A Q. chính truyện của Lỗ Tấn, do Phan Khôi dịch
Chương 2
Đắc thắng

Chẳng những họ tên quê quán của A Q. có hơi lờ mờ, mà cho đến cả cái hành trạng của hắn trước kia cũng lờ mờ nữa. Bởi vì bọn người làng Mùi đối với A Q., chỉ cần hắn làm giúp, chỉ đem hắn làm trò cười, chứ từ hồi nào đến giờ chưa hề có ai để tâm đến cái hành trạng của hắn. Mà chính mình A Q. hắn cũng không hề nhắc đến. Chỉ có khi nào cãi nhau với kẻ khác, thỉnh thoảng hắn có trợn mắt lên, nói rằng:

Chúng tao trước kia bề thế hơn mầy lắm đa! Cái thứ mầy mà kể vào ngạch ngữ nào?

A Q. không có nhà, ở trọ trong đền Thổ Cốc làng Mùi. Hắn cũng không có nghề nghiệp nhất định, chỉ đi làm thuê ngày cho nhà người ta: ai thuê gặt lúa thì gặt lúa, giã gạo thì giã gạo, chống thuyền thì chống thuyền. Ngộ khi công việc kéo dài, hắn cũng có ngủ ngay trong nhà người chủ thuê, nhưng hễ xong việc là đi. Cho nên, lúc nhà người ta bận nhiều việc, cũng có nhắc đến A Q., song le nhắc là nhắc sự hắn làm thuê, chứ không phải nhắc gì hành trạng của hắn. Đến lúc rỗi việc, cả đến cái tên A Q. họ cũng quên bẵng đi, còn nói gì đến hành trạng nữa. Chỉ có một lần hắn đang ở trần, giơ cái bộ tướng gầy gò đờ đẫn ở trước mặt một ông già, ông ấy tán tỉnh hắn mà rằng: A Q. làm giỏi thật, câu ấy chẳng ai đoán ra là nói thật tình hay chế nhạo, nhưng mà A Q. rất lấy làm đắc ý.

A Q. lại tự cao lắm, hết thảy dân làng Mùi, hắn chẳng thèm để một ai vào mắt. Rất đỗi đến trong làng có hai thầy khóa mà hắn cũng ra dáng coi thường. Vả thầy khóa ấy là mai sau có thể biến thành ra tú tài ấy vậy[1]. Ông cụ Triệu, ông cụ Tiền mà cả được dân làng tôn kính, ngoài sự có tiền ra, chính vì hai ông là cha của thầy khóa. Thế mà chỉ một mình A Q. chẳng chịu tỏ ra sự kính nể khác thường, hắn nghĩ: con của mình sau này còn làm nên bằng mấy kia! Hơn nữa, nhân có lên thành[2] được mấy lần, A Q. càng tự phụ. Thế nhưng hắn lại rất khinh bỉ người trong thành: ví dụ, cái ghế đóng bằng ván dài ba thước ba, làng Mùi gọi là ghế dài, hắn cũng gọi là ghế dài thì người trong thành lại gọi là trường kỷ, hắn cho là gọi lầm, đáng bật cười! Còn cá rán, ở làng Mùi người ta rắc lên những hành lá xắt ra bằng đốt ngón tay, ở trong thành lại rắc lên thứ hành củ thái nhỏ, hắn cho là cũng lầm nữa, đáng bật cười! Song le người làng Mùi lại là người nhà quê đáng cười hơn, chúng nó quanh năm lục đục trong xó bếp, chưa hề thấy qua món cá rán của người trong thành!

A Q. trước kia có bề thế, kiến thức cao, vả lại làm giỏi thật, hầu như là một người hoàn toàn lắm rồi. Có điều đáng tiếc là trong người hắn còn có một ít khuyết điểm. Chướng mắt nhất là ở trên đầu hắn có mấy cái sẹo chốc chẳng biết bắt đầu từ hồi nào. Mấy cái sẹo đó tuy ở trong thân thể hắn, mà xem ý A Q., lại hình như hắn cũng cho là chẳng quý báu gì. Vì hắn kiêng tiếng chốc cho đến hết thảy những tiếng gần với chốc, sau dần suy rộng ra, sáng cũng kiêng, láng cũng kiêng; sau dần nữa, cả đến đèn đuốc đều kiêng cả. Ai phạm húy một cái, không cứ vô tình hay hữu ý, A Q. liền nổi giận, hết thảy sẹo đều ửng đỏ lên. Hắn cân nhắc bên địch: kẻ ít lời thì hắn mắng, kẻ yếu sức thì hắn đánh; nhưng chẳng biết thế quái nào, tóm lại, những lần A Q. bị thua là phần nhiều. Từ đây hắn dần dần đổi mánh lới, đại khái chỉ lấy mắt lườm mà thôi.

