Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Rodham Clinton phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về Phụ nữ và Kinh tế
Westin Saint Francis
San Francisco, CA
Ngày 16 tháng 9 năm 2011
Xin chào!
Xin kính chào toàn thể quý vị. Cảm ơn quý vị rất nhiều. Tôi thực sự rất vinh hạnh được gặp gỡ quý vị ở đây hôm nay. Tôi đã nhận được các báo cáo về hội nghị của chúng ta và rất lấy làm phấn khởi khi được tham gia cùng với quý vị để thảo luận những vấn đề trọng tâm của Hội nghị Thượng đỉnh về Phụ nữ và Kinh tế lần này.
Trước hết, tôi muốn nói lời xin lỗi về việc chúng ta đã bắt đầu trễ. Tuy nhiên, có quá nhiều quan khách tới tham dự và vì đây là cuộc nhóm họp lớn nhất của các nhà ngoại giao lỗi lạc của thế giới được tổ chức tại San Francisco kể từ khi thành lập Liên Hiệp Quốc nên thậm chí chúng ta còn mất nhiều thời gian hơn nữa để đợi tất cả mọi người vào phòng họp. Phía bên ngoài hiện nay vẫn còn nhiều người mà chúng tôi hy vọng là họ sẽ có thể vào được. Trước khi bắt đầu bài phát biểu của mình, cho phép tôi ghi nhận một vài vị khách đặc biệt của chúng ta ở đây. Chúng ta có hai ngài Nghị sĩ là Zoe Lofgren và Jackie Speier. Xin cảm ơn các ngài đã có mặt tại đây cùng với chúng tôi.
Chúng ta cũng có hai ngài thị trưởng đáng kính có mặt tại đây. Tôi muốn chào mừng Thị trưởng Edwin Lee và phu nhân Anita của San Francisco. Xin mời Thị trưởng Lee? Và Thị trưởng Jean Quan đến từ Oakland. Xin cảm ơn sự hiện diện của các ngài. Và về phương diện cá nhân tôi muốn chào đón một nhân vật xuất sắc nữa là cựu Trưởng Lễ tân Hoa Kỳ, bà Charlotte Shultz. Cảm ơn bà, Charlotte.
Giờ đây, khi hội nghị thượng đỉnh này sắp kết thúc, chúng ta sẽ thông qua một tuyên bố mà lần đầu tiên trong lịch sử APEC sẽ khẳng định cam kết của tổ chức này cũng như của từng nền kinh tế thành viên trong việc cải thiện khả năng tiếp cận nguồn vốn và các thị trường cho phụ nữ, xây dựng năng lực và kỹ năng cho phụ nữ, hỗ trợ sự phát triển của các nữ lãnh đạo ở cả khu vực công và khu vực tư nhân. Tuyên bố này được thông qua tại San Francisco là rất phù hợp vì Hiến chương Liên Hiệp Quốc đã được ký 66 năm về trước tại Nhà hát Herbst ở cách đây chỉ có một dặm. Trên thực tế, Hội nghị Thượng đỉnh APEC mang chúng ta đến đây hôm nay cũng chính là một hoạt động kỷ niệm sự kiện quan trọng đó. Đây cũng là sự ghi nhận rằng lịch sử được làm nên ngay tại Thành phố San Francisco này. Bởi San Francisco là nơi gặp gỡ thích hợp cho cuộc hội luận về kinh tế của chúng ta. Bởi cộng đồng này vốn nổi tiếng về tinh thần dung hợp và về cơ hội cho tất cả mọi người. Do vậy, tôi xin thay mặt Hoa Kỳ và nhân dân Hoa Kỳ gửi đến mỗi quý vị và đất nước của quý vị lời chào mừng nồng nhiệt nhất, cũng như lời cám ơn chân thành về sự hiện diện của quý vị tại đây và đảm trách sứ mệnh vĩ đại này cùng với chúng tôi.
Những người đang quan sát và đưa tin về hội nghị và có lẽ ngay chính những người tham dự như chúng ta sẽ bị thôi thúc đưa ra tuyên bố nói rằng mục đích chính của chúng ta là thúc đẩy các quyền của phụ nữ, đạt tới sự công bằng và bình đẳng cho phụ nữ. Đây dĩ nhiên là một sự nghiệp cao cả và cũng là điều tôi rất tâm đắc. Tuy nhiên, dù tôi có thể bị xem là tương đối khiêu khích ngay từ ban đầu, tôi vẫn tin tưởng rằng mục tiêu của chúng ta thậm chí còn nhiều hơn thế. Chúng ta không chỉ hướng tới phụ nữ mà còn hướng đến toàn thể nhân loại. Thách thức lớn mà chúng ta đang phải đối mặt trong những năm đầu của thế kỷ 21 là làm thế nào để đưa các nền kinh tế tăng trưởng và đảm bảo rằng sự thịnh vượng sẽ được chia sẻ cho tất cả các quốc gia và tất cả mọi người. Chúng ta muốn mang đến cho mọi công dân, dù là nam giới hay phụ nữ, thanh niên hay người già, nhiều cơ hội hơn về việc làm, tích lũy tài chính và tiêu dùng, và cuối cùng là mưu cầu hạnh phúc để sống đúng với những tiềm năng mà Chúa trời đã ban cho riêng họ.
