Đại Việt sử ký toàn thư/Tập I/Ngoại kỷ/Cuốn thứ hai/Triều họ Triệu/Vệ dương Vương

VỆ-DƯƠNG-VƯƠNG

Ở ngôi một năm. — Húy Kiến-Đức, con cả Minh vương, con người vợ bên Việt.

Xã-tắc họ Triệu, Cù-hậu làm cho nghiêng-lệch. Gốc đã nhổ trước, ngọn thì đổ theo!

Khi ấy mùa Đông, tháng mười một, Tể-tướng là Lã-Gia lập Nhà-vua rồi mà quân của Hàn-Thiên Thu đã vào trong cõi, đánh vỡ vài ấp nhỏ. Gia bèn mở đường thẳng, cung-cấp cho lương ăn. Chưa tới Phiên-Ngu, còn cách bốn mươi dậm, mới ra quân đánh bọn Thiên-Thu, giết chết hết! Sai người phong cờ tiết của Sứ bên Hán, để lên trên Ải — tức rẫy núi Đại Dữu. — Khéo tìm lời dối quanh để tạ tội. Đem quân đóng giữ các nơi yếu-hại. Vua Hán nghe tin, sai Phục-ba tướng-quân là Lộ-Bác-Đức ra Quế-Dương xuống sông Hoàng; Lâu-thuyền[1] tướng-quân Dương-Bộc ra Dự-Chương xuống Hoành-Phố; Qua-thuyền[2] tướng-quân Nghiêm — sử lẫn mất họ — ra Linh-Lăng xuống sông Ly; Hạ-lai tướng-quân Giáp[3]sử lẫn mất họ — xuống Thương-Ngô; Trì-nghĩa-hầu Quý[4]sử lẫn mất họ — đem quân Dạ-Lang[5] xuống sông Tường-Kha, đều hội quân đến Phiên-Ngu.

Canh-Ngọ, năm đầu, — năm thứ 6 hiệu N. Đ bên H. (111 tr. T. L.) mùa Đông, Dương-Bộc bên Hán đem chín nghìn tinh-binh, hạ trước được Tầm-Thiểm,[6] phá Cửa-Đá — Gia chất đá ở sông gọi là Cửa-Đá (để chống quân Hán)[7] được các thuyền thóc của ta. Bèn dàng các thuyền ấy lại,[8] đem vài vạn người Việt, đợi Phục-Ba tướng quân là Lộ-Bác-Đức. Bác-Đức vì đường xa đến sau hẹn. Khi tới Phiên-Ngu, hội quân với Lâu-thuyền tướng-quân, được hơn nghìn người, bèn cùng tiến. Khi Dương-Bộc tiến trước đến Phiên-Ngu thì Nhà-vua cùng Gia đều đóng giữ trong thành. Dương-Bộc tự lựa lấy chỗ tiện-lợi, đóng ở mặt Đông-Nam. Lộ Bác-Đức ở mặt Tây-Bắc. Xẩy khi trời tối, Bộc đánh vào được, tung lửa đốt thành. Trong thành vốn nghe tiếng Bác-Đức, trời tối không biết quân nhiều hay ít. Bác-Đức bèn làm trại, sai sứ chiêu kẻ đầu hàng. Đền ban cho ấn, thao, lại thả về cho chiêu lẫn nhau. Lâu-thuyền tướng-quân Dương-Bộc lại đánh riết, đuổi cho xô về trại quân của Lộ-Bác-Đức. Mờ sáng, trong thành đều ra hàng. Nhà-vua cùng Lã-Gia với vài trăm người đêm chạy sang miền biển. Bác-Đức lại hỏi bọn đầu hàng, biết nơi Gia đóng, sai người đuổi theo. Hiệu-úy-tư-mã là Tô-Hoằng bắt được Nhà-vua. Viên quan Lang nước Việt là Đô-Kê — có bản chép là Tôn-Đô — bắt được Gia[9]. Khi ấy quân của các tướng Hạ-Lại, Qua-thuyền cùng quân Dạ-Lang của Trì-Nghĩa-hầu chưa tới nơi mà nước Việt ta đã bị Lộ-Bác-Đức cùng Dương-Bộc dẹp yên rồi — Bấy giờ nước Việt ta sai ba Sứ-giả giắt ba trăm con trâu, đem một nghìn be rượu, cầm sổ hộ ba quận Giao-Chỉ, Cửu-Chân, Nhật-Nam đón đường xin hàng. Lộ-Bác-Đức bèn cho ba sứ-giả làm Thái-Thú ba quận, trị dân như cũ.[10] — Bèn lấy đất ấy chia làm Nam-Hải — quận cũ của Tần, nay là Quang-Đông của Minh, — Thương-Ngô — Đường gọi là Ích châu xưa là Âu Lạc, đất nước Nam ta, — Uất-Lâm, — quận Quế Lâm đời Tần, Hán Vũ-đế đổi ra tên này — Hợp-Phố – Tượng quận đời Tần, thuộc qnận của Liêm-Châu, — Giao-Chỉ, Cửu-Chân, Nhật-Nam, — Tượng quận đời Tần, — Châu-Nhai, Đam-Nhĩ, — đều ở trong biển lớn,— gồm chín quận[11] Từ đó Hán mới đặt Thứ-sử, Thái-Thú.

