Đại Việt sử ký toàn thư/Tập II/Cuốn thứ tư/Đời Triệu Việt Vương

ĐỜI TRIỆU VIỆT VƯƠNG

Xét ra, sử cũ không chép truyện Triệu-Việt-Vương cùng Đào-Lang-Vương. Nay nhặt trong Dã sử cùng sách khác, mới chép vị hiệu Triệu-Việt-Vương cùng Đào-Lang-Vương để bù vào. Phụ cả chuyện Đào-Lang-Vương.

TRIỆU VIỆT VƯƠNG

Phụ Đào-Lang-Vương.

Ở ngôi hai mươi ba năm.

Nhà vua giữ chỗ hiểm, đặt mưu lạ, để phá bọn giặc lớn. Tiếc thay quá yêu con gái, để gây nên cái vạ chàng rể!...

Nhà vua họ Triệu, húy là Quang-Phục, con Triệu-Túc, người huyện Chu-Diên. Oai mạnh hăng hái theo Nam-Đế đánh dẹp có công, được phong làm Tả tướng quân. Nam-Đế mất bèn xưng vương. Đóng đô ở Long-Biên sau dời sang Vũ-Ninh. Mậu-Thìn năm đầu, năm thứ 2 hiệu Thái Thanh bên Lương (548) — mùa xuân tháng ba, ngày Tân-Hợi, Nam-Đế ở trong động Khuất-Nao, lâu ngày mắc bệnh ngã nước mà mất.[1]

Lê-văn-Hưu bàn rằng:

Binh-Pháp dậy rằng: « Ba vạn quân đều sức, thiên-hạ không ai chống được! » Nay vua Lý-Bý có năm vạn quân mà không giữ được nước! Vậy thì Bý kém về tài làm tướng chăng? Hay những quân mới họp, không thể đem ra dự chiến chăng? Kể ra Lý-Bý cũng là hạng tướng trung-tài, không phải là không có thể đối-địch với quân giặc mà tìm cách thủ thắng. Vậy mà rút lại thua hai trận đến nỗi mất mạng, ấy là vì chẳng may gặp phải Trần-Bá-Tiên là tay khéo dụng-binh vậy!

Sử thần Ngô-Sĩ-Liên bàn rằng;

Tiền Nam-đế dấy quân trừ bạo, đáng như là thuận với lòng trời. Vậy mà rút đến nỗi bại vong, có lẽ Trời chưa muốn cho nước ta bình-trị hay sao? Than ôi! Chẳng những gặp Bá-Tiên là kẻ có tài dụng-binh, lại còn gập khi nước sông lên to để giúp cho thế quân của nó nữa! Há chẳng phải là trời sao?

Kỷ-Tỵ, năm thứ hai, — năm thứ 3 hiệu Thái-Thanh bên Lương (549) — Nhà vua ở trong chầm, vì cớ quân Lương không lui, thắp hương cầu đảo, kêu tha-thiết với Trời, Đất, Quỷ, Thần. Vì thế được đềm mũ đâu-mâu móng rồng, dùng để đánh giặc. Từ đó thanh-thế nổi to, đánh đâu cũng không ai địch nổi — Tục truyền thần trong chầm là Chử-Đồng-Tử, khi ấy cưỡi con rồng vàng, trút móng rồng trao cho nhà-vua... Bảo giắt lên trên mũ đâu-mâu để đánh giặc!...

Canh-ngọ năm thứ ba, — năm đầu hiệu Thái-Bảo đời Giản-Văn-đế Cương bên Lương (450) — mùa Xuân, tháng Giêng, vua Lương phong Trần-Bá-Tiên làm Uy-minh Tướng-quân, và Thứ-sử Giao-Châu. Bá-Tiên lại mưu-tính việc cầm-cự lâu ngày, khiến bên ta lương hết, quân mệt thì có thể phá được. Xẩy khi bên Lương có loạn Hầu-Cảnh,[2] Bá-Tiên bị triệu về, ủy cho tỳ-tướng là Dương Sàn đánh nhà-vua. Nhà vua tung quân ra đánh nó. Sàn chống lại bị thua và bị chết. Quân Lương tan vỡ chạy về Tầu. Trong nước mới yên. Nhà vua vào thành Long-Biên, ở đó.

Anh vua Nam-Đế là Thiên-Bảo, ở trong Mường, Mán, tự xưng là Đào-Lang-Vương, dựng nước gọi là nước Dã-Năng. Nguyên trước khi Nam-đế lánh mình ở Khuất-Nao, Thiên-Bảo cùng người tướng trong họ là Lý-Phật-Tử đem ba vạn người vào Cửu-Chân. Trần-Bá-Tiên theo đánh. Thiên-Bảo bị thua, bèn thu nhặt quân thừa, chạy sang đất Ai-Lao[3], ở trong bọn Mường Mán. Thấy đầu nguồn con sông Đào, quanh động Dã-Năng,[4], đất rộng, màu tốt, có thể ở được, bèn đắp thành ở đó. Nhân theo tên đất mà đặt tên nước. Đến khi ấy chúng tôn lên làm chúa, xưng là vua Đào-Lang.

