Cái điều tôi thấy trong sự quan Thống đốc đọc diễn văn bằng tiếng Việt Nam
Mới rồi, bữa tiệc khánh thành cuộc chợ phiên trong vườn phủ Toàn quyền, quan Thống đốc Nam kỳ, ông Eutrope, có đọc một bài diễn văn bằng tiếng ta để đáp lại bà Đốc phủ Thu. Bài ấy, báo Trung lập cũng như các báo, đã đăng vào trương nhứt bằng thứ chữ đặc biệt, và có để mấy lời khen tặng ngài một cách long trọng.
Thuở nay "người Nam kẻ Pháp có khác chi anh em một nhà kề vai chung gánh" (ấy là lời trong bài diễn văn quan Thống đốc), vậy mà mỗi khi gặp một cái hội hè gì, trong đó cần có đọc diễn văn, thì chỉ thấy người Nam dùng tiếng Pháp mà thôi, chớ có khi nào "kẻ Pháp" nói cho lấy vài lời bằng thứ tiếng vô lực vô quyền, giống như ông hưu quan hay là người quả phụ! Vậy mà lần nầy là lần thứ nhứt một vị thượng quan dùng đến tiếng An Nam mà diễn thuyết, thì tự nhiên trong lòng chúng tôi, dầu kẻ có mặt tại đó mà nghe, cùng là kẻ không có mặt tại đó hay sau cũng vậy, cũng đều phải cảm động hết, mà cảm động một cách mạnh mẽ, lại ngậm ngùi, không thể hình dung đặng.
Bài diễn văn của quan Thống đốc đăng không đầy một cột báo, tuy vậy mà ở trong đó có chứa rất nhiều ý nghĩa. Những ý nghĩa ấy, ai có ý mà đọc, thì sau khi đọc rồi, nó liền phát hiện ra cho mình trước mắt không đợi suy nghĩ.
Duy có một điều đáng nói, là những ý nghĩa ấy tùy người đọc mà nó phát hiện ra khác nhau. Như tôi đọc thì tôi lại thấy cái ý nghĩa mà tôi thấy. Bởi vậy tôi mới có thể đem mà viết ra được. Bằng không ai cũng hiểu như nấy hết, thì có cần viết ra làm chi?
Tôi không hiểu những ý nghĩa trong bài diễn văn của quan Thống đốc, nhưng tôi hiểu trong sự ngài đọc.
Quan Thống đốc Eutrope có tiếng là thông thạo tiếng Việt Nam lắm, nghe nói ngài nói chuyện bằng tiếng ta rất trôi chảy; cứ như bài diễn văn đó thì ngài dùng chữ thật đã rành. Song những điều đó, ở đây, tôi cho là không quan hệ mấy.
Tại sao ngài không đọc bằng tiếng Pháp, lại đọc bằng tiếng Việt Nam? Sự ngài làm đó sẽ có cái ảnh hưởng thế nào? về phương diện nào? Đó là những điều quan hệ mà tôi nên nói.
Đã hai năm nay, chánh phủ từng thông tư đôi ba lần mà buộc cho các hàng quan lại người Pháp phải học tiếng An Nam. Sự thi tiếng An Nam của người Pháp có đã lâu, mà vài năm nay cũng đổi chương trình lại, cho càng nghiêm nhặt hơn trước. Chánh phủ làm như vậy, thật có ý muốn cho người Pháp ở đây phải hiểu thẩu người Nam, đặng để thông tình ý cùng nhau mà khỏi có sự cách bức có thể sanh ra những điều không tốt.
Tuy chánh phủ làm như vậy mà chưa chắc hết thảy người Pháp ở đây đều thành tâm tuân lịnh. Bởi vì xưa nay hễ là người chinh phục, thì đối với thứ tiếng bị chinh phục, thế nào cũng không khỏi có sẵn lòng rẻ rúng rồi. Lần nầy quan Thống đốc ứng dụng tiếng An Nam trong một cuộc giao tế chánh thức như vậy, tỏ ra ngài kính trọng thứ tiếng ấy lắm mà không khinh rẻ như kẻ khác. Chắc có lẽ ngài dụng ý như vậy; và về phương diện người Pháp đó, việc ngài làm đây chắc sẽ có ảnh hưởng nhiều.
Lại về phương diện nầy nữa, là phương diện người Nam ta có lẽ ngài lại còn để ý hơn.
Trong bài của ngài có một đoạn như vầy: "Mà, trên hai điều ích lợi ấy, bổn chức thấy luôn luôn một cái cảnh tượng rất đẹp đẽ như ánh sáng mặt trời làm cho con người có thêm cái chí mạnh dạn mà ở đời. Có chi lạ? Quý bà, quý ông dư biết: Hễ tin cậy nhau và thương tưởng nhau thì dầu đau cũng mạnh, dầu xa cũng gần!"
Mấy câu lời tuy vắn mà ý rất dài đó, chúng ta cũng nên ngẫm nghĩ cho tới nơi để khỏi phụ công cái người đã dụng tâm mà đặt ra nó!
Biết rằng tin cậy nhau nhưng mà tỏ cái tin cậy ấy ra ở đâu? Biết rằng thương tưởng nhau nhưng mà tỏ cái thương tưởng ấy ra chỗ nào? Có nhiều cách, song le, về phần quan Thống đốc, nếu ngài muốn tỏ ra, thì trong lúc không nói tiếng Pháp mà nói tiếng An Nam cũng là một cái cơ hội rất tốt cho ngài tỏ ra vậy. Mà quả thật, ngài nghĩ làm sao thì có làm vậy, khi ta thấy nói ông Eutrope đọc diễn văn tiếng ta giữa cuộc khánh thành Hội chợ, có phải là ta chợt nghĩ như là hết thảy người Pháp ở đây đều tin cậy ta, đều thương tưởng ta không?
Cái tâm lý của chúng ta [....] bao giờ cũng vậy. Người khôn ngoan mà không [...] dung thì thôi, chớ đã muốn [...] dung thì cũng sẽ gây ra được cái cảm tình tốt với nhau trong một hồi. Chớ nếu nói [...] dung cái tâm lý ấy mà được thâu phục lòng người ta lâu dài, thì chắc quan Thống đốc cao minh, ngài cũng không nghĩ đâu cái sự cạn gần quá như vậy.
Phải, theo như bổn ý của ngài, sự tin cậy nhau, thương tưởng nhau chắc là ở nơi việc làm, chớ không phải ở nơi lời nói [....]
Đó là những điều tôi thấy thì tôi nói ra. Song lại có kẻ bảo rằng: "Đương lúc tiếng Việt Nam ta chưa thành lập hẳn, nó còn bị nhiều người hồi mới đẻ ra nói luôn nó mà bây giờ trở mặt khinh thị không ra gì, mà được quan Thống đốc trọng dụng như vầy, sẽ làm cho họ sáng con mắt ra mà không khinh thị nữa. Thế thì cái địa vị Quốc ngữ mà được cao lên sau nầy cũng có một phần nhờ ở sự khích lệ của quan Thống đốc".
Lời ấy lại cũng thêm được một cái ý nghĩa nữa.
P. K.