Nói đến tầm nhìn trên đây thì thật đơn giản và rõ ràng. Nhưng để hiện thực hóa điều đó, để đạt được mức phát triển kinh tế mà chúng ta kiếm tìm, chúng ta sẽ cần phải giải phóng một nguồn lực tăng trưởng quan trọng, có khả năng cung cấp sức mạnh cho các nền kinh tế của chúng ta trong nhiều thập kỷ tới đây. Nguồn lực tăng trưởng quan trọng ấy chính là phụ nữ. Khi các mô hình kinh tế đang bị kéo căng ở mọi nơi trên thế giới, không một ai trong chúng ta có thể duy trì mãi những rào cản đang kìm hãm những người phụ nữ trong lực lượng lao động. Bởi với việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào nền kinh tế và nâng cao hiệu quả cùng sức sản xuất của họ, chúng ta có thể tác động sâu sắc lên khả năng cạnh tranh và sức tăng trưởng của các nền kinh tế. Vì tất cả chúng ta sẽ có thể cùng trở nên giàu có hơn khi mỗi người đều có cơ hội tham gia vào đời sống kinh tế của một nước. Số người có khả năng đóng góp vào GDP toàn cầu sẽ lớn hơn. Khoảng cách giữa các nước phát triển và đang phát triển sẽ thu hẹp đáng kể khi sức sản xuất tăng lên ở các nền kinh tế từ Haiti đến Papua New Guinea.
Thế nhưng giấc mơ toàn cầu vĩ đại ấy sẽ không thể trở thành hiện thực nếu chúng ta chỉ mới dừng lại ở việc đi ven bờ cải cách. Thẳng thắn mà nói, nó cũng không thể đạt được nhờ bất kỳ cam kết đơn lẻ nào từ phía chúng ta. Trái lại, nó đòi hỏi một sự chuyển biển căn bản, một sự thay đổi về mô hình trong cách các chính phủ xây dựng và thực thi các luật và chính sách, cách các doanh nghiệp đầu tư và vận hành, cũng như cách mọi người đưa ra các lựa chọn của mình trên thị trường.
Theo tôi, bản chất chuyển hóa của nhiệm vụ trước mắt chúng ta không có gì khác so với những biến chuyển quan trọng khác trong lịch sử kinh tế thế giới. Ở thế kỷ 19, nhiều quốc gia bắt đầu chuyển dịch từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp. Tiếp theo sau đó, các phát minh và quá trình sản xuất hàng loạt của thời kỳ này đã tạo đà trong thế kỷ 20 cho sự phát triển của thời đại thông tin và nền kinh tế tri thức, kéo theo sự gia tăng chưa từng có về đổi mới và thịnh vượng.
Nhờ thông tin đã vượt ra khỏi các biên giới và tạo các cơ hội cho người nông dân tiếp cận ngân hàng qua điện thoại di động, trẻ em ở các làng bản xa xôi được học tập từ xa, tôi tin tưởng rằng vào lúc này đây, ở thời điểm đầu thế kỷ 21, chúng ta đang bước vào thời đại của hội nhập, trong đó từng cá nhân dù mang giới tính hoặc đặc điểm riêng biệt nào đi chăng nữa cũng vẫn sẵn sàng đóng vai trò là một thành viên có giá trị và có khả năng đóng góp cho thị trường toàn cầu.
Quá trình chuyển biến này đã diễn ra được một thời gian ở một số nền kinh tế APEC, trong khi ở những nơi khác quá trình đó mới chỉ được bắt đầu trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, ở tất cả các nền kinh tế, người ta thấy rằng tiến bộ diễn ra quá chậm chạp và quá chênh lệch. Mặc dù vậy, có một thực tế không thể chối cãi là mức tăng trưởng đã cao hơn ở nhiều nơi nhờ có thêm nhiều phụ nữ tham gia vào nền kinh tế và năng suất cũng gia tăng đáng kể với sự đóp góp năng lực cùng kỹ năng của phụ nữ. Và những nền kinh tế đang thực hiện việc chuyển đổi này một cách hiệu quả và nhanh chóng vượt trội đang vận hành đặc biệt tốt hơn so với các nền kinh tế chưa làm được điều đó.
