Bài trả lời của ông Phan Khôi

Bài trả lời của ông Phan Khôi  (1929) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 6 (6.6.1929) để trả lời bài của ông Thế Phụng đăng trên Công luận.

Báo Công luận ra ngày 22, 23 vừa rồi, có bài đề là Phụ nữ đối với văn học của Thế Phụng tiên sanh, mở đầu có lời tán dương Phụ nữ tân văn chúng tôi, còn sau thì biện luận về bài Văn học với nữ tánh mà tôi đã đăng trong số 2 của tập báo nầy.

Về sự tán dương của quý đồng nghiệp đó, chúng tôi xin có lời cám ơn riêng ở nơi khác. Trong bài nầy, tôi chỉ xin thương xác[1] lại cùng ông Thế Phụng về cái vấn đề mà chúng ta đương muốn thương xác cùng nhau.

Không có cái gì làm vui lòng cho một người chịu học hơn là người ấy nói đi mà có kẻ nói lại. Đối với bài của ông Thế Phụng, tôi nhận là có ích cho sự học của tôi lắm, vì ở trỏng có nhiều lời khiến tôi phải mở mắt chút nữa và phải học thêm.

Song le, ngoài những chỗ tôi phục tình rồi mà tôi sẽ kể ra sau đây, còn có chỗ tôi còn có thể hỏi vặn lại ông được, và có chỗ tôi thấy là ông nói không được xác đáng thì tôi xin viết ra đây để thỉnh giáo lại.

Trước hết, xin kể ra những chỗ mà tôi cho là không xác đáng.

Phụ nữ tân văn số 1, có bài Về văn học của phụ nữ Việt Nam, ở dưới ký là P.N.T.V., đến số 2, bài Văn học với nữ tánh mới ký tên tôi, thế thì sao ông nhập cả hai bài mà nói là của tôi hết ? Tôi tưởng, sự nhận thức phải cho đâu ra đó, phải ai nói nấy, sao ông lại bứt râu người khác mà cắm vào cằm tôi ? Ấy là một chỗ.

Trong bài của tôi, tôi toàn dùng những lời vị quyết[2] cả. Xin ông xem lại, tôi có những chữ “phỏng định, ức chừng, chưa dám tự chắc là đã đúng”, và cả bài tôi đánh không biết mấy cái dấu hỏi, thế thì làm sao ông lại gia cho tôi hai chữ “quyết đoán” ? Ấy là hai chỗ.

Chữ “nữ tánh” tôi dùng mà mạng đề đây, nghĩa nó là “giống đàn bà” (Sexe féminin), chớ không phải “cái tánh của đàn bà” (caractère de femmes). Tôi thấy trong bài ông có chỗ nhắc lại mà cắt nghĩa nọ ra nghĩa kia. Chắc ông cũng hiểu rằng hễ định nghĩa (définir) không hiệp nhau thì luận biện mấy cũng vô ích, sự ấy không phải là không quan hệ. Ấy là ba chỗ.

Tuy vậy, điều thứ nhứt trên đây là tôi chiếu theo phương pháp biện luận mà bắt lẽ ông chơi, chớ vốn là bài của tôi thật. Vậy điều ấy kể như không có.

Tôi có lấy lòng thành thiệt mà nhận bài trong số 1 đó là bài của tôi, thì những lời phản đối của ông mới có giá trị. Nếu không, thì ông bắn hết đạn của ông mà chẳng có nhắm vào cái tròng bia nào hết !

Ông Thế Phụng ơi ! Cái sự học vấn không gì bằng ngay thiệt. Mình thấy làm sao thì nói làm vậy ; mình nghĩ làm sao thì nói làm vậy. Không những phải ngay thiệt đối với kẻ khác, mà lại phải ngay thiệt đối với chính mình. Cái khởi niệm của tôi viết mấy bài nầy, nếu chẳng do ba điều mà ông đã đè chừng nơi rốt bài của ông, thì cũng do ở điều khác, chớ không phải là bởi sự nghiên cứu của tôi ở lúc bình thời. Đầu hết, muốn viết một bài về văn học cho một tờ báo đàn bà thì tôi phải tìm cho ra cái tứ mới, nên có bài thứ nhứt. Kế đó, nghiền ngẫm mãi, rồi nó vỡ thêm lẽ ra, như lột mụt măng, càng lột càng thấy có chỗ ưa nhìn, nên lại có bài thứ hai. Đã đến đó rồi thì tôi phải theo mà lập ra một cái giả thuyết (hypothèse) để sau nầy nghiên cứu thêm, hoặc có ai thấy hay hay, mà cũng nghiên cứu với mình, họa may sau khi bằng cớ đủ rồi, nó sẽ đứng được mà thành ra một cái thuyết mới, cũng ngộ và cũng không phải là vô ích. Con đường của cái vấn đề “văn học với nữ tánh” nó đi là như vậy, tôi phải khai thiệt ra, và xin ông hãy nhớ rằng nó là một cái giả thuyết.

