Đại Việt sử ký toàn thư/Tập I/Ngoại kỷ/Cuốn thứ ba/Triều Sĩ Vương

TRIỀU SĨ-VƯƠNG

SĨ-VƯƠNG

Ở ngôi bốn mươi năm, thọ chín mươi tuổi.

Vương rộng rãi, nhũn nhặn, lòng người yêu vì. Giữ trọn đất cả nước Việt, để chống với sức mạnh của Ba nước (Tam-Quốc). Đã sáng suốt, lại khôn khéo, đáng kể là một vị chúa giỏi.

Họ Sĩ, húy Nhiếp, tự là Ngạn Uy, người Quảng-Tín, quận Thương-Ngô. Tổ-tiên người Vấn Dương nước Lỗ. Hồi loạn Vương-Mãng bên Tầu, chạy tránh sang đất Việt ta. Sáu đời thì đến Vương. Cha là Tứ, làm Thái Thú Nhật-Nam. Lúc nhỏ du học Kinh-đô bên Hán, theo Lưu-Tử-Kỳ ở Dĩnh-Xuyên, chuyên trị sách Tả-thị Xuân-Thu, có làm lời chua và giải-nghĩa. Được cử là hiếu-liêm, bổ làm chức Thượng-thư-lang, vì việc công mất quan. Sau khi xong tang cha, được cử là mậu-tài, bổ làm chức Lệnh hạt Vu-Dương, rồi thăng làm Thái-Thú Giao-châu, phong tước Long-Độ đình-hầu. Đóng đô ở ... Lâu — tức Long-Biên. — Sau đời Trần truy-phong là Thiện-Cảm, Gia-Ứng-Linh-vũ-đại-vương.

Đinh-Mão, năm đầu, — năm thứ 4 hiệu Trung-Bình bên H (187) — Vương có ba người em là Nhất, Vỉ, Vũ. Khi ấy Thứ-sử là Chu-Phù[1] bị giặc mường giết chết, các châu, quận rối-loạn. Vương bèn dâng biểu, xin cho Nhất làm Thái-thú Hợp-phố; Vỉ[2] làm Thái-thú Cửu-chân; Vũ làm Thái-thú Nam-Hải. Vương lượng rộng-rãi, tính trung-hậu, nhún-nhường trọng kẻ sĩ. Người trong nước yêu-vì, đều gọi là « vương ». Các danh-sĩ nhà Hán, lánh nạn sang nương-tựa, kể có hàng trăm.

Canh-Thìn, năm thứ mười bốn, — năm thứ 5 hiệu Kiến-An đời Hán Hiến-đế Hiệp (200) — Thứ-sử là Lý-Tiến[3] tâu với vua Hán rằng: « Khắp các bến đất, không ai không phải tôi Nhà-vua »! Nay làm quan ở Triều-đình, đều là người các Trung-châu, chưa từng khuyến-khích các người miền xa... » Lời lẽ thiết-tha, vin-dẫn nhiều chứng cớ. Vua Hán liền hạ chiếu, cho châu ta nếu có hiếu-liêm, mậu-tài[4] thì cho được bổ làm trưởng-lại coi các quận, huyện trong châu. Nhưng không được vào cai-trị Trung-châu. Tiến lại dâng sớ, xin cho những hiếu-liêm ở châu ta cử lên, được cùng với các bác-sĩ của mười hai châu, lấy nhân tài mà dự vào việc đối sách. Nhưng các quan coi việc, sợ người phương xa ngông-càn, chê bẻ Triều-đình Trung-quốc, không cho! Khi ấy người nước Việt ta là Lý-Cầm, làm túc-vệ ở điện-đài. Bèn rủ năm, sáu người làng là bọn Bốc-Long, giữa ngày Nguyên-Đán, là ngày muôn nước chầu, họp, phủ-phục trước sân điện mà kêu rằng: « Ơn vua không đều!.. » Các quan coi việc hỏi duyên cớ. Cầm nói: « Nam-Việt xa xôi hẻo lánh, không được trời cao che đến! đất giầy chở đến! Cho nên mưa ngọt không xuống! Gió mát không bay!... » Lời lẽ thiết-tha khổ-sở. Vua Hán hạ chiếu yên-ủi. Và cất của châu ta một người mậu tài làm Lệnh huyện Hạ-Dương; một người hiếu-liêm làm lệnh huyện Lục-Hợp. — Cầm là người Giao-Châu. Sau Lý-Cầm làm đến Tư-Lệ Hiệu-úy, Trương-Trọng làm đến Thái-thú Kim Thành. Thì ra nhân-tài đất Việt ta được cùng tuyển-cử với người Hán là nhờ Lý-Cầm, Lý-Tiến có cách để mở đường cho vậy.[5]Trọng người quận Nhật-Nam. Khi mới vào Lạc-Dương buổi đại-hội ngày Tết Nguyên-Đán, Minh-Đế nhà Tấn hỏi răng: « Quận Nhật Nam thì quay sang Bắc mới thấy mặt Trời sao? » Trọng thưa rằng: « Hiện nay có quận Vân-Trung (Trong Mây) nào phải đâu thực có thế! Đến như khí hậu ấm-áp bóng mặt trời thường ở trên nhân-dân, thì cái đó có... » Xét ra trong hiệu Nguyên-Gia đời Tống-Văn-đế sang Nam đánh Lâm-Ấp. Tháng năm, dựng nêu nhìn xem thì mặt trời ở phía Bắc cây nêu chín tấc một phân. Ở Giao-châu, thì bóng ở phía Nam cây nêu ba tấc ba phân. Giao-châu cách sông Lạc hơn sáu, bẩy nghìn dậm. Cây nêu cứ lấy đường giây thẳng, chắc thấp đi nghìn dậm (?) Năm thứ 11 hiệu Khai Nguyên đời Đường, đo bóng mặt trời ngày Hạ-chí ở Giao châu, thì ở phía Nam cây nêu ba tấc ba phân. Cũng như việc đo trong hiệu Nguyên-Gia. Luận-Hành của Vương-Sung chép rằng: « Quận Nhật-Nam cách Lạc-Dương ngót muôn dậm, vậy ở phía Nam mặt trời! » Lý-Thuyên nói: « Từ An-Nam phủ đến Trường An 7250 dậm ». Mạnh-Quân nói: « Lấy bốn phương tính ra, thì An-nam vừa đúng vào đất cuối của Trung-quốc mà thôi

