Biện chánh lại mấy lời phê bình của ông Phan Khôi

Biện chánh lại mấy lời phê bình của ông Phan Khôi  (1930) 
của Huỳnh Thúc Kháng

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6284 (28.10.1930) ; số 6285 (29.10.1930) ; số 6289 (4.11.1930)  ; số 6291 (6.11.1930)

Cuộc tranh biện nầy, - chắc độc giả ai nấy cũng còn nhớ - khởi đầu ra là do ông Phan Khôi, một người viết bài cho T.L.. Trong một bài nhan đề là Cảnh cáo các nhà học phiệt, ông Phan Khôi trách cái thái độ “nguội lạnh” của ông Phạm Quỳnh, chủ nhiệm Nam phong nhiều khi bị công kích về những việc quan hệ mà ông Quỳnh cũng đánh chữ làm thinh, chớ hề nói đi nói lại, ví dụ như hồi ông bị ông nghè Ngô Đức Kế công kích về việc kỷ niệm Nguyễn Du, cổ động Truyện Kiều. Trả lời cho ông Phan Khôi, ông Phạm Quỳnh lại viện lẽ rằng chuyện ông Nghè Ngô công kích ông ta bấy giờ, chẳng qua là “chuyện cá nhân, chuyện quyền lợi”, ông không cho là chánh đáng, nên chi ông làm thinh. Nhưng bên kia, ông Huỳnh Thúc Kháng, chủ nhiệm Tiếng dân, lại không thể “làm thinh” mà để cho ông Phạm Quỳnh nói động đến vong linh nhà chí sĩ Ngô Đức Kế : ông nghè Huỳnh bèn viết bài “chiêu tuyết”, cũng như trả lời thế cho nghè Ngô. Sau khi đọc bài “Chiêu tuyết”, ông Phan Khôi – đã làm thinh được một lúc – lại cầm viết mà phê bình, trách rằng bài của ông Huỳnh có nhiều chỗ hơi “thất thiệt”. Ông chủ báo Tiếng dân tuy niên đã cao, sức đã kém, nhưng hễ gặp những cuộc biện luận có nghĩa lý hẳn hòi, thì dẫu nói đến đâu ông cũng không biết chán. Bởi vậy nên đối với bài phê bình của ông Phan Khôi, báo Tiếng dân vừa rồi vẫn thấy có bài biện chánh.

Trung lập báo đã là cái diễn đàn chung của mọi người trong xã hội, thì đối với nhứt thiết những kẻ ăn nói đúng đắn, bổn báo đều rất lấy làm vinh dự mà đón rước cả hai tay. – TRUNG LẬP.

*

* *

Báo Tiếng dân số 317, tôi có bài Chánh học cùng tà thuyết chiêu tuyết những lời bài báng cho một người chí sĩ mới qua đời là ông Ngô Đức Kế, về sự bác học Kiều. Lời bài báng là của ông Phạm Quỳnh chủ báo Nam phong viết trong một bức thơ trả lời cho ông Phan Khôi về câu chuyện “Học phiệt”. Bởi cái mối dăng dính ấy mà ông Phan Khôi mới có mấy bài đăng báo Trung lập mới rồi phê bình bài “chiêu tuyết” của tôi.

Bài chiêu tuyết của tôi, chắc độc giả còn nhớ, mà ai đã đọc đến, tất nhiên hiểu rõ chỗ quan yếu độc nhứt trong bài ấy là phân biệt Chánh với Tà, chính ông Phan Khôi cũng công nhận là “nhứt ngôn cư yếu” nên trong mấy bài phê bình, ông cũng gác hẳn chỗ cốt yếu ấy ra ngoài mà chỉ trích những nơi “ức dương hiên chí” (nâng cao hạ thấp) như :quá binh ông Ngô, nói xoi ông Quỳnh… và tách riêng Truyện Kiều ra làm một nghề mỹ thuật mà không để lẫn vào trong vấn đề chánh học, xem thế thì rõ có lời phê bình ấy mà nền luận điểm của bài tôi càng vững vàng chắc chắn không vì cái cớ vụn vặt kia mà lay chuyển.

Song xét kỹ cái tánh chất bài ông không phải bài phê bình của học giả mà lại là bài biện hộ của trạng sư. Nếu những người xem văn mà đều có cái con mắt tinh, thấy chỗ dụng ý của ông thì tôi không cần biện lại ; khổ vì trong giới ta theo hạng thông thường ít kẻ đọc văn chịu xem xét cho kỹ mà mấy bài phê bình ông ý ít lời nhiều, có cái vẻ nhành rậm che gốc, mây nổi khuất trăng, e độc giả nhận lời ông mà sanh mối hiểu lầm. Vì thế mà tôi phải có bài biện chính nầy.

