Các kiến nghị vắn tắt của Phan Châu Trinh do Roux dịch chuyển cho bộ trưởng thuộc địa và Sarraut
Bản 1
YÊU CẦU XÉT LẠI CÁC BẢN ÁN XỬ CÁC NHO SĨ TRUNG KỲ
Trường hợp dân chúng ở Trung Kỳ xin được giảm sưu thuế, các viên chức Nhà nước và các quan chức An Nam đổ trách nhiệm về sự biến đó cho nho sĩ đã xúi giục dân chúng nổi loạn. Do đó, người thì bị bỏ ngục, người thì bị chém đầu. Nhiều người trong số họ là nạn nhân của những vụ xét xử mà tôi không rõ lý do; còn về một số bản án mà tôi biết thì tôi chắc chắn rằng đã có cơ sở để nhận định là mắc phải sự bất công sâu sắc. Ba người có tên là Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện, Lê Bá Trinh bị xử liên lụy cùng tội danh với tôi. Bản án đó cho rằng tôi là người cầm đầu những người làm loạn và các ông trên đã theo tôi để xúi dân nổi loạn. Trong bản án cũng nói rằng, mặc dù không có chứng cớ, nhưng vẫn có thể chắc là như thế và trong bản án của họ có tên tôi.
Trần Quý Cáp (một tiến sĩ) làm quan giáo thụ một phủ trong tỉnh Khánh Hòa - trong tỉnh này dân chúng không làm điều gì phạm pháp và tôi không hiểu vì lỗi gì mà Công sứ và các quan An Nam không tra xét gì Trần Quý Cáp, cho bắt, đem xử và cho chém liền, chém rồi mà vẫn không thông báo cho làng ông biết, đồng thời xác đem chôn ở một nơi nào đó mà cũng không cho vợ con biết. Viên quan xử án lại còn được thăng cấp rất cao.
Đặng Nguyên Cẩn đang giữ chức Đốc học ở tỉnh Bình Thuận cũng bị kết án tù. Ngô Đức Kế (tiến sĩ) chỉ ở lại nhà để học hành và buôn bán cũng bị bắt và bị tạm giam hơn một năm (trước khi xảy ra vụ dân xin giảm xâu). Đến năm xảy ra vụ xin giảm xâu, người ta nhân đó mà kết án như những người khác.
Trước đây ở Trung Kỳ, nhiều vụ án đã bị xử rất bất công nhưng không đến nỗi quá bất công như các vụ án đã xử vào lúc xảy ra vụ dân chúng xin giảm xâu. Vì vậy, tôi trân trọng xin Ngài Bộ trưởng mở lòng thương đối với người dân An Nam và lệnh đưa hồ sơ các các vụ án dân Trung Kỳ nổi loạn vào năm 1908 về để xem xét lại. Một khi Ngài đã xem xét chúng tôi, thì thưa Ngài Bộ trưởng, Ngài sẽ có thể hiểu thấu sự cai trị ở xứ An Nam như thế nào.
Phan Châu Trinh
Nguyên văn tiếng Nam dịch ra tiếng Pháp. Làm tại Paris, ngày 31/5/1911
Sao nguyên văn
Đã ký tên: Quan ba Roux
Bản 2
VỀ BÁO CHÍ VÀ DIỄN THUYẾT
Ở Đông Dương, về việc cai trị dân chúng, về việc giáo dục học đường cũng như về các phong tục tập quán ngày càng tệ hại, vậy mà người ta không biết nguyên do từ đâu.
Cho tới nay, đã xuất hiện nhiều sách do người An Nam viết, cũng như các bài căm hờn và ca thán về sự cai trị của người Pháp. Do đó, tôi nghĩ rằng sự phẫn nộ đó vẫn kéo dài cho đến nay. Các quan cai trị trước đây cũng đã có những biểu thị tốt để giải tỏa những tình cảm hận thù của dân chúng, tuy nhiên sự phẫn nộ đối với Chính phủ vẫn không hề mất.
Hiện nay, Ngài Bộ trưởng sẵn lòng muốn cho người An Nam tiến bộ, tôi xin Ngài cho phép ra các tờ báo làm kim chỉ nam hướng dẫn cho dân chúng lớp dưới. Bằng cách ấy, các tầng lớp thượng lưu cũng được mở rộng tầm nghe, thấy, điều đó sẽ giúp các quan chức cai trị xứ này dễ dàng hơn.
Nếu được như vậy những tờ báo này sẽ ấn định phương hướng cho sự giáo dục học đường và có thể sửa chữa phong tục, tập quán của người An Nam.
Trẻ em sẽ có nhà trường để học, người có học sẽ có sách báo để đọc; còn đám người dốt nát thì hiện chưa có cách gì (trong lúc này) để mở mang trí tuệ cho họ. Cho đến nay, đám người này thường hay gây lộn xộn và luôn luôn bị lừa gạt, cho nên, tôi xin cho lập các trụ sở diễn thuyết để dạy cho họ con đường ngay thẳng và cách thức trực tiếp cư xử cũng như sự hiểu biết điều hay, dở. Làm như thế cũng là tạo thuận lợi cho việc cai trị xứ sở.
Phan Châu Trinh
Nguyên văn tiếng Nam dịch ra tiếng Pháp. Làm tại Paris, ngày 2/6/1911
Sao nguyên văn
Đã ký tên: Quan ba Roux
Bản 3
VỀ CÁC ĐIỀU LUẬT VÀ VỀ VIỆC THÀNH LẬP TÒA ÁN BỔ SUNG
Luật pháp là việc hệ trọng hàng đầu trong một xứ và nếu không được thấm nhuần tinh thần công lý thì những tổn hại sẽ lại càng tăng. Trí khôn của dân chúng mỗi ngày mỗi phát triển thêm, mà cứ áp dụng luật cũ không thích hợp, đó là cái tệ nghiêm trọng nhất.
