Bàn về việc dịch kinh phật
I. Phải là người tinh thông phật học mới có thể dịch được kinh
Ở Nam kỳ từ có tiếng kêu Chấn hưng Phật giáo đến nay, coi ý có nhiều người để tâm về sự dịch thuật sách vở nhà Phật. Như Sư Thiện Chiếu xuất bản sách Phật học tổng yếu năm kia, và gần đây ông Đoàn Trung Còn cũng có mở ra một cơ quan chuyên làm việc ấy. Lại ngoài ra cũng có những sách nói về đạo Phật, hình như không trọng yếu mấy, lải rải xuất bản luôn.
Nhưng việc dịch kinh thì chưa thấy ai làm. Việc nầy mà chưa làm thì các việc dịch thuật khác cũng chẳng nên kể vào đâu. Bởi vì, tông giáo nào cũng vậy, kinh điển là cái gốc; cái gốc mà chưa có thì những cái ngọn kia không nương dựa chỗ nào được để mà sống vậy.
Nam kỳ ngày nay mà muốn nói chuyện chấn hưng Phật giáo, ngoài các việc khác, nên lo gấp việc dịch kinh. Điều đó tưởng những bực hữu tâm đã nhìn thấy, không cần nói nhiều. Nay tôi chỉ xin bàn về việc dịch kinh nên thế nào. Tôi có biết được những điều gì trong việc ấy, xin đem cống hiến cho các nhà có ý lo về đạo Phật.
Tôi tuy không phải là người tin đạo Phật, nhưng việc dịch kinh là việc có quan hệ với văn học và học thuật tư tưởng nước ta, bởi vậy, người khác sốt sắng lo việc ấy thế nào thì tôi cũng sốt sắng như thế; và tôi cũng có quyền bàn bạc việc ấy như người khác.
Đầu hết tôi muốn cho người ta hiểu con người có học thức thế nào thì dịch được kinh Phật, muốn nói rộng ra, các kinh của các tông giáo khác.
Mỗi tông giáo đều có kinh điển của mình. Cho được dịch kinh điển của tông giáo nào từ thứ tiếng nầy ra thứ tiếng khác, tất có người biết cả hai thứ tiếng đó cố nhiên, mà cốt nhứt lại là người ấy phải ở trong tông giáo ấy mà ra. Bởi vì có ở trong tông giáo ấy thì mới hiểu rõ được đạo lý để mà nói sang thứ tiếng khác. Nếu cái người ở trong tông giáo đó không thạo lắm về nghề làm văn thì phải nhờ đến người thạo nghề ở ngoài; nhưng người ngoài chẳng qua là vai phụ, còn vai chánh bao giờ cũng phải lấy trong tông giáo, vì trong kinh điển, phần đạo lý là phần trọng hơn vậy.
Tôi đã từng dịch kinh điển đạo Cơ Đốc từ tiếng Pháp và tiếng Tàu ra tiếng Việt Nam. Hồi đó tôi làm việc ấy dưới quyền hai ông bà mục sư W.Cadman. Tuy họ coi tôi là người trọng yếu lắm trong việc dịch, nhưng dầu đến một câu trong đó họ cũng không để toàn quyền về tôi. Gặp câu nào nghĩa hơi khó một chút thì bà Cadman đem nhiều bổn sách ra mà đối chiếu, - vì bà biết đến 13 thứ tiếng - để chọn lấy nghĩa nào đúng nhứt. Phần chúng tôi dịch chỉ có bộ Tân ước và một phần ba Cựu ước thôi, song mất đến 5 năm mới thành.
Tôi kể việc ấy vào đây để cho thấy người ngoại quốc làm việc dịch kinh, coi là việc trọng đại lắm, không dám cẩu thả. Tôi muốn cho người nào hay là cơ quan nào trong xứ ta đây toan việc dịch kinh Phật ra, cũng phải làm như người đã dịch kinh đạo Cơ Đốc đó.
Tôi thấy như người mình tưởng sự dịch kinh Phật là dễ lắm, hễ ai biết chữ Hán và biết làm văn quốc ngữ thì cứ nắm nguyên bổn mà dịch ra được ngay. Tưởng như vậy là lầm.
Mới đây có một ông cậy người hỏi tôi thử, như dịch bộ Diệu pháp liên hoa ra thì ăn bao nhiêu tiền. Nếu chịu dịch thì nói giá cả đi, và dịch thử cho ông ấy xem một ít, rồi hễ vừa ý ông thì bắt đầu làm.
Tôi thấy nói thì hiểu ý ông ấy hình như đã tin tôi là có thể dịch kinh ấy được. Nhưng, xin thú thật, việc đó có phải là việc một mình tôi làm đặng đâu.
