Cái biết của ta phải cho thiết thực, cho tới nơi tới chốn

Cái biết của ta phải cho thiết thực, cho tới nơi tới chốn  (1932) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Đông tây, Hà Nội, số 143 (27. 1. 1931)

Tôi tự phận tôi cũng như là một người thất học từ thuở nhỏ. Nói vậy chắc không ai tin. Thuở nhỏ, tôi học nhiều lắm chớ. Song ngày nay tôi biết ra thì từ lúc sáu tuổi cho đến trên 20 tuổi, cái học của tôi chỉ là thuộc được nhiều mặt chữ mà thôi; chứ về sự tri thức cần cho một con người ở đời phải có, thì cái học ấy hầu như chẳng làm ích cho tôi được chút gì. Tuy vậy, ngày nay tôi cũng không quên ơn nó, vì nhờ biết nhiều mặt chữ mà về sau tôi mới có đường tìm thêm một ít tri thức cho mình. Ôi! Cái ơn, không kể thì ra tuồng mình phụ bạc, mà kể ra thì nghĩ cũng mọn mạy cái ơn!

Già nửa đời người rồi, đôi khi tôi mới nằm nghĩ lại mà chẳng biết hồi thanh niên mình học là học cái gì! Học cái gì mà cũng đã từng được tiếng đồn khen, cũng đã từng liệt vào hàng danh sĩ? Nghĩ thét rồi chỉ có cười mà trừ, chứ đố trả lời được!

Xin độc giả hãy chú ý mà nhớ cho trên kia tôi đã nói rằng tôi "biết mặt chữ" chứ không phải "biết chữ". Thật quả, hồi đó tôi chỉ biết được mặt chữ, còn chữ thì tôi chưa biết. Mà có lẽ từ nay sắp sau, cũng còn chưa chắc rằng tôi biết chữ đâu, dầu tôi cứ học mãi cho mãn cái đời tôi. Sao vậy? Bởi trong sự học tôi đã "lỗi hồ sơ" từ thuở nhỏ rồi, bây giờ đã già nửa đời người mà uốn nắn lại thì khó lắm.

Hẳn có người đọc qua đoạn văn trên đây mà bảo rằng tôi nói khiêm. Nếu vậy thì sai xa với cái ý tôi. Tôi chẳng hề nói khiêm; tôi chỉ nói thật.

Mở cuốn Luận ngữ ra, thấy "Học nhi thời tập chi". Nhưng "học" là cái gì, "cái học" của đời Khổng Tử, hơn hai ngàn năm trước là thế nào, bấy giờ thật tôi không hề lý hội tới. Mà tôi tưởng chẳng một mình gì tôi, ai ai cũng không lý hội như tôi, cho nên thảy đều coi sự mơ hồ ấy là thường, chẳng hề đem mà vấn nạn nhau, chứ đừng nói tới nghiên cứu nữa.

"Tính" là cái gì? "Mệnh" là cái gì? "Đạo" là cái gì?... Mấy chữ đứng đầu cuốn sách Trung dung ấy, ngày nay tôi coi là lớn lao biết bao, hệ trọng biết bao, tôi còn cứ sợ mình không hiểu hay là hiểu mà không đúng; song bấy giờ thì tôi làm như là mình biết thừa rồi, không cần phải tìm nghĩ suy xét, không đợi phải hỏi ai. Nếu ai thấy tôi nói vậy mà bảo rằng tôi bây giờ dốt hơn hồi tôi còn nhỏ, thì oan tôi lắm!

Thầy Mạnh Tử nói rằng "dưỡng khí": khí ấy là cái khí gì? Cái khí gì mà "nuôi nó bằng một cách thẳng thắn và không làm hại, thì nó đầy dẫy trong trời đất (Dĩ trực dưỡng vô hại, tắc tắc hồ thiên địa chi gian)? Ở nơi khác, thầy lại có nói "cái khí hồi tảng sáng" (bình đán chi khí): cái khí ấy lại là cái khí gì? Ở nơi khác nữa, thầy lại còn nói "sự ăn ở làm cho người ta dời đổi cái khí của nó" (cư di khí): cái khí ấy lại là cái khí gì nữa? Tóm lại, ba cái khí ấy là giống nhau hay khác nhau? là một thứ hay mấy thứ? là hữu hình hay vô hình?... Ngày nay tôi cho là cần phải biết; song hồi đó thì tôi chỉ cắt nghĩa "khí là khí" cũng đủ xong chuyện!

Ngày nay một trò nhỏ nào trong nhà trường tiểu học cũng biết không khí (air) là vật gì, ở đâu, và bởi những gì hợp lại mà nên. Song tôi xin thú thật, trước kia, tôi và có nhiều người như tôi đều có học qua và đọc thuộc lòng những chữ "khí" trong Mạnh Tử, nhưng đến không khí thì chúng tôi chưa hề biết!

Tôi xin hỏi, thế là cái học gì? Học gì như thế mà cũng gọi là học?

Tôi đem trò nhỏ trong trường tiểu học ngày nay mà so sánh với bọn tôi ngày trước, và chịu rằng họ biết có không khí hơn bọn tôi hồi bằng tuổi họ, thế đủ tỏ ra rằng sự học ở nước ta trải qua đôi ba chục năm nay đã có tiến bộ rồi. Song le, sự tiến bộ trước mắt đó chưa đủ cho chúng ta mừng, mà còn cái di độc của sự học ngày xưa vẫn cứ làm cho chúng ta lo.

Nói cho phải, sự tri thức của học sinh hiện thời thì có rộng hơn kẻ học hồi đôi ba chục năm trên thật. Nhưng nếu nói cái tri thức của kẻ học hiện thời đã là thiết thực, đã là tới nơi tới chốn thì tôi không tin.

Đại phàm cái học phong đồi tệ mà có trải qua một lần cải cách cho thật hùng vĩ thì nó mới chịu chừa đổi. Từ lâu nay, ta chưa hề có sự cải cách ấy, cho nên cái thói cũ nó cũng vẫn còn hoài trong óc ta. Mặc dầu un đúc bằng cái chế độ giáo dục mới, tập rèn bằng kiểu sư phạm tối tân là tôi thấy cái học cũng vẫn còn là cái học vào lỗ tai, ra lỗ miệng, cái tri thức cũng vẫn còn là cái tri thức mập mờ mà thôi vậy.

Đợi đến bao giờ mới có cuộc cải cách thật hùng vĩ cho sự học nước Nam? Chưa biết ngày nào; mà cái người làm nổi việc ấy cũng chưa biết là ai. Ai là ngôi sao chổi, sẽ vì một góc trời này mà quét sạch những cái thối cái dơ trong học giới?

Dữ kỳ ngồi mà đợi, thục nhược mỗi người tự cải cách lấy cho mình. Trước hết ta phải nhận rõ cái điều cốt yếu nhất cho sự học của ta ngày nay là gì. Theo như tôi nói từ nãy đến giờ, thì là phải làm thế nào cho sự tri thức của ta được thiết thực, được tới nơi  tới chốn.

Giả sử chỉ nói vậy mà thôi thì tự người nói ra đó đã là không thiết thực, không tới nơi tới chốn rồi, còn đem sự ấy mà khuyên ai? Nhưng đây chẳng qua nêu ra một điều cốt yếu cho mọi người chú ý; đến như cái phương pháp làm học thế nào thì, nếu tôi có biết được một vài, cũng phải nói nhiều mới rõ được. Vậy xin đợi có dịp sẽ bàn thêm.

PHAN KHÔI