Cách thức cai trị mỗi ngày mỗi đổi khác, nếu cứ áp dụng luật cũ là là không theo kịp thời thế, đó là cái tệ thứ hai.
Trong các điều luật cũ có nhiều điều không công bằng, và vì thế, cho dù các quan chức cấp trên có tốt, tôi vẫn e rằng vẫn cứ tồn tại nhiều sự đè nén dân chúng, huống hồ nếu các quan hiện nay lại không có tình cảm tốt đối với dân mà lại cứ dùng luật cũ thì có khác nào chắp thêm cánh cho hổ, và dân chúng không còn sức kham nổi tình trạng đó. Đó là cái tệ thứ ba.
Ở Đông Dương, cái tổn hại tồi tệ nhất là chỗ quyền hành chính và quyền tư pháp ở trong cùng một tay; vì vậy dù quan có làm hại dân, dân cũng không dám nói gì; nếu có ai dám chống lại thì tội vạ sẽ đến ngay: nhẹ thì phạt tiền hoặc khổ sai, nặng thì bị đi đày, bị chém; đó là nguyên do sự ta thán của dân.
Trước đây tôi có đề nghị quan Toàn quyền lập các tòa án, nhưng một năm đã trôi qua mà tôi chẳng thấy gì.
Nay tôi vinh hạnh đề nghị Ngài Bộ trưởng, vốn đã biểu lộ ý định tiến hành những cải cách ở Đông Dương, cho cải tổ lại luật pháp, lập các tòa án bổ sung và phân quyền: các quan chức ngạch hành chính lo việc cai trị, quan chức ngạch tư pháp coi xử việc pháp luật. Làm như vậy, những thiệt hại mà dân chúng gánh chịu sẽ ngày càng bớt đi.
Phan Châu Trinh
Nguyên văn tiếng Nam dịch ra tiếng Pháp. Làm tại Paris, ngày 4/6/1911
Sao nguyên văn
Đã ký tên: Quan ba Roux
Bản 4
BÃI BỎ CÁC BIỆN PHÁP CẤM SÁCH TRUNG HOA
Lập hội dịch sách Pháp và sách Trung Hoa sang chữ Quốc ngữ và mở các phòng đọc sách.
Mấy năm gần đây, dân chúng An Nam rất xôn xao: những quy định ở Đông Dương cấm nhiều thứ sách Trung Hoa vì cho rằng những sách ấy kích động dân chúng căm ghét Chính phủ Pháp. Nhưng người ta đã không thấy được là tất cả những sách ấy đều có ích cho dân; như là các sách Âu châu cũng như sách Pháp đã được dịch sang tiếng Trung Hoa và cũng nhờ có các sách ấy mà những người biết chữ Nho được mở mang trí tuệ. Người ta cũng lại không nhận ra rằng: nếu triệt bỏ những sách ấy thì mọi người sẽ nghĩ rằng Chính phủ muốn để dân An Nam ngu tối và rằng do Nhà nước đã lập trường học tiếng Pháp nên loại trừ các sách Trung Hoa.
Vì vậy tôi đề nghị bãi bỏ các biện pháp cấm đoán đó và cho lập các hội dịch các sách Trung Hoa sang chữ Quốc ngữ cũng như cho lập các phòng đọc sách để tạo thuận lợi cho những người muốn học hỏi.
Phan Châu Trinh
Nguyên văn tiếng Nam dịch ra tiếng Pháp. Làm tại Paris, ngày 4/6/1911
Sao nguyên văn
Đã ký tên: Quan ba Roux
Bản 5
VỀ VIỆC ĐÓNG CỬA CÁC TRƯỜNG HỌC
Sự trừng phạt đối với những người lập trường học và việc họ bỏ trốn ra nước ngoài
Năm 1908, vào lúc dân chúng xin giảm thuế, một số người đã đứng ra lập các trường học cũng như một số thầy giáo đã bị bắt; còn các trường học của họ đều bị đóng cửa hết.
Ở Phú Lâm, một trường học cho con trai và con gái do dân hùn tiền lập đã bị các quan phá, rồi sửa lại làm chuồng ngựa và lập đồn.
Ở làng Thạnh Bình, một trường học cho con trai và con gái cũng do dân hùn tiền lập, trong hoàn cảnh tương tự đã bị lấy làm trường hàng tổng.
Trong làng tôi, có một trường học do dân mở, cũng bị lấy làm trường hàng tổng. Về số dư của tiền góp làm trường và để nuôi thầy giáo lúc này, tôi không rõ sự thể ra sao. Tôi không thể rõ vì từ lúc tôi bị bắt giam, mọi thư từ của gia đình tôi cũng như của bè bạn tôi gửi đến đều bị thu giữ cả.
Còn ở những làng khác, tôi cho rằng các trường học cũng bị triệt bỏ theo cách ấy.
Một số người đã lập hội buôn và hội học. Những người đó một khi bị bắt đều bị giam. Những người còn lại đã bỏ trốn ra nước ngoài. Tôi đề nghị xem xét lại: Trước hết là không buộc tội họ vì vốn họ không có tội gì để buộc. Hiện nay, chính quyền vẫn tìm bắt họ vì cho rằng họ muốn nổi loạn. Ngoài ra, tôi đề nghị trả lại cho dân chúng các trường học do họ đã lập nên và cho phép họ lập thêm các trường khác, để mỗi làng có một trường (vì mỗi tổng chỉ có một trường thì không đủ).
Phan Châu Trinh
Nguyên văn tiếng Nam dịch ra tiếng Pháp. Làm tại Paris, ngày 5/6/1911
Sao nguyên văn
Đã ký tên: Quan ba Roux