Đại Việt sử ký toàn thư/Tập I/Ngoại kỷ/Cuốn thứ nhất/Triều Thục/An dương Vương

AN-DƯƠNG VƯƠNG

Ở ngôi năm mươi năm.

Họ Thục, húy Phán,[1] người nước Ba-Thục, đóng đô ở Phong-Khê. ấy tức là thành Cổ-Loa ngày nay.[2]

Giáp-Thìn năm đầu, — năm thứ 58 đời Chu Noãn vương (257 trước Tây-lịch) — Nhà vua đã gồm có nước Văn-Lang, đổi tên nước là nước Âu-Lạc.[3] Nguyên trước nhà-vua luôn-luôn cất quân đánh Hùng-vương. Hùng-vương quân khỏe, tướng mạnh. Nhà-vua thua hoài! Hùng-vương bảo nhà-vua rằng: « Ta có sức thần! Nước Thục không sợ sao? » Bèn bỏ vũ-bị không sửa-sang; mải vui về rượu và đồ nhắm! Quân Thục bức tới gần còn say mèm chưa tỉnh! Quân lính trở giáo đầu hàng. Rồi đó vua Thục đắp thành ở Việt-Thường, rộng nghìn trượng, xoáy tròn như hinh ốc, cho nên gọi là Loa-thành (thành con Ốc), lại gọi là thành Tư-Long.[4]

Người đời Đường gọi là thành Côn-Lôn, ý nói thành ấy rất là cao.— Thành ấy đắp xong lại lở liền. Nhà-vua lo chuyện ấy, bèn chay-tịnh đề cầu với Trời, Đất và thần-kỳ các núi, sông. Rồi lại hưng công đắp nó.

Bính-Ngọ, năm thứ ba, — năm đầu Đông-Chu-quân (255 trước T. L.)— mùa Xuân, tháng Ba, bỗng có thần-nhân đến cửa thành, chỉ lên thành mà cười rằng: « Xây-đắp bao giờ cho xong! » Nhà-vua mời vào trên điện hỏi ngài. Ngài đáp rằng: « Hay đợi Giang-sứ (sứ-giả của Sông) đến... » Liền từ-giã ra đi. Sớm hôm sau, nhà-vua ra cửa thành, quả-nhiên thấy rùa vàng bơi trên sông, từ phía Đông lại, tự xưng là Giang-sứ. Biết nói tiếng người, nói chuyện những việc chưa tới... Nhà-vua rất mừng, đem mâm vàng đựng nó. Đặt mâm trên điện, hỏi duyên-cớ về việc thành lở. Rùa vàng nói: « Đó là tinh-khí của núi, sông đất này... Con vua trước nương-tựa nó, để báo thù cho nước. Hiện ẩn ở núi Thất-Riệu. Trong núi có con ma! Ấy là kẻ con hát đời trước, chết chôn ở đấy, hóa ra con ma... Bên núi có quán. Ông chủ quán tên là Ngộ-Không, có một con gái cùng một con gà trắng. Ấy là dư-khí của con tinh. Phàm người đi, lại tới đấy trọ đêm tất chết: Ma nó làm hại đấy! Cho nên có thể họp tập thành bọn, phá hỏng thành này... Nếu giết được con gà-trắng, trừ những tinh-khí ấy đi, thì thành này từ đó sẽ đắp xong và bền vững. » Nhà vua đem rùa vàng đến quán, giả làm kẻ nhỡ nhàng xin trọ. Ông chủ-quán nói: « Cậu là bậc quý-nhân. Xin đi mau! Chớ ở lại cưu vạ! » Nhà vua cười nói: « Sống, chết có số! Ma-quỷ làm gì nổi! » Bèn ở trọ lại. Đêm nghe con tinh ma từ phía ngoài đến, gọi mở cửa. Rùa vàng quát nó! Ma chẳng thể vào được! Lúc gà gáy, các ma tẩu-tán. Rùa vàng mời nhà vua theo lót chúng. Tới núi Thất-Riệu, các tinh-khí thu-nấp hồ hết... Nhà vua về quán. Sáng mai, ông chủ-quán cho là nhà vua tất chết, gọi người đến quán, toan làm việc thu xác đem chôn! Thấy nhà vua vui vẻ cười nói, liền rảo đến lậy mà thưa rằng: « Cậu sao lại được như thế này? Tất là bậc Thánh-nhân? » Nhà vua xin lấy con gà trắng, giết đi mà tế nó... Gà bị giết rồi, người con gái cũng chết l.. Liền sai người đào núi, bắt được các nhạc khí đời xưa, cùng hài cốt nó. Đem đốt tan ra tro; rắc tung nó ra sông, ngòi... Yêu khí bèn dứt! Từ đó đắp thành chẳng qua nửa tháng mà nên. Rùa vàng từ giã ra về. Nhà vua cảm tạ xin rằng: « Đội ơn của ngài, thành này đã vững. Nếu có giặc ngoài, thì lấy gì chống nó? » Rùa vàng bèn trút vuốt nó, phó cho nhà vua mà rằng: « Nước nhà yên hay nguy, tự có số Trời... Nhưng người cũng nên đề-phòng... Nếu thấy giặc đến, dùng vuốt thiêng này làm lẫy nỏ, quay sang giặc mà bắn tên. Thế là không lo... » Nhà vua sai bề tôi là Cao-Lỗ — có sách chép là Cao Thông —, tạo ra nỏ thần; dùng vuốt làm lẫy. Gọi là nỏ thần ánh thiêng, vuốt vàng.[5] Cao-vương đời Đường sang đánh Nam-Chiếu, quân về qua Vũ-Ninh châu. Đêm chiêm bao thấy người lạ, xưng tên là Cao-Lỗ, nói rằng: « Xưa kia giúp An-Dương-Vương, có công lớn đánh lui quân giặc. Bị lạc hầu dèm pha và bị đuổi đi. Sau khi mất. Chúa Trời thương là kẻ không tội, cho làm Đô thống tướng-quân, coi giữ một giải núi, sông đánh rẹp giặc-cướp. Cùng là các việc mùa-màng, cầy cấy, đều một mình chủ trương cả. Nay đã theo Minh-công đánh tan quân ngỗ-ngược, lại về tới bản bộ. Nếu không cáo tạ, e không phải lễ... » Cao-vương thức dậy. đem nói với các liêu-thuộc Và có làm bài thơ.

