Đại Việt sử ký toàn thư/Tập II/Cuốn thứ năm/Hậu Ngô Vương

HẬU NGÔ VƯƠNG

Ở ngôi mười lăm năm. —

Phụ Thiên-Sách-vương.

Vương sửa chính được mối giềng, khôi phục được nghiệp cũ. Tiếc vì động dụng can qua ở bên trong bờ cõi, đến nỗi lại vì thế mà bị giết...

Vương húy là Xương-Văn con thứ Tiền-Ngô-Vương.

Tân Hợi — năm đầu hiệu Quảng thuận đời Chu thái-tổ Quách-Uy (951) — Vương sau khi truất bỏ Tam-Kha liền lên ngôi chúa, xưng là Nam-Tấn Vương. Sai sứ đón anh là Xương-Ngập[1] cùng trông coi việc nước.

Xương-Ngập xưng là Thiên-Sách Vương.

Sử thần Ngô-sĩ-Liên bàn rằng:

Nam-Tấn đón Xương-Ngập về, cùng coi chung chính sự, có thể thể gọi là người biết quý trọng anh, muốn cùng nhau cùng hưởng giầu sang. Nếu Xương-Ngập biết, lấy cớ mình không có công gì, nhường ngôi cho em, chỉ cùng hưởng bổng lộc, thì phần đạo đức há chẳng rực rỡ, to tát sao? Cớ chi lại câu nệ về địa vị anh cả, đã xưng vương coi việc, lại thiện tiện làm oai, làm phúc, đến nỗi Nam-Tấn-vương không được dự gì đến quyền chính rất trái với nghĩa hòa thuận với anh em? Chí thú thật rất là thấp hẹp vậy!

Khi ấy người Hoa-Lư là Đinh-Bộ-Lĩnh[2] cậy núi, khe bền hiểm, không sửa chức phận bề tôi. Hai vương toan cất quân hỏi tội Bộ-Lĩnh sợ, sai con là Liễn vào làm con tin, để mong khỏi la đánh. Liễn tới, hai vương trách về tội không vào chầu, liền bắt Liễn và cứ đem quân đến đánh. Đánh hơn một tháng không được liền treo Liễn lên ngọn cần, và sai người bảo Bộ-Lĩnh rằng: « Nếu không hàng thì giết Liễn! » Bộ-Lĩnh giận dữ mà rằng: « Kẻ đại-trượng-phu lấy công danh tự thẹn với mình, há bắt chước lối thương con của bọn đàn bà sao? » Liền sai hơn chục tay nỏ nhằm cả sang Liễn mà bắn. Hai vương giật mình mà rằng: « Ta treo con nó, là muốn cho nó đoái hoài tới mà mau ra hàng. Nay nó tàn nhẫn như vậy còn treo làm gì nữa! » Bèn không giết Liễn mà rút quân về.

Khi ắy Thiên sách vương thiện-tiện làm oai, làm phúc, vương không dự gì đến quyền chính nữa. Vì thế hai vương có điều xích mích.

Giáp-Dần, năm thứ tư, — năm đầu hiệu Hiển Đức đời chu Thế Tông Sài-vinh (954) — Thiên-sách vương mất. Vương lại cầm quyền chính, sai sứ xin mạng-lệnh với chúa nước Nam Hán là Lưu Trành. Trành cho Vương làm chức Tĩnh Hải quân Tiết Độ sứ, kiêm chức Đô hộ.[3]

Canh-Thân, năm thứ mười. — năm đầu đời Chu Cung-Đế Tông-Huấn, và năm đầu hiệu Kiến Long đời Tống Thái tổ Triệu Khuông Dận (960) — năm ấy nhà Hậu Chu mất.

Ất-Sửu, năm thứ mười lăm. — năm thứ 3 hiệu Kiền đức đời Tống Thái-Tổ (965) — Vương đem quân đánh hai thôn Đường, Nguyễn hạt Thái-Bình.[4] Vừa vào cõi, dừng thuyền lên bộ đánh, bị nỏ nắp bắn trúng mất. Đinh Liễn bèn trở về Hoa-Lư.

