Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tình hình nhân quyền năm 2009

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tình hình nhân quyền năm 2009  (2010) 
của Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam dịch

Báo cáo được công bố ngày 11/3/2010.

LỜI TỰA

Ý tưởng nhân quyền bắt nguồn từ cam kết cơ bản về phẩm giá con người là đặc quyền mà bất cứ ai dù là nam giới, phụ nữ hay trẻ em đều có khi chào đời. Những tiến bộ trong quá trình thúc đẩy nhân quyền luôn đi kèm với những thực tế. Trong 34 năm qua, Hoa Kỳ đã và đang xây dựng Báo cáo về tình hình nhân quyền ở các nước, là nguồn dữ liệu tổng quan nhất về tình hình nhân quyền trên toàn thế giới.

Báo cáo này là một công cụ quan trọng – dành cho các nhà hoạt động chính trị những người đấu tranh không sợ hãi để bảo vệ quyền lợi của các cộng đồng trên toàn thế giới; cho các nhà báo và các học giả những người ghi lại các hành vi xâm phạm quyền và báo cáo về công việc của những người đấu tranh bảo vệ kẻ yếu; cho các chính phủ, kể cả chính phủ của chúng ta, trong quá trình xây dựng những chiến lược khuyến khích mục tiêu bảo vệ nhân quyền cho thêm nhiều người ở thêm nhiều địa điểm khác.

Nguyên tắc mỗi con người đều sở hữu một giá trị đạo đức bình đẳng là sự thật đơn giản hiển nhiên; song làm sao để đảm bảo một thế giới trong đó mọi người đều có thể thực hiện được những quyền tự nhiên của mình lại là một thách thức to lớn trên thực tế. Để xây dựng một chính sách nhân quyền có hiệu quả, chúng ta cần phải đánh giá tình hình một cách thấu đáo và chính xác ở những nơi chúng ta muốn tạo ra sự khác biệt. Chúng ta cần hiểu biết một cách thấu đáo và chiến lược về việc làm thế nào để quản lý dân chủ và phát triển kinh tế đều có thể góp phần vào việc hình thành một môi trường trong đó nhân quyền được bảo đảm. Chúng ta cần phải thừa nhận rằng nền dân chủ biết bảo vệ nhân quyền và sự phát triển biết tôn trọng nhân quyền sẽ củng cố cho nhau. Và, chúng ta cần tới những công cụ đúng đắn và các đối tác phù hợp để thực hiện các chính sách của mình.

Nhân quyền là vấn đề xuyên thời gian, song những nỗ lực của chúng ta trong việc bảo vệ các quyền đó phải được đặt nền móng ngay từ bây giờ. Chúng ta đều nhận thấy, thời điểm hiện nay, ngày càng nhiều chính phủ áp dụng những biện pháp hạn chế mới méo mó đối với các tổ chức phi chính phủ hoạt động vì mục đích bảo vệ nhân quyền và tăng cường ý thức trách nhiệm. Các công nghệ mới đã được chứng minh là có tác dụng đối với cả những kẻ đàn áp và cả những người đấu tranh để vạch trần sự thất bại và hèn nhát của những kẻ đàn áp đó. Những thách thức toàn cầu của thời đại chúng ta – như vấn đề an ninh thực phẩm và biến đổi khí hậu; dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế và chủ nghĩa cực đoan – đang tác động tới việc tận hưởng nhân quyền ngày nay và bối cảnh chính trị toàn cầu làm cho chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy nhân quyền trong thời gian tới.

Nhân quyền là vấn đề có tính phổ biến, song trải nghiệm của chúng lại mang tính cục bộ. Đó là lý do tại sao chúng ta phải cam kết đảm bảo mọi người đều hưởng một chuẩn mực giống nhau. Và đó là lý do tại sao chúng ta phải nhớ tới một câu nói của Eleanor Roosevelt rằng nhân quyền bắt nguồn "từ những nơi chật hẹp gần nhà". Hành động để bảo vệ nhân quyền, là chúng ta đang hành động để bảo vệ những trải nghiệm làm cho cuộc sống có ý nghĩa, để bảo đảm khả năng của mỗi người được thực hiện tiềm năng Trời cho của riêng mình. Tiềm năng trong mỗi con người được học hỏi, khám phá và ôm trọn cả thế giới; tiềm năng tự do cùng với những người khác tạo nên cộng đồng và xã hội riêng để mỗi người đều được đáp ứng và tự cung tự cấp; tiềm năng chia sẻ cái đẹp và những đau khổ trong cuộc sống, chia sẻ niềm vui và nước mắt với những người mà chúng ta yêu thương.

Báo cáo được công bố hôm nay là sự ghi nhận về tình hình nhân quyền hiện tại của chúng ta. Báo cáo này là cơ sở thực tế để định hướng cho các chính sách ngoại giao, kinh tế và chiến lược của Hoa Kỳ đối với các nước trong năm tới. Báo cáo này không phải là sự mô tả các chính sách đó song là nguồn cung cấp các dữ liệu cơ bản cho mỗi cá nhân trong Chính phủ Hoa Kỳ, những người tham gia xây dựng chính sách. Tôi coi bản thân những báo cáo này không phải là mục đích, mà là một công cụ chủ chốt để Chính phủ Hoa Kỳ xây dựng các chiến lược nhân quyền thiết thực và có hiệu quả. Đó là quy trình mà tôi cam kết sâu sắc.

Các nguyên tắc xuyên thời gian được Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền trân trọng chính là Ngôi Sao Bắc Đẩu hướng chúng ta tới một thế giới mà chúng ta muốn được sống: một thế giới công bằng nơi mà, như Tổng thống Obama đã nói, hòa bình ngự trị trên "các quyền cố hữu và chân giá trị của mỗi con người". Với sự thực trong tay và mục tiêu rõ ràng trong trái tim và khối óc, chúng ta nguyện tiếp tục phấn đấu không ngừng nghỉ để biến nhân quyền thành thực tiễn của loài người.

Ngoại trưởng
Hillary Rodham Clinton

TỔNG QUAN VÀ CẢM ƠN

VÌ SAO BÁO CÁO ĐƯỢC SOẠN THẢO

Báo cáo này được Bộ Ngoại giao Mỹ trình lên Quốc hội theo khoản 116(d) và 502B(b) của Đạo luật Viện trợ Nước ngoài (FAA) năm 1961 đã được sửa đổi, bổ sung. Đạo luật này quy định vào ngày 25/2 hàng năm, Ngoại trưởng phải trình lên Chủ tịch Hạ viện và Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện “một báo cáo đầy đủ và chi tiết về tình hình nhân quyền được quốc tế công nhận theo quy định của tiểu mục (A): ở những quốc gia nhận viện trợ theo quy định tại mục này và tiểu mục (B): ở tất cả các quốc gia khác là thành viên Liên Hợp Quốc và không là đối tượng của báo cáo nhân quyền theo quy định của Đạo luật này”. Chúng tôi cũng bổ sung các báo cáo về một số quốc gia không thuộc các nhóm đã được liệt kê theo các quy định nêu trên và do vậy, các báo cáo này không nằm trong yêu cầu của Quốc hội.

Trách nhiệm của Hoa Kỳ là phải lên tiếng nhân danh những chuẩn mực nhân quyền quốc tế đã được chính thức hóa từ đầu những năm 1970. Năm 1976, Quốc hội ban hành đạo luật tạo ra chức Điều phối viên về Nhân quyền tại Bộ Ngoại giao - chức vụ sau này được nâng lên thành Trợ lý Ngoại trưởng. Luật cũng quy định chính sách đối ngoại và thương mại của Hoa Kỳ phải tính tới tình hình nhân quyền và việc thực hiện quyền của người lao động ở các quốc gia và hàng năm phải trình lên Quốc hội báo cáo về tình hình này ở các quốc gia.

Các báo cáo được soạn thảo như thế nào

Bộ Ngoại giao soạn thảo báo cáo này sử dụng thông tin được thu thập từ các sứ quán Hoa Kỳ và các tòa lãnh sự ở nước ngoài, các quan chức chính phủ nước ngoài, các tổ chức quốc tế và phi chính phủ và các báo cáo đã được xuất bản. Những bản dự thảo báo cáo đầu tiên của từng quốc gia được các phái đoàn ngoại giao Hoa kỳ ở nước ngoài chuẩn bị từ những thông tin thu thập được trong cả năm từ rất nhiều nguồn khác nhau, bao gồm các quan chức chính phủ, các luật gia, lực lượng vũ trang, các nhà báo, những người theo dõi tình hình nhân quyền, các học giả và các nhà hoạt động về quyền lao động. Việc thu thập thông tin này rất mạo hiểm, các cán bộ ngoại giao Hoa Kỳ thường phải nỗ lực hết mình, đôi khi phải ở trong những hoàn cảnh rất nguy hiểm để tiến hành điều tra báo cáo về vi phạm nhân quyền, giám sát bầu cử và hỗ trợ những người gặp nguy hiểm, chẳng hạn như những người bất đồng chính kiến và những người bảo vệ nhân quyền khi các quyền của họ bị chính chính phủ của họ đe dọa.

Sau khi dự thảo báo cáo của từng quốc gia được hoàn tất, Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động phối hợp với các vụ của Bộ Ngoại giao sẽ chứng thực, phân tích và chỉnh sửa các bản báo cáo dựa trên nguồn thông tin riêng của mình. Những nguồn thông tin này gồm có các báo cáo của Hoa Kỳ và của các nhóm nhân quyền khác, báo cáo của các quan chức chính phủ nước ngoài, đại diện các cơ quan Liên Hợp Quốc, các tổ chức và thể chế quốc tế và khu vực, các học giả và giới truyền thông. Các nhân viên cũng tham khảo các chuyên gia về quyền của người lao động, các vấn đề tị nạn, các chủ đề về quân đội và cảnh sát, phụ nữ và các vấn đề pháp lý. Nguyên tắc chủ đạo là phải đảm bảo mọi thông tin liên quan được đánh giá một cách khách quan, toàn diện và công bằng.

Các báo cáo lần này sẽ được sử dụng làm nguồn thông tin phục vụ việc hoạch định chính sách, triển khai công tác ngoại giao, cung cấp viện trợ, đào tạo và phân bổ các nguồn lực khác. Các báo cáo này cũng là cơ sở để Chính phủ Hoa Kỳ hợp tác với các nhóm tư nhân nhằm thúc đẩy việc tuân thủ các quyền con người đã được quốc tế công nhận.

Báo cáo về Tình hình Nhân quyền ở các nước đề cập tới các quyền dân sự, chính trị và quyền của người lao động được công nhận trên toàn cầu và được quy định trong Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền. Các quyền đó bao gồm quyền không bị tra tấn hay đối xử tàn bạo, không phải chịu các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn nhẫn, phi nhân tính hoặc hạ thấp danh dự, không bị giam giữ dài hạn mà không qua xét xử, không bị thủ tiêu hay giam giữ bí mật, không bị vi phạm trắng trợn quyền được sống, quyền tự do và an ninh của mỗi người.

Để các quyền con người phổ quát được thực thi, cần phải đưa sự tôn trọng nhân phẩm vào trong quá trình quản lý và thực thi pháp luật. Tất cả mọi người đều có quyền có quốc tịch, quyền bất khả xâm phạm được thay đổi chính phủ bằng biện pháp hòa bình và được hưởng các quyền tự do cơ bản, như quyền tự do ngôn luận, lập hội, hội họp, đi lại và quyền tự do tôn giáo mà không bị phân biệt đối xử vì lý do chủng tộc, tôn giáo, nguồn gốc hay giới tính. Quyền được tham gia công đoàn tự do cũng là điều kiện cần thiết của một xã hội và một nền kinh tế tự do. Do đó, các báo cáo này đánh giá các quyền chủ yếu của người lao động đã được quốc tế công nhận, bao gồm quyền lập hội, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, cấm các hình thức lao động cưỡng bức hay ép buộc, lạm dụng lao động trẻ em, độ tuổi tối thiểu của trẻ em khi tham gia lao động và các điều kiện làm việc có thể chấp nhận được.

Các nhân viên của Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động trong ban biên tập báo cáo về tình hình nhân quyền các nước gồm có: Tổng biên tập Stephen Eisenbraun; Các giám đốc phòng ban: Carlos Garcia, Douglas Kramer, và Kay Mayfield; Các biên tập viên cao cấp: Jonathan Bemis, Douglas B. Dearborn, Daniel Dolan, Jerome L. Hoganson, Patricia Meeks Schnell, Julie Turner, và Rachel Waldstein; Các biên tập viên: Naim Ahmed, Joseph Barghout, Kate Berglund, Sarah Beringer, Marissa Brescia, Sarah Buckley-Moore, Liliana Caparo Ariza, Laura Carey, Elise Carlson-Rainer, Delaram Cavey, Sharon Cooke, Susan Corke, Stuart Crampton, Kathleen Crowley, Frank Crump, Tu Dang, Mollie Davis, Huseyin Dogan, Will Dokurno, Mort Dworken, Amy Feagles, Joan Garner, Solange Garvey, Jeffrey Glassman, Blake Greene, Edward Grulich, Patrick Harvey, Victor Huser, Jill Hutchings, Stan Ifshin, David T. Jones, Simone Joseph, Mancharee Junk, Douglas Kramer, Sarah Labowitz, Jessica Lieberman, Gregory Maggio, Stacey May, John McKane, David Mikosz, Mia Mitchell, Stephen Moody, Sarah Morgan, Perlita Muiruri, Sandra Murphy, Daniel L. Nadel, Catherine Newling, Anand Prakash, Drue Preissman, Gabriela Ramirez, Lea Rivera, Peter Sawchyn, Wendy Silverman, Catherine Snyder, Erin Spitzer, Rachel Spring, Michael Suttles, Leslie Taylor, James Todd, Kathy Unlu, David Wagner, Nicole Wilett, Karen Yoo; Cộng tác viên: Lynne Davidson; Trợ lý biên tập: Cory Andrews, Carol Finerty, Ronya D. Foy, Lauren Gandillot, Yelipza Gutierrez, Wen Hsu, Raymond Lu, Stephanie Martone, James McDonald, Matthew Miller, Amanda Pourciau, Sabrina Ragaller, Helaena White; và Trợ lý Kỹ thuật Eunice Johnson.

Giới thiệu

2009 đã cho thấy nhiều việc đối lập nhau. Đây là năm mà tình trạng căng thẳng về dân tộc, chủng tộc và tôn giáo đã dẫn đến những mâu thuẫn bạo lực và vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, và châm ngòi hoặc làm trầm trọng thêm tình hình của trên 30 cuộc chiến tranh hay xung đột vũ trang trong nước. Đây cũng là năm mà Hoa Kỳ và các chính phủ khác nỗ lực nhiều hơn nhằm tìm ra cách thức để nhận ra những căng thẳng nội tại này và chấm dứt chúng thông qua việc thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc nâng cao sự tôn trọng các quyền con người cơ bản, khuyến khích sự khoan dung, đấu tranh với chủ nghĩa bạo lực cực đoạn và theo đuổi các giải pháp hòa bình cho những cuộc xung đột tồn tại đã lâu ở Trung Đông và các khu vực khác. Như Tổng thống Obama đã nói trong bài phát biểu tại Đại học Cairo tháng 6 vừa rồi, chúng ta nên được nhìn nhận không phải bởi những khác biệt mà phải bởi tính nhân văn chung, và chúng ta cần tìm ra cách thức để cộng tác với các quốc gia khác để mọi dân tộc đều đạt được công bằng và thịnh vượng.

Năm 2009 cũng là năm mà có thêm nhiều người được tiếp cận với các thông tin về nhân quyền nhiều hơn tất cả những năm trước đó, thông qua Internet, điện thoại di động và các phương tiện kết nối khác. Tuy nhiên, đây cũng là năm mà các chính phủ đã bỏ thêm nhiều thời gian, tiền bạc và công sức để tìm ra những công cụ thể chế và kỹ thuật nhằm giới hạn quyền tự do ngôn luận trên Internet và những luồng thông tin chỉ trích phủ, cũng như can thiệp vào quyền riêng tư cá nhân của những người sử dụng những công nghệ đang liên tục phát triển này.

Một câu hỏi hóc búa đặt ra cho tất cả các chính phủ hiện nay đó là đâu là những chính sách và thực tiễn phù hợp để đáp ứng được các vấn đề an ninh quốc gia, và làm thế nào để đạt được sự cân bằng giữa việc tôn trọng nhân quyền, các quyền tự do cơ bản khác với việc đảm bảo sự an toàn cho các công dân của mình. Vì vậy mà trong những năm qua, nhiều chính phủ đã sử dụng những định nghĩa quá rộng về chủ nghĩa khủng bố và quyền hành động trong trường hợp khẩn cấp làm cơ sở cho việc hạn chế các quyền của người bị tạm giữ và tước đi các quyền con người cơ bản khác cũng như luật nhân đạo. Họ đã hành động như vậy ngay cả khi cộng đồng quốc tế tiếp tục đạt được tiến triển rõ nét trong việc cô lập và làm suy yếu hàng ngũ lãnh đạo của các nhóm bạo lực cực đoan và khủng bố như al-Qa’ida.

Báo cáo này xem xét các vấn đề đó và những xu hướng, diễn biến khác nhằm đưa ra một bức tranh cụ thể, chi tiết về tình hình thực hiện nhân quyền ở 194 quốc gia trên thế giới. Chính phủ Hoa Kỳ đã soạn thảo những báo cáo này trong suốt 34 năm qua, theo nhiệm vụ mà luật pháp giao cho Chính phủ, một phần cũng là nhằm trợ giúp Quốc hội Hoa Kỳ có thêm thông tin trong việc xem xét các đề nghị hỗ trợ về kinh tế và chính trị cho nước ngoài của Hoa Kỳ, cũng như đề ra các chính sách thương mại và sự tham gia của Hoa Kỳ trong các ngân hàng phát triển đa phương và các thể chế tài chính khác. Bản báo cáo này được công bố với mục đích xây dựng nên một tài liệu đầy đủ, chân thực nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ đưa ra các quyết định chính sách sáng suốt và đầy đủ thông tin. Các nhà hoạch định chính sách nước ngoài cũng ngày càng tăng cường sử dụng bản báo cáo này, bản báo cáo đã trở thành tài liệu tham chiếu chính cho các chính phủ, các tổ chức liên chính phủ và các công dân liên quan trên toàn thế giới.

Nhiều người đã đặt câu hỏi tại sao Chính phủ Hoa Kỳ lại soạn thảo báo cáo này mà không phải là Liên Hiệp Quốc hay các tổ chức liên chính phủ khác. Một trong những lý do đó là chúng ta tin rằng mọi quốc gia, trong đó có cả chính Hoa Kỳ chúng ta, cần phải nhất thiết đảm bảo rằng sự tôn trọng các quyền con người là một phần không thể tách rời trong chính sách đối ngoại. Những báo cáo này cung cấp một cái nhìn tổng quan về tình hình nhân quyền của các nước trên thế giới, coi đây là một phương tiện để nâng cao nhận thức về tình hình nhân quyền, nhất là khi tình hình đó tác động tới đời sống của phụ nữ, trẻ em, các sắc tộc thiểu số, các nạn nhân của các vụ buôn bán người, các nhóm cư dân bản địa và cộng đồng thiểu số, người khuyết tật, các nhóm thiểu số theo giới tính và thành viên của các nhóm dễ bị tổn thương khác. Đồng thời, các bản báo cáo này cũng được trình bày dưới dạng bài phân tích và đánh giá toàn diện. Mặc dù một số tổ chức phi chính phủ (NGOs) đã có các báo cáo khá rộng và xuất sắc về một số quốc gia nhưng không có báo cáo nào bao quát toàn cầu như báo cáo của chúng ta. Và mặc dù chúng ta đã và đang khuyến khích Liên Hiệp Quốc và các cơ quan phi chính phủ khác đưa ra báo cáo cụ thể và toàn diện hơn, nhưng vẫn còn một khoảng cách xa để các tổ chức này đáp ứng được yêu cầu đó. Chính vì vậy mà Quốc hội Hoa Kỳ đã yêu cầu thực hiện báo cáo này. Mặc dù chúng ta vẫn đang tiếp tục công việc báo cáo này, song chúng ta vẫn khuyến khích Liên Hiệp Quốc thực hiện các báo cáo toàn diện và đầy đủ, và chúng ta sẵn sàng hợp tác với Liên Hiệp Quốc để thực hiện nhiệm vụ khó khăn này. Chúng ta sẽ tiếp tục tác động để hoạt động báo cáo của Liên Hiệp Quốc được cải thiện, chẳng hạn như thông qua Ủy ban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc và coi đây là một phần trong các bản tổng kết hoạt động của tổ chức này vào năm 2011.

Ở Hoa Kỳ và những nơi khác, một số người chỉ trích cũng đặt ra câu hỏi tại sao chúng ta xem xét tình hình nhân quyền ở các quốc gia khác mà không phải ở chính nước mình. Trên thực tế, Chính phủ Hoa Kỳ báo cáo và đánh giá thành tích về nhân quyền của mình trên rất nhiều diễn đàn khác theo những nghĩa vụ của Hoa Kỳ với tư cách là thành viên của các Công ước quốc tế (chẳng hạn, chúng tôi đệ trình báo cáo về việc thực hiện hai Nghị định thư Không bắt buộc của Công ước về Quyền trẻ em, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về Xóa bỏ phân biệt chủng tộc, và Công ước về chống tra tấn). Chúng ta cũng đang xem xét các báo cáo của chính mình, nhất quán với các cam kết của Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Clinton rằng chúng ta sẽ áp dụng một tiêu chuẩn về quyền con người chung trên toàn cầu cho tất cả các quốc gia, bao gồm cả chính Hoa Kỳ. Cuối năm nay, bản Báo cáo về Nạn Buôn người của Hoa Kỳ lần đầu tiên sẽ đánh giá Hoa Kỳ cũng như chính phủ nước khác qua việc áp dụng các tiêu chuẩn tối thiểu về xóa bỏ nạn buôn bán người được đề ra trong Đạo luật đã được sửa đổi năm 2000 về Bảo vệ nạn nhân của nạn buôn người. Mùa thu năm nay, Chính phủ Hoa kỳ cũng sẽ có phiên điều trần trước Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong cuộc Đánh giá Thường kỳ Toàn diện lần đầu tiên về tình hình nhân quyền trong nước của chúng ta.

Các bản báo cáo về tình hình nhân quyền của các quốc gia được viết ra nhằm cung cấp những thông tin chính xác, xác thực về tình hình nhân quyền trên toàn thế giới, không vì mục đích khảo sát các phản hồi chính sách của Hoa Kỳ, hay các lựa chọn hay tiếp cận các biện pháp thay thế ngoại giao. Tuy nhiên, nếu xét từ phương diện rộng hơn, các báo cáo này là một phần trong phương thức tiếp cận toàn diện về nhân quyền của Chính quyền Tổng thống Obama và cũng là một thành phần quan trọng trong nỗ lực đó. Như đã đề cập ở trên, phương pháp tiếp cận của chính quyền Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Clinton dựa trên những nguyên tắc chính, đó là cam kết về nhân quyền toàn cầu. Trong quá trình chuẩn bị báo cáo này, chúng tôi đã nỗ lực để khiến tất cả các chính quyền có trách nhiệm thực thi các quyền con người phổ quát được nêu trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và có trách nhiệm với những nghĩa vụ về nhân quyền của mình. Như ngoại trưởng Clinton đã phát biểu vào tháng 12 vừa rồi, mọi chính phủ, bao gồm cả Chính phủ Hoa Kỳ, cần phải “tôn trọng triệt để bổn phận của mình theo luật pháp quốc tế: trong đó có việc không tra tấn, không bắt giữ vô cớ và ngược đãi người theo tôn giáo, không tham gia các vụ thủ tiêu vì nguyên nhân chính trị. Chính phủ của chúng ta và cộng đồng quốc tế phải lưu tâm tới sự coi thường của những người muốn từ chối hay từ bỏ trách nhiệm của mình và khiến những kẻ vi phạm phải chịu trách nhiệm". Bước đầu tiên trong tiến trình đó chính là nói lên sự thật và chỉ ra cụ thể nơi vi phạm đã xảy ra và những nơi mà một số chính phủ đã thất bại trong việc xử lý những người vi phạm.

Yếu tố thứ hai trong phương pháp tiếp cận của chúng ta đó là tham gia thực sự và có nguyên tắc cùng với các quốc gia khác về vấn đề này. Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ tiếp tục những bước cần thiết tiếp theo để biến các quyền con người trở thành hiện thực. Cách tiếp cận này bắt đầu bằng việc đánh giá trung thực tình hình nhân quyền, và xem xét liệu những vi phạm có phải là do chính phủ cố ý đàn áp, do Chính phủ không có thiện ý hay do không có khả năng giải quyết vấn đề, hoặc là do sự kết hợp của cả ba yếu tố trên hay không. Ngoại trưởng Clinton đã nói “Với Trung Quốc, Nga và các nước khác, chúng ta tham gia vào những vấn đề thuộc lợi ích chung, đồng thời cũng tham gia cùng các nhà hoạt động xã hội ở chính nước đó – những người đang nỗ lực cải thiện dân chủ và nhân quyền. Nhận định rằng chúng ta chỉ có thể theo đuổi hoặc là nhân quyền hoặc là “lợi ích quốc gia” là sai lầm. Nhận định rằng chỉ có ép buộc và cô lập mới là công cụ hữu hiệu để thúc đẩy thay đổi về dân chủ cũng là sai lầm”. Các báo cáo này đã đưa ra những căn cứ xác thực và thiết yếu để chúng ta có thể hình thành nên những chính sách hiện tại và tương lai.

Yếu tố thứ ba đó là niềm tin của chúng ta, rằng mặc dù các chính phủ nước ngoài và xã hội dân sự toàn cầu không thể áp đặt thay đổi từ phía bên ngoài nhưng chúng ta có thể và nên khuyến khích và hỗ trợ các thành viên của xã hội dân sự trong nước và các tác nhân thay đổi một cách hòa bình ở mỗi quốc gia. Với vai trò là một phần trong những nỗ lực này, các báo cáo có thể và thường xuyên khuếch trương những tiếng nói này, bằng việc viện dẫn tham chiếu các kết quả công bố của họ, công khai ủng hộ những mối quan tâm của họ, và phổ biến rộng rãi thông tin này đến những người có chính kiến trên toàn cầu và cả ở những nước bị tác động.

Yếu tố thứ tư trong cách tiếp cận của chúng ta là sẽ chú trọng đến những nơi mà các quyền đang thực sự bị đe dọa và sẽ áp dụng cách tiếp cận rộng về dân chủ và nhân quyền. Như Ngoại trưởng Clinton đã nói: "Dân chủ không chỉ có nghĩa là bầu chọn ra các nhà lãnh đạo mà còn là việc có được các công dân tích cực, báo chí được tự do, hệ thống tư pháp độc lập, các thể chế minh bạch và hoạt động có trách nhiệm trước mọi công dân và bảo vệ các quyền con người một cách bình đẳng và công bằng". Tổng thống Obama cũng nhấn mạnh đến những mối liên kết mật thiết giữa phát triển, dân chủ và nhân quyền, đồng thời lưu ý đến tầm quan trọng của các vấn đề như sự sai lạc trong quá trình hiện thực hóa các quyền cơ bản. Nhất quán với cách tiếp cận ấy, các báo cáo này đề cập đến một loạt những chủ đề và xu hướng, mang đến một bức tranh chi tiết và toàn diện về nhân quyền và dân chủ ở mỗi quốc gia.

Yếu tố thứ năm và cũng là cuối cùng trong cách tiếp cận của chúng ta đó là theo đuổi diễn tiến của các vấn đề này thông qua các quy trình và thể chế đa phương. Tổng thống Obama đã khẳng định: Chúng ta đang sống trong một thế giới đa cực và ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, do đó để đạt được những mục tiêu toàn cầu chúng ta cần hợp tác với các chính phủ và các tổ chức quốc tế khác. Chúng ta đã hợp tác với Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, tích cực ủng hộ những sáng kiến về nhân quyền tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và tham gia toàn diện hơn vào các tổ chức khu vực như Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu nhằm thúc đẩy dân chủ và nhân quyền.

Trong quá trình chuẩn bị báo cáo, chúng tôi dựa vào nguồn thông tin thu thập từ các cán bộ của các đại sứ quán Hoa Kỳ trên toàn cầu và thông tin từ các chính phủ và các thể chế đa phương khác. Chúng tôi cũng yêu cầu và sử dụng các thông tin hữu ích từ các nhóm nhân quyền phi chính phủ hoạt động trên toàn cầu và ở cấp độ quốc gia. Những thông tin từ các học giả, các luật sư, công đoàn, các nhóm tôn giáo và giới truyền thông cũng được sử dụng trong báo cáo này. Mặc dù chúng tôi có được nhiều lợi ích từ những nguồn thông tin này nhưng Chính phủ Hoa Kỳ là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm về nội dung của các bản báo cáo. Quá trình chuẩn bị các báo cáo này phải tuân theo một cam kết chặt chẽ về mặt thời gian, và cũng phản ánh những nỗ lực của hàng trăm cán bộ tham gia chuẩn bị. Các báo cáo cũng phải trải qua một quá trình lâu dài để kiểm tra số liệu, thông tin và hiệu đính nhằm đảm bảo tính chính xác và khách quan cao.

Tổng quan

Trong năm 2009, chính phủ các quốc gia trên toàn cầu vẫn tiếp tục có những vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền. Theo như khảo sát toàn cầu của chúng tôi thì vẫn có một con số đáng báo động các báo cáo về việc tra tấn, hành quyết không qua xét xử và vi phạm các quyền con người phổ quát khác. Thường thì các vi phạm này liên quan đến phẩm giá của con người ở những quốc gia đang xảy ra xung đột. Dù xảy ra ở đâu đi nữa thì những vụ tấn công bạo lực này vẫn là mối quan tâm chính yếu.

Chính quyền ở một số lượng lớn các quốc gia đã áp đặt các hạn chế mới và thường là hà khắc hơn đối với các tổ chức phi chính phủ. Từ năm 2008, không ít hơn 25 chính phủ đã áp đặt những hạn chế mới về khả năng được đăng ký, tự do hoạt động và nhận hỗ trợ từ các quỹ nước ngoài của các tổ chức này, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tự do lập hội. Ở nhiều quốc gia, những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền đã bị cô lập để bị đối xử tàn nhẫn, trong hầu hết các trường hợp điển hình, những người này bị tống giam, thậm chí bị tấn công và thủ tiêu vì những tôn chỉ của mình.

Những hạn chế và biện pháp đàn áp này là một phần trong một quy mô lớn hơn nỗ lực của chính phủ nhằm kiểm soát những tiếng nói chỉ trích hay quan điểm đối lập. Mô-típ này cũng được mở rộng ra áp dụng với giới truyền thông và các hình thức truyền thông điện tử qua Internet và các công nghệ mới khác. Những hạn chế về quyền tự do ngôn luận ngày càng tăng lên và trầm trọng hơn, kể cả đối với những người thuộc giới truyền thông. Trong nhiều trường hợp, lực lượng thống trị áp dụng những hạn chế tinh vi nhằm tránh thu hút sự chú ý của các nhóm hoạt động nhân quyền và các quốc gia tài trợ, chẳng hạn như đe dọa kết tội hình sự, và các cản trở về hành chính và kinh tế khác thay vì bằng các biện pháp bạo lực hay bỏ tù; kết quả cuối cùng vẫn là làm nhụt chí nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận.