« Rằng rặc muôn năm lại.
« Châu Giao đất đẹp riêng!
« Người xưa ta đươc gặp

« Trọn chẳng phụ đài-thiêng (tâm) »![6]

Nhâm-Tý, năm thứ chín,— Năm thứ 7 đời Đông-Chu quân (249 trước T. L.)— Năm ấy nhà Chu (Tầu) mất.

Canh-Thìn, năm thứ ba mươi bẩy — Năm thứ 26 đời Tần-Thủy-Hoàng (221 trước T. L.) Vua Tần gồm cả Sáu Nước, tự xưng là Hoàng-đế. Khi ấy người ở Từ-Liêm trong bộ Giao-Chỉ nước ta, là Lý-Ông-Trọng, mình cao hai trượng ba thước! Lúc trẻ ra làng xóm làm việc phu phen, bị quan trên đánh đòn! Bèn vào làm quan với vua Tần, tới chức Tư-Lệ Hiệu-Úy. Thủy-hoàng được cả thiên-hạ rồi, sai Lý đem quân giữ đất Lâm-Thao. Tiếng-tăm rung động cả rợ Hung-Nô! Kịp khi già, về quê nhà rồi mất. Thủy-hoàng cho là lạ: đúc đồng, làm tượng ông, đặt ở cửa Tư-Mã thành Hàm-Dương. Trong bụng tượng chứa vài chục người, ngầm làm cho tượng biết cựa-cậy. Hung-Nô[7] cho là quản Hiệu-úy sống, không dám phạm,— Triệu Xương đời Đường làm Đô-hộ châu Giao, đêm thường chiêm bao cùng Ông-Trọng giảng nghĩa Truyện Xuân-Thu[8] của họ Tả. Nhân tới thăm nơi nhà cũ hãy còn, bèn lập đền dâng tế Đến đời Cao-Vương phá Nam-Chiếu thường hiển linh giúp cho thắng trận. Cao-Vương sửa lại đền cũ, khắc gỗ dựng tượng gọi là đền Lý Hiệu-úy. Đền ấy ở xã Thụy-Hương (Trèm) huyện Từ-Liêm[9]