Trước khi nhập đề, xin thưa một điều, (điều nầy ngoài đề). Gần đây trong học giới ta, có biện luận điều gì, nhiều kẻ gia cho bốn chữ “tranh khí háo thắng” theo ý họ xem sự biện chiết trong trường ngôn luận học vấn là một điều xấu hổ bất chánh đáng hơn chuyện ghẹo nguyệt trêu hoa, mài miệt trong sóng tình bể sắc kia. Tôi vẫn không nhận sự tranh khí háo thắng là toàn phải, ví như vì sự thù vặt hiềm riêng mà nói càn cãi dỡ, thì tôi cũng cho là đê tiện mà không thèm làm, song những điều nghị luận quan hệ trong học giới mà có cái giá trị cần phải biện đi chiết lại, thì chính tôi đã mang tiếng bốn chữ nói trên mà tôi vẫn không từ là bởi hai cớ nầy :

1) Học giới ta, trừ một lối bình văn thi phú bát cổ ngày xưa ngoài ra tuyệt nhiên không có phong khí luận học như học giới các nước, tư tưởng trong học giới bó buộc là vì thế. Nay có Âu học truyền sang đánh đổ cái nền học giới chuyên chế ngày xưa, lại có một đôi tờ báo làm cơ quan cho con đường trao đổi ý kiến, thì đem ý kiến của mình mà thương xác cùng anh em thức giả trong nước, để gây ra một cái phong khí luận học, may có mở đôi chút trong đường tư tưởng tự do, ấy là việc cần nhứt trong học giới dở dang ta ngày nay.

2) Học giới non nớt ta ngày nay như thế, nên phần nhiều chưa rõ sự luận học mà có cãi nhau lại hay vượt ra ngoài phạm vi luận đề mà thành chuyện đấu khẩu không có cái giá trị đáng biện luận. Nay được một ít người lấy thái độ học giả, đem chỗ sở kiến dị đồng mà bình phẩm đến văn của mình, không khác gì một người sản bà đẻ hộ cho chân lý. Hiện ở học giới ta ngày nay mà không nói chuyện với người biết nói, biết nghe nói, thì nói với ai ? mà không phải là “thất nhơn” sao ? (Khả dữ ông nhi bất ngôn, thất nhơn).

Bởi cái lẽ trên nên đã biện luận thì phải tranh thắng, đã tranh thắng thì phải có văn khí mà lời có thẳng thì khí mới mạnh chớ lý đã không thẳng thì khí đã nổi rồi không gọi là khí được. Sự tranh thắng ấy không phải vì việc riêng mà cốt hộ vệ cho chân lý trong luận điểm của mình, thuyết mình có thành lập thì chân lý mình chủ trì đó mới đứng vững, ông Mạnh Tử đành mang tiếng “háo biện” cho là việc bất đắc dĩ, chính là vì thế, chớ văn không khí theo lối mô-lăng (rờ gốc nào cũng được), không khác gì mặc áo rộng địa mà đi múa gươm, thì tôi cũng xin chịu.

“Viết khế bán lừa, đến 3 tờ giấy mà chưa thấy chữ lừa” - câu ấy là người Tàu nhạo văn nhà bác sĩ (bác sĩ mại lư, tả khoán tam chỉ, vị kiến lư tự). Tôi nói dông dài nãy giờ, chính là phạm câu trên, mình không tự phụ là bác sĩ nhưng ai có nhạo thì mình lại được mang cái tên bác sĩ cũng không ngại gì, nay tôi xin nói ngay vào đề:

1) Ông Phan Khôi nói : câu tôi nói bài Chính học của ông Ngô là một bài trong ngàn bài khác là nói thêm. Tôi nói sự trước thuật trên là nói chung không chia Hán văn và quốc ngữ và nói về giá trị ; đã nói về giá trị thì một bài có thể giáp năm bảy trăm bài, tự ý tôi cũng không cho là quá đáng. Nay ông lấy số học mà buộc tôi đếm 1, 2,3,4 cho đến ngàn, cứ chỗ con mắt tôi đã thấy mà kể ra cũng tới số ấy (trong kể cả sao tập và dịch vì sao dịch không phải ai cũng như vậy đâu, ông Khổng Tử cũng thuật mà không làm kia) song đã nói giá trị tôi hãy gác những bài ông đã kể, cùng bao nhiêu bài phần riêng tôi được thấy, mà chỉ kể những bài phần nhiều anh em đã cùng thấy :