Xu hướng thứ ba chúng tôi quan sát được đó là sự tiếp tục và leo thang các hành động phân biệt đối xử và ngược đãi các cá nhân của các nhóm dễ bị tổn thương – thường là các nhóm sắc tộc, tôn giáo và dân tộc thiểu số; ngoài ra, phụ nữ, các cư dân bản địa, trẻ em, người khuyết tật và các nhóm dễ bị tổn thương khác cũng thiếu quyền lực chính trị trong xã hội để đấu tranh cho quyền lợi của mình.

Những xu hướng chính này sẽ được phân tích cụ thể ở các phần sau đây, kèm theo phân tích tình hình một số nước (xếp theo trình tự chữ cái) được chọn vì có những diễn biến nổi bật theo hướng tích cực, tiêu cực hoặc cả hai - được trình bày theo trình tự thời gian trong năm 2009. Để có được thông tin chi tiết và toàn diện hơn, độc giả nên đọc phần báo cáo riêng tình hình từng nước.

Các xu hướng nhân quyền cụ thể

Vi phạm nhân quyền ở các quốc gia đang xảy ra xung đột

Ở nhiều quốc gia đang xảy ra xung đột, những công dân không tham gia chiến đấu phải đối mặt với những vi phạm nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế. Tại nhiều vùng xung đột, những nhóm nổi dậy, tổ chức khủng bố, lực lượng bán quân sự và lực lượng an ninh của chính phủ đã tàn sát, chiếm đoạt, và áp dụng các biện pháp phi nhân đạo khác nhằm giành quyền kiểm soát lãnh thổ, đánh bại lực lượng đối lập và ép buộc các cộng đồng dân sự ở vùng xung đột phải hợp tác. Trên khắp thế giới, hàng ngàn nam giới, phụ nữ và trẻ em đã chết hoặc bị ngược đãi, không chỉ trong các cuộc xung đột mà còn cả trong những chiến dịch nhằm trấn áp dân thường.

Tình hình an ninh ở Afghanistan xấu đi rõ rệt do các vụ tấn công nổi loạn gia tăng, đối tượng chính phải hứng chịu bạo lực lại là dân thường. Các cuộc xung đột vũ trang đã lan sang gần một phần ba lãnh thổ, làm suy yếu khả năng duy trì pháp quyền, mở rộng tầm ảnh hưởng và cung cấp dịch vụ của Chính phủ, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. 1.448 quân nhân, 1.954 nhân viên chính phủ và 2.412 dân thường đã thiệt mạng. Xấp xỉ năm triệu người trong tổng số 15 triệu người đăng ký bầu cử đã tham gia cuộc bầu cử vào tháng 8. Cuộc bầu cử này bị cho là đã có những gian lận trên quy mô rộng, điều kiện không phù hợp cho phụ nữ tham gia bầu cử, cộng thêm những nỗ lực ngăn chặn cuộc bầu cử của Taliban. Tuy vậy, đã có nhiều địa điểm bỏ phiếu hơn những cuộc bầu cử trước đó, giới truyền thông và công chúng cũng đã được tranh luận các giải pháp chính trị khác nhau, cuộc bầu cử cũng diễn ra theo đúng quy trình mà hiến pháp quy định.

Chính phủ Miến Điện vẫn tiếp tục vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong năm vừa qua, các cuộc tấn công quân sự nhằm vào các khu vực dân tộc thiểu số như Karen và Shan tăng lên. Tháng 8, quân sỹ chính phủ đã tấn công nhóm đã ngừng bắn Kokang, Lực lượng Liên minh Dân chủ Quốc gia Miến Điện, với lý do nhằm đóng cửa các xưởng sản xuất ma túy và vũ khí. Theo báo cáo, hàng chục ngàn dân thường đã chạy sang Trung Quốc lánh nạn sau khi bùng phát giao tranh. Quân sỹ chính phủ đã phá hủy một số ngôi làng ở lãnh thổ Kokang. Một số ước tính của giới truyền thông cho biết binh sỹ chính phủ đã đốt cháy gần 500 ngôi nhà ở Kokang. Chế độ quân sự vẫn tiếp tục sử dụng sắc lệnh để cai trị, không có bất cứ điều khoản hiến pháp nào bảo đảm bất kỳ quyền tự do cơ bản nào. Nhà cầm quyền tiếp tục có những hành vi ngược đãi nghiêm trọng, bao gồm hành quyết mà không đưa ra xét xử, chết trong khi bị giam giữ, thủ tiêu, ngược đãi, tra tấn, ép buộc di chuyển nơi sinh sống, lao động ép buộc và cưỡng bách trẻ em trở thành quân nhân. Chính phủ giam giữ vô thời hạn những nhà hoạt động dân sự mà không đưa ra xét xử.

Ở Cộng hòa Dân chủ Côngô, những xung đột tại những vùng giàu tài nguyên khoáng sản ở phía đông đất nước, bao gồm cả những cuộc chiến chống nổi dậy của lực lượng an ninh chính phủ đã khiến hơn 1.000 dân thường thiệt mạng, hàng trăm nghìn người mất nhà cửa, nhưng Chính phủ không có động thái phù hợp nào để bảo vệ hay hỗ trợ họ; hàng chục ngàn phụ nữ, trẻ em và nam giới bị cưỡng hiếp; hàng trăm ngôi nhà bị cháy; Quân đội Cộng hòa Dân chủ Côngô và các nhóm vũ trang khác đã tuyển trái phép hàng ngàn trẻ em vào lực lượng quân đội, rất nhiều người đã bị bắt cóc vì mục đích cưỡng bức lao động và khai thác tình dục cả ở trong nước và ngoài nước.

Tình hình an ninh chung ở Iraq về cơ bản đã được cải thiện đáng kể, tuy nhiên nhưng những vụ vi phạm nhân quyền vẫn tiếp tục xảy ra. Vẫn có những báo cáo cho thấy Chính phủ và các cơ quan chính phủ đã thực hiện những vụ giết hại tùy tiện và trái pháp luật liên quan đến những cuộc xung đột đang leo thang, các cuộc nổi dậy, các vụ đánh bom khủng bố, các vụ tàn phá và giết chóc vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực và toàn thể xã hội. Do xung đột vẫn tiếp diễn, nên tình trạng bạo lực đối với giới truyền thông vẫn thường xuyên xảy ra. Những người làm việc trong giới truyền thông cho biết họ phải tự hạn chế tác nghiệp. Mặc dù Chính phủ công khai kêu gọi khoan dung và chấp nhận tất cả các cộng đồng tôn giáo thiểu số và cũng đã có những bước tiến trong việc tăng cường an ninh ở những địa điểm cầu nguyện nhưng những nhóm nổi dậy cực đoan vẫn thường xuyên tấn công những địa điểm này và chức sắc tôn giáo. Bạo lực giữa các giáo phái tiếp tục xảy ra, gây cản trở đến quyền tự do hành đạo của các cá nhân.

Nhằm đáp trả các cuộc tấn công rocket thường xuyên và tăng cường về số lượng từ Gaza vào dân thường Israel trước và sau thời hạn “thỏa thuận ngừng bắn” với Hamas kết thúc vào ngày 19 tháng 12 năm 2008, ngày 27 tháng 12, Lực lượng phòng vệ Israel đã khởi động chiến dịch “Cast Lead”, mở đầu bằng các cuộc không kích nhằm vào các cơ sở an ninh, lực lượng của Hamas, và các địa điểm khác ở Dải Gaza, tiếp sau đó là các cuộc tấn công trên bộ. Cuộc giao tranh giữa lực lượng Israel và các chiến binh Hamas tiếp tục đến tận ngày 18 tháng 1, Israel hoàn tất việc rút quân vào ngày 21 tháng 1. Các tổ chức nhân quyền ước tính có gần 1.400 người Palestine đã thiệt mạng, trong đó có hơn 1.000 dân thường và trên 5.000 dân thường đã bị thương. Theo con số thống kê từ phía Chính phủ Palestine, tổng số thương vong là 1.166 trong đó có 295 người không tham gia chiến đấu. Mười ba người Israel thiệt mạng trong đó có 3 thường dân. Ở Bờ Tây, Lực lượng phòng vệ Israel đã nới lỏng hạn chế ở những trạm kiểm soát tại nơi mà trước đây nhiều hàng rào chắn đã được dựng nên nhằm cản trở việc đi lại của người dân Palestine, tuy nhiên vẫn còn những hàng rào ngăn trở người dân Palestine đến nơi thờ tự, nơi làm việc, vùng đất canh tác nông nghiệp, trường học, bệnh viện, trụ sở của giới báo chí và của các tổ chức phi chính phủ. Tại Gaza, nơi thuộc quyền kiểm soát của Hamas, các báo cáo cho thấy tình trạng tham nhũng, ngược đãi tù nhân và không xét xử công bằng những người bị buộc tội vẫn xảy ra. Hamas hạn chế nghiêm ngặt quyền tự do ngôn luận, tôn giáo và đi lại của người dân Gaza, và tiếp tục đẩy mạnh phân biệt đối xử đối với phụ nữ. Hành động tàn sát của lực lượng an ninh do Hamas kiểm soát vẫn là một vấn đề nhức nhối. Có những báo cáo cho thấy Lực lượng kiểm soát Gaza của Hamas đã có những hành động tra tấn, nạn nhân không chỉ là những người bị bắt giữ vì lý do an ninh mà còn có những người thuộc đảng chính trị Fatah và những người bị tình nghi “hợp tác” với Israel. Chính quyền Hamas ở Gaza thường xuyên can thiệp tùy tiện đến sự riêng tư cá nhân, gia đình và nhà ở.

Lực lượng cảnh sát, quân đội quốc gia và các lực lượng an ninh khác ở Nigeria đã có hành vi hành quyết không qua xét xử và sử dụng vũ lực quá mức và gây tử vong khi trấn áp tội phạm và những người bị tình nghi. Ở đồng bằng Niger, cả quân đội Chính phủ và các lực lượng phi chính phủ khác vẫn gây ra bạo lực dưới hình thức sát hại, bắt cóc, thủ tiêu, hiếp dâm tập thể, buộc dân thường phải rời bỏ nhà cửa, bất chấp việc đã thành lập Nhóm Đặc nhiệm chung vào năm 2003 nhằm ổn định tình hình trong khu vực. Báo cáo về các vụ đụng độ với các nhóm phiến quân ở đồng bằng Niger đã giảm sau khi Tổng thống đề nghị ân xá, tuy nhiên bạo lực vẫn lan tràn khắp phía khu vực phía nam. Từ 26 đến 29 tháng 7, cảnh sát và thành viên nhóm phiến quân Boko Haram, một nhóm Hồi giáo cực đoan đã đụng độ ác liệt ở 4 tỉnh phía bắc, khiến gần 4.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, hơn 700 người chết. Tuy nhiên đây vẫn chưa phải là con số chính xác vì không tính toán được số người đã được an táng trong những mồ chôn tập thể. Lãnh đạo nhóm nổi loạn Muhammad Yusuf, bố vợ của Yusuf là Baba Mohammed, và Buji Fai, người tình nghi đã sáng lập nhóm Boko Haram đã bị giết khi bị lực lượng an ninh giam giữ.

Chính quyền dân sự Pakistan đã đạt được những bước tiến tích cực, tuy nhiên những thử thách về mặt nhân quyền vẫn còn tồn tại. Những vấn đề chính bao gồm hành quyết không qua xét xử, tra tấn và thủ tiêu. Các vụ tấn công quân sự tại Các khu vực Bộ lạc do Chính quyền liên bang quản lý và tỉnh biên giới Tây Bắc đã khiến 825 dân thường thiệt mạng; tại đỉnh điểm của các chiến dịch quân sự nhằm đẩy lùi các phiến quân nổi loạn khỏi quận Malakand và một phần khu vực Bộ lạc do Chính quyền liên bang quản lý, gần ba triệu người phải rời bỏ nhà cửa của mình (mặc dù đến cuối năm ước chừng 1,66 triệu người đã quay lại nơi sinh sống). Ủy ban Nhân quyền Pakistan, tờ Thời báo New York và một số báo địa phương đã đưa tin rằng lực lượng an ninh bị nghi ngờ đã gây ra từ 300 đến 400 vụ hành quyết mà không qua xét xử trong các chiến dịch chống lực lượng nổi dậy ở tỉnh biên giới Tây Bắc và Swat. Những kẻ nổi dậy bị cho là đã thực hiện những vụ tàn sát khủng bố và trả thù nhằm hăm dọa dân chúng địa phương và những cán bộ hành pháp. Bạo lực giữa các giáo phái đã cướp đi sinh mạng của xấp xỉ 1.125 người, và hơn 76 vụ đánh bom liều chết cũng đã giết chết 1.037 người.

Tình hình ở vùng Bắc Causcasus thuộc Nga đã trở nên tồi tệ hơn khi Chính phủ tấn công các nhóm nổi loạn, các phiến quân Hồi giáo và các nhóm tội phạm. Có báo cáo cho thấy chính quyền địa phương và lực lượng nổi loạn trong vùng đã tham gia vào các vụ giết chóc, tra tấn, ngược đãi, sử dụng bạo lực, bắt cóc vì động cơ chính trị và các hành động tàn bạo hay làm nhục nhân phẩm khác. Ở Chechnya, Ingushetia và Dagestan, số lượng các vụ hành quyết không qua xét xử tăng lên đáng kể, số lượng những cuộc tấn công nhằm vào những viên chức thực thi pháp luật cũng tăng nhanh chóng (trong những trận chiến với lực lượng nổi loạn, 342 thành viên của các cơ quan thực thi pháp luật đã bị giết và 680 người bị thương). Một số nhà chức trách ở Bắc Caucasus đã không bị truy cứu và dường như hoạt động độc lập với chính quyền trung ương, trong một vài trường hợp, chính quyền địa phương được cho là đã nhắm vào gia đình của những người nổi loạn vì mục đích trả thù và tham gia vào các vụ bắt cóc, tra tấn và trừng phạt mà không qua xét xử.

Trước khi cuộc xung đột kéo dài 33 năm ở Sri Lanka kết thúc vào tháng 5, lực lượng an ninh của Chính phủ, các nhóm bán quân sự ủng hộ Chính phủ và Lực lượng Những con hổ giải phóng Tamil đã sử dụng vũ lực quá mức và ngược đãi dân thường. Vài trăm nghìn dân thường thuộc dân tộc Tamil không được tự do đi lại trong những khu vực được Lực lượng Những con hổ giải phóng Tamil kiểm soát. Pháo và súng cối của cả hai bên đều nã vào khu vực dân thường sinh sống hoặc các khu vực lân cận, khiến hàng ngàn dân thường tử vong trong những tháng cuối cùng của cuộc xung đột. Từ tháng 1 đến tháng 5, Lực lượng Những con hổ giải phóng Tamil đã đẩy mạnh việc cưỡng ép trẻ em gia nhập hàng ngũ quân đội. Không có thống kê nào về số lượng trẻ em bị tuyển và bị giết trong các trận chiến, nhưng theo công bố từ phía Chính phủ, 527 cựu quân nhân trẻ em của Lực lượng Những con hổ giải phóng Tamil đã được giao cho nhà chức trách vài tháng sau khi chiến tranh kết thúc. Tuy nhiên, việc tiếp tục giam giữ trong các khu trại gần 300.000 người mất chỗ ở vào thời điểm gần kết thúc chiến tranh đã làm dấy lên câu hỏi về những cam kết của Chính phủ về nhân quyền thời kỳ hậu xung đột, mặc dù Chính phủ cũng đã bắt đầu đạt được những tiến bộ rõ rệt trong việc đối xử với những người mất nơi ở này và các tiến bộ về nhân quyền khác đến cuối năm 2009 trước thềm cuộc chạy đua bầu cử tổng thống vào tháng 1 năm 2010.

Mâu thuẫn và vi phạm nhân quyền ở khu vực Darfur thuộc Sudan vẫn tiếp tục, bất chấp Hiệp định Hòa bình Darfur đã được ký kết giữa Chính phủ và một đảng phái trong lực lượng Quân giải phóng Sudan. Các lực lượng được Chính phủ bảo trợ đã đánh bom các làng bản, sát hại dân thường và ủng hộ nhóm phiến quân người Chad. Phụ nữ và trẻ em vẫn phải chịu đựng bạo lực xuất phát từ giới tính. Kể từ khi cuộc xung đột Darfur bắt đầu năm 2003, hơn 2,7 triệu người đã trở thành vô gia cư, xấp xỉ 250.000 người khác chạy sang tị nạn tại phía đông nước Cộng hòa Chad và hơn 300.000 người đã thiệt mạng. Căng thẳng vẫn tiếp tục tồn tại sau khi Hiệp định Hòa bình Toàn diện giữa miền Nam và miền Bắc được ký kết năm 2005. Những xung đột và bạo lực liên dân tộc do nhóm phiến quân Lord’s Resistance Army gây ra ở miền nam Sudan trong năm đã khiến 2.500 người thiệt mạng và đẩy hơn 359.000 người vào tình trạng vô gia cư.

Hạn chế quyền Tự do ngôn luận, hội họp và lập hội (bao gồm các tổ chức phi chính phủ)

Nhiều chính phủ tiếp tục tăng cường kiểm soát các thông tin đến và đi từ nước mình. Để thực hiện việc này, chính phủ đã hạn chế việc tổ chức công khai, trực tuyến và qua các công nghệ mới khác; hạn chế việc truyền bá thông tin trên Internet, đài phát thanh, truyền hình, báo in; và dựng nên các hàng rào pháp lý nhằm gây khó khăn cho các tổ chức phi chính phủ trong việc tự công bố những thông tin này. Theo Quỹ Hỗ trợ Quốc gia vì Dân chủ, từ tháng 1 năm 2008 đã có 26 bộ luật ở 25 quốc gia đã được thông qua nhằm cản trở xã hội dân sự.

Tại Belarus, thành tích nhân quyền của Chính phủ vẫn còn rất yếu kém. Các quyền tự do dân sự trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, lập hội nhóm và tự do tôn giáo vẫn tiếp tục bị hạn chế. Chính phủ hạn chế việc phát tán báo chí kể cả các bản tin phát sóng trên các phương tiện truyền thông. Chính quyền ép buộc một cách vô lý và dọa dẫm không cho tham gia biểu tình và giải tán những người biểu tình hòa bình. Các tổ chức phi chính phủ, các nhà hoạt động đối lập và các đảng phái chính trị bị sách nhiễu, phạt và truy tố. Một số tổ chức phi chính phủ nổi bật một lần nữa đã bị từ chối đăng ký và phải hoạt động dưới nguy cơ bị truy tố trách nhiệm hình sự. Mặc dù đã có những bước tiến tích cực trong năm 2008, nhưng đáng thất vọng là trong năm 2009 chính quyền đã không đưa ra được bất kỳ cải cách nào.

Chính phủ Trung Quốc tiếp tục nỗ lực kiểm soát việc sử dụng Internet, kiểm soát nội dung, hạn chế thông tin, chặn các trang web nước ngoài và trong nước, khuyến khích tự kiểm duyệt và trừng phạt những người vi phạm. Chính phủ đã tuyển hàng ngàn cán bộ ở cấp quốc gia, tỉnh và địa phương để quản lý truyền thông điện tử. Tháng 1, Chính phủ triển khai chiến dịch “chống thô tục”, kết quả là trong tháng đó 1.250 trang web đã bị đóng cửa, hơn 3,2 triệu mục thông tin đã bị xóa. Chính phủ cũng chặn đường dẫn vào một số trang web được điều hành bởi các hãng tin tức nước ngoài lớn, các tổ chức y tế, chính phủ nước ngoài, các thể chế giáo dục và các mạng xã hội và các trang tìm kiếm cho phép truyền tin nhanh chóng hoặc tập trung người sử dụng. Trong năm, chính quyền tiếp tục thắt chặt việc quản lý các tin tức và thông tin trên Internet xung quanh những sự kiện nhạy cảm, chẳng hạn như lễ kỷ niệm lần thứ 20 biến cố Thiên An Môn. Chính phủ cũng kiểm duyệt tự động các thư điện tử và các cuộc tán gẫu trên mạng dựa trên một danh sách những từ khóa nhạy cảm được cập nhật thường xuyên. Mặc dù bị giám sát và kiểm duyệt nhưng những người bất đồng chính kiến và những người hoạt động chính trị vẫn tiếp tục sử dụng Internet để ủng hộ và thu hút sự chú ý tới các vấn đề chính trị chẳng hạn như bào chữa cho tù nhân, cải cách chính trị, phân biệt đối xử dân tộc, tham nhũng và chính sách đối ngoại.

Giới truyền thông độc lập ở Colombia được quyền chủ động và bày tỏ nhiều quan điểm khác nhau mà không bị hạn chế, tất cả các đài phát thanh và truyền hình tư nhân đều được tự do phát sóng. Tuy nhiên, thành viên của những nhóm vũ trang bất hợp pháp đã hăm dọa, bắt cóc hay giết các nhà báo, theo các tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước thì động thái này đã khiến nhiều nhà báo phải tự hạn chế tác nghiệp và những người khác, cụ thể là 171 người, phải được Chính phủ bảo vệ. Cục Hành chính An ninh giám sát các nhà báo, các nhà hoạt động công đoàn, đối lập chính trị, các tổ chức và các nhà hoạt động nhân quyền – giám sát cả điện thoại, thư tín, các thông tin cá nhân và thông tin tài chính và cả chính họ. Theo một số tổ chức phi chính phủ, chính quyền đã bắt giữ vô cớ hàng trăm người, hầu hết là các nhà lãnh đạo các phong trào xã hội, các nhà hoạt động lao động và những người đấu tranh vì nhân quyền (HRDs). Mặc dù vậy, một tổ chức phi chính phủ lớn cho biết những vụ bắt giữ trong năm 2009 chỉ bằng một nửa so với năm 2008. Những người đấu tranh vì nhân quyền cũng bị truy tố và buộc tội ủng hộ chủ nghĩa khủng bố nhằm gây mất uy tín đối với công việc họ đang làm. Các tổ chức phi chính phủ nổi bật cho biết tám nhà hoạt động nhân quyền và 39 người ủng hộ công đoàn đã bị sát hại trong năm. Tuy nhiên, chính quyền cũng đã bảo vệ hàng ngàn thành viên của công đoàn, các nhà hoạt động nhân quyền và các nhóm tương tự khác.

Chính quyền Cuba can thiệp vào quyền riêng tư và quản lý chặt chẽ các trao đổi riêng tư và không cho phép thay đổi chính phủ. Quyền tự do ngôn luận cũng bị hạn chế nghiêm ngặt và không có một tòa báo hợp pháp nào ngoài cơ quan truyền thông chính thức của nhà nước; quyền hội họp và lập hội hòa bình bị từ chối, quyền tự do tôn giáo bị hạn chế; các nhóm nhân quyền trong nước hoặc các nhà báo tự do không được công nhận hoặc không được cho phép hoạt động hợp pháp. Luật pháp cho phép trừng phạt bất cứ cuộc hội họp nào có trên ba người tham gia, kể cả những hoạt động tôn giáo cá nhân tại nhà riêng. Luật pháp cũng cho phép bỏ tù với những tội danh được quy định mập mờ như “nguy hiểm” và “xúi giục nổi loạn”. Chính quyền không cấp phép cho bất kỳ người biểu tình chống chính phủ nào hay chấp thuận bất kỳ cuộc hội họp công khai nào do các nhóm nhân quyền tổ chức. Chính quyền bắt giam lãnh đạo những lực lượng đối lập hoạt động chính trị một cách ôn hòa với bản án lên đến 25 năm tù và bắt giữ những nhà hoạt động trong một thời gian ngắn nhằm ngăn chặn họ tham gia hội họp, biểu tình hay dự các lễ kỷ niệm. Mặc dù chưa được cấp phép nhưng tổ chức Damas de Blanco (Phụ nữ áo trắng) vẫn được cho phép hội họp và đi nhà thờ mỗi chủ nhật để đòi tự cho cho những thân nhân đang bị tù đày của mình. Tuy nhiên, tổ chức này cho biết các hoạt động ngoài khuôn khổ như những cuộc tuần hành đến nhà thờ hàng tuần này cũng bị ngăn trở một vài lần trong năm. Ngoài ra, một blogger nổi tiếng và đồng nghiệp của chị đã bị giam giữ và đánh đập khi đang tham gia vào một cuộc biểu tình một cách ôn hòa. Các nhà hoạt động nhân quyền cũng cho biết điện thoại di động và dịch vụ đường truyền thường xuyên bị Chính phủ kiểm soát và làm gián đoạn trước thời điểm diễn ra các sự kiện đã được lên kế hoạch hoặc các lễ kỷ niệm quan trọng liên quan đến nhân quyền. Chính quyền cũng chưa bao giờ thông qua việc thành lập một nhóm nhân quyền nào; tuy vậy, nhiều tổ chức chuyên nghiệp ví dụ như các tổ chức phi chính phủ vẫn hoạt động mà không được chính thức công nhận.

Thành tích nhân quyền yếu kém của Chính phủ đã trở nên tồi tệ hơn trong năm vừa qua, đặc biệt là sau cuộc bầu cử tổng thống đầy tranh cãi vào tháng 6. Quyền tự do ngôn luận, lập hội và thiếu quy trình phù hợp tiếp tục là vấn đề với Iran. Chính phủ hạn chế nghiêm ngặt quyền thay đổi chính phủ một cách hòa bình thông qua bầu cử tự do và công bằng của người dân. Sau thông báo về việc tái đắc cử của Tổng thống Ahmadi-Nejad vào ngày 13 tháng 6, hàng trăm ngàn công dân đã xuống đường phản đối. Cảnh sát và lực lượng bán quân sự Basij đã dùng vũ lực đàn áp cuộc biểu tình. Con số thương vong chính thức là 37, tuy nhiên các nhóm đối lập cho biết con số này có thể lên đến 70 người. Đến tháng 8, chính quyền đã bắt giữ ít nhất 4.000 người và vẫn còn tiếp tục trong cả năm. Một phiên tòa xét xử công khai những người bị bắt giữ có tiếng đã diễn ra vào tháng 9. Ngày 20 tháng 6, các nhân chứng cho biết quân đội Basij đã sát hại Neda Agha-Soltan ở Tehran. Đoạn phim về cái chết của cô đã được đăng tải lên trang YouTube và trở thành biểu tượng của phong trào đối lập. Trước ngày diễn ra cuộc bầu cử tống thống vào tháng 6, vào ngày bầu cử thực tế, vào ngày diễn ra cuộc biểu tình vào ngày lễ Ashura 27 tháng 12 và vào ngày chính quyền bắt giữ 1.000 cá nhân và có ít nhất 8 người đã bị giết trong các cuộc đụng độ trên đường phố, chính quyền đã chặn trang Facebook, Twitter và các trang mạng xã hội khác. Sau cuộc bầu cử tháng 6, chuẩn băng thông rộng đã giảm mạnh. Theo các chuyên gia là do động thái của Chính phủ nhằm ngăn những nhà hoạt động liên quan đến các vụ biểu tình vào Internet và đăng tải lên các đoạn băng hình có dung lượng lớn. Chính phủ tiếp tục hạn chế nghiêm trọng tự do tôn giáo, nhất là với tôn giáo Baha’is. Những hạn chế đối với Thiên chúa giáo cũng đang ngày càng tăng lên.

Chính phủ Bắc Triều Tiên tiếp tục kiểm soát chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực cuộc sống của công dân, đặc biệt là không cho phép quyền tự do ngôn luận, hội họp và lập hội của công dân. Các báo cáo của những người bị ảnh hưởng, trong đó có những tù nhân chính trị và các tổ chức phi chính phủ về hành vi hành quyết không qua xét xử, mất tích, bắt giữ tùy tiện của Chính phủ tiếp tục làm bức tranh cuộc sống tại đất nước này trở nên xám xịt hơn. Chính phủ dường như kiểm soát toàn bộ nguồn thông tin, biểu hiện ở việc không có cơ quan truyền thông độc lập nào, việc tiếp cận Internet bị hạn chế chỉ cho các quan chức cấp cao và những người có tên tuổi khác, quyền tự do học thuật bị ngăn chặn. Việc kiểm duyệt truyền thông nội địa vẫn tiếp tục được thi hành nghiêm ngặt và không có bất cứ sự chệch hướng khỏi đường lối của Chính phủ nào được tha thứ. Chính phủ cũng nghiêm cấm tất cả trừ giới chính trị nghe các đài phát thanh nước ngoài, ai vi phạm sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Cũng không có tự do tôn giáo thực sự ở đất nước này. Các báo cáo tiếp tục cho thấy những tín đồ tôn giáo, gia đình họ và thậm chí con cháu của họ cũng bị bỏ tù, tra tấn hoặc đơn giản là bị đẩy xuống địa vị thấp hơn. Công tác truyền bá tư tưởng được thực hiện một cách có hệ thống thông qua thông tin đại chúng, trường học, công nhân, các hiệp hội của địa phương; các cuộc tuần hành, mít tinh, biểu diễn trên sân khấu đôi khi có đến hàng trăm ngàn người tham gia vẫn tiếp tục được tổ chức để phục vụ công tác này.

Chính phủ có những động thái nhằm làm suy giảm quyền tự do ngôn luận và sự độc lập của truyền thông ở Nga, trong đó có việc chỉ đạo nguyên tắc biên tập của các cơ quan truyền thông nhà nước, đè nén các cơ quan truyền thông độc lập chính nhằm ngăn cản việc đưa tin chỉ trích, đồng thời sách nhiễu và đe dọa một số nhà báo, ép buộc họ phải tự hạn chế tác nghiệp. Trong năm, một nhóm người không rõ danh tính đã sát hại một số nhà hoạt động nhân quyền và tám nhà báo, trong đó có nhà báo và nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng Natalia Estemirova, người đã dành hơn mười năm lưu trữ các tài liệu về các vụ giết chóc, tra tấn, thủ tiêu mà cô cho là có liên quan đến chính quyền Chechnya. Tổng thống Medvedev phát biểu vụ sát hại này “rõ ràng” liên quan đến công việc của Estemirova và ra lệnh điều tra ngay lập tức để tìm ra hung thủ, nhưng cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ vụ bắt giữ hay truy tố nào liên quan đến vụ việc này. Chính phủ tiếp tục nỗ lực hạn chế tự do của giới truyền thông nhằm kiểm soát các chủ đề nhạy cảm, chẳng hạn như việc thành lập lực lượng liên bang ở Chechnya, các vụ vi phạm nhân quyền và các ý kiến chỉ trích các nhà lãnh đạo Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều quan sát viên cho biết một nhóm quan chức chính phủ khuyến khích các cuộc họp thân thiện với Chính phủ nhưng lại cố gắng ngăn chặn những cuộc biểu tình chính trị nhạy cảm. Chính phủ cũng cố gắng hạn chế hoạt động của một số tổ chức phi chính phủ và gây khó khăn cho hoạt động của họ. Tại cuộc họp với Hội đồng Tổng thống về Nhân quyền, Tổng thống Medvedev đã lắng nghe các ý kiến phê bình về luật về Tổ chức phi chính phủ năm 2006, ông gọi các quy định hiện hành là một “gánh nặng” và tuyên bố rằng một số quy định sẽ được nới lỏng. Tuy nhiên, không có sửa đổi nào được áp dụng với các tổ chức phí chính phủ nước ngoài.