Đinh-Hợi, năm thứ bốn mươi tư, — năm thứ 31 đời Tần-Thủy-hoàng (216 trước T. L.) — Vua Tần bắt các kẻ trốn lẩn ở các đạo, các kẻ ở rể các lái buôn, dùng làm lính; sai Hiệu-úy là Đồ-Thư đem những quân chèo thuyền lầu; sai Sử-Lộc đào sông để vận lương; cùng vào sâu miền Lĩnh-Nam chiếm lấy đất Lục-Lương, đặt ra các quận Quế-Lâm — huyện Minh-Quý thuộc Quảng-Tây ngày nay —; Nam-Hải — Quảng-Đông —; Tượng-Quận — An-Nam.[10] Lấy Nhâm-Ngao làm Úy Nam-Hải; Triệu-Đà làm Lệnh Long-Xuyên — một huyện thuộc về Nam-Hải; cùng lĩnh những quân bị đầy, bị đồ, năm mươi vạn người, sang đóng miền Ngũ-Lĩnh.[11] Ngao và Đà liền mưu việc lấn nước ta. — Kẻ ở rể (chuế-tế) là những con trai không có tiền của, đem thân đến gửi nhờ nhà vợ, khác nào cái tật, cái bướu ở mình chúng ta, nó là những cục thịt thừa! (chuế nghĩa là thừa). — Người Lĩnh Nam thường ở đất núi (sơn lục), tính họ bướng-bỉnh (cường lương), nên gọi là « Lục-Lương ».
Tân-Mão, năm thứ bốn mươi tám — Năm thứ 37 đời T. T. h (212 tr. T. L.) mùa Đông, tháng Mười, Tần Thủy-hoàng mất ở Sa-Khâu, Nhâm-Ngao, Triệu-Đà đem quân sang lấn. Đà đóng quân ở núi Tiên-Du[12] huyện Bắc-Giang, đánh với nhà vua. Nhà vua đem nỏ thiêng bắn nó. Đà thua chạy. Khi ấy Nhâm-Ngao đem quân đi thuyền, đóng ở Tiểu-Giang[13] tức bến Đông Hồ ngày nay, phạm đến thần Đất... Mắc bệnh quay về, bảo Đà rằng: « Tần mất rồi! Dùng kế đánh Phán, có thể dựng thành nước... » Đà biết nhà-vua có nỏ thần, không địch nổi lui giữ núi Vũ-Ninh,[14] cho sứ sang giảng-hòa. Nhà vua mừng bèn chia từ Bình-Giang[15]nay là sông Thiên-Đức thuộc Đông-Ngàn — trở sang Bắc thì Đà cai trị; trở về Nam thì nhà vua cai-trị. Đà sai con là Trọng-Thủy vào hầu làm túc-vệ[16] và xin cưới con gái nhà-vua là Mỵ-Châu. Nhà-vua ưng cho. Trọng-Thủy dỗ Mỵ-Châu, xem trộm nỏ thiêng, ngầm làm hỏng lẫy và đổi nó đi. Rồi mượn cớ là về phương Bắc thăm cha, mẹ, bảo Mỵ-Châu rằng: « Ân-tình của vợ, chồng không thể quên nhau được... Nếu hai nước mất sự hòa-hảo, Nam, Bắc trở nên cách biệt, thì khi tôi lại đến đây, làm thế nào mà gặp được mặt nhau? » Mỵ-Châu nói: « Thiếp có chiếc chăn gấm lông ngỗng, thường khoác ở mình. Đi đến đâu sẽ nhổ lông vất xuống ngả đường rẽ, để bảo cho chàng biết... » Trọng-Thủy về, đem thưa với Đà.

Quý-Tỵ, năm thứ năm mươi — Năm thứ 2 đời Tần Nhị-thế (210 trước T. L.) — Nhâm-Ngao ốm sắp chết, bảo Đà rằng: « Nghe đồn bọn Trần-Thắng làm loạn. Lòng dân chưa biết theo đâu. Đất này hẻo-lánh xa-xôi. Ta sợ bọn giặc xâm phạm đến đây, muốn tuyệt đường với chúng, — Đường sang Việt do Tần mở. — tự giữ lấy mình, đợi xem sự-biến ở Chư-Hầu... »