Do đó, nếu chúng ta thực sự nghiêm túc về nhiệm vụ này, nếu chúng ta thực sự mong muốn mang tới sự bình đẳng cho những người phụ nữ trong lực lượng lao động cả về sự tham gia của họ lẫn cách thức họ tham gia, chúng ta cần dỡ bỏ những rào cản về cơ chế và xã hội vốn đang là các trở ngại đặt ra cho họ. Tôi không thúc giục điều này vì đó là việc đúng đắn cần làm cho dù tôi tin là như vậy, mà vì đó là điều cần phải làm vì lợi ích của con cháu và đất nước chúng ta. Vì làn sóng đang dâng cao của phụ nữ trong nền kinh tế sẽ làm tăng sự thịnh vượng cho các gia đình và các quốc gia.
Chồng tôi khi tranh luận rằng mọi cá nhân đều cần được tham gia thường nói chúng ta không thể lãng phí dù chỉ một người. Tôi cho rằng điều đó đúng. Trước thách thức to lớn của thời đại chúng ta đang sống, để tìm kiếm một cách có hệ thống và không ngừng nghỉ thêm nhiều cơ hội kinh tế hơn nữa ở tất cả các vùng đất của chúng ta, chúng ta không thể lãng phí bất kỳ cá nhân nào. Và chắn chắn là chúng ta cũng không thể lãng phí bất kỳ giới tính nào.
Hãy cùng xem các minh chứng. Giải phóng tiềm năng của phụ nữ và hội nhập họ đầy đủ hơn vào đời sống kinh tế của các quốc gia cần bắt đầu với việc xem xét phụ nữ đã và đang đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng như thế nào. 21 nền kinh tế thành viên của APEC nằm trong số những nền kinh tế năng động nhất thế giới. Cùng với nhau chúng ta mang đến hơn một nửa tổng sản lượng kinh tế toàn cầu. Và hơn 60% phụ nữ thuộc các nền kinh tế APEC nằm trong lực lượng lao động chính thức của chúng ta. Họ làm các công việc như mở cửa hàng, điều hành doanh nghiệp, thu hoạch mùa màng, lắp ráp linh kiện điện tử và thiết kế phần mềm.
Tờ Economist chỉ ra rằng tăng cường sử dụng lao động nữ ở các nước phát triển trong thập niên vừa qua đã đóng góp cho tăng trưởng toàn cầu nhiều hơn so với đóng góp từ Trung Quốc. Đó là một con số rất lớn. Ở Hoa Kỳ, một nghiên cứu của hãng McKinsey cho thấy phụ nữ từ chỗ nắm giữ 37% trong tổng số việc làm đã tiến đến gần mức 48% trong vòng 40 năm qua. Xét trên bình diện các thuật ngữ giá trị thuần túy, những phụ nữ này đã làm được tốt hơn những gì họ được trông đợi.
Các thành tựu về năng suất có được nhờ mức tăng khiêm tốn trong đóng góp của phụ nữ vào thị trường lao động chiếm xấp xỉ 1/4 GDP hiện tại của Hoa Kỳ, nghĩa là hơn 3,5 nghìn tỷ đô-la, lớn hơn GDP của Đức và lớn hơn một nửa tổng GDP của cả Trung Quốc và Nhật Bản cộng lại.
Chúng ta thấy triển vọng đã rõ ràng. Vậy vấn đề nằm ở chỗ nào? Nếu như phụ nữ đã và đang có những đóng góp nói trên vào tăng trưởng kinh tế thì tại sao chúng ta lại cần có sự thay đổi lớn về tư duy, trong các thị trường và các chính sách của mình? Tại sao chúng ta lại cần phải ra một tuyên bố chung của hội nghị này? Bởi vì minh chứng của tiến bộ chưa hẳn là minh chứng của thành công. Và chắc chắn rằng mức độ tiến bộ phụ nữ ở các nền kinh tế trong khu vực của chúng ta rất khác biệt nhau. Luật lệ, tập quán, và các giá trị phía sau phụ nữ vẫn là những rào chắn ngăn cản không cho họ hội nhập hoàn toàn.
Ở Hoa Kỳ cũng như tất cả các nền kinh tế APEC, hàng triệu phụ nữ vẫn đang phải đứng ngoài cuộc. Họ không thể tìm cho mình một vị trí có ý nghĩa trong lực lượng lao động chính thức. Và với một phần trong số những ai đã có thể gia nhập lực lượng lao động, họ vẫn đang bị hạn chế thực sự ở những bậc thấp hơn trên thang công việc với những dấu hiệu hết sức rõ ràng. Đồng thời, có cả một mạng lưới những giới hạn về pháp lý và xã hội đang kìm hãm tiềm năng của họ. Nói khác đi, phụ nữ đang phải đối mặt với một tấm trần nhà bằng kính ngăn cản họ tiến đến những vị trí cao cấp nhất trong công việc.