Bức thơ xin bỏ khoa cử năm 1905 có Võ Phương Trứ cùng thảo ; bài nầy lúc ấy có ảnh hưởng lắm. Bức thư gởi cho ông Tây Hồ lúc sang Nhật Bổn mới về, thơ nầy tôi còn nhớ một đoạn, trên 25 năm mà ngày nay còn nghiệm : “Hiện ngày nay những kẻ tự xưng tân học, chỉ thấy được một điều, hiểu được nửa bên mà đứng lên đề xướng cái nọ cái kia làm cho người ta lầm không phải là ít”. (Kim nhựt hiệu xưng tân học, tài đắc nhứt tri bán giải nhi vọng tự đề xướng, ngộ nhơn bất thiểu). Bản Thiên nhiên học hiệu ký (nói về văn ký sự thì bản nầy ít ai viết được).

Mấy bài ấy là ở ngoài văn cổ động mà ông đã kể. Tôi cũng xin gác luôn mấy bài ấy mà chỉ nói một bài độc nhứt, huyết thành chan chứa, nhãn quan tinh thấu, văn khí trầm uất mà bút thế lăng lệ, thật là một bài ít có, mà bài ấy chính ông thấy trước tôi, lại có lẽ thuộc nhiều hơn tôi, là bức thơ đặc 5 tờ giấy bốn biên bôi mực đen gởi cho một người bạn sau lúc được tha về Huế. Thế mà ông bỏ sót (hoặc không tiện nói cũng nên) ; như lấy cái nghĩa một chữ một giọt lệ, một chữ ngàn vàng mà kể thì chỉ một bài ấy đủ đương ngàn bài tôi đã nói kia.

Ai nghe câu tôi nói “ngàn bài” mà bĩu môi như thói làm sính của cô Kiều thì tôi không kể, đến như ông thì chắc rằng ông có bĩu môi cho ông Ngô là về phương diện “thị tài quả hiệp” kia (nghĩa là cậy tài ít ưa ai) chớ nhớ đến bức thư tôi nhắc trên thì tất nhiên đã đồng một mối hâm động cảm phục như tôi mà đốt hương than thầm lặp đi lặp lại rằng nhân vật hiện thời mà có người viết được một bài giá trị đệ nhứt như thế !

Thế là câu tôi nói ngàn bài có chút gì gọi là nói thêm đâu !

Tôi đã nhận bài Chánh học là chân chánh thì binh vực cái người làm bài chân chánh kia và chiêu tuyết lời vu báng kia chính là cái gốc trong luận điểm của bài tôi, mà dầu có ai cho là tư vị thì tư vị một người chí sĩ trọn đời đày đọa vì việc của nước, không hơn đem văn chương của mình mà binh vực cho một con đĩ Tàu sao ? (Tôi thú thật, tôi nói Kiều mà như ông bắt lỗi rằng nói xoi ông thì tôi cũng khó chối, vì ông có bài thân oan cho đĩ Võ Hậu).

Ông nói câu “ông Ngô không làm du ký Côn Lôn để mua danh” là nói xoi ông Quỳnh, thì thật là trái với cách luận học mà buộc cho học giới nhứt định phải tuyệt hẳn hai chữ biện luận mới tránh khỏi tiếng ấy : lịch sử Côn Lôn là chữ sẵn có trong bài ông Quỳnh, mà hai chữ du ký của tôi là nhân chữ lịch sử đó mà tự nhiên phát xuất một cái đối chiếu. Du ký cũng một món trong nghề học nên tôi phải thêm chữ “mua danh” theo để phân biệt với bên chính học kia.

Du ký ông Quỳnh, tôi không được thấy nhiều như ông (cũng có một vài bài), không biết ông Quỳnh có ý mua danh cùng không, như ông ấy không có ý mua danh thì câu nói du ký của tôi, chẳng qua là một câu giả thiết đứng về mặt phản diện, cho rõ cái giá trị bên chánh học mà thôi, không đích chỉ ai ; còn như ông ấy có ý mua danh thì câu ấy lại đúng với sự thật mà tương đối với bốn chữ lịch sử Côn Lôn kia, luận điểm vẫn chân chính không gọi là nói xoi được. Không những thế thôi, thuở nay thánh hiền luận học cần nhứt là câu nói trúng bịnh còn những lối gãi ngứa ngoài giày là lời nói không thiết thật cả. Ông Tử Lộ hỏi ông Khổng như hành binh thì đi với ai ?