Rồi đó ốm quá, lại nói: « Phiên-Ngu — Nam Thành đời Hán — tựa núi, cách sông; Đông, Tây đều vài nghìn dậm. Người Tần xem cũng sẵn lòng giúp nhau, thế cũng đủ dựng-nước, nổi vua, làm chúa một phương. Các quan đầu các hạt trong quận không ai đáng cùng mưu toan, cho nên thường triệu ông, bảo cho biết thế... » Bèn cất Đà thay mình. Ngao chết, Đà liền truyền hịch cho các cửa Ải Hoành-Phố, Dương-Sơn, Hoàng Khê rằng: « Quân giặc sắp đến! Mau tuyệt đường và họp quân để tự giữ cõi mình! » Hịch tới nơi, các châu, quận đều vâng theo! Thế rồi đem giết hết các quan đầu hạt do vua Tần đặt lên! Cho các người thân thay làm Thái-Thú... Đà cất quân đánh nhà-vua. Nhà-vua không biết lẫy nỏ đã mất, vừa vây-cờ vừa cười rằng: « Đà không sợ nỏ thần của ta sao? » Quân Đà bức đến gần, nhà-vua cất đến nỏ, thì đã gẫy rồi! Liền thua chạy... Cho Mỵ-Châu ngồi lên ngựa, cùng nhà-vua chạy về Nam. Trọng-Thủy nhận giấu lông-ngỗng đuổi theo. Nhà vua đến bãi biển, đường cùng không có thuyền, chèo, luôn miệng kêu: « Rùa vàng! Mau lại cứu ta! » Rùa vàng nhoai lên mặt nước quát rằng: « Đứa ngồi sau ngựa kia chính là giặc đó! Sao chẳng giết nó đi! » Nhà-vua rút gươm toan chém Mỵ-Châu. Mỵ-Châu khấn rằng: « Một lòng trung-tín, mắc lừa người ta! Xin hóa làm ngọc trai, để rửa mối thù nhục-nhã này! » Nhà-vua đành phải chém nàng. Máu chẩy xuống nước, loài trai hớp vào ruột liền hóa ra ngọc trai trong sáng. Nhà vua cầm bẩy tấc sừng văn-tê — thứ sừng tê rẽ nước ngày nay — đi vào biển mất! — Đời truyền nơi ấy tức là cồn Dạ-Sơn thuộc xã Cao-Xá, phủ Diễn-Châu.[17] Trọng-Thủy đuổi kịp, thấy Mỵ-Châu đã chết, khóc nức-nở, ôm xác nàng về chôn ở Loa-Thành, hóa thành tảng ngọc-thạch. Trọng-Thủy thương tiếc Mỵ-Châu, trở về nơi nàng trang-điểm, tắm-gội, tưởng nhớ khôn hàn! Rút lại deo mình xuống đáy giếng mà chết! Người đời sau được ngọc trai ở biển Đông đem rửa bằng nước giếng ấy thì mầu lại càng thêm sáng suốt!...

Sử-thần Ngô-Sĩ-Liên bàn rằng:

Thuyết rùa thần đáng tin chăng? Kể như các chuyện « Đá biết nói; » « Thần giáng ở Hữu-Sần »[18]; thì chuyện này hoặc giả cũng có... Vì là thần thường theo vào người mà làm; nhập vào vật mà nói... Nước sắp lên, thần minh xuống để chứng-giám cho nết hay. Nước sắp mất, thần-minh cũng xuống để xem xét về tội-ác... Cho nên có kẻ nhờ thần mà lên; cũng có kẻ vì thần mà mất... An-Dương-Vương trong việc hưng công đắp thành, có điều tốn-hại đến sức dân, nên thần nhập vào rùa vàng mà bảo. Nếu chẳng phải động lòng vì dân mà đem lời cầu-đảo thì có sao được thế? Thế còn là khá... Kịp khi lo vạ sau mà xin mãi với thần thì ý tư-kỷ đã nổi lên rồi! Ý tư một nẩy là lẽ trời mất theo... Thần có không đem vạ mà deo cho sao được! Câu chuyện phó cho vuốt thiêng, bảo rằng đủ để lui giặc, có lẽ là mầm vạ đó chăng? Khác nào Thần có lệnh ban ruộng đất cho nước Quắc,[18] mà nước Quắc liền mất theo... Về sau quả như vậy, cho hay chuyện gì cũng là theo vào người mà làm cả... Ví-phỏng không có lời nài-xin, cứ theo lẽ phải mà làm, thì biết đâu ngôi nước lại không được lâu dài? Đến như việc lông ngỗng chỉ đường của Mỵ-châu thì vị-tất đã có. Nếu có nữa thì một lần xem thấy còn có thể, sao con gái Triệu-Việt-Vương[19] sau này lại dập theo mà nói đến lần thứ hai? Chắc là người chép sử vì cớ Thục, Triệu mất nước đều do tay con rể, nên nhân một chuyện mà nói cả hai đó chăng? Vậy thì ma làm lở được thành cũng đáng tin chăng? Thưa rằng: Ấy cũng giống chuyện Bá-Hữu tác quái!...[18] Đàng kia lập kẻ kế-tự, ma có nơi về làm yên chuyện. Đàng này trừ hết tinh-khí, ma không chỗ tựa mà hết trò! Đến như Sử chép: An-Dương-Vương mất nước là vì nỏ thần đổi mất lẫy báu; Triệu-Việt-Vương mất nước là vì đâu-mâu rút mất móng rồng[19]; ấy là bịa chuyện để làm cho những món đó trở nên thiêng-liêng đó thôi! Đến như giữ nước, chống giặc, thì đã tự có đạo riêng... Kẻ theo được đạo, sẽ nhiều người giúp mà lên. Kẻ bỏ mất đạo, sẽ ít người giúp mà mất. Nào phải đâu vì những chuyện nọ!...