Các quan chức chính phủ Venezuela, bao gồm cả Tổng thống đã sử dụng các cơ quan truyền thông do nhà nước kiểm soát để các buộc chủ sở hữu và phóng viên những hãng truyền thông tư nhân xúi giục các chiến dịch chống chính phủ gây mất ổn định và các âm mưu đảo chính. Lãnh đạo cấp cao liên bang và nhà nước cũng sách nhiễu những đài truyền hình, cơ quan truyền thông tư nhân và các nhà báo theo đường hướng đối lập trong năm vừa qua và áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính, đe dọa đóng cửa nhằm ngăn chặn và đối phó lại khi quan sát được bất cứ ý kiến chỉ trích chính quyền nào. Đến cuối năm, 32 đài phát thanh và hai đài truyền hình đã bị đóng cửa, 29 đài phát thanh khác đang đứng trước nguy cơ bị đóng cửa. Một cơ quan giám sát truyền thông nội địa cho biết đã có 191 nhà báo bị tấn công hoặc bị xâm phạm quyền cá nhân trong năm vừa qua. Các tổ chức phi chính phủ bày tỏ quan ngại về sự phân biệt đối xử chính trị chính thức và sa thải những viên chức chính quyền có quan điểm khác với quan điểm của Chính phủ. Các nhóm tư nhân cũng cho rằng chính quyền đang truy nã 45 “mục tiêu chính trị” và sử dụng các công cụ hành chính và pháp lý để thực hiện mục tiêu này. Tổ chức Ủy ban Liên Mỹ về Nhân quyền của Hoa Kỳ gần đây đã cho biết có tồn tại “một xu thế trừng phạt, đe dọa và tấn công trả đũa các cá nhân vì thể hiện quan điểm đối lập với chính sách chính thống”.

Tình hình thực hiện nhân quyền ở Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề. Chính phủ tăng cường đàn áp những người bất đồng chính kiến, bắt giữ và kết tội một số nhà hoạt động chính trị. Một số biên tập viên và phóng viên của các tờ báo nổi tiếng đã bị sa thải vì đưa tin về các vụ tham nhũng của quan chức chính phủ và viết về các chủ đề chính trị trên nhật ký cá nhân trực tuyến của mình. Các blogger bị bắt giữ và cầm tù chiểu theo các điều khoản mập mờ về về an ninh quốc gia vì đã chỉ trích chính quyền và bị cấm đăng tải các tài liệu mà chính quyền cho là nhạy cảm hoặc mang tính chỉ trích. Chính phủ cũng kiểm soát thư điện tử và thường xuyên chặn các trang trên Internet chẳng hạn như Facebook và các trang web khác được điều hành bởi các nhóm chính trị Việt Nam ở nước ngoài. Chính quyền sử dụng hoặc cho phép sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp với một dòng tu Phật giáo ở Lâm Đồng và một nhóm Công giáo có tranh chấp về tài sản chưa được giải quyết. Người lao động không được tự do tổ chức công đoàn độc lập, những nhà hoạt động công đoàn độc lập phải đối mặt với nguy cơ bị bắt giữ và sách nhiễu.

Chính phủ Uzbekistan kiểm soát chặt chẽ giới truyền thông và không cho phép công bố các quan điểm chỉ trích Chính phủ. Các cán bộ an ninh của Chính phủ thường xuyên đưa các bài báo và thư cho các nhà xuất bản yêu cầu họ đăng lên dưới bút danh giả, cũng như công khai hướng dẫn những thể loại bài được phép xuất bản. Tháng 6, một phiên tòa đã tuyên án nhà báo độc lập Dilmurod Sayid 12 năm 6 tháng tù giam vì tội bóp méo và nhận hối lộ không lâu sau khi anh này cho đăng các bài báo về tình trạng tham nhũng của các quan chức chính quyền địa phương. Chính quyền yêu cầu tất cả các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức tôn giáo phải đăng ký hoạt động; các hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nhân quyền quốc tế cũng bị hạn chế nghiêm ngặt do chính quyền tình nghi những tổ chức này đang tham gia một cuộc “chiến tranh thông tin” quốc tế chống lại đất nước. Bất kỳ hoạt động tín ngưỡng do một tổ chức tôn giáo chưa đăng ký tổ chức đều là bất hợp pháp, cảnh sát thường xuyên giải tán những cuộc họp của những nhóm chưa đăng ký, hầu hết những cuộc họp này đều được tổ chức tại nhà riêng. Theo báo cáo, trường đại học và trường học ở một số khu vực đóng cửa để đưa sinh viên học sinh đến làm việc ở các đồn điền bông; ai từ chối tham gia sẽ bị đuổi học hoặc bị đe dọa đuổi học.

Phân biệt đối xử và sách nhiễu những nhóm dễ bị tổn thương

Thành viên của những nhóm dễ bị tổn thương như các sắc tộc ít người, cộng đồng và tôn giáo thiểu số, người khuyết tất, phụ nữ và trẻ em, những người lao động nhập cư, những người đồng tính nữ, đồng tính nam, lưỡng tính và những người chuyển giới thường bị gạt ra ngoài lề xã hội và là mục tiêu của những vụ ngược đãi được xã hội và/hoặc chính quyền cho phép.

Trung Quốc tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ những hoạt động và những người mà chính quyền cho là mối nguy hiểm đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chẳng hạn như những luật sư hoạt động vì lợi ích cộng đồng khi tham gia vào các vụ kiện mà chính quyền coi là nhạy cảm đã bị sách nhiễu hoặc bị khai trừ khỏi đoàn luật sư ngày càng nhiều thêm, các công ty luật của họ cũng bị đóng cửa. Chính phủ cũng tăng cường đàn áp người Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ. Chính quyền thắt chặt kiểm soát những người Duy Ngô Nhĩ thể hiện quan điểm đối lập hòa bình và những lãnh đạo Hồi giáo độc lập và thường viện cớ chống khủng bố để thực hiện những hành động này. Sau những cuộc nổi loạn ở Urumqi, thủ phủ của Tân Cương vào tháng 7, các quan chức đã đàn áp thẳng tay những thành phần tôn giáo cực đoan, người theo “chủ nghĩa chia rẽ” và khủng bố nhằm duy trì trật tự xã hội. Hậu quả là nhiều người Duy Ngô Nhĩ đã bị kết án tù lâu năm, thậm chí trong một số vụ đã bị tử hình vì phạm tội theo chủ nghĩa ly khai mà không được xét xử theo đúng quy trình xử án. Cuối năm, sự hiện diện của cảnh sát vẫn dày dặc ở Urumqi, hầu hết các liên lạc điện thoại quốc tế và Internet vẫn bị cắt. Ở vùng Tây Tạng, Trung Quốc, thành tích nhân quyền của Chính phủ vẫn rất yếu kém, chính quyền tiếp tục hành quyết không qua xét xử, tra tấn, bắt giữ tùy tiện và giam giữ mà không xét xử. Chính quyền đã kết án những người Tây Tạng ủng hộ Tây Tạng độc lập, bất chấp hành động của họ có liên quan đến bạo lực hay không. Việc bảo tồn và phát triển di sản tôn giáo, văn hóa và ngôn ngữ đặc sắc của Tây Tạng vẫn là một vấn đề cần quan tâm.

Chính phủ Ai Cập đã không tôn trọng quyền tự do lập hội và hạn chế quyền tự do ngôn luận, việc tôn trọng tự do tôn giáo vẫn còn rất yếu kém. Các cuộc tấn công giáo phái nhằm vào người theo Công giáo Ai Cập tiếp tục leo thang trong năm. Chính phủ đã không thay đổi quy định pháp luật và thông lệ phân biệt đối xử với người Công giáo của mình. Chính phủ bảo trợ “các cuộc họp hòa giải” sau những vụ tấn công giáo phái xảy ra, nhìn chung việc này đã cản trở việc truy tố những tội phạm chống lại người Copts và ngăn những người này nhờ đến hệ thống tòa án để đòi bồi thường. Chính thông lệ này đã tạo nên tâm lý phạm tội mà không bị truy tố, và có thể đã khuyến khích các cuộc tấn công về sau. Thành viên của các nhóm tôn giáo thiểu số không theo Đạo hồi được Chính phủ chính thức công nhận nhìn chung được tự do hành đạo mà không bị sách nhiễu; tuy nhiên, những người Công giáo và tín đồ của đạo Baha’i không được Chính phủ công nhận phải chịu sự phân biệt đối xử cả ở góc độ cá nhân lẫn tập thể ở nhiều khu vực. Trong một động thái tích cực, Chính phủ đã công bố những quy trình thủ tục để thành viên của những tôn giáo chưa được công nhận, trong đó có cả đạo Baha’i, có được giấy chứng tờ tùy thân. Báo cáo cho biết trong năm vừa qua đã có 17 giấy chứng minh và 70 giấy khai sinh cho người theo đạo Baha’i được cấp.

Số lượng người vượt biên tìm việc làm và lao động nhập cư gia tăng đã trở thành đối tượng dễ bị khai thác và phân biệt đối xử. Ở Malaysia, người lao động nước ngoài thường phải chịu đựng môi trường lao động bóc lột và nhìn chung không được tiếp cận với hệ thống xét xử lao động. Tuy nhiên, Chính phủ đã tiến hành điều tra các khiếu nại vi phạm, nỗ lực tuyên truyền để người lao động biết được quyền lợi của mình, khuyến khích họ tiến hành khiếu nại và cảnh cáo chủ sử dụng lao động chấm dứt các hành vi vi phạm. Luật pháp cho phép người sử dụng lao động giữ hộ chiếu của người lao động và trên thực tế người sử dụng lao động cũng làm như vậy. Một số người lao động trong nước đã cáo buộc chủ của họ đã bắt họ sống trong điều kiện phi nhân đạo, giữ lại lương, tịch thu giấy thông hành và hành hung họ.

Bạo lực đối với phụ nữ, vi phạm quyền trẻ em và phân biệt đối xử dựa trên giới tính, tôn giáo, giáo phái và dân tộc vẫn diễn ra phổ biến tại nhiều nước thuộc khu vực Trung Đông. Chẳng hạn như ở Arập Saudi, các hoạt động hành lễ tôn giáo đạo Hồi mâu thuẫn với các hướng dẫn về đạo Hội dòng Sunni bị phân biệt đối xử, còn các phát ngôn về tôn giáo nơi công cộng của người không theo đạo Hồi bị nghiêm cấm. Các nhà hoạt động nhân quyền cho biết nước này đã đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực quyền của phụ nữ hơn các khu vực khác, Chính phủ đã nỗ lực để phụ nữ hòa nhập vào xã hội, ví dụ như việc thành lập trường đại học Quốc gia đầu tiên đào tạo cả sinh viên nam và nữ vào tháng 9 vừa rồi. Tuy nhiên, nạn phân biệt đối xử với phụ nữ vẫn là vấn đề trầm trọng, thể hiện ở việc phụ nữ thiếu quyền tự chủ, quyền tự do đi lại và tự chủ về kinh tế; các hành vi phân biệt đối xử trong ly hôn và chăm sóc trẻ em vẫn xảy ra; chưa có luật nào hình sự hóa hành vi bạo lực với phụ nữ và phụ nữ vẫn gặp nhiều khó khăn khi muốn chạy trốn khỏi môi trường bị ngược đãi. Cũng không có bộ luật cụ thể nào nghiêm cấm bạo lực gia đình. Theo luật Shari (luật Hồi giáo), hiếp dâm là một tội hình sự, hình phạt cho tội danh này là từ đánh đập cho đến tử hình. Không có số liệu thống kê các vụ cưỡng hiếp, tuy nhiên những báo cáo của báo chí và các quan sát viên đã chỉ ra rằng cưỡng hiếp phụ nữ và trẻ em trai vẫn là một vấn đề nghiêm trọng.

Những người đồng tính nữ, đồng tính nam, lưỡng tính và người chuyển giới ở Uganda phải chịu đựng những hạn chế về pháp luật vô lý. Quan hệ đồng giới là trái pháp luật, luật pháp năm 1950 từ thời thuộc địa đã hình sự hóa “các hành vi tình dục trái lại quy luật tự nhiên” và hình phạt cho tội danh này có thể lên đến mức tù chung thân. Chưa có người nào bị buộc tội này. Tháng 9, một dự luật đã được trình lên quốc hội, trong đó đề nghị mức án tử hình cho tội danh “đồng tính luyến ái nghiêm trọng” và đối với những người đồng tính “phạm tội nhiều lần”, dẫn đến tình trạng những người đồng tính nữ, đồng tính nam, lưỡng tính và người chuyển giới bị tăng cường sách nhiễu và đe dọa trong năm vừa qua; dự luật cũng đề xuất mức phạt ba năm tù giam với những người không báo cáo hành vi quan hệ đồng tính cho chính quyền trong vòng 24 giờ. Sự phẫn nộ của công chúng trước hành vi quan hệ đồng tính đã trở thành trung tâm của cuộc thảo luận công khai đáng chú ý trong năm. Chính phủ nắm giữ vai trò chủ đạo trong việc chống lại những hành vi này, mặc dù luật đề ra vào tháng 12 năm 2008 của Tòa án Tối cao có quy định các quyền theo hiến pháp được áp dụng với tất cả mọi người, bất kể khuynh hướng giới tính của họ. Một Tổ chức Phi chính phủ địa phương mang tên Cộng đồng giới tính thiểu số Uganda đã biểu tình phản đối sự sách nhiễu của cảnh sát đối với một số thành viên của họ vì đã lên tiếng chống phân biệt đối xử trên cở sở giới tính.

Các hình thức bài Do Thái truyền thống và mới vẫn tiếp tục nổi lên, đỉnh điểm của hoạt động này là sau cuộc xung đột Gaza mùa đông năm 2008 – 2009. Bất chấp những nỗ lực của Chính phủ, tư tưởng bài Do Thái vẫn tồn tại rộng khắp châu Âu, Nam Mỹ và được thể hiện ngay ở những hình thức cổ điển (gồm có tấn công các cá nhân Do Thái, đánh bom giáo đường Do Thái, xâm phạm nghĩa trang, trộm biển hiệu “Arbeit Macht Frei” (có nghĩa “lao động giải phóng con người”) tại cổng trại tập trung khét tiếng Auschwitz, những lời buộc tội phỉ báng dòng máu, không trung thành, và tầm ảnh hưởng hạn chế của người Do Thái đến chính sách của Chính phủ và giới truyền thông). Các hình thức bài Do Thái kiểu mới bao gồm chỉ trích chủ nghĩa phục quốc Do Thái và chính sách của Israel, sau đó lan rộng ra thành bài xích toàn bộ người Do Thái, trong một số trường hợp còn chuyển thành bạo lực chống người Do Thái nói chung. Thay vì đấu tranh chống chủ nghĩa bài Do Thái, một số chính quyền còn kích động thêm, điển hình nhất là Tổng thống Iran Ahmadi-Nejad. Các chiến dịch bài Do Thái, bao gồm cả việc phủ nhận vụ thảm sát Do Thái, đã được lưu truyền rộng rãi trên truyền hình vệ tinh, đài phát thanh và Internet. Một chương trình truyền hình ở Ai Cập được phát sóng khắp khu vực đã không phủ nhận vụ thảm sát Do Thái, nhưng thay vào đó lại tán dương, ủng hộ cuộc tàn sát, làm nhục người Do Thái và kêu gọi một cuộc thảm sát Do Thái trong tương lai.

Ngay cả ở những quốc gia có thành tích tôn trọng nhân quyền mạnh mẽ thì vẫn có những ví dụ điển hình về việc thành viên của những nhóm dễ bị tổn thương bị phân biệt đối xử và sách nhiễu. Tình trạng phân biệt đối xử đối với người Hồi giáo ở châu Âu ngày càng nhức nhối. Trường hợp gần đây thu hút sự chú ý của quốc tế đó là việc Thụy Sỹ đã thông qua dự luật cấm xây tháp trên các đền thờ Hồi giáo vào ngày 29 tháng 11. Một điều khoản trong hiến pháp của Thụy Sĩ cho phép người dân trực tiếp tham gia vào quá trình này. Luật sửa đổi đã được thông qua với 57,5 phần trăm người dân bỏ phiếu ủng hộ, bất chấp sự phản đối của cả quốc hội và Hội đồng Liên bang. Nhiều nhà lãnh đạo của nước này đã tuyên bố công khai rằng lệnh cấm này đã đi ngược lại với những giá trị cơ bản của hiến pháp quốc gia và vi phạm các trách nhiệm quốc tế. Những người đề xuất dự luật cấm xây dựng tháp cho rằng việc xây dựng những tòa tháp này là biểu tượng của quyền lực tôn giáo và chính trị của người Hồi giáo.

Trong cơn suy thoái kinh tế, một số vụ tàn sát và bạo lực nhằm vào người Roma đã xảy ra ở Ý, Hungary, Romania, Slovakia và Cộng hòa Czech. Roma là cộng đồng thiểu số lớn nhất và cũng dễ bị tổn thương nhất ở châu Âu; họ phải chịu đựng sự phân biệt chủng tộc, bạo lực và phân biệt đối xử. Cũng có những báo cáo cho thấy những người bị tình nghi là người Roma đã bị cảnh sát ngược đãi khi bị bắt giữ và giam cầm. Người Roma có tỷ lệ nghèo đói, thất nghiệp và mù chữ cao, những phân biệt đối xử trong giáo dục, việc làm và nhà ở cũng rất phổ biến.

VIỆT NAM

Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, với dân số khoảng 87 triệu người, là một nhà nước độc tài do Đảng Cộng sản Việt Nam (Đảng Cộng sản Việt Nam) lãnh đạo. Lần bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội gần đây nhất được tiến hành vào năm 2007. Tuy nhiên, cuộc bầu cử này đã không diễn ra tự do và công bằng vì tất cả những ứng cử viên đều đã được Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam chọn lựa và thẩm tra. Mặt trận là cơ quan của Đảng Cộng sản có trách nhiệm giám sát các tổ chức quần chúng trên cả nước. Nhìn chung, chính quyền dân sự các cấp đã kiểm soát hữu hiệu các lực lượng an ninh.

Tình hình nhân quyền của Chính phủ vẫn chưa đạt được như mong muốn. Người dân không thể thay đổi Chính phủ. Các phong trào chính trị đối lập bị cấm. Chính phủ tiếp tục đàn áp những người bất đồng chính kiến, bắt giữ một số nhà hoạt động chính trị và kết án những người bị bắt giữ năm 2008. Một số biên tập viên và phóng viên của các tờ báo có danh tiếng đã bị cho thôi việc vì đưa tin về vấn đề tham nhũng của các quan chức chính phủ và viết các vấn đề chính trị trên blog (nhật ký trực tuyến) của mình, các blogger (người viết blog) bị bắt giam và bỏ tù vì chỉ trích chính quyền. Công an đôi khi còn ngược đãi nghi can trong các vụ bắt bớ hoặc giam giữ. Điều kiện nhà tù thường khắc nghiệt. Mặc dù tính chuyên nghiệp của lực lượng cảnh sát đã được cải thiện nhưng tham nhũng vẫn là một vấn đề nhức nhối, những người làm trong ngành cảnh sát đôi khi còn không bị phạt khi sai phạm. Các cá nhân bị giam giữ tùy tiện vì hoạt động chính trị, và còn bị tước quyền được xét xử công bằng và nhanh chóng. Chính phủ tiếp tục kiểm soát báo chí và hạn chế quyền riêng tư của công dân và quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, đi lại và lập hội. Chính phủ duy trì lệnh cấm đối với các tổ chức nhân quyền độc lập. Bạo lực và phân biệt đối xử với phụ nữ và nạn buôn bán người vẫn là những vấn đề nhức nhối mặc dù luật pháp và Chính phủ đã nỗ lực giải quyết. Một số nhóm dân tộc thiểu số bị phân biệt đối xử trong xã hội. Chính phủ hạn chế quyền của người lao động được hình thành và tham gia các hội đoàn độc lập.

TÔN TRỌNG NHÂN QUYỀN

Phần 1: Tôn trọng phẩm giá con người, bao gồm tự do không bị:

a. Tước đi cuộc sống một cách tùy tiện và bất hợp pháp

Không có báo cáo nào cho thấy Chính phủ hoặc các cơ quan chính phủ gây ra bất kỳ vụ sát hại nào vì động cơ chính trị. Khác với những năm trước đây, không có báo cáo nào cho thấy có người tử vong trong khi bị bắt giam.

Không có tiến triển nào mới liên quan đến trường hợp của Y Ben Hdok, một người Thượng ở Đắc Lắc, đã chết khi đang bị tạm giam vào tháng 5 năm 2008.

b. Mất tích

Không có báo cáo nào về mất tích do động cơ chính trị.

Không có tiến triển nào mới liên quan đến trường hợp Thượng tọa Thích Trí Khải thuộc Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, một tổ chức chưa đăng ký hoạt động, bị bắt giữ năm 2008.

c. Tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, phi nhân tính hoặc xúc phạm

Luật pháp nghiêm cấm các hành vi xâm phạm về thân thể, tuy nhiên công an vẫn thường đánh đập nghi can trong các vụ bắt bớ hoặc giam giữ. Đã có những báo cáo về các vụ công an địa phương sách nhiễu và đánh đập ở các tỉnh Đắc Lắc, Điện Biên, Gia Lai, Hà Giang, Lai Châu, Nghệ An, Sơn La, Thái Bình, Thanh Hóa và Trà Vinh. Một số vụ việc liên quan đến việc các nhà thờ Tin Lành đang tìm cách hoạt động ở các tỉnh thành này. Những người đòi quyền về đất đai ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long cũng thông tin rằng họ bị chính quyền địa phương sách nhiễu. Hầu hết các sự vụ giữa cộng đồng dân tộc thiểu số và chính quyền địa phương liên quan đến tranh chấp đất đai, tiền bạc và tranh chấp tại địa phương.

Trái với năm 2008, không có báo cáo nào về việc chính quyền cưỡng ép những người hoạt động chính trị vào các bệnh viện tâm thần như một biện pháp để đàn áp những người chống đối này.

Viện Xã hội Mở báo cáo có hơn 50.000 đối tượng sử dụng ma túy bị đưa vào các trại cai nghiện bắt buộc.

Điều kiện sinh hoạt trong nhà tù và trại giam

Điều kiện nhà tù có thể khắc nghiệt, nhưng nhìn chung không đe dọa đến mạng sống của tù nhân. Tình trạng quá tải, khẩu phần ăn không đủ, thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh kém vẫn là những vấn đề nghiêm trọng tại nhiều nhà tù. Tù nhân nói chung buộc phải lao động nhưng không có tiền công. Trong chuyến thăm nhà tù Nam Hà thuộc tỉnh Hà Nam, các nhà ngoại giao nước ngoài đã quan sát thấy điều kiện ở đây đạm bạc nhưng nhìn chung khu vực sinh sống sạch sẽ, điều kiện lao động chấp nhận được. Đôi khi tù nhân bị chuyển tới phòng biệt giam, họ không được đọc và viết trong khoảng thời gian lên đến hàng tháng. Thân nhân của họ khẳng định chắc chắn rằng tù nhân được đối xử tốt hơn nếu đút lót cán bộ trại giam.

Tù nhân được tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản và được hưởng thêm các dịch vụ y tế ở các bệnh viện tuyến huyện hoặc tỉnh. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp thân nhân không được gửi thuốc men cho tù nhân. Thân nhân của một nhà hoạt động bị mắc bệnh về mắt trong thời gian ở trong nhà tù tỉnh Thanh Hóa và thân nhân của một nhà hoạt động khác bị đột quỵ trong nhà tù tỉnh Hà Nam đều khẳng định rằng công tác chữa trị bệnh là không phù hợp, dẫn đến những biến chứng lâu dài trầm trọng hơn.

Giám thị nhà tù đã trả lại Cha Nguyễn Văn Lý cuốn Kinh Thánh và cho phép ông đọc những tờ báo đã được kiểm duyệt và xem ti-vi. Tuy nhiên, điều kiện sức khỏe của ông khá yếu sau hai lần bị đột quỵ trong tù vào tháng 7 và tháng 11. Sau lần đột quỵ thứ hai, nặng hơn lần trước, ông đã được chuyển đến bệnh viện thuộc Bộ Công an ở gần Hà Nội. Sau khi điều trị, ông bị chuyển về nhà tù ở Hà Nam và bị giam ở đó đến hết năm.

Tổng số lượng tù nhân và người bị tạm giam không được công bố rộng rãi. Những người bị tạm giam nhưng chưa xét xử được giam riêng khỏi những tù nhân đã bị kết án. Theo quy định và thông lệ, trẻ vị thành niên phải được giam riêng biệt với người trưởng thành, nhưng trong một số ít trường hợp, vị thành niên vẫn bị giam chung với người trưởng thành trong một giai đoạn ngắn do điều kiện về buồng giam không đủ đáp ứng. Theo quy định thì nam giới và phụ nữ bị giam ở nơi cách biệt. Những tù nhân chính trị bị chuyển đến các nhà tù được thiết kế đặc biệt, những nhà tù này cũng giam giữ những tù nhân đã bị kết án khác, và trong hầu hết các trường hợp, các tù nhân chính trị bị giam giữ riêng biệt với các tù nhân khác. Một vài tù nhân chính trị cấp cao bị giam giữ hoàn toàn tách biệt với tất cả các tù nhân khác.

Chính quyền cho phép các nhà ngoại giao nước ngoài và một đoàn nước ngoài được thăm nhà tù một cách hạn chế và tiếp xúc với các tù nhân được giam giữ ở các nhà tù khác nhau.

d. Bắt bớ và giam giữ tùy tiện

Luật hình sự cho phép Chính phủ giam giữ mà không cần cáo buộc vô thời hạn theo các điều khoản “an ninh quốc gia” mập mờ chẳng hạn như các điều 84, 88 và 258. Chính phủ cũng đã bắt giam và bỏ tù vô thời hạn các cá nhân theo các điều khoản khác. Một số người bất đồng chính kiến trên phạm vi cả nước cũng bị chính quyền quản chế hành chính hoặc quản thúc tại gia.

Vai trò của công an và lực lượng an ninh

Đảm bảo an ninh trong nước là trách nhiệm của Bộ Công an; tuy nhiên, ở một số vùng hẻo lánh thì quân đội là cơ quan chủ yếu và thực thi chức năng đảm bảo an ninh công cộng, trong đó có duy trì trật tự công cộng trong trường hợp xảy ra bạo động dân sự. Bộ Công an kiểm soát lực lượng cảnh sát, cơ quan đặc nhiệm điều tra an ninh quốc gia, và các đơn vị an ninh nội vụ khác. Bộ này cũng quản lý hệ thống đăng ký hộ tịch và công an khu vực nhằm giám sát dân cư. Mặc dù hệ thống giám sát này cũng đã bớt can thiệp vào đời sống hàng ngày của công dân nhưng nó vẫn được sử dụng để giám sát các đối tượng bị tình nghi tham gia hoặc có thể tham gia các hoạt động chính trị không được phép. Vẫn có báo cáo đáng tin cậy về các vụ công an địa phương cho lực lượng dân quân thuê “côn đồ” và “lực lượng dân phòng” để sách nhiễu và đánh đập các nhà hoạt động chính trị và những đối tượng khác, bao gồm các tín đồ tôn giáo, bị cho là “phiền hà” hay là “mối đe dọa” đối với an ninh công cộng.

Ở cấp tỉnh, quận huyện và xã đều có lực lượng công an và họ chịu sự chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân cấp tương ứng. Nhìn chung các lực lượng công an thực thi hiệu quả vai trò duy trì ổn định chính trị và trị an công cộng, nhưng năng lực của họ, đặc biệt là năng lực điều tra còn rất yếu kém. Công tác đào tạo công an và các nguồn lực vẫn còn chưa đầy đủ và thích hợp.

Tham nhũng là một vấn đề nghiêm trọng của lực lượng công an ở tất cả các cấp. Đôi khi công an còn không bị phạt khi sai phạm. Các cơ chế giám sát nội bộ ngành công an tuy có tồn tại nhưng lại chịu sự chi phối của các ảnh hưởng chính trị. Chính phủ đã hợp tác với một số chính phủ nước ngoài khác trong một chương trình dành cho công an tỉnh và các cán bộ quản giáo nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp của lực lượng an ninh.

Quy trình bắt giữ và đối xử khi tạm giam

Bộ luật hình sự quy định trình tự giam giữ và đối xử với các cá nhân cho đến khi họ được đưa ra tòa xét xử. Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (văn phòng công tố) ra lệnh bắt, thường là theo yêu cầu của bên công an. Tuy nhiên, công an có thể tiến hành bắt giữ mà không cần có lệnh mà căn cứ dựa trên khiếu nại của bất kỳ người nào đó. Trong những trường hợp này, Viện Kiểm sát ra lệnh bắt hồi tố. Trong vòng chín ngày, Viện Kiểm sát phải ra quyết định khởi tố điều tra hình sự đối với người đang bị tạm giam; nếu không công an sẽ phải thả nghi can. Trên thực tế quy định 9 ngày này thường bị bỏ qua.

Quá trình điều tra có thể kéo dài từ ba tháng đối với những tội danh ít nghiêm trọng (những tội có án tù 3 năm) đến 16 tháng đối với những tội đặc biệt nghiêm trọng (những tội có thể dẫn đến án tù trên 15 năm hoặc tử hình) hoặc hơn hai năm đối với những vụ liên quan đến an ninh quốc gia. Tuy nhiên trong vài trường hợp việc điều tra có thể kéo dài vô hạn định. Bộ luật hình sự cũng cho phép Viện Kiểm sát yêu cầu tạm giam thêm hai tháng sau khi điều tra để xem xét liệu có nên truy tố người bị giam giữ hay trả vụ việc cho bên công an điều tra thêm. Đôi khi các nhân viên điều tra còn dùng biện pháp cách ly, kéo dài thời gian thẩm vấn, không cho ngủ để buộc người bị giam giữ phải nhận tội.