At-Hợi. năm thứ tám, — năm đầu hiệu Thiệu Thái đời Kính đế Phương-trí bên Lương (555) — Đào Lang vương mất ở nước Dã-Năng, không con nối. Chúng tôn Lý-Phật-Tử lên nối ngôi, coi đám quân ấy.

Đinh-Sửu, năm thứ mười, — năm đầu hiệu Vĩnh-Định đời Vũ-đế Tiên bên Trần (557) Lý-Phật-Tử đem quân xuống miền Đông, đánh nhau với nhà vua ở huyện Thái-Bình[5]. Năm lần giáp trận mà chưa quyết được, thua. Nhưng quân của Phật-Tử hơi lui. Chắc rằng nhà vua có phép lạ, bèn giảng hòa và xin thề. Nhà vua nghĩ Phật-Tử là người trong họ của Nam-đế trước, không nỡ tuyệt-tình, bèn chia cắt địa giới ở bãi Quân-Thần, — Tức là hai xã Thượng, Hạ-cát thuộc huyện Từ Liêm ngày nay. [6] — cho ở phía Tây nước. Sau dời sang thành Ô Duyên[7]. Tức là xã Hạ mỗ huyện Từ-Liêm ngày nay. Xã ấy nay có đền thờ Bát-Lang, chắc là đền thờ Nhã-Lang vậy. — Sau Phật-Tử cho con là Nhã-Lang, xin hỏi con gái nhà vua là Cảo-Nương. Nhà vua hứa cho, hai bên bèn thành thông-gia. Nhà vua yêu chiều Cảo-nương, bèn cho Nhã Lang sang ở rể.

Canh Dần, năm thứ hai mươi ba, — năm thứ 2 hiệu Đại Kiến đời Tuyên-Đế Húc bên Trần (570) — Nhã-Lang bảo với vợ rằng: « Hồi xưa hai vua cha chúng ta là thù-địch, nay thành hai ông thông-gia, chẳng cũng là hay lắm sao? Nhưng cha bên đây có phép gì mà đánh lui được quân của cha bên tôi? » Cảo-Nương không hiểu ý chàng, lấy vụng mũ đâu mâu có móng rồng đưa cho chàng coi. Nhã-Lang liền tính ngầm đổi cái móng ấy, Rồi bảo riêng Cảo-nương rằng: « Tôi nghe ơn của cha, mẹ, sâu nặng như Trời Đất. Vợ chồng ta yêu kính lẫn nhau, xa lâu sao nỡ... Tôi chỉ xin tạm cắt giây ân-ái để về thăm nhà... » Nhã-Lang về, bàn tính với cha, đánh úp nhà vua để cướp lấy nước.

Sử-thần Ngô-Sĩ-Liên bàn rằng:

Đàn-bà lấy chồng gọi là « về » nhà chồng, đủ rõ nhà chồng mới là nhà mình. Con gái nhà vua đã gả cho Nhã-Lang, sao không cho về nhà chồng? Cớ chi lại theo tục cho ở rể của dân Doanh-Tần, để đến nỗi thua cơ, mất nước?

Trở lên Triệu-Việt-Vương, lên ngôi từ năm Mậu-Thìn, đến năm Canh Dần, gồm hai mươi ba năm.