Trong nhóm 500 công ty toàn cầu hàng đầu do tạp chí Fortune bình chọn (Fortune Global 500), chỉ có 11 tổng giám đốc điều hành (CEO) là nữ, tức là ít hơn 3%. Nhiều phụ nữ ở một số vùng lãnh thổ thuộc APEC không được hưởng các quyền thừa kế giống như nam giới. Bởi vậy, họ không thể kế thừa tài sản hoặc doanh nghiệp do cha mình sở hữu. Một số không có quyền trao tư cách công dân cho con cái. Do đó gia đình họ có ít cơ hội được tiếp cận nhà ở và giáo dục hơn. Họ cũng phải thường xuyên gia hạn giấy phép cư trú, khiến cho công việc sinh nhai của họ trở nên khó khăn hơn. Một số thậm chí còn phải chịu các loại thuế khác với nam giới. Họ cũng thường xuyên bị từ chối cấp tín dụng và thậm chí bị cấm mở tài khoản ngân hàng, ký kết hợp đồng, mua sắm tài sản, tham gia vào doanh nghiệp hoặc khởi kiện mà không có người giám hộ là đàn ông. Có những phụ nữ kiếm được nhiều tiền gần như bằng nam giới trước khi có con, nhưng lại có thu nhập thấp hơn sau khi sinh nở và thậm chí còn thấp hơn nữa nếu họ là các bà mẹ đơn thân.
Những rào cản và hạn chế nói trên, cả chính thức và không chính thức, đã làm xói mòn khả năng của phụ nữ trong việc tham gia đầy đủ vào nền kinh tế và chu cấp cho gia đình cho dù với tư cách là người làm công hay chủ doanh nghiệp. Tất nhiên, những rào cản đó không phải là đặc thù của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Những biến thể của chúng có thể được tìm thấy ở khắp nơi trên thế giới. Nhưng vì đây là khu vực kinh tế năng động nhất thế giới nên những gì chúng ta thực hiện sẽ có tác động đến tất cả các nơi khác.
Một số rào cản là di sản của thời đại trước đây và vẫn không thay đổi dù trong bối cảnh các thực trạng kinh tế mới hoặc các định nghĩa mới về công bằng. Có những rào cản tìm cách duy trì một dạng trật tự kinh tế trong đó nam giới được đảm bảo có các công việc được trả lương cao hơn để chu cấp cho gia đình. Những rào cản khác lại phản ánh những chuẩn mực văn hóa lâu đời mà theo đó người ta tin rằng phụ nữ cần được bảo vệ khỏi các công việc được cho là nguy hiểm hoặc không có lợi cho sức khỏe của họ.
Trên thực tế, điều nguy hiểm chính là việc khước từ không cho bản thân chúng ta được hưởng mức tăng trưởng kinh tế cần thiết để có thể xây dựng các xã hội vững mạnh hơn. Và điều không lành mạnh chính là ngăn cản phụ nữ có cơ hội đóng góp trọn vẹn vào sự tăng trưởng đó. Bởi vì điều này ngăn cản tất cả mọi người mà trước tiên là gia đình của họ được có cơ hội trở nên giàu có hơn.
Các trật tự kinh tế không tồn tại mãi mãi. Chúng được lập và tái lập thông qua vô số những quyết định lớn nhỏ được các nhà hoạch định chính sách kinh tế, lãnh đạo chính trị, quản trị doanh nghiệp đưa ra. Bởi vậy, nếu muốn thấy sự cải thiện trong các cơ hội cho phụ nữ, chúng ta cần bắt đầu với những chính sách kinh tế đúng đắn có khả năng giải quyết dứt điểm những thách thức đặc thù đang kìm hãm phụ nữ. Và đây là nguyên nhân: Một báo cáo của hãng Goldman Sachs cho thấy giảm bớt các rào cản đối với sự tham gia của lực lượng lao động nữ đã làm tăng GDP của châu Mỹ lên 9% như thế nào. Phải thừa nhận rằng những rào cản như vậy vẫn còn tồn tại. Tháo gỡ chúng sẽ giúp tăng GDP của khu vực đồng Euro lên 13% - họ cần điều này - và của Nhật Bản lên 16%. Giải phóng tiềm năng của phụ nữ nhờ thu hẹp khoảng cách về giới có thể mang lại mức tăng 14% cho thu nhập bình quân trên đầu người đến năm 2020 ở nhiều nền kinh tế APEC, trong đó có Trung Quốc, Nga, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Hàn Quốc.
Thu nhập tăng hiển nhiên đồng nghĩa với tăng chi tiêu. Điều này tự thân nó sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa. Và ở đây cũng vậy: phụ nữ có sự đóng góp mạnh mẽ. Một khảo sát do hãng Boston Consulting Group (BCG) thực hiện kết luận rằng đến năm 2014 phụ nữ sẽ quản lý 15 nghìn tỷ đô-la dành cho chi tiêu trên toàn cầu. Và đến năm 2028, cũng theo BCG, phụ nữ sẽ chịu trách nhiệm đối với khoảng 2/3 tổng giá trị chi tiêu tiêu dùng trên toàn thế giới.