Theo quy định, người bị giam giữ được phép gặp luật sư kể từ khi bị giam giữ; tuy nhiên chính quyền đã sử dụng những chậm trễ trong thủ tục hành chính để ngăn người bị giam giữ tiếp cận với tư vấn pháp lý. Trong các vụ liên quan tới an ninh quốc gia, các nhà chức trách có thể trì hoãn việc gặp gỡ giữa luật sư bào chữa và thân chủ của họ cho đến khi quá trình điều tra kết thúc và nghi can chính thức bị kết tội. Theo luật, quá trình điều tra có thể được tiếp tục và việc tiếp cận với tư vấn pháp lý có thể bị từ chối đến hơn hai năm. Ngoài ra, do tình trạng khan hiếm luật sư được đào tạo và sự bảo vệ không hiệu quả các quyền của bị đơn nên hiếm khi người bị giam giữ được tiếp cận với luật sư. Trên thực tế, chỉ những người phạm tội tuổi vị thành niên và những người bị cáo buộc phạm những tội có thể dẫn đến mức án tử hình mới được chỉ định luật sư.

Luật sư bào chữa phải được thông báo về các cuộc thẩm vấn thân chủ của họ và được phép dự các buổi thẩm vấn đó. Tuy nhiên, bị cáo trước đó phải tự mình yêu cầu sự có mặt của luật sư, nhưng không rõ liệu các nhà chức trách có thường thông báo cho bị cáo về quyền lợi này của họ hay không. Luật sư cũng phải được tiếp cận hồ sơ vụ án và được phép sao chụp các hồ sơ nhưng chỉ thỉnh thoảng các luật sư mới được thực hiện những quyền này.

Nhìn chung, công an thường thông báo cho gia đình người bị giam giữ về nơi giam giữ họ. Tuy nhiên, người nhà chỉ được phép thăm thân nếu được điều tra viên cho phép, nhưng giấy phép này lại không thường xuyên được cấp. Trong thời gian điều tra, chính quyền thường không cho phép những người bị tạm giam gặp gỡ gia đình họ, đặc biệt là trong những vụ liên quan tới an ninh quốc gia. Trước khi tuyên án chính thức, những người bị tạm giam cũng có quyền thông báo cho thân nhân. Tuy nhiên, nhiều người bị tình nghi vi phạm an ninh quốc gia không được liên lạc với bên ngoài dưới bất kỳ hình thức nào. Đến cuối năm, một số người bị bắt giữ hơn một năm cũng không được gặp gia đình hay luật sư của họ, mặc dù vẫn chưa chính thức bị cáo buộc tội danh nào.

Không có hình thức bảo lãnh hay thả có điều kiện. Thời gian giam giữ chờ xử án sẽ được tính vào thời gian thi hành án được tuyên.

Tòa án có thể tuyên phạt quản chế hành chính tới 5 năm sau khi đã thụ án. Thêm vào đó, công an và các tổ chức đoàn thể có thể yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp huyện và tỉnh áp dụng một trong năm “biện pháp hành chính” mà không cần xét xử. Các biện pháp này bao gồm các hình phạt như giam giữ từ 6 đến 24 tháng trong các trung tâm cải tạo trẻ vị thành niên hay các trại giam người lớn và thường áp dụng đối với các đối tượng vi phạm nhiều lần với mức độ vi phạm nhỏ như trộm cắp vặt hay “lăng mạ người khác”. Các chủ tịch ủy ban nhân dân cũng có thể áp dụng hình phạt “quản chế hành chính”, thường là dưới hình thức hạn chế di chuyển và đi lại. Chính quyền tiếp tục phạt một vài cá nhân dựa theo những điều khoản về an ninh quốc gia có từ ngữ mập mờ được quy định trong bộ luật hình sự.

Các vụ giam giữ tùy tiện, đặc biệt đối với các nhà hoạt động chính trị vẫn là một vấn đề nổi cộm. Chính phủ sử dụng các nghị định, sắc lệnh và các biện pháp khác để giam giữ các nhà hoạt động vì bày tỏ những quan điểm chính trị đối lập một cách hòa bình. Trong năm, chính quyền đã bắt giữ một số cá nhân vì vi phạm điều 88, trong đó nghiêm cấm “tuyên truyền chống nhà nước”. Những người bị kết tội vi phạm điều 88 thường phải nhận mức án đến năm năm tù giam. Mặc dù một số nhà hoạt động chính trị được giảm án sau khi kháng cáo nhưng một số những người khác vẫn bị giữ nguyên bản án sau khi phúc thẩm.

Trong năm nay, vẫn tiếp tục có những báo cáo về việc các quan chức chính quyền ở Tây Nguyên và Tây Bắc tạm giữ các cá nhân người dân tộc thiểu số vì tội liên lạc với cộng đồng thiểu số ở nước ngoài.

Như năm 2008, các vụ biểu tình hòa bình đòi đất đai ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã khiến một số người đứng ra tổ chức bị tạm giam và bị theo dõi, mặc dù Chính phủ đã giải tán những cuộc biểu tình này mà không dùng tới biện pháp bạo lực mạnh tay nào. Những nhà hoạt động chính trị và tôn giáo cũng bị giam giữ không chính thức ở mức độ khác nhau tại nơi họ sinh sống. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, các nhà hoạt động nổi bật như Nguyễn Đan Quế và Đỗ Nam Hải hiện vẫn bị quản thúc tại gia.

Ân xá

Trước kỳ nghỉ Tết và Quốc khánh, Chính phủ trung ương đã ban hành lệnh ân xá cho xấp xỉ 20.000 tù nhân, trong đó chủ yếu là những tù nhân phạm những tội danh thông thường.

Những người được ân xá trong dịp Tết gồm có nhà báo Nguyễn Việt Chiến; Trần Thị Lệ Hằng, nhà hoạt động Đảng Dân chủ Tự do; Đặng Tiến Thông, người biểu tình đòi các quyền đất đai; và bốn tín đồ Phật giáo dân tộc Khmer Krom (Kim Moeun, Danh Tol, Thạch Thượng và Lý Hoàng) phạm tội tham gia vào các vụ biểu tình đòi đất đai năm 2007. Đợt ân xá nhân dịp Quốc khánh gồm có Nguyễn Hữu Hải và Nguyễn Hồng Sơn, hai người liên kết với một giáo phái chưa được công nhận của đạo Cao Đài. Cảnh sát Campuchia đã bắt giữ Hải và Sơn năm 2004 vì tội phản đối phái đoàn Việt Nam tại cuộc họp của Tổ chức Liên minh nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á tại Phnom Penh. Sau đó hai người này bị trục xuất về Việt Nam vào năm 2004 và bị buộc tội “trốn ra nước ngoài để chống chính quyền” và “rải truyền đơn chống phá Chính phủ Việt Nam nhằm kích động biểu tình và bạo động”.

Hơn 100 người Thượng ở Tây Nguyên phạm tội vi phạm luật an ninh quốc gia năm 2001 và 2004 được báo cáo là đã được thả tự do trong năm, trong đó có 11 người được thả vào đợt ân xá nhân dịp Quốc Khánh.

e. Không xét xử công khai và công bằng

Pháp luật quy định sự độc lập của các thẩm phán và các hội thẩm nhân dân. Tuy nhiên, trên thực tế Đảng Cộng sản Việt Nam kiểm soát các tòa án ở mọi cấp thông qua thực quyền bổ nhiệm các chức danh trong tòa án và các bộ máy khác. Trong nhiều trường hợp Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định mức án. Hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, các chánh án đều là Đảng viên Cộng sản và được bổ nhiệm ít nhất một phần là do quan điểm chính trị của họ. Vẫn như những năm trước đây, hệ thống tư pháp bị bóp méo nghiêm trọng do những ảnh hưởng chính trị, nạn tham nhũng cục bộ và thiếu hiệu quả. Ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam đặc biệt thể hiện rõ trong các vụ án lớn và các trường hợp khác liên quan đến các cá nhân bị buộc tội gây phương hại cho Đảng hoặc nhà nước. Vào tháng 7 và tháng 8, Đài Truyền hình Trung ương đã phát sóng các băng ghi hình lời thú tội với cảnh sát của một số nhà hoạt động chính trị bị bắt hồi đầu năm, trong đó có luật sư Lê Công Định. Lời thú tội được phát sóng trước phiên xét xử và trong một vài trường hợp thì còn trước cả khi họ bị chính thức kết tội.

Hệ thống tư pháp bao gồm Tòa án Nhân dân Tối cao; các tòa án nhân dân cấp tỉnh thành và cấp quận huyện; tòa án quân sự; tòa hành chính, kinh tế và lao động; và các tòa án khác do pháp luật quy định. Mỗi quận huyện đều có một tòa án nhân dân với vai trò là các tòa xét xử sơ thẩm đối với hầu hết các vụ án trong nước, hình sự, dân sự. Mỗi tỉnh lại cũng có một tòa án nhân dân, với vai trò là các tòa phúc thẩm xét xử các vụ án sơ thẩm từ cấp quận huyện đưa lên. Chịu trách nhiệm báo cáo trước Quốc hội, Tòa án Nhân dân Tối cao là cơ quan tòa án cấp cao nhất xét xử phúc thẩm và giám đốc thẩm. Các tòa hành chính xét xử các khiếu nại của công dân liên quan đến tham nhũng và lạm dụng chức quyền của các cán bộ, quan chức. Ngoài ra còn có các ủy ban đặc biệt giúp giải quyết các tranh chấp tại địa phương.

Tòa án quân sự mặc dù do Bộ Quốc phòng cấp ngân sách nhưng vẫn hoạt động theo các nguyên tắc như các tòa án khác. Người đứng đầu hệ thống tòa án quân sự (Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương) đồng thời là phó chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao. Các chánh án, thẩm phán và hội thẩm viên của Tòa án quân sự là các cán bộ quân đội, do Bộ Quốc phòng và Tòa án Nhân dân Tối cao cùng lựa chọn nhưng chịu sự giám sát của Tòa án Nhân dân Tối cao. Pháp luật cho phép các tòa án quân sự toàn quyền xét xử mọi vụ án hình sự liên quan tới các đơn vị và cá nhân trong lĩnh vực quốc phòng bao gồm cả các doanh nghiệp của quân đội. Quân đội cũng có quyền sử dụng các tòa hành chính, kinh tế và lao động để xét xử các vụ án dân sự.

Các tòa xét xử sơ thẩm ở cấp quận huyện và tỉnh thành có các chánh án, thẩm phán và hội thẩm nhân dân, tuy nhiên các tòa phúc thẩm cấp tỉnh thành và Tòa án Nhân dân Tối cao lại chỉ có các thẩm phán. Hội đồng Nhân dân chỉ định các hội thẩm nhân dân từ một nhóm các ứng viên do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu lên. Yêu cầu đối với các hội thẩm nhân dân là phải có “tiêu chuẩn đạo đức cao” nhưng lại không yêu cầu đã được đào tạo trong ngành luật, và vai trò của họ phần lớn chỉ mang tính chất tượng trưng.

Số lượng luật sư và thẩm phán, chánh án được đào tạo vẫn còn thiếu. Lương trong ngành tư pháp thấp đã cản trở những nỗ lực trong việc xây dựng hệ thống tư pháp với nguồn nhân lực được qua đào tạo. Một số ít các chánh án, thẩm phán được đào tạo chính quy trong ngành luật thường lại chỉ học ở những quốc gia có truyền thống pháp luật cộng sản. Chính phủ vẫn tiếp tục thực hiện các chương trình đào tạo nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến các thẩm phán và nhân viên tòa án được đào tạo chưa hiệu quả.

Vào tháng 5, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, một hiệp hội nghề nghiệp quốc gia đại diện cho các luật sư đang hành nghề đã được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 1 năm 2008, nhằm thi hành Luật Luật sư năm 2005. Liên đoàn Luật sư Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hợp tác chặt chẽ với Bộ Tư pháp và Hiệp hội Luật sư Việt Nam. Liên đoàn Luật sư Việt Nam đóng vai trò như một hiệp hội giám sát chức năng của các liên đoàn luật sư địa phương và Liên đoàn đã bắt đầu phát triển chuẩn đạo đức nghề nghiệp cho các luật sư.

Thủ tục xét xử

Hiến pháp quy định rằng các công dân đều vô tội cho tới khi nào các cơ quan xét xử chứng minh được là có tội; tuy nhiên nhiều luật sư phản ánh rằng nhìn chung các thẩm phán đều mặc định coi người bị đưa ra xét xử là có tội. Nhìn chung các vụ xét xử đều mở xét xử công khai nhưng những vụ án nhạy cảm thì thẩm phán xử kín hoặc hạn chế người tham dự. Không có bồi thẩm đoàn. Bị đơn có quyền có mặt và có luật sư bào chữa tại phiên xét xử mặc dù không nhất định đó là luật sư họ lựa chọn, nhìn chung trên thực tế quyền này được tôn trọng. Bị đơn nào không có tiền thuê luật sư riêng thì sẽ có một luật sư được chỉ định để bào chữa chỉ trong những vụ án mà bị cáo là vị thành niên hoặc phạm những tội có khả năng sẽ bị kết án chung thân hoặc tử hình. Bị đơn và luật sư bào chữa có quyền chất vấn các nhân chứng; tuy nhiên, có những vụ án mà cả bị đơn và luật sư bào chữa đều không được phép tiếp cận với các bằng chứng do Chính phủ nắm giữ trước phiên xét xử, không được đối chất với các nhân chứng hoặc phản biện lại các cáo buộc. Nhìn chung, các luật sư bào chữa có ít thời gian xem xét các bằng chứng chống lại thân chủ của mình trước phiên xét xử. Người bị kết án có quyền kháng cáo. Các tòa án quận huyện và tỉnh thành không xuất bản các tài liệu của các vụ án do mình xét xử. Tòa án Nhân dân Tối cao tiếp tục cho xuất bản các tài liệu của tất cả các vụ án mà Tòa án Nhân dân Tối cao đã có quyết định giám đốc thẩm.

Vẫn tiếp tục có những báo cáo đáng tin cậy về việc chính quyền tạo áp lực khiến các luật sư bào chữa không nhận bào chữa cho khách hàng là những người hoạt động tôn giáo hoặc dân chủ bị đưa ra xét xử. Một số luật sư nhận bào chữa những vụ này đã bị sách nhiễu và bắt giữ, ví dụ như luật sư Lê Công Định và Lê Trần Luật. Phát ngôn viên của Bộ Công an đã nói rằng một phần nguyên nhân dẫn đến việc Định bị bắt giữ là vì đã bào chữa cho những người bất đồng chính kiến chính trị tại tòa.

Công tố viên đưa ra bản cáo trạng đối với người bị cáo buộc và giữ quyền công tố trong các phiên xét xử. Theo những sửa đổi trong Bộ Luật tố tụng hình sự trước đó nhằm thay đổi việc xét xử theo nguyên tắc xét hỏi sang chế độ “tranh tụng”, theo đó các công tố viên và luật sư bào chữa tranh luận để bảo vệ quan điểm của mình. Tuy nhiên, tình hình triển khai hình thức này hiện ở mỗi địa phương mỗi khác.

Tháng 3, các quan chức chính phủ đã cho phép một số nhà ngoại giao nước ngoài được tham dự phiên kháng cáo chung của tám bị cáo trong vụ giáo xứ Thái Hà (xem phần Những người bị giam giữ và tù nhân chính trị).

Những người bị giam giữ và tù nhân chính trị

Không có ước tính chính xác về số lượng tù nhân chính trị. Tính đến cuối năm, Chính phủ đã bắt giữ ít nhất 60 người liên quan đến chính trị, trong khi đó một số nhà quan sát quốc tế cho rằng con số này đã lên tới cả trăm người. Chính phủ tuyên bố không giam giữ tù nhân chính trị nào mà chỉ có những người vi phạm pháp luật.

Ngày 15 tháng 1, Mục sư Nguyễn Thị Hồng đã bị kết án ba năm tù giam vì tội “lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, liên quan đến khoản nợ không trả được của người chồng quá cố của bà, thậm chí cả khi khoản nợ đã được trả và gia đình nguyên đơn đã rút đơn kiện.

Tháng 5, hai người nước ngoài đã bị bắt giữ và sau đó bị trục xuất vì bị cho là có liên hệ với Đảng Việt Tân. Tháng 7, một người ngoại quốc khác đã bị bắt giữ và sau đó bị trục xuất vì bị cho là có liên hệ với Đảng Dân chủ Nhân dân Việt Nam.

Tháng 6, luật sư Lê Công Định đã bị bắt vì đăng các bài xã luận trên trang BBC bằng tiếng Việt và những báo khác với nội dung chỉ trích Chính phủ và vì đã bào chữa cho những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền nổi bật như Lê Thị Công Nhân, Lê Văn Đại và blogger Điếu Cày. Sau đó Chính phủ tuyên bố Định và Trần Huỳnh Duy Thức có tham gia vào một âm mưu với các tổ chức nước ngoài nhằm lật đổ chính quyền. Định và Thức ban đầu bị buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88, nhưng vào ngày 22 tháng 12, các cơ quan truyền thông nhà nước đưa tin rằng họ sẽ bị kết án theo điều 79, điều khoản an ninh quốc gia và chuyển thành “tổ chức, chủ mưu và tham gia tích cực” vào các hoạt động chống nhà nước với khung hình phạt nặng hơn, từ 12 đến 20 năm tù giam, cao nhất là tử hình. Đồng phạm của Thức, Lê Thăng Long cũng phải đối mặt với bản án theo điều 79. Các đồng phạm khác gồm có Trần Thị Thu, Lê Thị Thu Thu được công bố là đã bị giam giữ từ tháng 6, nhưng theo như các cơ quan truyền thông thì hai người này không bị đưa ra xét xử.

Ngày 28 tháng 12, Trần Anh Kim, một cựu trung tá quân đội, quay sang trở thành blogger có chính kiến đối lập và hoạt động với tư cách là đại diện ở miền Bắc Việt Nam của nhóm chính trị bị cấm có tên Khối 8406 và là lãnh đạo của Đảng Dân chủ Nhân dân Việt Nam. Ông này bị kết án chiểu theo điều 79, bị phạt năm năm sáu tháng tù và ba năm quản chế sau khi mãn hạn tù. Kim và Nguyễn Tiến Trung, một lãnh đạo khác của Đảng Dân chủ Nhân dân Việt Nam và là nhà đồng sáng lập tổ chức Tập hợp Thanh niên Dân chủ đã bị bắt vào tháng 6 vì vi phạm điều 88; cáo trạng dành cho họ cũng bị tăng nặng hơn chiểu theo điều 79. Vào tháng 8, cơ quan truyền thông nhà nước đã phát sóng “lời nhận tội” của Định, Thức, Trung và Kim, thừa nhận họ đã cùng nhau âm mưu lật đổ Chính phủ. Những người này vẫn đang chờ đến phiên xét xử vào cuối năm.

Phùng Quang Quyền, thành viên của tổ chức Đảng Vì Dân và Đảng Dân chủ Nhân dân Việt Nam đã được thả vào tháng 1 nhưng đến tháng 9 lại bị bắt lần thứ ba vì vi phạm quản chế hành chính, ông này đã lén lút sang Campuchia để họp với lãnh đạo Đảng Vì Dân. Ba cá nhân khác cũng là đảng viên của Đảng Dân chủ Nhân dân Việt Nam cũng đã bị bắt giữ: Trương Văn Kim, Dương Âu, và Trương Thị Tâm. Họ bị buộc tội vi phạm điều 91 Bộ luật Hình sự (trốn ra nước ngoài nhằm chống chính quyền) và sẽ bị đưa ra xét xử vào cuối năm.

Lê Thị Kim Thu, nhà hoạt động đòi quyền đất đai đã bị bắt vào tháng 8 năm 2008 và sau đó, tháng 11 năm 2008 đã bị buộc tội và kết án 18 tháng tù giam theo điều 88. Thu đã được thả vào tháng 11 năm 2009, trước thời hạn ba tháng do cải tạo tốt.

Chính quyền cũng đã tạm giữ và bỏ tù những người sử dụng mạng Internet để đưa lên những ý kiến, quan điểm về nhân quyền, các chính sách của Chính phủ và đa nguyên chính trị (xem phần 2.a., Tự do Internet).

Tháng 1, đảng viên Đảng Dân chủ Nhân dân Huỳnh Nguyên Đạo đã được thả sau khi thực hiện xong bản án.

Tháng 2, Trịnh Quốc Thảo, đảng viên nhóm Người Việt Yêu Nước đã được thả sau khi hoàn thành bản án hai năm vì tội “tuyên truyền chống chính quyền”.

Tháng 4, nhà hoạt động vì quyền đất đai và thành viên của Khối 8406 Hồ Thị Bích Khương đã được thả sau khi hoàn thành bản án.

Một số báo cáo đã chỉ ra rằng trong năm qua, hơn 100 người Thượng ở Tây Nguyên bị kết tội vi phạm luật an ninh quốc gia do liên quan đến các vụ biểu tình ở Tây Nguyên năm 2001 và 2004 đã được thả.

Tháng 9, Khối 8406 và Nguyễn Ngọc Quang, thành viên tổ chức Bạch Đằng Giang đã được thả sau khi chấp hành xong thời hạn tù ba năm vì tội phát tán các bài báo và tài liệu dân chủ trên mạng Internet.

Tháng 9, nhà hoạt động vì quyền đất đai Lương Văn Sinh và Lưu Quốc Quân đã được thả sau khi mãn hạn tù vì tội biểu tình trái phép và tuyên truyền chống Chính phủ.

Cuối tháng 11, Trần Công Minh, đảng viên Đảng Nhân dân Hành động đã được thả sau khi mãn hạn tù 13 năm. Minh bị bắt năm 1996 khi ông và 18 người khác cố gắng vượt từ Campuchia sang Thái Lan để họp với lãnh đạo Đảng Nhân dân Hành động. Minh đã được dẫn giải về Việt Nam và bị đưa ra xét xử năm 1999.

Thời gian quản chế đối với Nguyễn Khắc Toàn kết thúc vào tháng 1 và của Phạm Hồng Sơn là tháng 8.

Không có tiến triển gì được báo cáo về vụ việc cầm tù và bắt giữ các cá nhân bị tình nghi tổ chức các nhóm dân tộc thiểu số biểu tình phản đối các chính sách về sử dụng đất của địa phương tại Tây Nguyên hồi tháng 4 năm 2008.

Vào tháng 2, Nguyễn Thị Cẩm Hồng, người hoạt động vì quyền đất đai ở tỉnh Long An đã bị bắt giữ năm 2008, bị tuyên bố là có tội và phạt 18 tháng tù giam vì vi phạm điều 88. Tháng 3, tám người bị bắt khi tham gia cầu nguyện tại giáo xứ Thái Hà đã không kháng án thành công cáo buộc gây rối trật tự xã hội và phá hủy tài sản công được tuyên vào tháng 12 năm 2008.

Trong bốn phiên tòa riêng biệt diễn ra từ ngày 6-9 tháng 10, chín người bất đồng chính kiến thuộc Khối 8406 bị bắt giữ hồi tháng 8 đến tháng 9 năm 2008 đã bị kết án tù từ hai đến sáu năm vì vi phạm điều 88. Bảy trong số chín người này đã treo biểu ngữ ở Hà Nội, Hải Phòng và Hải Dương chỉ trích Đảng Cộng sản và ủng hộ dân chủ đa đảng. Hai người còn lại bị kết tội vì viết blog phỉ báng chính quyền và Đảng Cộng sản. Tất cả trong số họ, trừ một người, đều có luật sư đại diện, nhưng phần lớn thân nhân của họ đều bị ngăn không cho tham dự phiên tòa. Vũ Văn Hùng và Trần Đức Thạch bị xét xử riệng biệt ở Hà Nội và bị kết án ba năm tù giam và ba năm quản chế sau khi mãn hạn tù. Phạm Văn Trội cũng bị xét xử tại Hà Nội và bị kết án bốn năm tù giam và bốn năm quản chế. Sáu người còn lại được xét xử chung ở Hải Phòng. Nguyễn Xuân Nghĩa nhận mức án sáu năm tù và ba năm quản chế. Nguyễn Văn Túc bị kết án bốn năm tù và ba năm quản chế. Nguyễn Văn Tính và cựu đảng viên Nguyễn Mạnh Sơn cùng chịu mức án ba năm sáu tháng tù và ba năm quản chế. Sinh viên Ngô Quỳnh nhận mức án ba năm tù và ba năm quản chế. Nguyễn Kim Nhàn bị kết án hai năm tù giam và hai năm quản chế. Một số nhà ngoại giao nước ngoài và tổ chức truyền thông được phép tham dự ba trong số bốn phiên tòa. Cuối năm, bà Phạm Thanh Nghiên, người liên kết với chín người bị bắt vẫn bị giam mà không bị kết tội.

Nhà văn bất đồng chính kiến Trần Khải Thanh Thủy vẫn đang bị bắt giam ở Hà Nội chờ xét xử với lời buộc tội hành hung, nguyên nhân bắt nguồn từ vụ việc xảy ra ngày 8 tháng 10 khi cô và chồng là Đỗ Bá Tân bị một nhóm người không rõ danh tính tấn công. Thủy bị một viên gạch đập vào đầu, nhưng bản thân cô lại bị buộc tội cố ý gây thương tích. Cùng ngày hôm đó, trước khi sự vụ trên xảy ra, công an đã chặn Thủy lại khi cô đến Hải Phòng tham dự phiên xử sáu nhà hoạt động Khối 8406. Cảnh sát đã dùng vũ lực đưa cô về Hà Nội và ra lệnh cho cô phải ở trong nhà vô thời hạn. Trước hôm đó, ngày 7 tháng 10, cô cũng bị cảnh sát sách nhiễu khi đứng cùng với thân nhân của Vũ Văn Hùng ngoài địa điểm xử án. Năm 2007, Thủy bị kết án tù chín tháng vì tội “gây rối trật tự công cộng” nhưng đã được thả vào tháng 1 năm 2008 sau khi chấp hành xong thời hạn tù.

Một số người bất đồng chính kiến cấp cao khác vẫn đang ở tù, trong đó có Linh mục Nguyễn Văn Lý, các luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân.

Một số người trong số xấp xỉ 30 nhà hoạt động bị bắt giữ năm 2006-2007 vẫn đang trong quá trình điều tra và quản chế mà không bị kết tội một cách chính thức.

Một số người bất đồng chính kiến tham dự vào các tổ chức chính trị bất hợp pháp như Khối 8406, Đảng Dân chủ Tự do, Đảng Nhân dân Hành động, Cộng đồng Việt Nam Tự do, Đảng Dân chủ Nhân dân Việt Nam, Liên minh Nông dân và Lao động (UWFO) và các tổ chức khác vẫn đang ở tù hoặc bị quản thúc tại gia tại các địa điểm khác nhau.

Các tổ chức phi chính phủ quốc tế (NGOs) ước tính có vài trăm người biểu tình dân tộc thiểu số trong các cuộc biểu tình ở Tây Nguyên năm 2004 hiện vẫn đang bị giam cầm.

Thủ tục xét xử dân sự và bồi thường

Chưa có cơ chế rõ ràng hoặc hiệu quả trong việc thực hiện quyền dân sự đòi bồi thường hoặc khắc phục các trường hợp lạm dụng chức trách của các cơ quan công quyền. Các vụ kiện dân sự được phân xử tại tòa hành chính, tòa dân sự, tòa hình sự. Tất cả các tòa này đều có các trình tự thủ tục xét xử như các vụ án hình sự và được các thành viên của cùng một hội đồng thẩm phán và hội thẩm nhân dân phân xử. Cả ba cấp xét xử này đều có tình trạng chung là tham nhũng, thiếu tính độc lập và thiếu kinh nghiệm.

Theo luật pháp, một công dân muốn khiếu nại việc vi phạm nhân quyền của một cán bộ công chức thì trước hết phải được cán bộ bị cáo buộc vi phạm đó thông qua để đưa việc khiếu nại ra tòa hành chính. Nếu đơn khiếu nại bị từ chối, công dân đó có thể gửi khiếu nại lên cấp trên của cán bộ công chức này. Nếu cán bộ bị khiếu nại hoặc cấp trên chấp thuận để tòa phân xử vụ khiếu nại đó thì sẽ đưa ra tòa hành chính. Nếu tòa hành chính cho rằng vụ khiếu nại đó có căn cứ để khởi kiện thì tòa sẽ chuyển vụ khiếu nại sang cho tòa dân sự để xét xử các vụ có tỷ lệ thương tật thân thể dưới 20 phần trăm sức khỏe, hoặc chuyển sang tòa hình sự để đòi bồi thường với những vụ việc có tỷ lệ thương tật trên 20 phần trăm. Trên thực tế, hệ thống cho phép và chuyển cấp xét xử phức tạp này đã dẫn đến tình trạng là công dân có rất ít cơ hội trông cậy vào quá trình xét xử của tòa dân sự hoặc tòa hình sự để đòi bồi thường các vụ vi phạm nhân quyền. Có rất ít chuyên gia pháp luật có kinh nghiệm với hệ thống này.

Bồi thường tài sản

Tháng 8, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định yêu cầu bồi thường, cung cấp chỗ ở và đào tạo nghề cho các cá nhân phải di chuyển chỗ ở để phục vụ các dự án phát triển. Tuy nhiên, nhiều báo cáo cho thấy tình trạng tham nhũng của các quan chức, quy trình sung công đất và di chuyển công dân để phục vụ cho các dự án cơ sở hạ tầng nhìn chung còn thiếu minh bạch. Theo luật thì công dân phải được bồi thường khi phải tái định cư để phục vụ cho các dự án hạ tầng, nhưng vẫn xuất hiện những khiếu kiện, bao gồm cả từ Quốc Hội về việc bồi thường chưa thỏa đáng hoặc bị chậm trễ.

Tháng 7 và tháng 8, những giáo dân Công giáo ở tỉnh Quảng Bình đã tổ chức một số buổi cầu nguyện quy mô lớn sau những tranh chấp tài sản với chính quyền tỉnh liên quan đến việc phá hủy Nhà thờ Tam Tòa ở Thành phố Đồng Hới.

Một số người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và Tây Bắc tiếp tục phản ánh rằng họ chưa nhận được đền bù thích đáng cho phần đất đai của mình bị sung công trước đó để phục vụ cho các lâm trường trồng cao su và cà phê quy mô lớn của Chính phủ. Trong suốt năm qua, chính quyền đã cưỡng chế di chuyển 20.000 hộ gia đình để phục vụ cho việc xây dựng một dự án thủy điện lớn ở tỉnh Sơn La. Rất nhiều hộ tái định cư cho biết những thiệt hại của họ lớn hơn rất nhiều so với phần đền bù của nhà nước. Một vài người dân cho biết thêm, nguyên nhân của những cuộc biểu tình trước đó ở Tây Nguyên là do sự bất bình và thất vọng của cộng đồng thiểu số trước những chính sách về quyền sử dụng đất đai của nhà nước.

f. Can thiệp tùy tiện vào sự riêng tư cá nhân, gia đình, nhà ở hoặc thư tín

Pháp luật nghiêm cấm những hành vi này; tuy nhiên trên thực tế Chính phủ không tôn trọng những quy định cấm đó. Hệ thống đăng ký hộ tịch và công an khu vực được sử dụng nhằm giám sát mọi công dân, mặc dù những hệ thống này nhìn chung đã bớt can thiệp hơn trước đây. Các cơ quan chính quyền tập trung chú ý đến những người bị tình nghi liên quan đến các hoạt động tôn giáo hoặc chính trị không được phép.