Lê văn Hưu bàn rằng:

Lã-Gia can Ai-vương và Cù-hậu, bảo đừng cần làm Chư-hầu bên Hán; đừng bỏ các ải ngoài biên; có thể gọi là người biết trọng nước Việt... Nhưng can mà không nghe, thì nghĩa nên đem hết các quan đến Triều-đình, bầy tỏ trước mặt những lẽ lợi, hại về chuyện vua Hán hay vua Việt... Ngõ-hầu Ai-vương và Thái-hậu có cảm động mà hiểu ra chăng? Nếu còn không theo thì nên cáo lỗi, lánh ngôi... Chẳng thế nữa thì theo gương Y, Hoắc, kén riêng một người con Minh-vương lên thay làm vua. Cho Ai-vương được như Thái-Giáp, Xương-Ấp, giữ toàn lấy tính mạng! Như thế thì tiến, thoái mới khỏi lỗi. Nay lại thí vua đi cho thỏa hờn riêng! Lại không biết cố chết giữ lấy nước! Để cho đất Việt chia xé, vào làm tôi người Hán! Như vậy, tội của Lã-Gia thực giết chết cũng còn chưa xứng đáng vậy!

Sử-thần Ngô-Sĩ-Liên bàn rằng:

Ngũ-Lĩnh đối với nước Việt ta, là những ải hiểm trở, những cổng ngõ của một nước! Cũng như Hổ Lao của Trịnh, Hạ-Dương của Quắc... Kẻ làm vua đất Việt cố nhiên nên đặt hiểm để giữ nước, không thể để cho mất được! Họ Triệu một khi không giữ nổi, thế là nước mất, ngôi dứt, đất-đai bị qua phân! Nước Việt ta chia rõ ra, thành hẳn cái thế Nam, Bắc! Sau này tuy có các đế-vương nổi lên, đất hiểm đã mất, khôi phục tất là phải khó! Cho nên Trưng-Nữ-vương tuy có dẹp định được đất Lĩnh-Nam, nhưng không giữ được các cửa ải hiểm trở, nên chẳng bao lâu lại bị diệt; Sĩ-vương tuy lại được toàn thịnh, nhưng đương thời còn vẫn là Chư-hầu, chưa chính vị-hiệu!.. Sau khi mất lại về tay kẻ khác! Rồi Đinh, Lê, Lý, Trần chỉ còn có đất Giao-châu trở sang Nam, không sao lấy lại được cơ-đồ cũ của Triệu Vũ nữa, ấy là đại thế xui nên vậy!

Trở lên họ Triệu từ Vũ-Đế, đầu từ năm Giáp-Ngọ, đến Vệ-Dương-Vương, cuối là năm Canh-Ngọ, gồm năm đời, cộng chín mươi bẩy năm.