Xem xét các số liệu này kỹ hơn, chúng ta sẽ nhìn thấy những lợi ích tích cực xuất phát từ cả chất lượng chi tiêu lẫn khối lượng tiết kiệm do phụ nữ đảm trách. Bởi nhiều nghiên cứu đã cho thấy phụ nữ dành phần nhiều hơn trong thu nhập do họ kiếm được cho thực phẩm, chăm sóc y tế, sửa sang nhà cửa, giáo dục con cái và cho bản thân. Nói tóm lại là họ tái đầu tư. Và kiểu chi tiêu này tác động theo cấp số nhân, mang đến kết quả là có thêm nhiều công ăn việc làm mới được tạo ra và các nền kinh tế địa phương trở nên đa dạng hơn. Điều đó đến lượt mình có thể giúp đảm bảo rằng người dân sẽ khỏe mạnh hơn và được giáo dục tốt hơn, đồng thời giúp giảm nhẹ các tác động xấu trong các tình huống suy thoái của thị trường.
Nghiên cứu trên cũng cho thấy phụ nữ để dành tiền tốt hơn nam giới. Điều này có làm ai trong số các quý vị phụ nữ có mặt ở đây ngạc nhiên không? Số liệu từ 20 nước bán công nghiệp gợi ý rằng cứ với mỗi 1% tăng thêm trong phần đóng góp của phụ nữ vào thu nhập gia đình thì tổng khối lượng tiết kiệm gia đình sẽ tăng xấp xỉ 15 điểm cơ bản. Tỉ lệ tiết kiệm cao hơn cũng sẽ dẫn đến cơ sở tính thuế cao hơn.
Hội nhập phụ nữ hiệu quả hơn vào quá trình doanh nghiệp đầu tư, bán sản phẩm ra thị trường và tuyển dụng lao động cũng mang lại các lợi ích về lợi nhuận và quản trị doanh nghiệp. Trong một khảo sát của hãng McKinsey, 1/3 các lãnh đạo doanh nghiệp được hỏi cho biết họ thấy lợi nhuận tăng lên nhờ đầu tư vào việc trao quyền cho phụ nữ ở các thị trường mới nổi. Nghiên cứu cũng cho thấy tương quan mạnh mẽ giữa mức độ đa dạng cao hơn về giới ở các cấp lãnh đạo doanh nghiệp với hoạt động của doanh nghiệp. Ngân hàng Thế giới thấy rằng nhờ xóa bỏ tình trạng phân biệt đối xử với các nữ công nhân và nữ quản lý, các nhà quản lý có thể tăng năng suất của mỗi công nhân lên đáng kể từ 25 đến 40%. Giảm bớt các rào cản vốn vẫn đang ngăn cản phụ nữ làm việc trong một số lĩnh vực nhất định có thể giúp thu hẹp khoảng cách năng suất giữa các nam và nữ công nhân từ 1/3 đến một nửa ở nhiều nước.
Những thành tựu này có được là do dỡ bỏ các rào cản đồng nghĩa với việc có thể sử dụng hiệu quả hơn tài nghệ và kỹ năng của phụ nữ. Trong thế giới toàn cầu hóa của chúng ta hiện nay, lợi thế cạnh tranh này có tầm quan trọng hơn bao giờ hết. Tất cả những điều trên nhấn mạnh điểm chính của tôi: Giải phóng tiềm năng kinh tế của phụ nữ sẽ giúp chúng ta sẽ nâng tầm hoạt động kinh tế của các cộng đồng, các quốc gia và thế giới.
Hãy lấy một khu vực trong nền kinh tế của chúng ta là nông nghiệp để minh họa cho điều tôi muốn nói. Chúng ta biết rằng phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng dựa vào nông nghiệp trên phạm vi toàn cầu. Nông nghiệp là một động cơ phát triển mạnh mẽ như chúng ta đã thấy qua sự trỗi dậy đáng chú ý của Trung Quốc và Ấn Độ. Và phụ nữ chiếm gần một nửa lực lượng lao động nông nghiệp ở nhiều nền kinh tế APEC. Họ duy trì mọi mắt xích trong chuỗi sản xuất nông nghiệp: gieo hạt, chăm gia súc, thu hoạch mùa màng, bán nông phẩm tại các chợ, tích trữ và chế biến thực phẩm.
