Đại Việt sử ký toàn thư/Tập I/Ngoại kỷ/Cuốn thứ hai/Triều họ Triệu/Ai Vương
AI-VƯƠNG
Ở ngôi một năm. Húy là Hưng. Con thứ Minh-vương.
Mẫu-hậu hoang-dâm! Quyền-thần chuyên chính! Hạng vua tầm-thường nhỏ tuổi, dễ mà chịu đựng được sao!
Năm ấy, Nhà-vua đã lên ngôi, tôn mẹ là Cù-Thị làm Thái-hậu. Nguyên khi Thái-hậu chưa lấy chồng, từng tư-tình với người Bá-Lăng là An-Quốc-Thiếu-Quý. Năm ấy Hán sai An-Quốc-Thiếu-Quý lại dỗ Nhà-vua cùng Thái-hậu vào chầu, sánh với Chư-hầu ở trong. Lại sai biện-sĩ là bọn Gián-đại-phu (?) Chung-Quân bầy lẽ thiệt-hơn; dũng-sĩ là bọn Ngụy-Thần giúp mưu quyết-đoán; Vệ-Úy là Lộ-Bác Đức đem quân đóng ở Quế-Dương để đợi Sứ-giả. Khi ấy Nhà-vua tuổi còn nhỏ, Cù-hậu là người bên Hán. Thiếu-Quý đến, lại tư-thông với! Người trong nước biết chuyện, phần-nhiều không theo Thái-hậu. Thái-hậu sợ họ nổi loạn, muốn nhờ oai của Hán. Luôn-luôn khuyên Nhà-vua cùng các quan, xin nội-phụ. Liền nhân sứ-giả nhà Hán, dâng thư xin sánh với Chư-hầu ở trong: Ba năm một lần vào chầu; bỏ các cửa ải ở biên-giới. Vua Hán bằng lòng, cho Nhà-vua cùng Thừa-Tướng Lã-Gia ấn bằng bạc. Lại ban ấn cho các viên Nội-sử, Trung-Úy, Thái-phó. Ngoài ra được tự đặt lấy ân. Trừ bỏ những hình-phạt chổ mặt, cắt mũi ngày trước. Dùng pháp-luật nhà Hán, cũng như Chư-hầu ở trong. Lưu sứ-giả lại giữ việc trấn-phủ...
Kỷ-Tỵ, năm đầu, — năm thứ 5 hiệu N. Đ. bên H. (112 tr. T. L.) — Nhà-vua cùng Thái-hậu sắp sửa hành trang, đem theo khá nặng để làm món vào chầu. Khi ấy Tể-tuớng là Lã-Gia, tuổi đã già, làm tướng qua ba triều vua. Họ-hàng làm quan đứng đầu các huyện hơn bẩy mươi người. Con trai đều lấy Công-chúa. Con gái đều gả cho con, em Nhà-vua, và các tông- thất. Lại thông-gia với Tần-Vương ở Thương-Ngô[1]. Ở trong nước rất được lòng dân, kể còn hơn Nhà-vua! Đã dâng thư can Nhà-vua (về việc xin nội-phụ), Nhà-vua chẳng nghe. Bèn có lòng làm phản, thường cáo bệnh không ra-mắt sứ-giả nhà Hán. Bọn sứ-giả đều để ý đến Gia, nhưng thế chưa giết nổi. Nhà-vua cùng Thái-hậu cũng sợ bọn Gia sinh chuyện trước, muốn cho sứ-giả nhà Hán dùng quyền-mưu để giết bọn Gia. Bèn đặt tiệc rượu mời sứ-giả uống. Các quan to đều ngồi hầu rượu. Em Gia làm tướng đem quân gác ở ngoài cung. Rượu đương uống, Thái-hậu bảo Gia rằng: « Nam-Việt được nội-thuộc là cái lợi cho nước-nhà. Vậy mà quan Tương hình như không thuận, sao vậy? ». Nói thế để chọc tức Sứ-giả. Sứ-giả hồ-nghi cùng nhau giùng-giằng, bèn không ai dám gây sự. Gia xem thấy khác-ý, lập-tức dứng dậy lui ra. Thái-hậu giận, toan cầm giáo lao Gia! Nhà-vua ngăn lại. Gia bèn bước ra, chia lấy lính của em mà về nhà. Cáo không chịu ra mắt Nhà-vua cùng Sứ-giả. Ngầm cùng các đại-thần tính việc làm loạn. Nhà-vua vốn không có ý muốn giết Gia. Gia biết vậy, vì thế mấy tháng không khởi sự. Thái-hậu toan một mình giết Gia, thì sức lại không làm nổi. Vua Hán nghe tin: Gia không vâng-theo mạnh-lệnh; Nhà-vua và Thái-hậu thế cô yếu ớt không ngăn nổi; các sứ-giả nhút-nhát không quả quyết... Lại cho là: Nhà-vua cùng Thái-hậu đã nội-phụ; riêng có Lã-Gia làm loạn, chả đáng việc để nổi quân... Toan sai Trang-Tham đem hai nghìn người đi theo sang sứ... Trang-Tham nói: « Lấy hòa-hảo mà sang, vài người là đủ rồi! Nhưng lấy oai-võ mà sang thì hai nghìn người chả làm được việc gì cả! » Chối không nhận. Vua Hán bèn truất ngôi Tham! Viên Tướng cũ nước Tế-Bắc là Hàn-Thiên-Thu hăng-hái mà rằng: « Lấy một nước Việt nhỏ-xíu!... Lại có mẹ Chúa nó làm nội-ứng... Chỉ một mình viên Thừa-Tướng Lã-Gia là làm hại!... Tôi chỉ xin được ba trăm tay dũng-sĩ, tất chém đầu Gia để về phục mạnh! » Thế rồi vua Hán sai Thiên-Thu cùng em Cù Thái-hậu là Cù-Nhạc đem hai nghìn quân đi sang đất Việt. Lã-Gia bèn hạ-lệnh với trong nước rằng; « Nhà-vua tuổi còn nhỏ. Thái-hậu vốn người Tầu, lại loạn-dâm với Sứ-giả bên Hán! Ý chỉ muốn nội-phụ! Đem hết các của báu của các vua đời trước vào dâng cho Hán để cầu thân! Đem nhiều người đi theo, đi đến Tràng-An lại bán chúng làm tôi-mọi! Cốt lấy lợi nhất-thì, không đoái-hoài gì đến kế muôn đời của giang-sơn họ Triệu!... » Bèn cùng người em đem quân đánh Nhà-vua. Rồi đó thí Nhà-vua cùng Thái-hậu! Giết hết bọn Sứ-giả bên Hán! Sai người báo tin cho Tần-vương ở Thương-Ngô, cùng các quận, các ấp. Lập con Trưởng của Minh-Vương là Vệ-Dương-hầu Kiến-Đức làm vua. Nhà-vua bị hại rồi, thụy là Ai-vương.