Phụ-chú

  1. « Lâu-Thuyền; Ứng-Thiện nói: Khi ấy muốn đánh Việt, phi đường sông không tới, cho nên làm thuyền lớn, trên thuyền đặt nhà lầu nên gọi là lâu thuyền », (thuyền có lầu) (K. Đ. V. S.)
  2. « Qua thuyền: Trương-Án nói: Người Việt đội thuyền lớn ở dưới nước, có cái hại thuồng luồng, nên đặt lưỡi mác (qua) ở dưới thuyền. Vì vậy gọi là qua-thuyền. Thư của Ngũ-Tử-Tư lại có câu : « Qua-thuyền để chở mộc, mác » (K. Đ. V. S.)
  3. « Nghiêm, Thái-bình hoàn-vũ ký chép là Triệu-Nghiêm. Bách Việt Tiên-hiền chí chép là Trịnh-Nghiêm, Điền-Giáp. » (K. Đ. V. S.)
  4. « B. V. T. H. C. chép là Hà-Ri. » (K. Đ. V. S.)
  5. « Dạ-Lang, tên một nước, ở đất Kiện-Vi, Bá Châu ngày nay. Về đời Hán, các nước dân mọi-rợ miền Tây kể có chục! Dạ-Lang lớn hơn cả. Nước ấy ở ngoài đất Thục, Đông giáp Giao-Chỉ, Tây giáp nước Điền (Vân Nam). Đời Hán ​Vũ-đế, Đường-Mông dâng thư có nói: « Quân tinh-nhuệ ở Dạ-Lang có thể được hơn mười vạn. Vượt thuyền sông Tường-Kha, đánh xuất-kỳ bất-ý: Đó là một kế hay để chế-ngự đất Việt »... (K. Đ. V. S.)
  6. Ở phía Tây huyện Thủy-Hưng (Quảng-Đông)
  7. Cách huyện Phiên-Ngu hai mươi dậm về phía Bắc.
  8. K. Đ. V. S. chép là « bèn đẩy đi trước để làm nhụt quân Việt... »
  9. K. Đ. V. S. chép thêm: « Thương-Ngô-vương là Triệu-Quang, cùng họ với vua Việt, nghe tin quân Hán đến ra hàng. Viên Giám quận Quế-Lâm là Cư-Ông giỗ bảo dân Âu-Lạc đều hàng cả. »
  10. Xét ra: Khi trước Triệu diệt Thục, sai hai quan Sứ coi hai quận Giao-Chỉ, Cửu-Chân. Vậy mà đây sử cũ lại chép « ...Ba viên Sứ-giả v. v. » coi thực có vẻ trái-ngược! Tra-trong Thủy-Kinh-chú của Lý-Đạo-Nguyên, có chép: « Năm thứ sáu hiệu Nguyên Đỉnh đời Hán Vũ-đế, đặt hai chức Đô-Úy, đóng ở thành Giao-Châu. Sách chép rằng: Triệu-vương sai hai viên sứ chủ-trương dân hai quận Giao-Chỉ, Cửu-Chân. Sau Hán sai Lộ-Bác-Đức đánh Việt-vương. Lộ Tướng-quân đến Hợp-phố. Việt-vương sai hai sứ-giả đem trăm con trâu, nghìn be rượu, ​cùng sổ hộ dân hai quận để xin hàng. Lộ bèn cho hai Sứ-giả làm Thái-thú hai quận Giao-Chỉ, Cửu-Chân, làm chủ các Lạc-tướng cùng coi dân như cũ ». Vậy nay cải-chính » (K. Đ. V. S.)
  11. « Mỗi quận đều đặt một viên Thái-Thú để cai trị gồm lại là bộ Giao-Chỉ. Tên Giao-Chỉ bắt đầu từ đấy. — Ngô-Thì-Sĩ bàn rằng: « Từ vua Hán-Vũ diệt họ Triệu, lấy đất của họ ấy chia làm chín quận. Châu-Nhai, Đam-Nhĩ ở trong biển, hợp với Giao-Chỉ, Cửu-Chân, Nhật-Nam, cùng Nam-Hải, Uất-Lâm, Thương-Ngô, Hợp-Phố, đều thuộc về bộ Giao-Chỉ, chưa hề có phân biệt. Đến đời Ngô mới chia Giao-Châu đặt ra Quảng-Châu. Đường mới đặt phủ An-nam-đô-hộ đóng ở Giao-Chỉ mà ba quận Giao-Chỉ, Cửu-Chân, Nhật-Nam mới gọi riêng là An-Nam. Chín quận đời Hán đều thuộc về Nam-Việt. Triệu-Đà chuyên-chế đất ấy. Duy ba quận Giao-Chỉ, Cửu-Chân, Nhật-Nam thì dùng ba viên Điển-sứ trông coi. (Nhật-Nam Hán mới tách đặt, câu này lầm). Triệu bị Hán diệt, ba Điển-sứ đem sổ hộ ra đầu hàng. Hán bèn đặt các viên Thú, Úy, mà gọi tóm đất Nam-Việt là Giao-Chỉ. Trong chín quận ấy thì ba quận thuộc Giao-Châu, sáu quận thuộc Quảng-Châu »!