Nhưng với vai trò của phụ nữ trong nông nghiệp ngày nay, bất chấp việc họ tham gia vào tất cả các khía cạnh của đời sống nông nghiệp, phụ nữ vẫn có ít thứ để nói hơn về công việc của mình. Năng suất của các nữ nông dân thấp hơn so với nam giới đến 30%. Điều đó không phải do họ làm việc ít hơn hoặc kém chuyên tâm hơn mà vì họ có ít nguồn lực hơn. Họ có ít phân bón hơn, ít nông cụ hơn, hạt giống của họ có chất lượng thấp hơn. Họ cũng ít được đào tạo hoặc có ít đất đai hơn. Thời gian dành cho việc đồng áng của họ cũng ít hơn bởi phụ nữ còn phải đảm trách hầu hết các công việc nhà. Nhưng khi khoảng cách về nguồn lực đó bị xóa bỏ và các nguồn lực được phân bổ đồng đều, và còn tốt hơn nữa nếu chúng được phân bổ hiệu quả, thì phụ nữ và nam giới sẽ có năng suất như nhau trong nông nghiệp. Điều này sẽ mang lại những lợi ích tích cực. Ví dụ như ở Nepal, các bà mẹ có nhiều đất đai hơn nhờ quyền thừa kế của họ, bởi thế số trẻ em bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng ở đây cũng thấp hơn.
Vì vậy, ở đây chúng ta đang có một cơ hội thúc đẩy tăng trưởng ở các nền kinh tế đang phát triển cùng lúc sản xuất ra khối lượng thực phẩm lớn hơn và với giá thành thấp hơn cho hành tinh của mình. Theo nhận định của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc, khép lại khoảng cách nguồn lực vốn đang kìm hãm phụ nữ ở các nền kinh tế đang phát triển sẽ cho phép chúng ta cung cấp lương thực cho thêm 150 triệu người trên toàn thế giới mỗi năm, bên cạnh việc mang lại thu nhập cao hơn cho các hộ gia đình, giúp các thị trường vận hành hiệu quả hơn, tạo ra thông thương nhiều hơn trong nông nghiệp.
Tác động tương tự cũng có thể được tìm thấy ở các khu vực khác trong nền kinh tế, do chúng ta biết rằng phụ nữ có tinh thần doanh nhân hết sức mạnh mẽ. Phụ nữ đứng đầu hơn một nửa triệu doanh nghiệp ở Indonesia và gần 400.000 doanh nghiệp ở Hàn Quốc. Họ làm chủ toàn bộ 20% trong tổng số các doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc. Trên toàn khu vực châu Á, phụ nữ đã và đang tiếp tục thống lĩnh các ngành sản xuất nhẹ vốn được chứng minh là có vai trò thiết yếu cho sự cất cánh của nền kinh tế khu vực. Các nhà kinh tế học dự đoán rằng các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, hiện đang chiếm 16% trong tổng số lượng công ăn việc làm của Hoa Kỳ sẽ tạo ra gần 1/3 số công việc mới được dự đoán cho 7 năm tới đây.
Với những minh chứng kể trên, sẽ không nhiều ngạc nhiên khi Báo cáo Khoảng cách về giới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) khẳng định tương quan trực tiếp giữa khoảng cách về giới và năng lực sản xuất kinh tế - khoảng cách giới càng nhỏ thì năng suất càng cao. Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab đã kết luận rằng “Nếu một quốc gia muốn phát triển và thịnh vượng thì phụ nữ và trẻ em gái cần phải được đối xử bình đẳng”. Tuyên bố sẽ được chúng ta thông qua tại đây hôm nay có thể bắt đầu khép lại khoảng cách về giới đó nhờ tạo điều kiện cho nhiều phụ nữ hơn giải phóng tiềm năng của họ trong tư cách là các công nhân, doanh nhân và lãnh đạo doanh nghiệp.
Tuyên bố của chúng ta có các mục tiêu hết sức cụ thể. Chúng ta cam kết tạo khả năng tiếp cận nguồn vốn cho phụ nữ để các nữ doanh nhân có thể biến ý tưởng của mình thành các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây vốn là nguồn tạo ra nhiều tăng trưởng và việc làm. Chúng ta kêu gọi rà soát và cải tổ các hệ thống luật pháp, quy định để phụ nữ có thể sử dụng tối đa các dịch vụ tài chính. Những cải cách này còn có thể giúp đảm bảo rằng phụ nữ sẽ không phải hy sinh vấn đề an sinh của con cái để theo đuổi sự nghiệp kinh doanh.
Chúng ta cần nâng cao khả năng tiếp cận thị trường cho phụ nữ để những ai mở doanh nghiệp có thể duy trì công việc làm ăn của mình. Ví dụ, chúng ta cần giải quyết cái gọi là các vấn đề bất tương xứng về thông tin, tức là việc phụ nữ không được biết về các chương trình trợ giúp kỹ thuật và thương mại hiện có như mới được thảo luận trong phần nói về nông nghiệp.
Chúng tôi đang thực hiện hai chương trình của Bộ Ngoại giao nhằm tạo hình mẫu cho các giải pháp được nói đến ở trên. Một là chương trình Đường tới Thịnh vượng. Chương trình này liên kết các nhà hoạch định chính sách và các lãnh đạo thuộc khu vực tư nhân ở 15 quốc gia trên toàn châu Mỹ. Nó có mục đích giúp các chủ doanh nghiệp nhỏ, nông dân và thợ thủ công mở rộng việc làm ăn kinh doanh cả ở cấp địa phương lẫn thông qua giao thương cấp vùng. Hai là chương trình Tinh thần doanh nhân phụ nữ gốc Phi hướng đến phụ nữ thuộc các quốc gia trong khuôn khổ Đạo luật Cơ hội và tăng trưởng cho châu Phi (AGOA). Chương trình này cung cấp thông tin và công cụ nhằm giúp họ tận dụng những lợi ích mà AGOA mang lại.