Tôi vẫn tự tin rằng cái trình độ học chữ Hán của tôi là khá cao, sự ấy tôi chẳng phải đem mà khoa thị với ai, cũng chẳng nên khiêm tốn làm gì. Có điều cái trình độ Hán văn có cao tới đâu đi nữa cũng không có thể coi nó là cái giấy chứng nhận vững vàng rằng dịch kinh Phật được, nếu chẳng có tinh thông Phật học. Tôi từ nhỏ tới lớn chưa hề thọ giáo cùng ông thầy nào về Phật học, và cũng chưa từng nghiên cứu nó mà có sở đắc gì, thì làm sao tôi dám mũng[1] lấy việc dịch kinh?
Sau khi tôi đọc sơ qua bộ Pháp hoa - Pháp hoa gồm có ba kinh, Diệu pháp liên hoa là một - tôi thấy rõ ràng sự tôi nghĩ từ trước thật chẳng sai; nghĩa là tôi không thể lấy sức một mình mà dịch được nó. Sau lại, tôi phải trả lời cho ông nọ thiệt tình như tôi đã viết ra đây.
Vậy thì, ngày nay nếu có ai muốn làm việc nầy, không nên chuyên cậy những người biết chữ Hán, viết văn hay ở ngoài cửa Phật, mà phải tìm một ông sư đứng chủ trương. Ngoài sự đó ra, còn phải tốn nhiều tiền, phải trải qua nhiều ngày tháng, cũng lại là điều nên biết trước vậy.
Kiếm một ông sư! Một ông sư tinh thông Phật học! Một ông sư đủ tri thức về Phật giáo để dịch những kinh như Pháp hoa và Kim cương! à! chuyện nầy hơi khó rồi đây!
Thắp đuốc mà tìm! Tìm đi! Nếu nói có thì là ai? Nhược bằng nói không, thì tu gì mà tu hơn một ngàn năm nay trong cõi Việt Nam, bây giờ bảo kiếm một người dịch kinh không được?
Vậy đó cho ai nấy sáng con mắt ra, chớ có mỗi việc mỗi khoe, làm như con Rồng cháu Tiên chỉ thiếu một tấc tới trời!
Mười lăm năm nay tôi ở Bắc có, Nam có, tôi gặp hết thảy cũng được ba chục ông sư. Có ông Viên Thành ở Huế, tôi thấy là cái học có gốc, nhưng người đã tịch lâu rồi. Hiện giờ trong Nam đây có ông Thiện Chiếu, theo tôi biết, tôi tin là có thể chủ trương việc dịch kinh được. Nếu ông Thiện Chiếu đứng chủ trương, lại có một người giỏi Hán văn và Quốc ngữ giúp ông nữa, thì cũng có thể dịch ra được một vài bộ dễ dễ mà thôi, nhưng cũng đã là có ích rồi.
Hết thảy các tông giáo chỉ có bên Phật là nhiều kinh điển hơn. Vậy mà trong nước ta ít có nhân tài về Phật học thì khó lòng mà nói chuyện dịch kinh, khó lòng mà nói chuyện chấn hưng Phật giáo lắm ai ôi!
II. Những điều khó trong sự dịch kinh
Bài trước tôi nói một người giỏi chữ Hán không phải là người dịch kinh Phật được đâu. Là vì kinh Phật không phải như những sách thường, nghĩa lý đã cao, lại thêm nhiều điều khó lắm nữa. Gần đây, nhơn có người muốn cậy tôi dịch kinh, tôi mới đọc qua thử vài bộ mà đã thấy ra nhiều sự khó ấy.
Thứ nhứt là những danh từ. Danh từ nào để y theo tiếng Phạn, như A nựu đa la tam miệu tam bồ đề, ấy chính là tiếng Phạn đó, thì bây giờ mình dịch nên dịch làm sao?
Theo lẽ, tiếng nào như vậy phải truy nguyên tiếng Phạn đọc thế nào mà nói theo, chớ còn A nựu đa la tam miệu tam bồ đề là chữ Tàu mà đọc theo giọng An Nam, không đúng vào chỗ nào hết, mình đọc không theo giọng Tàu thì cũng không đúng giọng Phạn, nếu để y vậy thật là vô nghĩa.
Còn như muốn truy nguyên mà nói theo tiếng Phạn, thì phải có ông thầy tu nào biết tiếng Phạn kia; mà ông thầy tu ấy ở đất nầy có thể tìm được chăng? Tuy vậy, chỗ nầy cũng còn dễ, nếu không có ông sư biết tiếng Phạn thì ta tìm trong sách Tây cũng có thể nhận ra được những chữ ấy.
Vậy mà lại có một sự gàn trở nữa. Là, những chữ ấy tuy không đúng vào đâu hết, song trong nhà tu đã quen rồi; bây giờ nói: A nựu đa la tam miệu tam bồ đề, tuy không ăn vào đâu, nhưng người học kinh từ trước đã quen rồi, thì nghe mà biết là nghĩa gì được. Chớ còn tìm cho được gốc tiếng Phạn mà nói theo, lớ xớ họ nghe lại không hiểu là gì. Bởi cớ ấy, có kẻ lại chủ trương rằng đừng nói theo tiếng Phạn mà cứ nói A nựu đa la tam miệu tam bồ đề cũng tiện. Đó, về vấn đề đó, nên giải quyết thế nào?
