánh trị với việc tố tụng thường ra cho hai thứ pháp luật?

Câu hỏi trên kia chúng tôi đặt ra bởi những lý do vừa nói đó. Dựa vào các lý do ấy chúng tôi hoặc cũng có thể nói: Những vụ kiện như vụ kiện của vợ chồng Tham Ân nên do Tòa án An Nam, bởi vì họ là người sanh đẻ trong đất An Nam, nhất là họ lại làm tôi của vua An Nam.

Ngoài những lý do ấy còn có cái lý do mạnh hơn nữa là sự quan hệ về pháp luật. Vả chăng pháp luật đặt ra là dựa theo luân lý. Luân lý của ta với luân lý người Pháp khác nhau nên pháp luật cũng khác nhau. Vụ kiện vợ chồng Tham Ân này thuộc về luân lý vợ chồng An Nam mà lại xử theo luật Tây là luật đặt theo luân lý người Tây, sự ấy có phải là sự may mắn gì cho luân thường, cho phong hóa!

Thế nhưng, dù chi đi nữa, bài này của chúng tôi cũng chỉ là một câu hỏi, quan Thượng thư bộ Tư pháp có để ý hay không thì tùy ngài.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Lang Sa: Pháp.
  2. nhượng địa: chữ Pháp concession = đất nhượng, tô giới, tức vùng đất của một nước bị buộc phải nhường cho một nước khác, có thời hạn hoặc vô thời hạn. Ở Việt Nam đương thời bài báo này, nhượng địa trỏ một số vùng đất mà triều Nguyễn nhường cho Pháp, theo đạo Dụ số 1 (tháng Mười 1888) triều Đồng Khánh, cắt thêm 3 thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Tourane (Đà Nẵng) làm nhượng địa cho Pháp; các vùng này đặt trong cùng thể chế trực trị như Nam Kỳ tuy nằm trong lãnh thổ bảo hộ bản xứ.
  3. “cho nốt”: noter (chữ Pháp): ghi nhận xét.