Sử-thần Ngô Sĩ-Liên bàn rằng:
Tai-vạ của Ai-vương tuy ra từ Lã-Gia, mà thực thì gây bởi Cù-hậu. Chuyện nữ-sắc có thể lật đổ nhà người, nước người đa đoan lắm! Triệu trẫm nó không thể nhìn thấy trước được. Cho nên các vua đời xưa phải bầy đặt ra lễ cưới xin; phải cẩn thận về đạo vợ chồng; phải chính ngôi trong, ngoài; phải tỏ lẽ ngờ-vực; phải đề phòng sự ra vào, chung đụng; phải dậy đủ điều tứ-đức, tam-tòng... Có như thế, tai-vạ mới không từ đâu mà đến! Ai-vương tuổi nhỏ, không ngăn giữ được người mẹ. Lã-Gia cầm quyền cả nước, há rằng lại không dự biết đến các việc trong, ngoài? Khách bên nước lớn sang, tiếp đãi đã có lễ; ăn ở đã có nơi; hầu hạ đã có người; cung đốn đã có số; sao đến nỗi có chuyện lôi thôi cùng mẫu-hậu? Mẫu-hậu ở trong thâm-cung, không dự đến chuyện ngoài. Dù có việc ra ngoài thì xe cưỡi, tàn che; các phi tần sau, trước theo hầu; sao đến nỗi có chuyện lôi thôi cùng sứ-giả? Bọn Gia, dữ-kỳ dập đám lửa cháy ngàn, giữa cơn đương bốc, sao bằng lấp cơ mầu biến loạn ngay từ ngày chưa sinh? Thế có hơn không? Cho nên nói rằng: « Làm vua người ta mà không biết nghĩa Xuân-Thu, tất mang tiếng gây ra tội-ác! Làm tôi người ta mà không biết nghĩa Xuân-Thu, tất hãm vào vòng cướp nước, giết vua! » Ấy là chuyện Minh-vương, Ai-vương và Lã-Gia!
Phụ chú
- ▲ Theo đây thì dân Bách-Viêt khi ấy lại có một ông chúa nữa là Tần-Vương ở Thương-Ngô. (Thuộc Quảng-Tây ngày nay). Chẳng rõ nước ấy thành lập và diệt vong vào những hồi nào?
Lời bàn của người dịch
Trong Nghìn Lẻ Một Đêm có chép chuyện một vị quỷ-vương thường nhốt vợ vào trong chiếc hòm sắt... Đi đâu chúa Quỷ ta cũng đem hòm đi theo và khi ngủ thì dùng hòm để gối đầu! Vậy mà vẫn không giữ nổi vợ ngoại-tình! Cù-hậu cùng Thiếu-Quý vốn là hoa xưa, ong cũ. Ai-vương lúc ấy còn nhỏ. Cù-hậu cầm quyền thay con, khác nào cũng như Lã-Trĩ cùng Võ-Chiếu. Vậy mà Ngô-Sĩ-Liên lại trách Lã-Gia sao không đề-phòng nổi chuyện dâm-loạn của Cù-hậu! Có khác gì trách các Tể-tướng đời Hán, đời Đường sao lại để cho Lã-hậu, Võ-hậu bôi nhọ sử-xanh không?
Vô-lý hơn nữa là đem những tiếng « mưu phản », « làm loạn » mà gán cho người dân-tộc anh-hùng!...............
Theo tư-tưởng nhà nho nữa, thì hạng vua Kiệt, Trụ chỉ là những tên « độc-phu », ai cũng có quyền đánh giết!
Một ông vua bán nước như Ai-vương, há chẳng là tội-nhân với dân-tộc trong muôn, muôn thuở? Đánh là đáng mà giết là phải! Lã-Gia chỉ là làm cái việc mà thiên-lương chi-bảo, mà quốc-hồn sai-khiến... Buộc cho ông những tội danh này khác, há chẳng phải đã mù-quáng vì tấm lòng tôn-quân quá nô-lệ và không suy-xét?
Nhưng tội-nghiệp! Cho đến sử-thần đời Tự-Đức trong K. Đ. V. S. cũng ngầm công-nhận cái luận điệu thiên-lệch ấy. Ta há trách riêng gì Sĩ-Liên!