Sử-thần Ngô-Sĩ-Liên bàn rằng:

Về lời lẽ, người quân-tử không thể đừng được... Xưa kia... Miệt, ví không có lời lẽ, thì trọn đời sẽ cùng nát với cỏ, cây! Lý-Cầm nếu không có lời lẽ thì sao có được dùng ở đời? Mà những nhân tài đặc biệt của đất Việt ta, người Tầu có biết sao được? Lời lẽ không thể đừng được là thế đó chăng? Tuy vậy, đó chỉ là nói về nhân-tài.... Như hạng Nhan, Mẫn (học trò giỏi của thầy Khổng) thì không có những lời lẽ ấy!..

Đinh-Hợi, năm thứ hai mươi mốt, — năm thứ 12 hiệu K. A. bên H (207) — Viên-Huy[6] bên Hán có đưa cho Thượng-thư-lệnh là Tuân-Úc bức thư nói rằng: « Sĩ phủ-quân bên Giao-châu học hỏi đã giỏi và rộng, lại thông hiểu về chính-sự. Ở trong đời loạn lớn, giữ toàn được quận. Hơn hai mươi năm, bờ cõi không có việc; dân không ai thất nghiệp. Những bọn đến ở nhờ, đều được đội ơn. Dù Đậu-Dung giữ yên Hà-Tây, tưởng cũng không sao hơn được thế. Việc quan hơi rỗi, lại xem sách vở. Nhất là về Truyện Xuân-Thu của họ Tả lại càng sành sỏi, kỹ càng. Tôi thường đem những nghĩa ngờ ở trong Truyện mà hỏi, đều riêng có thuyết của các thày, ý tứ rất rõ ràng, kín đáo. Lại hiểu rõ về các nghĩa lớn xưa nay của kinh Thượng-Thư.[7] Anh em đều cai trị các quận, hùng-trưởng trong một châu. Ở riêng muôn dậm, oai quyền không ai hơn nữa. Khi ra vào, rung chuông, gõ khánh, sắp đủ lễ-nghi. Kèn, trống, đàn, sáo..., ngựa, xe đầy đường. Dân Mường đón xe thắp hương, thường có vài chục bọn. Các vợ ngồi trong xe; con, em cưỡi ngựa đem lính theo hầu. Đương thời đều quý-trọng. Trăm giống Mán đều phục oai. Úy-Đà cũng không hơn được!... » — Huy khi ấy ngụ ở Giao-châu. — Kịp khi vua Hán sai Trương-Tân sang làm Thứ-sử,[8]Tân sang nhậm chức vào năm thứ 6 hiện Kiến-An bên Hán. — Tân thích việc lễ bái quỷ-thần, đầu thường trùm chiếc khăn tím; gẩy đàn; đốt hương; đọc sách đạo giáo... Nói là có thể giúp cho việc trị dân! Rồi đó bị tướng bộ-hạ là Khu-Cảnh giết chết. Quan Mục Kinh-châu là Lưu-Biểu sai viên Lệnh Linh-Lăng là Lại-Cung sang thay Tân.[9] Vua Hán nghe tin Tân chết, ban cho Vương tờ tỷ-thư (bức thư có đóng giấu Nhà-vua, tức chiếu thư) rằng: « Giao-châu ở cõi tuyệt xa, Nam liền với các sông, biển; ơn trên không tỏ rõ; nghĩa dưới bị che lấp. Trẫm biết tên giặc ngỗ-nghịch là Lưu-Biểu lại sai Lại-Cung sang ròm-rỏ cõi Nam. Vậy nay cho nhà ngươi làm Tuy-nam-Trung-lang-tướng, chủ-trương đốc-xuất cả bẩy quận, và vẫn giữ chức Thái-thú Giao-châu như cũ... » Vương sai thuộc lại là Trương-Mân, đem đồ cống sang kinh-đô bên Hán. Khi ấy thiên-hạ loạn-lạc, đường lối cách trở, mà Vương không bỏ bổn phận sang cống. Vua Hán lại hạ chiếu, cho làm An-viễn tướng-quân, phong tước Long-độ đình-hầu. Sau quan Thái-Thú Thương-Ngô là Ngô-Cự xích-mích với Lại-Cung, cất quân đánh đuổi. Cung chạy về Linh-Lăng.