Các lực lượng an ninh không được ép buộc người dân để được vào nhà họ nếu không có lệnh của viện kiểm sát; tuy nhiên, họ hiếm khi nào tuân theo các thủ tục này; thay vào đó là xin phép vào nhà với hàm ý đe dọa hậu quả nếu bất hợp tác. Cảnh sát đã sử dụng vũ lực để vào nhà của nhiều người bất đồng chính kiến nổi bật như Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Thanh Giang, Lê Trần Luật, Nguyễn Công Chính và Đỗ Nam Hải. Cảnh sát đã lấy đi máy tính cá nhân, điện thoại di động và các tài liệu khác của những người này. Các cơ quan chính phủ mở và kiểm duyệt thư của đối tượng bị tình nghi, tịch thu các bưu kiện và thư từ, giám sát các cuộc đàm thoại qua điện thoại, thư điện tử, điện tín và fax. Chính phủ cắt dịch vụ điện thoại cố định và làm gián đoạn điện thoại di động, dịch vụ Internet của một số đối tượng hoạt động chính trị và các thành viên gia đình họ.

Là đảng viên Đảng Cộng sản vẫn là một yêu cầu tiên quyết để thăng tiến nghề nghiệp trong mọi cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp của Chính phủ và liên quan đến Chính phủ. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế đa dạng đã khiến cho việc trở thành đảng viên và là thành viên của các tổ chức quần chúng dưới sự quản lý của Đảng ít quan trọng hơn về mặt thăng tiến xã hội và tài chính.

Phần 2: Tôn trọng tự do công dân, bao gồm:

a. Tự do ngôn luận và tự do báo chí

Pháp luật có quy định tự do báo chí và tự do ngôn luận; tuy nhiên Chính phủ vẫn tiếp tục hạn chế những quyền tự do này, đặc biệt đối với phát ngôn chỉ trích các lãnh đạo chính phủ, thúc đẩy dân chủ đa nguyên hay đa đảng, hoặc chất vấn các chính sách liên quan đến những vấn đề nhạy cảm như nhân quyền, tự do tôn giáo hay hiệp định phân định biên giới với Trung Quốc. Ranh giới giữa phát ngôn cá nhân và phát ngôn công khai vẫn còn được quy định khá tùy tiện.

Cả Hiến pháp và Bộ Luật Hình sự đều có các điều khoản chung về an ninh quốc gia và chống nói xấu, phỉ báng mà Chính phủ sử dụng để hạn chế tự do ngôn luận và tự do báo chí. Bộ Luật Hình sự quy định tội “ngầm phá hoại nền tảng của chủ nghĩa xã hội”, “gây chia rẽ giữa những người theo tôn giáo và không theo tôn giáo” và “tổ chức tuyên truyền chống lại Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” là những tội nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia. Bộ Luật Hình sự cũng cấm “lợi dụng quyền tự do dân chủ vi phạm lợi ích của nhà nước và các tổ chức xã hội”.

Những nhà hoạt động chính trị và nhân thân của những tù nhân này thường xuyên và bị ngăn cản trực tiếp gặp gỡ với các đại diện ngoại giao nước ngoài. Các biện pháp bao gồm thiết lập hàng rào hay bảo vệ ngoài nơi cư trú, hoặc yêu cầu họ phải trình diện tại đồn cảnh sát địa phương một cách ngẫu nhiên và thẩm vấn lặp đi lặp lại. Một nhà hoạt động chính trị phản ánh rằng nhà của cô đã bị vấy bẩn bằng phân động vật và xăng xe máy nhằm hăm dọa cô không được lên tiếng phản đối Chính phủ.

Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ và các tổ chức quần chúng do Đảng lãnh đạo kiểm soát mọi hoạt động in ấn, phát thanh và truyền thông điện tử. Chính phủ thực hiện việc giám sát thông qua Bộ Thông tin và Truyền thông dưới sự chỉ đạo chung của Ban Tuyên giáo Trung ương. Hai cơ quan này chỉ đôi khi mới can thiệp trực tiếp vào việc ra lệnh hay kiểm duyệt một câu chuyện nào đó. Ví dụ như vào tháng 1, những người kiểm duyệt đã loại bỏ nội dung đề cập đến trận chiến Khe Sanh và và từ “chủ nghĩa cộng sản” khỏi các bản dịch chính thức của các bài phát biểu của lãnh đạo nước ngoài. Tuy nhiên, việc kiểm tra nội dung của các phương tiện thông tin đại chúng lại được thực hiện thường xuyên hơn, thông qua hệ thống tự kiểm duyệt rộng khắp, và đằng sau đó là nguy cơ bị sa thải hoặc có thể bị bắt giữ.

Mặc dù các blog trên mạng Internet đang phát triển nhanh chóng, Đảng và Nhà nước vẫn tiếp tục nỗ lực nhằm hạn chế tự do báo chí, tiếp tục các chiến dịch “chỉnh đốn” bắt đầu từ tháng 3 năm 2008. Để khẳng định thông điệp này, vào tháng 6 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu rằng “báo chí phải là lực lượng tiên phong đáng tin cậy của Đảng, Nhà nước và người dân trên mặt trận chính trị và lý tưởng”. Trong năm, một số phóng viên và biên tập viên cấp cao của các cơ quan truyền thông đã bị sa thải vì đã viết bài về tham nhũng và chỉ trích các chính sách của Chính phủ, một ấn phẩm đã bị đình chỉ vì đưa tin về lễ kỷ niệm lần thứ 30 cuộc chiến tranh biên giới chóng vánh với Trung Quốc.

Ngày 2 tháng 1, ba biên tập viên của ba tờ báo lớn là Thanh Niên, Tuổi Trẻ và Pháp Luật đã bị sa thải, coi đó là một hình phạt vì đưa tin liên quan đến vụ bê bối tham nhũng trên quy mô lớn của Ban Quản lý dự án số 18 (PMU-18) của Bộ Giao thông Vận tải. Đây là động thái tiếp theo việc kết tội hai phóng viên vào tháng 10 năm 2008 vì đã đưa tin về vụ việc này, hai phóng viên đó là Nguyễn Việt Chiến của báo Thanh Niên và Nguyễn Văn Hải của báo Tuổi Trẻ. Chiến bị kết án hai năm tù giam nhưng đã được thả vào đợt ân xá Tết vào tháng 1. Hải nhận mức án hai năm “cải tạo” không giam giữ. Không lâu sau vụ bắt giữ Chiến và Hải, hai tòa báo đã thay thế biên tập viên cấp cao của mình. Tháng 8, Chính phủ đã thu hồi thẻ nhà báo của bảy phóng viên của các tờ báo do nhà nước kiểm soát vì “thiếu trách nhiệm” đối với các bài báo của họ về vụ bê bối PMU-18.

Tháng 2, Bộ Công an đã đóng cửa trang báo mạng trực tuyến www.timnhanh.com vì trang này truyền bá nội dung chính trị chỉ trích Đảng Cộng sản và vì vi phạm luật bản quyền. Tháng 4, tờ báo tuần Du Lịch bị đình chỉ xuất bản ba tháng vì đăng một bài báo về kỷ niệm lần thứ 30 cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc. Tháng 8, hai phóng viên báo Tuổi Trẻ bị thu hồi thẻ nhà báo vì đưa tin “không chính xác” về các vụ tham nhũng năm 2005. Một nhà báo và cũng là blogger khác của báo Sài Gòn Tiếp Thị đã bị cho thôi việc vào tháng 8 vì bình luận và chỉ trích các chính sách của Chính phủ.

Chính phủ tiếp tục áp đặt hạn chế nghiêm ngặt đối với các bài báo liên quan đến những tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông. Tháng 9, ông Đào Duy Quát, Tổng biên tập báo điện tử của Đảng Cộng sản www.dangcongsan.vn đã bị phạt 30 triệu đồng Việt Nam (tương đương gần 1.670 đô-la Mỹ) và bị Ban Tuyên giáo chính thức khiển trách vì đã cho đăng một bài báo dịch từ báo của Trung Quốc về các vụ diễn tập của Trung Quốc ở Biển Đông. Bài báo này có vẻ như ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Pháp luật quy định các nhà báo phải đền bù tài chính cho các cá nhân và tổ chức bị ảnh hưởng do việc đưa tin của nhà báo gây ra, thậm chí ngay cả khi việc đưa tin đó là đúng sự thật. Các quan sát viên độc lập đã ghi nhận rằng pháp luật còn hạn chế nghiêm ngặt việc đưa tin điều tra. Vẫn có những tin tức báo chí về những chủ đề nhìn chung được coi là nhạy cảm, chẳng hạn như việc truy tố các quan chức cao cấp của Đảng và Chính phủ với tội danh tham nhũng, cũng như thỉnh thoảng có tin bài chỉ trích, phê phán các quan chức và các hội chính thức nào đó. Tuy nhiên, quyền tự do phê phán, chỉ trích Đảng Cộng sản và các lãnh đạo Đảng vẫn bị nghiêm cấm.

Các nhà báo nước ngoài muốn hoạt động đều phải được sự phê duyệt của Trung tâm báo chí Bộ Ngoại giao và phải ở Hà Nội, ngoại trừ một phóng viên chỉ tường thuật các vấn đề kinh tế sống và có văn phòng làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng vẫn phải chính thức đăng ký hoạt động tại Hà Nội. Cứ mỗi ba đến sáu tháng, các nhà báo đó lại phải gia hạn thị thực, mặc dù quy trình này chỉ mang tính hình thức; chưa thấy có trường hợp xin ra hạn nào bị khước từ. Số lượng nhân viên báo chí nước ngoài được phép hoạt động bị hạn chế và người trong nước nếu làm việc cho các hãng thông tấn nước ngoài phải đăng ký với Bộ Ngoại giao.

Quy trình để các hãng thông tấn nước ngoài thuê phóng viên và nhiếp ảnh gia địa phương cũng như được chính thức cấp phép hoạt động vẫn còn khá nhiêu khê. Trung tâm báo chí thường giám sát hoạt động của các nhà báo, các yêu cầu phỏng vấn, ghi hình, chụp ảnh hoặc du lịch phải được đệ trình lên trước 5 ngày và sẽ được cấp phép theo từng trường hợp một. Theo luật định, các nhà báo nước ngoài phải trả lời tất cả các câu hỏi của các cơ quan chính quyền thông qua Bộ Ngoại giao, mặc dù trên thực tế thủ tục này thường bị cho qua. Các nhà báo nước ngoài cho biết họ thường không thông báo cho chính quyền biết việc họ đi thực tế ngoài Hà Nội, trừ khi chuyến đi đó có liên quan đến các vấn đề mà chính quyền cho là nhạy cảm hoặc đến các khu vực được cho là nhạy cảm, chẳng hạn như Tây Nguyên.

Tháng 2, Bộ Thông tin Truyền thông đã thắt chặt kiểm soát việc nhập khẩu các ấn phẩm nước ngoài và hoạt động của các nhà xuất bản nước ngoài. Theo những quy định mới, Bộ Thông tin Truyền thông có quyền rút giấy phép của các nhà xuất bản nước ngoài và các nhà xuất bản nước ngoài phải đăng ký lại mỗi năm một lần để duy trì giấy phép hoạt động. Các ấn bản tiếng nước ngoài của một số cuốn sách bị cấm chỉ được bán công khai bởi những người bán sách dạo và trong những cửa hàng chuyên bán sách cho khách du lịch. Các tạp chí định kỳ tiếng nước ngoài được bày bán rộng rãi ở các thành phố. Chính quyền đôi khi cũng kiểm duyệt nội dung của các bài báo này.

Luật pháp chỉ cho phép các quan chức cấp cao, người nước ngoài, các khách sạn cao cấp và giới báo chí quyền tiếp cận với truyền hình vệ tinh. Tuy nhiên trên thực tế, người dân trên cả nước đều có thể tiếp cận với các kênh truyền hình nước ngoài thông qua thiết bị thu tín hiệu vệ tinh hoặc truyền hình cáp. Người dân thành thị đã có thể tiếp cận tự do và rộng rãi dịch vụ truyền hình cáp, bao gồm cả các kênh nước ngoài.

Tự do Internet

Chính quyền cho phép việc truy cập Internet thông qua một số ít các nhà cung cấp dịch vụ Internet và tất cả các nhà cung cấp dịch vụ này đều là các công ty cổ phần thuộc sở hữu nhà nước. Việc sử dụng Internet đã có mức tăng trưởng rất nhanh trong suốt năm, theo Bộ Thông tin Truyền thông, hơn 25% dân số được tiếp cận với Internet, còn theo một nghiên cứu do Yahoo thực hiện thì ở các trung tâm đông dân cư, con số này lên đến gần 50%.

Blog tiếp tục phát triển nhanh chóng. Theo ước tính của Bộ Thông tin Truyền thông thì có đến trên một triệu blogger. Ngoài ra, nhiều nhà báo thuộc các báo in và báo mạng cũng có blog mang tính nghề nghiệp riêng của mình. Với một số nhà báo, các bài viết trên blog của họ còn được cho là sôi nổi hơn nhiều so với các bài viết chính thống. Một số nhà báo đã bị chính quyền xử phạt vì những bài viết trên blog của họ.

Số lượng người sử dụng các mạng xã hội như Facebook đã tăng đến hơn một triệu người, trong khi số lượng các mạng xã hội trong nước cũng tăng lên tương ứng. Đầu năm, giới truyền thông bắt đầu đưa tin về sự nổi lên của các “tiểu blog” (chẳng hạn như chức năng trạng thái của Facebook và Twitter) sẽ thay thế cho các blog truyền thống; tuy nhiên, lượng người dùng các tiểu blog này vẫn rất nhỏ. Tháng 11, Chính phủ đã chỉ thị cho các nhà cung cấp dịch vụ chặn trang Facebook. Mặc dù Chính phủ phủ nhận rằng đã yêu cầu chặn trang này nhưng những người làm việc trong các công ty cung cấp dịch vụ đã thông tin cho giới truyền thông rằng họ đã nhận được chỉ thị này từ Chính phủ. Đến cuối năm, hầu hết mọi người đều không truy cập được Facebook.

Chính quyền nghiêm cấp việc truy cập Internet trực tiếp thông qua các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài và yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ trong nước phải lưu trữ thông tin được truyền dẫn trong vòng ít nhất là 15 ngày, đồng thời phải trợ giúp kỹ thuật và tạo điều kiện cho lực lượng công an kiểm soát các hoạt động trên Internet.

Chính phủ yêu cầu các quán café Internet phải đăng ký thông tin cá nhân của khách hàng và lưu trữ thông tin về các trang mạng mà khách hàng truy cập. Tuy nhiên, nhiều chủ cửa hàng đã không duy trì việc lưu trữ những thông tin này. Tương tự, cũng không rõ những nhà cung cấp dịch vụ Internet chính tuân thủ các quy định của Chính phủ đến mức độ nào.

Mặc dù công dân được tiếp cận với Internet nhiều hơn nhưng Chính phủ vẫn giám sát các hòm thư điện tử, tìm kiếm các từ nhạy cảm, quy định các nội dung trên Internet. Chính phủ cho rằng việc kiểm duyệt Internet là hành động cần thiết để bảo vệ người dân khỏi nguồn sách báo đồi trụy và các nội dung “xấu” hoặc “phản xã hội” khác. Bên cạnh đó, chính quyền cũng cho rằng họ đang nỗ lực để hạn chế việc tiếp cận Internet trong giới học đường để tránh tình trạng các em học sinh bỏ học để chơi game.

Các quy định của Chính phủ nghiêm cấm các blogger đăng tải các thông tin mà Chính phủ cho là phương hại tới an ninh quốc gia, hay tiết lộ bí mật của nhà nước, trích dẫn nội dung bạo lực hay tội ác, hoặc là đưa lên các thông tin không chính xác làm ảnh hưởng đến uy tín của các cá nhân và tổ chức. Luật pháp cũng yêu cầu các công ty Internet toàn cầu có cung cấp dịch vụ blog hoạt động ở Việt Nam cứ mỗi sáu tháng phải báo cáo cho Chính phủ và cung cấp thông tin của các blogger nếu được yêu cầu.

Các quan chức dựa trên điều 88 của Bộ Luật Hình sự, cấm “tuyên truyền chống phá nhà nước”, để nghiêm cấm các cá nhân tải xuống hay truyền đi các tài liệu mà Chính phủ cho là chống phá. Chính quyền tiếp tục bắt giữ và giam cầm những người bất đồng chính kiến sử dụng Internet để truyền bá các tư tưởng về nhân quyền và đa nguyên chính trị.

Tháng 5, Trần Huỳnh Duy Thức, blogger mang tên “Change We Need” (tạm dịch: Thay đổi chúng ta cần), người thường xuyên đưa tin về chuyện tham nhũng trong gia đình của Thủ tướng, đã bị bắt giữ vì kinh doanh điện thoại bất hợp pháp. Thức đang chờ bị đưa ra xét xử vào cuối năm.

Tháng 8, các blogger chính trị như Bùi Thanh Hiếu (còn được biết đến dưới tên Người Buôn Gió) và Mẹ Nấm đã bị bắt giữ do những bài viết và tuyên truyền chính trị của họ. Mười ngày sau khi bị bắt, Hiếu đã được thả tự do, trong khi Nấm bị giam giữ đến 12 ngày. Cô thông báo trên trang mạng của cô rằng cô đồng ý ngừng viết blog như một điều kiện để được trả tự do. Nhà báo Phạm Đoan Trang của báo VietnamNet cũng bị giam giữ 10 ngày vì có quan hệ với Hiếu và Nấm. Cũng trong tháng 8, Huy Đức, nhà báo và blogger nổi tiếng, đã bị báo Sài Gòn Tiếp Thị sa thải vì những nội dung chính trị nhạy cảm trên blog của anh.

Tháng 10, Chính phủ đã đình bản trang báo mạng Tia sáng, trang được Bộ Khoa học Công nghệ cấp phép, vì đã đăng những bài báo chỉ trích hệ thống giáo dục và về vấn đề khai thác bô-xít ở Tây Nguyên.

Blogger nổi tiếng và cũng là chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà báo Tự do Nguyễn Hoàng Hải (còn được biết đến với tên Điếu Cày) đến cuối năm vẫn bị nhốt giam. Vợ cũ của anh đã một vài lần không được cho phép vào gặp chồng, còn con trai anh được gặp một lần trong một khoảng thời gian ngắn ngủi. Đến cuối năm, có báo cáo cho biết anh đã bị biệt giam. Tháng 9, Nhóm đặc trách Chống giam giữ vô cớ của Liên Hiệp Quốc đã nhấn mạnh trường hợp của anh, cũng như “các vụ bắt giữ trái phép” khác và việc tiếp tục bức hại nhiều blogger khác nữa, trong đó có Trương Minh Đức, Phạm Văn Trội, Nguyễn Xuân Nghĩa, Vũ Hùng, Ngô Quỳnh và Phạm Thanh Nghiên. Trần Khải Thanh Thủy, một nhà văn và nhà báo bị bắt giữ tháng 1 năm 2008 chiểu theo Điều 88, sau đó đã được thả để điều trị bệnh, cũng bị sách nhiễu vài lần trong năm.

Chính quyền vẫn tiếp tục sử dụng tường lửa để chặn các trang web có nội dung văn hóa hoặc chính trị được xem là không phù hợp, bao gồm các trang liên quan đến Nhà thờ Công giáo, chẳng hạn như Vietcatholic.net và các trang khác do các nhóm chính trị Việt kiều điều hành. Chính quyền có vẻ đã dỡ bỏ hầu hết các hạn chế đối với việc truy cập trang web của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, tuy nhiên vẫn tiếp tục chặn trang Đài Á châu Tự do (RFA) phần lớn thời gian. Mặc dù vậy, báo chí trong nước đôi lúc vẫn lấy tin viết bài dựa trên các bài phát thanh của Đài Á châu Tự do.

Bộ Thông tin Truyền thông yêu cầu các chủ trang web trong nước, bao gồm các trang do các chủ thể nước ngoài điều hành, phải đăng ký tên miền của trang web với chính quyền và đệ trình nội dung dự kiến cũng như quy mô của trang web để chờ chính quyền thông qua. Tuy nhiên, việc thực thi quy định này vẫn chỉ áp dụng với một số trường hợp cụ thể.

Tự do học thuật và các sự kiện văn hóa

Chính phủ được quyền hạn chế tự do học thuật, và chính quyền đôi khi vẫn thẩm vấn và giám sát các nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực có liên quan đến nước ngoài. Các cán bộ thư viện ngày càng được tập huấn nhiều hơn trong chuyên môn nghiệp vụ và các tiêu chuẩn quốc tế về thư viện, điều này đã thúc đẩy sâu rộng việc trao đổi và nghiên cứu về thông tin, thư viện quốc tế. Các chuyên gia giáo dục nước ngoài hiện đang làm việc tạm thời tại các trường đại học trên cả nước được phép thảo luận thoải mái và rộng rãi các vấn đề phi chính trị trên lớp học, nhưng những quan sát viên của chính quyền vẫn thường xuyên giám sát các lớp học do người nước ngoài và người bản xứ giảng dạy. Các nhân viên an ninh thỉnh thoảng vẫn thẩm vấn những người tham gia vào các chương trình đào tạo hoặc sử dụng các cơ sở vật chất tại các cơ sở ngoại giao để làm nghiên cứu. Mặc dù vậy nhưng yêu cầu được nhận tài liệu từ các cơ sở nghiên cứu nước ngoài vẫn tăng lên. Các ấn phẩm dùng trong nhà trường luôn thể hiện quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ.

Nhiều người trong giới học thuật tỏ ra quan ngại về Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 7 (Quyết định 97) nghiêm cấm các tổ chức khoa học kỹ thuật độc lập được công khai phê bình các chính sách của Đảng và Nhà nước, và coi đây là việc hạn chế nghiêm trọng quyền tự do học thuật. Một học viện nghiên cứu nổi tiếng là Viện Nghiên cứu Phát triển đã quyết định giải tán vì cho rằng với những hạn chế như vậy thì Viện không thể hoạt động đúng với chức năng của mình.

Chính phủ nhìn chung vẫn kiểm soát các hoạt động triển lãm nghệ thuật, biểu diễn âm nhạc và các hoạt động văn hóa khác nhưng vẫn cho phép nghệ sỹ được tự do hơn trong việc lựa chọn chủ đề cho tác phẩm nghệ thuật của mình. Chính phủ cũng cho phép các trường đại học có quyền tự chủ hơn trong hợp tác quốc tế và trong các chương trình hợp tác đào tạo.

b. Tự do hội họp hòa bình và lập hội

Tự do hội họp

Luật pháp hạn chế tự do hội họp và Chính phủ hạn chế cũng như kiểm soát mọi hình thức biểu tình hoặc tụ tập công cộng. Các cá nhân có nhu cầu tụ tập thành nhóm theo luật định phải xin phép, còn chính quyền địa phương có thể đồng ý hoặc không. Trên thực tế, chỉ các nhóm tụ tập công khai thảo luận các vấn đề nhạy cảm là phải xin phép, còn nhìn chung các hoạt động tụ tập không chính thức thông thường không có sự can thiệp của chính quyền. Nhìn chung, Chính phủ không cho phép tổ chức biểu tình bởi các hoạt động đó có thể bị coi là có mục đích chính trị. Chính phủ cũng hạn chế quyền tụ tập thờ phụng của một số nhóm tôn giáo không có đăng ký (xem mục 2.c).

Vào tháng 7 và tháng 8, những cuộc tụ tập quy mô lớn của các giáo dân đã diễn ra liên quan đến những tranh chấp đất đai xung quanh chứng tích nhà thờ Tam Tòa ở tỉnh Quảng Bình. Tháng 7, chính quyền địa phương đã bắt giữ tám giáo dân tham gia cuộc biểu tình; tất cả đều đã được thả tự do vào tháng 9. Một nhóm ít người đã tấn công và đánh hai linh mục Công giáo gần địa điểm tranh chấp. Một linh mục đã bị đẩy từ cửa sổ tầng hai xuống và phải nhập viện. Các buổi tụ tập cầu nguyện tại Tam Tòa diễn ra tiếp sau cuộc biểu tình quy mô lớn và các buổi cầu nguyện tương tự vào tháng 1, tháng 4, tháng 8 và tháng 9 năm 2008 tại nơi xảy ra tranh chấp tài sản Công giáo tại khu đất trước là Tòa Khâm sứ và tại giáo xứ Thái Hà ở Hà Nội. Các cuộc biểu tình nhỏ hơn của công dân đòi bồi thường quyền đất đai thường xuyên được tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh và thi thoảng ở Hà Nội. Cảnh sát giám sát nhưng nhìn chung không làm gián đoạn các cuộc biểu tình này.

Tự do Lập hội

Chính quyền nghiêm cấm các hoạt động tự do lập hội. Các đảng phái chính trị đối lập đều không được phép hoạt động hay khoan nhượng. Chính quyền nghiêm cấm việc thành lập hợp pháp các tổ chức tư nhân, độc lập và yêu cầu mọi người phải hoạt động trong các tổ chức quần chúng đã được thành lập có sự kiểm soát của Đảng, thường là dưới sự quản lý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tuy nhiên, một số thực thể bao gồm các nhóm tôn giáo không đăng ký vẫn hoạt động ngoài khuôn khổ này mà không chịu hoặc ít chịu sự can thiệp từ phía chính quyền.

Các quan chức chính quyền một số nơi thực hiện Pháp lệnh về Dân chủ cơ sở ban hành năm 2007, cho phép người dân, với sự tham gia của đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa phương, tổ chức các cuộc họp để thảo luận các và đưa ra giải pháp cho các vấn đề của địa phương và đề cử lãnh đạo địa phương. Pháp lệnh này cũng yêu cầu các chính quyền xã công khai việc quyên góp xây dựng quỹ và việc sử dụng các quỹ ấy như thế nào để phục vụ hoạt động phát triển kinh tế của địa phương.

Các thành viên của Khối 8406, một nhóm các nhà hoạt động chính trị kêu gọi thành lập đa đảng, tiếp tục phải đối mặt với sách nhiễu và giam cầm. Đến cuối năm, ít nhất 25 thành viên của nhóm vẫn đang bị giam giữ.

Một số lượng lớn thành viên của vài nhóm hoạt động khác, bao gồm Đảng Dân chủ Nhân dân Việt Nam (DPV), và một nhóm có liên quan là Liên minh Nông dân và Lao động (UWFO) đến cuối năm vẫn bị giam ở trong tù. Tháng 7, một số lãnh đạo Đảng Dân chủ Nhân dân gồm có Trần Anh Kim và Nguyễn Tiến Trung đã bị bắt vì hoạt động chính trị.

c. Tự do Tôn giáo

Hiến pháp và các Nghị định của Chính phủ cho phép tự do tín ngưỡng. Đã có những tiến bộ trong việc tôn trọng quyền tự do tôn giáo trong nhiều năm trước và những tiến bộ này vẫn được duy trì trong năm vừa qua. Chính quyền vẫn kiên quyết hạn chế các hoạt động chính trị có tổ chức của các nhóm tôn giáo; tuy nhiên nhìn chung những hạn chế này đã ít nghiêm ngặt hơn những năm trước đây. Việc tham gia các hoạt động tôn giáo tiếp tục gia tăng nhanh chóng.

Việc triển khai thực hiện Khuôn khổ Pháp lý về Tôn giáo vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Các vấn đề chủ yếu nảy sinh ở cấp địa phương, nhưng trong một số trường hợp chính quyền trung ương cũng chậm trễ trong việc thực hiện.

Các nhóm tôn giáo gặp phải nhiều hạn chế nhất khi họ tham gia vào các hoạt động mà Chính phủ nhìn nhận là hoạt động chính trị hoặc đe dọa vai trò thống trị của Chính phủ. Chính phủ tiếp tục ngăn cản việc tham gia một nhánh chưa được công nhận của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo. Chính phủ cũng hạn chế các hoạt động và phong trào của những lãnh đạo của tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không được công nhận và sẽ không công nhận tổ chức này nếu đội ngũ lãnh đạo đó vẫn tại vị. Chính phủ tiếp tục chú ý đến việc các nhóm dân tộc thiểu số hoạt động ở Tây Nguyên đang điều hành “Giáo hội Dega” tự phong, tổ chức bị cho là kết hợp hoạt động tôn giáo và chính trị và kêu gọi cộng đồng thiểu số ly khai.

Chính quyền cũng duy trì vai trò chủ đạo trong việc giám sát các tôn giáo đã được công nhận. Các nhóm tôn giáo phải được đăng ký và công nhận theo luật định và hoạt động cũng như vai trò lãnh đạo của mỗi nhóm tôn giáo phải được sự thông qua của chính quyền cấp tương ứng. Luật pháp quy định chính quyền có nghĩa vụ tuân thủ khung thời gian và minh bạch nhưng quá trình thông qua việc đăng ký và công nhận các tổ chức tôn giáo đôi khi còn chậm trễ và không minh bạch. Tuy nhiên, các chi hội tin lành mới trong năm cũng đã được đăng ký trên toàn quốc và một giáo phái cũng đã được đăng ký ở cấp quốc gia. Tuy nhiên, ở khu vực phía Bắc và Tây Bắc, chính quyền địa phương không thông qua các đơn đăng ký từ năm 2006 của hơn 1.000 chi hội Tin Lành, phần lớn thuộc nhóm dân tộc thiểu số.

Một số chính quyền địa phương tiếp tục đòi hỏi các tổ chức tôn giáo được công nhận phải cung cấp danh sách các thành viên thuộc chi hội tôn giáo và coi đây là điều kiện tiên quyết để hoàn tất việc đăng ký mặc dù yêu cầu này không được quy định trong Khuôn khổ Pháp lý về Tôn giáo. Một số chi hội tôn giáo đã đăng ký ở miền Bắc và Tây Bắc phàn nàn rằng các quan chức sử dụng những danh sách này để ngăn cản các thành viên không có trong danh sách tham gia vào các buổi lễ hoặc gây khó khăn cho các hoạt động của họ. Các hoạt động hàng năm của các chi hội tôn giáo cũng phải được đăng ký với chính quyền và các hoạt động không có trong chương trình đã được cho phép của năm đó phải được chính quyền cho phép riêng.

Các địa phương có những chính sách giám sát chính thức rất khác nhau đối với các nhóm tôn hóa, tùy theo việc chính sách quốc gia bị thực hiện một cách sao nhãng hoặc do cách hiểu các chính sách này có sự khác biệt giữa các địa phương. Nhìn chung, các nỗ lực điều phối của cấp trung ương trong công tác thực thi đầy đủ các quy định pháp lý của Chính phủ về tôn giáo đã giúp làm giảm tần suất và mức độ các vụ việc vi phạm quyền tự do tôn giáo. Tuy nhiên, hoạt động của các nhóm tôn giáo chưa đăng ký hoặc chưa được công nhận về mặt kỹ thuật vẫn mang tính bất hợp pháp và những nhóm này thỉnh thoảng vẫn bị sách nhiễu. Tuy nhiên, một số lễ Giáng sinh trên quy mô lớn vẫn được chấp thuận mặc dù ban tổ chức phần lớn là những nhà thờ Tin Lành chưa được công nhận. Buổi lễ lớn nhất được tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, theo báo cáo thì có tới 40.000 người Công giáo tham gia, các buổi lễ ở Hà Nội, Đà Nẵng và tỉnh Nam Định lần lượt có 14.000, 4.500 và 2.500 người tham gia.