Thứ hai là có nhiều danh từ trong nhà tu nói đã quen, như những giác, diệt, tịch, phương tiện, tê đô thì có nên dịch ra tiếng Nôm không? Lại có nhiều chữ ý nghĩa mầu nhiệm quá, như phi hữu tưởng, phi vô tưởng, phi phi tưởng, thì dịch ra tiếng Nôm hay để vậy? Mà như dịch ra thì lấy chữ gì mà dịch ra? Tới chỗ nầy, tôi càng phải nhìn nhận tiếng Việt Nam chúng ta là nghèo.
Nếu nói cho hết cái khó ra thì còn nữa, nhưng tôi xin gón lại, nói cái thứ ba nầy là cái quan trọng hơn, làm cho tôi nghiềm nghĩ mất hết mấy ngày mấy đêm mà vẫn không biết đường nào giải quyết.
Thứ ba là các nghĩa kinh theo như các nhà chú thích, nên theo ai và nên bỏ ai?
Theo tôi thì dịch kinh nên cứ kinh mà dịch, không kể chú thích; nhưng kinh Phật mà làm như thế lại không được. Vì lời Phật nói vắn tắt mà lại cao kỳ quá, bỏ chú thích đi, thật không biết hiểu đường nào!
Nhưng có chỗ lại khác hẳn đi. Phật nói rõ ràng mà các nhà chú thích lại làm ra tối tăm mờ mịt, không làm thế nào hiểu được hết nếu chẳng có thày truyền khẩu cho.
Nhơn vừa rồi ông Ngô Trung Tín gởi cho tôi bộ Kim cương chư gia, tôi đọc mà thấy những chỗ ấy, làm cho tôi tức đà muốn chết, chớ không những bỏ cơm như đức Khổng ngày xưa nữa!
Mở đầu kinh, có câu: Như thị ngã văn; Câu nầy nếu dịch ra tiếng ta thì nói: Ta nghe như thế nầy, nay là Ta nghe như vầy.
Nhà giả thứ nhứt nói rằng: Chữ thế nầy đó là chỉ hết thảy những lời trong kinh. Chữ ta đó là người chép kinh xưng mình, tức là ông A Nan vậy. Nghe đó là nghe ở nơi đức Phật.
Đó là giải chữ một như thế, rồi đem cả câu chuyện hồi đó mà kể lại cho ta nghe: Khi đức Phật diệt độ, có một vị đệ tử hỏi ngài rằng: Sau nầy chép kinh thì bắt đầu dùng chữ gì? Phật trả lời rằng: Dùng chữ "Ta nghe như vầy" mà bắt đầu! Bởi vậy, bất kỳ kinh nào cũng bắt đầu bằng bốn chữ ấy.
Câu chuyện như vậy thì nghe có tích có lớp, hay lắm! Phải chi giải nội chửng mà thôi, thôi thì không đến nỗi làm rối óc người ta. Bực mình nhứt là còn có mấy nhà giải thêm nữa. Đọc mấy câu giải sau nầy, tôi tưởng không mình chi tôi rối óc mà thôi!
Một nhà giải rằng: Như thị, cổ nhân đạo hoán tác như, như thị, thị biến liễu dã.
Câu ấy tôi chẳng hiểu nói cái gì, không có thể dịch nôm ra được!
Lại một nhà giải rằng: Như giả chúng sanh chi tánh, vạn biệt thiên sai, động tịnh bất nhứt, vô khả tỉ loại, vô khả đẳng luân; thị dã chỉ thị chúng sanh tánh chi biệt danh, ly tánh chi ngoại, cánh vô biệt pháp.
Lời giải trên đó thì tôi cắt nghĩa được, song không hiểu lý nó ra sao. Vả, kinh nói chữ như thị luôn một hơi, thì sao lời giải lại rứt ra mà giải mỗi chữ có một nghĩa huyền diệu như vậy? Thật tôi không hiểu!
Lạ nữa là nhà giải đó lại giải thêm: Pháp phi hữu vô vị chi như, giai thị Phật pháp vị chi thị. Thế ấy, lại càng làm cho tôi không hiểu hơn.
Theo như tôi nói trên nầy thì kinh có chỗ khó khăn của kinh, lời giải lại có thêm chỗ khó khăn của lời giải. Như vậy mà bảo lấy sức một người làm nổi, thật tôi không dám tin.
Bởi vậy, trong bài trước tôi nói phải có một ông sư và phụ thêm một người giỏi chữ Hán thì may lắm mới dịch được một ít kinh Phật vậy.
Phan Khôi
Chú thích
- ▲ Mũng : chưa rõ nghĩa. H.T.Paulus Của chỉ ghi từ mủng (một loại thúng nhỏ); không có mủng hay mũng như là động từ.