Có ngờ đâu sau khi A Q. dùng cách lườm mắt những đứa vô công rồi nghề ở làng Mùi lại càng ưa chòng ghẹo hắn để cười chơi. Thấy mặt một cái là chúng nó làm bộ giựt mình, nói:

Ồ, sáng lên rồi!

A Q. cứ việc nổi giận, lấy mắt lườm.

Chúng nó chẳng thèm sợ, tiếp thêm: Té ra là có cái đèn bão ở đây!

A Q. không có cách gì, phải tìm ra một câu trả đũa bằng lối khác:

Mầy còn chưa bõ.... Tức thì, lại mường tượng ở trên đầu hắn là một thứ sẹo chốc cao sang vang vẻ, chứ không phải thứ sẹo chốc bình thường; nhưng trên kia đã nói, A Q. có kiến thức, hắn biết ngay rằng hễ nói là có ngại đến sự phạm húy, cho nên hắn không nói nốt cho hết câu.

Kẻ kia chưa chịu thôi, cứ ghẹo hắn, cuối cùng đến đánh nhau. Thực sự, A Q. đánh thua, bị người ta ghì lấy cái đuôi sam vàng hoe, dúi đầu mạnh vào tường cờm cợp bốn năm cái. Thế rồi kẻ kia mới chịu bỏ đi với cái dáng hả hê đắc thắng. Còn A Q. đứng đó một lát, nghĩ bụng: Ta cứ coi như là bị con mình nó đánh, thế giới ngày nay thật chẳng ra cái quái gì!... Rồi hắn cũng bỏ đi với cái dáng hả hê đắc thắng.

Cái điều A Q. nghĩ trong lòng, sau lại thường thường nói ra miệng. Cho nên hết thảy những kẻ từng đùa ghẹo A Q. hầu như đều biết hắn có một cách thắng lợi về mặt tinh thần như thế, sau đó, mỗi khi ghì lấy cái đuôi sam vàng hoe, chúng nói đón trước với hắn:

A Q. nè, đây không phải là con đánh cha đâu, mà là người ta đánh súc vật. Hãy nói người ta đánh súc vật đi!

A Q. hai tay nắm chặt chỗ gốc đuôi sam của mình, nghẹo đầu lên nói:

Đánh sâu bọ, vừa ý chưa? Tớ là sâu bọ đây! - Còn chưa chịu buông ra ư?

Song le, mặc dù là sâu bọ, kẻ kia cũng chẳng chịu buông, cứ việc kiếm chỗ nào gần đó dúi mạnh đầu hắn cờm cợp năm sáu cái, rồi mới bỏ đi với cái dáng hả hê đắc thắng. Tưởng A Q. lần này là kệch đến già. Nhưng mà, chưa được mười giây đồng hồ, A Q. cũng ra đi với cái dáng hả hê đắc thắng. Hắn cảm thấy hắn là người bậc nhất rẻ mình và giỏi nhịn, và ngoài sự rẻ mình giỏi nhịn ra, không kể, còn thì vẫn là người bậc nhất. Ông trạng nguyên chẳng cũng là người bậc nhất hay sao? Cái thứ mày mà kể vào ngạch ngữ nào?