Một số cuộc hội họp tôn giáo của các đạo “chưa đăng ký” đã bị giải tán hoặc cản trở ở Tây Bắc. Những người hành đạo đã cáo buộc các giới chức địa phương đôi khi dùng những đối tượng “côn đồ” được “thuê” để sách nhiễu hoặc đánh đập họ. Ở Điện Biên, có một số báo cáo cho biết một số quan chức địa phương khuyến khích những người Tin Lành cải đạo. Ở Trà Vinh cũng có những báo cáo về việc “lực lượng dân phòng” mặc thường phục liên tiếp sách nhiễu và đánh đập ở một số nhà thờ, trong đó có Giáo hội Phúc âm Toàn vẹn. Chính quyền không có biện pháp kỷ luật nào đối với người vi phạm đó. Tuy nhiên, mức độ sách nhiễu đã giảm so với những năm trước đây và phần lớn các nhà thờ và đền, điện chưa đăng ký vẫn được phép hoạt động mà không bị can thiệp.

Chính phủ chủ động ngăn chặn liên lạc giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và các tổ chức hỗ trợ nước ngoài, tuy vậy thì những liên lạc này vẫn tiếp tục diễn ra. Công an thường xuyên thẩm vấn những người công khai bày tỏ quan điểm chính trị chống Chính phủ, chẳng hạn như các nhà sư thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và một số linh mục Công giáo. Công an tiếp tục giám sát hoạt động của các nhà sư thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Có rất ít bằng chứng đáng tin cậy về việc cưỡng ép bỏ đạo ở Tây Nguyên và Tây Bắc trong năm.

Phần lớn các Phật tử hành đạo dưới sự lãnh đạo của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hội đồng Phật giáo này được chính thức công nhận và nhìn chung được tự do thực hiện tín ngưỡng của họ. Các phật tử của dòng Phật giáo nguyên thủy cũng thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam và thường là thành viên của nhóm cộng đồng thiểu số Khmer Krom, nhìn chung cũng được tự do hành đạo. Chính phủ tiếp tục gây khó khăn cho các chức sắc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và ngăn cản họ thực hiện các hoạt động từ thiện độc lập bên ngoài các cơ sở thờ tự của họ.

Ngày 29 tháng 6, một nhóm dân phòng đã tấn công vào thiền viện và nơi ở của một nhóm Phật tử tu theo pháp môn Làng Mai của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã được quốc tế biết đến, tại tu viện Bát Nhã, tỉnh Lâm Đồng. Chứng kiến cuộc tấn công là các cảnh sát mặc thường phục, nhưng họ đã không có hành động nào để ngăn cản cuộc tấn công này.

Những nhà sư tại Bát Nhã phản đối sự hiện diện của nhóm người tu theo pháp môn Làng Mai trong chùa, đã cô lập nhóm này, cắt nguồn cung cấp điện và nước từ tháng 6 đến hết tháng 9. Ban Tôn giáo Chính phủ đã chỉ đạo cho chính quyền địa phương đuổi nhóm Làng Mai ra khỏi chùa, không ngăn cản các vụ tấn công và trừng phạt những người liên quan, và có vẻ như Ban Tôn giáo Chính phủ thiên vị một bên trong vụ tranh chấp. Ngày 27 tháng 9, một đám đông nhỏ và cảnh sát mặc thường phục đã đánh đập và cưỡng chế gần 150 nhà sư theo pháp môn Làng Mai ra khỏi chùa Bát Nhã. Những nhà sư này tạm thời chuyển đến gần chùa Phước Huệ. Ngày 28 tháng 9, 200 sư sãi Làng Mai còn lại cũng bị cưỡng chế ra khỏi chùa và gia nhập với những nhà sư ở Phước Huệ. Tháng 11, hai ngôi chùa ở tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng đã đệ đơn kiến nghị lên Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ cho phép họ bảo trợ cho những hòa thượng và sư sãi Làng Mai. Ban Tôn giáo Chính phủ đã từ chối những đề nghị này và biện luận rằng những người tu theo pháp môn Làng Mai đã “không tuân thủ luật pháp” và “gây chia rẽ” giữa các Phật tử. Ban Tôn giáo Chính phủ đã yêu cầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng buộc những sư sãi này phải quay trở về địa phương trước ngày 31 tháng 12. Một nhóm gồm 21 sư sãi Làng Mai khác cũng bị cưỡng ép rời bỏ một ngôi chùa thuộc tỉnh Khánh Hòa vào ngày 29 tháng 11. Một vị cao tăng đã bị quản thúc tại gia ở tỉnh Khánh Hòa, một báo cáo khác lại cho biết là nhà sư này đang lẩn trốn. Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở tỉnh vẫn không có động thái gì tính đến cuối năm, và nhóm người tu theo pháp môn Làng Mai vẫn tiếp tục nương tựa tại chùa Phước Huệ.

Những chức sắc cấp cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vẫn bị cảnh sát giám sát tại chùa và được báo cáo là bị hạn chế khả năng đi lại trong cả nước. Thích Quảng Độ và Thích Không Tánh được tham dự tang lễ của một hòa thượng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vào tháng 7 năm 2008, và các chức sắc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất khác cũng được tham dự giỗ đầu của một hòa thượng mà không bị gây khó khăn gì.

Các nhà sư Hòa Hảo và các tín đồ hành đạo dưới sự lãnh đạo của Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo được cho phép tự do hành đạo. Các nhà tu hành và tín đồ thuộc những nhóm bất đồng chính kiến hoặc không được Ban Trị sự này công nhận tính hợp pháp phải chịu nhiều hạn chế khi hoạt động.

Giáo hội Công giáo cho biết chính quyền tiếp tục nới lỏng kiểm soát đối với việc bổ nhiệm chức sắc tôn giáo và không phản đối việc sắc phong ba linh mục mới trong năm vừa qua. Nhà thờ đã thảo luận với Chính phủ về việc mở thêm các chủng viện và mở rộng các chương trình hoạt động mục vụ. Ngày 16–17 tháng 2, Chính phủ và Vantican đã có vòng đàm phán đầu tiên ở Hà Nội về nhóm công tác chung với Vatican mới được thành lập để tiến tới thiết lập lại quan hệ chính thức. Ngày 11 tháng 12, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã hội kiến với Giáo hoàng Benedict XVI ở Vantican, đây được coi là “một giai đoạn bước ngoặt trong tiến trình quan hệ song phương với Việt Nam”.

Một số giới chức Công giáo cho biết chính quyền tiếp tục nới lỏng kiểm soát đối với các hoạt động của một số giáo xứ bên ngoài Hà Nội. Ở nhiều nơi, các quan chức chính quyền địa phương cho phép các Nhà thờ Công giáo mở những lớp giảng về tôn giáo (ngoài giờ học chính thức) và tiến hành các hoạt động từ thiện. Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tạo điều kiện đẩy mạnh các hoạt động từ thiện của Nhà thờ trong cuộc chiến chống lại HIV/AIDS; tuy nhiên các hoạt động giáo dục cũng như việc cấp phép cho các quỹ từ thiện Công giáo hoạt động như một tổ chức phi chính phủ vẫn bị trì hoãn.

Các quan chức địa phương ngăn cản một cách không chính thức một số tín đồ đi lại trong nước, thậm chí là ở ngay trong tỉnh, đặc biệt là đến các khu vực dân tộc thiểu số. Tổng giám mục Công giáo của Hà Nội bị giới hạn các chuyến thăm chính thức đến các khu vực dân tộc thiểu số ở phía Bắc.

Mặc dù có một số báo cáo đề cập đến việc phân biệt đối xử các học sinh sinh viên người Công giáo nhưng chính quyền bác bỏ việc chính quyền có bất cứ chính sách nào hạn chế việc tiếp cận giáo dục do tín ngưỡng tôn giáo.

Các tổ chức tôn giáo không được phép mở trường học độc lập. Các nhà truyền giáo nước ngoài không được hoạt động tự do như những người hoạt động tôn giáo trong nước, mặc dù nhiều người đã tiến hành các hoạt động phát triển hoặc nhân đạo với sự đồng ý của chính quyền và đã gặp gỡ với các giáo đoàn đã đăng ký.

Chính quyền nhìn chung yêu cầu công tác xuất bản các tác phẩm tôn giáo phải thông qua một nhà xuất bản tôn giáo thuộc sở hữu nhà nước; tuy nhiên một số nhóm tôn giáo có thể sao chép tài liệu của riêng nhóm mình hoặc nhập khẩu các tài liệu đó với sự đồng ý của chính quyền. Chính quyền cũng cho phép việc in ấn hoặc nhập khẩu các văn bản tôn giáo, bao gồm các ấn phẩm bằng các thứ tiếng dân tộc thiểu số.

Lạm dụng và phân biệt đối xử xã hội

Có rất ít trường hợp bạo lực xã hội liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng hay hoạt động tôn giáo trong năm vừa qua. Thành viên của các nhóm tôn giáo thiểu số không gặp phải hoặc ít bị phân biệt đối xử xã hội. Có một số cộng đồng Do Thái nước ngoài ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và một trung tâm sinh hoạt cộng đồng Do Thái Chabad-Lubavitch thường trú ở Thành phố Hồ Chí Minh. Không có báo cáo nào về các hoạt động bài Do Thái.

Thông tin chi tiết xem thêm Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế 2009 tại www.state.gov/g/drl/rls/irf/.

d. Tự do đi lại, những người bị buộc phải rời khỏi nơi sinh sống ở trong nước, bảo vệ người tị nạn và người không có quốc tịch

Hiến pháp quy định quyền tự do đi lại trong nước, ra nước ngoài, di cư và hồi hương. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn áp đặt một số hạn chế về quyền tự do đi lại đối với một số cá nhân nhất định. Chính phủ nhìn chung đã phối hợp với Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) và các tổ chức nhân đạo khác trong việc hỗ trợ những người bị buộc phải rời khỏi nơi sinh sống ở trong nước, người tị nạn, hồi hương người tị nạn, tạo điều kiện cư trú cho người xin tị nạn, người không có quốc tịch và những đối tượng tương tự khác.

Một số nhà bất đồng chính kiến, được ân xá song vẫn bị quản chế hành chính hoặc quản chế tại gia, phải tuân thủ những hạn chế đi lại của chính quyền. Họ được phép ra khỏi nhà nhưng phải dưới sự giám sát của công an. Mặc dù thời hạn quản chế đã kết thúc nhưng chính quyền vẫn cấm nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Khắc Toàn và Trần Khải Thanh Thủy nhận hộ chiếu và đi ra nước ngoài. Luật sư Lê Quốc Quân và nhà báo Nguyễn Vũ Bình được phép đi lại trong nước nhưng vẫn tiếp tục không được đi ra nước ngoài. Tháng 7, chính quyền đã ngăn cản một thành viên của nhóm Nhà văn Dân chủ Đà Lạt rời khỏi đất nước theo các điều khoản quy định về an ninh quốc gia.

Việc hạn chế đi lại của Chính phủ tới một số vùng nhất định vẫn còn hiệu lực. Theo đó, công dân và người nước ngoài phải có giấy phép mới được thăm các khu vực biên giới, các cơ sở quân sự, các khu công nghiệp liên quan đến quốc phòng, các "kho dự trữ quốc gia", hay "các công trình đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa hay xã hội".

Luật Cư trú năm 2007 vẫn chưa được triển khai rộng rãi, việc di cư từ khu vực nông thôn lên các thành phố vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên, tự ý di cư cũng có nghĩa họ sẽ gặp khó khăn trong việc xin giấy phép cư trú hợp pháp, được thụ hưởng giáo dục công và các quyền lợi chăm sóc y tế.

Người có hộ chiếu nước ngoài phải đăng ký với chính quyền sở tại khi ở nhà riêng, mặc dù chưa có trường hợp nào mà các nhà chức trách địa phương không cho phép du khách quốc tế đến ở với bạn bè và gia đình. Người dân cũng phải đăng ký với cảnh sát khu vực khi ở qua đêm ở bất cứ khu vực nào ngoài nhà mình. Chính phủ dường như làm chặt chẽ hơn những yêu cầu này ở một số huyện miền Trung và bắc Tây Nguyên.

Những công chức đôi khi trì hoãn cấp hộ chiếu cho công dân để đòi hối lộ, nhưng những người chuẩn bị di cư cũng hiếm khi gặp trở ngại khi xin cấp hộ chiếu.

Luật pháp không quy định về việc cưỡng ép lưu vong ở trong nước và nước ngoài, và chính quyền cũng không áp dụng những biện pháp này.

Chính phủ nói chung luôn cho phép những người đã di cư ra nước ngoài trở lại thăm quê hương. Tuy nhiên, Chính phủ từ chối cho phép một số nhà hoạt động nhất định sống ở nước ngoài trở về nước. Những nhà hoạt động chính trị người Việt nổi bật ở nước ngoài đều bị từ chối visa nhập cảnh về nước hoặc bị bắt giữ và trục xuất sau khi vào Việt Nam.

Theo luật, Chính phủ coi mọi người sinh ra có ít nhất bố hoặc mẹ là công dân Việt Nam là công dân của nước mình; cũng có những điều khoản cho những người không có bố hoặc mẹ là công dân Việt Nam có thể trở thành công dân Việt Nam với một số điều kiện cụ thể. Những người đã di cư và đã nhận quốc tịch khác nhìn chung vẫn được coi là công dân Việt Nam, trừ phi họ chính thức tuyên bố từ bỏ quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế Chính phủ thường xuyên đối xử với Việt kiều như công dân của nước đã chấp nhận họ và không cho phép sử dụng hộ chiếu Việt Nam sau khi họ đã trở thành công dân nước khác. Luật được thông qua năm 2008 đã làm rõ sự không thống nhất này khi cho phép người được có hai quốc tịch. Chính quyền nhìn chung khuyến khích những người có hai quốc tịch trở về thăm quê hương và đầu tư, nhưng đôi khi giám sát họ rất chặt chẽ. Trong năm, chính quyền tiếp tục tự do hóa những hạn chế đi lại đối với Việt kiều.

Chính phủ tiếp tục tôn trọng Biên bản Ghi nhớ ba bên đã ký với Chính phủ Campuchia và Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn nhằm tạo điều kiện cho tất cả những người thiểu số Việt Nam không đủ tiêu chuẩn đi nước thứ ba được hồi hương từ Campuchia.

Chính quyền địa phương theo dõi nhưng không cản trở các chuyến đi thu thập thông tin hay giám sát của UNHCR và đại diện các đoàn ngoại giao tới Tây Nguyên. Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn cho biết rằng họ có thể tiếp xúc riêng với những người được hồi hương. Các nhà ngoại giao nước ngoài thì có bị những cán bộ cấp thấp ở địa phương gây khó dễ khi xin phép phỏng vấn riêng những người trở về. Tương tự như những năm trước, công an địa phương đôi khi vẫn có mặt tại các buổi Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn phỏng vấn những người trở về nhưng khi được yêu cầu họ sẽ rời đi. Chính quyền các địa phương nói chung vẫn tiếp tục thực hiện trách nhiệm của họ liên quan đến việc giúp những người dân tộc thiểu số trở về từ Campuchia hòa nhập cộng đồng.

Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn đã tiến hành một số chuyến đi giám sát trong năm và thông báo rằng môi trường sinh sống của tổng thể của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã được cải thiện đáng kể từ sau các vụ đàn áp năm 2001 và 2004. Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn cũng khẳng định “không có bằng chứng xác thực nào về việc phân biệt đối xử” với cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Bảo vệ người tị nạn

Việt Nam chưa tham gia ký kết Công ước 1951 của Liên hiệp quốc về Quy chế của Người tị nạn và Nghị định thư bổ sung năm 1967, và luật cũng không quy định việc cấp quy chế cho người xin tị nạn hay người tị nạn. Chính quyền chưa thành lập hệ thống bảo vệ người tị nạn và không ban hành quy chế người tị nạn cho họ. Chính sách và các quy định của Chính phủ không thể hiện rõ việc bảo vệ đối với sự trục xuất hay trao trả người tị nạn về nơi mà cuộc sống hay quyền tự do của họ có thể bị đe dọa do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, hay vì họ là thành viên của một nhóm xã hội nhất định, hay vì quan điểm chính trị của họ; tuy nhiên, trong năm không có một trường hợp nào như vậy xảy ra.

Người không quốc tịch

Nhóm người không quốc tịch lớn nhất trong nước bao gồm khoảng 9.500 cư dân Campuchia xin ti nạn tại Việt Nam vào thập niên 1970 và bị Chính quyền Campuchia từ chối không cho trở lại nước này, khẳng định rằng không có tồn tại bằng chứng nào để xác nhận những cá nhân này đã từng mang quốc tịch Campuchia. Hầu hết trong số họ là những người Việt hoặc người Hoa thiểu số. Nhóm này ban đầu được định cư tại các trại tị nạn tại Thành phố Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận. Vào năm 1994, khi các nguồn viện trợ nhân đạo cho các trại này chấm dứt, khoảng 7.000 người trong các trại này đã rời bỏ trại đi tìm việc làm và cơ hội mưu sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng phụ cận. 2.300 người khác tiếp tục định cư tại bốn ngôi làng tại vị trí cũ của trại tị nạn. Nhiều người đã sinh con và có cháu chắt tại Việt Nam nhưng cả họ và con cháu của họ đều không được hưởng đầy đủ quyền lợi như một công dân Việt Nam bình thường bao gồm quyền sở hữu tài sản, quyền tiếp cận giáo dục và chăm sóc y tế công cộng. Quyền công dân của con cái được thừa hưởng từ cha mẹ. Năm 2007, Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn cùng với Chính phủ Việt Nam đã xúc tiến một kế hoạch thống kê đầy đủ và tiến hành nhập quốc tịch Việt Nam cho những người không quốc tịch này. Kế hoạch nhập tịch này hiện vẫn đang được tiến hành và dự kiến sẽ hoàn thành trước cuối năm 2010. Đến cuối năm, 1.800 đơn xin nhập tịch đã được trình lên Văn phòng Chủ tịch nước để thông qua lần cuối.

Chính quyền đã giải quyết những vấn đề phi quốc tịch xảy ra trước đó do tự tước bỏ quốc tịch của chính người dân của mình, ví dụ như những phụ nữ kết hôn với người nước ngoài bằng việc thực hiện quy định mới được thông qua vào tháng 11 năm 2008 về việc cho phép có hai quốc tịch. Nhóm này bao gồm những phụ nữ Việt Nam lấy chồng Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc Đài Loan. Trước đây họ phải từ bỏ quốc tịch của mình để xin nhập tịch của nước khác; nhưng trước khi có được quốc tịch của nước đó, họ ly dị chồng và trở về Việt Nam mà không mang quốc tịch nào hoặc không có các giấy tờ tùy thân. UNHCR cũng đã nỗ lực hợp tác với chính quyền và cộng đồng quốc tế để giải quyết vấn đề này.

Trong năm qua, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đã hợp tác với Chính phủ Hàn Quốc để giải quyết các vấn đề nảy sinh qua dịch vụ môi giới lấy chồng nước ngoài và áp dụng dịch vụ tư vấn tiền hôn nhân, bao gồm đào tạo các quy định về di trú và nhập tịch. Một số tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế cũng đã hỗ trợ giải quyết vấn đề này.

Phần 3: Tôn trọng các quyền chính trị: Quyền thay đổi chính phủ của công dân

Hiến pháp không cho người dân được quyền thay đổi chính phủ một cách hòa bình và người dân cũng không được tự do lựa chọn, thay đổi các luật cũng như những quan chức đương nhiệm.

Bầu cử và tham gia chính trị

Lần bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội gần đây nhất được tiến hành vào năm 2007. Tuy nhiên, cuộc bầu cử đã không diễn ra tự do và công bằng vì tất cả những ứng cử viên đều được Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam chọn lựa và thẩm tra. Mặc dù trước đó Đảng Cộng sản Việt Nam đã tuyên bố rằng sẽ có một số lượng lớn ứng cử viên “độc lập” (những người không thuộc một tổ chức hay phe phái cụ thể nào) sẽ tham gia tranh cử, tuy nhiên tỷ lệ những ứng cử viên độc lập này chỉ cao hơn con số của năm 2002 chút ít. Đảng Cộng sản Việt Nam đã công nhận 30 ứng cử viên “tự ứng cử”. Những người này không nhận được hậu thuẫn chính thức của Chính phủ nhưng có cơ hội tham gia tranh cử. Một số báo cáo đáng tin cậy cho thấy có những Đảng viên đã gây sức ép lên nhiều ứng cử viên tự ứng cử đó để buộc họ phải tự rút lui hoặc khiến cho những ứng cử viên này “không đủ điều kiện” tranh cử.

Theo số liệu công bố của Chính phủ, hơn 99 phần trăm trong tổng số 56 triệu cử tri hợp lệ đã tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử, một con số được các quan sát viên quốc tế cho là khá cao. Cử tri được phép bỏ phiếu hộ cho người khác, còn chính quyền địa phương có trách nhiệm đảm bảo rằng mọi cử tri hợp lệ đều đi bầu cử bằng việc cho phép cá nhân có thể bỏ phiếu thay cho cả nhóm cũng như xác nhận là mọi cử tri trong đơn vị bầu cử của mình coi như đã tham gia bỏ phiếu. Cách làm này được coi là đã làm giảm sút nghiêm trọng sự minh bạch và công bằng của quá trình bầu cử.

Trong cuộc bầu cử năm 2007, các lãnh đạo Đảng Cộng sản – Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đều tái đắc cử. Các ứng cử viên của Đảng Cộng sản chiếm 450 trong tổng số 493 ghế. Chỉ có một người trong tổng số 30 ứng cử viên tự ứng cử trúng cử.

Mặc dù nằm dưới sự kiểm soát của Đảng (tất cả các lãnh đạo cao cấp và hơn 90 phần trăm thành phần đại biểu Quốc hội đều là đảng viên), Quốc hội vẫn tiếp tục tự khẳng định là một cơ quan lập pháp. Quốc hội công khai thảo luận các chính sách kinh tế xã hội, tham nhũng, cách thức Chính phủ giải quyết lạm phát và kế hoạch khai thác mỏ bô-xít ở Tây Nguyên. Các phiên họp Quốc hội được phát sóng trực tiếp trên truyền hình cả nước. Một số nhà lập pháp còn gián tiếp phê phán vị trí độc tôn của Đảng Cộng sản trong xã hội.

Toàn bộ chính quyền và quyền lực chính trị đều là tập trung vào tay Đảng Cộng sản và hiến pháp công nhận quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Các phong trào chính trị đối lập và các đảng đối lập khác đều là bất hợp pháp. Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đóng vai trò là cơ quan ra quyết định tối cao của đất nước, dù về mặt nguyên tắc thì cơ quan này vẫn phải báo cáo với Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chính quyền tiếp tục hạn chế nghiêm ngặt việc tranh luận và chỉ trích công khai. Không ai được phản đối tính hợp pháp của nhà nước đơn đảng; tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp công dân gửi thư góp ý về các chính sách của Chính phủ nhưng không được phê chuẩn, trong đó có một số người là cựu lãnh đạo cấp cao của Đảng. Trường hợp nổi bật nhất được biết đến rộng rãi là các lá thư của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp góp ý về quyết định của Chính phủ trong việc cho phép các khoản đầu tư lớn của nước ngoài vào các dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên. Chính quyền tiếp tục đàn áp các nhóm chính trị đối lập nhỏ thành lập năm 2006, và thành viên của những nhóm này phải đối mặt với khả năng bị bắt hoặc giam giữ tùy tiện.

Luật pháp tạo cơ hội bình đẳng cho phụ nữ và các nhóm dân tộc thiểu số tham gia vào chính trị. Phụ nữ nắm giữ 127 ghế trong Quốc hội, chiếm 26 phần trăm, giảm nhẹ so với quốc hội kỳ trước.

Các nhóm dân tộc thiểu số giữ 87 ghế, tương đương 18 phần trăm, trong Quốc hội, cao hơn tỷ lệ dân số của chính các nhóm này trong tổng dân số, ước tính khoảng 13 phần trăm.

Phần 4: Sự minh bạch của Chính phủ và nạn tham nhũng của quan chức

Luật pháp quy định những hình phạt đối với các quan chức tham nhũng, nhưng Chính phủ không phải lúc nào cũng thực thi luật pháp một cách hiệu quả, và các quan chức đôi khi dính vào tham nhũng song không bị trừng phạt. Tham nhũng tiếp tục là một vấn đề nổi cộm. Chính phủ bày tỏ sự quyết tâm chống tham nhũng, bao gồm việc công bố ngân sách ở các cấp, xây dựng pháp lệnh về kê khai tài sản năm 2007 và cải cách các biện pháp thanh tra của Chính phủ. Đôi khi những thông tin về các trường hợp quan chức chính phủ bị buộc tội tham nhũng cũng được công bố rộng rãi.

Luật phòng chống tham nhũng cho phép người dân công khai khiếu nại về hiệu quả hoạt động của Chính phủ, các thủ tục hành chính, tham nhũng và các chính sách kinh tế. Trong các cuộc đối thoại trực tuyến với các nhà lãnh đạo cao cấp của Chính phủ, người dân đã đưa ra những câu hỏi sắc bén về nỗ lực chống tham nhũng của Chính phủ. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn tiếp tục coi mọi sự chỉ trích chính trị công khai là phạm tội, nếu như sự chỉ trích đó không được các nhà chức trách kiểm soát. Những mưu tính nhằm tổ chức các cá nhân có khiếu kiện với mục đích kích động hành động bị coi là những hoạt động chính trị bị cấm và những người đứng ra tổ chức sẽ bị bắt giữ. Một vài lãnh đạo cao cấp của Đảng và Chính phủ đã tới nhiều địa phương để cố gắng giải quyết các đơn kiện của công dân. Tham nhũng liên quan đến quyền sử dụng đất đai được công bố rộng rãi trên báo chí, đây là một phần trong nỗ lực phối hợp chính thức giữa Chính phủ và báo chí với mục đích tạo áp lực lên các quan chức địa phương nhằm hạn chế sự lạm dụng chức quyền.

Theo Nghị định Kê khai tài sản, hàng năm đến trước ngày 30 tháng 11, các quan chức chính phủ phải kê khai nhà cửa, đất đai, kim loại quý, "giấy tờ có giá", tiền trong tài khoản tại ngân hàng trong nước và nước ngoài, và các thu nhập chịu thuế. Nghị định yêu cầu Chính phủ phải công khai kết quả kê khai tài sản chỉ khi cán bộ nhà nước bị phát hiện “giàu có bất thường” và phải tiến hành điều tra và các thủ tục pháp lý cần thiết khác. Ngoài các quan chức cấp cao của Đảng và Chính phủ, nghị định còn áp dụng đối với cả các công tố viên, thẩm phán, và những người có cấp bậc từ phó bí thư tỉnh/thành ủy, phó chủ tịch tỉnh/thành, phó trưởng khoa của các bệnh viện công của nhà nước và phó chỉ huy tiểu đoàn trở lên. Nhưng do thiếu minh bạch nên không rõ nghị định này được thực hiện rộng rãi đến mức độ nào.

Tháng 1, ông Vũ Chí Thanh, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng và tám quan chức, cán bộ khác ở Hải Phòng đã bị truy tố vì đã phân bổ không hợp lý hàng trăm lô đất từ “dự án nhà ở đô thị cho người nghèo” cho người thân trong gia đình và các quan chức, cán bộ của các đơn vị khác nhau ở Hải Phòng.

Tháng 2, công an Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt giữ ông Huỳnh Ngọc Sĩ, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải và đồng phạm Lê Quả với tội danh “lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ”, liên quan đến việc hai người này đã nhận hối lộ 90 triệu Yên (xấp xỉ 20.000 đô-la Mỹ) từ các cán bộ của một công ty tư vấn nước ngoài là Công ty Tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương (CPI). Ngày 24 tháng 9, vụ án của Sĩ và cấp phó của ông đã bị đưa ra xét xử. Phiên tòa tập trung vào vấn đề hẹp hơn nhiều là liệu Sĩ và Quả có chia nhau nhận 52 triệu đồng (2.900 đô-la Mỹ) và 54 triệu đồng (3.000 đô-la Mỹ) tiền lại quả từ khoản cho PCI thuê văn phòng hay không. Ngày 25 tháng 9, Sĩ và Quả bị tuyên bố là có tội và bị kết án lần lượt ba và hai năm tù giam, mặc dù mức án theo các hướng dẫn pháp quy phải ít nhất là 15 năm.

Tháng 6, một chính phủ nước ngoài đã bắt đầu điều tra toàn diện vụ án hối lộ liên quan đến việc in tiền polymer cho Việt Nam. Công ty nước ngoài trúng thầu in tiền polymer cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2002 bị cáo buộc đã chi hơn 12 triệu đô-la tiền hoa hồng cho đối tác người Việt Nam là Lương Ngọc Anh và công ty của Anh – Công ty Phát triển và Công nghệ, công ty này có nhân viên Lê Đức Minh, con trai của nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Đức Thúy.

Cũng trong tháng 6, nguyên giám đốc PMU-18 Bùi Tiến Dũng đã bị buộc tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và bốn đồng nghiệp của Bùi Tiến Dũng cũng bị kết tội tham ô. Cuối năm, tám vụ tham nhũng điển hình từ năm 2007 vẫn chưa được hoàn tất, trong đó có vụ PMU-18 và vụ bê bối dự án cầu Bãi Cháy. Mặc dù phiên tòa và buộc tội các quan chức liên quan đến vụ bê bối PMU-18 được hoan nghênh là một bước tiến tích cực nhưng đã làm nhụt chí của báo chí trong việc điều tra tình trạng tham nhũng của quan chức.

Luật pháp không cho phép công chúng tiếp cận với thông tin của chính quyền và chính quyền cũng không thường xuyên cho phép công dân của mình cũng như công dân ngoại quốc, trong đó có báo chí nước ngoài được tiếp cận với các loại thông tin đó. Theo Luật về Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật, tờ Công báo công bố hầu hết các văn bản pháp luật trong ấn phẩm hàng ngày của mình. Chính phủ và Quốc hội duy trì trang web của mình bằng cả hai thứ tiếng Việt và Anh. Bên cạnh đó, các quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao cũng được đăng tải trang web của Tòa án Tối cao. Các văn kiện Đảng như các sắc lệnh của Bộ Chính trị không được công bố trong Công báo.

Phần 5: Quan điểm của Chính phủ về việc điều tra về những cáo buộc vi phạm nhân quyền do các tổ chức quốc tế và phi chính phủ tiến hành

Chính phủ không cho phép các tổ chức nhân quyền tư nhân và địa phương hình thành và hoạt động. Chính phủ không khoan nhượng cho bất cứ nỗ lực của tổ chức, cá nhân nào công khai bình luận về tình hình nhân quyền ở Việt Nam và thường dùng rất nhiều biện pháp nhằm dập tắt những chỉ trích trong nước về chính sách nhân quyền, trong đó có việc theo dõi, hạn chế quyền tự do báo chí, hội họp, can thiệp vào các hình thức giao tiếp cá nhân và giam giữ.