Trở lên An-Dương-Vương, đầu từ Giáp-Thìn, cuối đến Quý-Tỵ, gồm năm mươi năm.

Phụ chú

  1. Xét ra, nước Thục từ năm thứ 5 đời Thận-Thiến-vương nhà Chu đã bị diệt về nước Tần, làm gì còn có vua nữa? Huống chi còn có các nước Kiển-Vi, Dạ-Lang, Cùng-Tạc, Nhiễm-Bàng (nay đều là đất Vân-Nam) cách nhau hai, ba nghìn dậm, nước Thục có vượt sao được các nước mà gồm nuốt Văn-Lang? Sử cũ chép: « Cháu vua Thục là Phán »; lại chép: « An-Dương-vương họ Thục tên Phán, ​người Ba Thục » Hoặc giả ngoài miền Tây-Nam, bên nước Văn-Lang, có người họ Thục, bèn lầm là vua Thục, cũng chưa biết chừng! Còn bảo là Vua Thục, lại người Ba Thục thì không phải! (K. Đ. V. S. cuốn I)
  2. – Thuộc huyện Đông-Ngàn, tỉnh Bắc-Ninh.— Giao-Quảng-Ký của Hoàng-Tham có chép: « Giao-chỉ có ruộng lạc-điền. Người ăn thuế ruộng ấy, gọi là Lạc-hầu. Các huyện tự xưng là Lạc-tướng. Sau con vua Thục đem quân đánh Lạc-hầu, tự xưng là An-Dương-vương đóng ở Phong-Khê. »
  3. « Giao-chỉ ở đời Chu là Lạc-Việt, ở Tần là Tây-Âu. Vậy Tây-Âu-Lạc lại ở phía Tây Phiên Ngô » (Dư-địa-chí của Cố-Hy-Phùng),
  4. « Nguyên Loa-Thành... bắt đầu đắp từ An-Dương-Vương, vòng quanh chín lần. Lại gọi là thành Khả-Lũ. Trong thành có cung vua An-Dương, nền cũ hãy còn.... » (An-Nam-Chí của C. H. Trưng)
  5. Chuyện này chép theo Lĩnh-Nam Trích-Quái của Vũ-Quỳnh. Giang-Sứ, K. Đ. V. S. Chép là Thành giang-sứ.
  6. Thơ không có vẻ gì là thơ Đường, và lại đặc Việt-Nam nữa!
  7. Một giống người ở vào miền Mông-Cổ, Tân-Cương ngày nay. Hồi xưa đã từng rất ​cường-thịnh, thường quấy rối nước Tầu và đánh tràn sang Âu-Châu. Người Hung-gia-ly (Hongrie) ngày nay tức là dòng dõi giống ấy. Cho nên cả châu Âu chỉ có người nước Hung là thuộc giống da-vàng.
  8. Xuân-Thu, sử nước Lỗ do thày Khổng soạn lại. Theo vào bộ kinh ấy có ba bộ truyện để chua cho thêm rõ nghĩa-lệ cùng sự-thực. Trong ba bộ truyện ấy thì truyện của họ Tả (Tả Truyện), nghĩa là của Tả-Khâu-Minh, một người học trò mù của thầy Khổng, là rõ ràng và được tiếng hơn cả.
  9. « Nguyên Lý-Ông-Trọng mình dài hai trượng ba thước, khí chất đứng-đắn, trì-trọng, khác với người thường. Lúc nhỏ làm huyện-lại, bị viên đốc-bưu đánh đòn, thở dài mà rằng: « Làm kiếp người mà chịu thế này sao? » Bèn vào Trung-quốc, học sử-sách, làm quan ở với Tần... Tần cho là đềm lành. v. v... » (An-Nam-Chí của C. H. Trưng). Đại-Thanh Nhất-Thống-Chí, Quảng-Dư-Ký của Lục-Bá-Sinh. đều chép là Nguyễn Ông-Trọng. — Lâm-Thao, nay là phủ, thuộc Thiểm-Tây.