Lê-văn-Hưu bàn rằng

Chúa Nam Tấn nhà Ngô, trước thì bị gia thần là Tam Kha cầm tù, sau thì bị anh ruột là Xương-Ngập đè nén... Một sớm đắc chí không biết tự cẩn thận, đến nỗi hưởng nước chỉ được ít ngày, chính-tích không nghe có chuyện gì cả! Tiếc thay! Thế nhưng hãy xem: tha cho Bình vương khỏi tội lỗi, há chẳng phải là người nhân sao? dong cho Xương-Ngập được lăng loàn, há chẳng phải là người nhũn sao? Đã nhân lại nhũn, cũng đã rõ là người thế nào vậy.

Sử-thần Ngô-Sĩ-Liên bàn rằng:

Chúa Nam Tấn nhà Ngô, lấy nghĩa trừ kẻ tàn bạo, khôi-phục được cơ nghiệp xưa, thực đủ yên ủi cho vong linh của tổ-tông, hả-hê cho lòng tức giận của thần và của người! Đối với chính-trị, đương mong thấy có sự đổi mới ... Vậy mà: Nhân thí quá đỗi nhu nhơ, không trị Tam Kha về tội lấn ngôi cướp nước; vũ thì dùng nhàm giáo mác, đánh chi Đường Nguyễn ra tuồng nhẹ dạ làm càn! Rút lại vì thế mà chết! Tiếc thay!

Phụ-Chú

  1. « Đón Xương Ngập ở Trà hương... » (K. Đ. V.S.)
  2. « Bộ-Lĩnh người ở Hoa-Lư, lúc trẻ đà có chí lớn. Khi ấy trong nước rối loạn cùng với con là Liễn đến nương tựa sứ-quân là Trần-Minh-công, Minh-công thấy người khôi-ngô lạ-lùng, lại có độ-lượng, bèn trao cho binh quyền. Minh-công mất, bèn coi thay đám quân ấy, đem về giữ Hoa-Lư.. — Hoa-Lư về sơn-phận hai xã Uy Viễn, Uy tế tỉnh Ninh-Bình. Nơi ấy bốn mặt đều là Núi đá đứng thẳng như vách. Giữa có một chỗ khá phẳng rộng. Dân bản thổ gọi lâ động Hoa-Lư. Xét sách An-Nam Kỷ yếu có chép: « Động Hoa-Lư ở huyện Lê-Bình (Lê Bình nay là Gia-viễn). Lòng động rộng chừng hai trượng. Có một đường ngòi khuất khúc chẩy quanh đến phía Nam thành ​Hoa-Lư. Thành Hoa-Lư cũng ở huyện Lê-Bình. Họ Đinh chắn núi đắp thành, chu-vi nom trăm trượng nền cũ hãy còn ». Vậy thì động Hoa-Lư là nơi Đinh Tiên Hoàng dấy quân. Còn thành Hoa-Lư ở Trường Yên là nơi ngài đóng đô. Có thuyết nói: « Hai phủ An-Khánh, Thiên Quan (Nho quan) xưa đều gọi là Hoa-Lư ». Còn như cho rầng động Hoa-Lư ở trong núi Trường-Yên thì lầm «. (K.Đ.V.S.)
  3. Ngũ-Đại sử chép: « Nguyên trước Ngô-Quyền giữ Giao-châu. Quyền mất, Xương Ngập lên ngôi. Xương-Ngập mất, Xương-Tuấn là em lên kế, sai sứ xin tiết việt, với Lưu Thạnh (chúa Nam Hán). Thạnh sai Cấp-sự-trung là Lý Du đem cờ tinh sang vời. Du đến Bạch-châu Xương Tuấn sai người ngăn Dư rằng: « Giặc biện làm loạn, đường lối không thông... » Dư bèn không sang... » (Theo Ngũ Đại sử thì khi Nam-Tấn vương sang cầu phong là đời Lưu Thạnh chứ không phải đời Lưu-Trành. Trành là con Thạnh, mãi năm thứ 5 hiệu Hiển-Đức (958) mới nối ngôi cha. Lại Xương Văn sử tầu chép là Xương Tuấn. Kó lẽ khi đi cầu phong Nam Tấn Vương, lại đỗi tên chăng?)
  4. Sử của Ngô Thời Sỹ chép thêm: « Khi ấy người quận Thao-Giang là Chu-Thái ​bướng-bỉnh không phục. Vương thân đi đánh chém được Chu-Thái. Quen thắng sinh lòng kiêu, nên khi về đánh hai thôn, đến nỗi gặp nạn.