- Trần mình bắt cọp, tay không lội sông, ta không đi cùng người ấy, ta chỉ đi với người gặp việc mà biết lo, nghe lời mà quyết đoán kia.

Ông Mạnh Tử sắp đi chầu vua Tề Vương, vua cho người mời, ông đã không đi triều lại đi dạo tới nhà khác chơi, người ta hỏi ông, ông kể những tước những đức những tuổi gì gì, rồi nói rằng : chỉ có một cái “tước” mà dám khinh dể người gồm có cả hai (đức tuổi) sao ? Ấy đó, cứ như lời ông nói thì câu “bắt cọp lội sông” kia là ông Khổng nói xoi thầy Tử Lộ mà câu “chỉ có một" nầy là ông Mạnh Tử nó xoi vua Tề Vương : Thánh hiền cũng không tránh hai tiếng nói xoi của ông được.

Đã làm một luận đề chánh và tà mà nói vàng không được nói đến thau, nói lúa không được nói đến cỏ, thì biện cái gì ? May mà tôi chỉ nói hai chữ “du ký” mà ông bắt ngặt như thế, nếu như tôi nói “làm văn mua danh” thì ông bảo nói thế là ngăn người đời làm văn hay sao ? Hai chữ “nói xoi” của ông, tôi nhứt định không nhận, vì tôi nhận tức là ngăn đón sự biện luận phân biệt trên con đường học vấn mà dung cho chánh tà lẫn lộn nhau.

Trong bài tôi ở đoạn sắp vào đề có câu : “. . . người tài học trổ từ lúc thiếu niên, nếu như thờ cái chủ nghĩa vinh thân phì gia, mượn lối văn chương để… thì sang trọng thông thái ấy làm đến đâu cũng thừa. Thế mà hy sinh cả thảy…”. Ông Phan Khôi cho câu ấy là : 1/ thất thiệt không chơn, 2/ trái với luận lý học, 3/ lối văn khoa cử, 4/ cũng hàm ý nói xoi. 5/ nói ra ngoài đề ; thế mà chưa lấy làm vừa còn buộc thêm một cái lỗi thứ 6 to tát hơn nữa là nói đến 2 chữ “hy sinh” ! Toàn bài phê bình thì đoạn nầy tỏ ý rất là nghiêm khắc, không chút kẽ tóc chưn tơ nào lọt ra ngoài con mắt và ngòi bút phát vi trích phục ấy (phát chỗ kín nhiệm và moi chỗ ẩn núp).

Chỉ một câu văn mà ngồi nghe quan tòa viện chứng dẫn luật, buộc đến 6 điều tội, không rõ cái án văn tự thuở nay, có ai được cái hân hạnh gặp tay quan tòa ghê gắt như thế không ? Song thế nào mặc lòng, mình chính là người nói câu ấy, mà tự nghĩ là còn có chỗ biện lại, thì dầu cho súng chỉ bên hông, gươm kề sát cổ, cũng biện bạch đôi lời, huống là tòa án dư luận, chỉ búa rìu bằng bút mà thôi. Vậy tôi hãy cãi đã :

Đoạn ấy tôi đã nêu trước hai chữ “nếu như” thì ai đọc đến cũng hiểu là một lời giả thiết. Tôi không rõ luận lý học có phép giả thiết ấy không, mà tôi cũng không cần nhắc lại lối văn khoa cử, tôi chỉ theo như lời ông Phan Khôi nói : Dịch theo Pháp văn mà giữ “temps de verbe” cho đúng thì là về “conditionnel passé ; il aurait été ; s’il avait eu”. Nhưng tôi cũng vứt cả lối văn thường sáo đó đi, mà nói đến văn dùng trong điều ước là thứ văn cân nhắc từ chữ, thương xác nhiều lần, mà cũng thấy có lối giả thiết ấy. Điều ước năm 1862 trong có câu : Nếu trong điều ước ấy, với một ngoại quốc nào, mà có nói tới vấn đề nhượng đất, thì phải có vua nước Pháp đồng ý mới được chuẩn định. (…si, dans le dit traité avec la nation étrangère, il est question de cession de territoire, cette cession ne pourra être sanctionnée qu’avec le consentement de l’Empereur des Français).

Trong lúc viết tờ hòa ước thì việc nước Nam nhượng đất với nước khác có thật sự đâu, chẳng qua giả định một cái dịp có thể xảy ra mà thôi ; như buộc là chơn thiệt thì có gì là chơn đâu, song trên thế giới nầy mà có câu chuyện “nước nầy nhường đất cho nước kia”, thì thuyết giả định ấy vẫn còn thực tại, dầu là nước Nam không nhượng đất cho nước khác nào.