  10. « Khi ấy nhà Tần hám đất Việt nhiều châu-ngọc, muốn chiếm làm quận, huyện. Bèn lấy các kẻ trốn lẩn, các kẻ ở rể, các con buôn ở các đạo, làm lính... Sai Hiệu-Úy là Đồ-​Thư đem quân ấy. Sử-Lộc thì đào ngòi vận lương. Cùng vào sâu Lĩnh-Nam, cướp lấy đất Lục-Lương, đặt ra Quế-Lâm, Nam-Hải, Tượng-Quận. Cho bọn bị-đầy, bị đồ đóng giữ. Người Việt đều trốn vào rừng rú, không ai chịu để cho người Tần dùng. Ngầm đặt các người giỏi giang làm tướng, đánh người Tần, giết Hiệu-Úy là Đồ-Thư » (K. Đ. V. S. cuốn I) — « Sử-Lộc, tổ tiên nó người Việt. Khi ấy Tần đánh Bách-Việt, sai Hiệu-úy Đồ-Thư lấy lính chia làm năm quân; sai Lộc vận lương: đào cừ cho thông đường chở lương. Lộc bèn từ Dương-Sơn (thuộc Phiên-Ngu) khoi nguồn nước, lấy giòng Bắc sông Tương dập vào sông Sở-Dong làm thành đoạn dưới sông Tường-Kha cho Nam chẩy vào Biển. Việc vận lương khó nhọc, bèn liệu thế làm kè để dẫn nước chẩy ngược ở giữa đám cát-sỏi: Xếp đá làm máng, bắt cho nước sông Tương chẩy rót vào, đi ngược sáu mươi dậm. Đặt ba mươi sáu cửa ngăn. Thuyền vào ngăn nào thì đóng cửa cống ngăn nấy cho nước chứa dần đầy. Cho nên có thể lên được ghềnh cao; xuống được thác dốc... Đā thông thuyền bè, lại lợi cho việc tưới ruộng. Gọi là « cừ-thiêng ». (Lĩnh-Nam Di-Thư của Âu-Đại-Nhâm). « Cừ của đời Tần đào ở cách phía Nam huyện Hưng-Yên, (nay thuộc Quế-châu) hai mươi dậm, gốc từ sông Ly, ở chỗ phía Bắc núi Giá; Tây-Bắc chẩy tới Huyện; Tây-Nam hợp với ​Linh-Cừ năm dậm rồi mới chia làm hai dòng. Xưa Tần sai Ngự-sử là Giám-Lộc đào cừ ấy từ Linh-Lăng tới Quế-Lâm. » (Thái-bình Hoàn-vũ ký). — « Đất cũ Bách-Việt: Từ Thủy-Hoàng-đế nhà Tần gồm có thiên-hạ, phá núi thông đường, lược-định đất Dương-Việt đặt làm Nam-Hải, Quế-Lâm, Tượng-quận. Quảng-Tây ngày nay là Quế-Lâm đời Tần; Quảng-Đông: Nam-Hải đời Tần; Giao-Chỉ: Tượng-quận đời Tần. Hán Vũ-Đế bình Nam-Hải, chia Quế-Lâm của Tần làm đôi là Uất-Lâm và Thương-Ngô; chia Tượng-quận làm ba là Giao-Chỉ, Cửu-Chân, Nhật-Nam; lại cắt ít đất thừa của Nam-Hải, Tượng-quận đặt làm quận Hợp-Phố. Rồi từ huyện Từ-Văn vượt bể cướp lấy hai quận Châu-Nhai, Đam-Nhĩ ở đảo Hải-Nam. Đặt Thứ-sử ở Giao-Châu. Hán chia ra chín quận, so với Tần coi như là nhiều. Nhưng thống-trị nó thì có một viên Thứ-sử châu Giao mà thôi. Đến Ngô mới chia làm hai. Từ đó mới lập có tên Giao và Quảng. Khi ấy Giao thì phủ đóng ở Long-Biên, Quảng thì ở Phiên-Ngu. Khuôn-phép cũng như đời Hán, chỉ có soái-phủ là thay chỗ mà thôi. Đường Cao-Tông mới đặt An-Nam Đô-Hộ-phủ ở Giao-Châu. Trong đời Hoàng-Hựu triều ta (Tống) đặt chức An-phủ-kinh-lược ở Quế-Lâm. Soái-phủ miền Tây bắt đầu từ đấy. Tới nay Bát-Quế, Phiên-Ngu, Long-Biên, đứng sóng nhau như chân vạc, lại trở lại như đời Tần ​xưa ». (Lời đáp thay về đất ngoài Ngũ lĩnh của Chu-Khứ-Phi đời Tống).