Cái giả thuyết ấy nay đã bị ông làm cho bị thương mấy chỗ rồi, song nó vẫn còn thoi thóp, chưa chịu tắt hơi.

Tôi nói đàn bà có nhiều tình cảm, hiệp với cái tánh chất của văn học. Ông bác rằng đàn bà hay sợ hãi mà đến thất kinh, hay thương xót mà đến rơi lụy, ấy là cái nhu cảm tầm thường, yếu đuối, không thể sanh ra văn chương được. Tôi nói đàn bà có những tánh trầm tịnh nhẫn nại, tiện học nghề văn. Ông bác rằng đàn bà vốn tánh tình nông nổi, vị tất đã làm được sự học vấn. Phải, ông nói có lẽ.

Song, trong bài đầu, chủ ý của tôi là khuyên đàn bà phải học, phải lập cái nền văn học của họ lên trên sự tri thức. Cái ý đó là trọng nhứt, xin ông chớ bỏ qua.

Những cái nhu cảm của đàn bà, những cái tầm thường, yếu đuối, nông nổi của họ, nếu không phải nhờ học mà biến đổi đi được thì tôi xin chịu. Còn như có thể nhờ học mà biến đổi đi được, thì tôi còn có chỗ mong.

Mà tôi tưởng có thể biến đổi được. Ông có nói rằng “tánh đàn bà hơi giống con nít”. Thế thì tôi xin hỏi : Hồi ông với tôi còn con nít, có phải hay sợ “ông ba bị chín quai, mười hai con mắt” không ? Có phải ai động tới thì mếu như sò và rưng rưng nước mắt không ? Song ngày nay chúng ta lớn rồi, không còn như vậy nữa. Sao mà được thế ? Tôi nói rằng nhờ có học. Học biết sự lý rồi thì không sợ bậy nữa. Học biết cách làm người rồi thì không nhút nhát nữa.

Phần nhiều đàn bà còn có những cái tánh yếu đuối như ông kể ra đó, là tại không được học. Mà những đàn ông thất học cũng hằng đống người mang lấy cái tánh ấy, chẳng một chi đàn bà.

Chắc ông lại nói bởi Trời sanh cái tánh đàn bà ra như vậy, không thể đổi được. Dầu có vậy đi nữa, cũng phải nhớ rằng đàn bà xưa nay vẫn ở dưới quyền áp chế, vẫn làm đồ chơi cho đàn ông. Bị áp chế thì dưỡng thành cái thói đê hèn, làm đồ chơi thì tập quen cái trò ẻo lả. Tôi thấy đến các bà đầm cũng sợ trùn, sợ rắn mối, thiếu điều ngã lăn ra chết ; cái đó có phải là thiên tánh của họ đâu, chẳng qua họ làm bộ đó thôi.

Tôi tưởng sau khi phụ nữ đã được giải phóng và đã được học rồi thì có thể đổi cái tánh ông chê đó, đặng có theo đòi văn học.

Ông nói : “Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị mình vốn là trượng phu hào kiệt mà lại than thở khóc lóc thì tự làm mất cái vẻ của mình, nên phải ký thác vào một người đàn bà, vì đàn bà than khóc có duyên, dễ khiến cho người ta thấy mà xót thương, tội nghiệp... !

Ông nói câu đó thiệt là vô tâm mà thổ lộ cái tâm sự của bọn đàn ông. Cái tâm sự của đàn ông là khinh miệt đàn bà, hay đổ thừa cho đàn bà, bao nhiêu những điều không tiện đối đáp với người ngoài đều trút lên trên đầu mẹ trẻ hết !

Theo ý trong câu của ông thì bọn Khuất Nguyên không phải là không có chứa những điều đáng than thở khóc lóc ở trong lòng, duy không muốn làm mất cái vẻ trượng phu hào kiệt của mình, nên mượn cái miệng đàn bà để thở than khóc lóc cho người ta thương xót. Nếu quả vậy thì bọn đờn ông ấy vừa đê hèn, vừa giảo quyệt, vừa nhút nhát, cũng một thứ với đám đàn bà trong con mắt ông !

Trước kia ông nói đàn ông mà làm văn hay tất phải có ý khí, có bảo phụ. Song theo ông nói đây thì đàn ông cũng quả có điều đáng thở than khóc lóc ở trong lòng, duy nói ra phải mượn lỗ miệng đàn bà. Như vậy thì cái ý khí ở đâu, cái bảo phụ ở đâu, mà cũng làm được văn hay ?

Trên đó là mấy điều tôi hỏi vặn lại ông. Còn ông trách tôi chỉ lấy văn học Tàu mà khái luận hết thảy, cái đó tôi xin chịu. Hiện nay tôi chỉ biết được quán xuyến về văn học Tàu mà thôi, nên tôi dạn nói cái điều tôi biết. Sau nầy tôi biết rộng thêm nữa, tôi sẽ phô diễn thêm để cho vững cái giả thuyết của tôi.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Thương xác : bàn bạc để tìm lẽ phải (theo Đào Duy Anh)
  2. Vị quyết : chưa quyết định, chưa xác định (theo Đào duy Anh)