Theo như lẽ trên thì tôi nói : “nếu như… làm thừa…”, không thể viện cái cớ may rủi trong quan trường kia mà bác hẳn đi được. Thuyết giả định ấy mà cho là thất thiệt, trừ ra khi nào ở nước ta tuyệt nhiên không có người tài học nào thờ chủ nghĩa… mà làm đạt cái mục đích “thông thái sang trọng” kia ; (tôi nói tài học là kiêm tân cựu chớ không chỉ thiên về tấn sĩ đại khoa, nói thông thái sang trọng chớ không nói làm quan to), chớ còn có một người trong hạng ấy, thì thuyết ấy vẫn thiệt tại, huống chi là sờ sờ trước mắt, co ngón tay đếm còn sợ sót kia mà ! Thông thái sang trọng, như ý tôi nói thì bước lên trên một vài bước nữa cũng còn là việc có thể có thực, nào có phải như câu chuyện “Xuân thu Chiến quốc kéo lại đời Đường Ngu Tam đại” là sự tuyệt nhiên không có đó đâu, mà ông đem ra so sánh ? Theo luật ông bắt “nói xoi”, thì chữ “tấn sĩ đại khoa kinh nghĩa văn sách” chính phạm cái luật ấy, nhưng tôi cho là nói tất cả từ triều Minh Mạng lại đây, ai có tên trên bảng hội bảng hương đều ở chung trong ấy, nên tôi không nhận mà lãnh riêng một mình. Mà cho là ám chỉ thì tôi cũng số một trong số chung kia thôi.

Ông nói câu ấy hàm ý xoi bói và nói ra ngoài đề thì cũng không nhằm :

Đối với độc giả mà nói, trên đầu đề tôi đã nêu : “chiêu tuyết những lời bài báng cho một người chí sĩ”, thì trong bài trước khi vào chính đề, lược kể qua đại tiết người chí sĩ ấy là lẽ tự nhiên. Như ông đã nói : Nhà phê bình có cái trách nhiệm nâng cao văn phẩm, nhà ngôn luận lại không có cái trách nhiệm ấy hay sao ? Chiêu tuyết là chiêu tuyết cho ai ? người thế nào mà mình phải chiêu tuyết ? Đó là những điều cần phải có, mà không bỏ sót được.

Huống chi dưới tôi lại có một câu tách riêng rằng : “xin gác lịch sử cá nhân ra ngoài mà chỉ tựu bài bác Kiều…” thì giới hạn trong luận đề, phân minh rành rẽ, sao ông lại cho là ngoài đề ? Còn nói hàm ý nói xoi thì trên tôi đã giải rồi. Vả cái đề là bác những lời bài báng trong một bức thơ kia, thì những chỗ ức dương trong luận điệu, nơi nào cũng cho là nói xoi được cả. Tức như ông phê bình bài tôi thì trong ấy cũng lắm chỗ nhận là nói xoi tôi được (như khoa cử tấn sĩ…) nhưng tôi không những không cho là nói xoi mà lại nhận là trúng bịnh, vì phê bình mà không có chỗ gãi ngứa thì có mùi gì đâu.

Đến câu cuối đoạn ấy, ông buộc tội cho tôi vì nói đến hai chữ “hy sanh” mà dụng thêm hai chữ “phú quý” đứng về mặt đối chiếu thì thật là tôi không ngờ, có lẽ ông nhập “người tôi” cả chung vào người trong đề làm một, mà bắt cho sâu sắc như thế. Nói thật, khi tôi viết bài ấy tôi chỉ nhận tôi là một nhà ngôn luận và trong con mắt tôi cho chăm vào hai chữ chánh tà mà thôi. Nhưng nói thế có người không tin, mà tôi cũng không cần ai tin, vì cái cớ như ông đã nói : khí cao một chút.

Nay tôi chỉ nói thấp thấp : yếu điểm bài tôi là biện biệt chánh học với tà thuyết và bác những câu “cá nhân quyền lợi” thì thế nào cũng phải có coi chứng gì để làm nền cho sự biện biệt ấy. Vậy “vinh phì sang trọng” tức là chính diện chữ cá nhân quyền lợi, mà “hy sinh” là về bên phản diện, tức là chí sĩ. Nếu như trong bài ấy không có câu “cá nhân quyền lợi” mà tôi bình không đem ra mà nói thì ông buộc là “còn xem thấy… còn chưa quên..” tôi cũng cảm phục. Nay đầu đề là phân biệt tà chánh mà ông hạ một cái cấm thể nghiêm nhặt rằng không được chỉ rõ thế nào là cá nhân quyền lợi, không được nói thế nào là không phải cá nhân quyền lợi, gọi đến tức là phạm cái tội “không quên... còn thấy…”, thì còn biện bạch cái gì ?