  11. Long-Xuyên, nay là đất Tuần-Châu. (K. Đ. V. S. cuốn I) — « Ngũ-Lĩnh là: Đỉnh Đài-Lĩnh ở Đại Dữu, ấy là ngọn thứ nhất trong Ngũ-Lĩnh; đỉnh Kỵ-Điền ở Quế-Dương, ấy là ngọn thứ hai; đỉnh Đô-Bàng ở Cửu-Chân, ấy là ngọn thứ ba; đỉnh Mạnh-Chử ở Lâm-Hạ, ấy là ngọn thứ tư; đỉnh Việt-Thành ở Thủy-An, ấy là ngọn thứ năm » (Nam-Khang ký của Đặng-Đức-Minh). « Ngũ-Lĩnh là Đại-Dữu, Thủy-An, Lâm-Hạ, Quế-Dương, Yết-Dương, đều ở trong cõi hai tỉnh Quảng » (Quảng-Châu ký của Bùi-Uyên) Phương-Dĩ-Trí nói: « Cửu-Chân xa quá! Nên lấy thuyết sau là phải ». Chu-Khứ-Phi nói: « Từ đời Tần mới có chuyện Ngũ-Lĩnh, đều chỉ vào tên núi. Xét ra thì là đường vào Lĩnh-Nam có năm lối mà thôi, không hẳn đã là núi cả. Vậy: một là lối từ Đinh-Châu ở Phúc-Kiến vào Tuần-Mai ở Quảng Đông; hai là lối từ Nam-An ở Giang-Tây qua Đại-Dữu vào Nam Hùng; ba là lối từ Tham-Châu ở Hồ-Nam vào Liên Châu; bốn là lối từ Đạo-Châu vào Hạ-Châu ở Quảng-Tây; năm là lối từ Toàn-Châu vào Tĩnh-Giang ». (K. Đ. V. S. cuốn I)
  12. « Nguyên núi Tiên-Du, có tên nữa là núi Lạn-Kha (mục cán dìu), ở huyện Tiên-Du. Trên có tảng đá bàn-cờ. Tương-truyền có người đánh ​củi xem hai ông tiên đánh cờ, cán dìu mục nát lúc nào không biết! » (An-Nam-chí của C. H. T.)
  13. « Tiểu-giang tức sông nhỏ của phủ Đô-Hộ, sau nói sai là bến Đông-Hồ. Nay không rõ ở đâu » (K. Đ. V. S.)
  14. « Nguyên núi Vũ-Ninh ở châu Vũ-Ninh, trên có ngọn Tỉnh-Thủy. Trên ngọn có con rắn đá, tên là Ngọc Kinh. Vũ-Ninh nay là huyện Vũ-Giang » (An-Nam-chí của C. H. T.)
  15. « Bình-Giang tức sông Thiên-Đức, là nhánh phía Đông của sông Lô, chảy thông xuống sông Bình-Than. Lại có tên là sông Đông-Ngàn. » (K. Đ. V. S. cuốn I).
  16. « Nam Việt-Chí có chép: An-Dương-Vương đóng ở Giao-Châu. Hiệu-Úy Triệu-Đà cất quân đánh. An-Dương-Vương có bậc thần-nhân tên là Cao-Thông giúp-đỡ, làm một chiếc nỏ, bắn một phát giết một vạn quân Việt! Ba phát giết ba vạn người. Đà biết cớ ấy, liền lui về đóng ở Vũ-Ninh, rồi sai con là Trọng-Thủy sang làm con tin, xin thông hiếu. Sau An-Dương-Vương đãi Cao-Thông không tốt. Thông bèn bỏ đi. An-Dương-Vương có con gái là Mỵ-Châu, thấy Trọng-Thủy vẻ người xinh đẹp, bèn tư tình với. Sau Trọng-Thủy dỗ Mỵ-Châu xin xem nỏ thần. Mỵ-Châu cho xem. Bèn làm hỏng lẫy nỏ, lập tức sai sứ về ​báo cho Đà biết, lại cất quân sang đánh. An-Dương-Vương lại bắn nỏ như trước. Nỏ hỏng. Quân lính đều tan chạy. Bèn phá được » (Thái-Bình Hoàn-Vũ-Ký của Nhạc-Sử).
  17. « Đền vua Thục ở núi Mộ-Dạ, xã Hương-Ái, huyện Đông-Thành, tỉnh Nghệ-An. » (K. Đ. V. S.)
  18. a ă â Đều là những chuyện ở Tầu, có chép trong sách Tả-Truyện.
  19. a ă Xem truyện Triệu-Việt-Vương dưới đây.