Và cuối cùng, chúng ta cần hỗ trợ sự phát triển của các nữ lãnh đạo ở cả khu vực công và tư nhân. Bởi họ mang đến kinh nghiệm và sự am hiểu trực tiếp về các thách thức nói trên, đồng thời tầm nhìn của họ sẽ có đóng góp giá trị khi chúng ta xây dựng các chính sách và chương trình nhằm xóa bỏ rào cản để hội nhập phụ nữ vào tất cả các khu vực của nền kinh tế.
Nhiều doanh nghiệp đã và đang tiến hành những bước quan trọng để đạt được các mục tiêu kể trên. Goldman Sachs đang đào tạo cho các nữ lãnh đạo doanh nghiệp thuộc thế hệ kế cận ở các nền kinh tế đang phát triển với chiến dịch “Mười ngàn phụ nữ”. Chiến dịch “5 đến 20” của Coca Cola có mục tiêu hỗ trợ 5 triệu nữ doanh nhân trên toàn cầu đến năm 2020. Và chính trong tuần này, Wal-Mart tuyên bố sẽ dùng sức mua của mình hỗ trợ các nữ doanh nhân thông qua việc tăng gấp đôi số lượng hàng hóa mà Wal-Mart sẽ mua từ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trên toàn cầu, có giá trị lên tới 20 tỉ đô-la đến năm 2016. Thêm vào đó, Wal-Mart cũng sẽ đầu tư 100 triệu đô-la giúp phụ nữ phát triển các kỹ năng nghề nghiệp, trong đó bao gồm những nữ công nhân đang làm việc trên các nông trường và trong các nhà máy ở nước ngoài là các nhà cung cấp của Wal-Mart.
Những chương trình này chỉ là bước khởi đầu cho một sự chuyển biến lâu dài mà chúng ta cần được thấy trong cách các doanh nghiệp trên toàn cầu đầu tư vào phụ nữ.
Tôi không hề xem nhẹ những khó khăn trong việc bắt đầu cái mà tôi gọi là kỷ nguyên của sự tham gia. Thay đổi về pháp lý đòi hỏi ý chí chính trị. Thay đổi về văn hóa và hành vi đòi hỏi ý chí xã hội. Tất cả những điều này đòi hỏi vai trò lãnh đạo của các chính phủ cũng như của xã hội dân sự và khu vực tư nhân. Thậm chí ngay cả khi các quốc gia theo đuổi những cải cách năng nổ về cơ chế để đưa nhiều phụ nữ hơn tham gia vào nền kinh tế và tăng sức sản xuất của họ, thì không phải lúc nào họ cũng đạt được những kết quả như chúng ta mong muốn. Chúng ta cần chấp nhận điều này. Sự kiên trì là một phần trong kế hoạch dài hạn của chúng ta.
Trong khi các trật tự kinh tế có thể khó thay đổi và các chiến lược chính sách dù đúng đắn đến đâu nhưng cũng chỉ mới đưa chúng ta tiến xa tới mức như hiện nay thì tất cả chúng ta cần có sự lựa chọn. Chúng ta sẽ không chỉ đơn thuần dỡ bỏ các rào cản mà còn phải thực sự tham gia và đầu tư tích cực. Quý vị hiện diện tại đây hôm nay là các nhà lãnh đạo trong khu vực APEC. Quý vị đã lựa chọn việc đến đây, cũng như đã lựa chọn việc dành trọng tâm thảo luận vào vấn đề phụ nữ và nền kinh tế. Điều này sẽ phát ra một thông điệp có sức lan tỏa khắp khu vực APEC. Và vô số những quyết định sẽ được các lãnh đạo và người dân đưa ra để khuyến khích các trẻ em gái tiếp tục đến trường, thâu lượm kỹ năng, nói chuyện với cán bộ ngân hàng, hiểu rõ ý nghĩa việc cung cấp tín dụng cho một phụ nữ mà người đó sẽ làm việc với toàn tâm trí để mang lại kết quả cho con cái và bản thân mình. Khi làm điều đó, chúng ta sẽ thực sự tạo ra sự khác biệt lớn trong việc nâng thời đại cho sự tham gia của phụ nữ lên tầm cao mới.