    — Lời phê của vua Tự-Đức: « Xem suốt trước, sau thì đất nước Việt ta đã mất vào Trung-Quốc ​hồ quá nửa! Tiếc thay các bậc vua minh, tôi giỏi các triều, cũng có nhiều bậc là hạng không mấy đời có, mà vẫn không sao thu được tấc đất, tnật là việc rất ân-hận! Chứ chẳng những ngày nay lấy lại bờ-cõi là khó. Thương ôi! » — Tiền Hán địa-lý chí: « Quận Nam-Hải gồm sáu huyện: Phiên-Ngu, Bác-La, Trung-Túc, Long-Xuyên, Tứ-hội, Yết-Dương. Quận- Thương-Ngô gồm mười huyện: Quảng-Tín, Tạ-Mộc, Cao-Yến, Phong-Dương, Lâm-Hạ, Đoan-Khê, Phùng-Thặng, Phú-Xuyên, Lệ-phố, Mãnh-Lăng. Quận Uất-Lâm gồm mười hai huyện: Bố-Sơn, An-Quảng, A-Lâm, Quảng-Uất, Trung-Lưu, Quế-Lâm, Đàm-Trung, Lâm-Trần, Định-Chu, Tăng-Thực, Lĩnh-Phương, Ung-Kê. Quận Hợp-Phố gồm năm huyện: Từ-Văn, Cao-Lương, Hợp-phố, Lâm-Doãn, Chu-Lô. Quận Giao-Chỉ gồm mười huyện: Liên-Thụ, An-Định, Cẩu-Lậu, My-linh, Khúc-Dương, Bắc-Đới, Kê-Từ, Tây-Vu, Long-Biên, Chu-Diên. Quận Cửu-Chân gồm bẩy huyện: Tư-phố, Cực-Phong, Đô-bàng, Dư-Phát, Hàm-Hoan, Vô-Thiết, Vô-Biên- Quận Nhật-Nam gồm năm huyện: Chu-Ngô, Ty-Cảnh, Lư-Dong, Tây-Quyển, Tượng-Lâm. Thương. Ngô, đời Tần thuộc Quế-Lâm, nay là Ngô-Châu. Uất-Lâm đời Tần thuộc Quế-Lâm, nay về đất Quảng-Tây. Nhật-Nam xưa là bộ Việt-Thường; Tần, là đất Tượng-quận; Triệu, thuộc về Cửu-Chân; đến Hán mới đặt tách ra. Ngô, Tấn, Tống ​đều nhân theo. Sau bị Lâm-Ap chiếm mất. Tùy đánh Lâm-Ấp, đặt là Đãng-Châu, rồi đổi ra quận Tỵ Cảnh. Về sau mất về Chiêm Thành. Nay là đất Quảng Bình, Quảng-Trị. Nhan-Sư Cổ nói: « Nhật-Nam nghĩa là ở phía Nam mặt Trời. Tức là nghĩa « mở cửa Bắc để trông ra mặt Trời! » — Châu-Nhai, đến Đường đổi là Nhai-Châu, nay thuộc phủ Quỳnh Châu. Đam nhĩ, Đường đổi là Đam-châu, nay cũng thuộc phủ Quỳnh-châu » (Hải Nam). (K. Đ. V. S.)