Lời bàn của kẻ dịch

Theo như giả-thuyết trên kia của tôi thì cái quốc-gia thứ nhất của giống người Bách-Việt tức là nước Việt. Có chép trong các sử Tầu về đời Xuân-Thu. Người Tầu khi ấy vẫn coi người Việt là dân mọi-rợ, chứ không phải cùng giống với họ. Cái nước Việt ấy đã bị diệt về hồi đầu đời Chiến-quốc. Và đến đời Tần thì đã đồng-hóa với dân Tầu rồi. Theo như sử Tầu thì khu-vực của dân Bách-Việt hay Dương Việt về đời Tần chỉ còn gồm có Quảng-Đông, Quảng-Tây và Bắc-Kỳ ngày nay. Ở trong khu-vực ấy, người mình hồi đó đã thành một quốc-gia chưa? Cứ sử cũ, thì cái quốc-gia của chúng ta khi ấy là nước Âu-Lạc của An-Dương-Vương. Câu chuyện An-Dương-Vương, Ngô-sỉ-Liên chắc là dựa theo Lĩnh-Nam Trích-Quái của Vũ-Quỳnh. Mà Vũ-Quỳnh có lẽ lại dựa theo Giao-Quảng-Ký, Thái-Bình-Hoàn Vũ Ký, cùng ít nhiều thần thoại về thành Cổ-Loa cùng đền vua Thục. Thál-bình Hoàn-Vũ-Ký lại chép theo Nam-Việt-Chí. Bộ này chẳng rõ ai viết và từ đời nào? Dù ông vua ấy quả có nữa, thì cũng chỉ cai-trị có nguyên đất Bắc-Kỳ ngày nay. Còn những dân Bách-Việt ở hai tỉnh Quảng khi ấy, có lẽ còn ở vào thời kỳ bộ-lạc.

Nay hãy theo cái giả-thuyết trước của tôi, coi vua Hùng, vua Thục chỉ là những vị tù-trưởng, những quan-lang, phụ-đạo có thế-lực trong nhất thì. Như vậy, Tổ-tiên chúng ta hồi đó chưa ở thành một quốc-gia. Tuy vậy, đã rất giầu có tinh thần dân tộc. Người Tầu gọi dân ta khi ấy là dân Lục-Lượng nghĩa là một giống dân cứng-cổ và bướng-bỉnh. Sử lại chép khi Đồ-Thư vào đất ta, dân ta đều trốn vào rừng rú, không chịu làm tay sai cho giống khác. Lại ngầm cắt người giỏi-giang làm tướng, đánh giết Đồ-Thư. Cho được bình-định đất ta, người Tầu phải dùng đến năm mươi vạn quân! Cuộc phản-kháng ấy chung-quy thất-bại. Duyên-cớ? Có lẽ chỉ là bởi sự tổ-chức rộng-lớn về chính trị chưa có: Những dân bộ-lạc có chống-cự lâu-dài sao được với quân-đội xâm-lăng của một đế-quốc hùng-cường! Đọc sử ta đoạn này, với đọc sử Pháp hồi quân La-Mã sang lấn đất dân Gô-loa, ta thực thấy cùng chung cảm-khái!

Chuyện ông thánh Trèm (Lý-Ông-Trọng) chưa chắc đã có. Nhưng Sử-Lộc với dấu vết « Cừ thiêng » ta phải tin là thật. Với chuyện ấy, ta thấy giống người mình là một giống thông minh và giầu sáng-kiến nữa! Những máng dẫn-thủy ngày nay chưa chắc đã khôn khéo hơn con ngòi vận-lương của chàng họ Sử. Tiếc thay cái thiên tài ấy dân-tộc mình đã không dùng nổi, và để đến nỗi giúp cho địch-quốc.

Lại tiếc thay cái con người ấy; lòng công-danh đã đè át mất tính nòi-giống.

Ngoài những cảm-tưởng kể trên, đối với những thần-thoại về đời này, chắc các bạn cũng thừa hiểu chỉ nên coi là... thần-thoại! Lời bàn « đáng tin » hay « chẳng đáng tin » của họ Ngô đến thế-hệ chúng ta đã không còn thấy có lý-do đứng-đắn nữa rồi!