Sau khi A Q. dùng những phép mầu dường ấy trả miếng kẻ thù, bèn khoăn khoái chạy ngay tới quán rượu uống luôn mấy chén. Rồi lại cùng người khác đùa cợt một hồi, cãi nhau một hồi, lại đắc thắng nữa, khoăn khoái trở về đến Thổ Cốc, ngả người ra ngủ. Giá phỏng có tiền thì hắn đi đánh bạc: một đám người ngồi xổm trên đất, A Q. mặt mướt mồ hôi chen vào giữa, tiếng hắn to hơn cả:

Thanh long bốn quan đây![3]

Hè, mở lớ! - Nhà cái mở nắp hộp, mặt cũng mướt mồ hôi, xướng to - Thiên môn lớ! Giác hồi lớ! Ai đánh xuyên đường phải giam lớ! Tiền A Q. đâu đưa đây!

Xuyên đường một quan, một quan năm!

Tiền của A Q. cứ theo giọng ngân nga ấy dần dần trút vào trong lưng của cái người mặt cũng mướt mồ hôi kia. Cuối cùng hắn chỉ có việc chen ra ngoài sòng bạc, đứng sau họ mà xem, hồi hộp cho kẻ khác, mãi đến tan sòng, mời ngùi ngùi trở về đến Thổ Cốc. Ngày hôm sau lại vác cặp mắt sưng đi làm thuê.

Nhưng, thật đúng như người ta nói: Tái ông thất mã an tri phi phúc: A Q. chẳng may mà thắng được một sòng, hắn trở hầu như thất bại.

Ấy là trong đêm làng Mùi có đám rước thần. Đêm ấy, lệ thường có một rạp hát. Kề bên rạp hát, cũng lệ thường, có ít nhiều bàn cờ bạc. Tiếng đồng la trống chiến trong rạp, như ở ngoài mười dặm văng vẳng vào tai A Q.; hắn chỉ chăm nghe tiếng xướng ngân nga của nhà cái. Hắn được hoài được mãi, xu biến thành hào, hào biến thành đồng, đồng biến thành từng náng. A Q. đắc chí, hăng lên:

Thiên môn hai đồng!

Hắn không rõ với ai, vì cớ gì đã đánh nhau túi bụi rồi. Tiếng mắng chửi, tiếng đấm đá, tiếng bước đi nổi lên một trận dữ dội làm tối sầm cả mày mặt. Hắn vừa ngóc được dậy, thì cái bàn đâu chẳng thấy, con bạc đâu chẳng thấy, trong người hắn hình như có mấy chỗ đau, hình như có bị đấm bị đá, và có mấy người nhìn hắn với cái vẻ tọc mạch. Hắn thẫn thờ đi về tới đền Thổ Cốc, sực tỉnh ra, mới hay rằng một cọc bạc đồng của mình đã mất đâu rồi. Những bàn cờ bạc quanh đám rước phần nhiều là người làng khác, còn biết đường nào đi tìm cho ra manh mối?

Một cọc bạc trắng nõn, sáng ngời, vả lại là của hắn, thế mà hiện đã mất đâu cả! Kể cho là bị lũ con nó đánh cắp, cũng cứ chẳng khuây khỏa được. Tự nhận mình là đồ sâu bọ đây, cũng cứ chẳng khuây khỏa được. Đến lần này, A Q. mới hơi cảm thấy cái đau khổ của sự thất bại.

Song le, trong chốc lát, hắn đã trở bại làm thắng rồi. Hắn giơ tay phải lên, ra sức đánh trên má mình luôn hai cái tát, thấy đau nhức nhối. Đánh xong, hắn thấy trong lòng hòa dịu lại, hình như mình là người đánh, còn kẻ bị đánh lại là một mình khác; chẳng bao lâu, hắn cũng lại mường tượng như chính mình đã đánh một người nào, mặc dầu còn đau nhức nhối, hắn cũng thư thả nằm xuống với cái dáng hả hê đắc thắng.

Hắn ngủ rồi.

   




Chú thích

  1. Câu này cũng nói theo giọng văn văn ngôn.
  2. Thành đây là thành huyện, về sau khi nào nói "thành" đều thế cả.
  3. Từ đây giở xuống có những danh từ về sòng bạc như Thanh Long, Thiên Môn, Giác Hồi, Xuyên Đường đều cứ để y nguyên văn, vì không rõ đánh thứ bạc gì (đại khái giống như phán thán hay xóc đĩa) nên không dịch được. Cũng có thể có một vài câu đã dịch sai, nhưng chưa tìm cách chữa cho đúng được.