Nói chung, chính quyền thường ngăn cản người dân tiếp xúc với các tổ chức nhân quyền quốc tế, tuy nhiên một số nhà hoạt động vẫn làm như vậy. Chính phủ thường không cấp phép cho những chuyến thăm của các giám sát viên nhân quyền thuộc các tổ chức phi chính phủ quốc tế, song vẫn cho phép đại diện báo chí, UNHCR, các chính phủ nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực phát triển và cứu trợ đi thăm Tây Nguyên. Chính phủ cũng lên án hầu hết các phát biểu về nhân quyền và các vấn đề tôn giáo của các tổ chức phi chính phủ quốc tế và các chính phủ nước ngoài.

Trong năm, Chính phủ đã mời năm báo cáo viên đặc biệt/các chuyên gia độc lập của Liên Hợp Quốc, bao gồm các chuyên gia đặc trách về giáo dục, sức khỏe thể chất và tâm thần, quyền được tiếp cận thực phẩm; và các chuyên gia độc lập về đói nghèo cùng cực và ảnh hưởng của nợ nước ngoài đối với nhân quyền. Ba chuyên gia đặc trách khác - về quyền tự do có ý kiến và bày tỏ chính kiến; về quyền phải được đưa ra xét xử, và về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng - đề nghị được đến Việt Nam nhưng đã không được cho phép.

Tháng 10, một trường đại học nước ngoài và Đảng Cộng sản đã tổ chức một hội nghị quốc tế về “Thực hiện các quyền về y tế và phát triển cho mọi người”. Nhiều tổ chức phi chính phủ nhân quyền quốc tế đã tham dự và trình bày tham luận, mặc dù đã có ít nhất một tổ chức phi chính phủ đã bị cấm tham gia. Diễn đàn đó tập trung vào HIV/AIDS và các mối đe dọa y tế công cộng khác, sức khỏe bà mẹ và trẻ em, biến đổi khí hậu và toàn cầu hóa kinh tế.

Chính phủ sẵn sàng thảo luận song phương các vấn đề nhân quyền với các chính phủ nước ngoài và một vài chính phủ nước ngoài tiếp tục các cuộc trao đổi chính thức với Chính phủ Việt Nam về vấn đề nhân quyền, đặc biệt thông qua các cuộc đối thoại hàng năm về nhân quyền.

Tháng 3, một sứ quán nước ngoài đã tài trợ việc ra đời của Trung tâm Nghiên cứu Nhân quyền tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trung tâm này, tương tự như trung tâm tại Hà Nội, trực thuộc Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, chú trọng tới việc hỗ trợ đào tạo và nghiên cứu về nhân quyền tại các trường luật.

Phần 6: Tình trạng phân biệt đối xử, tội phạm xã hội và nạn buôn người

Luật pháp cấm phân biệt đối xử dựa trên giới tính, sắc tộc, tôn giáo và tầng lớp xã hội; tuy nhiên, việc thi hành những điều luật này còn chưa đồng bộ.

Phụ nữ

Luật pháp nghiêm cấm việc sử dụng bạo lực, đe dọa dùng bạo lực, tấn công người không có khả năng tự vệ, hay dùng thủ đoạn để cưỡng bức quan hệ tình dục. Luật pháp cũng quy định hành vi phạm tội đối với việc hiếp dâm, cưỡng dâm trong hôn nhân và trong một số trường hợp là quấy rối tình dục; tuy nhiên, chưa được biết có trường hợp truy tố nào với tội danh cưỡng dâm trong hôn nhân và quấy rối tình dục. Các trường hợp hiếp dâm khác đều bị khởi tố tuân theo đầy đủ các quy định của pháp luật. Không có số liệu đáng tin cậy nào về mức độ tuân thủ các quy định của pháp luật.

Bạo hành gia đình đối với phụ nữ được coi là một hiện tượng phổ biển, mặc dù không có thống kê chính thức nào đo lường mức độ của hiện tượng này. Các quan chức chính phủ ngày càng nhận thức rõ rằng bạo hành gia đình là một mối quan ngại lớn trong xã hội và vấn đề này đã được bàn đến một cách công khai và cởi mở hơn trên các phương tiện truyền thông. Luật pháp quy định rõ khung hình phạt từ cảnh cáo đến mức phạt cao nhất là hai năm tù đối với những ai “đối xử tàn nhẫn với người sống lệ thuộc vào họ”. Luật Phòng Chống Bạo lực Gia đình quy định cụ thể những hành vi bị coi là bạo lực gia đình, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chính phủ các cấp và các bộ, đồng thời, đưa ra những mức hình phạt cụ thể áp dụng cho tội phạm bạo hành gia đình; tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ và những người bênh vực nạn nhân của bạo hành gia đình cho rằng nhiều điều khoản trong luật vẫn còn yếu. Mặc dù cảnh sát và hệ thống luật pháp nhìn chung vẫn chưa được trang bị đầy đủ để giải quyết những vụ bạo lực gia đình nhưng chính quyền với sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế vẫn tiếp tục đào tạo cảnh sát, luật sư và các cán bộ tư pháp.

Một số tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế đã hoạt động trong lĩnh vực bạo lực gia đình. Các đường dây nóng của các tổ chức phi chính phủ dành cho nạn nhân bị bạo hành gia đình đã được thiết lập và đang hoạt động ở các thành phố lớn. Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, được Hội Liên hiệp Phụ Nữ Việt Nam hậu thuẫn, cũng có một đường dây nóng hoạt động trên phạm vi toàn quốc, nhưng vẫn chưa được biết đến rộng rãi ở khu vực nông thôn. Mặc dù khu vực nông thôn thường thiếu nguồn lực tài chính để xây dựng các trung tâm khai báo và các đường dây nóng, song luật năm 2007 đã thành lập nhiều “nhà tạm lánh” để phụ nữ có thể đến sống với gia đình khác trong lúc chính quyền địa phương và lãnh đạo cộng đồng nỗ lực đấu tranh với người bạo hành và giải quyết khiếu nại. Theo báo cáo của chính quyền, tỷ lệ ly hôn tiếp tục tăng lên, song nhiều phụ nữ vẫn cam chịu cuộc sống hôn nhân bạo hành hơn là dám đương đầu với điều tiếng gia đình và xã hội cũng như sự bất ổn về kinh tế.

Chính phủ với sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ quốc tế đã hỗ trợ cho các cuộc hội thảo có mục tiêu giáo dục cả nam và nữ giới về bạo lực gia đình, đồng thời nhấn mạnh vấn đề này thông qua các chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân. Các tổ chức phi chính phủ trong nước cũng tăng cường tham gia vào các vấn đề liên quan đến phụ nữ, cụ thể là chống bạo lực với phụ nữ và buôn bán phụ nữ, trẻ em. Một chính phủ nước ngoài cộng tác với Liên Hiệp Quốc đã tài trợ sản xuất bộ phim có tên Phá vỡ im lặng. Bộ phim được Chính phủ cho phát sóng toàn quốc nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bạo lực gia đình.

Hoạt động mại dâm là bất hợp pháp, nhưng việc thực thi luật còn chưa đồng bộ. Có nhiều ước tính rất khác nhau; Chính phủ báo cáo có trên 300.000 gái mại dâm, nhưng một số tổ chức phi chính phủ cho rằng con số này phải lớn hơn thế, bao gồm cả mại dâm làm việc bán thời gian hoặc theo mùa vụ. Tương tự như những năm trước, vẫn có những phụ nữ cho biết họ bị ép buộc bán dâm - thường là nạn nhân bị lừa gạt do tin vào những lời hứa hẹn giới thiệu một công việc làm có thu nhập cao. Nhiều phụ nữ bị cưỡng bách phải làm gái mại dâm do quá nghèo khổ và do không có cơ hội việc làm khác. Vẫn có một số báo cáo (nhưng đã giảm về số lượng) cho biết các bậc cha mẹ đã cưỡng bức con gái của mình làm gái mại dâm hoặc yêu cầu đóng góp nghĩa vụ tài chính quá lớn khiến con gái họ bị đẩy vào con đường làm gái mại dâm. Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ trong nước đã tham gia vào các chương trình giáo dục và phục hồi nhân phẩm để đấu tranh chống lại những hành vi lạm dụng này.

Hành vi quấy rối tình dục và hình phạt dành cho tội danh này đã được quy định rõ ràng trong luật; tuy nhiên, việc ngăn ngừa hành vi này vẫn chưa được cụ thể hóa trong các văn bản pháp quy. Các ấn phẩm và tập huấn về quy định đạo đức nghề nghiệp đối với các viên chức chính phủ và công chức không đề cập gì về vấn đề này, mặc dù hiện tượng này vẫn đang tồn tại trong thực tế.

Các nạn nhân bị quấy rối tình dục có thể thông báo cho các tổ chức xã hội như Hội Liên hiệp Phụ nữ để họ có can thiệp kịp thời. Trong những trường hợp nghiêm trọng, nạn nhân có thể kiện ra tòa theo Điều 121 Bộ Luật Hình sự, với tội danh “xúc phạm nhân phẩm người khác”. Điều 121 cũng quy định các hình phạt cụ thể đối với tội danh này, từ cảnh cáo, đến cải tạo không giam giữ trong hai năm hoặc phải chịu án tù từ 3 tháng đến 2 năm. Tuy nhiên, trên thực tế, các vụ kiện quấy rối tình dục chưa hề xảy ra và đa số các nạn nhân đều không muốn công khai tố cáo kẻ phạm tội.

Luật quy định mỗi gia đình chỉ sinh không quá hai con. Chính phủ tiếp tục triển khai chính sách thông qua việc tuyên truyền, khuyến khích các cá nhân thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, Chính phủ có thể thúc ép việc thi hành luật bằng cách không thăng chức và tăng lương đối với các cán bộ làm việc trong khu vực công nếu họ sinh hơn hai con, song chính sách này dường như không được thực hiện một cách nhất quán mọi lúc mọi nơi.

Luật pháp khẳng định mọi người có quyền chọn lựa biện pháp tránh thai cũng như quyền chọn lựa cách chẩn đoán, khám chữa và kiểm tra sức khỏe trong thời gian mang thai. Luật pháp cũng cung cấp các dịch vụ y tế khi sinh con tại các cơ sở y tế. Các cán bộ công chức nhìn chung có thực hiện quy định này. Tuy nhiên, những phụ nữ chưa kết hôn trong độ tuổi sinh sản hầu như không tiếp cận được hoặc tiếp cận rất ít với các biện pháp tránh thai được bao cấp, do chính sách của Chính phủ và thiếu phương thức tiếp cận ở khu vực nông thôn. Phụ nữ được bình đẳng trong chẩn đoán và chữa trị các bệnh lây qua đường tình dục, bao gồm cả HIV.

Phụ nữ vẫn đang phải chịu nhiều hình thức phân biệt đối xử trong xã hội. Mặc dù các cơ quan lập pháp và các quy định của pháp luật đều nhấn mạnh việc bảo vệ quyền phụ nữ trong hôn nhân, tại nơi làm việc, cũng như các quy định trong Bộ Luật Lao động đã kêu gọi đối xử ưu tiên đối với phụ nữ, song trên thực tế, phụ nữ không phải bao giờ cũng nhận được sự đối xử công bằng.

Tâm lý mong muốn có con trai của xã hội đã dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính ở trẻ sơ sinh và trẻ em, tuy nhiên tình trạng này lại rất khác biệt giữa từng tỉnh thành.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam – một cơ quan của Đảng Cộng Sản - và Ủy ban Quốc gia vì sự Tiến bộ của Phụ nữ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quyền phụ nữ, trong đó có quyền chính trị, quyền kinh tế, quyền bình đẳng trước pháp luật và quyền được bảo vệ trước những hành vi bạo hành trong hôn nhân. Hội Liên hiệp Phụ nữ cũng triển khai các chương trình tín dụng tiêu dùng vi mô và các chương trình khác nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ. Ủy ban Quốc gia vì sự Tiến bộ của Phụ nữ cũng đang tiếp tục thực hiện chiến lược của Chính phủ về tiến bộ phụ nữ. Những nội dung quan trọng trong chiến lược này tập trung vào mục tiêu đưa nhiều phụ nữ hơn vào đảm đương các vị trí chủ chốt của các bộ, ngành và Quốc hội. Chiến lược này cũng chú trọng vào việc tăng tỷ lệ phụ nữ biết đọc biết viết, tăng tỷ lệ phụ nữ được tiếp cận với các dịch vụ giáo dục và chăm sóc y tế.

Trẻ em

Quyền công dân cho trẻ em được thừa hưởng từ bố mẹ mình (theo huyết thống), tuy vậy những người không có bố hoặc mẹ là công dân Việt Nam vẫn có thể được cấp quyền công dân trong một số trường hợp nhất định. Không phải lúc nào việc khai sinh cũng được đăng ký ngay khi đứa trẻ được sinh ra, tình trạng này đôi khi là do sự thiếu hiểu biết của một bộ phận dân chúng. Giấy khai sinh là giấy tờ cần thiết để trẻ em được hưởng các dịch vụ công ích chẳng hạn như giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Việc một số bậc cha mẹ, đặc biệt là những người dân tộc thiểu số đã quyết định không đăng ký khai sinh cho con, đã gây ảnh hưởng đến quyền được đi học và nhận được sự chăm sóc của Chính phủ của các em.

Mặc dù giáo dục phổ cập có tính chất bắt buộc và miễn phí cho đến khi trẻ em 14 tuổi, song chính quyền địa phương không phải lúc nào cũng thi hành quy định này, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, nơi mà ngân sách của chính quyền địa phương và gia đình dành cho giáo dục thường rất hạn hẹp và việc đóng góp của trẻ em vào lực lượng lao động nông nghiệp rất có giá.

Các thông tin không chính thức cho biết vẫn tồn tại hiện tượng lạm dụng trẻ em ở Việt Nam, song không có thông tin chính thức nào về mức độ của hiện tượng này.

Hiện tượng mại dâm trẻ em, cụ thể là đối với trẻ em gái, nhưng cũng có cả trẻ em nam, tồn tại ở các thành phố lớn. Nhiều đối tượng mại dâm ở Thành phố Hồ Chí Minh chưa đến 18 tuổi. Nhiều thiếu niên đã bị đẩy vào con đường mại dâm vì lý do kinh tế. Bộ Luật Hình sự ban hành năm 1999 và được sửa đổi bổ sung trong năm nay lên án tất cả các hành vi mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em và tất cả các hành vi liên quan đến mại dâm trẻ em và lao động trẻ em ép buộc. Các điều khoản quy định mức án từ ba năm tù đến chung thân và phạt từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng (280 đến 2.800 đô-la Mỹ). Điều 254, 255 và 256 quy định các hành vi liên quan đến mại dâm trẻ em, bao gồm cả chứa chấp mại dâm (mức phạt từ 12 đến 20 năm tù), môi giới mại dâm (phạt từ 7 đến 15 năm tù), và mua dâm với trẻ vị thành niên (phạt từ 3 đến 15 năm tù). Tương tự, Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em ban hành năm 1991 nghiêm cấm tất cả các hành bị đối xử tàn bạo, phi nhân tính, bắt cóc, mua bán, ép buộc trẻ em tham gia các hoạt động có hại đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em. Bản sửa đổi năm 2004 có thêm chương về bảo vệ và chăm sóc trẻ em thiệt thòi.

Điều 111 Bộ Luật Hình sự quy định hiếp dâm là phạm tội. Tội hiếp dâm có thế dẫn đến hình phạt tù chung thân hoặc tử hình. Hình phạt áp dụng cho tội quan hệ tình dục với người chưa thành niên tuổi từ 16 đến 18, tùy thuộc vào từng trường hợp, là từ 5 đến 10 năm tù giam. Tuổi tối thiểu để quan hệ tình dục mà không trái pháp luật là 18 tuổi. Các hành vi sản xuất, phổ biến hoặc mua bán sách báo khiêu dâm trẻ em là trái pháp luật theo quy định tại điều 253 Bộ Luật Hình sự, có mức án phạt tù từ 3 đến 10 năm.

Mục tiêu của Chương trình Hành động Quốc gia vì Trẻ em giai đoạn 2001–2010 của Chính phủ là tạo mọi điều kiện tốt nhất nhằm đáp ứng đầy đủ các nhu cầu và các quyền cơ bản của trẻ em, ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ xâm hại trẻ em, và triển khai các chương trình nhằm ngăn chặn buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em. Chính phủ cũng đã thực hiện Đề án Ngăn chặn và giải quyết tình trạng trẻ em đường phố, trẻ em bị lạm dụng tình dục, trẻ em phải lao động nặng nhọc và làm việc trong môi trường nguy hiểm và độc hại giai đoạn 2004–2010. Chương trình gồm hai dự án tách biệt nhằm ngăn chặn xâm hại tình dục trẻ em; tuyên truyền, giáo dục và nâng cao năng lực quản lý chương trình; ngăn ngừa và hỗ trợ trẻ em đường phố; và ngăn chặn việc trẻ em phải làm việc trong môi trường nguy hiểm. Những đánh giá sơ bộ đã chỉ ra rằng những biện pháp này đã tạo ra nền tảng pháp lý quan trọng cho các vấn đề về trẻ em và phần lớn chính quyền địa phương, bộ ban ngành và đoàn thể đã hỗ trợ những nỗ lực này. Tuy nhiên, việc thiếu nguồn vốn tài trợ và chưa hiểu rõ trách nhiệm của mình cùng với việc hướng dẫn thực hiện không rõ ràng đã hạn chế việc triển khai những hoạt động này ở một số địa phương.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, có gần 23.000 trẻ em đường phố là đối tượng đôi khi bị cảnh sát lạm dụng hoặc quấy rối. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã điều hành hai trung tâm trợ giúp trẻ em trong các tình huống cần thiết. Các hội đoàn thanh niên cũng đã triển khai nhiều chiến dịch nâng cao nhận thức về vấn đề này.

Buôn bán người

Luật nghiêm cấm mọi hành vi buôn bán người, tuy nhiên, công ăn việc làm, tuyển dụng lao động và bảo vệ các nạn nhân của nạn buôn người, vẫn chưa được nêu phù hợp. Buôn người, đặc biệt là buôn bán vì mục đích khai thác tình dục và lao động cưỡng bức ở nước ngoài, vẫn luôn là một vấn nạn đáng lo ngại. Chưa có con số thống kê đáng tin cậy về số nạn nhân của hành vi buôn người có mục đích liên quan đến tình dục; tuy nhiên, đã có bằng chứng cho thấy con số này đang tăng lên. Hồ sơ thụ lý về các vụ án buôn người đang ngày một dày thêm, cũng như số lượng vụ khởi tố và xét xử các đường dây buôn người ngày càng lớn, tuy nhiên số liệu của chính quyền cũng bao gồm những tội phạm khác nữa, chẳng hạn như mua bán trẻ sơ sinh. Chính quyền đang ngày càng công khai hơn trong việc phát hiện và khởi tố các vụ buôn người, đồng thời, nhận thức của công chúng cũng đang ngày một tăng lên. Cùng với sự phát triển kinh tế của quốc gia, các tổ chức tội phạm buôn bán người quốc tế và trong nước đã lợi dụng việc tiếp cận nhiều hơn với các thị trường quốc tế, việc mở rộng sử dụng Internet và sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo để khai thác những người có nguy cơ và tăng cường mạng lưới buôn bán người.

Việt Nam vẫn là một nguồn quan trọng trong việc buôn người. Ở một mức độ thấp hơn nhiều lần, Việt Nam là điểm đến của những người nam giới, phụ nữ và trẻ em bị buôn bán vì mục đích khai thác tình dục hoặc cưỡng ép lao động. Phụ nữ bị bắt cóc chủ yếu được đưa tới Campuchia, Malaysia, Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc vì mục đích khai thác tình dục. Phụ nữ cũng bị đưa tới Hồng Kông, Macao, Thái Lan, Anh, Đông Âu và Mỹ. Cũng có báo cáo cho biết nhiều phụ nữ tới Đài Loan, Hồng Công, Macao, Hàn Quốc và Trung Quốc vì mục đích hôn nhân cũng đã trở thành nạn nhân của nạn buôn người. Phụ nữ và trẻ em cũng bị buôn bán trong nội bộ lãnh thổ, thường là từ khu vực nông thôn ra khu vực thành thị. Nạn nhân của các vụ buôn bán người để khai thác lao động (chủ yếu là nam giới, nhưng cũng có cả phụ nữ và trẻ em) thường để làm các công việc nặng nhọc như thợ hồ, công việc đồng áng, đánh cá, sản xuất và trong các công ty thương mại khác.

Vẫn có các báo cáo về trường hợp các phụ nữ ở Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng Sông Cửu Long bị cưỡng ép làm mại dâm sau khi lập gia đình ở nước ngoài, mà chủ yếu là ở các nước châu Á khác. Sau khi đến nước ngoài, phụ nữ bị ép sống trong những điều kiện tương tự như nô lệ có giao kèo; một số bị ép làm mại dâm.

Trẻ em cũng bị buôn bán vì mục đích khai thác tình dục, cả trong nội bộ lãnh thổ lẫn xuyên biên giới. Một tổ chức phi chính phủ đã ước tính độ tuổi trung bình của các nạn nhân nữ là từ 15 đến 17 tuổi. Một số báo cáo khác thậm chí đã cho biết độ tuổi của trẻ em nữ bị bán sang Campuchia còn thấp hơn con số nêu trên.

Đã có những trường hợp buôn bán người trưởng thành vì mục đích khai thác sức lao động được ghi nhận. Trong đó, có các trường hợp buôn bán nam giới tới Malaisia và Thái Lan để làm việc trong các dự án công nghiệp xây dựng, phụ nữ sang Malaysia làm giúp việc và phải chịu đựng điều kiện làm việc tương tự như nô lệ cưỡng bức, ngư dân bị đưa đến làm việc ở Đài Loan, nam giới và trẻ em trai bị buôn bán để làm việc ở các nhà máy sản xuất gạch ở Trung Quốc. Những hợp đồng lao động thiếu trung thực, lừa đảo đang là một vấn đề nhức nhối, mặc dù Chính phủ đã bắt đầu triển khai điều tiết hoạt động xuất khẩu lao động, bao gồm tiến hành điều tra, phạt và rút giấy phép của ít nhất hai công ty bị phát hiện vi phạm luật lao động. Theo thông tư của Chính phủ ban hành năm 2007, Chính phủ cũng bắt đầu đặt giới hạn cho khoản lệ phí tuyển dụng. Chính phủ đã ký một số hợp đồng với chính phủ của các nước có nhu cầu tuyển dụng lao động; tuy nhiên, các thỏa thuận đó dường như chưa đưa ra được các điều khoản phù hợp để ngăn chặn nạn buôn người và bảo vệ các nạn nhân bị buôn bán khỏi lao động cưỡng bức và nô lệ vì nợ nần.

Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã hội cho biết nhiều người lao động làm việc tại các công ty lao động quốc doanh được gửi đi lao động nước ngoài đã phải làm việc trong điều kiện tương tự như nô lệ cưỡng bức hay lao động ép buộc. Một số người lao động còn bị giữ giấy thông hành một cách bất hợp pháp. Cách thức giải quyết tranh chấp giữa người lao động và công ty tuyển dụng xuất khẩu lao động tại Việt Nam hay đơn vị sử dụng lao động nước ngoài thường được quy định trước trong hợp đồng ban đầu ký kết giữa người lao động và công ty tuyển dụng lao động xuất khẩu và thường có lợi cho mục đích quản lý. Pháp luật quy định người lao động có quyền đưa vụ việc của mình ra tòa án nếu họ tin chắc rằng mình đã bị công ty tuyển dụng - xuất khẩu lao động đối xử không công bằng, tuy nhiên trên thực tế thì có rất ít nguồn lực để thực hiện quyền này.

Phụ nữ nghèo và các thiếu nữ, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, thường là đối tượng có nguy cơ trở thành nạn nhân của các đường dây buôn người. Nghiên cứu của Bộ Công an và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc đã chỉ ra rằng nạn nhân của các vụ buôn người có thể đến từ bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ, nhưng thường tập trung ở một số tỉnh biên giới phía Bắc và phía Nam Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều người đã bị chính gia đình của mình bán đi để làm người giúp việc trong các gia đình hoặc vì mục đích khai thác tình dục. Trong nhiều trường hợp, kẻ buôn người trả cho gia đình nạn nhân hàng mấy trăm đô-la Mỹ để đổi lấy việc họ cho phép con gái của họ tới Campuchia để “đi làm”. Nhiều nạn nhân đã phải đối mặt với sức ép quá lớn về trách nhiệm đóng góp vào thu nhập gia đình; số khác thì bị lôi cuốn bởi những lời hứa hẹn về những công việc có thu nhập cao từ những người quen biết. Những lời hứa hẹn đường mật, khế ước nợ, thu giữ giấy tờ và đe dọa trục xuất là những thủ đoạn thường được sử dụng bởi những kẻ buôn người, những người trong gia đình và chủ lao động.

Những kẻ cơ hội, các mạng lưới môi giới lao động không chính thức và một vài nhóm có tổ chức thường lôi kéo phụ nữ nghèo, thường là ở nông thôn bằng những lời hứa hẹn công việc hoặc hôn nhân, sau đó cưỡng bức họ hành nghề mại dâm. Những người họ hàng đôi khi cũng là một mắt xích trong đường dây buôn người. Chính phủ đã cho biết rằng các nhóm tội phạm có tổ chức cũng tham gia vào quá trình tuyển mộ, trung chuyển và các hoạt động khác có liên quan đến việc buôn bán người.

Phần lớn những đối tượng buôn bán người bị truy tố theo điều 119 và 120 Bộ Luật Hình sự, trong đó quy định mức án từ hai đến 20 năm tù giam với tội danh buôn bán phụ nữ, và từ ba năm đến chung thân với tội danh buôn bán trẻ em. Những điều khoản này có thể được áp dụng với một số số hình thức buôn bán người nhằm khai thác tình dục và lao động và nhiều tội có liên quan khác, trong đó có tội buôn bán trẻ sơ sinh. Luật Lao động không quy định các hình phạt hình sự cho tội buôn bán người để khai thác lao động, và chính quyền cũng không báo cáo bất kỳ cuộc điều tra, truy tố, hay kết án người phạm tội buôn bán người để khai thác lao động theo các bộ luật khác.

Chính phủ Việt Nam đã tiếp tục tăng cường hơn nữa các nỗ lực để truy tố những kẻ buôn người. Tương tự như những vụ án trước đây, tòa án ở Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên những án phạt nghiêm khắc với những kẻ buôn bán người vì mục đích tình dục, trong đó có hai người đã bị kết án 10 và 12 năm tù giam vào ngày 3 tháng 6 vì tội tổ chức hoạt động môi giới hôn nhân giả mạo, đưa 28 phụ nữ sang Malaysia và ép buộc họ làm mại dâm.

Một Ban chỉ đạo quốc gia, do Bộ Công an đứng đầu, đã phối hợp các nỗ lực của Chính phủ nhằm phát hiện và khởi tố các vụ án buôn người, hỗ trợ cho hoạt động ngăn chặn nạn buôn người và hoạt động đào tạo. Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Vụ Tội phạm xã hội của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là những cơ quan chính phủ nắm vai trò chủ đạo trong cuộc chiến chống nạn buôn người, với sự phối hợp chặt chẽ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Ban chỉ đạo tiếp tục đào tạo các cán bộ địa phương và quốc gia về chống buôn bán người. Cảnh sát cũng đóng vai trò ngày càng chủ động và tích cực trong hoạt động điều tra trong năm qua, trong đó có việc đào tạo một lực lượng tinh nhuệ chống buôn bán người.

Mặc dù số vụ bị kết tội tăng lên nhưng con số 375 vụ được điều tra trong năm vẫn giảm nhẹ so với năm 2008. Tuy nhiên, từ năm 2005, trình độ điều tra và khởi tố đã tăng lên, nhìn chung phản ánh năng lực phát hiện vụ án đã được nâng cao, công tác đào tạo cán bộ địa phương cũng đã đạt được bước cải thiện đáng kể.

Chính phủ tiếp tục triển khai Chương trình Hành động quốc gia 2004-2010 về đấu tranh chống nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em, cũng như Luật Xuất khẩu Lao động và các chỉ thị về tính minh bạch trong tuyển dụng và ký kết hợp đồng với lao động được tuyển dụng. Trong năm, Bộ Công an đã ban hành nhiều hướng dẫn về việc bảo vệ các nạn nhân trong quá trình điều tra và khởi tố và hợp tác với Tổ chức Di cư Quốc tế.

Các tổ chức quần chúng và các tổ chức phi chính phủ tiếp tục triển khai các chương trình giáo dục về nguy cơ bị bắt cóc vì mục đích tình dục và tái hòa nhập phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của các vụ buôn người vào cộng đồng. Trong năm, các chương trình này tiếp tục bảo vệ và hỗ trợ tái hòa nhập đối với nạn nhân của các đường dây buôn người, thông qua hoạt động trợ giúp tâm lý xã hội và dạy nghề, đồng thời cũng triển khai nỗ lực ngăn ngừa trên phạm vi quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng đối với những phân đoạn dân cư có nguy cơ cao. Các thể chế chính thức, bao gồm Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên tiếp tục triển khai các chương trình nhằm ngăn chặn nạn buôn bán người, nâng cao nhận thức cộng đồng và bảo vệ các nạn nhân. Các cơ quan chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Di cư Quốc tế, Quỹ châu Á, Quỹ liên kết Thái Bình Dương và các tổ chức phi chính phủ quốc tế khác để cung cấp chỗ ở tạm thời, dịch vụ y tế, giáo dục, tín dụng, tư vấn và tái hòa nhập dành cho nạn nhân của các đường dây buôn người đã hồi hương. Các cơ quan an ninh có trách nhiệm kiểm soát biên giới đã đảm nhận công việc đào tạo kỹ thuật điều tra nhằm ngăn chặn hành vi buôn người.

Chính phủ cũng đã làm việc với các tổ chức phi chính phủ quốc tế nhằm bổ sung và tăng cường hơn nữa các biện pháp và các thể chế thi hành luật, đồng thời phối hợp với các chính phủ quốc gia khác để ngăn ngừa hành vi buôn người. Chính phủ Việt Nam cũng đã phối hợp chặt chẽ với các quốc gia khác trong khuôn khổ Tổ chức Cảnh sát Quốc tế (Interpol), các đối tác châu Á và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Ngày 7 tháng 1, Chính phủ đã ký kết Hiệp định song phương về phòng chống buôn bán người với Thái Lan, nâng cấp bản ghi nhớ song phương, và đã tổ chức hội thảo song phương để thảo luận việc triển khai vào ngày 9 tháng 3. Từ ngày 15 tháng 7 đến 15 tháng 9, hai nước đã cùng nhau thực hiện một cuộc vận động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống buôn bán người vì mục đích tình dục tại các khu vực dọc theo biên giới chung của hai nước. Bản báo cáo về Buôn bán người thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ được đăng tải tại www.state.gov/g/tip.

