Đại Việt sử ký toàn thư/Tập I/Ngoại kỷ/Cuốn thứ ba/Triều Trưng Nữ Vương

TRIỀU TRƯNG NỮ-VƯƠNG

TRƯNG-VƯƠNG

Ở ngôi ba năm.

Nhà-vua rất hùng-mạnh. Đuổi Tô-Định; dựng nước; xưng vương. Nhưng vì là vua đàn-bà, không làm thành được công nghiệp gây lại nước!...[1]

Húy Trắc, họ Trưng, vốn họ Lạc. Con gái Lạc-tướng ở huyện My-Linh quận Phong-Châu. Vợ Thi-Sách ở huyện Chu-Diên.[2]Thi-Sách cũng con Lạc-tướng. Con hai nhà lấy lẫn nhau: Sách « Cương-Mục Tập-Lãm » cho chữ « Lạc » là tên một họ thì lầm.— Đóng đô ở My-Linh.

Canh-Tý, năm đầu, năm thứ 16 hiệu Kiến-Vũ bên Hán (40) — mùa Xuân, tháng Hai, nhà vua khổ vì Tô-Định là viên Thái-Thú đem pháp-luật bó-buộc, và thù Định đã giết chồng mình, bèn cùng người em là Nhị, cất quân đánh hãm thành châu.[3] Định chạy về Nam-Hải. Cửu-Chân, Nhật-Nam, Hợp-Phố đều nổi lên ứng theo.[4] Đánh lấy và bình-định được sáu mươi lăm thành ở Lĩnh-Nam. Tự lập làm vua, mới xưng là họ Trưng.
Tân-Sửu, năm thứ hai, — năm thứ 17 hiệu K. V. bên H. (41) — mùa xuân tháng Hai, ngày Ba mươi, nhật-thực.

Vua Hán, vì họ Trưng xưng vương, cất quân đánh hãm các thành ấp; các quận ở biên-giới khổ-sở vì thế; bèn hạ lệnh cho Tràng-Sa, Hợp-Phố cùng Giao-Châu ta phải sắm xe, thuyền, sửa đường-sá, cầu-cống, khoi sông, ngòi bị ngăn-lấp chứa sẵn lương-thóc; phong Mã-Viện làm Phục-Ba tướng-quân; lấy Phù-Nhạc hầu Lưu-Long làm phó-tướng,[5] sang lấn nước ta.

Nhâm-Dần, năm thứ ba, — năm thứ 18 hiệu K. V. bên H. (42), — mùa Xuân, tháng Giêng, Mã-Viện ven bể tiến sang. Theo núi san hơn nghìn dậm đường, tới trên Lãng-Bạc,[6]phía Tây phố Tây La-Thành gọi là Lãng-Bạc, — đánh với Nhà-vua. Nhà-vua thấy thế-giặc mạnh quá, tự liệu quân mình ô-hợp, sợ chống không nổi, lui giữ Cấm-Khê — sử cũ chép là Kim-khê.[7] — Chúng cũng cho là Nhà-vua đàn-bà, e không thắng nổi giặc, bèn chạy tan. Dòng nước lại bị dứt![8]

Lê văn Hưu bàn rằng:

Trưng-Trắc, Trưng-Nhị là những người con gái, hô một tiếng mà Cửu-Chân, Nhật-Nam, Hợp-Phố cùng sáu mươi lăm thành ở ngoài Ngũ-lĩnh đều thưa! Lập nước, làm vua, dễ như trở bàn tay vậy! Đủ rõ hình-thế nước ta có thể gây nên cơ-đồ Vương, Bá! Tiếc thay trong khoảng hơn nghìn năm từ sau họ Triệu, cho đến trước họ Ngô, bọn con trai đành chỉ cúi đầu, bó tay, làm tôi-tớ người Tầu! Chẳng hề biết xấu-hổ với hai bà Trưng là những người con gái! Thương ôi! Có thể cho là những hạng tự bỏ hoài mình vậy!

Trở lên Trưng-Nữ-vương đầu từ Canh-Tý, cuối đến Nhâm-Dần gồm ba năm.

Phụ chú

  1. Thật là một câu suy-lý rất... vô-lý!
  2. Chu-Diên, tên huyện đặt từ đời Hán, thuộc Giao-chỉ. Đường đổi là Diên-châu; Lê là phủ Tam-Đái, nay là phủ Vĩnh-Tường, Sơn-Tây (K. Đ. V. S. cuốn II)
  3. « ... Đến đâu, như gió lướt đến đấy... » —
  4. « ... Thứ-sử Giao-Chỉ và các Thái-Thú chỉ giữ thoát được thân!.. » (Lời chép thêm của K. Đ. V. S.)
  5. K. Đ. V. S. chép thêm « ... đốc bọn Lâu-thuyền tướng-quân Đoàn-Chí cùng... »
  6. Lãng-Bạc cũng gọi là Dâm-Đàm. Lê đổi tên là Tây-hồ. Tức hồ Tây Hà-Nội ngày nay.
  7. Theo Thủy kinh chú của L. Đ. N.; « Cấm-khê, sách Việt-Chí, chép là Kim-Khê, ở phía Tây-nam huyện My-Linh. » Nam-Việt-Chí của Thẩm-Hoài-Đạo chép rằng: « Trưng-Trắc chạy vào miền trong thác Kim-Khê, hai năm mới bắt được. » Chương-Hoài thái-tử Hiền chua: « Nay là đất huyện Tân-Xương thuộc Phong-Châu. » Coi vậy thì Cấm-khê ở vào hạt Vĩnh-Tường (Sơn Tây), nhưng không rõ đích ở chỗ nào. Sử-cũ cho là ở Châu-Lộc (Nghệ-An) là lầm.
  8. Lời phê của vụa Tự Đức: « Hai bà Trưng lấy là trang mặc xống, cài thoa, vậy mà có được lòng hùng, làm nên việc nghĩa, rung động cả triều-đình vua Hán! Tuy thế non, vận dủi, cũng đủ làm cho hăng-hái lòng người, soi sáng sử xanh! Kìa bọn đàn-ông râu-mày, chịu mặt giầy khép áo thờ người, há chẳng cũng chết vì xấu-hổ? »