Canh-Dần, năm thứ hai mươi bốn, — năm thứ 15 hiệu K. A. bên H. (210) — chúa nước Ngô là Tôn-Quyền sai Bộ-Chất[10] làm Thứ-sử Giao-châu. Chất tới nơi, Vương đem anh, em vâng chịu quyền tiết-độ. Chúa Ngô gia cho Vương chức Tả-tướng quân. Sau Vương sai con là Ngẫm[11] sang làm con tin ở Ngô. Chúa Ngô cho làm Thái-thú Vũ-xương, Còn các con Vương ở miền Nam đều cho làm Trung-lang-tướng. Vương lại giỗ-giành mấy họ Cường-hào ở Ích-châu là bọn Úng-Khải, bảo đem nhân-dân trong quận qua miền Đông xin thuộc về Ngô. Chúa Ngô càng ngợi-khen, thăng làm Vệ-tướng-quân, và phong làm Long-Biên hầu[12]. Vương thường sai sứ sang Ngô, dâng các thứ hương, các thứ vải nhỏ, kể có nghìn; ngọc trai, ốc lớn, lưu-ly, lông trả, đồi-mồi, sừng-tê, ngà voi, các của quý báu ấy cùng các món quả lạ như chuối, dừa, nhãn, vân vân, không năm nào là không đến. Lại cống tất cả đến vài trăm con ngựa. Chúa Ngô viết thư ban cho rất hậu, để đáp lại và khen lao Vương.[13]

Lê văn Hưu bàn rằng:

Sĩ-vương biết đem lòng khoan-dung, trung-hậu, nhún-nhường trọng kẻ sĩ để được người thân-yêu, làm nên sang trọng một thì. Lại rõ nghĩa, biết thời, tuy tài khỏe không bằng Triệu Vũ-đế, mà chịu khuất mình thờ nước lớn, để giữ vẹn cõi-bờ. Có thể gọi là người khôn! Tiếc thay người con nối dòng, không gánh vác nổi nghiệp trước. Để cho đất Việt đã được toàn-thịnh mà lại bị chia-rẽ! Thương ôi!

Bính-Ngọ, năm thứ bốn mươi, — năm thứ 4 hiệu Kiến-Hưng đời Hán Hậu-chúa Thiện, và thứ 5 hiệu Hoàng-Vũ đời Ngô Tôn-Quyền (226) — Vương mất. Nguyên trước Vương mắc bệnh đã chết đi ba ngày. Nguời tiên là Đổng-Phụng cho một viên thuốc, lấy nước ngậm uống, nâng đầu lay động, một lúc liền mở mắt; cất nhắc chân, tay; sắc mặt dần bình-phục lại. Hôm sau ngồi dậy được. Bốn ngày lại nói rõ, rồi đó lại như thường... — Phụng tự là Xương-Dị, quê ở Hầu-Quan (Phúc-Kiến). Việc này chép trong « Liệt-Tiên truyện ».