Theo như cấm thể của ông thì ông Khổng nói : “Họ Quý giàu hơn ông Châu Công”, ông Mạnh Tử nói : “Cái sang của họ Triệu họ Mạnh”, ông Thích Ca nói : “Ta không vào địa ngục thì ai vào”, ấy là Khổng Mạnh còn chưa quên cái giàu sang kia, mà ông Phật từ bi nầy cũng khoe sự khổ hạnh của mình sao ? Quả thế thì trong đời phải hỗn độn như một trái ổi mà không có cái gì gọi là tà và chánh, mà cũng không cần có luận biện gì nữa, thì cái cấm thể của ông mới khiến cho người ta khỏi phạm được.

Nói đến “tán dương Truyện Kiều” là cái nguyên nhân nảy ra bài “Chánh học tà thuyết” nói trên, thì ông Ngô đã bàn rõ, mà ông cũng gác riêng Truyện Kiều đứng về mặt nghệ thuật và ông lại nói rằng :

“Không rõ lúc bấy giờ ông Quỳnh có bảo đem Truyện Kiều mà làm sách “dạy học”, coi Truyện Kiều như sách giáo khoa không ? Nếu thật vậy thì đáng công kích thật…”.

Thế là bài Chánh học của ông Ngô cứ đứng vững vàng mà bài chiêu tuyết của tôi càng tỏ cái thái độ chính đáng mà không phải tây vị, lẽ tôi không phải bàn nữa. Song câu nói của ông trên, châm chước cân lượng rất là kỹ càng mà ở trong rõ là hàm cái ý chối khéo cho ông Quỳnh, có lẽ khiến cho độc giả mê cái giọng văn mà quên cả sự thực. Vì thế nên cần phải chỉ rõ chỗ ấy cho độc giả khỏi lầm và phụ vài lời phê bình thêm :

Trước khi tôi chưa thấy bài Chánh học của ông Ngô (năm 1921 tôi ra Huế chơi, ở nhà người nọ, nhân trên bàn có quyển báo Nam phong không nhớ số nào, nhưng chính mắt tôi thấy), giở vài tờ xem thì thấy một bài nói việc giáo dục trong có câu : “Nếu đem Truyện Kiều mà giảng thì không có thánh kinh hiền truyện nào bằng”. Sau lại nghe người ta đọc câu : “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn ; tiếng ta còn, nước ta còn…”. (Câu nầy có lẽ nhiều người nghe, có chứng chắc). Sau tôi có gởi cho ông Ngô một bức thơ chữ Hán mà ông đã có thấy. Trong thơ có câu : “Truyện phong tình mà tôn làm kinh thánh giáo, thơ hoa nguyệt mà chuộng làm báu tổ truyền (phong tình cổ lục, phụng vi thánh giáo chi truyện thơ, hoa nguyệt diễm từ, bảo tác tổ truyền chi văn hóa) ; lại nhắc luôn câu thi : “sách dạy ngày nay đĩ đứng đầu” cho ông nghe. Thế là sự ông Quỳnh bảo đem Truyện Kiều làm sách dạy, có cái thiết án chắc chắn, không ai cào mất dấu đi được. Ông Quỳnh có chuyện đề xướng ấy, tôi quyết hẳn rằng ông biết rõ nhiều hơn tôi kia. Thế mà câu văn ông nói lờ mờ tợ có tợ không, có ý che lấp sự thật ấy đi, thành ra bài Chánh học như tuồng ông Ngô bình không mà đặt chuyện.

Trên đời ai lại khỏi có điều lỗi ; có lỗi mà biết đổi, lại thành điều tốt. Ông Quỳnh ngày trước có đề xướng “đem Truyện Kiều làm sách dạy” song nhân bài Chính học kia công kích một cách chánh đáng mà tự biết điều lỗi ấy, không đề xướng điên khùng như trước, thì có hại gì.

Cần gì mà ông phải chối giùm ? (Xem bức thơ ông Quỳnh mới rồi, trong có câu : “Truyện Kiều đứng về mặt văn chương…” thì hình như đã có ý tri hối mà không còn có cái giọng hằng hải như trước, đủ rõ mãnh lực bài Chánh học có ảnh hưởng).