Phụ chú

  1. « Kính xét sử cũ chép: « năm thứ 10 hiệu Đại-Đồng bên Lương là năm Giáp Tý. Lý-Bý xưng đế, lấy niên hiệu Thiên-Đức. Đến tháng ba năm mậu thìn thì mất » Vậy năm ấy (mậu thìn) tức là năm thứ 5 hiệu Thiên-Đức, Quang-Phục còn chưa xưng vương. Sử cũ vội chép là năm đầu của vua Triệu. chưa hợp với nghĩa-lệ. Vậy nay (K Đ. V. S.) lấy Mậu thìn làm năm thứ 5 hiệu Thiên-Đức, và Kỷ-tỵ làm năm đầu đời vua Quang-Phục, khiến cho khỏi trái với nghĩa-lệ vả lại không sai sự thực ». (K.Đ.V.S.) — Lời phê của vua Tự Đức,: « Lý Nam-đế, tuy sức không địch nổi, đến nỗi việc không thành công, nhưng biết thừa thời quật khởi, tự làm chủ lấy nước mình, đủ lên tiếng gọi trước cho các vua Đinh, Lê, há chẳng ​phải là tốt đẹp? » (K. Đ. V. S. cuốn IV).
  2. Hầu-Cảnh, người trấn Hoài-Sóc bên Ngụy, làm phản Ngụy, hàng với Lương Vũ đế. Rồi lại làm phản Lương, vây Đài-Thành. Bá-Tiên họp các quân lại mới đánh được. (Khi Bá-Tiên giải được vây thì Vũ-đế, một ông vua sùng đạo Phật vào bực nhất ở Tầu, đã bị chết đói ở trong thành) (K. Đ. V. S.)
  3. Ai-Lao, tên nước. Hậu hán thư chép « Rợ Ai-Lao, tổ tiên ở Lao-Sơn, sau dần sinh sôi, bèn chia đặt ra các tiểu-vương (các chúa) ở từng ấp một, thường thường rải-rắc trong các thung-lũng ». Thái bình Hoàn vũ ký chép: « Nước Ai-Lao, trong đời Vĩnh Bình nhà Hán thuộc về Trung-quốc, lấy đất của nó đặt ra hai huyện Ai-Lao và Bác Nam, hợp lại là quận Vĩnh-Xương » Và chua: « Tức quận Vân Nam ngày nay. Nước ấy phía Tây thông với Đại-Tần, phía Nam giáp với Giao-Chỉ ». Điền-Tái-ký của Dương-Thận đời Minh chép: « Cõi Điền (Vân Nam), dân nó bắt đầu ở sườn núi Ai-Lao quận Vĩnh-Xươngi

    Nòi giống sinh sôi, dòng dõi đông đảo, cắt giữ đất đai, chia làm chín mươi chín bộ. Có sáu viên tù trưởng lớn, đều gọi là « Chiếu ». Đến họ Đường-mông, mới ​xưng là Nam-chiếu ». Quảng Dư Ký của Sái-Phương-Bính đời Minh chép: « Vĩnh-Xương quân dân phủ ở Vân-Nam, xưa là nước Ai-Lao. Sau đời Khai-Nguyên nhà Đường, bị Nam-Chiếu chiếm giữ. Đến triều Tống, bị họ Cao, họ Đoàn chiếm lĩnh. Nhà Nguyên mở đất Vân-Nam, lập ty Tuyên-Phủ đất Kim-Xí. Nhà Minh đổi ra làm ty Chỉ-huy-sứ Vĩnh-Xương quân-dân phủ ». Dư địa chí của Nguyễn-Trãi đời Lê có chua: « Bộ-lạc dân Ai-lao rất đông, nơi nơi đều có, và đều gọi là « lào ». Hợp cả các sách lại mà xét, thì Ai-lao nay thuộc về Vân-Nam. Duy giống người đó rất đông, ở tản-mạn các miền rừng núi. Cho nên ven biên giới nước ta, các giống mán ở Lão qua (Lao-Kay?), Vạn tượng (Vientiane?) cho đến Trấn-Ninh, Trấn-Man, Lac-biên (Điện-biên?) tạc đều gọi là dân Lào. Chỗ này, sử cũ trên chép là « vào Cửu-Chân », dưới chép là « chạy vào trong đám dân Mường-Mán ở đất Ai-lao », có lẽ tức là những miền Trấn-man, Nam-chưởng ngày nay chăng? (K.Đ.V.S.)

  4. Động Dã-Năng nay không rõ ở đâu.
  5. Khi ấy Phật-Tử từ trong Mường Mán đem quân sang đông, đánh nhau với vua ​Triệu ở huyện Thái-Bình... sau cắt địa-giới ở bãi quân-thần huyện Từ-Liêm... Vậy huyện Thái-bình này đáng thuộc về đất Phong-châu xưa, tức là Sơn-Tây ngày nay. Xét trong Địa-lý-chí đời Đường có chép: «... Cắt huyện Thái-Bình đặt thêm huyện Phong-Khê »; lại chua « thuộc Phong châu »; đủ làm chứng cớ. Nhưng sách chép không rõ, không biết đích chỗ nào. Sau này có chuyện « hai thôn Đường, Nguyễn ở Thái Bình » có lẽ cũng là đấy. Chứ không phải là Thái-Bình thuộc về Sơn-Nam. (K.Đ.V.S.)
  6. Thượng, Hạ-Cát, có thuyết nói: nguyên xưa là Thượng-Cát-Giới, Hạ-Cát-Giới, sau mới đổi. (K. Đ. V. S.)
  7. Ô-Diên, đất Giao-Chỉ xưa. Năm thứ tư hiệu Vũ-Đức đời Đường, đặt ra ba huyện O-Diên, Từ Liêm. Vũ Lập đều thuộc Giao-chỉ.