Sử-thần Ngô-Sĩ-Liên bàn rằng:

Nước ta hiểu Thi, Thư; tập Lễ, Nhạc; thành ra nước văn-hiến, bắt đầu từ Sĩ-Vương. Công-đức Vương chẳng những lan rộng ở đương-thời, mà còn kịp ra đến đời sau, há chẳng lớn lao sao? Người con không ra gì là tội của người con mà thôi! Tục truyền sau khi chôn Vương, đến cuối đời Tần, gồm hơn trăm sáu mươi năm, người Lâm-Ấp vào cướp, đào mả Vương lên, thấy thân-thể và nét mặt như còn sống! cả sợ! bèn lại đắp-điếm lại. Dân quanh miền cho là thần, lập miếu thờ, gọi là « ông Tiên-Sĩ-vương! » Chắc là khí thiêng không nát, cho nên có thể thành thần vậy! — Đền ở nơi thành Long-Biên cũ.

Trở lên triều Sĩ-Vương, đầu từ Đinh-Mão, cuối đến Bính-Ngọ, gồm bốn mươi năm.

Phụ chú

  1. K. Đ. V. S. chép: « Năm Tân-Tỵ, năm thứ 6 hiệu Kiến-An đời Hán Hiến-đế (201), vua Hán cất Trương-Tân làm thứ sử Giao-chỉ. Nguyên trước Thứ-sử là Chu-Phù phần nhiều dùng người làng làm các chức trưởng-lại, hà-hiếp trăm họ, bắt ép dân đóng nặng thuế. Trăm họ oán giận. dấy quân đánh phá châu, quận. Phù chạy vào biển bị dân giết. Vua Hán bèn sai Trương-Tân sang làm Thứ-sử Giao-chỉ.
  2. Theo Ngô-chí, trong « truyện Sĩ-Nhiếp » thì Vỉ nguyên là Huyện-lệnh Từ-Văn (thuộc Hợp-Phố).
  3. Theo sử chép thì Lý-Tiến làm Thứ sử bắt đầu từ năm thứ 4 hiệu Trung-Bình (187). Đến năm thứ 6 hiệu Kiến-An (201) thì Thứ-sử là Trương-Tân. Trước Trương-Tân lại còn một đội Thứ-sử nữa là Chu-Phù. Vậy năm thứ 5 hiệu Kiến An (200), cứ lý mà suy, là lúc Chu-​Phù đương làm Thứ-sử, chứ Lý-Tiến không còn làm nữa. Việc này chắc chép lầm năm. — Theo Bách-Việt Tiên Hiền chí; « Lý-Tiến người ở Cao-Hưng, quận Giao-Chỉ. Sáng suốt hiểu thông Kinh, Truyện, được bổ làm Công-tào trong quận; thăng mãi đến chức Kỵ-đô-úy. Năm thứ 2 hiệu Vĩnh-Hòa, dân Mán ở Kinh-châu (Hồ Bắc) làm phản. Cho Tiến làm Thái-thú Linh-Lăng, đánh phá được. Trong khoảng Trung-Bình, thay Giả-Mạnh-Kiên làm Thứ sử Giao-chỉ, tâu xin cho Giao-chỉ cũng được theo lệ « cống-sĩ » như các Trung-châu. Sau Nguyễn Cầm (tức Lý-Cầm cũng người Giao-châu) do chân mậu-tài làm quan đến Tư-Lệ Hiệu-Úy. Nhân tài Giao-Chỉ được cùng tuyển với các Trung-châu, thực bắt đầu từ Tiến »...
  4. Về đời Hán, chưa có khoa-cử. Hằng năm các quan địa phương, kén những người trong hạt mình cai-trị, ai có tiếng là hiếu và liêm, thì cho vào hạng hiếu-liêm; ai học hành giỏi giang thì cho vào hạng mậu-tài; biên lấy tên họ, dâng về Triều-đình, gọi là « Cống-sĩ » (dâng nộp các kẻ sĩ). Khi dùng người, Triều-đình cứ theo đó mà lựa dùng. Nếu cống-sĩ không phải người xứng đáng thì các quan địa-phương có lỗi.
  5. Xét theo Lĩnh-Nam Di-thư thì: « Trương-Trọng người ở Hợp-Phố, chăm học, khéo nói, là kẻ sĩ có danh-vọng ở Lĩnh-Nam. Thứ-sử cất lên làm việc trong quận Nhật-Nam, đem sổ vào Lạc-​Dương dâng vua Hán. Minh-đế thấy người loắt-choắt, ngạc-nhiên hỏi: « Tên lại nhỏ kia ở quận nào? » Trọng lớn tiếng thưa rằng: « Tôi không phải tên lại nhỏ! Mà là viên lại coi sổ ở Nhật-Nam! Bệ-hạ muốn được người có tài, hay chỉ cốt cân xương đo thịt? » Nhà-vua cho câu đối-đáp khéo! Buổi đại-hội ngày Tết Cả, Nhà-vua hỏi: « Quận Nhật-Nam phải quay sang Bắc mới trông thấy mặt trời sao? » Trọng thưa: « Các quận có quận Vân-Trung (Trong Mây), quận Kim Thành (Thành Vàng), bất tất đều có thế thật! Ở Nhật-Nam, mặt Trời cũng mọc từ Đông! Chỉ có khí-hậu ấm-áp, ngửng trông thường thấy bóng mặt trời; quan, dân làm nhà ở, tùy ý theo hướng nào thì theo: Đông, Tây, Nam, Bắc, quay mặt, quay lưng không nhất định... Nhật-Nam, nghĩa là cõi ấm-áp ở miền Nam, thế thôi! Nhà vua càng quý-trọng, ban cho vàng lụa... » Cứ theo chuyện này, cùng truyện Từ-Trưng, người Lệ-Phố, ở về đời Hoàn-đế nhà Hán, ngày thường vẫn tự đọ mình với Trương-Trọng, thì Trương-Trọng rõ là người về đời Hán Minh-đế. Mà Lý-Tiến làm thứ-sử, còn ở sau Trương-Trọng đến hơn vài chục năm! Sử-cũ về chỗ này, lại chép: « ... Về sau Lý-Cầm..., Trương-Trọng... vân vân », chắc là nhận lầm Hán Minh đế ra Tấn Minh đế. Điều đó thực là sai-suyễn. Vậy nay cải chính. (K. Đ. V. S. cuốn II)
  6. Theo Ngô chí, thì Huy quê ở Trần.
  7. K. Đ. V. S. chép theo « Truyện Sĩ-Nhiếp » trong sách Ngô-chí, thì bức thư của Huy có đến câu này thôi. Từ câu dưới trở đi là lời người chép sử. Tựu-trung hai bên cũng có hơn, kém nhau một, đôi câu không quan-hệ.
  8. K. Đ. V. S. chép thêm: « Quý-vị, năm thứ 8 hiệu K. A. bên H. (203), Hán đặt Giao-chỉ làm Giao-châu. — Nguyên từ đời Thuận-đế, Thái-Thú Giao-chỉ là Chu-Sưởng xin đặt Giao-Chỉ làm Giao-châu, Triều-đình bàn không cho. Đến khi ấy, Thứ-sử là Trương-Tân, Thái-Thú là Sĩ-Nhiếp cùng dâng biểu xin lập làm châu, bèn đặt Giao-chỉ làm Giao-châu, ngang hàng với các Trung-châu, mà cho Tân làm quan Mục Giao-châu. Tên Giao-châu bắt đầu từ đó! »
  9. Ngô-chí chép thêm: « ... Khi ấy Thái-Thú Thương-Ngô là Sử-Hoàng chết. Biểu lại sai Ngô-Cự sang thay, cùng đến với Cung... »
  10. Bộ-chất người ở Hoài-Âm (Lâm Hoài) (K. Đ. V. S.)
  11. Ngẫm, K. Đ. V. S. chép là Hâm.
  12. Từ đó đất Lĩnh-Nam mới thuộc về Tôn-Quyền. (K. Đ. V. S.)
  13. Lời phê của vua T. Đ. « Sĩ-Nhiếp chỉ là một viên Thái-Thú bên Hán mà thôi! Xu-mỵ theo thời, chỉ tìm phương tự tiện! Chả có tài ​mạnh, mưu xa gì cả! Đến nỗi hai đời đã hỏng! Có gì đáng khen! Sử cũ cho là Úy-Đà cũng không hơn, chẳng hóa ra lời nói quá? » — Sĩ-Nhiếp... chưa hề xưng vương. Sử cũ chép riêng là một triều, thật không hợp với nghĩa lệ... (K. Đ. V. S.)

Hết tập thứ nhất