Ông nói nghề mỹ thuật, tôi cũng là một người biết thưởng nghề mỹ thuật nhiều ít, mà chính mình lại ham nữa : Nghĩ như câu đối chia buồn, bài thi tỏa cảnh, có bổ ích cho đời đâu, mà lắm khi vì một chữ một câu mà chạm trổ dồi mài cho đến quên ăn quên ngủ ; hiện ngày nay mà cái thói cũ không chừa. Tức như Truyện Kiều gần ba mươi tuổi mới được xem mà nhớ đã gần hết, nào có phải cây đá vô tình không biết thưởng nghề mỹ thuật đâu ?

(Khi xưa đi học, nghiêm cấm xem những tuồng truyện như thế, nên sau thi đỗ rồi mới được xem. Nói nhớ đây là tánh riêng trời phú, tự lúc nhỏ cho đến 30 tuổi, xem cái gì cũng dễ nhớ cả, chớ không phải vì cái hay riêng của Truyện Kiều. Nói thật cũng nhờ sự nghiêm cấm ấy mà ngày nay tôi mới còn là tôi).

Tuy vậy theo trí phán đoán cùng sự chủ trì của tôi thì trong một nghề mỹ thuật cũng có tà chánh chớ không phải là nhứt luật như nhau. Tôi xin hỏi ông và các độc giả :

Một bức tranh vẽ tích anh hùng cứu quốc, liệt nữ thủ trinh, với một bức tranh vẽ cái tích bợm điếm lừa người, lầu xanh rước khách, hai bức tranh ấy nói về mỹ thuật thì cũng tinh xảo như nhau mà người xem hai bức tranh ấy cảm tình có khác nhau không ?

Một nhà chụp ảnh, chụp một bức ảnh đám cưới hai người nam nữ thiếu niên, thân bằng dự lễ rất là trang nghiêm đường hoàng với một nhà kia chụp một bức ảnh, hai người thiếu niên nam nữ ẩn bóng núp hình, trèo tường trổ ngõ mà đính ước tư tình với nhau, hai bức cũng khéo tuyệt, rõ ràng cái chân tướng và thân tình như thấy trước mặt, mà người xem hai bức ảnh ấy, cảm tình có khác nhau không ?

Nói về mỹ thuật thì bốn bức tranh ảnh ấy, đồng là tinh diệu mà nói đến tánh chất bên trong và cả hình dạng bề ngoài thì ai cũng phải phân biệt là có tà có chánh ; mà nói đến cái sự cảm xúc trong tâm lý của người xem tranh ảnh tất nhiên cũng không đồng. Theo tánh người đời thấy vật cay chưa ăn mà chảy nước mắt, nghe đồ chua chưa thấy mà nhểu nước miếng, ấy là cái mối cảm giác tự nhiên. Bởi vậy cho nên đọc truyện anh hùng thì sinh lòng cảm khái, mà xem tuồng trăng gió thì sóng tình bồng bột mà nổi lên. “Ở trong hàng bán cá mắm với vào trong nhà chi lan, cái thơm cái thúi lâu mà hóa theo”, câu nói người xưa là đúng. Gần đây ở Thượng Hải có nhà chụp các ảnh dâm sự… mà chánh phủ Trung Hoa có lịnh nghiêm cấm, không phải sợ cái độc truyền nhiễm có hại trong nhân tâm thế đạo sao ? Mà Truyện Kiều không phải cũng loài dâm sự ấy ư ?

Câu nói “thương phong bại tục,… cái độc Kiều di hại….” mà ông lại buộc tôi làm biểu thống kê thì ông mới tin… Theo như ông thì cái gì có đếm được chắc chắn 1, 2, 3, 4 mới dám nói nhiều hay ít, còn không thì không nói được sao ? Theo ý tôi cùng những chỗ tôi đã nghiệm, thì ở xứ ta trừ những số thống kê chắc chắn như đoạn đường từ T đến X bao nhiêu cây số, tỉnh kia có bao nhiêu làng v.v… thật là xác trúng, còn cũng lắm điều xét số ghi trên mặt giấy thì rất là rõ ràng mà tra lại sự thật thì sai đi cũng nhiều.

Chỉ xem số đinh số điền một đôi làng, thì rõ sổ thống kê trên mặt giấy chẳng qua bằng cứ một số người khai báo nào đó mà viết theo, có phải toàn đúng với sự thật đâu. Đấy là tôi nói số thống kê có cái nên tin, cũng có cái không đúng, chớ không phải nói không nên làm thống kê cho đúng đâu. Bởi vậy nên số thống kê mà ông buộc cho tôi làm đó, chờ khi nào xứ ta có cái luật hôn thú nhứt định, các nhà thương không có người đẻ gian, vợ chồng lấy nhau phải làm lễ tại giáo đường, ở dân gian không có sự dụng tình ẩn nặc, thì khi ấy tôi sẽ làm một bản thống kê đích xác cho ông xem.

Còn câu tôi nói trên là theo lối trực giác (trông thấy mà biết) mà so sánh với nhau. Như nói : “Từ có các sở đồn điền cao su mà xứ mình nhiều người đi mộ phu hơn xưa ; từ có phong triều Âu hóa mà người mình đi ngoại quốc nhiều hơn trước", dầu không đếm được một, hai… song chắc cũng không trật. Xin kể qua một đôi điều :

Ngày trước (trên vài mươi năm chớ không xa, tức là sách Kiều chưa thông hành), trong đám học trò mà có một anh nào ra vào tiệm rượu hoặc mang tiếng ghẹo gió chơi trăng, thì ở trong nhà phụ huynh đã nghiêm trị, ra ngoài thầy bạn cũng răn he, mà thanh nghị cũng nhiều khi chỉ trích. Đó là nói nam giới, còn đối với nữ giới càng nghiêm hơn nữa. Vì thế mà những tấn kịch tà dâm phóng đãng ít hay xảy ra. Còn ngày nay thì thế nào ? Yên lâu kỹ quán qua lại ngày thường, rạp hát xóm đờn vào ra tấp nập, không những không lấy làm điều bất chính mà còn tán là phong nhã hào hoa.

Thậm chí ở trong trường học mà có cái phong triều “thủ xú”[1], lắm đứa trẻ con mười hai, mười ba tuổi mới viết được vài hàng quốc ngữ, đã bắt đầu viết bức thư tình ; ngoài ra còn nhiều điều không muốn kể nữa. Ngọn sóng đổ quán xiêu đình, làm cho cái nền đạo đức xưa hư sụp, rõ ràng như thế, vẫn có nhiều cớ mà cái mối gián tiếp trực tiếp do những kẻ đem cái độc Kiều mà gieo ra, không thể chối là toàn không được. Thế thì câu nói tôi đó vẫn có ý xót tục ghét đời, tuy không làm thống kê ra mà đếm được, nhưng không phải là không đúng sự thật.

Về đoạn nầy ông có dẫn chuyện văn học lý học, và những văn hào như Hàn Dũ, Tăng Củng mà minh chỉ vào tôi, tôi không dám nhận, song nói thật rằng : tôi là một nhà học giả (học giả nước Nam ta chớ không phải nói học giả nước khác), mà có cái chủ trì đặc biệt : Theo như ý kiến tôi, thì làm Hán nho tôi muốn làm Giả Nghị mà không thèm làm Dương Hùng, làm Thanh nho thì muốn làm Cố Định làm Vương Thuyền Sơn mà không muốn làm Ngô Mai Thôn[2]. Không những tôi tự muốn thế thôi mà tôi lại muốn cho học giả cũng xu hướng như thế, vì tôi thấy rõ cái nghề mỹ thuật mà những điều tôi nhận là tà là có hại cho nhân tâm thế đạo mà đã thấy rõ chỗ hại, thì lòng nào đã không ngăn được, lại còn thêm dầu vào lửa, ngồi xem ngọn khói nó bay mù ra hay sao ?

Thôi, về vấn đề nầy, tôi cùng ngài đều là trạng sư, song có điều nầy khác nhau : Tôi làm trạng sư cho một người chí sĩ đã qua đời và làm trạng sư cho tôi ; chẳng có công gì. Còn ngài, vì khêu mối ra nên cũng làm trạng sư mà làm trạng sư cho một vị văn sĩ đương cầm bút viết báo, viết sách. Ngài dầu không công, song hơn tôi một điều : là được nghe giọng ngâm Kiều êm ái kia.

HUỲNH THÚC KHÁNG

   




Chú thích

  1. "Thủ xú" : hiện tượng đồng tính ái trong học sinh nam giới ở Huế đương thời được nêu lên trong một vài tờ báo
  2. Dương Hùng, Ngô Mai Thôn văn hay mà thất tiết, nhân phẩm không giá trị gì. (nguyên chú của Huỳnh Thúc Kháng)