Chúng ta cũng cần chú trọng đến nhiều lĩnh vực khác. Cần đảm bảo rằng những đồng đô-la dành cho nghiên cứu y tế của chúng ta được đầu tư bình đẳng cho cả nam giới và phụ nữ. Các hệ thống thuế của chúng ta cần đảm bảo rằng phụ nữ sẽ không bị phân biệt đối xử dù vô tình hay cố ý. Đồng thời, phụ nữ cũng cần được cung cấp các cơ hội bình đẳng để trở thành những thành viên hữu ích và có đóng góp cho xã hội.
Nhưng theo tôi, thế giới của chúng ta hôm nay cần có những ý tưởng lớn và táo bạo bởi nhiều việc chúng ta làm đã không mang lại những kết quả mong muốn. Sẽ xuất hiện một hiệu ứng có sức khích lệ và lan tỏa khi phụ nữ có khả năng tiếp cận tốt hơn đến công ăn việc làm cũng như đến vận hội kinh tế của gia đình, cộng đồng và đất nước mình. Nhiều người nói rằng điều đó sẽ mang đến đủ mọi loại lợi ích. Tuy nhiên, tôi muốn giữ thái độ khiêm tốn về các mục tiêu của chúng ta. Đúng thế, tôi cho rằng điều đó sẽ giúp tạo ra nhiều lương thực hơn, mang đến nhiều cơ hội giáo dục hơn và giúp tình hình tài chính ổn định hơn cho nhiều gia đình hơn nữa trên thế giới. Mọi thành tố trong xã hội sẽ cùng được hưởng lợi từ điều đó.
Thế nhưng tuyên bố của chúng ta sẽ là vô nghĩa nếu chúng ta không lấy ý chí và nỗ lực của mình làm nền tảng cho nó. Tôi nghĩ rằng hội nghị này sẽ có thể đi vào sách sử nếu trong những năm tới đây, người ta nhìn lại và nói rằng hội nghị ấy ở San Francisco đã quy tụ tất cả những nhân vật quan trọng của toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương và đã đề cập đến những điều mà trước đây chưa từng được nói đến. Họ đã không chỉ dừng lại ở việc khẳng định rằng hội nhập phụ nữ là điều tốt hoặc điều đúng đắn cần làm. Họ còn cùng nhau suy nghĩ và đưa ra một tuyên bố mà qua đó họ cam kết sẽ thực sự loại bỏ các chướng ngại vật, bởi điều này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả những người được chúng ta đại diện.
Chúng ta cũng cần đánh giá những tiến bộ đã đạt được để đảm bảo rằng chúng ta đã theo sát điều mình quan tâm. Tất nhiên chúng ta vẫn thường xuyên làm việc đó trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng ở đây, việc đó sẽ cần phải được làm trên phạm vi xuyên quốc gia và trên toàn khu vực. Tôi tin chắc rằng nếu chúng ta rời hội nghị này và trở về với các chính phủ và doanh nghiệp của mình, chú tâm vào việc làm thế nào để cải thiện vấn đề việc làm, giảm nợ quốc gia, tạo ra thông thương mạnh mẽ hơn nữa giữa các nước trong khu vực, giải quyết tất cả các vấn đề đó, đồng thời luôn lưu tâm về những gì có thể được làm tiếp nhằm đảm bảo rằng phụ nữ sẽ góp phần vào những thành tựu vừa kể, thì chúng ta sẽ nhìn thấy tiến bộ. Chúng ta sẽ đi đầu không chỉ trong việc khẳng định điều mà theo chúng ta là cần thiết phải làm, mà còn cả trong việc đánh giá đo lường và hiểu rõ những thành tựu của chúng ta.
Với tâm niệm rằng chúng ta đang cùng nhau đi trên một chặng đường dài, tôi muốn cảm ơn quý vị đã nhóm họp tại đây, ở San Francisco. Tôi thấy ở đây những người bạn đến từ khắp nơi trong khu vực, đại diện cho các quốc gia mà ở đó đã chứng kiến những tiến bộ đáng kinh ngạc trong 50 năm hay thậm chí là 30 năm qua. Chúng ta sẽ cần có thời gian. Chúng ta sẽ cần có những nỗ lực tổng hợp. Nhưng tôi tin rằng nếu bắt tay vào việc theo đuổi một triển vọng về thời đại cho sự tham gia của phụ nữ, giải phóng và khai thác tiềm năng kinh tế của phụ nữ, chúng ta sẽ nhìn thấy một tương lai mới tốt đẹp hơn.
Bởi thế, tôi rất vinh dự được có mặt tại đây và thay mặt cho nhân dân Hoa Kỳ chứng kiến điều mà sẽ được bắt đầu ở ngay chính tại San Francisco này vào ngày 16/9/2011. Đây là khởi đầu của một tương lai vô cùng hứa hẹn cho tất cả chúng ta. Xin cảm ơn quý vị rất nhiều.
Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì nó là một tác phẩm của chính quyền liên bang Hoa Kỳ (xem 17 U.S.C. 105).
Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì nó là một tác phẩm của chính quyền liên bang Hoa Kỳ (xem 17 U.S.C. 105).