Người khuyết tật

Luật pháp yêu cầu nhà nước bảo vệ quyền lợi của người khuyết tật, được quy định ở điều 59 và 67. Luật về Người Khuyết tật nghiêm cấm việc phân biệt đối xử hoặc đối xử tồi tệ với người khuyết tật. Luật cũng khuyến khích tạo việc làm cho người khuyết tật. Việc cung cấp dịch vụ cho người khuyết tật, dù còn nhiều hạn chế, song đã được cải thiện trong năm qua. Bộ Giao thông vận tải tiếp tục thực hiện bộ quy tắc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng và đã đào tạo cán bộ cho các cơ quan vận tải và sinh viên cách thực hiện quy tắc này. Việc xây dựng hoặc cải tạo lớn các tòa nhà công cộng lớn và các tòa nhà chính quyền phải có đường tiếp cận thuận lợi cho người khuyết tật. Bộ Xây dựng cũng duy trì ba đơn vị thực hiện ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam và Ninh Bình để thực hiện quy định “không có rào cản đối với người khuyết tật” này.

Luật pháp cũng quy định rõ những hình thức ưu đãi đối với các doanh nghiệp tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc và cũng quy định rõ hình phạt đối với những doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu dành ít nhất 2 đến 3% lực lượng lao động của họ cho lao động là người khuyết tật. Tuy nhiên, Chính phủ đã thi hành quy định này một cách thiếu đồng đều. Các doanh nghiệp có 51% lao động là người khuyết tật trở lên có thể được hưởng những khoản vay trợ cấp đặc biệt của Chính phủ.

Chính phủ tôn trọng các quyền chính trị và dân sự của người khuyết tật. Theo Luật Bầu cử, các hòm phiếu có thể được mang tới nhà người khuyết tật mong muốn được bỏ phiếu nhưng không có khả năng di chuyển đến nơi bỏ phiếu.

Chính phủ cũng hỗ trợ thành lập các tổ chức giúp đỡ người khuyết tật. Người khuyết tật được tham khảo ý kiến trong quá trình Chính phủ xây dựng hoặc đánh giá các chương trình quốc gia, ví dụ như các chương trình xóa đói giảm nghèo, các luật về đào tạo nghề và các chính sách giáo dục khác. Ủy ban Điều phối Quốc gia về Người khuyết tật và các bộ thành viên của ủy ban này đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức trong và ngoài nước để bảo vệ, hỗ trợ, cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục và việc làm cho người khuyết tật. Chính phủ cũng đã vận hành một mạng lưới nhỏ các trung tâm tái hòa nhập nhằm cung cấp liệu pháp tâm lý lâu dài cho các bệnh nhân tâm thần. Nhiều tỉnh thành, các cơ quan chính phủ và các trường đại học cũng đã có các chương trình đặc biệt hỗ trợ người khuyết tật. Tháng 4, Bộ Giáo dục Đào tạo đã tổ chức một cuộc hội thảo với các tổ chức phi chính phủ đặt tại nước ngoài và Chính phủ nước ngoài để đưa ra khuyến nghị cho Luật Người khuyết tật về vấn đề đào tạo và giáo dục cho người khuyết tật.

Dân tộc, chủng tộc, các dân tộc thiểu số

Mặc dù Chính phủ đã có quan điểm chính thức phản đối thái độ phân biệt đối xử đối với các dân tộc thiểu số, nhưng sự phân biệt xã hội lâu nay hiện vẫn đang tồn tại. Bất chấp tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng ghi nhận của đất nước, các cộng đồng dân tộc thiểu số vẫn chỉ được hưởng lợi rất ít từ những điều kiện kinh tế được cải thiện.

Một vài người dân thuộc các cộng đồng dân tộc thiểu số vẫn tiếp tục chạy sang Campuchia và Thái Lan để tìm kiếm những cơ hội kinh tế tốt hơn hoặc để làm con đường trung chuyển ngắn nhất trước khi nhập cư vào các quốc gia khác. Các quan chức chính phủ giám sát vô cùng chặt chẽ động thái của một số cộng đồng dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi, đặc biệt là các nhóm dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, do mối quan ngại rằng tôn giáo họ đang theo có thể xúi giục các nhóm thiểu số đòi ly khai.

Chính phủ tiếp tục áp dụng các biện pháp an ninh ở khu vực Tây Nguyên để đối phó với những quan ngại về khả năng xảy ra hoạt động li khai của các nhóm dân tộc thiểu số. Nhiều báo cáo cho biết cảnh sát đặc biệt chú ý theo dõi các cuộc điện thoại di động từ các cá nhân thuộc nhóm dân tộc thiểu số gọi cho cộng đồng thiểu số ở nước ngoài. Một số ít báo cáo cho biết các nhóm dân tộc thiểu số tìm cách vượt biên sang Campuchia đã bị cảnh sát Việt Nam tuần tra ở cả hai phía đường biên giới bắt phải hồi hương, thậm chí có một số đối tượng sau đó đã bị cảnh sát đánh đập và giam giữ.

Chính phủ tiếp tục triển khai các biện pháp giải quyết nguyên nhân gây ra thái độ bất mãn của một số nhóm dân tộc thiểu số thông qua những chương trình đặc biệt nhằm cải thiện điều kiện giáo dục, chăm sóc y tế, nâng cấp đường xá và cấp điện cho các làng xã nông thôn. Chính phủ cũng đã giao đất cho các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thông qua một chương trình đặc biệt, nhưng vẫn còn nhiều lời phàn nàn cho rằng việc triển khai thực hiện chương trình này còn chưa được đồng đều.

Chính phủ tiếp tục thực hiện chương trình dạy tiếng dân tộc thiểu số tại một số địa phương cho học sinh cấp một và cấp hai. Chính phủ cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để xây dựng chương trình giảng dạy bằng ngôn ngữ địa phương, nhưng dường như chương trình này được triển khai một cách toàn diện hơn tại khu vực Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long so với tại khu vực miền núi phía Bắc và các tỉnh Tây Bắc. Cộng đồng dân tộc thiếu số không phải đóng tiền học phí tại các bậc học phổ thông, và Chính phủ cũng đã xây dựng các trường chuyên biệt dành cho người dân tộc thiểu số tại nhiều tỉnh thành, bao gồm các trường dân tộc nội trú ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông được Chính phủ trợ cấp. Chính phủ cũng có các chương trình nhập học ưu đãi và được tham dự các lớp dự bị đại học, được hưởng học bổng cũng như các điều kiện xét tuyển ưu tiên vào bậc đại học. Cũng có một số trường kỹ thuật và dạy nghề dành cho người dân tộc thiểu số được Chính phủ trợ cấp. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp phân biệt đối xử đối với người dân tộc thiểu số theo đạo Thiên Chúa, mặc dù pháp luật đã quy định giáo dục phổ cập dành cho mọi trẻ em trong độ tuổi đến trường, không phân biệt tôn giáo và dân tộc.

Chính phủ cũng phát sóng các chương trình phát thanh và truyền hình bằng ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số tại một số vùng. Chính phủ cũng yêu cầu cán bộ nhà nước là người Kinh phải học ngôn ngữ của cộng đồng thiểu số nơi họ làm việc. Chính quyền các tỉnh tiếp tục đưa những sáng kiến về tăng việc làm, giảm khoảng cách thu nhập giữa người dân tộc thiểu số và người Kinh, đồng thời, luôn tỏ ra tôn trọng và hưởng ứng truyền thống cũng như văn hóa của các nhóm dân tộc này.

Chính phủ cũng có những đối xử ưu đãi dành cho các công ty trong nước và nước ngoài đầu tư vào các khu vực miền núi - những nơi có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống. Chính phủ đã triển khai các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ người nghèo tại những nơi có đông người dân tộc thiểu số sinh sống và xây dựng các chương trình khuyến nông tại những vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh.

Các biểu hiện phân biệt đối xử và lạm dụng xã hội và bạo lực trong khuynh hướng giới tính và xác định giới tính

Cộng đồng người đồng tính luyến ái có tồn tại nhưng phần lớn ít được xã hội biết đến. Không có bộ luật nào quy định quan hệ đồng tính là phạm tội. Cũng không có sự phân biệt chính thức nào về tuyển dụng, nhà ở, phi quốc tịch hay tiếp cận với giáo dục và chăm sóc y tế do khuynh hướng giới tính, nhưng sự kỳ thị và phân biệt đối xử của xã hội vẫn còn rất nặng nề. Hầu hết những người đồng tính không nói cho gia đình biết về khuynh hướng giới tính của mình do lo sợ bị ruồng bỏ.

Nhận thức của cộng đồng về vấn đề đồng tính được nâng lên, không có bằng chứng nào cho thấy có sự phân biệt chính thức và trực tiếp do khuynh hướng giới tính. Mặc dù các quy định Bộ Văn hóa đã chỉ rõ độ tuổi được tham dự các cuộc thi sắc đẹp là “các công dân nữ tuổi từ 18 trở lên” nhưng số lượng thí sinh và cả người tham gia các cuộc thi sắc đẹp dành cho những người chuyển đổi giới tính và người thích mặc trang phục của người khác giới ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tăng lên. Một vài cuộc thi thường niên bị tai tiếng, và cũng có một vài hoa hậu chuyển giới và người thích mặc trang phục của người khác giới trở nên nổi tiếng.

Các biểu hiện phân biệt đối xử và bạo lực xã hội khác

Không có bằng chứng nào cho thấy sự phân biệt đối xử chính thức đối với bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, nhưng thái độ phân biệt đối xử trong xã hội vẫn xảy ra đối với những bệnh nhân này. Những người xét nghiệm dương tính với HIV/AIDS cho biết họ vẫn bị âm thầm kỳ thị và phân biệt đối xử, mặc dù họ không đang trong giai đoạn điều trị bệnh. Luật pháp quy định người sử dụng lao động không được sa thải công nhân vì họ bị nhiễm HIV/AIDS và bác sĩ không được từ chối điều trị cho những người bị nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, các báo cáo đáng tin cậy cho biết những người nhiễm HIV/AIDS thường bị mất việc làm hoặc phải chịu sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc hay trong việc tìm kiếm nhà ở. Tuy nhiên, số trường hợp này cũng đã giảm so với các năm trước. Trong một số ít trường hợp, con cái của những người nhiễm HIV/AIDS không được đến trường. Tại một trường học ở Thành phố Hồ Chí Minh, một số phụ huynh đã cho con em mình chuyển trường sau khi trường này cho phép trẻ mồ côi bị nhiễm HIV/AIDS được nhập học theo quy định của pháp luật. Với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế, Chính phủ và chính quyền cấp tỉnh thành đã từng bước thực hiện các chương trình điều trị, trợ giúp và trợ cấp cho những người nhiễm HIV/AIDS; làm giảm tình trạng phân biệt đối xử và định kiến xã hội, tuy nhiên các biện pháp này đã không được áp dụng đồng nhất. Các quỹ từ thiện tôn giáo đôi khi cũng được cho phép hỗ trợ những người bị nhiễm HIV/AIDS.

Phần 7: Quyền lợi của Người lao động

a. Quyền lập hội

Người lao động không được tự do thành lập hay gia nhập các tổ chức công đoàn mà họ lựa chọn. Người lao động có quyền chọn lựa tham gia hoặc không tham gia tổ chức công đoàn và được quyền chọn cấp độ (địa phương, tỉnh hoặc quốc gia) mà họ muốn tham gia, tất cả các công đoàn đều phải trực thuộc với một tổ chức công đoàn duy nhất của quốc gia đó là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức công đoàn cao nhất do Đảng Cộng sản Việt Nam kiểm soát, có nhiệm vụ quản lý và phê chuẩn các tổ chức công đoàn cơ sở hoạt động tại mỗi địa phương và trong từng ngành công nghiệp. Luật pháp Việt Nam quy định các Liên đoàn Lao động tỉnh hay thành phố trực thuộc Trung ương thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có trách nhiệm tổ chức một công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp mới ngay trong vòng 6 tháng kể từ ngày doanh nghiệp đó được thành lập và lãnh đạo doanh nghiệp được yêu cầu phải hợp tác với tổ chức công đoàn mới được thành lập.

Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, năm 2008, tổng số thành viên của tổ chức này là hơn 6,3 triệu người, ước tính chiếm khoảng 39 phần trăm trong số gần 16 triệu người làm công ăn lương. Trong số này, 36,5 phần trăm đang làm việc trong khu vực nhà nước, 33,1 phần trăm đang làm việc trong các doanh nghiệp quốc doanh và 30,4 phần trăm đang làm việc trong khu vực tư nhân. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết số lượng thành viên của tổ chức này đại diện cho 95 phần trăm lao động trong khu vực nhà nước và 90 phần trăm lao động làm việc trong các doanh nghiệp quốc doanh. Ước tính có gần 1,7 triệu thành viên công đoàn đang làm việc trong khu vực tư nhân, kể cả tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (hơn 700.000 người). Trên thực tế, có 85 phần trăm các doanh nghiệp quốc doanh, 60 phần trăm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 30 phần trăm các doanh nghiệp tư nhân có công đoàn.

Mặc dù luật pháp không cho phép có các công đoàn độc lập nhưng bản sửa đổi năm 2007 có quy định rằng việc thương lượng dàn xếp tranh chấp có thể được chủ trì và tổ chức bởi một “thực thể có liên quan”, có thể bao gồm đại diện của người lao động nếu như doanh nghiệp này không có công đoàn. Mặc dù luật pháp cho phép các “hoạt động công đoàn” đặc biệt trong các tình huống khẩn cấp như đình công, nhưng Liên đoàn Lao động Việt nam vẫn được yêu cầu phải thành lập một công đoàn chính thức trong vòng sáu tháng. Có ít bằng chứng cho thấy các lãnh đạo hay tổ chức hoạt động tích cực trong vòng sáu tháng này sẽ tiếp tục tích cực hoặc được công nhận sau đó.

Khoản phí công đoàn mà mỗi thành viên phải đóng góp tương ứng với 1 phần trăm tiền lương, còn người sử dụng lao động phải đóng 2 phần trăm quỹ lương. Tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người sử dụng lao động phải đóng 1 phần trăm quỹ lương cho công đoàn. Dù khoản phí này nhằm mục đích hỗ trợ người lao động và các hoạt động của công đoàn nhưng việc sử dụng nguồn quỹ này lại ít minh bạch. Phần lớn lực lượng lao động không tham gia công đoàn và không nộp phí công đoàn, đó là khoảng 34 triệu trong tổng số 45,3 triệu lao động sinh sống ở nông thôn và và tham gia vào các hoạt động trang trại quy mô nhỏ, làm việc ở những công ty nhỏ và khu vực tư nhân không chính thức.

Lãnh đạo Công đoàn có thể gây ảnh hưởng tới các quyết định quan trọng, ví dụ như việc sửa đổi luật lao động, phát triển mạng lưới an sinh xã hội, xây dựng các tiêu chuẩn về an toàn, sức khoẻ và mức lương tối thiểu. Tuy nhiên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thừa nhận rằng lãnh đạo Công đoàn không phải lúc nào cũng truy tố các vi phạm. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng thừa nhận thiếu sót trong hệ thống thanh tra lao động của mình và cho rằng nguyên nhân chính gây ra thiếu sót này là Việt Nam không có đủ số lượng thanh tra lao động để triển khai công việc trên toàn lãnh thổ. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ ra và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã thừa nhận rằng mức phạt thấp áp dụng cho các công ty có hành vi vi phạm lao động là nguyên nhân chính làm giảm tính hiệu quả của biện pháp ngăn chặn này.

Bãi công là hành vi trái pháp luật nếu không xuất phát từ tranh chấp lao động tập thể hay các nội dung chính nằm ngoài các mối quan hệ lao động. Trước khi diễn ra bãi công, người lao động phải trình đơn khiếu nại lên hội đồng hòa giải cơ sở (hay cán bộ hòa giải lao động cấp tỉnh nếu không có công đoàn cơ sở); nếu không đi đến giải pháp được thì phải trình đơn khiếu nại này lên hội đồng trọng tài cấp tỉnh. Công đoàn (hay đại diện của người lao động nếu không có công đoàn) có quyền kháng nghị về các quyết định của hội đồng trọng tài cấp tỉnh lên Tòa án Nhân dân cấp tỉnh hoặc tiến hành đình công. Cá nhân người lao động có thể trực tiếp khiếu nại vụ việc lên hệ thống tòa án nhân dân, nhưng trong hầu hết trường hợp họ chỉ làm vậy sau khi mọi nỗ lực hòa giải đã thất bại. Bộ Luật Lao động sửa đổi cũng đã quy định rõ rằng người lao động đình công không được trả lương cho thời gian mà họ không làm việc.

Luật Lao động nghiêm cấm bãi công trong 54 lĩnh vực nghề nghiệp và các ngành kinh doanh phục vụ công chúng hoặc các ngành được Chính phủ coi là có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế và an ninh quốc phòng của đất nước. Một nghị định sau đó đã nêu cụ thể các loại hình doanh nghiệp này - những doanh nghiệp sản xuất điện, bưu chính viễn thông, giao thông đường sắt, đường thủy và đường hàng không, ngân hàng, giao thông công chính, ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt. Luật pháp cũng giao cho Thủ tướng Chính phủ quyền được đình chỉ hoạt động đình công trong trường hợp cuộc đình công đó có ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế quốc gia và an ninh công cộng.

Phần lớn các cuộc đình công đều không theo đúng trình tự hòa giải và trọng tài và do đó bị coi là đình công “tự phát” và trái pháp luật. Số lượng những cuộc đình công như vậy đã giảm mạnh với chỉ 309 cuộc trong năm. Ba năm trước đó số lượng những cuộc đình công tự phát tăng lên đột ngột từ 387 cuộc năm 2006 lên 762 cuộc năm 2008. Hầu hết các nhà kinh tế học đều nhận định số lượng các cuộc đình công trong năm 2008 lên cao như vậy là do chi phí sinh hoạt tăng nhanh đột ngột, lạm phát đạt đỉnh 28 phần trăm vào tháng 8 năm 2008, và tương tự, số lượng các cuộc đình công trong năm vừa qua giảm là do tỷ lệ lạm phát đã giảm xuống còn một con số và do người lao động quan ngại về tình hình đình trệ của nền kinh tế.

Hơn 90 phần trăm các cuộc đình công “tự phát” diễn ra ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lân cận. Mặc dù các cuộc đình công này là trái pháp luật nhưng chính quyền đã khoan nhượng và không có hành động chống lại những người đình công. Luật pháp nghiêm cấm mọi hành vi trả thù những người tham gia đình công và không có trường hợp trả thù nào xảy ra trên thực tế. Trong một số trường hợp, Chính phủ đã có hình thức kỷ luật đối với những chủ lao động có hành vi phi pháp dẫn đến đình công, đặc biệt là các công ty nước ngoài. Theo luật pháp, các cá nhân tham gia đình công mà bị tòa án nhân dân tuyên bố là bất hợp pháp và gây tổn hại đến người sử dụng lao động thì phải đền bù thiệt hại.

b. Quyền tổ chức và đàm phán thỏa ước lao động tập thể

Luật pháp quy định các công đoàn trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có quyền đàm phán thỏa ước lao động tập thể nhân danh người lao động; Luật này nhìn chung được thực hiện, mặc dù các công đoàn trực thuộc Liên đòan Lao động Việt Nam không phải là các công đoàn độc lập. Các tranh cãi tập thể liên quan đến quyền lợi người lao động phải được giải quyết thông qua hội đồng hòa giải và nếu hội đồng hòa giải không giải quyết được thì Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp huyện phải đứng ra giải quyết. Luật Lao động sửa đổi tháng 7 năm 2008 đã phân các tranh chấp này thành hai loại: tranh chấp liên quan đến quyền của người lao động (theo quy định của pháp luật) và tranh chấp liên quan đến lợi ích của người lao động (những yêu cầu ngoài những yêu cầu mà luật đòi hỏi); hai loại tranh chấp này được giải quyết theo những trình tự thủ tục khác nhau. Luật quy định một quy trình hòa giải và trọng tài toàn diện phải được thực hiện trước khi một cuộc đình công có thể được tổ chức một cách hợp pháp.

Không có điều luật đặc biệt hoặc trường hợp miễn trừ nào trong Bộ Luật Lao động được áp dụng riêng đối với các khu chế xuất hoặc khu công nghiệp. Không có bằng chứng thực tiễn nào cho thấy Chính phủ thi hành luật chặt chẽ hơn tại các khu chế xuất và khu công nghiệp so với những khu vực khác. Tuy nhiên, có những báo cáo đáng tin cậy cho biết chủ lao động tại các khu chế xuất và khu công nghiệp thường có xu hướng phớt lờ quyền lợi của người lao động và thường sử dụng hợp đồng ngắn hạn để tránh không thực hiện yêu cầu pháp lý về thành lập tổ chức công đoàn.

c. Nghiêm cấm việc sử dụng lao động bắt buộc và lao động cưỡng bức

Luật pháp nghiêm cấm mọi hình thức lao động bắt buộc và lao động cưỡng bức, trong đó có lao động trẻ em; tuy nhiên, hình thức này vẫn xảy ra trên thực tế.

Phạm nhân trong tù thường phải lao động không công hoặc với số tiền công rất ít ỏi. Họ tham gia sản xuất lương thực và các hàng hóa khác được sử dụng trực tiếp trong nhà tù hoặc được đem bán tại các chợ ở địa phương, tiền thu được được cho là dùng để mua những vật dụng phục vụ nhu cầu cá nhân của họ.

d. Nghiêm cấm việc sử dụng lao động trẻ em và độ tuổi tối thiểu được tham gia lao động

Luật pháp nghiêm cấm hầu hết mọi hình thức lao động trẻ em song cho phép có một số ngoại lệ đối với một vài loại hình công việc. Tuy nhiên, lao động trẻ em vẫn là một vấn đề cần quan tâm, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, nơi mà hai phần ba dân số Việt Nam đang sinh sống. Luật cũng quy định rõ độ tuổi tối thiểu để tham gia lực lượng lao động là 18 tuổi, nhưng các doanh nghiệp có thể thuê trẻ em từ 15 đến 18 tuổi nếu được phép của cha mẹ và của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Năm 2006, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết có gần 30 phần trăm trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 17 đang tham gia vào các hoạt động kinh tế, thường là tại các nông trại gia đình hoặc các công ty gia đình không nằm trong tầm kiểm soát của luật pháp.

Theo luật, chủ lao động phải bảo đảm để người lao động dưới 18 tuổi không phải làm những công việc nguy hiểm hoặc những công việc có thể làm tổn hại đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ. Bộ Luật Lao động đã quy định cụ thể những công việc bị cấm này. Luật pháp cũng cho phép trẻ em từ 13 tuổi đăng ký theo học tại các trung tâm đào tạo thương mại - một hình thức đào tạo nghề. Trẻ em có thể làm việc nhiều nhất 7 tiếng mỗi ngày và 42 tiếng mỗi tuần và phải nhận được các dịch vụ chăm sóc y tế đặc biệt. Theo một khảo sát của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội năm 2008, có trên 25.000 trẻ em làm việc trong những điều kiện được coi là nguy hiểm.

Tại khu vực nông thôn, trẻ em thường làm việc trong các nông trại gia đình và tham gia vào các hoạt động nông nghiệp khác. Trong nhiều trường hợp, trẻ em bắt đầu làm việc từ khi mới 6 tuổi và bắt đầu phải đảm đương những công việc của người lớn từ khi bắt đầu đến tuổi 15. Đặc biệt là trong vụ mùa và mùa gieo cấy, một số bậc cha mẹ còn không cho phép trẻ em đi học. Hiện tượng di cư từ nông thôn ra thành thị cũng làm tình trạng lao động trẻ em trở nên trầm trọng hơn vì người di cư bất hợp pháp không được quyền đăng ký hộ tịch ở khu vực thành thị. Điều này có nghĩa là trẻ em có thể không được đến học tại các trường công lập và gia đình họ có ít cơ hội tiếp cận với tín dụng hơn. Các quan chức tuyên bố rằng trẻ em vị thành niên tại các trung tâm giáo dưỡng - phần lớn vận hành gần giống như những trại cải tạo - hoặc tại các trung tâm quản giáo trẻ vị thành niên thường tham gia lao động vì “mục đích giáo dục”.

Tại khu vực thành thị, trẻ em thường làm việc trong các cửa hàng nhỏ của gia đình hoặc làm các công việc ngoài phố như đánh giày hay bán báo hoặc bán vé số. Một cơ sở cho trẻ em lưu trú cho hay rằng trẻ em khoảng 9 tuổi đã bị lôi kéo lên Thành phố Hồ Chí Minh bán vé số. Lao động trẻ em cũng phổ biến hơn tại các nhà máy ở đô thị nhỏ. Các cán bộ lao động của Thành phố Hồ Chí Minh công bố rằng trong năm, 62 trong tổng số 173 đơn vị sản xuất bị thanh tra có sử dụng lao động trẻ em. Hầu hết là các xưởng may hoặc cơ khí ở quận Bình Tân, Tân Phú và Bình Chánh. Thanh tra Chính phủ cho biết hơn 96 phần trăm lao động trẻ em được tuyển dụng qua thỏa thuận miệng mà không có bất cứ một văn bản chính thức nào, 75 phần trăm số trẻ em này đến từ các tỉnh duyên hải miền Trung và Đồng bằng Sông Cửu Long.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm thực thi các luật và chính sách về lao động trẻ em. Các cán bộ có thể phạt và trong các trường hợp vi phạm luật hình sự, có thể khởi tố chủ lao động có hành vi vi phạm luật lao động trẻ em. Mặc dù những nguồn lực mà Chính phủ cam kết là chưa đầy đủ để có thế thi hành luật một cách có hiệu quả để đảm bảo an toàn cho trẻ, đặc biệt là cho trẻ em làm việc dưới hầm mỏ và người giúp việc gia đình, nhưng chính quyền cũng đã phát hiện được một số vụ việc bóc lột lao động trẻ em, giải thoát cho các em khỏi tình trạng bị bóc lột sức lao động và thi hành hình phạt đối với chủ lao động.

Chính phủ cũng đã tiếp tục triển khai các chương trình xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em, với sự quan tâm đặc biệt dành cho những gia đình và trẻ em mồ côi gặp khó khăn.

e. Điều kiện lao động có thể chấp nhận được

Luật pháp yêu cầu Chính phủ quy định mức lương tối thiểu, được điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát và những biến động kinh tế khác. Mức lương tối thiểu hàng tháng đối với lao động không có tay nghề tại các liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài, tại các tổ chức nước ngoài và quốc tế là từ 1,08 triệu đồng (60 đô-la Mỹ) đến 1,2 triệu đồng (67 đô-la Mỹ) tại các đô thị và xấp xỉ 950.000 đồng (53 đô-la Mỹ) tại khu vực nông thôn; Mức lương tháng tối thiểu chính thức cho lao động không có tay nghề trong khu vực nhà nước là xấp xỉ 650.000 đồng (36 đô-la Mỹ). Với những người lao động làm việc trong các doanh nghiệp quốc doanh, tại các nông trại hoặc giúp việc gia đình thì mức lương tối thiểu là từ 650.000 đồng (36 đô-la Mỹ) đến 800.000 đồng (45 đô-la Mỹ) tùy theo từng khu vực. Mặc dù mức lương này cao hơn so với chuẩn nghèo mà Chính phủ quy định nhưng vẫn không đủ để người lao động và gia đình của họ duy trì được một cuộc sống tươm tất.

Chính phủ quy định tuần làm việc 40 giờ cho công chức chính phủ và lao động tại các doanh nghiệp trong khu vực nhà nước, và đã khuyến khích khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế hoặc nước ngoài có lao động là người địa phương giảm số giờ lao động trong tuần xuống 40 giờ, nhưng đây không phải là một quy định bắt buộc.

Luật pháp quy định một ngày làm việc bình thường gồm 8 giờ lao động với 24 giờ nghỉ bắt buộc mỗi tuần. Giờ lao động dôi dư phải được trả tiền làm ngoài giờ ở mức bằng hoặc gấp rưỡi mức lương bình thường dành cho ngày nghỉ và ngày phép được thanh toán. Luật pháp cũng giới hạn số giờ làm thêm tối đa là 4 giờ mỗi tuần và 200 giờ mỗi năm nhưng cũng cho phép một số trường hợp ngoại lệ với tối đa 300 giờ mỗi năm; các trường hợp ngoại lệ phải được Chính phủ thông qua sau khi tham khảo ý kiến với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các đại diện chủ lao động. Luật cũng quy định số ngày nghỉ phép được hưởng nguyên lương áp dụng cho từng loại hình công việc. Tuy nhiên, không rõ Chính phủ đã tổ chức thực hiện những điều luật này chặt chẽ đến mức nào.

Theo luật, lao động nữ sắp kết hôn, có thai, trong kỳ nghỉ đẻ hoặc nuôi con dưới 1 tuổi không bị sa thải trừ khi doanh nghiệp đóng cửa. Lao động nữ có thai ít nhất 7 tháng hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi không bị buộc phải làm việc ngoài giờ, vào ban đêm hoặc tại những nơi cách xa nơi cư trú của họ. Tuy nhiên, không rõ luật này được thực hiện chặt chẽ đến mức độ nào.

Luật yêu cầu Chính phủ ban hành các quy định và điều luật bảo đảm an toàn cho người lao động. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các ủy ban nhân dân và các tổ chức công đoàn cơ sở tại địa phương có trách nhiệm thi hành những quy định này. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định và điều luật này chưa đầy đủ do thiếu ngân sách và nhân sự đã qua đào tạo. Tai nạn lao động do điều kiện y tế và an toàn tại nơi làm việc quá nghèo nàn cũng là một vấn đề bức xúc. Số lượng lớn nhất trong số các tai nạn nghề nghiệp xảy ra là do máy móc như máy cán hoặc máy ép.

Theo một điều tra được Bộ Lao động Thương binh Xã hội tiến hành vào tháng 7 năm 2008 về điều kiện làm việc ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có tới 80 phần trăm không đáp ứng được các yêu cầu an toàn lao động tối thiểu, 8 phần trăm có môi trường làm việc nghèo nàn, và 90 phần trăm sử dụng máy móc và thiết bị quá cũ nát. Công nhân thường phải làm trong môi trường làm việc nguy hiểm, 31 phần trăm phải làm việc trong môi trường quá nóng bức, 24 phần trăm làm trong môi trường có tiếng ồn quá mức, và 17 phần trăm làm việc tại những nơi có môi trường quá bụi bặm.

Luật quy định người lao động có thể từ chối không làm việc trong những điều kiện nguy hiểm mà không sợ bị mất việc làm. Tuy nhiên, không rõ trên thực tế quy định này có được thực thi hay không. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tuyên bố rằng không có người lao động nào phàn nàn về việc chủ lao động đã không tuân thủ luật pháp.

 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:
Bản dịch: